Các đan sĩ – những chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay

Các đan sĩ – những chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay

Thử thách giúp xác tín hơn khi nói về Tin mừng

Trước hết, Đức cha Carballo xác định rằng đời sống đan tu, cũng như mọi hình thức “đi theo Chúa Kitô”, đều đối diện với nhiều thử thách, nhưng các đan sĩ không xem các thử thách như những vấn đề mà ngược lại, là những cơ hội để đời sống của họ có ý nghĩa hơn khi nói về Tin mừng và nuôi dưỡng một đức tin sáng tạo…

Không trốn đời, nhưng bày tỏ gương mặt của Thiên Chúa

Tiếp đến, các đan sĩ không trốn tránh cuộc đời vì cho rằng nó hư hoại, tội lỗi, không thể sống được; nhưng họ chọn sống trong thế giới theo cách thế của Tin mừng để cho người ta nhìn thấy Thiên Chúa. Đắm mình trong sự sâu thẳm của sự hiện hữu con người, các đan sĩ hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa và làm chứng về một cuộc sống, không bị tê liệt bởi những an toàn được tinh thần hóa hoặc mê hoặc, nhưng năng động, hòa nhịp với tất cả các chiều kích của cuộc sống. Khi sống theo Tin mừng, các đan sĩ làm cho Thiên Chúa tình yêu trở nên cụ thể đối với  những người nam nữ trong thời đại chúng ta…”

Chứng tá về cuộc sống hiệp nhất, gặp gỡ, đối thoại

Đức cha Carballo nói rằng vì thời đại của chúng ta bị chi phối bởi sự đề cao tư duy cá nhân, năng lực cá nhân và nhu cầu tự làm, do đó nó cần sự đối thoại, lắng nghe, thinh lặng đích thực, giúp đưa đến sự suy tư, các suy tưởng và hình thành nền văn hóa gặp gỡ. Các đan sĩ được mời gọi hiệp nhất với nhau để làm chứng trong cuộc sống hàng ngày về các tâm tình của Chúa Kitô, để suy nghĩ theo Tin mừng và hành động như Chúa Giêsu. Các đan viện được mời gọi xét lại những điều này và các yếu tố khác để bảo đảm sự hiện diện gặp gỡ của mình bên cạnh những người nam nữ trong thời đại chúng ta.

Làm chứng về vẻ đẹp của thân xác

Trong thời đại này, khi con người thường bị chà đạp và thân xác bị biến thành thứ đồ vật bị thao túng và để sử dụng, thì những người thánh hiến, cũng như những đan sĩ chiêm niệm, được kêu gọi làm chứng tá rằng thân xác không phải là một nơi của tội lỗi. Họ được mời gọi nói về vẻ đẹp của sự hiện hữu được ban nhưng không qua kiệt tác thân thể.

Qua sự hiện hữu của mình, những người thánh hiến và đặc biệt là các đan sĩ trình bày rằng thân xác và những đặc tính của thân xác là đền thờ của Thiên Chúa. Họ dấn thân làm chứng rằng Kitô giáo không chống lại thân xác và các phẩm chất của nó, nhưng làm chứng rằng đó là nơi và không gian Thiên Chúa tỏ hiện chính mình, trong cuộc sống độc đáo của mỗi người. Họ được kêu gọi làm chứng về ​​vẻ đẹp của con người được nhìn thấy nơi thân xác của những người sống hội nhập, có khả năng liên hệ. Họ được mời gọi để bảo vệ con người trong tất cả các khía cạnh của nó.

Làm chứng về sự ổn định, sống chung và tôn trọng nhau

Trong một thế giới bị xé rách bởi các mảnh vỡ, chiều kích chiêm niệm cho thấy khả năng có thể tái dệt lại tấm vải nhân loại cách cá nhân và cộng đồng, nhiều lần bị xé toạc bởi vì sự trống rỗng. Trong xã hội không có quy tắc, nơi cái tôi trở thành thước đo của mọi thứ, cộng đoàn chiêm niệm được kêu gọi làm chứng về ​​vẻ đẹp của sự tự do được thể hiện qua sự tôn trọng đối với mọi người và với thụ tạo khi xây dựng các lợi ích chung…

Đối với việc sử dụng và phung phí thời gian, cộng đoàn chiêm niệm đề xuất sự ổn định của một cộng đồng sống chung với ý nghĩa của cuộc sống được lựa chọn và người ta gắn bó với nó với niềm đam mê, tôn trọng từng người và nhìn nhận những vai trò khác nhau. Cuộc gặp gỡ với Chúa qua lời cầu nguyện cho phép những người chiêm niệm lắng nghe những gì Thánh Linh nói trong đời sống cá nhân và cộng đồng, để có được một cái nhìn chiêm niệm về các sự kiện, về sự trung gian, về lịch sử của con người.

Các cách sống nghèo của các cộng đoàn đan tu

Thứ nhất, các cộng đoàn ít người, đang già đi hay đau yếu, thật sự cảm thấy mình nghèo khó, có thể trưởng thành trong chọn lựa kết hợp với các cộng đoàn khác để trở thành sự hiện diện có ý nghĩa trong Giáo hội, qua lối sống phù hợp với căn tính của người thánh hiến được thực hiện trong việc chuyên chăm cử hành phụng vụ và các mối liên hệ huynh đệ.

Tiếo đến, người nghèo đối với Thiên Chúa là người tín thác nơi Chúa và tự do khỏi tất cả những điều ngăn cản họ sống như Chúa Giêsu. Bằng cách tích lũy vật chất của cải, các cộng đoàn đang ngày càng rời xa nguồn gốc của sự sống, Chúa Kitô và Tin mừng, và mất đi ý thức rằng mình đang ở trong một đan viện. Chỉ sở hữu những gì là cần thiết, bằng cách chia sẻ điều này với người nghèo, đó là tin tưởng vào Thiên Chúa, làm chứng về sự chăm sóc của Đấng Quan phòng, Đấng không bao giờ bỏ rơi nhân loại: làm cho sự gần gũi của Thiên Chúa trong lịch sử con người trở nên hữu hình, Đấng trở nên nghèo nàn như người nghèo.

Từ bỏ và tự do về tinh thần

Các đan sĩ làm thế nào diễn tả sự nghèo khó Tin mừng? Những hình thức nghèo đói và bé nhỏ nào họ được mời gọi khám phá hoặc "phục hồi", để lời khấn khó nghèo thực sự là một chứng tá hữu hình và đáng tin cậy, có ý nghĩa? Đâu là nền tảng sự nghèo khó thực sự của họ? Các đan sĩ tin rằng “là người lữ hành”, được hiểu trên hết là sự từ bỏ và tự do tinh thần, là một đặc tính của ơn gọi chiêm niệm trong thời gian này, khi mà nhiều cộng đoàn phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

Đời đan tu thể hiện mối quan hệ trung thành giữa Thiên Chúa và con người

Trong một thế giới đang mất đi chiều sâu của sự giao tiếp, các đan sĩ được kêu gọi, qua sự hiện diện của mình, làm cho mối quan hệ trung thành của Thiên Chúa với nhân loại trở nên hữu hình. Trong thời đại mà các tiếng nói chồng chéo lên nhau, các đan sĩ có sứ mệnh lớn lao là làm chứng nhân về chiều sâu của cuộc sống, mang lại tiếng nói cho thinh lặng, làm cho thấy chúng ta có thể sống trong sự thanh tĩnh; chính trong thời đại mà, để sống, chúng ta chìm đắm trong sự ồn ào, và để lấp đầy những khoảng trống của sự hiện hữu hoặc tình cảm, không được xác định, người ta điên cuồng chạy từ góc này đến góc kia của trái đất mà không cảm nhận được sự sâu sắc và ổn định của các mối quan hệ. Các đan viện được kêu gọi để trở thành nơi loan báo trước, nơi mà thụ tạo trở thành lời ca ngợi Chúa và phương châm bác ái cụ thể trở thành lý tưởng sống chung của con người và nơi con người tìm kiếm Thiên Chúa mà không bị rào cản hoặc ngăn cản, khi trở thành điểm quy chiếu cho mọi người, và khi mang họ vào trong tim mình và giúp họ tìm kiếm Thiên Chúa.

Hồng Thủy, Vatican

Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican 2016

Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican 2016

Thánh lễ Truyền Dầu

Thứ năm Tuần Thánh, ngày 24.03.2016, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức nhắc lại lời hứa của các linh mục cũng như làm phép thánh hóa các Dầu thánh được sử dụng trong các cử hành Phụng Vụ và Bí Tích.

Đây sẽ là lần đầu tiên, Chương trình Việt ngữ thuộc Đài Phát thanh Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp với thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube của Radio Vatican – Tiếng Việt.

Giờ Thánh Lễ là: 15:30 ngày 24/03/2016 giờ Việt Nam

hoặc là :               1:30 Khuya 24/3/2016 giờ California (Pacific time)

Mời anh chị em cùng hiệp thông tham dự qua hệ thống video Youtube:

https://www.youtube.com/watch?v=mK63_HaTMjs

Jos. Nguyễn Huy Mai

Đài Vatican phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni

Đài Vatican phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni

TIN VIỆT NAM. Trong chương trình viếng thăm Giáo Hội tại Việt Nam, sáng ngày 21-1-2015, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã đến viếng thăm giáo xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa và chủ sự lễ ban bí tích Khai Tâm Kitô giáo cho hàng trăm dự tòng.

Chiều hôm trước đó, 20-1, ĐHY đã gặp Ban tôn giáo chính phủ, rồi được thủ tướng Việt Nam tiếp kiến..

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Roberto Piermarini, trưởng các ban thông tin của Đài Vatican, ĐHY Filoni đã kể lại một số cảm tưởng của ngài:

– Giáo Hội tại Việt Nam là một Giáo Hội rất sinh động. Tôi đã gặp thấy tại Hà Nội này và cả sáng hôm nay (21-1), tại giáo xứ Hòa Bình trong giáo phận Hưng Hóa, một Giáo Hội rất đẹp, rất sinh động, rất khả ái và rất nhiệt thành. Hôm nay trong giáo xứ ấy tôi đã ban phép rửa tội cho hơn 200 tín hữu – người lớn, cả các cha mẹ và trẻ em-. Đó là những tín hữu phần lớn là người dân tộc, sống trong các cộng đoàn ở miền núi. Đó thực là một buổi lễ rất đẹp. Sau khi chịu phép rửa tội, họ được nhận lãnh bi tích Thêm Sức và Thánh Thể. Rồi có một đại lễ cho toàn thể cộng đoàn để đón nhận các anh chị em từ nay là thành phần của Giáo Hội địa phương. Đó là những yếu tố vắn tắt để giải thích vẻ đẹp, sức sinh động của Giáo Hội này và tất cả sự sẵn sàng của họ cùng tiến bước với Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc dấn thân truyền giáo.

H. ĐHY đã được chính quyền Việt Nam tiếp đón như thế nào? Cuộc viếng thăm ca ĐHY có thể là một bước tiến xa hơn nữa trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh hay không?

Đ. Tôi nghĩ và hy vọng là như thế. Với sự ngạc nhiên từ phía tôi, trước tiên tôi đã được Ban tôn giáo chính phủ tiếp kiến, ông trưởng ban và các cộng sự viên của ông, tôi đã gặp Ban tôn giáo chính phủ trong một tiếng đồng hồ, rồi sau đó được thủ tướng Việt Nam tiếp kiến trong 45 phút. Ông là người rất tử tế, ông đã gặp Đức Thánh Cha và vì thế ông có nhắc lại cuộc gặp gỡ với Ngài. Tôi thấy ông là người rất cởi mở, rất sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại đã được khởi sự và dần dần có thể thực hiện những bước tiến. Rồi chiều hôm nay (21-1), tôi cũng có cuộc gặp gỡ hơn 3 khắc đồng hồ với ông bí thư đảng cộng sản ở Hà Nội, và ông cũng là thành viên Ủy ban trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi rất dễ chịu, về lòng quí mến đối với nhân dân Việt Nam, sự dấn thân từ phía các tín hữu Công Giáo. Tôi tái khẳng định rằng đối thoại là yếu tố cơ bản để cảm thông lẫn nhau, và ở căn bản sự đối thoại cần phải có sự quí chuộng. Và sự quí chuộng mà Tòa Thánh có đối với nhân dân Việt Nam cũng được biểu lộ qua tình yêu thương, đó không phải chỉ là một khía cạnh hoàn toàn là hình thức quí mến, nhưng là một tình yêu sâu xa đối với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đối với cộng đoan Kitô. Vì thế, tôi đón nhận những yếu tố tích cực củng tố cuộc đối thoại đã có và dĩ nhiên chúng tôi hy vọng là có thể tiến triển nữa. Đó là đường hướng mà tôi thấy. Tham dự cuộc đối thoại của tôi cũng có Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Đức TGM Girelli Đại diện Tòa Thánh, Đức TGM Hà Nội: tất cả chúng tôi đều có sự ngạc nhiên ấy và ấn tượng tốt về một quan hệ chắc chắn là sẽ còn có thể tăng trưởng”.

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý