Cuộc gặp gỡ đại kết Anh giáo và Công giáo tại Leicester

Cuộc gặp gỡ đại kết Anh giáo và Công giáo tại Leicester

Cuộc gặp gỡ đại kết này được tổ chức mỗi 2 hay 3 năm một lần. Năm nay đến phiên Giáo hôi Anh giáo tổ chức cuộc họp. Các tham dự viên đến đây với tinh thần tôn trọng, tình bạn và sự cộng tác.

Linh đạo, thần học và cùng hiện diện

Mục sư Jeremy Worthen, Tổng Thư ký Ủy ban Quan hệ Đại kết của “Hội đồng Hiệp nhất Kitô hữu” của Giáo hội Anh giáo, chuyên về cải tiến các mối quan hệ với các Giáo hội Kitô, giải thích về cuộc gặp gỡ: “Linh đạo, thần học và cùng hiện diện. Đây sẽ là các yếu tố của cuộc gặp gỡ ở Leicester.”

Chương trình trong 2 ngày tại Leicester là phụng vụ, thảo luận, suy tư  về các điểm của Tuyên ngôn: “Cùng nhau bước đi trên hành trình”. Vào chiều ngày 16 hôm qua, sau cuộc gặp gỡ ngắn, các GM Anh giáo và Công giáo đã họp nhau tại nhà thờ chính tòa Anh giáo để hát kinh chiều. Ngày hôm nay, 17.01, các GM Công giáo sẽ cử hành Thánh lễ tại đan viện Thánh giá của dòng Đaminh; các GM Anh giáo tự do tham dự Thánh lễ nếu muốn. Sau Thánh lễ sẽ có hội thảo và vào ban trưa sẽ có kinh nguyện kết thúc do Giáo hội Anh giáo hướng dẫn.

Gặp nhau, trò chuyện và hiểu nhau hơn

Cuộc gặp gỡ là cơ hội để các GM gặp nhau, trò chuyện và hiểu nhau hơn. Theo mục sư Worthen,  các mục tử gặp nhau để kiến tạo những mối liên hệ và chia sẻ những khó khăn để giúp đỡ nhau. Vì lý do này, các GM được chia thành các nhóm theo vùng địa lý để có thể tìm ra những cách thức cộng tác. Mục sư Worthen cũng nhận định: “Các vấn đề chia cách chúng ta không phải dễ giải quyết, đặc biệt là vấn đề thẩm quyền và giáo hội học, như đã xảy ra từ thời vua Henry VIII. Trong thời đại chúng ta, có một sự nhận thức mới. Bối cảnh mà chúng ta hoạt động là một xã hội bị tục hóa và quan trọng là chúng ta nâng đỡ nhau và cùng nhau suy nghĩ cách thế chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng cách tốt hơn với xã hội chúng ta đang sống.” (SIR 14.01.2019)

Hồng Thủy

Các Giám mục Malawi kêu gọi các bạn trẻ chống lại nạn tham nhũng

Các Giám mục Malawi kêu gọi các bạn trẻ chống lại nạn tham nhũng

LILONGWE – “Các bạn trẻ có thể và phải là những người tiên phong trong việc chống lại hiện tượng tham nhũng tràn lan đang làm suy yếu đời sống xã hội ở Malawi, vốn đã bị thử thách nặng nề bởi sự nghèo đói nghiêm trọng”. Đây là lời kêu gọi của các Giám mục đưa ra trong cuộc họp thường niên của phong trào Young Christian Workers (Ycw) được tổ chức trong những ngày gần đây ở Mangochi. Đặc biệt, các GM khuyến khích giới trẻ tố giác những tệ nạn xã hội bằng năng lượng cần thiết để đưa ra ánh sáng những hành vi sai trái mà họ gặp phải tại nơi làm việc và do đó chống lại tham nhũng.

Đức cha Montfort Stima, Giám mục Mangochi, Phó chủ tịch ủy ban mục vụ của HĐGM Malawi giải thích: "Đa số những người trẻ ngày nay bị giới hạn ở chỗ chỉ nhìn thấy mọi thứ, nhưng lại sợ phán đoán, đáng giá những gì họ thấy bởi vì họ không có can đảm để hành động, chính vì thế những người trẻ cần phải có can đảm nói công khai chống lại cái ác đang lan tràn”. Do đó, các GM kêu gọi là cần phải áp dụng những thái độ được đề nghị theo phương châm của Ycw : «See, Judge and Act; tránh nói một cách công khai về những thực tế không đúng mà bạn gặp trong công việc vì sợ mất việc hoặc vì không muốn đi khác đường lối của bạn bè. Thay vào đó, các bạn nên đánh giá các tình huống và sau đó hành động theo sự phán xét của bạn bằng cách luôn luôn đặt Chúa Giêsu Kitô vào trung tâm của hành động mà bạn đang thực hiện". Theo quan điểm này, ĐGM cũng khuyến khích các bạn trẻ Công giáo can đảm đảm nhận các trách nhiệm trong cộng đồng Công giáo. (L’Osservatore Romano 17-3-2018)

Ngọc Yến

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke

VATICAN. ĐTC đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Peter Ebere Okpaleke, GM giáo phận Ahiara, Nigeria, bên Phi châu, sau 6 năm không thể thi hành sứ vụ vì sự chống đối của hàng giáo sĩ địa phương không cùng bộ tộc.

Hôm 19-2-2018, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke và bổ nhiệm Đức Cha Lucius Iwejuru Ugorji, GM giáo phận Umuahia gần đó làm Giám quản tông tòa, với tất cả năng quyền của một vị bản quyền.

Đức Cha Okpaleke năm nay 55 tuổi (1963) được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm GM giáo phận Ahiara hồi tháng 12 năm 2012 và, sau nhiều khó khăn, đã thụ phong GM vào tháng 5 năm 2013, tuy nhiên ngài không thể về nhận giáo phận được vì hàng giáo sĩ địa phương không cùng bộ tộc Mbaise và không chấp nhận ngài. Giáo phận này có 422 ngàn tín hữu Công Giáo với 73 giáo xứ và 124 LM, nổi tiếng là có nhiều ơn gọi.

Tình trạng bế tắc kéo dài hơn 4 năm trời. Hồi tháng 6 năm ngoái, ĐTC ra lệnh tối hậu cho các LM thuộc giáo phận Ahiara: trong vòng 30 ngày, các LM không vâng lệnh ngài và chấp nhận Đức Cha Okpaleke, thì sẽ bị ngưng chức (xem hình ĐTC tiếp phái đoàn GM Nigeria hồi năm 2017 về Đức Cha Okpaleke). Tuy nhiên tình trạng vẫn bế tắc và thứ hai 19-2 vừa qua, có thông báo về việc ĐTC chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke.

Thông cáo của Bộ truyền giáo cho biết trong tháng 6 và tháng 7 năm ngoái (2017), ĐTC Phanxicô đã nhận được 200 lá thư của các LM thuộc giáo phận Ahiara bày tỏ vâng phục và trung thành. Tuy nhiên, một số LM bày tỏ khó khăn về tâm lý trong việc cộng tác với Đức Cha Okpaleke sau những năm xung đột vừa qua. Xét vì lòng thống hối của các LM, ĐTC không muốn ra hình phạt theo giáo luật và ngài ủy cho Bộ truyền giáo viết thư trả lời cho từng LM; Bộ truyền giáo đã nhắn nhủ mỗi linh mục hãy suy nghĩ về thiệt hại nặng nề gây ra cho Giáo Hội của Chúa Kitô và mong muốn rằng trong tương lai không bao giờ họ tái diễn những hành động vô lý chống đối một vị GM được ĐTC bổ nhiệm hợp pháp; Bộ cũng yêu cầu hàng giáo sĩ hãy thi hành những cử chỉ tha thứ và hòa giải đối với Đức GM.

Bộ truyền giáo

Thông cáo của Bộ truyền giáo cũng cho biết: ĐTC biết ơn tất cả những LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân đã bày tỏ sự gần gũi với Đức Cha Okpaleke và nâng đỡ Người bằng kinh nguyện. Ngài cũng cám ơn các GM trong HĐGM Nigeria đã nâng đỡ Đức Cha Okpaleka, đặc biệt là ĐHY John Onaiyekan vì đã đảm nhiệm chức vụ Giám quản Tông tòa giáo phận Ahiara trong những năm qua, Đức TGM Ignatius Kaigama, Chủ tịch HĐGM Nigeria…

Bộ cũng nói rằng hiện thời ĐTC không có ý bổ nhiệm một GM mới cho giáo phận Ahiara, nhưng ngài tiếp tục quan tâm đặc biệt đối với giáo phận này, bằng cách mời gọi giáo phận hãy cộng tác với Đức Cha Lucius Ugorji, GM giáo phận Umuahia, tân giám quản Tông Tòa giáo phận Ahiara.

ĐTC cầu nguyện và đồng hành trong giai đoạn mới của giáo phận này, và cầu mong rằng với vị tân Giám quản Tông Tòa, đời sống Giáo Hội được hồi phục và không bao giờ xảy ra những hành động làm thương tổn Thân Mình của Chúa Kitô.

Mặt khác, Đức cha Okpaleke cũng công bố thư mục vụ ngày 14-2-2018 gửi các tín hữu giáo phận Ahiara để thông báo việc từ chức. Ngài kể lại rằng cho đến nay không một đại diện hợp pháp nào của Giáo Hội Công Giáo đã được đến nhà thờ chính tòa và tòa GM của giáo phận Ahiara.. Thái độ của các LM và tín hữu từ chối việc bổ nhiệm này, theo ý Đức Cha, chính là từ khước không để Chúa Thánh Linh hoạt động, và càng không chấp nhận vị GM đã chọn khẩu hiệu GM: ”Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.

Thư của Đức Cha Okpaleke có đoạn viết: ”Ý thức tất cả điều nói trên, tôi đi đến xác tín rằng nếu tiếp tục làm GM Ahiara thì không có lợi ích cho Giáo Hội.. Tôi không nghĩ rằng việc tông đồ của tôi sẽ hữu hiệu tại một giáo phận, nơi mà một số LM và giáo dân không sẵn sàng đối với tôi. Vì thế, vì thiện ích của Giáo Hội và của giáo phận Ahiara cách riêng, tôi đã khiêm tốn xin ĐTC chấp nhận đơn từ chức của tôi như GM giáo phận Ahiara. Tôi thi hành việc làm này, nghĩ tới ích lợi của tất cả các tín hữu ở Ahiara, nhất là những ngươi vẫn trung thành với Giáo Hội, tại một giáo phận địa phương đang bị một số LM kiểm soát..” (Rei, Fides 19-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

ĐHY Giuse Trần Nhật Quân (Courtesy pic. from AP)

VATICAN. Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, bác bỏ những tin nói rằng có sự cách biệt về tư tưởng và hành động giữa ĐTC và các cộng sự viên của Ngài trong giáo triều Roma về các vấn đề Trung Quốc.

Trong thông cáo công bố chiều ngày 30-1-2017, Ông Greg nói:

”ĐGH liên tục tiếp xúc với các Cộng tác viên của Ngài, đặc biệt là Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về những vấn đề Trung Quốc, và được họ thông báo một cách trung thực và chi tiết về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cũng như về những diễn tiến đối thoại hiện nay giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc, và ngài đặc biệt quan tâm theo dõi. Vì thế, thật là điều gây ngạc nhiên và đáng tiếc, từ phía những người của Giáo Hội, có những khẳng định trái ngược và qua đó tạo nên hoang mang và tranh luận”.

Trong những ngày vừa qua, báo chí quốc tế đưa tin ĐHY Giuse Trần Nhật Quân nguyên GM Hong Kong, đã công bố một thư ngỏ nói rằng trong buổi tiếp kiến riêng dành cho ngài hôm 24-1 vừa qua, ĐGH Phanxicô đã chống lại việc yêu cầu 2 GM thầm lặng ở Trung Quốc từ chức để nhường chỗ cho 2 GM do Nhà Nước Bắc Kinh ủng hộ. Việc làm này do phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đưa ra.

Những lời của ĐHY Giuse Quân ngụ ý phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đã hành động ”sau lưng” ĐTC và trái với ý muốn ngài.

2 GM thầm lặng bị yêu từ chức thuộc giáo phận Sơn Đầu (Shantou) tỉnh Quảng Đông và Mân Đông (Mindong) tỉnh Phúc Kiến. 2 GM mà nhà nước Trung Quốc nhìn nhận, theo báo chí, là những GM chịu chức bất hợp pháp (Rei 30-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Parolin bênh vực thương thuyết với Trung Quốc

Đức Hồng Y Parolin bênh vực thương thuyết với Trung Quốc

ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bênh vực việc Tòa Thánh thương thuyết với Nhà Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng thông tin Vatican Insider, truyền đi hôm 31-1-2017, ĐHY Parolin như trả lời cho những phê bình của ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, nguyên GM Hong Kong, cho rằng Vatican ”đầu hàng Nhà Nước Trung Quốc” khi ép 2 GM thầm lặng phải nhường chỗ cho 2 GM bất hợp pháp được Nhà Nước Trung Quốc công nhận.

ĐHY Parolin giải thích rằng cuộc đối thoại của Tòa Thánh với Bắc Kinh nhắm giúp các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc ”cảm thấy mình hoàn toàn là Công Giáo và đồng thời hoàn toàn là Trung Hoa.. Tòa Thánh tìm kiếm một tổng hợp chân lý và một con đường có thể thực hành được, điều này cần có thời gian và kiên nhẫn. Trong viễn tượng đó, có thể một số người cần phải hy sinh vì thiện ích của Giáo Hội”.

Theo ĐHY Parolin, ở Trung Quốc không có 2 ”Giáo Hội Công Giáo”, nhưng có 2 cộng đồng tín hữu được kêu gọi hòa giải với nhau qua những giải pháp mục vụ thực tế. Để được như thế, có thể cần yêu cầu một số người chịu một hy sinh, lớn hay nhỏ.. ”Mặc dù tất cả không rõ ràng hoặc có thể hiểu được ngay, nhưng cần phải hoạt động trong tinh thần vâng phục con thảo đối với ĐTC”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Quốc vụ khanh không nói rõ đối tượng của sự hy sinh và ai được yêu cầu hy sinh. Nhưng theo báo chí, ĐHY ám chỉ rõ ràng tới những lời trách cứ của ĐHY Trần Nhật Quân về việc Vatican đã yêu cầu các GM hợp pháp hầm trú từ lâu đã 75 tuổi là tuổi về hưuu, nhường chỗ có các GM công khai không được Tòa Thánh nhìn nhận.

ĐHY Parolin tái khẳng định rằng ĐTC đích thân theo dõi những tiếp xúc với chính quyền Trung Quốc. Tất cả các cộng sự viên liên hệ trong vấn đề này đều hành động hòa hợp với ĐTC (Cath.ch 20180131)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota

VATICAN. ĐTC đề cao tương quan giữa lãnh vực lương tâm và các vụ án cứu xét hôn phối vô hiệu, và cảnh giác đừng phản bội lương tâm.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-1-2018, dành cho các vị thẩm phán tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới.

Ngài nói: ”Mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh vực lương tâm và lãnh vực các vụ xét xử hôn phối mà anh em thi hành hằng ngày, đòi anh em phải tránh làm cho việc thực thi công lý bị thu hẹp vào một hoạt động bàn giấy thuần túy. Nếu các tòa án của Giáo hội rơi vào cám dỗ ấy, thì sẽ phản đội lương tâm Kitô. Chính vì thế, trong các vụ xét xử vắn tắt các vụ án hôn phối, không những tôi đã qui định rằng cần làm nổi bật minh bạch vai trò canh chừng của GM giáo phận, nhưng đồng thời cũng nêu bật sự kiện chính GM là thẩm phán bẩm sinh trong giáo phận được ủy thác cho ngài, vì thế GM xét xử ở cấp 1 những vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Chúng ta phải làm sao để lương tâm của các tín hữu gặp khó khăn về hôn nhân đừng khép kín đối với một hành trình ơn thánh. Chúng ta có thể đạt tới mục đích đó bằng sự đồng hành mục vụ, với sự phân định lương tâm (Xc Amoris laetitia) qua các hoạt động của các tòa án hôn Phối” (Rei 29-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục

Đức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục

VATICAN. Sáng ngày 3-11-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 15 Hồng Y và 137 GM qua đời trong 12 tháng qua, trong đó có 3 GM Việt Nam.

 

Ba GM Việt Nam là Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên GM Nha Trang qua đời ngày 2-2 năm nay, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết qua đời ngày 1 tháng 3, và Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám Mục Thái Bình, qua đời ngày 5 tháng 10 mới đây. Ngoài ra có 7 GM ở Hoa Lục.

 

Đồng tế với ĐTC có 40c HY và 30 GM hiện diện ở Roma, với trước sự tham dự của hơn 1 ngàn tín hữu.

 

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc thánh lễ, ĐTC mời gọi mọi người hãy tin tưởng và hy vọng đứng trước cái chết, tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Ngài nói:

 

”Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng nơi sự phục sinh làm cho chúng ta trở thành những con người hy vọng và không tuyệt vọng, những người của sự sống chứ không phải của sự chết, vì chúng ta được an ủi nhờ lời hứa sự sống đời đời, có cội rễ nơi sự hiệp nhất với Chúa Kitô phục sinh”.

 

”Niềm hy vọng ấy giúp chúng ta có thái độ tín thác đứng trước cái chết. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng sự chết không phải là lời nói cuối cùng, nhưng chính tình yêu thương xót của Chúa Cha biến đổi và làm cho chúng ta được sống tình hiệp thông vĩnh cửu với Chúa”.

 

ĐTC cũng nhắc đến các Hồng Y và GM đã giã từ chúng ta sau khi phục vụ Giáo Hội và Dân Chúa đã được ủy thác cho các vị, trong viễn tượng vĩnh cửu. Ngài nói: “Trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì việc phục vụ quảng đại của các vị dành cho Tin Mừng và Giáo Hội, dường như chúng ta được nghe lập lại với Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Niềm hy vọng không đánh lừa” (Rm 5,5). Thiên Chúa là Đấng tín trung và niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa không phải là hư vô. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho các vị, để họ cũng được tham dự bữa tiệc vĩnh cửu, họ đã nếm hưởng trước trong cuộc lữ hành trần thế này” (Rei 3-11-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Nguyễn Văn Trâm

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Nguyễn Văn Trâm

VATICAN. Hôm 6-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC đã nhận đơn từ chức GM chính tòa giáo phận Bà Rịa của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.

Đức GM Phó Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đương nhiên lên kế nhiệm theo giáo luật.

Hôm 6-5-2017, cũng là ngày Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám Mục. Thánh Lễ tạ ơn đã được ngài cử hành lúc 9 giờ 30 tại nhà thờ chính tòa Bà Rịa. Đồng tế thánh lễ có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, và 16 Giám mục khác, cùng với đông đảo LM. Cuối lễ Đức TGM Girelli cũng thông báo quyết định của ĐTC nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Tôma Trâm.

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm sinh cách đây 75 năm tại Phước Tuy ngày 9-1 năm 1942, thụ phong linh mục năm 1969. Ngài du học Roma và đậu tiến sĩ giáo luật. Ngày 6-5 năm 1992, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Cách đây 12 năm, ngày 22-11 năm 2005, khi Tòa Thánh thành lập Giáo phận Bà Rịa, Đức Cha được bổ nhiệm làm GM tiên khởi của giáo phận này, một địa phận hiện có hơn 261.535 ngàn tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, với 84 giáo xứ và 190 LM.

Sau khi Đức Cha Vũ Duy Thống ở Phan Thiết qua đời ngày 1-3-2017, Đức Cha Tôma Trâm được Tòa Thánh cử kiêm nhiệm chức vụ Giám quản Giáo phận Phan Thiết.

– Đức Tân GM chính tòa Bà Rịa, Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, năm nay 65 tuổi, sinh ngày 2-1 năm 1952 tại Bình Trước, Giáo phận Xuân Lộc, thụ phong linh mục năm 1980. Sau đó ngài lần lượt làm Cha sở giáo xứ Bình Sơn trong 10 năm (1981-1991), rồi 10 năm làm cha sở Giáo xứ Phước lễ (1991-2001), đồng thời làm Quản hạt Bà Rịa trong 4 năm (1994-2001).

Năm 2001, cha sang Pháp du học trong 5 năm, và đậu cao học thần học tín lý tại Đại Học Công Giáo Paris. Trở về nước năm 2006, Cha Nguyễn Hồng Sơn làm giám đốc tiểu chủng viện thánh Tôma ở Bà rịa, ba năm sau, 2009, Cha làm Tổng thư ký Hội đồng linh mục giáo phận Bà Rịa và năm 2011 được bổ làm Tổng đại diện của giáo phận này.

Ngày 27-11 năm 2015, cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó tại Bà Rịa.

Trong buổi lễ hôm qua (6-5) tại Nhà Thờ chính tòa Bà Rịa, Đức TGM Girelli Đại diện Tòa Thánh, cũng loan báo sự kế nhiệm của Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn và cầu chúc giáo phận luôn hăng say, tươi trẻ, như một giáo phận trẻ nhất của Giáo Hội tại Việt Nam.

Đức Cha Nguyễn Văn Trâm đã trao gậy mục tử cho Đức GM kế vị và dẫn đến ghế GM tại Nhà Thờ chính tòa. (PN, HT 6-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

ROMA. Chiều thứ Năm Tuần Thánh, 13-4-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân tại Nhà Tù Paliano, cách Roma khoảng 65 cây số.

Nhà tù này thuộc tỉnh Frosinone ở miền nam Roma, và thuộc giáo phận Palestrina, có hình dáng như một pháo đài, và từng được dùng làm nhà giam trong thế kỷ 18 khi còn Nước Tòa Thánh. Hiện nay, Paliano là một nhà tù đặc biệt, một trung tâm cải huấn duy nhất ở Italia giam những người gọi là ”các cộng tác viên công lý”, tức là những người phạm pháp sẵn sàng cộng tác với nhà chức trách tư pháp vì thế họ được bảo vệ chống lại sự trả thù của những kẻ bất lương khác. Ngoài ra, một phần nhà tù này được dùng làm ”dưỡng đường tư pháp” dành cho các bệnh nhân bị bệnh lao phổi.

Tại đây hiện có khoảng 74 tù nhân, trong đó hơn 50 người là ”cộng tác viên công lý”, phần còn lại là các tù nhân bệnh nhân đang được điều trị. Tại đây có 51 cảnh sát nhà giam, 15 nhân viên quản trị và giáo dục.

ĐTC rời Vatican lúc 3 giờ chiều và đến nơi, ngài thăm hỏi và làm lễ với nghi thức rửa chân cho 12 tù nhân, trong đó cũng có 3 phụ nữ và một người Hồi giáo. Tù nhân này sẽ chịu phép rửa tội vào tháng 6 tới đây. Có 6 tù nhân người Ý, trong số này có 2 người bị kết án tù chung thân, một người Argentina và 1 người Albani, tất cả những người khác sẽ mãn án tù trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2073.

Đức GM giáo phận Palestrina cho biết ĐTC muốn ở riêng với các tù nhân như trong một gia đình, nên thánh lễ và cuộc viếng thăm các tù nhân không được trực tiếp truyền hình cũng như không có đại diện của giáo quyền và chính quyền. Cả Đức GM địa phương, ông thị trưởng và tỉnh trưởng đều không được mời hiện diện. Tuy nhiên, đài phát thanh Vatican trực tiếp truyền đi bài giảng ứng khẩu của ĐTC trong thánh lễ, từ lúc 17 giờ 05 đến 18 giờ. (SD 13-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

VATICAN. Thêm một bước tiến xích lại gần nhau giữa Huynh Đoàn thánh Piô 10 và Tòa Thánh: ĐTC Phanxicô cho các vị bản quyền địa phương được cho phép các LM giáo phận chủ sự lễ nghi hôn phối cho các tín hữu theo Huynh đoàn này, dù tình trạng giáo luật của Huynh đoàn chưa được giải quyết.

Quyết định trên đây của ĐTC được trình bày trong thư của vị Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, là ĐHY Gerhard Mueller, gửi các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10, là nhóm đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo từ cuối tháng 6 năm 1988 sau khi vị sáng lập Huynh đoàn là Đức TGM Marcel Lefebvre truyền chức cho 4 GM mà không có phép của ĐGH.

ĐGH Biển Đức 16 đã giải vạ tuyệt thông cho các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10 để tạo điều kiện cho sự thương thuyết tái lập sự hiệp nhất và xác định vị thế giáo luật của Huynh đoàn trong Giáo Hội.

 rong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã cho phép các LM của Huynh đoàn thánh Piô 10 được giải tội thành sự cho các tín hữu. Nay ĐHY Mueller cho biết ĐTC quyết định cho phép các vị Bản quyền địa phương (Giám Mục, Tổng Đại diện, Đại diện Giám Mục) được cho phép cử hành hôn phối cho các tín hữu theo hoạt động mục vụ của Huynh đoàn thánh Piô 10 theo thể thức như sau:

Phép đó có thể ban cho một LM thuộc giáo phận, hoặc một LM hoàn toàn hợp lệ, cử hành hôn phối theo nghi thức bí tích vào đầu thánh lễ, trong phụng vụ cũ, tiếp theo đó, một linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ.

Nơi nào không có LM giáo phận có thể chủ sự nghi thức hôn phối cho hai bên, thì vị Bản quyền có thể trực tiếp ban năng quyền cần thiết như thế cho linh muc của Huynh đoàn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, và yêu cầu vị ấy gửi đến tòa GM sớm hết sức chứng chỉ và tài liệu về viẹc cử hành bí tích hôn phối như thế” (SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp HĐGM quốc tế thánh Cirilo và Metodio

Đức Thánh Cha tiếp HĐGM quốc tế thánh Cirilo và Metodio

VATICAN. Sáng 30-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến 9 GM thuộc HĐGM quốc tế thánh Cirilo và Metodio nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Hội đồng này được ĐGH Gioan Phaolô 2 thành lập năm 2004 và qui tụ các GM thuộc 6 giáo phận ở Cộng hòa Serbi, 2 giáo phận tại Montenegro, 2 tại Macedonia và một miền Giám quản Tông Tòa Kosovo, với số tín hữu Công Giáo tổng cộng là 535 ngàn người, đông nhất tại Cộng hòa Serbi với 430 ngàn, tiếp đó là tại Kosovo 70 ngàn. Cộng hòa Montenegro chỉ có 22 ngàn tín hữu Công giáo, sau cùng là 15 ngàn tín hữu tại Macedonia.

Đây là Hội đồng GM thứ 3 được ĐTC Phanxicô tiếp kiến trong năm nay, sau các Ailen và các GM Lào – Campuchia. Khác với trước kia, sau các cuộc tiếp kiến, không có bài huấn dụ trên giấy tờ của ĐTC dành cho các GM liên hệ. Vì thế, nếu các GM không kể lại trong các cuộc phỏng vấn hoặc họp báo, thì dư luận không được biết về nội dung cuộc trao đổi giữa ĐTC và các Giám Mục.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 30-1-2017 Đức Cha Ladislav Nemét, GM giáo phận Zrenijanin ở Serbi, cho biết vấn đề làn sóng di dân, hòa giải và tình trạng Giáo Hội trong vùng Balcan thuộc vào số những vấn đề được bàn đến với các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh trong cuộc viếng thăm tại Vatican.

Tại Serbi, sự cộng tác và quan hệ đại kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Chính Thống rất tốt. Nhưng ở bình diện thấp hơn, sự cộng tác gặp khó khăn, tuy có những tiếp xúc cá nhân. Tại Kosovo, việc đối thoại liên tôn quan trọng hơn vì người Công giáo sống giữa đa số dân theo Hồi giáo. Tại Montenegro và Macedonia, có khó khăn giữa các tín hữu Công Giáo thiểu số và Giáo Hội Chính Thống. Chính thống tại hai nước này được thành hình với sự trợ giúp quan trọng của Nhà Nước.

Gần đây, các GM đề nghị Tòa Thánh phân HĐGM 4 nước vùng Balcan, không những vì lý do ngôn ngữ nhưng vì các hệ thống pháp luật của 4 nước rất khác nhau. Tại Serbi, Giáo Hội có quyền giảng dạy giáo lý tại các trường tiểu học và trung học. Tại Montenegro chính phủ đã ký kết hiệp định cơ bản với Tòa Thánh, trong khi tại 3 nước còn lại thì không có như vậy.

Đức Cha Nemét cho biết viễn tượng hòa giải giữa người Croát và Serbi, cũng như giữa người Serbi và Albani (chiếm đa số dân tại Kosovo) vẫn còn rất xa vời. (SD 30-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục Ireland

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục Ireland

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến 30 GM thuộc 4 giáo tỉnh của Ireland, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Sau cuộc gặp gỡ, các GM đã mở cuộc họp báo tại trụ sở đài Vatican và cho biết buổi tiếp kiến là một cuộc nói chuyện như trong gia đình trong đó tất cả các vấn đề được bàn đến: từ sự sống cho đến gia đình, từ nạn nghèo đói cho đến giáo dục, cả vấn đề các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do một số giáo sĩ và tu sĩ gây ra trước đây cũng được nói đến.   Về vấn đề này, Đức TGM Diarmuid Martin của giáo phận thủ đô Dublin, Phó Chủ tịch HĐGM Ailen, nói rằng: ”Những vụ lạm dụng tính dục xảy ra giữa lòng Giáo Hội ít hơn so với mức độ toàn thể xã hội Ireland, nhưng có sự khác biệt về mức độ trầm trọng, vì một vụ lạm dụng trong Giáo Hội, nơi mà chính Chúa Giêsu đã đặt trẻ em như dấu chỉ Nước Thiên Chúa, có mức độ nặng nề và tiêu cực hơn so với những lạm dụng xảy ra trong xã hội”.

Về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Ireland, Đức TGM Martin cho biết so với tình trạng cách đây 10 năm, đã có những tiến bộ trong Giáo Hội, tuy rằng đây không phải là tiến bộ về phương diện những con số, vì có sự sa sút ơn gọi, số người dự lễ chúa nhật giảm bớt.. Nhưng có những dấu hiệu chứng tỏ sự tăng trưởng và canh tân tinh thần đáng kể. Thay vì phê bình Giáo Hội tại Ireland, nhiều người muốn khích lệ chúng tôi trên con đường canh tân”. (RG 20-1-2017)

G. Trần Đức anh OP

 

 

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

tap-can-binh

BẮC KINH. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Bắc Kinh, Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố rằng Trung Quốc thành thực muốn cải tiến quan hệ với Vatican”.

Trong cuộc họp báo hằng tuần hôm 21-12-2016, một vài ký giả đã hỏi bà Hoa Xuân Oánh xem đâu là ”những tín hiệu tích cực” để cải tiến quan hệ với Vatican, Bà Hoa Xuân Oánh trả lời rằng: ”Chính phủ Trung Quốc theo một nguyên tắc rõ ràng và trước sau như một trong việc thương lượng về quan hệ với Vatican. Phía Trung Quốc luôn thành thực trong việc cải tiến quan hệ với với Vatican và không ngừng làm việc với Vatican để tiến tới mục đích chung ấy, và thúc đẩy tới một tiến bộ mới trong việc cải tiến quan hệ song phương, thăng tiến những cuộc đối thoại xây dựng”.

Hãng tin Asia News truyền đi ngày 22-12-2016 nhận xét rằng có lẽ đây là lần đầu tiên câu trả lời cho một nhận xét của Tòa Thánh về Giáo Hội tại Trung Quốc được đón nhận mà không có những phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc và không lập lại những câu cố hữu về quan điểm của Chính phủ Bắc Kinh về Giáo Hội, như lập lại các nguyên tắc ”Giáo Hội tự trị, tự chọn lựa, tự truyền chức GM”.

Cách đây ít ngày, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke nhắc đến vụ công an nhà nước Trung Quốc dùng võ lực để GM bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông là Lôi Thế Anh (Lei Shiyin), GM Lạc Sơn tỉnh Tứ xuyên, can dự vào việc truyền chức GM tại Thường Đức (Chengdu) và Tây Xương (Xichang); Ông Greg cũng ám chỉ tới Đại Hội các đại biểu Công Giáo Trung Quốc sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 30-12 tới đây là điều không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo, và nhiều GM được Tòa Thánh công nhận cũng bị bó buộc phải tham dự. Ông Greg nói rằng: ”Tòa Thánh mong muốn được thấy những tín hiệu tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc để tín nhiệm nơi cuộc đối thoại giữa hai bên và hy vọng một tương lai đoàn kết và hòa hợp mà không vi phạm tự do tôn giáo”.

Hãng Asia News cũng trích thuật nhận xét của một số LM ở Trung Quốc theo đó sự dịu giọng khác thường của bà Hoa Xuân Oánh có lẽ là một toan tính không mở thêm mặt trận căng thẳng trong quan hệ với nước ngoài, từ phía Trung Quốc” (Asia News 22-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa Giám Mục và Tu Sĩ

Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa Giám Mục và Tu Sĩ

duc-thanh-cha-co-vo-su-cong-tac-giua-giam-muc-va-tu-si

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội và cổ võ sự cộng tác giữa các GM và tu sĩ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-10-2016 dành cho 200 LM tham dự viên Hội nghị quốc tế của các vị đại diện và đại biểu GM về đời sống thánh hiến do Bộ các dòng tu tổ chức tại Roma từ ngày 28 đến 30-10-2016. Trong số các tham dự viên cũng có 4 LM từ Việt Nam. Hội nghị đặc biệt bàn về văn kiện Tòa Thánh ”Mutuae relationes” (Tương quan hỗ tương), ban hành năm 1994 về tương quan giữa GM và các hình thức đời sống thánh hiến. Văn kiện này đang được Bộ GM và Bộ các Dòng tu tu chính và cập nhật hóa.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đặc biệt khuyến khích các GM và các vị đại diện đặc biệt quan tâm và thăng tiến đời sống thánh hiến trong giáo phận liên hệ, gần gũi những người thánh hiến trong sự dịu dàng và yêu thương, dạy cho Dân Chúa về giá trị của đời sống thánh hiến.

ĐTC nhắc nhở cho những người thánh hiến rằng không được lẫn lộn sự tự trị và miễn trừ với sự cô lập và độc lập: ”Ngày nay hơn bao giờ hết cần sống sự tự trị đúng đắn và miễn trừ trong các dòng tu, qua sự liên hệ chặt chẽ với sự hội nhập, làm sao để tự do theo đoàn sủng và đặc tính Công Giáo của đời sống thánh hiến cũng được biểu lộ trong Giáo Hội địa phương.

ĐTC cũng đề cập đến việc thành lập các hội dòng mới và nhắc nhở các GM để ý đến các tiêu chuẩn như ngài đã trình bày trong số 18 của Tông thư mới đây ”Iuvenescit Ecclesia” (Giáo Hội tươi trẻ), như tính chất đặc sắc của đoàn sủng, chiều kích ngôn sứ, sự tháp nhập vào đời sống Giáo Hội địa phương, hiệp thông thực sự với Giáo Hội địa phương và hoàn vũ, dấn thân loan báo Tin Mừng cả trong chiều kích xã hội và kiểm chứng xem vị sáng lập có chứng tỏ sự trưởng thành về mặt Giáo Hội hay không, có đời sống không đi ngược hoạt động của Chúa Thánh Linh hay không. Đặc biệt luôn phải chu toàn nghĩa vụ phải hỏi ý kiến trước đó của Bộ các dòng tu, như ngài đã minh định về khoản giáo luật số 579. (Nếu không hỏi ý kiến thì việc lập dòng sẽ vô hiệu lực).

Sau cùng về tương quan giữa GM giáo phận và những người thánh hiến, ĐTC khẳng định rằng ”không có tương quan hỗ tương tại những nơi nào một số người chỉ huy và những người khác phải tùng phục vì sợ hãi hoặc vì tiện lợi. Trái lại có tương quan hỗ tương tại nơi nào người ta vun trồng đối thoại, lắng nghe trong sự tôn trọng, và đón nhận nhau, gặp gỡ và hiểu biết, cùng tìm kiếm sự thật, ước muốn cộng tác trong tinh thần huynh đệ để mưu ích cho Giáo Hội là 'căn nhà hiệp thông'. Tất cả những điều đó là trách nhiệm của các vị mục tử cũng như của những người thánh hiến” (SD 28-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ và nhắn nhủ các Đại diện Tòa Thánh

Đức Thánh Cha gặp gỡ và nhắn nhủ các Đại diện Tòa Thánh

Đức Thánh Cha gặp gỡ và nhắn nhủ các Đại diện Tòa Thánh

VATICAN. Sáng 17-9-2016, ĐTC đã đồng tế thánh lễ với 106 vị Đại diện Tòa Thánh và sau đó đã gặp gỡ các vị để nhắn nhủ về việc chu toàn sứ mạng được ủy thác.

Các vị Sứ Thần và Khâm Sứ Tòa Thánh về Roma để cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót từ 15 đến hết ngày 17-9-2016.

Trong bài huấn dụ dài tại cuộc gặp gỡ, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các vị Đại diện Tòa Thánh vì lòng quảng đại, tận tụy và hy sinh trong việc chu toàn sứ mạng liên kết giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương, kiến tạo và thăng tiến tình hiệp thông là ”nhựa sống cho đời sống Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội”.

ĐTC đặc biệt nhắc nhở các vị Đại diện Tòa Thánh hãy ”phục vụ trong tinh thần hy sinh như những sứ giả khiêm tốn, như Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói: ”Hoạt động của vị Đại diện Tòa Thánh trước tiên là một việc phục vụ quí giá cho cac GM, LM, tu sĩ và mọi tín hữu Công Giáo ở địa phương, họ tìm được nơi vị Đại diện Tòa Thánh một sự nâng đỡ và bảo vệ, trong tư cách ngài đại diện một quyền bính cao hơn, để mưu ích cho tất cả mọi người”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Nếu không có lòng khiêm tốn thì không dịch vụ nào có thể thực hiện được hoặc có đặc tính phong phú. Sự khiêm tốn của một Sứ Thần Tòa Thánh được biểu lộ qua lòng yêu mến đối với đất nước và Giáo Hội nơi ngài được kêu gọi phục vụ”.

ĐTC khuyến khích các vị Đại diện Tòa Thánh không những chỉ ”quan sát, phân tích và tường trình”, nhưng còn cần ”gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, đề nghị và cộng tác, để làm nổi bật lòng yêu mến chân thành, thiện cảm và cảm thông đối với dân chúng và Giáo Hội địa phương”.

Ngài cũng nhận xét: Ngày nay, những đe dọa từ bên ngoài của chó sói, bắt cóc và tấn công đoàn chiên, làm cho đoàn chiên hoang mang, phân tán và bị phá hủy vẫn còn là điều thời sự. Chó sói ngày nay vẫn có những điểm giống như trước, đó là sự thiếu thông cảm, đố kỵ, gian ác, bách hại, xóa bỏ sự thật, chống lại sự tốt lành, khép kín đối với tình yêu, đố kỵ về văn hóa, và nghi kỵ..”. ĐTC nói: ”Tôi nghĩ đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông, cuộc vây hãm bạo lực chống lại họ dường như nhắm tiêu diệt họ với sự im lặng đồng lõa của bao nhiêu người”.

ĐTC không quên nhắc các vị Đại diện Tòa Thánh hãy dành thời giờ cho các GM, LM, tu sĩ, các giáo xứ, các tổ chức văn hóa và xã hội… Hãy tháp tùng Giáo Hội địa phương với tâm hồn của một vị mục tử. ”Cần di động. Những thư từ và bá cáo lạnh lùng không đủ. Những điều nghe nói mà thôi không đủ. Còn cần phải nhìn tận mắt hạt giống tốt của Tin Mừng đang triển nở thế nào. Đừng đợi người ta đến gặp anh em để trình bày một vấn đề hoặc muốn giải quyết một việc. Anh em hãy đi tới các giáo dận, các dòng tu, các giáo xứ, các chủng viện, để hiểu Dân Chúa đang sống, suy nghĩ và thắc mắc thế nào. Nghĩa là Anh em hãy thực sự biểu lộ một Giáo Hội ”đi ra ngoài”, ”một bệnh viện dã chiến”, có khả năng sống chiều kích của Giáo Hội địa phương, của đất nước và của tổ chức mà anh em được sai tới”.

ĐTC cho biết một quan tâm sâu xa của ngài là việc tuyển chọn các GM tương lai và ngài đã nói với Bộ Giám Mục đề ra danh sách những đức tính và khả năng mà các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ngày nay phải có: các GM phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh chứ không phải là những người mang lý lịch; các GM phải là người cầu nguyện, quen thuộc với những điều từ trên cao và không bị đè bẹp vì gánh nặng từ bên dưới; các GM phải có khả năng đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa ”trong kiên nhẫn”; các GM phải là mục tử, chứ không phải là những ông hoàng hoặc công chức”. (SD 17-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót

VATICAN. Sáng ngày 16-9-2016, trong buổi tiếp kiến 154 GM thuộc Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, ĐTC mời gọi các vị trở thành những ”mục tử của lòng thương xót”.

Đây là những GM mới thụ phong gần đây, trong số các vị có một người Việt Nam là Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương, tân GM giáo phận Kamloop, ở miền tây Canada.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các GM chu toàn nghĩa vụ làm cho lòng từ bi thương xót trở thành trọng tâm toàn thể công việc mục vụ. Ngài nói: ”Cần làm sao để lòng thương xót hình thành và chi phối tới các cơ cấu mục vụ trong các giáo phận của anh em. Đây không phải là hạ thấp những đòi hỏi hoặc bán rẻ các hạt ngọc trai của chúng ta. Trái lại điều kiện duy nhất để hạt trai quí giá đặt ra cho những người tìm thấy nó, đó là cần phải chấp nhận mọi rủi ro để đạt được nó”.

Anh em đừng sợ đề nghị Lòng Thương Xót như tóm lược tất cả những gì Thiên Chúa cống hiến cho thế giới, vì đó là điều lớn nhất mà trái tim của con người có thể khao khát”.

ĐTC cũng đề ra một loạt các lời khuyên cho các GM mới để biến lòng thương xót thành trọng tâm việc mục vụ, ví dụ: ”Anh em hãy trở thành những GM có khả năng thu hút tâm hồn con người,.. hãy làm cho sứ vụ anh em trở thành biểu tượng lòng thương xót, là sức mạnh duy nhất có khả năng thu hút và lôi kéo trường kỳ trái tim con người… Anh em hãy trở thành những GM có khả năng giáo huấn những người được ủy thác cho anh em.

ĐTC nói thêm rằng ”Tôi nhắc nhở anh em hãy chăm lo vun trồng cuộc sống thân mật với Thiên Chúa là nguồn mạch sự tự chủ và hiến thân, tự do đi ra ngoài và trở về.”

Hằng năm Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn tổ chức khóa bồi dưỡng kéo dài khoảng 10 ngày tại Học viện Nữ Vương các Tông Đồ của dòng Đạo Binh Chúa Kitô dành cho các GM mới chịu chức thuộc thẩm quyền của hai bộ, còn Bộ Truyền giáo tổ chức khóa tương tự, hai năm một lần, tại Giáo Hoàng Học viện thánh Phaolô. (SD 16-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha và các Hồng Y cứu xét việc bổ nhiệm Giám Mục

Đức Thánh Cha và các Hồng Y cứu xét việc bổ nhiệm Giám Mục

Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn cứu xét việc bổ nhiệm Giám Mục

VATICAN. ĐTC và Hội đồng 9 HY Cố vấn tiếp tục cứu xét các đức tính và khả năng về linh đạo và mục vụ cần thiết cho một GM.

Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến hôm 14-9-2016, sau 3 ngày nhóm họp của ĐTC với các Hồng Y cố vấn, cho biết trong khóa hop các vị cũng cứu xét hoạt động của ngành ngoại giao Tòa Thánh và việc huấn luyện bổ nhiệm các vị Sứ thần Tòa Thánh.

Các vấn đề trên đây đã được ĐTC và các HY Cố vấn đề cập đến trong phiên họp hồi tháng 4 năm nay, và đã cứu xét bản câu hỏi thường được các vị Sứ thần hoặc Khâm Sứ Tòa Thánh gửi đến các GM, LM, và những người khác để tham khảo ý kiến ứng viên Giám Mục. Các vị đại diện Tòa Thánh thẩm định các câu trả lời và gửi về Bộ GM hoặc Bộ truyền giáo, để cứu xét và đề nghị tên ứng viên lên ĐTC để ngài bổ nhiệm.

Trong khóa họp vừa qua, ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã trình bày công việc của Bộ và Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, do ngài làm chủ tịch. Ngoài ra, ĐTC và các Hồng Y cố vấn cứu thảo luận về công việc của Bộ giáo sĩ, Bộ giáo dục Công Giáo và Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Sau cùng khóa họp kết thúc với một nghiên cứu về đặc tính phục vụ của công lý, hoạt động cho công lý như một dịch vụ được động lực tôn giáo thúc đẩy.

Khóa họp thứ 17 của Hội đồng 9 HY Cố vấn được ấn định từ ngày 12 đến 14-12 năm nay (SD, CNS 14-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

VATICAN. ĐTC khích lệ các GM tại các xứ truyền giáo cảm nghiệm và biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ vụ Giám Mục của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-9-2016 dành cho 94 GM thuộc các xứ truyền giáo, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ truyền giáo tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Phaolô ở Roma, cho đến ngày 16-9 tới đây. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và các chức sắc của Bộ.

Trong số các tham dự viên, có 6 GM Việt Nam, đó là Đức Cha Nguyễn Tấn Tước, Phú Cường, Đức Cha Nguyễn Văn Hai, GM Vĩnh Long, Đức Cha Nguyễn Hùng Vị, GM Komtum, Đức Cha Trần Văn Toản, Phụ tá Long Xuyên, và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Phụ tá Bà Rịa, Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Phụ tá Sàigòn.

Huấn từ của ĐTC

Nhắc đến khóa học của các GM diễn ra trong Năm Thánh lòng thương xót, ĐTC nói rằng: ”Mỗi GM đích thân cảm nghiệm thực tại lòng thương xót của Chúa, và trong tư cách là đại diện ”Vị Đại Mục tử của đoàn chiên” (Dt 13,20), Giám Mục được kêu gọi biểu lộ bằng cuộc sống và sứ vụ Giám Mục, tình phụ tử của Thiên Chúa, lòng từ nhân, sự ân cần, lòng thương xót, sự dịu dàng và đồng thời biểu lộ thế giá của Chúa Kitô, Đấng đã đến để hiến mạng sống và làm cho tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, được hòa giải trong tình yêu của Chúa Cha”.

 ĐTC nhắc nhở các GM thuộc các xứ truyền giáo rằng: ”Theo hình ảnh vị Mục Tử nhân lành, anh em được mời gọi chăm sóc đoàn chiên và đi tìm các con chiên, nhất là những chiên ở xa xăm hoặc lạc đường; tìm kiếm những thể thức mới để loan báo, đi gặp gỡ con người, giúp đỡ những người đã nhận hồng ân bí tích rửa tội tăng trưởng trong đức tin, để các tín hữu, cả những người ”nguội lạnh” hoặc không thực hành đạo, tái khám phá niềm vui đức tin và sự phong phú truyền giáo (EG 11). Vì thế, tôi khuyến khích anh em đi gặp cả những con chiên chưa thuộc đoàn chiên của Chúa Kitô”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng kêu gọi các GM quan tâm đến các giáo dân, khuyến khích, đồng hành và khích lệ các sáng kiến và nỗ đang có để duy trì niềm hy vọng và đức tin được luôn sinh động…

Các GM cũng cần chú ý đến việc đào tạo LM trong những năm ở chủng viện, và không quên đồng hành với họ trong việc thường huấn sau khi chịu chức. ”Anh em hãy cống hiến cho các linh mục một tấm gương cụ thể và hữu hình. Khi có thể anh em cũng hãy cố gắng tham dự với họ những giai đoạn chính trong việc huấn luyện, luôn chăm sóc cả chiều kích bản thân nữa”.

Chống chia rẽ

Sau cùng ĐTC cảnh giác các GM ”làm sao để những hoạt động mục vụ mà anh em cổ võ không bị thương tổn hoặc bị tiêu tán vì những chia rẽ hiện có hoặc có thể xảy ra. Chia rẽ là võ khí mà ma quỉ có trong tay nhiều nhất để phá hủy Giáo hội từ bên trong. Hắn có hai võ khí, nhưng cái chính yếu là chia rẽ; võ khí kia là tiền bạc. Ma quỉ đi vào qua các túi và phá hủy bằng miệng lưỡi, với những lời nói hành nói xấu gây chia rẽ, và thói quen nói hành nói xấu là tập quán ”khủng bố”. Kẻ nói hành nói xấu là một ”tên khủng bố” ném bom để phá hủy. Xin anh em vui lòng chiến đấu chống chia rẽ vì đó là một trong những võ khí của ma quỉ để phá hoại Giáo Hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Nhất là những khác biệt vì các sắc tộc khác nhau trong cùng một lãnh thổ không được xen vào các cộng đồng Kitô đến độ ảnh hưởng trên thiện ích của các tín hữu. Giáo Hội luôn được kêu gọi vượt lên trên những sắc thái bộ lạc, văn hóa, và GM là nguyên lý hữu hình của tình hiệp nhất, có nghĩa vụi không ngừng xây dựng Giáo Hội địa phương trong tình hiệp thông của tất cả các phần tử của mình” (SD 9-9-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý vụ lạm dụng

Bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý vụ lạm dụng

Bãi chức các giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý những vụ lạm dụng

VATICAN. ĐTC Phanxicô ban hành qui luật bãi chức các GM và các Bề trên cấp cao các dòng tu lơ là, bỏ quên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc những người lớn dễ bị tổn thương.

 Qui luật trên đây được trình bày trong Tông Thư Tự Sắc ”Như một người mẹ yêu thương” (Come una madre amorevole), công bố hôm 4-6 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-9-2016.

 ĐTC nhắc lại rằng giáo luật đã dự trù việc bãi chức vụ trong Giáo Hội các GM giáo phận và những người tương đương vì những lý do hệ trọng. Nay qua Tông thư này, ngài xác định rằng trong số các nguyên do hệ trọng ấy, có cả việc lơ là của các GM trong việc thi hành chức vụ, đặc biệt liên quan đến những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, như đã dự trù trong các tự sắc ”Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum Sanctitatis Tutela) do Thánh Gioan Phaolô 2 ban hành và Đức Biển Đức 16 tu chính.

 Tông thư tự sắc của ĐTC gồm 5 điều khoản, trong đó có qui định rằng:

 – GM giáo phận hoặc tương đương chỉ có thể bị cách chức nếu thiếu sót một cách khách quan trầm trọng đối với nghĩa vụ phải cần mẫn mà chức vụ đòi hỏi (1,2). Trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc người lớn dễ bị tổn thương, chỉ cần sự thiếu sót ấy có tính chất trầm trọng (1,3). Các Bề trên cấp cao của các dòng tu và tu đoàn tông đồ thuộc quyền tòa thánh, cũng được đồng hóa với GM giáo phận trong những trường hợp này (1,4).

 Khi có những dấu hiệu nghiêm trọng về sự thiếu sót như vừa nói, thì bộ có thẩm quyền của Tòa Thánh sẽ khởi sự điều tra, báo cho đương sự và cho họ khả năng cung cấp các văn kiện và chứng từ (2,1). GM có thể được tự biện hộ theo các phương thế luật dự trù (2,2).

 Nếu thấy nên cách chức Giám Mục, thì Bộ sẽ sớm công bố sắc lệnh cách chức (4,1), hoặc khuyên đương sự đệ đơn từ chức lên ĐTC trong thời hạn 15 ngày, nếu GM không trả lời trong thời hạn dự trù, thì Bộ công bố sắc lệnh cách chức (4,2)

 Quyết định của Bộ phải được ĐTC phê chuẩn một cách đặc biệt. Trước khi quyết định chung kết, ĐTC sẽ được một ban luật gia trợ giúp.

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ nỗ lực của HĐGM Italia trong việc canh tân hàng giáo sĩ qua việc thường huấn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 16-5-2016, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên lần thứ 69 của HĐGM Italia nhóm tại Vatican từ ngày 16 đến 19-5 này.

ĐTC đã trình bày một mẫu Linh Mục lý tưởng dựa theo ba câu hỏi: điều gì làm cho cuộc sống của Linh Mục ấy có hương vị? Việc dấn thân phục vụ của linh mục là cho ai và để làm gì? Đâu là lý do tối hậu sự hiến thân của linh mục?

ĐTC khẳng định rằng: ”Linh Mục ý thức chính mình cũng là một người người bất toại được chữa lành, nên không có thái độ lạnh lùng của một người chỉ tuân giữ luật một cách ngặt nghèo.. Trái lại linh mục chấp nhận người khác, lãnh nhận trách nhiệm về họ, cảm thấy mình tham phần và có trách nhiệm về vận mạng của tha nhân.”

”Linh mục của chúng ta không phải là một người bàn giấy hoặc một công chức vô danh của một cơ chế; linh mục không được thánh hiến để thi hành vai trò của một nhân viên, và cũng không bị thúc đẩy theo những tiêu chuẩn hiệu năng. Linh Mục không tìm kiếm những bảo đảm trần thế hoặc những tước hiệu danh dự làm cho Linh Mục tín thác nơi con người; trong sứ vụ Linh Mục không đòi hỏi cho mình điều gì ngoài nhu cầu thực sự cần thiết, và cũng chẳng bận tâm liên kết mình với những người được ủy thác cho mình. Lối sống của linh mục đơn sơ và thiết yếu, luôn sẵn sàng, khiến Linh Mục là người đáng tín nhiệm trước mặt dân chúng”.

 ĐTC đề cao cố gắng của Linh Mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đó là bí quyết sống và hành động của Linh Mục. Linh Mục sẵn sàng ra đi truyền giáo, không bám víu vào một nhiệm sở cứng nhắc.

”Đối với một Linh Mục, điều sinh tử là trở lại nhà tiệc ly của Linh Mục đoàn.. Kinh nghiệm này giải thoát Linh Mục khỏi thái độ tự yêu mình và những thứ ghen tương của giáo sĩ, tạo điều kiện cho sự hiệp thông đích thực giữa các Linh Mục với nhau.

ĐTC cũng phê bình thái độ của những người tính toán, so đo, sợ mất mát. Trái lại Linh Mục cần biết dấn thân trọn vẹn, nhưng không, khiêm tốn và vui tươi, cả khi không có ai nhận thấy điều đó.

Hôm 17-5-2016, các GM thuộc 228 giáo phận Italia tiếp tục nhóm họp dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Angelo Bagnasco, TGM Genova. Ngoài việc canh tân hàng giáo sĩ, các GM còn bàn về một số đường hướng quản trị kinh tế, duyệt lại các qui luật về tòa án của Giáo Hội, và một loại những biện pháp khác có tính chất pháp lý và hành chánh.

Chiều thứ tư 18-5-2016, các GM sẽ đồng tế thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp mừng 50 năm Linh Mục của ĐHY Bagnasco.

Ngày 19-05, ban lãnh đạo HĐGM Italia sẽ mở cuộc họp báo về kết quả khóa họp hiện nay của HĐGM nước này (SD 16-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP