ĐHY Parolin: ĐGH chưa thể viếng thăm Iraq lúc này vì chưa có an ninh

ĐHY Parolin: ĐGH chưa thể viếng thăm Iraq lúc này vì chưa có an ninh

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng Giám mục Ý, được phát sóng trong chương trình đặc biệt “Nhật ký của ĐGH Phanxicô, ĐHY Parolin đã trả lời về một số vấn đề, trong đó có các đề tài: sự quan tâm của ĐGH với thế giới A rập, chủ nghĩa khủng bố, ĐGH viếng thăm Iraq và vấn nạn ấu dâm.

ĐGH chưa thể thăm Iraq

Trước hết là về việc ĐGH viếng thăm Iraq, ĐHY Parolin cho biết tất cả đều rất chờ đợi cuộc viếng thăm của ĐGH: chính quyền, một số người Hồi giáo mà ngài có cơ hội gặp gỡ và nhất là cộng đoàn Ki-tô, họ cảm thấy cần có ĐGH để được củng cố trong đức tin và được khuyến khích trong hoàn cảnh của họ. Nhưng ĐHY nhận định: “Để ĐGH viếng thăm Iraq thì cần có những điều kiện tối thiểu để thực hiện chuyến viếng thăm nhưng hiện tại thì chưa có những điều kiện này. Cho phép tôi diễn tả hy vọng rằng những điều kiện này có thể được thực hiện và ĐGH có thể sớm đến Iraq.”

ĐGH và thế giới A-rập

Tiếp đến, ĐHY nhận định rằng quan tâm của ĐGH với thế giới A-rập là do khó khăn hiện nay trong các tương quan giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo, với những thảm kịch của khủng bố và của cực đoan tôn giáo. ĐGH đã tìm cách cổ võ sự gặp gỡ, chống lại mọi sự dửng dưng. Như ĐGH đã nói, những khó khăn của chúng ta không bao giờ được trở thành cơ hội căng thẳng, xung đột hay đối kháng nhưng ngược lại, chúng trở thành khả năng cộng tác cùng nhau và làm cho nhau nên phong phú.”

Nạn ấu dâm

Nói về nạn ấu dâm trong Giáo hội, ĐHY Parolin khẳng định: “Chúng ta phải làm tất cả điều có thể và cả không thể để loại trừ hiện tượng này.” Ngài nhìn nhận rằng Giáo hội đã thực hiện một hành trình tuyệt vời theo hướng này. Giáo hội đã nhận thức tốt hơn về vấn đề này, về sự tàn phá mà những sự kiện này đã gây ra nơi các nạn nhân và Giáo hội đã cố gắng phản ứng. Tuy kết quả chưa hoàn hảo nhưng Giáo hội đã có sự dấn thân và quyết tâm. Cuộc gặp gỡ mà ĐGH vô cùng mong muốn (“Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội, từ ngày 21-24/02/2019 tại Vatican) là một dấu chỉ mới nhất trong hành trình này.

ĐHY nhận xét rằng tất cả điều này ảnh hưởng nặng nề trên hành động và chứng tá của Giáo hội trên thế giới, nó cũng góp phần làm suy yếu uy tín của Giáo hội. Ngài nói: “Tôi không đau buồn nhiều vì tổ chức Giáo hội mà tôi coi như một người mẹ mà mình luôn yêu thương nhưng vì tất cả những điều này gây thiệt hại cho việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải phục hồi uy tín và thẩm quyền. Giáo hội đã thực hiện các bước đáng kể để phục hồi uy tín và thẩm quyền, nhưng chúng ta phải làm việc nhiều hơn theo cách này để các tín hữu và những người đã chịu phép rửa có thể tìm lại trong Giáo hội môi trường có sức sống và môi trường của chứng tá".

Hồng Thủy

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

Đoàn 25 vị Rabbi đến từ miền Causaso, đặc biệt là từ cộng hòa Daghestan và những vùng ở mạn bắc nước Azerbaigian, và thuộc Hội đồng thế giới những người Do thái trên núi. Họ đến thăm ĐGH lần đầu tiên.

 Tầm quan trọng của việc tưởng niệm

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc tưởng niệm quá khứ, đặc biệt là cuộc diệt chủng Do thái. Ngài nói: ”Nếu không có một ký ức sinh động thì sẽ không có tương lai, vì nếu chúng ta không học từ những trang đen nhất trong lịch sử để khỏi rơi vào cùng những sai lầm, thì phẩm giá con người sẽ chỉ là những chữ chết”.

 Cùng với biến cố Shoa, ĐTC nhắc đến hai biến cố đau thương: ngày 16-10 vừa qua là kỷ niệm 75 năm cuộc bố ráp tại Ghetto Do Thái ở Roma, Đức quốc xã bắt những người Do thái tại đây để đưa tới các trại tập trung. Và trong vài ngày nữa, 9-11, là kỷ niệm 80 năm biến cố gọi là ”đêm pha lê”, rất nhiều nơi thờ phượng của người Do thái bị Đức quốc xã phá hủy với ý đồ loại khỏi tâm hồn cá nhân và của một dân tộc một điều tuyệt đối bất khả xâm phạm là sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa”.

 Tái lên án trào lưu bài Do thái

 ĐTC cũng lên án trào lưu bài Do thái vẫn còn và ngài nhắc lại rằng một Kitô hữu không thể là người bài Do thái. Chúng ta có cùng căn cội chung. Ngài không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của tình thân hữu giữa người Do thái và Kitô, một tình huynh đệ ăn rễ sâu nơi lịch sử cứu độ, được cụ thể hóa trong sự quan tâm đối với nhau.

 ĐTC nói: ”Cùng với anh em, tôi muốn cảm tạ Đấng ban mọi ơn lành vì món quà tình bạn của chúng ta, được đẩy mạnh và cũng là động cơ cuộc đối thoại giữa chúng ta” (Rei 5-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

5 nhà thờ Chí Lợi bị phá trước cuộc viếng thăm của ĐGH

5 nhà thờ Chí Lợi bị phá trước cuộc viếng thăm của ĐGH

SANTIAGO. Hôm 12-1-2017 đã xảy ra 5 vụ phá hoại thánh đường ở Chí Lợi trong vòng 24 tiếng đồng hồ, 3 ngày trước khi ĐTC Phanxicô đến thăm nước này.

Sáng sớm thứ sáu (12-1) 3 vụ phá hoại bằng bom xăng đã xảy ra tại 3 thánh đường Công Giáo ở các khu phố Recoleta, Penalolén và Nhà Ga Trung Ương. Vụ thứ tư xảy ra trước cửa một thánh đường ở thủ đô Santiago. Vụ thứ năm là một quả bom được gắn tại nhà thờ Chúa Giêsu Thày Chí Thánh.

Cảnh sát Chí Lợi đang điều tra về các tội phạm này. Theo Viện Kiểm Sát ở địa phương, thủ phạm những vụ này là Phong Trào Giới trẻ Lautaro, đã từng gây ra những vụ tấn công tương tự hồi tháng 11 và 12 vừa qua, bên lề cuộc bầu cử tổng thống.

Bà tổng thống Michelle Bachelet nói với Đài phát thanh Oasis rằng: ”Chúng tôi vẫn biết có nhóm này nhóm kia, những vụ tấn công này là điều rất lạ, vì đây không phải là điều mà người ta có thể xác định như một nhóm đặc thù nào”. Sau khi nhóm họp tại phủ tổng thống với Ủy ban điều hợp cuộc viếng thăm của ĐGH, Bà Bachelet tuyên bố rằng nhiệm vụ của chính phủ là bảo đảm sự yên hàn cho mọi người dân tại những thành phố mà ĐGH sẽ viếng thăm.

Mặt khác, ĐHY Ezzati, TGM giáo phận Santiago, nói rằng “những gì xảy ra không thay đổi tinh thần của chúng tôi”.

Tòa TGM Santiago ra tuyên ngôn bày tỏ đau buồn vì những vụ tấn công, chúng trái ngược với tinh thần hòa bình của cuộc viếng thăm ĐTC thực hiện tại Chí Lợi.

”Với lòng khiêm tốn và tinh thần thanh thản, chúng tôi yêu cầu những người thực hiện những hành vi như thế hãy biết rằng tuyệt đối họ không đại diện cho tâm tình của đại đa số dân chúng. Họ hãy suy nghĩ về sự cần thiết phải có tinh thần tôn trọng và bao dung giữa tất cả mọi người, để xây dựng một quốc gia của mọi người anh chị em.

”Chile đang cần có sự đối thoại nhiều hơn. Tất cả các tín hữu Công giáo và tín đồ của các tôn giáo khác, những người nam nữ thiện chí, hãy canh tân niềm vui và tham gia vào những buổi lễ trong tuần tới đây, cùng với ĐTC, Người mang đến một sứ điệp hy vọng và yêu thương giữa tất cả mọi người”.

Ngoài những vụ tấn công các thánh đường vừa nói, các thành viên của nhóm vô chính phủ tên là ”Andha Chile” đã chiếm tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Santiago trong vòng ít phút hôm 12-1-2017 để phản đối cuộc viếng thăm của ngài tại nước này. Đây là nơi ĐTC sẽ trú ngụ trong 3 ngày ở Chí Lợi.

Cũng nên nói thêm rằng từ khoảng 30 năm nay, tại Chí Lợi đã có gần 40 nơi thờ phượng Kitô bị thiêu hủy, và đôi khi bị phá hủy bình địa: các nhà nguyện, nhà thờ ở miền quê, các trung tâm mục vụ. (Tổng hợp 13-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha

Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha

BOGOTÀ. Chúa nhật 13-8-2017, HĐGM Colombia đã tổ chức một cuộc lạc quyên toàn quốc để tài trợ chi phí tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại nước này từ ngày 6 đến 10-9 tới đây.

Trong thông cáo, HĐGM Colombia và ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC giải thích rằng: ”Mặc dù chính phủ quốc gia và các chính quyền địa phương trợ giúp việc tổ chức cuộc viếng thăm này, nhưng để đạt tới những chủ đích cơ bản của cuộc viếng thăm, Giáo Hội cần chu toàn trách nhiệm về mặt tinh thần và mục vụ, như tiếp đón ĐTC và phái đoàn tháp tùng, huấn luyện mục vụ cho các tín hữu trên toàn lãnh thổ quốc gia, các buổi cử hành phụng vụ, các cuộc gặp gỡ khác tại 4 thành phố nơi ĐTC dừng lại, thông tin cho dân chúng và truyền thông Giáo Hội.. Tuy phần lớn những ngừơi cộng tác với Giáo Hội trong việc chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC là những người thiện nguyện, nhưng vẫn có những phí tổn cần trang trải”. (RG 12-8-2017)

Chính phủ trợ giúp

Hồi cuối tháng 7 năm nay, Phó tổng thống Colombia, Ông Oscar Naranjo, thông báo chính phủ nước này dành 28 tỷ đồng Pesos, tương đương với gần 8 triệu Euro, để giúp 4 thành phố đón tiếp ĐGH, tuy nhiên việc phân phối ngân khoản này phải được sự phê chuẩn của các cơ quan kiểm soát.

Một cuộc họp liên ngành được diễn ra vài ngày sau khi có quyết định trên đây của chính quyền trung ương Colombia để quyết định về việc sử dụng ngân khoản tài trợ.

Mặt khác, cũng cuối tháng 7 vừa qua, HĐGM Colombia thông báo Tòa Thánh đã yêu cầu làm sao các phẩm phục phụng vụ ĐTC dùng trong cuộc viếng thăm phản ánh những sắc thái văn hóa bình dân, âm nhạc và màu sắc của các địa phương.

Cha Juan David Muriel Mejia, đặc trách về phụng vụ của Giáo Hội Colombia trong cuộc viếng thăm của ĐGH cho biết các phẩm phục phụng vụ rất đặc sắc để làm nổi bật sự khác biệt và sự phong phú văn hóa của đất nước Colombia.

Các áo lễ đó được nhà vẽ kiểu Pilar và Mercedes Salazar Castano người Colombia sáng tác và được các thợ may địa phương thực hiện. Áo lễ sẽ được thay đổi mỗi ngày, theo các vùng được ĐTC viếng thăm. Ví dụ ngày 9-9, ngài sẽ ở thành phố Medellín, các áo lễ ĐGH mặc phản ánh các nhóm chủng tộc khác nhau trong vùng.

Sau cùng, Muriel Mejia giải thích rằng các mảnh áo lễ cũng nói lên những cơ cực, vui mừng và hy vọng của nhân dân Colombia (Cath.ch).

G. Trần Đức Anh OP 

Phủ Quốc Vụ Khanh bảo vệ hình ảnh Đức Thánh Cha

Phủ Quốc Vụ Khanh bảo vệ hình ảnh Đức Thánh Cha

VATICAN. Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh ra thông cáo bảo vệ hình ảnh ĐTC và các biểu tượng, huy hiệu chính thức của Tòa Thánh.

Thông cáo công bố hôm qua, 22-2, nói rằng ”Trong số các nghĩa vụ của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng có nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh của ĐTC, để sứ điệp của Ngài có thể đi tới các tín hữu một cách trọn vẹn, và con người của Ngài không bị lợi dụng”.

Cũng với mục đích đó, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh bảo vệ các biểu tượng và huy hiệu chính thức của Tòa Thánh, qua các qui luật thích hợp được trù định trên bình diện quốc tế.

Để hoạt động bảo vệ trên đây ngày càng thích hợp so với các mục tiêu vừa nói, và chấm dứt những tình trạng bất hợp pháp có thể xảy ra, Phủ Quốc vụ khanh Tòa hánh sẽ nhất loạt thực thi các hoạt động canh chừng, nhắm theo dõi các cách thức sử dụng hình ảnh của ĐTC và các huy hiệu Tòa Thánh, và can thiệp nếu cần với những biện pháp thích hợp”.

Hơn một lần Tòa Thánh đã lên tiếng chống lại những vụ lạm dụng hình ảnh của ĐGH. Ví dụ thời ĐGH Gioan Phaolô 2 có vụ một nhà sản xuất kẹo mút đã xin hình ĐGH trên kẹo này.

Hoặc hãng Benetton trong chiến dịch quảng cáo Unhate hồi năm 2012 đã tạo hình ĐGH Biển Đức 16 và một Iman Hồi giáo đang hôn nhau. Hãng nay sau đó đã xin lỗi ĐGH và rút lại các bích chương quảng cáo đó.

Vấn đề bảo vệ hình ảnh ĐTC và các biểu tượng chính thức của Tòa Thánh càng trở nên cần thiết hơn với sự lan tràn các kỹ thuật truyền thông mới mẻ ngày nay (SD 22-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Pháp François Hollande

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Pháp François Hollande

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Pháp

VATICAN. Chiều ngày 17-8-2016, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande, đến viếng thăm với tư cách riêng và cám ơn ngài vì đã liên đới với nhân dân Pháp trong những vụ khủng bố mới đây.

Cùng đi với tổng thống có bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve và đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, Ông Philippe Zeller. Cuộc hội kiến kéo dài 40 phút.

Tổng thống đã tặng ĐTC một đồ sứ ở Sèvres có in huy hiệu nước Pháp, và ĐTC tặng lại Tổng thống một pho tượng bằng đồng và bản thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ môi trường cùng với hai Tông huấn ”Niềm vui yêu thương” và ”Niềm vui Phúc Âm”.

Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Pháp và đoàn tùy tùng đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trước cuộc tiếp kiến của ĐTC, tổng thống Hollande nói rằng: ”Sau thử thách kinh khủng là vụ sát hại Cha Hamel, và sau vụ khủng bố ở Nice, ĐGH đã có những lời có sức an ủi lớn. Tất cả những lời được biểu lộ – kể cả những lời của các vị trách nhiệm Giáo Hội tại Pháp – đều rất quan trọng trong thời điểm này vì góp phần nhắc nhớ sự đoàn kết và gắn bó với nhau của Pháp, sự hòa giải cần được thực hiện và cả tình liên đới của toàn thế giới đối với nước Pháp, nạn nhân của những vụ khủng bố này”.

Tổng thống Pháp cũng đề cập đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông và nói rằng: ”Chúng tôi là những người bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông và ĐGH biết các tín hữu Kitô tại miền này đang góp phần vào sự quân bình trong vùng”.

Về cuộc khủng hoảng những người tị nạn, Tổng thống Hollande giải thích rằng cần phải đáp lại với một vũ trụ quan rõ ràng chứ không phải bằng sự sợ hãi, một thái độ bị lợi dụng”.

Trở lại vụ hai tên khủng bố người Bắc Phi đã sát hại cha Jacques Hamel ngày 20-7, Tổng thống Hollande khẳng định rằng ”các tín hữu Công Giáo Pháp bị thử thách vì cuộc khủng bố đó, nhưng toàn nước Pháp cũng bị tổn thương, và khi một nhà thờ bị đập, một LM bị ám sát, chính Cộng Hòa cũng bị xúc phạm, vì Cộng hòa phải bảo vệ.. Đó là đặc tính đời (laicità) của Nhà Nước. Đặc tính này phải bảo vệ tất cả các tôn giáo, phải bảo đảm tự do tin hoặc không tin.. Vì thế sứ điệp này về đặc tính đời không phải là một sứ điệp có thể làm tổn thương, nhưng là một sứ điệp có thể nối kết và hòa giải” (RG 18-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Cha Lombardi bác bỏ tin Đức Thánh Cha bị ung thư não

Cha Lombardi bác bỏ tin Đức Thánh Cha bị ung thư não

Tuyên bố của Cha Lomberdi về bệnh của ĐTC là không có

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh mạnh mẽ bác bỏ tin do một tờ báo Italia (Quotidiano Nazionale) tung ra nói rằng ĐTC bị ung thư não bộ ”nhẹ”.

 

Tuyên bố sáng ngày 20-10-2015, Cha Lombardi nói: ”Việc phổ biến tin tức hoàn toàn vô căn cứ về sức khỏe của ĐTC do một tờ báo Italia là điều vô trách nhiệm trầm trọng và không đáng để ý. Ngoài ra, cũng như tất cả đều thấy, ĐGH luôn thi hành không gián đoạn hoạt động rất khẩn trương của ngài một cách hoàn toàn bình thường”.

 

Hôm 21-10-2015, hãng tin ADNkronos của Italia lại nói rằng một bác sĩ chuyên khoa ung thư não là ông Takanori Fukushima, hồi tháng giêng năm nay, đã bay trực thăng từ Pisa về Roma để khám bệnh cho ĐGH. Bác sĩ này đã xin bệnh viện San Rossore, mà ông là tư vấn từ lâu, cho phép dùng máy bay trực thăng ấy vì ông cần di chuyển mau lẹ. Ngoài Nhật bản, Ông cũng hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông được coi là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về ung thư và các bệnh về nào”.

 

Tuy nhiên trong cuộc họp báo trưa ngày 21-10-2015 tại Vatican, Cha Lombardi xác quyết không có bác sĩ nào người Nhật đến Vatican để khám bệnh cho ĐGH, và cũng chẳng có cuộc khám như tờ báo đã nói. Cha cho biết đã tham khảo các nguồn tin liên hệ ở Vatican, kể cả ĐTC Phanxicô, để kiểm chứng.

 

Cha Lombardi cũng kể rằng bên cạnh tin nói là ĐGH bị ung thư, tờ báo nói trên còn đăng bài phỏng vấn 1 bác sĩ Italiam giáo sư Maira, đang ở New York, Hoa Kỳ, về bệnh ung thư óc, mà không hề nói gì về tin ĐGH. Sáng ngày 21-10-2015 bác sĩ đó đã tự ý điện thoại cho cha Lombardi bày tỏ sự kinh ngạc vì bị lôi kéo vào vụ ”tin vịt” này và nói rằng ký giả tờ báo đó điện thoại xin phỏng vấn ông về bệnh ung thư óc một cách tổng quát, ông không ngờ những câu trả lời phỏng vấn của ông được đăng liền với tin nói ĐGH bị ung thư óc như thể để minh chứng cho cái tin này. Bác sĩ Maira nói rằng mình bị ”ký giả đánh lừa”.

 

Cha Lombardi kể lại sự kiện trên đây để cho thấy bối cảnh tin đó được tạo nên thế nào (Tổng hợp 21-10-2015)

 

G. Trần Đức Anh, O.P – Vatican Radio

 

Cha Lombardi nhận định về diễn văn của Đức Thánh Cha tại LHQ

Cha Lombardi nhận định về diễn văn của Đức Thánh Cha tại LHQ

Pope at UN

NEW YORK. Sáng ngày 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại LHQ. Đây là lần thứ 5 một vị Giáo Hoàng lên tiếng tại Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô 6 năm 1965, 2 lần với Đức Gioan Phaolô 2 năm 1979 và 1995 và Đức Biển Đức 16 năm 2008.

 Tuy nhiên, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kiêm Tổng giám đốc đài Vatican, tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm, nhận xét rằng ”Bài diễn văn này khai mạc một Đại hội đồng của LHQ (thứ 70), nên khác biệt với những lần gặp gỡ của các vị Giáo Hoàng trước tại Đại hội của LHQ, đây là bài diễn văn có cử tọa đông đảo hơn và quan trọng hơn.

 ”ĐGH đã nói một cách rất hiệu nghiệm về sự cần thiết phải dấn thân cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện những lời nói, trái lại cần đi tới thực tại. Ngài đã đưa ra nhiều lời kêu gọi rất mạnh mẽ. Ví dụ lời kêu gọi các tổ chức tài chánh quốc tế, các tổ chức này phải giúp đỡ các nước nghèo nhất phát triển, chứ không bắt các nước ấy phải phục tùng, áp đặt họ một cách ngộp thở dưới các hệ thống tín dụng, ghì họ trong một tình trạng bị loại trừ, nghèo đói và ngày càng lệ thuộc. ĐGH cũng nói một cách rất rõ ràng về việc giải trừ võ khí hạt nhân, nhắc đến một cách tích cực hiệp định mới đây với Iran về vấn đề này. Và đó là điều hiển nhiên là đòi hỏi nhiều, vì biết rằng đó là một hiệp định không phải tất cả đều quí chuộng.

 ”Rồi ĐGH cũng nói về tầm quan trọng của thiên nhiên; ngài cũng nói về bản tính con người, ví dụ bao gồm sự phân biệt giữa người nam và người nữ, và sự tôn trọng tuyệt đối cần có đối với sự sống trong mọi giai đoạn và chiều kích. Vì thế, ĐGH đã không bỏ lỡ cơ hội để trình bày lập trường của Giáo Hội về những điểm đòi nhiều cố gắng. ĐGH cũng đề cập đến vấn đề tị nạn, các nhóm dân thiểu số phải chịu bạo lực, đặc biệt là các tín hữu Kitô thiểu số ở Trung Đông, và tiếp đến là tất cả những vấn đề liên quan đến nghèo đói, công lý, quyền của tất cả mọi người được gia cư, công ăn việc làm và một môi trường lành mạnh để sống, và dĩ nhiên ĐTC cầu mong có một sự tiến bộ về hòa bình qua các cuộc thương thuyết, các cuộc đối thoại giữa các dân tộc khác nhau. Đề tài hòa bình chắc chắn là một chủ đề nổi bật trong cuộc viếng thăm của ĐTC và chỉ có thể như thế. Trong vấn đề này, ĐGH có một lời nói rất uy tín, một lời can đảm, thực sự được lắng nghe với tất cả lòng tôn trọng”.

 Cha Lombardi cũng nhận xét rằng kiểu của ĐTC Phanxicô khi trình bày các bài diễn văn, ngài nhấn mạnh về sự khuôn mặt cụ thể của con người: người già, trẻ em, người trẻ, người thất nghiệp. ĐGH liên tục nhấn mạnh rằng không được dừng lại ở bình diện các cuộc thảo luận ý thức hệ hoặc coi con người như những con số thống kê, nhưng luôn luôn nghĩ họ là những người người cụ thể, là anh chị em chúng ta, và qua đo khích lệ trách nhiệm của những người cầm quyền hãy nhớ con người cụ thể, đang chờ đợi sự dấn thân của chính quyền trong việc tìm ra những câu trả lời cụ thể cho cuộc sống của người dân. Theo nghĩa đó, thật là điều đẹp cuộc gặp gỡ của ĐGH tại LHQ với hàng ngàn người làm việc mỗi ngày để cho cuộc sống và hoạt động của tổ chức quốc tế này có thể tiến hành được. (RG 26-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

ĐHY Jean Louis tuyên thệ nhậm chứcĐHY Jean Louis tuyên thệ nhậm chức (Courtesy pic. from Reuter)

VATICAN. Sáng ngày 9-3-2015, trước mặt ĐTC tại nhà nguyện Urbano VIII, ĐHY Jean Louis Tauran đã tuyên thệ nhậm chức Hồng Y Nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

 ĐTC đã chủ sự nghi thức, đọc các đoạn sách phụng vụ, nhưng không có diễn văn nào. Còn ĐHY Tauran sau đó đã nói ít lời cám ơn ĐTC.

 ĐHY Tauran người Pháp, 72 tuổi (1943) hiện nay cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và ngày 20-12-2014, ngài được ĐTC bổ nhiệm thay thế ĐHY Tarcisio Bertone SDB trong nhiệm vụ nhiếp chính. Vị phó nhiếp chính là Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh.

 Hồng Y nhiếp chính là vị chủ tịch của Tông Phòng (Camera Apostolica) và chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi vật chất, tài sản của Tòa Thánh trong khi Tòa Thánh trống vị. Trong thời kỳ trống tòa như vậy, ngài không bị ngưng chức như các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh. Ngài thi hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.

 ĐHY nhiếp chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng của ĐGH quá cố, cho phép hững người thường ở trong căn hộ của ĐGH được tiếp tục ở đó cho đến khi an táng ĐGH, sau đó toàn thể căn hộ sẽ bị niêm phong.

 Ngài cũng là người thông báo chính thức tin ĐGH qua đời cho ĐHY giám quản Roma và toàn thể dân thành này, cũng như cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô.

 ĐHY nhiếp chính, sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng y trưởng của 3 đẳng GM, LM và Phó tế, sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng ĐGH quá cố. Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. ĐHY cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng. Ngài cho phép chụp hình vị Giáo Hoàng quá cố để làm tài liệu..

 ĐHY nhiếp chính nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới cuộc bỏ phiếu..

 Những qui định trên đây được trình bày trong Tông hiến ”Universi Dominici Gregis” ([Mục tử] của toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống vị.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

VATICAN. Hôm 24-4-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cảnh giác giới báo chí đừng rút ra những hệ luận thổi phồng về cú điện thoại mục vụ của ĐTC.

Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết ĐTC gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho bà được xưng tội rước lễ. Tin này được báo chí các nước đăng lại.

Trong thông cáo công bố ngày 24-4-2014, cha Lombardi nói rằng ”có nhiều cú điện thoại đã xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của ĐGH Phanxicô. Những cú điện thoại như thế tuyệt đối không phải là những hoạt động công cộng của ĐGH, nên không nên chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía phòng báo chí Tòa Thánh.”

”Bởi vậy, những điều đã được phổ biến về vấn đề này, rút khỏi khuôn khổ những quan hệ riêng, và sự phóng đại của các cơ quan truyền thông sau đó, không đáng tin cậy và là nguồn mạch gây ra những hiểu lầm và hoang mang.

”Vì vậy cần tránh rút từ vụ này những hệ luận liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội.

Tin về việc ĐGH bảo rằng việc cho người ly dị tái hôn rước lễ lại làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này bùng lên, nhất là trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Hồi tháng 9-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phải cải chính tin cho rằng ĐGH Phanxicô điện thoại cho một thanh niên đồng tính luyến ái người Pháp, để trả lời thư trong đó anh ta nói rằng mình bị giằng co giữa đức tin và xu hướng đồng tính luyến ái của anh. (Apic 24-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha duy trì ”Ngân hàng Vatican”

Đức Thánh Cha duy trì ”Ngân hàng Vatican”

VATICAN. ĐTC quyết định duy trì viện giáo vụ (IOR), quen gọi là ngân hàng Vatican, đồng thời chỉ thị viện này tiếp tục tuân hành các qui luật về sự minh bạch, về việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong thông cáo công bố ngày 7-4-2014, ĐTC phê chuẩn một đề nghị về tương lai viện giáo vụ, tái khẳng định sứ mạng quan trọng của viện này để mưu ích cho Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

Đề nghị này do các cơ quan liên hệ của Tòa Thánh đệ trình. trong đó có hai Ủy ban Tòa Thánh nghiên cứu và đề ra hướng đi cho cơ cấu kinh tế và quản trị của Tòa Thánh, Ủy ban Hồng y về viện giáo vụ cũng như Hội đồng giám sát viện này.

ĐTC quyết định rằng Viện giáo vụ sẽ tiếp tục phục vụ một cách khôn ngoan thận trọng và cung cấp các dịch vụ tài chánh chuyên biệt cho Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới; viện này cũng giúp ĐTC trong sứ mạng chủ chăn Giáo Hội hoàn vụ, hỗ trợ các tổ chức và những người cộng tác trong sứ vụ của ngài.

Các hoạt động của viện giáo vụ sẽ tiếp tục ở dưới sự giám sát thường xuyên của thẩm quyền thông tin tài chánh (AIF) là cơ quan thẩm quyền trong lãnh vực của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican”.

ĐTC cũng qui định rằng các vị hữu trách của Viện giáo vụ, đứng đầu là ông chủ tịch Ernst von Freyberg, người Đức, sẽ hoàn tất kế hoạch để đảm bảo cho viện này có thể chu toàn sứ mạng như thành phần của các cơ cấu mới về tài chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Kế hoạch này sẽ phải đệ trình Hồi giáo các Hồng y trợ giúp ĐGH, cũng như Hội đồng kinh tế gồm 8 Hồng Y và 7 chuyên gia giáo dân. (SD 7-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Hôm 13-3-2014, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 1 năm ĐHY Jorge Bergoglio SJ được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, ngày kỷ niệm 1 năm của ĐTC Phanxicô không có gì đặc biệt: ĐGH cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng ĐTC, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều 9 đến sáng 14-3-2014.

Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công Giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó có đoạn viết: ”Năm đầu tiên triều đại Giáo Hoàng của Ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo Hội Công Giáo.. Sự dấn thân của Ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả… Sự chăm sóc và quan tâm của ĐGH đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ”.
Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng ”Các quan hệ song phương giữa Công Giáo và Chính Thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua.. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính Thống và Công Giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân”, đó là những lãnh vực cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo hội Công Giáo Roma” (AGI 13-3-2014)

Một số nhận định và cảm tưởng

Phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ ở Roma đã thu thập cảm tưởng và nhận định của một số Hồng Y về năm đầu tiên của ĐGH Phanxicô, nhân dịp các vị về Roma tham dự công nghị đặc biệt của hồng y đoàn về các vấn đề mục vụ gia đình và lễ phong 19 Hồng y mới (từ 21 đến 23-2-2014):

ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, thủ đô Hoa kỳ, nhận định rằng ”Năm qua thật là một năm ngoại thường. ĐGH Phanxicô đã có thể giúp dân chúng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô hữu hình trong Giáo Hội của Ngài. Thật là một món quà đặc biệt và là một thách đố cho tất cả chúng ta”.

Đức tân Hồng Y Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster Thủ đô Anh quốc, thì nói: ”ĐGH Phanxicô mang lại những món quà đặc biệt cho vai trò của ĐGH. Ngài mang cho mỗi người một động lực hăng hái lớn lao và niềm vui được là người Công Giáo, một thách thức sâu đậm làm sao để cuộc sống của chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm. Ngài mời gọi đổi mới quyết liệt trong Giáo Hội bắt đầu từ gốc rễ. ĐGH đi tới trọng tâm sự hiện hữu của Giáo Hội, cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện hữu: nghĩa là chúng ta là những môn đệ thừa sai của Chúa. Chúng ta được mời gọi tháp tùng Chúa và được kêu gọi đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng”.

ĐHY Luis Tagle, TGM giáo phận Manila, Philippines, nói: ”Đối với tôi, ĐGH Phanxicô là một người có niềm vui sâu xa trong nội tâm. Năm đầu tiên của ngài biểu lộ rất nhiều điều mà tôi tin tưởng. Ví dụ ĐGH nói Giáo Hội cần phải khiêm tốn hơn, là một Giáo Hội lắng nghe, một Giáo Hội không tự phụ là có mọi câu trả lời, một Giáo Hội có thể bị hoang mang như những người khác khi cuộc sống của họ bị xáo trộn, một Giáo Hội im lặng – thứ im lặng của người chiêm niệm, chứ không phải im lặng vì phẫn nộ.. Nhiều người quí chuộng điều đó, nhưng một số thành phần trong Giáo Hội thì không. Họ giải thích sự thái độ cảm thông, thinh lặng, lắng nghe của bạn như một sự khuất phục đối với thế gian và là một sự lơ là với sứ vụ ngôn sứ. Nhưng sứ vụ ngôn sứ là điều rộng rãi hơn là thái độ phẫn nộ. Tôi nghĩ cứ la ó, la làng, đó không phải là phương thức thích hợp để giải quyết các vấn đề..”

ĐHY Tagle nói thêm rằng: ”Tôi rất vui mừng vì ĐTC trở lại với lối sống hợp với Tin Mừng hơn, một lối sống dẫn đưa chúng ta đến chỗ tự phê bình về những gì chúng ta đã thừa hưởng và thanh tẩy những điều đó dưới ánh sáng Phúc Âm”.

ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ và là một trong 8 HY cố vấn của ĐGH, nhận xét rằng ”Triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô đã tạo nên sự khác biệt cho Giáo Hội, Giáo Hội tại Ấn độ chẳng hạn, và Giáo Hội tại Á châu. Chúng tôi đã tìm đến với người nghèo nhiều hơn, và ĐGH cũng làm cho chúng tôi suy nghĩ lại, cứu xét cuộc sống và hoạt động về phương diện chất lượng, chứ không phải chỉ về số lượng mà thôi, dành ưu tiên cho sự tiếp xúc với con người. Đó là điều ĐGH nhắc nhở chúng tôi. Và cũng cần phải sống đơn sơ, ĐGH thúc đẩy chúng tôi trở về những điều căn bản, biến chúng tôi thành Giáo Hội như Chúa Giêsu mong muốn”.

ĐHY Gracias cũng kể rằng khi người ta hỏi ĐGH Phanxicô xem điều gì mới mẻ ngài đang mang lại cho Giáo Hội, ngài đáp: ”Tất cả những gi tôi muốn cho Giáo Hội chính là Chúa Giêsu Kitô”. ĐHY nói tiếp: ”Tôi rất vui mừng vì cả thế giới đã phản ứng tích cực. Đó thực là một thách đố đối với mọi vị tân Giáo Hoàng. Có thể nói ĐGH Phanxicô đã gảy vào dây đàn đúng! Tôi hy vọng tất cả các HY chúng tôi có thể cộng tác vơi nhau và ủng hộ ĐGH về những gì ngài muốn làm cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Hội Thánh được sinh động hơn. Tôi thực sự cảm thấy ĐGH Phanxicô làm cho Giáo Hội tái trở thành tiến nói của người nghèo, là tiếng nói luân lý trên thế giới, và dân chúng lắn gnghe ngài. Tôi hy vọng dân chúng không những chỉ lắng nghe ĐGH nhưng còn hành động theo những gì ngài nói”

– ĐHY Wilfrid Napier dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban, Nam Phi, nhận xét rằng: ”ĐGH Phancixô đã trao tặng đức tin, lối sống Công Giáo với một sắc thái, một tinh thần và một sự nhấn mạnh khác. Tôi có thể nói điều cốt yếu của ĐGH Phanxicô là: nếu tôi nhìn xem tôi là ai, tôi có thể thấy tất cả những điều sai lầm với tôi, và chỉ nhờ ơn Chúa mà tôi không phải là con người sai lầm mà tôi có thể trở thành, vì vậy sở dĩ tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa. Có hai cực: tôi là người tội lỗi và ơn thánh của Chúa đang biến đổi tôi”.

”Ngài không phải là điều ngài đang là vì địa vị ngài được, nhưng vì một quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa Giêsu, chính điều đó làm cho ngài khác người. Dĩ nhiên đối với tôi, trong tư cách là tu sĩ Phanxicô, có hai thách đố mà ĐGH đang đương đầu, nghĩa là ngài là một tu sĩ dòng Tên sống theo đường lối Phanxicô hơn tôi. Đối với tôi đó là một thách đố tốt đẹp mà tôi có thể chia sẻ với ĐGH, cái ý tưởng sống như thánh Phanxicô Assisi” (CNS 4-3-2014)

Nhận định của Cha Lombardi SJ

Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của ĐGH Phanxicô là cha Federico Lombardi, dòng Tên, Tổng giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo Hoàng:

H. Thưa cha Lombardi, việc bầu cử ĐGH Phanxicô đã thay đi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyn thông đối với chức vụ Giáo Hoàng. Đâu là bí quyết của ĐGH Phanxicô trong vn đề này và khả năng đả thông của Ngài với dân chúng đã thu phục được giới truyền thông như vậy?

Đ. Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. ĐGH Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói ”không” và không gần gũi với dân chúng. ĐGH Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.

H. ĐGH Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những ngưi xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh gặp phải?

Đ. Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi ĐGH muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ ĐGH và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi ĐGH nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.

H. Một năm đã trôi qua trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đ. ĐGH Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: ”Anh chị em đừng nói “Viva il Papa, Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” Nhưng hãy nói ”Viva Gesù!”, Hoan hô Chúa Giêsu. Đồng thời ĐTC Phanxciô có thể chấp nhận là ”Người nổi bật nhất trong năm” theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà ĐGH Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với ĐGH, điều đó chẳng mang lại điều gì cho ngài.

H. Thưa cha Lombardi, có những lời khuyên nào cha muốn nói với các ký giả không để họ cải tiến việc truyền thông của họ, nhất là về ĐGH, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung?

Đ. Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của ĐGH. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, chỉ thỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Trái lại, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.

H. Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đ. ĐGH đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế việc cải tổ giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Cac cơ cấu trung ương Tòa Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

VATICAN. Hôm 11-2-2014, là kỷ niệm đúng 1 năm ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm và ấn định rằng Tông Tòa bắt đầu từ lúc 20 giờ ngày 28-2 tiếp đó.

ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm, trước sự hiện diện của hơn 40 Hồng y tham dự công nghị thường lệ về việc tôn phong hiển thánh cho 813 vị chân phước.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuter của Anh quốc, truyền đi hôm 11-2-2014, Đức TGM Georg Gaenswein, bí thư của ĐGH Biển Đức đồng thời là đương kim Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng cho biết ĐGH Biển Đức vẫn rất tỉnh táo và minh mẫn về tâm trí và tinh thần, tuy rằng sức khỏe thể lý của ngài suy yếu với 87 tuổi”.

Đức TGM Gaenswein cũng nói đến quan hệ tốt đẹp giữa Đức cựu và đương kim Giáo Hoàng: ”Ngay từ đầu đã có sự tiếp xúc tốt đẹp giữa hai vị và sự khởi đầu này đã được phát triển và trưởng thành. Hai vị vẫn viết thư, điện thoại, nghe và mời nhau. ĐGH Phanxicô đã nhiều lần đến Đan viện Mẹ Giáo Hội nơi Đức Biển Đức cư ngụ, và ĐGH Biển Đức cũng đã đến nhà trọ Thánh Marta. Trên nhiều bình diện có sự cảm thông giữa hai vị”.

Đức TGM nói: ”Đức nguyên Giáo Hoàng rất an bình với chính mình và với Chúa. Tôi xác tín rằng Chúa Thánh Linh gửi vị Giáo Hoàng đúng đến cho thời đại thích hợp, và điều này có giá trị đối với Đức Gioan Phaolô 2, Đức Biển Đức và ĐGH Phanxicô.. Sau một triều đại Giáo Hoàng rất dài của Đức Gioan Phaolô 2, một người đã sống cạnh Người trong 23 năm, lâu hơn bất kỳ Hồng y nào khác, và có lẽ là cộng sự viên được tín nhiệm và hữu hiệu nhất, đã trở thành Giáo Hoàng. Tôi không nói là ĐGH Biển Đức không được may mắn. Sau một triều đại 27 năm Giáo Hoàng, bất kỳ ai được bầu lên cũng gặp khó khăn”.

Và Đức TGM Gaenswein cho biết: ”Đức Biển Đức 16 không oán trách các cơ quan truyền thông nhiều khi không viết đúng về ngài và công việc của ngài. Tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán đoán khác với phán đoán mà người ta thường đọc thấy trong những năm gần đây trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Biển Đức 16, vì nguồn mạch trở nên rõ ràng và mang lại nước trong hơn” (Vat. Ins., Reuteur 10-2-2014).

Đức TGM Georg Gaenswein xác nhận rằng khi ĐGH tuyên bố từ nhiệm, nhiều Hồng Y hiện diện kinh ngạc ngỡ ngàng, nhiều vị khác không hiểu.

Trả lời câu hỏi của đài Radio Uno ở Italia: ”Sự chọn lựa của ĐGH Biển Đức có thể là một tiền lệ trong giáo luật hay không”, Đức TGM Gaenswein nói: ”ĐGH Ratzinger đã và sẽ không hề muốn ảnh hưởng một cách nào đó đến các người kế nhiệm. Chắc chắn rằng qua hành vi từ nhiệm này, ngài xác định một sự kiện mới cần phải được tôn trọng”.

Đức Hồng Y Bertone

ĐHY Bertone, nguyên Quốc vụ khanh, cũng tiết lộ rằng ĐGH Biển Đức 16 đã muốn từ nhiệm sớm hơn, và dự tính thông báo ý định này ít lâu sau lễ Giáng Sinh năm 2012, nhưng ĐHY can ĐGH rằng: ”lúc này không phải là thời điểm thuận tiện. ĐTC cần loan báo sứ điệp của Chúa Hài Đồng Giêsu. Chúng ta không nên làm xáo trộn món quà mà Chúa ban cho Giáo Hội”.

ĐHY Bertone cho biết vào khoảng giữa năm 2012, ĐGH Biển Đức đã tiết lộ cho ngài ý định từ nhiệm, nhưng ĐHY tìm cách khuyên ĐGH dời lại thời điểm, vì mới khai mạc năm Đức Tin và loan báo Thông điệp về đức tin. Sau nhiều suy nghĩ và cầu nguyện ĐGH đi tới quyết định chung kết là sẽ công bố quyết định vào ngày 11-2, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

ĐHY nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh xác nhận rằng nguyên nhân chính khiến ĐTC Biển Đức 16 từ nhiệm là tình trạng sức khỏe thể lý và nghị lực tinh thần suy yếu. Ở tuổi của ngài, ngài cảm thấy không đủ nghị lực để đi Rio de Janeiro gặp gỡ hàng triệu bạn trẻ tại đó.

Cha Lombardi SJ

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nhận định rằng quyết định từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 cách đây 1 năm là một ”đại hành vi cai trị”. Nghĩa là một quyết định được đề ra một cách tự do, ảnh hưởng thực sự trong tình trạng và trong lịch sử của Giáo Hội. Theo nghĩa đó, quyết định từ nhiệm của Người là một đại hành vi cai trị, được thực hiện với một linh đạo sâu xa, được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng suy tư và cầu nguyện, một cử chỉ rất can đảm, vì đó là một quyết định ngoại thường.

Đức Ông Georg Ratzinger

Mặt khác, trong một bài đăng trên báo ”Lý Trí” (La Razón” số ra ngày 8-2-2014 tại Tây Ban Nha, Đức Ông Georg Ratzinger, anh ruột của ĐGH Biển Đức, cho biết em của ngài không có nhiều thời gian như mong muốn để chơi đàn Piano hoặc có những cuộc điện đàm, vì Người vẫn còn nhiều người đến viếng thăm.

Đức Ông cũng tiết lộ rằng Đức nguyên Giáo Hoàng vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học, những không nói Người có viết tiểu sử tự thuật hay không. Đức Ông nói thêm rằng: ”Em tôi tuyệt đối không hề lấy làm tiếc vì quyết định từ nhiệm cách đây 1 năm. Đối với Người, những trách vụ và chức năng mà Người muốn chu toàn, thật là rõ rằng, và quyết định Người đưa ra cách đây một năm thật là rõ ràng, và vẫn còn giá trị ngày nay” (Apic 9-2-2014)

Trong một sứ điệp ngắn truyền qua dạng Twitter, ĐTC Phanxicô viết: ”Hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng với tôi cầu nguyện cho ĐTC Biển Đức 16, một người có lòng can đảm lớn lao và lòng khiêm nhường sâu xa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio