Các gia đình truyền giáo loan Tin mừng cho thổ dân Paraguay

Các gia đình truyền giáo loan Tin mừng cho thổ dân Paraguay

Các gia đình thuộc các miền ở Paraguay và một đôi vợ chồng người Cuba đã tụ họp tại Porto Murtinho, Braxin, để bắt tay vào dự án loan báo Tin mừng kéo dài một tuần, rồi từ đó họ chia thành các nhóm, xuôi dòng sông Paraguay đi truyền giáo cho 11 thị trấn dọc bờ sông. Nhóm này được 4 linh mục, 1 nữ tu và Đức Tổng Giám mục Valenzuela Mellid của giáo phận Asuncion, Paraguay, đồng hành.

Dưới sức nóng hơn 40 độ ở vùng Nam bán cầu, các nhà truyền giáo sống trong các lều, ở trong các nhà nguyện và nhà dân địa phương. Tại đây họ dạy giáo lý, cử hành Thánh lễ bằng tiếng bản xứ, chia sẻ huynh đệ, xưng tội và ngay cả làm trung gian hòa giải các tranh chấp của dân địa phương với một công ty.

Đức cha Valenzuela nói: “Các nhà truyền giáo đi vào trong bầu khí cầu nguyện, trong đó người ta có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các xung đột. Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của họ vì họ loan báo tình yêu của Chúa Kitô, là tình yêu biến đổi cuộc sống và khi tình yêu đó được sống thật sự, nó có ảnh hưởng trong các tương quan của con người và trong lao động.” Đức cha cũng chia sẻ thêm: “Niềm vui của các gia đình này thật tuyệt vời và đặc biệt là những đứa con của họ. Đức tin, sự chuẩn bị và xác tín của họ thật đáng kinh ngạc. Nó là một phần của việc trở thành một Giáo hội chứng tá.”

Các Cộng đoàn Các Gia đình Truyền giáo được thành lập năm 2010 bởi hai đôi vợ chồng Carmen và Aldo Fanego, Kika và Vidal Benítez. (CNA 16.01.2019)

Hồng Thủy

Các tân hiển thánh và chân phước trong năm 2018

Các tân hiển thánh và chân phước trong năm 2018

Năm 2018 đang khép lại là dịp để nhìn lại quà tặng tình yêu Người ban cho Giáo hội qua các vị thánh và chân phước được tuyên phong trong năm này.

Sự thánh thiện ở trong tầm tay

Trong số các tân hiển thánh và chân phước được tuyên phong trong năm 2018, có một Giáo hoàng, nhiều linh mục và tu sĩ, và cũng rất nhiều giáo dân, qua đó cho thấy rằng sự thánh thiện ở trong tầm tay, khả năng của mọi người, như ĐTC Phanxicô đã nói trong tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan”:

Tôi thích thấy sự thánh thiện của dân Chúa kiên trì: nơi các phụ huynh nuôi dưỡng con cái với thật nhiều tình yêu thương , nơi những người nam nữ lao động để mang về lương thực cho gia đình, nơi các bệnh nhân, những nữ tu cao niên vẫn tiếp tục mỉm cười. Trong tình cảnh này, để tiến bước từng ngày tôi nhìn thấy sự thánh thiện của Giáo hội quân nhân. Rất nhiều lần, nó là sự thánh thiện “ở ngay bên cạnh”, của những người sống gần chúng ta và nó là sự phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa, hay, dùng một thành ngữ khác, “giai cấp trung lưu của sự thánh thiện”.

Các thánh và chân phước thể hiện nhiều nét khác nhau của sự thánh thiện và nên thánh bằng những con đường cũng như trong những hoàn cảnh khác nhau.

Các vị tử đạo của chiến tranh, khi tình yêu nảy sinh từ sự thù ghét

Năm 2018 bắt đầu với lễ phong chân phước vào ngày 03/02 cho Teresio Olivelli, một người Ý yêu nước, bị quân Đức quốc xã giết trong trại tù Herbruck vì “thù ghét đức tin”. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, Olivelli đã giúp đỡ các bạn lính cả về thể lý cũng như tinh thần với những lời “hãy giải phóng chúng ta.” Tiếp đến, ngày 15/04, Luciano Botovasoa, dòng Ba Phanxicô, được tuyên phong hiển thánh. Trong cuộc cách mạng ở Madagascar, khi Giáo hội bị bách hại. Botovasoa đã muốn ở lại bên cạnh các thừa sai người Pháp và đã bị giết. Ngày 01/05, cha Janos Brenner, người Hungari, đã bị chế độ cộng sản giết hại trong một cuộc phục kích khi cha đang mang Mình Thánh Chúa cho một bệnh nhân, được tuyên phong chân phước.

Có hai cuộc tuyên thánh tập thể: thứ nhất là vào ngày 10/11m tại Barcelona, Teodoro Del Olmo và 15 bạn tử đạo, trong đó có các linh mục dòng Vinh sơn Phaolô, các giáo dân, nạn nhân của cuộc nội chiến Tây ban nha; thứ hai là lễ tuyên thánh vào ngày 08/12 cho Đức cha Pierre Claveri và 18 bạn tử đạo, được biết với tên “các vị tử đạo Algeri.” Trong những năm tăm tối dưới chế độ Hồi giáo cực đoan tại Algeri, các ngài đã chọn ở lại chứ không bỏ rơi người dân đau khổ.

 Những nhà truyền giáo: như các tông đồ được gửi đến những vùng ngoại biên của thế giới

Ngày 26/05, nữ tu Leonella Sgorbati, người nhỏ bé nhưng có trái tim vĩ đại, truyền giáo tại Mogadiscio (Somalia) nhiều năm trời, được tuyên phong chân phước. Nhà Tạm trong nhà các nữ tu là sự hiện diện sống động duy nhất của Chúa Giêsu ở đất nước này. Sơ đã bị sát hại nhưng đã chọn tha thứ cho người sát hại mình. Tiếp đến, ngày 27/10, thánh Nazaria Ignazia March Mesa, sáng lập dòng các Nữ Truyền giáo thập tự chinh của Giáo hội, được phong thánh. Sơ truyền giáo ở Bolivia nhiều năm, dành cuộc đời cầu nguyện cho sự trung thành kiên vững của các tu sĩ và tinh thần tông đồ của các linh mục.

Ngày 27/10, cha Tullio Maruzzo, nhà truyền giáo dòng Phanxicô và giáo lý viên Luis Obdulio đã bị sát hại trong làn sóng bạo lực tại Guatemala trong cuộc chiến giành độc lập từ tay người Tây ban nha.

Chăm sóc bệnh nhân – các thánh là gương mặt thật về sự dịu dàng của Thiên Chúa

Chân phước Anna Chrzanowska, một nữ y tá, là người đầu tiên có sáng kiến trợ giúp các bệnh nhân tại gia. Trong khi đó, hai vị thánh và chân phước Carmen Rendíles Martínez, sáng lập dòng các Nữ tỳ Chúa Giêsu, sinh ra không có cánh tay trái, nhưng không vì thế mà thiếu đi sức mạnh và nghị lực, đã chia sẻ kinh nghiệm bệnh tật, vác thánh giá để dâng hy sinh cho Chúa. Thánh Francesco Spinelli, sau khi được Chúa chữa lành cách kỳ diệu đã hoàn toàn dành cuộc đời chăm lo cho các bệnh nhân đau khổ nhất bằng cách mang Lời Chúa và sự dịu dàng đến cho họ. Cuối cùng là thánh Nunzio Sulprizio, qua đời khi mới 19 tuổi vì ung thư xương, hầu như phải nằm bệnh viện suốt, nhưng đã tận dụng thời gian dạy giáo lý cho các em bé nằm cùng bệnh viện và cầu nguyện, dâng những đau khổ cầu cho người tội lỗi hoán cải.

Các vị tử đạo tinh tuyền, những nhánh huệ trắng đẫm máu

Hai thánh Maria Goretti mới là Anna Kolesárová, người Slovak, được phong chân phước ngày 01/09, bị một người lính giết vì chị đã kháng cự lại ý xấu của ông ta, và người thứ hai là chân phước Veronica Antal, được phong chân phước ngày 22/09, bị giết bởi một kẻ cuồng tín.

Các chân phước là hình ảnh của Chúa Kitô cho thế giới

Có hai tân á thánh kết hiệp đặc biệt với Chúa Giêsu ngay từ khi còn tại thế. Ngày 02/06 là lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Chịu đóng đinh, người được Chúa nói chuyện và yêu cầu thành lập dòng các Nữ tu Thánh Tâm, chuyên lo dạy dỗ giới trẻ. Ngày 09/09, Alfonsa Maria Eppinger được phong chân phước. Chị đã có những cuộc xuất thần và nhìn thấy trước tình hình chính trị và tương lai của Giáo hội.

Các linh mục, những người gặp gỡ Chúa

Thánh giáo hoàng Phaolô VI được tuyên thánh cùng với Đức cha Oscar Romero và cha Vincenzo Romano vào ngày 04/10. Các ngài là những người bảo vệ sự sống, bạn của người nghèo và hòa bình, xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Các nữ tu, những nhân vật chính của lịch sử duy nhất mà Thiên Chúa đã viết

Clara Fey, trong giấc mơ, được Chúa Hài đồng mời gọi chăm sóc người nghèo và chị đã dành cả cuộc đời thành lập dòng các Nữ tu nghèo Chúa Hài đồng Giêsu. Chị được phong chân phước ngày 05/05.

Ngược lại, chân phước Maria, được tuyên phong chân phước ngày 10/06, xuất thần từ gia đình giàu sang quyền quý, nhưng từ bỏ tất cả ngay từ thời niên thiếu, mang Lời Chúa đến cho các bạn trong xã hội thấp bé.

Thánh Maria Caterina Kasper, thành lập dòng các Nữ tỳ nghèo của Chúa Giêsu, có ơn gọi chăm sóc người nghèo bởi vì chính ngài cũng là một người nghèo. Cuối cùng là chân phước Maria Chúa Giêsu Thánh Thể, được tuyên phong hiển thánh ngày 23/06, sau một cuộc đời dành để chăm sóc các trẻ em và người cao niên: đây là con đường trở nên trọn lành của chị, con đường nên thánh.

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha: Hoà bình là con đường của khiêm nhường, hiền lành và quảng đại

Đức Thánh Cha: Hoà bình là con đường của khiêm nhường, hiền lành và quảng đại

Phải băng qua con đường của khiêm nhường, hiền lành và quảng đại, ta mới tìm thấy hoà bình trên thế giới, trong xã hội cũng như trong gia đình của mỗi chúng ta. Suy niệm về bài đọc thứ nhất trích thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô, Đức Thánh Cha nhắc nhớ cách thức thánh Phao-lô, khi sống cô đơn trong tù, đã nói với các Kitô hữu về sự hiệp nhất đích thực, trong khi ngài đề cập đến “phẩm tính của ơn gọi.”

Không dễ để tìm được đồng thuận hòa bình

Chính vị tông đồ đã cô đơn cho đến lúc chết tại “Tre Fontane,” – nghĩa là “ba con suối” – bởi các Kitô hữu quá bận rộn với những "đấu đá nội bộ." Chúa Giêsu cũng như thế, trước cuộc khổ hình, trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã xin Chúa Cha ơn hiệp nhất cho tất cả chúng ta. Nhưng giờ đây, chúng ta đang quen dần, đang hít thở bầu không khí xung đột: hàng ngày trên tivi, trên báo chí, người ta nói về các vụ xung đột, về chiến tranh, không hoà bình, không hiệp nhất. Mặc dù họ thực hiện các hiệp ước để ngăn chặn bất kỳ hình thức xung đột nào, nhưng sau đó, họ lại bỏ qua các thoả thuận đó. Theo cách này, “việc vũ trang, chuẩn bị chiến tranh, việc huỷ diệt tiếp tục được tiến hành.”

Cũng vậy, ngày nay, chúng ta thấy rằng những tổ chức toàn cầu được tạo ra với ý hướng tốt hơn nhằm thăng tiến sự hiệp nhất con người, hoà bình. Họ cảm thấy không thể đi đến đồng thuận: rằng có một quyền phủ quyết ở đây, rằng mối bận tâm ở kia… Và họ cố gắng đi đến những thoả thuận về hoà bình. Nhưng trong nỗ lực ấy, những đứa trẻ không có gì ăn, không được đến trường, không được giáo dục. Các bệnh viện cũng không có vì chiến tranh phá huỷ mọi thứ. Chúng ta đang có khuynh hướng huỷ diệt, chiến tranh và chia rẽ. Đó chính là khuynh hướng mà ma quỷ, kẻ thù, kẻ phá huỷ nhân loại gieo vào lòng chúng ta. Trong đoạn thư này, thánh Phao-lô dạy chúng ta con đường hướng tới sự hiệp nhất. Ngài nói: sự hiệp nhất được bảo bọc, được gìn giữ – mà ta có thể nói là – với sợi dây hoà bình. Hoà bình dẫn tới sự hiệp nhất.

Mở lòng

Vì thế, đây là lời mời gọi hành xử xứng đáng với "ơn kêu gọi” ta đã lãnh nhận, "với tất cả sự khiêm nhường, hiền lành và quảng đại".

Để thực hiện hòa bình, hiệp nhất giữa chúng ta, "hãy khiêm tốn, hiền hành và quảng đại.” Thực tế là chúng ta thường quen xúc phạm, quát tháo nhau hơn là hiền lành. Quên nó đi, nhưng hãy mở lòng. Nhưng ta có thể tạo ra hòa bình trên thế giới với ba điều nhỏ bé này không? Có chứ, đó là con đường. Nó có thể tiến tới hiệp nhất không? Có chứ, hành trình đó là: "khiêm tốn, hiền lành và quảng đại." Và thánh Phao-lô rất thực tế. Ngài tiếp tục với một lời khuyên rất thực tế: "hãy nâng đỡ nhau trong tình yêu". Hãy chịu đựng lẫn nhau. Điều này không phải là dễ dàng gì, bởi ta luôn phán xét, lên án, – vốn là điều dẫn đến chia rẽ, xa cách …

Hoà hợp ngay từ đầu

Điều này cũng xảy ra ngay cả giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Và "ma quỷ hạnh phúc" vì điều này. Nó là "khởi đầu của chiến tranh". Lời khuyên là "hãy chịu đựng", "bởi tất cả chúng ta đều gây ra những điều khó chịu, gây ra mất kiên nhẫn; bởi tất cả chúng ta – hãy nhớ rằng – chúng ta là tội nhân, tất cả chúng ta đều có những sai lầm của riêng mình". Thánh Phaolô khuyên ta về " việc duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hòa bình", " dưới sự linh hứng từ những lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly: “một thân thể và một tinh thần." Và rồi, ngài tiếp tục cho ta thấy chân trời của hòa giải với Thiên Chúa; như Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy chân trời của hòa giải trong lời cầu nguyện: 'Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha và con là một'. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Chúa Giêsu khuyến khích ta tìm cách hoà giải với đối phương “lúc dọc đường." Đó là một "lời khuyên tốt," bởi vì " không khó để tìm cách hoà giải ngay khi cuộc xung đột bắt đầu".

Lời khuyên của Chúa Giêsu: hãy tìm đồng thuận ngay từ đầu, hãy làm hòa ngay từ đầu: đây chính là khiêm nhường, hiền lành và quảng đại. Ta có thể xây dựng hòa bình trên toàn thế giới với những điều nhỏ nhặt này, vì những thái độ này là thái độ của Chúa Giêsu: khiêm tốn, hiền lành, tha thứ tất cả. Thế giới ngày nay cần hòa bình, chúng ta cần hòa bình, gia đình cần hòa bình, xã hội cần hòa bình. Hãy bắt đầu thực hành những điều đơn giản này ngay ở tại gia đình: sự quảng đại, hiền lành và khiêm nhường. Chúng ta tiến lên theo cách này: luôn luôn sống sự hiệp nhất, củng cố sự đoàn kết. Xin Chúa giúp chúng ta trong cuộc hành trình này.

Trần Đỉnh, SJ

Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn: công bằng về cơ hội, nguồn lực

Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn: công bằng về cơ hội, nguồn lực

Mặc dù có tiến bộ ở một số mặt, nhưng sự bất bình đẳng giới vẫn phổ biến trong mọi chiều kích phát triển bền vững; và ở nhiều khu vực, tiến độ quá chậm để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (OSS) vào năm 2030. Phụ nữ nông thôn chiếm hơn một phần tư dân số thế giới và phần lớn 43% phụ nữ là lực lượng lao động nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Hơn nữa họ còn bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, loại trừ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và môi trường

Sự khác biệt giới tính

Lao động nữ sống ở khu vực nông thôn chiếm hơn một phần tư dân số thế giới và chiếm từ 41 đến 61 phần trăm lực lượng lao động nông nghiệp trên thế giới. Họ làm việc như nông dân, nhân viên và doanh nhân. Phụ nữ ở các cộng đồng thổ dân và bộ tộc thường là những người gìn giữ sự khôn ngoan truyền thống, là thành phần cơ bản nuôi dưỡng bảo tồn văn hóa và khả năng phục hồi cho cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em gái cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí và từ nhiên liệu nặng. Ở các nước mà phụ thuộc rất nhiều vào than để nấu ăn, số phụ nữ chết trẻ chiếm 6 trên 10 ca do ô nhiễm không khí, do nhiên liệu không sạch và công nghệ không hiệu quả.

Điều kiện làm việc bấp bênh

Lao động nữ ở khu vực nông thôn được trả lương thấp và thiếu bảo hiểm xã hội. Nhiều người trong số họ làm việc không được trả tiền công, có nghĩa là công việc của họ bị đánh giá thấp. Việc thiếu tham gia vào các tổ chức công đoàn và các tổ chức sử dụng lao động ở nông thôn làm giảm khả năng được bảo vệ. Phụ nữ sống ở các vùng nông thôn có nguy cơ bị lạm dụng, quấy rối tình dục và các hình thức bạo hành giới khác. Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 80% khu vực nông nghiệp ở châu Phi và 60% ở châu Á là phụ nữ ".

Một nguồn lực cho cả gia đình

Những phụ nữ này đóng góp đáng kể vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm lương thực và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chính vì thế phụ nữ sống ở khu vực nông thôn không được ở bên lề những quyết định chính trị. Việc phụ nữ lãnh trách nhiệm phải được thúc đẩy thông qua các chính sách sản xuất và thực hiện bình đẳng; chính sách khuyến khích kinh doanh; chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em và người già. Việc vượt qua những trở ngại về mặt pháp lý, xã hội và văn hóa như những vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng đối với tài sản, tín dụng, công nghệ và thị trường, ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ sống và làm việc ở nông thôn. Các tổ chức lao động và công đoàn có thể và phải hỗ trợ thay đổi này.

Quy tắc quốc tế chống lại bạo lực và quấy rối

Chủ đề bạo lực và quấy rối trong thế giới công việc và việc áp dụng quy tắc quốc tế về lao động có thể sẽ được thảo luận trong những tháng tới. Các quy tắc xã hội khiến phụ nữ tiếp xúc với bạo lực và quấy rối phải chiến đấu với quyết tâm, bằng cách tăng cường hiệu quả của khung pháp lý và chính trị, với cơ chế thực hiện cụ thể cho người lao động trong nền kinh tế nông thôn và nông nghiệp. Chúng ta không thể chờ đợi. Chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực để thu hẹp khoảng cách cản trở việc tiếp cận công việc tốt cho phụ nữ sống ở nông thôn. Đó là một câu hỏi về ý chí chính trị và việc sử dụng tất cả các công cụ chính trị có sẵn. Vấn đề không hoạt động đơn giản là do chí phí quá cao.

Ngọc Yến – Vatican

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Ban thông tin của Thượng HĐGM và cả một số nghị phụ phổ biến những tin tức, ý kiến hoặc lập trường về các vấn đề đang được công nghị GM thế giới hiện nay bàn luận. Sau đây là một số ý kiến nổi bật được dư luận chú ý.

 Ý kiến: truyền chức LM cho người có gia đình

 Đức Cha Jean Kockerols, GM phụ tá Tổng giáo phận Bruxelles bên Bỉ, đã trình bày lập trường của HĐGM nước này, đề nghị Giáo Hội truyền chức linh mục cho những người có gia đình. Trong bài phát biểu về ơn gọi của người trẻ, Đức Cha Kockerols nói:

 ”Có một ơn gọi Kitô, là ơn gọi khi chịu phép rửa tội, và có các ơn gọi khác cụ thể hóa ơn gọi nguyên thủy ấy, và tôi xin kết luận: ”Tôi xác tín rằng một số người trẻ, đã kín múc trong ơn gọi bí tích rửa tội lời kêu gọi dấn thân trong hôn nhân, nhưng họ sẵn lòng thưa ”này con đây” nếu Giáo Hội gọi họ vào sứ vụ linh mục”.

 Cha Tommy Scholtes, dòng Tên, Phát ngôn viên của HĐGM Bỉ, cho biết Đức Cha Kockerols đã đệ trình trước văn bản bài phát biểu của ngài cho các GM Bỉ và bài phát biểu ấy thực sự được làm nhân danh HĐGM Bỉ. Cha Tommy giải thích thêm rằng việc truyền chức LM cho những người nam có gia đình có thể là một câu trả lời cho cuộc khủng hoảng ơn gọi xảy ra khắp nơi trên thế giới. Cha nói: ”Việc truyền chức LM cho những người nam có gia đình không phải là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng khoảng ơn gọi, vì đây cũng là một vấn đề sự đáng tín nhiệm của đức tin trong thế giới ngày nay. Chúng ta biết rằng nơi thế giới Tin Lành và Chính Thống trong đó các mục tử có thể là những người kết hôn, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm những ngừơi trẻ chấp nhận việc phục vụ này dành cho Giáo Hội”.

 Đưa phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo Giáo Hội

 Một đề nghị khác thường đã được ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, đề ra: ĐHY kêu gọi Giáo Hội hãy để phụ nữ tham gia vào các cấp độ lãnh đạo Giáo Hội, từ giáo phận, đến HĐGM và cả Vatican. Ngài nhận định rằng tại Vatican chưa có phụ nữ nào được tham gia vào các vị trí lãnh đạo.

 Trong bài tham luận tại phiên họp khoáng đại sáng ngày 11-10-2018 và được chính HĐGM Đức phổ biến sau đó, ĐHY Marx nói ”chúng ta phải thực sự muốn và thi hành việc thăng tiến phụ nữ. Người ta có cảm tưởng Giáo Hội, trong những gì liên hệ tới quyền bính, xét cho cùng, đó là Giáo Hội của nam giới. Cần vượt thắng cảm tưởng đó trong Giáo Hội hoàn vũ và cả tại Vatican, chẳng vậy các thiếu nữ sẽ chẳng được những cơ may thực sự. Đây là lúc cần phải hành động như vậy”.

 Theo ĐHY, đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo Hội sẽ góp phần phá vỡ cái vòng khép kín của giáo sĩ. ĐHY cho biết cách đây 5 năm, các GM Đức đã quyết định để phụ nữ tham gia vào các công tác lãnh đạo Giáo Hội về thần học và mục vụ.

 ĐHY Marx cũng là thành viên Hội đồng 9 HY Cố vấn của ĐTC. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít lâu, ĐHY tiết lộ là đã cố gắng đẩy mạnh việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo tại Tòa Thánh, nhưng đề nghị này không được tiến hành nhanh như ngài mong muốn.

 Các ý kiến và đề nghị khác:

 Có nghị phụ nêu vấn đề: nhiều ngừơi ngày nay, đặc biệt là người trẻ, không lãnh nhận bí tích giải tội nữa và vì thế, cần có một nền mục vụ đúng đắn, có thể giúp người trẻ ý thức đầy đủ và phong phú về việc cử hành bí tích giải tội.

 Đẩy mạnh mục vụ giới trẻ

 Để đẩy mạnh việc mục vụ giới trẻ, có nghị phụ đề nghị mỗi đơn vị của Giáo Hội, như giáo phận, nên thiết lập một Văn phòng về giới trẻ để mang lại năng động cho việc mục vụ giới trẻ. Người trẻ là hiện tại và tương lai của Giáo Hội.

 Nhiều nghị phụ khác lưu ý rằng thách đố hiện nay là: trong lúc Giáo Hội đang bị khủng hoảng về uy tín do những gương mù gương xấu, những lạm dụng và chia rẽ nội bộ gây ra, người ta bị cám dỗ muốn xây dựng một Giáo Hội hủy bỏ lo âu và muốn sống một cách chắc chắn và rõ ràng. Nguy cơ là mong muốn một thế hệ người trẻ ”cứng rắn và tinh tuyền” tưởng mình biết mọi câu trả lời. Nhưng Giáo Hội được kêu gọi thức tỉnh tâm hồn và các bắp cơ của mình. Từ đó, các nghị phụ kêu gọi suy tư về việc đào tạo trong các chủng viện và cần giảng dạy về sự phân định.

 Giúp người trẻ trưởng thành về tình yêu và chuẩn bị hôn nhân

 Trong các bài phát biểu tự do, có nghị phụ nhắc nhở rằng khi bàn về việc đồng hành giúp người trẻ trưởng thành về tình yêu, qua việc học tập và chuẩn bị hôn nhân. Nhưng người ta nhận thấy về vấn đề này Giáo Hội và các mục tử không có khả năng và có một sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm.

 Mặt khác không thể thu hẹp sự dịu dàng của tình yêu mãi mãi vào một thứ ”giáo sĩ hóa hôn nhân”, vào những lễ nghi chính thức mà không để ý đến sự trưởng thành. Tóm lại cần một thời gian chuẩn bị, và học hỏi vì tình yêu là điều lớn lao đến độ không thể bán rẻ như một món hàng.

 Đáp ứng và hướng dẫn người trẻ cầu nguyện

 Sau cùng có những nghị phụ kêu gọi làm sao để người trẻ say mê Chúa Giêsu, khám phá nơi Chúa chân lý của cuộc sống. Trước tiên là cầu nguyện và đặc biệt là việc Chầu Mình Thánh Chúa. Sau đó là sự tiếp xúc với Chúa Giêsu động chạm đến thân mình Chúa trong nhân tính của ngài, trong các vết thương thể lý và tinh thần của những người đồng lứa tuổi.

 Có nhiều nghị phụ nhận thấy về kinh nguyện, cần giúp người trẻ ý thức và cầu nguyện với họ, vì rất nhiều người trẻ không thấy cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình cầu nguyện. Nhiều ngừơi trẻ muốn được dạy về các cầu nguyện. Các bạn trẻ rất nhạy cảm đối với việc huấn luyện về linh đạo. Theo một dự thính viên, Jonathan Lewis người Mỹ, sự thiếu những linh hướng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự khủng hoảng đức tin.

 Một nghị phụ khác nhấn mạnh rằng đừng tạo nên một Giáo Hội cho người trẻ, nhưng trái lại cần tìm lại sự tươi trẻ của Giáo Hội. Chúng ta đã đánh mất ngọn lửa truyền giáo. Cũng có nghị phụ cảnh giác đừng chiều theo cám dỗ thuần hóa người trẻ, vì sự lo âu của người trẻ là một điều phong phú cho Giáo Hội.

 Ủy ban soạn Văn kiện chung kết

 Ngày 10-10-2018, danh tánh của 12 thành viên Ủy ban soạn Văn kiện chung kết đã được công bố, gồm 4 vị thuộc Ban điều hành Công nghị GM này, 5 vị đại diện 5 châu do các nghị phụ bầu lên và 3 vị do ĐTC bổ nhiệm. Đại diện cho Á châu là ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Chủ tịch HĐGM Ấn độ và là thành viên Hội đồng 9 HY cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều.

 Nhiệm vụ Ủy ban này là soạn dự thảo Văn kiện để đưa ra bỏ phiếu trong các phiên khoáng đại của Thượng HĐGM, tu chính và đi tới bản văn sẽ được bỏ phiếu chung kết vào ngày thứ bẩy, 27-10 tới đây.

 Về việc soạn tài liệu chung kết của Thượng HĐGM này, trong phiên họp ngày 10-10, cử tọa nhiệt liệt vỗ tay khi một nghị phụ cảnh giác chống lại nguy cơ soạn ra một ấn bản mới về tài liệu làm việc. Các nghị phụ được mời gọi bỏ phiếu chấp nhận những sửa chữa Tài liệu làm việc đã được các nghị phụ trong các nhóm đề ra. Nhất là làm sao để Thượng HĐGM này đừng làm thất vọng những người trẻ đã góp phần chuẩn bị tài liệu.

 Hai GM Trung Quốc không ở tới cuối Thượng HĐGM

 Trong một cuộc họp báo, Ông Bộ trưởng truyền thông Paolo Ruffini, cũng là trưởng ban thông tin của Thượng HĐGM hiện nay cho biết: hai GM Trung Quốc, Đức Cha Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xaoting) và Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai) không ở lại Roma cho đến khi bế mạc Thượng HĐGM. Ông Ruffini giải thích rằng ”Không có gì là lạ, và cũng không có sự thay đổi chương trình nào. Ngay từ đầu người ta đã biết là 2 GM Trung Quốc sẽ không ở lại cho đến cuối Thượng HĐGM, và cũng vì lời mời tham dự đến sau khi có hiệp định tạm thời được ký ngày 22-9 giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Nói đúng hơn hai GM Trung Quốc đã ”gia hạn việc lưu lại Roma này”, vì đối với bất kỳ GM nào, ở ngoài giáo phận một tháng là một vấn đề và các bị không ở lâu được” Rei tong hop)

Giuse Trần Đức Anh OP

Gia đình hiệp nhất và hòa giải là giấc mơ của Thiên Chúa

Gia đình hiệp nhất và hòa giải là giấc mơ của Thiên Chúa

ĐTC vừa mới công du Ailen về, nên trong bài huấn dụ, ĐTC đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng trong hai ngày viếng thăm nhân cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình công giáo lần thứ 9. ĐTC giải thích sự hiện diện của ngài trong cuộc gặp gỡ là để củng cố các gia đình Kitô trong ơn gọi và sứ mệnh của mình. Hàng ngàn gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái đã tụ tập về Dublin với tất cả sự khác biệt ngôn ngữ, nền văn hóa và kinh nghiệm, đã là dấu chỉ hùng hồn vẻ đẹp giấc mơ của Thiên Chúa cho toàn gia đình nhân loại.

Gia đình thực hiện giấc mơ hiệp nhất và hòa giải của Thiên Chúa

Giấc mơ của Thiên Chúa là sự hiệp nhất, hòa hợp, và hòa bình, trong các gia đình và trong thế giới hoa trái của lòng chung thủy, sự tha thứ và hòa giải mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Thiên Chúa mời gọi các gia đình tham dự vào giấc mơ đó và làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà, nơi không ai phải cô đơn, không ai cảm thấy không được thương mến và bị loại trừ. Vì thế thật là thích hợp khi đề tài của cuộc gặp gỡ quốc tế này là “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Tiếp đến, ĐTC chia sẻ với tín hữu các sinh hoạt khác nhau trong hai ngày viếng thăm: Khi nói chuyện với chính quyền tại lâu đài Dublin, tôi đã nhấn mạnh rằng Giáo hội là gia đình của các gia đình và như là một thân mình, Giáo Hội nâng đỡ các tế bào của nó trong vai trò không thể thiếu cho sự phát triển một xã hội huynh đệ và liên đới.

Chứng từ của các gia đình trong chuyến viếng thăm Dublin là những điểm sáng

Các điểm sáng đích thực của các ngày này là các chứng từ của tình yêu hôn nhân của các cặp vợ chồng thuộc mọi lứa tuổi. Các câu chuyện của họ đã nhắc nhớ rằng tình yêu hôn nhân là một món quà đặc biệt của Thiên Chúa, cần vun trồng mỗi ngày trong “Giáo hội tại gia” là gia đình. Thế giới cần một cuộc cách mạng của tình yêu, một cuộc cách mạng của sự hiền dịu biết bao để cứu chúng ta khỏi nền văn hóa của sự tam bợ! Và cuộc cách mạng này bắt đầu trong con tim của gia đình.

Trong nhà thờ đồng chính tòa Dublin  tôi đã gặp gỡ các đôi vợ chồng dấn thân và biết bao nhiêu cặp vợ chồng trẻ với nhiều trẻ em. Thế rồi tôi đã gặp vài gia đình đang phải đương đầu với các thách đố và khó khăn đặc biệt. Nhờ các tu sĩ Phanxicô luôn luôn gần gũi dân chúng và nhờ gia đình giáo hội rộng rãi hơn, họ đã sống kinh nghiệm tình liên đới và nâng đỡ là hoa trái của lòng bác ái.

Cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là đại lễ với các gia đình chiều thứ bẩy tại vận động trường Dublin, theo sau là thánh lễ Chúa Nhật tại công viên Phoenix. Trong buổi canh thức chúng tôi đã lắng nghe các chứng từ rất đánh động của các gia đình đã đau khổ vì chiến tranh, các gia đình được canh tân bởi sự tha thứ, các gia đình được tình yêu thương cứu thoát khỏi vòng xoáy của sự tùy thuộc nghiện ngập, các gia đình đã học sử dụng tốt các điện thoại di dộng, máy vi tính và dành ưu tiên cho thời gian sống với nhau; và đã nêu bật giá trị của sự thông truyền giữa các thế hệ và vai trò chuyên biệt của các ông bà trong việc củng cố các mối dây gia đình và thông truyền kho tàng đức tin. Ngày nay thật khó nói lên điều này… xem ra các ông bà có vẻ quấy rầy! Trong nền văn hóa gạt bỏ này, các ông bà bị gạt bỏ, lảng xa ra. Các ông bà là sự khôn ngoan, là ký ức của một dân tộc, là ký ức của các gia đình! Và các ông bà phải thông truyền ký ức ấy cho các cháu bé. Các người trẻ và trẻ em phải nói chuyện với các ông bà. Xin làm ơn đừng gạt bỏ các ông bà. Ước chi các vị gẫn gửi con cái cháu chắt cho ông bà.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Sáng Chúa Nhật tôi đã hành hương tới đền thánh Đức Bà Knox, rất thân yêu đối với nhân dân Ailen. Ở đó, trong nhà nguyện được xây trên nơi Đức Trinh Nữ hiện ra, tôi đã phó thác cho sự chở che hiền mẫu của Mẹ mọi gia đình, cách riêng các gia đình của nước Ailen. Và tuy chuyến viếng thăm của tôi không bao gồm miền Bắc Ailen tôi đã hướng lời chào thân ái của tôi tới dân chúng và đã khích lệ tiến trình hòa giải, hòa bình, tình bạn và cộng tác đại kết.

Đương đầu với tệ nạn lạm dụng cách chân thực và can đảm

Đề cập tới vết thương của các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên xảy ra tại Ailen ĐTC nói: Ngoài niềm vui lớn, chuyến viếng thăm này của tôi tại Ailen cũng phải lãnh trách nhiệm sự đau đớn và cay đắng vì các khổ đau đã xảy ra tại nước này vì nhiều hình thức lạm dụng khác nhau, kẻ cả từ phía các thành phần của Giáo Hội, và của sự kiện các vị thẩm quyền giáo hội trong quá khứ đã không luôn luôn biết đương đầu một cách thích hợp với với tội phạm ấy.

Cuộc gặp gỡ với vài nạn nhân còn sống sót đã để lại một vết sâu đậm. Họ là 8 người. Và nhiều lần tôi đã xin lỗi Chúa vì các tội lỗi này, vì gương mù gương xấu và cảm tưởng bị phản bội đã gây ra. Các Giám Mục Ailen đã bắt đầu một lộ trình nghiêm chỉnh thanh tẩy và hòa giải với những người đã đau khổ vì các vụ lạm dụng và với sự trợ giúp của các quyền bính quốc gia, các vị đã thiết lập một loạt các luật lệ nghiêm khắc để bảo đảm an ninh cho giới trẻ. Rồi trong buổi gặp gỡ của tôi với các Giám Mục tôi đã khích lệ các vị trong nỗ lực sửa chữa các thất bại quá khứ với lòng liêm chính và can đảm, tín thác nơi các lời Chúa hứa và tin cậy nơi đức tin sâu xa của dân tộc Ailen, để khai mào một mùa canh tân của Giáo Hội Ailen.

Cầu nguyện cho ơn gọi

Tại Ailen có đức tin, có người có đức tin: một đức tin với các gốc rễ lớn. Nhưng anh chị em có biết một điều không? Rằng có ít ơn gọi linh mục. Làm sao đức tin này lại không thành công? Nhé.. đối với các vấn đề, các gương mù gương xấu, biết bao nhiêu chuyện…

Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa gửi các linh mục thánh thiện tới Ailen, gửi các ơn gọi mới. Và chúng ta cùng nhau làm điều này bằng cách đọc một Kinh Kính Mừng dâng Đức Bà Knock . ĐTC và mọi người đã đọc kinh Kinh Mừng rồi ngài nói: Lậy Chúa Giêsu xin gừi các linh mục thánh thiện tới cho chúng con.

Ly dị không phải là lý tưởng. Gia đình hiệp nhất mới là kiểu mẫu

Anh chị em thân mến, Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Dublin đã là một kinh nghiệm ngôn sứ, khích lệ của biết bao nhiêu gia đình dấn thân trong cuộc sống phúc âm của hôn nhân và của cuộc sống gia đình, các gia đình môn đệ và truyền giáo, men của lòng tốt, sự thánh thiện, công lý và hòa bình. Chúng ta quên biết bao gia đình – biết bao gia đình – làm cho gia đình tiến tới, các con cái với lòng trung thành bằng cách xin lỗi khi có các vấn đề. Chúng ta quên bởi vì ngày nay trên các nguyệt san, các nhật báo người ta theo mốt nói như thế này: “A, ông này đã ly dị với bà này. Bà đó đã ly dị với ông kia… Và ly thân”. Tôi xin anh chị em: đây là một điều xấu xa.  Đúng: tôi tôn trọng mỗi người, chúng ta phải tôn trọng người khác nhưng lý tưởng không phải là ly dị, lý tưởng không phải là ly thân, không phải là việc phá hủy gia đình, Lý tưởng là gia đình hiệp nhất. Như vậy hãy tiến bước: đó là lý tưởng!

Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tới đây sẽ diễn ra tại Roma vào năm 2021: anh chị em hãy chuẩn bị nhé! Chúng ta hãy tín thác mọi gia đình cho sự chở che của Thanh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, để trong các nhà, các giáo xứ và cộng đoàn các gia đình có thể thực sự là “niềm vui cho thế giới”.

Linh Tiến Khải

ĐGH khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái

ĐGH khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái

Lập trường trên đây của ngài được trình bày trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi đến các tham dự viên Đại hội thường niên tối cao lần thứ 136 tiến hành từ ngày 7 đến 9-8 vừa qua tại thành phố Baltimore, bang Maryland, về chủ đề ”Hiệp sĩ Colombo: Hiệp sĩ bác ái”.
ĐHY Parolin nhận xét rằng ”chủ đề này gợi lại rõ ràng tinh thần nguyên thủy và lịch sử nổi bật của Hội Hiệp Sĩ Colombo. Chính mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và đức bác ái đã dẫn đưa Đấng Đáng Kính, Linh Mục Michael McGivney và các Hiệp sĩ tiên khởi thiết lập một hội huynh đệ dấn thân huấn luyện các tín hữu theo tinh thần Kitô và nâng đỡ các phần tử của mình”.
Làm chứng tá tình thương
ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng khẳng định rằng: ”ĐGH Phanxicô khích lệ những nỗ lực kiên trì của các Hiệp Sĩ Colombo ở mọi cấp độ, trong việc làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa qua tình thương cụ thể và tình liên đới đối với người nghèo và những người ở trong tình trạng túng quẫn. Vô số các hoạt động bác ái của các Hiệp sĩ tại các chi hội, nhiều khi trong âm thầm và khiêm tốn, chứng tỏ sự thật của những lời Mẹ Têrêsa Calcutta rất gần gũi với tâm hồn họ: ”Chúa cúi mình và dùng chúng ta, bạn và tôi, làm tình thương và lòng từ bi của Ngài trong thế giới.. Chúa tùy thuộc chúng ta để yêu thương thế giới và chứng tỏ Ngài yêu thương họ dường nào” (Xc Gaudete et Exultate, 107).
Nâng đỡ các gia đình
Nhắc đến Cuộc Gặp Gỡ các gia đình Công Giáo thế giới sẽ diễn ra tại Dublin (21-26/8-2018), ĐHY Parolin cho biết ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các hiệp sĩ Colombo trên thế giới dấn thân công bố Tin Mừng gia đình, khích lệ những người nam trong ơn gọi làm chồng và làm cha, và bênh vực bản chất chân chính của hôn nhân và gia đình trong xã hội… ĐTC tin tưởng rằng Hội Hiệp sĩ Colombo tiếp tục hướng dẫn và nâng đỡ trước tiên là các thế hệ trẻ, đang sống trong một thế giới đầy những ngọn đèn trái ngược với Tin Mừng, cố gắng tiếp tục là những môn đệ trung thành của Chúa Kitô và là những người con chân thành của Giáo Hội”.
Giúp đỡ các tín hữu Kitô bị bách hại
Sau cùng, ĐTC tái bày tỏ lòng biết ơn đối với những hoạt động bác ái của các Hiệp sĩ Colombo đối với các anh chị em, những phần tử của gia đình Kitô rộng lớn hơn, đang bị những thành kiến và bị bách hại vì niềm tin của họ. Ngài xin các Hiệp sĩ và gia đình hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông, cho sự hoán cải các tâm hồn, chân thành dấn thân đối thoại và tìm kiếm một giáo phát công chính cho các xung đột”.
Đại Hội thường niên thứ 136
Hội hiệp sĩ Colombo do cha McGivney sáng lập năm 1882 tại New Haven, Connecticut, như một hội huynh đệ dành cho nam tín hữu Công Giáo và hiện nay có khoảng 2 triệu thành viên tại các nước, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Mêhicô và Philippines.
Tham dự Đại hội ở Baltimore có khoảng 2.500 hiệp sĩ và gia đình họ. Đại hội bắt đầu với thánh lễ khai mạc trọng thể tại Trung Tâm Hội nghị Baltimore, do Đức Cha William Lori, TGM sở tại và cũng là Tổng Tuyên Úy của hội. Đồng tế với ngài có 10 HY, 74 GM và 102 linh mục.
Trong bài giảng, Đức TGM Lori khuyến khích các Hiệp sĩ ”sống trọn những lời hứa khi chịu phép rửa tội, như Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Nơi trọng tâm bí tích rửa tội của chúng ta là ơn gọi mến Chúa yêu người. Chúng ta có mặt ở đây sáng nay vì chúng ta xác tín rằng làm Hội viên tích cực của Hiệp Sĩ Colombo là phương thế hết sức quan trọng để đáp lại ơn gọi chúng ta đã lãnh nhận khi được rửa tội, ơn gọi yêu thương, hiệp nhất trong sự nâng đỡ huynh đệ, và thực hành nguyên tắc bác ái”.
Trong năm qua, Hội hiệp sĩ Colombo đã đóng góp cho các hoạt động bác ái 185 triệu Mỹ kim, một trong những gia tăng lớn nhất trong lịch sử của Hội. Các Hiệp sĩ Hội viên cũng dành 75 triệu 600 ngàn giờ hoạt động thiện nguyện, tức là tăng thêm hơn nữa triệu so với năm trước đó.
Từ năm 2014 đến nay, Hội đã dành hơn 20 triệu Mỹ kim để giúp đỡ các tín hữu Kitô và những tín đồ các tôn giáo khác được các Kitô hữu săn sóc. Ngân khoản này được dùng để cung cấp lương thực, trại tạm trú và quần áo. (Web Hiệp Sĩ Colombo www.kofc.org 7-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Tự sắc mới lập Học Viện Gioan Phaolô 2 hôn nhân gia đình

Tự sắc mới lập Học Viện Gioan Phaolô 2 hôn nhân gia đình

VATICAN. ĐTC đã ban hành Tông thư tự sắc thành lập Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình.

Tự sắc mới mang tựa đề ”Summa Familiae cura” (Săn sóc tối đa cho gia đình), mang chữ ký của ĐTC ngày 8-9 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” tức là từ ngày hôm qua 19-9-2017.

Học viện mới thay thế cho Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về Hôn nhân và gia đình được lập và hoạt động cạnh Giáo Hoàng Đại Học Laterano ở Roma. Lý do khiến ĐTC Phanxicô quyết định thành lập Học Viện mới vì ”sự thay đổi về nhân học và văn hóa, ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống, đòi phải có một lối tiếp cận phân tích và khác, chứ không phải chỉ giới hạn vào những thực hành mục vụ và sứ mạng phản ánh những hình thức và kiểu mẫu quá khứ. Chúng ta phải là những người giải thích có ý thức và say mê về sự khôn ngoan đức tin trong một bối cạnh trong đó con người ít được nâng đỡ hơn so với trước đây, nhờ những cơ cấu xã hội, trong đời sống tình cảm và gia đình của họ. Vì thế, với chủ ý rõ rệt trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, với sự hiểu biết yêu thương và óc thực tiễn khôn ngoan, chúng ta phải nhìn thực tại gia đình ngày nay, với tất cả sự phức tạp, những điểm sáng và điểm tối”.

ĐTC cũng khẳng định rằng Học viện mới về hôn nhân và gia đình sẽ mở rộng lãnh vực quan tâm, theo những điều kích mới của công tác mục vụ và sứ mạng của Giáo Hội, cũng như tham chiếu những phát triển của các khoa nhân văn và nền văn hóa nhân học ngày nay trong lãnh vực rất quan trọng đối với nền văn hóa sự sống”.

Trong phần 2 của Tự Sắc, có 6 điều khoản qui định về vị thế pháp lý của Học Viện mới, tương quan với Huấn quyền và các cơ quan Tòa Thánh như Bộ giáo dục Công Giáo, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, và Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống (Rei 19-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Chín 2017: Cầu nguyện cho các giáo xứ

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Chín 2017: Cầu nguyện cho các giáo xứ

VATICAN. Trong tháng Chín 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi cầu nguyện cho các giáo xứ, để các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Các giáo xứ phải có liên hệ với các gia đình, với đời sống người dân, với đời sống xã hội. Các giáo xứ phải là những ngôi nhà với cánh cửa luôn rộng mở chào đón mọi người. Điều này rất quan trọng và là đòi buộc rõ ràng của đức tin.

Những cánh cửa phải luôn rộng mở, để Chúa Giêsu có thể đi ra với tất cả niềm vui trong sứ điệp của Người.

Hãy cầu nguyện cho các giáo xứ của chúng ta, để các giáo xứ không đơn thuần là những văn phòng công sở, nhưng được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo. Nhờ đó các giáo xứ trở thành nơi thông truyền đức tin và thể hiện đức ái.

 

Nhận định của ĐHY Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình

Nhận định của ĐHY Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình

Hôm 11/03, đại hội “Flame 2017” (Ngọn lửa 2017) được CYMEvents và Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales tổ chức tại sân vận động Wembley ở Luân đôn, thủ đô Anh quốc, với sự tham dự của gần 10 ngàn người trẻ. Chủ đề của đại hội là 10 ngàn lý do, khuyến khích người trẻ là một phần của 10 ngàn lý do để tin, để hy vọng và cầu nguyện.

Trong sứ điệp gửi cho đại hội, Đức Thánh Cha hy vọng đại hội Flame 2017 sẽ "thúc đẩy sự nhiệt tình hơn nữa" để "đốt sáng những con đường mở ra những chân trời mới có khả năng loan truyền niềm vui. Đức Hồng Y Charles Bo của Myanmar khuyến khích người trẻ can đảm tạo nên khác biệt trong chính xã hội của họ và bên ngoài nữa. Tương trợ và đón tiếp người tị nạn cũng là một trong những chủ đề chính của sự kiện. Đức Hồng Y Nichols đã cầu nguyện cho khoảng 10 ngàn người tị nạn chết ở biển Địa trung hải.

Trong dịp này, Đức Hồng Y Nichols cũng nhận định về việc Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài phỏng vấn dành cho tờ báo tiếng Đức Die Zeit, nói rằng Giáo hội nên xét xem Chúa Thánh Thần có đang yêu cầu các linh mục kết hôn không. Theo Đức Hồng Y, truyền thống vững chắc về luật độc thân của linh mục không thay đổi dù cho Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng Giáo hội nên suy tư về việc truyền chức cho những người có gia đình. Đức Hồng Y nghĩ rằng ý kiến của Đức Giáo hoàng cho thấy ngài có một tinh thần mở ra với những soi sáng của Chúa và Đức Hồng Y nghĩ là Đức Giáo hoàng muốn nói đến một sự cởi mở để tìm ra các giải pháp. Đức Giáo hoàng không nói là “tôi muốn có các Linh mục kết hôn, tôi muốn các nữ phó tế. Ngài đang nói “chúng ta đừng sợ!”

Đức Hồng Y khen ngợi đường hướng cởi mở này, nó cho thấy Đức Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tốt, ngài đưa ra điều tốt nhất cho dân, trái ngược với những lãnh đạo kém cỏi, nói về sợ hãi. Đức Hồng Y nói thêm: “Chúng ta có một truyền thống vững mạnh và chắc chắn, vì thế chúng ta có thể khám phá  các vấn đề. Chúng tôi cảm thấy thoải mái. Đối với chính tôi, tôi không thấy các sự việc đang thay đổi.”

Theo Đức Hồng Y Nichols, dù đã có một số người kết hôn làm linh mục ở Anh, điều đó không có nghĩa là nó là một luật phổ biến. Ngài nói: “Điều mà sự kiện này dạy chúng ta là hôn nhân không phải là một giải pháp cho vấn đề, nó là một thách đố.” Ý tưởng về linh mục có giáo xứ thay vì có một gia đình là một điều quan trọng đối với Đức Hồng Y. Ngài nói: “Tôi nghĩ truyền thống về một linh mục, đến và dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo hội rất có ý nghĩa đối với những người trên đường phố. Họ nói: ‘đó là linh mục của chúng ta. Không của ai khác. Đó là của chúng ta’. Họ biết linh mục ở đó là vì họ.”

Nói về thách đố của các ơn gọi, Đức Hồng Y cho rằng vấn đề nằm ở bản chất chóng qua của thế giới hiện đại. Ngài nhận định: “Ngày nay vấn đề khó khăn hơn cho người ta để làm một dấn thân dài hạn, khi họ còn trẻ và khi họ lớn tuổi hơn. Có rất nhiều người có thể đã nghĩ rằng dâng hiến cuộc đời trở thành linh mục hay tu sĩ là một điều vĩ đại, và lịch sử nói với chúng ta điều này là thật. Lịch sử đã bị biến đổi bởi hoạt động của những người có đức tin sâu sắc và một cuộc sống với lòng đạo lâu dài. Ngày nay nó thật khó khăn khi mọi sự dường như chỉ là tạm thời.

Tại giáo phận Westminster có 8 chủng sinh sẽ được truyền chức mùa hè này và 4 tân tập sinh trong đại hội tu sĩ mới đây. Đức Hồng Y kể: “Tôi đã chia sẻ thời gian với các tu sĩ và họ là những người hạnh phúc nhất, những người vui mừng nhất. Người ta tự hỏi làm sao bạn có thể hạnh phúc nếu bạn phải im lặng, nhưng họ có sự bình an nội tâm. Đó là sức mạnh.”

Đức Hồng Y cũng  khen ngợi những sự kiện như đại hội Flame vì nó cho người trẻ cơ hội để xem xét họ đang được mời gọi làm gì. Ngài nói: Tôi mong có những cơ hội như Flame và các cơ hội cho người trẻ thinh lặng. Có một khoảng trống trong mỗi người mà cuối cùng chỉ có Chúa có thể lấp đầy. Chúa có kế hoạch cho mỗi người, nó được viết ở trong nội tâm chúng ta. Chỉ khi tiến trình đó bắt đầu, chúng ta tìm ra ơn gọi của mình. Thỉnh thoảng người ta đồn rằng Kitô giáo chấm dứt ở đất nước này và nó không đúng. Các bạn có thể thấy điều đó.” (Catholic Herald 13/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm 6: Philatô và nỗi khao khát quyền lực

Bài suy niệm 6: Philatô và nỗi khao khát quyền lực

Ariccia – Bài suy niệm thứ 6 được cha Michelini trình bày trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma vào chiều ngày 08/03 về cuộc xét xử Chúa Giêsu và người vợ của tổng trấn Philatô (Mt 27,11-26).

Bài suy niệm xoay quanh nhân vật tổng trấn Philatô, và đặc biệt được viết cùng với một đôi vợ chồng – ông bà Mariateresa Zattoni và Gilberto Gillini, là những người đã cộng tác với cha Michelini nhiều nàm trong việc giảng tĩnh tâm cho các gia đình và các buổi đào tạo, cũng như cha đã viết chung với họ nhiều sách, trình bày cách đọc kép các bản văn Thánh kinh – chú giải và ngữ cảnh gia đình. Theo cha Michelini, việc đọc và chú giải Thánh kinh không phải là đặc quyền của các tu sĩ hay các người nghiên cứu Thánh kinh, các đôi vợ chồng và gia đình phải được giúp đỡ để thực hành Thánh kinh, điều cho đến nay chưa được thực hiện nhiều trong Giáo hội.

Lựa chọn giữa Chúa Giêsu và Baraba của tổng trấn Philatô

Cha Michelini nhắc lại rằng Đức Biển đức XVI đã nói đến  một bản văn khác biệt được Origen ghi nhận, về tên của Baraba, và tên “Giêsu”. Cha giải thích cho thấy điều này quan trọng trong việc hiểu hệ thống phức tạp mà thánh sử Matthêu nhìn nhận về hiệu quả của máu Chúa Giêsu đối với ơn tha tội. Hệ thống thần học này được Mátthêu sử dụng, nhưng chúng ta không được bỏ qua khung cảnh quan trọng về sự chọn lựa giữa Baraba và Chúa Giêsu: hai con người – không đơn giản là hai con dê như thánh Mátthêu tưởng tượng khi dựng lại cảnh tượng của lễ Yom Kippur (lễ xá tội) để trình bày về cái chết của Đấng Mêsia) – một người trước một người khác và chỉ một người sẽ sống.

Cha Michelini thuật lại câu chuyện trong tiểu thuyết của William Styron “Chọn lựa của Sophie”, khi người mẹ trẻ bị một sĩ quan phát xít buộc phải chọn một trong hai đứa con mình phải chết. Cha kết luận rằng, thật không may là dân Do thái, hàng thế kỷ, bị các Kitô hữu kết tội giết Chúa. Cuối cùng, lời kết án vô lý này đã được gỡ bỏ ở mọi cấp độ. Cha Michelini nói thêm rằng chúng ta không được quên rằng theo cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu, lời kết án này không bao giờ có, ngay cả từ khía cạnh lý luận đơn giản: bởi vì, giống như trường hợp của Sophie, người buộc phải chọn để cho đứa con gái phải chết, trách nhiệm của quyết định khủng khiếp này đến từ người đã đưa ra điều kiện cho đám đông chọn lựa, hiển nhiên đó là tổng trấn Roma.

Khía cạnh gia đình: quyền lực của người nam

Cha Michelini trình bày suy tư của ông bà Gillini-Zattoni, với sự lưu ý của họ về việc trình bày quyền lực của người nam. Sự đồng lõa giữa thượng tế và Philatô đã tiêu diệt tiếng nói của người phụ nữ, của vợ ông Philatô, nói với Philatô qua một tin nhắn, bởi vì ông không cho phép bà được lắng nghe”.

Giấc mộng của Chúa và khao khát quyền lực

Cuối cùng, cha Michelini đã xem xét 5 giấc mộng trong Tin mừng thời thơ ấu theo thánh Mátthêu và giấc mộng của vợ tổng trấn Philatô. Các giấc mộng này được xem xét trong một tổng thể bởi vì chúng trình bày cùng một điều mà chúng ta có thể gọi là “giấc mộng của Thiên Chúa”: ơn cứu độ của người con (mà qua những giấc mơ trong phần đầu của Tin mừng, đã trốn thoát người muốn giết hại). Nhưng nếu thánh Giuse và các đạo sĩ hiểu điều họ phải làm và dù cho sự yếu đuối họ đã thực hành. Ngược lại, Philatô, đã không lắng nghe lời của vợ mình, không nghe theo các giấc mộng, và giống như vua Hêrôđê, ông chỉ quan tâm đến việc gìn giữ quyền lực. (RV 08/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp khóa học về hôn nhân và gia đình

Đức Thánh Cha tiếp khóa học về hôn nhân và gia đình

VATICAN. Sáng ngày 25-2-2017, ĐTC đã tiếp kiến 350 cha sở và các LM tham dự khóa học về hôn nhân và gia đình. Ngài kêu gọi các vị giúp chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ và giúp giải hôn phối cho những cặp gặp khó khăn và tin rằng hôn phối của họ kết ước bất thành.

Khóa họp do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma tổ chức với các vị thẩm phán giảng huấn trong khóa học.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng các cha sở, các LM là những người đầu tiên tiếp xúc với các bạn trẻ muốn cử hành hôn phối và những người đã kết hôn mà gặp khó khăn, hoặc hôn nhân của họ bị tan vỡ và muốn khởi sự tiến trình xin xác nhận hôn nhân vô hiệu. ĐTC kêu gọi các LM hãy đồng hành với họ để làm chứng tá và nâng đỡ các tín hữu ấy, làm chứng về bản chất của bí tích hôn phối như hình ảnh của Thiên Chúa là cộng đoàn hiệp thông trọn vẹn giữa Ba Ngôi.

ĐTC nói rằng: ”Anh em cũng hãy quan tâm nâng đỡ những người nhận thấy cuộc kết hợp của họ không phải là một bí tích hôn phối đích thực và muốn ra khỏi tình trạng ấy. Trong công tác tế nhị và cần thiết này, anh em hãy làm sao để các tín hữu nhận thấy anh em không phải là những chuyên gia bàn giấy hoặc chuyên gia về các qui luật pháp lý, nhưng như những người anh đặt mình trong thái độ lắng nghe và cảm thông. Đồng thời anh em cũng hãy gần gũi với lối sống của Tin Mừng trong việc gặp gỡ và đón tiếp những người trẻ muốn sống chung mà không kết hôn. Trên bình diện tinh thần và luân lý, họ thuộc vào số những người nghèo và bé nhỏ mà Giáo Hội muốn là người Mẹ không bỏ rơi họ, theo gương Thầy và Chúa của chúng ta, nhưng gần gũi và chăm sóc họ (SD 25-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22.01.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi quảng diễn sứ điệp Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã gửi lời chúc mừng Năm Mới đến các gia đình đang chuẩn bị đón Tết âm lịch. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Chúng ta đang trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô. Chủ đề năm nay được lấy từ thư của Thánh Phao-lô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta tiến tới sự hòa giải” (x. 2Cr 5,14). Thứ tư tới đây sẽ kết thúc Tuần cầu nguyện với việc cử hành giờ kinh chiều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành, với sự tham dự của các anh chị em thuộc các giáo hội khác và cộng đoàn các Kitô hữu tại Roma. Cha mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện, để thực hiện nguyện ước của Chúa Giê-su: “Để tất cả được nên một” (Ga 17,21).

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân tại miền Trung Italia

Trong những ngày qua, các trận động đất và bão tuyết đã làm thiệt hại cho nhiều anh chị em thuộc miền Trung Italia. Cha bày tỏ sự gần gũi và cầu nguyện cho các gia đình có người bị nạn. Cha khuyến khích mọi người trong nỗ lực cứu trợ và hỗ trợ để giúp giảm bớt những khó khăn và đau khổ. Cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc phục vụ ấy. Cha mời mọi người cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho các nạn nhân và cho những người đang quảng đại dấn thân trong công tác cứu trợ.

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết tới các gia đình trong dịp Tết âm lịch

Tại miền Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người đang chuẩn bị mừng Năm Mới âm lịch. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến mọi gia đình, với hy vọng rằng mỗi gia đình ngày càng trở nên mái trường mà nơi đó mọi người học cách tôn trọng nhau, học cách tương quan và quan tâm chăm sóc nhau một cách vô vị lợi. Cầu chúc niềm vui của tình yêu mến chan hòa trong mỗi gia đình và tỏa lan ra toàn xã hội.

Tứ Quyết SJ

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017

su-diep-duc-thanh-cha-nhan-ngay-hoa-binh-the-gioi-1-1-2017

Ngày 1-1-2017 là Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 50 kể từ khi được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 thiết lập. Lần này có chủ đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”.

 Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều nước và đại lục, nạn khủng bố, tọi pháp, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. 

 ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

 ĐTC nhận xét rằng bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy… Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo… Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiển tạo hòa bình, chỉ để giúp đã một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ.

 ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình.

 ĐTC xác quyết: ”Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ”.

 Sau đây là toàn văn Sứ điệp Hòa bình của ĐTC, dịch từ nguyên bản tiếng Ý.

 1. Vào đầu năm mới, tôi gửi lời chân thành cầu chúc an bình tới các dân tộc và quốc gia trên thế giới, tới các vị Quốc Trưởng và Chính Phủ, cũng như các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo và những tổ chức khác của xã hội dân sự. Tôi cầu chúc an bình cho mỗi ngừơi nam, nữ, trẻ em và cầu nguyện để hình ảnh và sự sống Thiên Chúa nơi mỗi người giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những món quà thánh thiêng có một phẩm giá vô biên. Nhất là trong những tình trạng xung đột, chúng ta tôn trọng ”Phẩm giá sâu xa nhất” và biến bất bạo động thành một lối sống của chúng ta.

 Đây là Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 50. Trong sứ điệp đầu tiên, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đã ngỏ lời với tất cả các dân tộc, – không những với các tín hữu Công Giáo mà thôi,- với những lời thật rõ ràng: ”Sau cùng chúng ta thấy rất rõ rệt hòa bình là con đường duy nhất và chân thực của sự tiến bộ con người (không phải những căng thẳng của chủ nghĩa quốc gia tham vọng, không phải những chiếm đoạt bằng bạo lực, không phải những đàn áp đưa tới một trật tự dân sự giả tạo)”. Ngài cảnh giác trước ”nguy cơ tin rằng những tranh chấp quốc tế không thể giải quyết được bằng những con đường lý trí, nghĩa là bằng những cuộc thương thuyết dựa trên luật pháp, công lý, công chính, nhưng chỉ bằng những cuộc thương thuyết dựa trên sức mạnh làm cho đối phương nể sợ và gây chết chóc”. Trái lại, ngài trích dẫn thông điệp ”Hòa bình dưới thế” của vị tiền nhiệm là thánh Gioan 23, ca ngợi ”ý nghĩa và lòng yêu mến hòa bình dựa trên sự thật, công lý, tự do và tình thương”. Những lời này rất thời sự, ngày nay nó không kém phần quan trọng và cấp thiết so với cách đây 50 năm.

 Trong dịp này tôi muốn bàn về sự bất bạo động như một đường lối chính trị hòa bình và cầu xin Chúa giúp tất cả chúng ta kín múc nơi sự bất bạo động trong chiều sâu của tâm tình và những giá trị bản thân của chúng ta. Ước gì đức bác ái và bất bạo động hướng dẫn cách thức chúng ta đối xử với nhau trong các quan hệ giữa người với nhau, trong các quan hệ xã hội và quốc tế. Khi biết kháng cự lại cám dỗ báo thù, các nạn nhân của bạo lực có thể giữ vai chính đáng tín nhiệm hơn trong các tiến trình bất bạo động xây dựng hòa bình. Trên bình diện địa phương và thường nhật cho đến bình diện hoàn cầu, bất bạo động có thể trở thành cách thức đặc biệt trong các quyết định, các quan hệ, hành động và chính trị trong tất cả các hình thức của nó.

 ** Một thế giới bị phân tán

 2. Thế kỷ 20 vừa qua đã bị hai thế chiến chết chóc tàn phá, đã cảm nghiệm sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân và một số lớn các cuộc xung đột khác, trong khi ngày nay, đáng tiếc là chúng ta phải đương đầu với một thế chiến từng mảnh kinh khủng. Không dễ biết thế giới hiện nay có bị bạo lực hơn hay kém so với trước kia, và các phương tiện truyền thông hiện đại và đặc tính di động của thời đại ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực và quen thuộc với nó nhiều hơn hay không.

 Dầu sao, bạo lực này được thực thi từng mảnh, theo những thể thức và mức độ khác nhau, tạo nên những đau khổ kinh khủng mà chúng ta biết rõ: những cuộc chiến tranh tại nhiều quốc gia và đại lục; nạn khủng bố, tội phạm, và các cuộc tấn công võ trang không lường trước được; những lạm dụng mà người di dân và các nạn nhân nạn buôn người phải chịu; sự tàn phá môi trường. Với mục đích nào? Bạo lực có cho phép đạt tới những mục tiêu có giá trị lâu bền hay không? Tất cả những điều mà nó đạt được chẳng phải là khơi lên những vụ trả thù và các vòng xung đột chết chóc chỉ mang lại ích lợi cho một thiểu số ”các lãnh chúa chiến tranh” sao?

 Bạo lực không phải là sự chữa lãnh thế giới bị phân tán từng mảnh của chúng ta. Lấy bạo lực đáp lại bạo lực, cùng lắm chỉ đưa tới những tình trạng buộc lòng phải di cư và đau khổ vô biên, vì số lượng tài nguyên lớn lao được dành cho các mục tiêu quân sự và được rút khỏi những nhu cầu thường nhật của người trẻ, các gia đình gặp khó khăn, người già, bệnh nhân, và đại đa số dân trên thế giới. Tệ nhất, nó có thể đưa tới chết chóc, về thể lý và tinh thần, của nhiều người, nếu không phải là tất cả mọi người.

 ** Tin Mừng

 3. Cả Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người: “Thực vậy, từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu xa” (Mc 7,21). Sứ điệp của Chúa Kitô, đứng trước thực tại ấy, mang lại câu trả lời hoàn toàn tích cực: Ngài rao giảng không biết mệt mỏi tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón tiếp và tha thứ, và dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù (Xc Mt 5,44) và giơ má bên kia (Xc Mt 5,39). Khi ngăn cản những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình ném đá bà (Xc Ga 8,1-11) và trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào vỏ (Xc Mt 26,52), Chúa Giêsu vạch ra con đường bất bạo động, con đường mà Ngài đi tới cùng, tới thập giá, nhờ đó Ngài thực thi hòa bình và phá hủy sự thù nghịch (Xc Ep 2,14-16). Vì thế ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì biết nhận ra bạo lực mang trong mình và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành, nhờ đó họ trở thành dụng cụ hòa giải, theo lời khuyên của thánh Phanxicô Assisi: ”Hòa bình mà các con loan báo bằng miệng, các con hãy có hòa bình ấy dồi dào hơn nữa trong tâm hồn các con”.

 Ngày nay, là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là gắn bó với đề nghị của Ngài về bất bạo động. Như vị Tiền nhiệm Biển Đức 16 của tôi đã khẳng định, ”bất bạo động có tính chất thực tiễn, vì ý thức rằng trong thế giới có quá nhiều bạo động, quá nhiều bất công, và vì thế không thể vượt qua tình trạng này nếu không kháng cự nó bằng một điều lớn hơn: bằng tình yêu, bằng lòng từ nhân. Điều lớn hơn này đến từ Thiên Chúa”. Và Ngài mạnh mẽ nói thêm rằng: ”Sự bất bạo động đối với các tín hữu Kitô không phải chỉ là một thái độ chiến thuật, nhưng là một lối sống, là thái độ của người xác tín mạnh mẽ về tình yêu của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài đến độ không sợ đối đầu với sự ác chỉ bằng võ khí tình thương và sự thật mà thôi. Lòng yêu thương kẻ thù chính là nòng cốt ”cuộc cách mạng Kitô giáo”. Chính lời dạy của Tin Mừng hãy yêu thương kẻ thù (Xc Lc 6,27) được coi như ”Đại hiến chương về sự bất bạo động Kitô giáo”: nó không hệ tại ”đầu hàng sự ác […] nhưng là đáp trả sự ác bằng điều thiện (Xc Rm 12,17-21), nhờ đó phá vỡ xiềng xích của bất công”.

 ** Mạnh hơn bạo lực

 4. Bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và chỉ thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau […] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ để giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống cho tha nhân. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. Tháng 9 năm 2016, tôi đã được niềm vui lớn khi tôn phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Tôi đã ca ngợi sự sẵn sàng của Mẹ đối với tất cả mọi người qua ‘sự tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra và sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. […]. Mẹ đã cúi mình trên những người kiệt lực, bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường, Mẹ nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ; Mẹ đã lên tiếng với những người hùng mạnh của trái đất này, để họ nhìn nhận của họ trước những tội ác – trước những tội ác! – nghèo đói do chính họ tạo nên”. Đối lại, sứ mạng của Mẹ – qua đó Mẹ đại diện cho hàng ngàn người, đúng hơn là hàng triệu người – đi gặp các nạn nhân với lòng quảng đại và tận tụy, động đến và băng bó mỗi thân thể bị thương, chữa lành mỗi cuộc sống bị tan vỡ.

 Sự bất bạo động được thực hành với lòng tận tụy và phù hợp với niềm tin tạo nên những kết quả lạ lùng. Những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar trong việc giải phóng Ấn độ và của Martin Luther King Jr chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đặc biệt các phụ nữ thường là những người lãnh đạo bất bạo động, ví dụ như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Liberia, đã tổ chức những cuộc gặp gỡ cầu nguyện và phản đối bất bạo động (pray-ins) đạt được những cuộc thương thuyết ở cấp độ cao để kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia.

 Chúng ta không thể quên thập niên lịch sử được kết thúc với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu. Các cộng đồng Kitô đã đóng góp bằng việc cầu nguyện liên lỷ và hành động can đảm. Họ đã thực hiện một ảnh hưởng đặc biệt đối với sứ vụ và giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô 2. Suy tư về các biến cố năm 1989 trong Thông điệp Năm Thứ 100 (1991), vị tiền nhiệm của tôi đã nhấn mạnh rằng một sự thay đổi lịch sử trong đời sống các dân tộc, các quốc tộc và quốc gia được thực hiện ”nhờ cuộc chiến đấu hòa bình, chỉ dùng võ khí sự thật và công lý”.

 Hành trình chuyển tiếp chính trị này tiến về hòa bình đã thực hiện được nhờ ”sự dấn thân bất bạo động của những người, trong khi luôn luôn từ khước chiều theo quyền bính của sức mạnh, đã biết thỉnh thoảng tìm được những hìonh thức hữu hiệu để làm chứng cho sự thật”. Và Ngài kết luận: ”Ước gì con người học cách chiến đấu cho công lý mà không bạo động, từ bỏ cuộc đấu tranh giai cấp trong các cuộc tranh chấp nội bộ và chiến tranh trong các cuộc tranh chấp quốc tế”.

 Giáo Hội dấn thân thực hiện những chiến lược bất bạo động thăng tiến hòa bình tại nhiều nước, thậm chí yêu cầu cả các tác nhân bạo lực nhất trong cố gắng xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền.

 Sự dấn thân này để bênh vực các nạn nhân bất công và bạo lực không phải là một gia sản riêng của Giáo Hội Công Giáo, nhưng của nhiều truyền thống tôn giáo, đối với họ, ”sự cảm thương và bất bạo động là điều thiết yếu và chỉ cho con đường sự sống”. Tôi mạnh mẽ lập lại rằng: ”Không có tôn giáo nào là khủng bố”. Bạo lực là một sự xúc phạm đến danh Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi lập lại điều này: ”Không bao giờ danh Thiên Chúa có thể biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình là thánh thiêng. Chỉ có hòa bình là tháng, chứ không phải chiến tranh!”

 ** Căn cội tại gia của một nền chính trị bất bạo động

 5. Nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. Đó là một thành phần niềm vui của tình thương mà tôi đã trình bày hồi tháng 3 năm nay trong Tông Huấn ”Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), kết thúc 2 năm suy tư của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. Từ bên trong gia đình niềm vui yêu thương lan truyền trên thế giới và tỏa lan trong toàn xã hội. Đàng khác, một nền luân lý đạo đức huynh đệ và sống chung hòa bình giữa con người và các dân tộc không thể dựa trên sợ hãi, bạo lực và khép kín, nhưng trên trách nhiệm, tôn trọng và đối thoại chân thành. Trong chiều hướng đó, tôi kêu gọi giải trừ võ trang, và cấm chỉ cũng như bãi bỏ các võ khí hạt nhân: việc dùng võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ và sự đe dọa tàn phá lẫn nhau không thể tạo nên nền luân lý đạo đức huynh đệ. Tôi cũng khẩn thiết kêu gọi hãy chấm dứt sự bạo hành trong gia đình và những lạm dụng phụ nữ và trẻ em.

 Năm Thánh Lòng Thương xót, kết thúc hồi tháng 11 vừa qua, là một lời mời gọi hãy nhìn vào chiều sâu của tâm hồn chúng ta và để cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi vào. Năm Thánh đã làm cho chúng ta ý thức có đông đảo những người khác nhau và các nhóm xã hội bị đối xử dửng dưng, họ là nạn nhân của bất công và bị bạo hành. Họ thuộc ”gia đình” chúng ta, họ là anh chị em của chúng ta. Vì thế các chính sách bất bạo động phải bắt đầu từ trong 4 bức tường gia đình chúng ta để lan tỏa ra trong toàn thể gia đình nhân loại. Tấm gương của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mời gọi chúng ta thực hành con đường thơ ấu của tình thương, đừng đánh mất cơ hội nói một lời tử tế dễ thương, một nụ cười, bất kỳ cử chỉ nhỏ bé nào gieo vãi an bình và tình thân hữu. Một nền môi sinh học toàn diện cũng được hình thành bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật trong đó chúng ta phá vỡ đường lối bạo lực, bóc lột và ích kỷ”.

 ** Lời mời gọi của tôi

 6. Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình qua Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phúc, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính”

 ”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật, qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. Một thách đố xây dựng xã hội, cộng đoàn hoặc xí nghiệp mà họ trách nhiệm theo thể thức của người xây dựng hòa bình; chứng tỏ lòng từ bi thương xót bằng cách từ chối gạt bỏ con người, từ chối gây thiệt hại cho môi trường và khước từ ý muốn chiến thắng bằng mọi giá. Điều này đòi phải có sự sẵn sàng ”chịu đựng xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một mắt xích liên kết trong tiến trình mới”. Hoạt động như thế có nghĩa là chọn lựa tình liên đới như một cách thức làm lịch sử và kiến tạo tình thân hữu xã hội. Sự bất bạo động tích cực là một cách thức để chứng tỏ rằng quả thực sự hiệp nhất thì mạnh mẽ và phong phú hơn xung đột. Tất cả trong thế giới đều có liên hệ mật thiết với nhau. Tuy có thể xảy ra là những tranh chấp sinh ra sầu muộn: nhưng chúng ta hãy đương đầu với chúng một cách xây dựng và bất bạo động, như thế ”những căng thẳng và đối nghịch (có thể) đi tới một sự hiệp nhất đa dạng sinh ra đời sống mới”, bảo tồn ”những tiềm năng quí giá của những lập trường đối nghịch nhau”.

 Tôi cam đoan rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ đồng hành với mỗi cố gắng xây dựng hòa bình kể cả qua sự bất bạo động tích cực và có tinh thần sáng tạo. Ngày 1-1-2017 là ngày khai sinh Bộ mới, Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, giúp Giáo Hội thăng tiến một cách ngày càng hữu hiệu ”những thiện ích khôn lường của công lý, hòa bình và bảo tồn thiên nhiên”, và sự quan tâm đối với những người di dân, ”những người túng thiếu, các bệnh nhân và những người bị gạt bỏ, những người ở ngoài lề, và các nạn nhân của những cuộc xung đột võ trang và những thiên tai, các tù nhân, những người thất nghiệp và các nạn nhân của bất kỳ hình thức nô lệ và tra tấn”. Mỗi hành động trong chiều hướng này, dù là bé nhỏ, đều góp phần xây dựng một thế giới không còn bạo lực, một bước tiến đầu tiên hướng về công lý và hòa bình.

 ** Kết luận

 7. Theo truyền thống, tôi ký Sứ điệp này ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Khi Con của Mẹ sinh ra, các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và cầu chúc hòa bình cho con người trên trái đất, những người nam nữ thiện chí (Xc Lc 2,14). Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ hướng dẫn chúng ta.

 ”Tất cả đều mong ước hòa bình; bao nhiêu người hằng ngày kiến tạo hòa bình với những cử chỉ nhỏ bé và nhiều người chịu đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng vất vả với bao nhiêu cố gắng để xây dựng hòa bình”. Trong năm 2017, chúng ta hãy dấn thân, bằng kinh nguyện và hoạt động để trở thành những người loại trừ bạo lực khỏi tâm hồn, khỏi lời nói và cử chỉ, và xây dựng cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. ”Không gì là không có thể nếu chúng ta chạy đến cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả có thể là những người xây dựng hòa bình”.

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Giáo hội tại Á châu có sứ vụ giúp các gia đình khám phá Chúa Kitô

Giáo hội tại Á châu có sứ vụ giúp các gia đình khám phá Chúa Kitô

duc-hong-y-george-alencherry

Colombo – Giáo hội tại Á châu có sứ vụ giúp các gia đình khám phá Chúa Kitô. Đức Hồng y George Alencherry, Tổng Giám mục trưởng của Ernakulam-Angamaly, bang Kerala, Ấn độ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục nghi lễ Syro-Malabar, đã phát biểu như trên trong đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đang diễn ra tại Colombo, Srilanka.

Phát biểu trước 140 đại biểu của đại hội, bao gồm các Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục đến từ khoảng 40 nước thuộc Á châu và một số đại diện như các nhà thần học và các giáo dân dấn thân trong Giáo hội tại Á châu, Đức Hồng y nói: “Chúng ta cần tìm ra Chúa Kitô trong chúng ta để giúp người khác khám phá ra Người trong cuộc sống của các gia đình và dân tộc của chúng ta: đây là truyền giảng Tin mừng.”

Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu được tổ chức 4 năm một lần. Đại hội năm nay có chủ đề “Gia đình Công giáo Á châu: Giáo hội tại gia của người nghèo trong sứ vụ của lòng thương xót. Các Giáo hội tại Á châu đang tự hỏi làm cách nào để làm cho các gia đình Công giáo trở thành dụng cụ loan báo Tin mừng của lòng thương xót.

Đức Hồng y cũng nói thêm: “Trong bối cảnh của Năm Thánh vừa kết thúc, “chúng ta đang khám phá điều gì có thể là sứ vụ của lòng thương xót của gia đình Công giáo ở Á châu. Dường như đối với tôi, hành trình của chúng ta cũng giống hành trình của các Tông đồ: giúp mỗi người gặp Chúa Kitô trong cuộc sống của họ và giúp các gia đình chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Chúa Kitô bên trong và bên ngoài các nhân tố gia đình. Đây là sứ vụ chung của Giáo hội, là sứ vụ của các Giám mục, Linh  mục, các tu sĩ, các gia đình.”

Đức Hồng y giải thích: “Các gia đình ở Á châu sống trong bối cảnh đa tôn giáo, bị ảnh hưởng bởi các kiểu gia đình của các tôn giáo khác. Các tôn giáo ở Á châu là một con đường tìm kiếm Thiên Chúa. Đối với các Kitô hữu chúng ta, Chúa Kitô ở trung tâm của chứng tá đức tin của chúng ta. Chính đặc tính duy nhất của Chúa Kitô là món quà của Chúa Kitô cho thế giới, cứu độ và đánh dấu niềm tin của chúng ta. Thiên Chúa nhân từ và Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta khuôn mặt của lòng thương xót của Thiên Chúa.” Đức Hồng y nhắc là, trong quá khứ, dường như các mục tử đã quên Chúa trong khi chỉ nại đến việc tuân giữ luật mà quên lòng thương xót của Chúa.

Đức Hồng y nhắc nhở rằng: “Các Kitô hữu được gọi nắm lấy sự hiện diện và hành động của Chúa Kitô trong con người và trong tạo vật, như thánh Phanxicô Assisi làm.” Ngài kết luận: “Đã nhìn thấy, đã nghe, đã chạm vào Chúa Kitô, chúng ta không được từ bỏ các phúc lành xuất phát từ việc theo Chúa Kitô. Gia đình chúng ta gặp Chúa Giêsu trong cuộc sống của họ và nhận phúc lành của Người. Hãy biến điều này thành điều thiện ích cho Giáo hội và xã hội Á châu.” (Agenzia Fides 03/12/2016)

Hồng Thủy 

Đức Thánh Cha cổ võ nền thần học gần gũi các gia đình

Đức Thánh Cha cổ võ nền thần học gần gũi các gia đình

duc-thanh-cha-co-vo-nen-than-hoc-gan-gui-cac-gia-dinh

VATICAN. Sáng 27-10-2016, ĐTC đã tiếp kiến 400 người thuộc ban giáo sư và sinh viên Học Viện Giáo Hoàng về hôn nhân và gia đình ở Roma nhân dịp khai giảng niên học mới. Ngài cổ võ một nền thần học gần gũi các gia đình.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cổ võ sự cộng tác giữa thần học và mục vụ: nhà thần học phải để ý đến thực tại cụ thể của hôn nhân và gia đình. Ngài nói:

”Chúng ta phải nhận rằng nhiều khi chúng ta đã trình bày một lý tưởng thần học về hôn nhân quá trừu tượng, hầu như được kiến tạo một cách giả tạo, xa rời tình trạng cụ thể và những khả năng thực sự của cac gia đình như trong thực tế. Sự lý tưởng hóa thái quá như thế, nhất là khi chúng ta không thức tỉnh lòng tín thác nơi ơn thánh, không những sẽ làm cho hôn nhân không còn được ước mong và có sức lôi cuốn nữa, nhưng hoàn toàn trái ngược lại” (Amoris laetitia, 36).

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC cổ võ sự gần gũi của Giáo Hội đối với các thế hệ mới các đôi vợ chồng, để sự chúc lành cho liên hệ của họ ngày càng có sức thuyết phục và tháp tùng họ, gần gũi với những tình trạng yếu đuối của con người, vì ơn thánh cỏ thể cứu chuộc, hồi sinh và chữa lành những tình trạng yếu đuối ấy. Mối liên hệ không thể tách rời giữa Giáo Hội và các con cái của mình là dấu chỉ rõ ràng nhất về tình yêu trung tín và thương xót của Thiên Chúa”.

Gần đây Đức Thánh Cha đã thay đổi vị Giám đốc Học viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình, đồng thời liên kết Học viện này với Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống. Ngài bổ nhiệm Đức TGM Vincenzo Paglia, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự đống, đồng thời làm chưởng ấn Giáo Hoàng Học viện về Hôn nhân và gia đình (SD 27-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Mỗi năm dòng ba Cappuccino giúp 4600 trẻ em các gia đình nghèo ở Guinea

Mỗi năm dòng ba Cappuccino giúp 4600 trẻ em các gia đình nghèo ở Guinea

capuchin-help-children-at-guinea

Valencia – Tổ chức phi chính phủ của Tây ban nha về Thăng tiến phát triển và Liên đới với người nghèo ở thế giới thứ 3 do các nữ tu dòng ba Cappuccino thành lập, từ khi được thành lập cách đây 20 năm nay, đã cộng tác vào việc thành lập và duy trì một trung tâm dinh dưỡng giúp đỡ cho 4600 trẻ em của các gia đình nghèo ở Guinea Equatorial cũng như các dự án khác được các nữ tu thực hiện tại quốc gia châu Phi này.

Hiện nay, trợ giúp chủ yếu của trung tâm nhi đồng “Luis Amigó” (CILA) ở thành phố Evinayong là giúp đỡ cho 250 trẻ em từ 2-5 tuổi đến từ các gia đình nghèo.  Có 3 nữ tu, giáo viên và một đầu bếp chăm lo các nhu cầu thực phẩm, sức khỏe và giáo dục cho các trẻ em; các em được cung cấp buổi điểm tâm, cơm trưa và các dụng cụ học tập.

Cũng tại cơ sở chính của dòng, cách đây 15 năm, các nữ tu thành lập trung tâm y tế Luis Amigo với 2 nữ tu và các nhân viên địa phương, cung cấp các trợ giúp y tế cho khoảng 4500 mỗi năm, đặc biệt là các trẻ em tại CILA, chích ngừa và thuốc men, thường là ngừa bệnh sốt rét. Trung tâm y tế cũng chữa trị cho những người dân ở Evinayong, đặc biệt là những bệnh nhân Aids, tiểu đường, viêm gan và các thai phụ. 8 ngôi làng trong bán kính 50 km từ Evinayong cũng đến chữa trị ở trung tâm vì ở Guinea không có dịch vụ y tế công, còn những dịch vụ tư thì ngoài khả năng tài chánh của các bệnh nhân. (20/10/2016 Agenzia Fides)

Hồng Thủy

Danh sách 17 Hồng Y mới sẽ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm

Danh sách 17 Hồng Y mới sẽ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm

dtc-tuyen-bo-danh-sach-moi-cho-17-vi-hong-y-se-duoc-phong-vao-ngay-19-thang-11-2016

VATICAN. Ngày 19-11-2016 tới đây, ĐTC sẽ bổ nhiệm thêm 17 Hồng y mới, trong đó có 4 vị trên 80 tuổi.

Danh sách được ĐTC công bố trong buổi đọc kinh cuối thánh lễ chúa nhật 9-10-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô:

1. Đức TGM Mario Zenari, tiếp tục làm Sứ thần Tòa Thánh tại nước Siria yêu quí đang chịu đau khổ.

2, Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, dòng Chúa Thánh Thần, TGM thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi

3. Đức Cha Carlos Osoro Sierra, TGM Madrid, Tây Ban Nha

4. Đức Cha Sérgio da Rocha, TGM Brasilia, thủ đô Brazil

5. Đức Cha Patrick D'Rosazio, Dòng Thánh Giá, TGM Dhaka, thủ đô Bangladesh

6. Đức Cha Blase J. Cupich, TGM Chicago, Hoa Kỳ

7. Đức Cha Jozef De Kesel, TGM Malines-Bruxelles bên Bỉ

8. Đức Cha . Baltazar Enrique Porras Cardozo, TGMi Mérida , Venezuela

9. Đức Cha Maurice Piat, TGM Port Louis, đảo Maurice

10. Đức Cha Kevin Joseph Farrell, người Hoa Kỳ, tân Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống

11. Đức Cha Carlos Aguiar Retes, TGM Tlalnepantla, Mêhicô

12. Đức Cha John Ribat, dòng thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu (MSC) TGM Port Moresby, Papua Tân Guinea

13. Đức Cha Joseph William Tobin, dòng Chúa Cứu Thế, TGM Indianapolis, Hoa Kỳ.

4 Hồng Y mới quá 80 tuổi, đó là:

1. Đức Cha Anthony Soter Fernandez, nguyên TGM Kuala Lumpur, Malaysia

2. Đức Cha Renato Corti, nguyên TGM Novara, Italia

3. Đức Cha Sebastian Koto Khoarai, dòng Thừa sai Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), nguyên GM giáo phận Mohale's Hoek, Lesotho

4. Cha Ernest Simoni, LM thuộc tổng giáo phận Scutari, Albani

ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các Hồng Y mới để nhờ củng cố niềm gắn bó của các vị với Chúa Kitô, các vị giúp Ngài trong sứ vụ GM Roma, và là nguyên lý cũng như nền tảng trường kỳ và hữu hình của sự hiệp nhất đức tin và tình hiệp thông (LG 18).

Với việc bổ nhiệm trên đây, 7 quốc gia có Hồng Y đầu tiên, đó là Trung Phi, Bangladesh, Maurice, Papua Tân Guinea, Malaysia, Lesotho và Albani. Trong số các tiến chức có 5 vị xuất thân từ các dòng tu.

Xét về địa lý, trong số các Hồng y mới có 5 vị Âu Châu, 4 Bắc Mỹ (3 là Hoa Kỳ và 1 là Mexico), 2 Nam Mỹ, 3 Phi châu, 2 Á châu và 1 Úc châu.

Hồng y đoàn vào ngày 19-11-2016 sẽ có tổng cộng 228 vị, trong đó 121 vị dưới 80 tuổi, có quyền bầu Giáo Hoàng.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Phanxicô: người tị nạn không khác với các thành viên trong gia đình chúng ta

Đức Phanxicô: người tị nạn không khác với các thành viên trong gia đình chúng ta

ĐGH tiếp tham dự viên hội nghi về khủng hoảng di dân

Sáng hôm nay, 17 tháng 9, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp các thành viên của Liên đoàn châu Âu và Liên minh thế giới các sinh viên dòng Tên về Roma tham dự Hội nghị trong tuần này về đề tài “cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn toàn cầu: Thời gian suy tư và hành động” .

Trong lời chào mừng các tham dự viên, Đức Giáo hoàng gọi họ là “những người nam nữ vì người khác”, đến Roma để khám phá gốc rễ của cuộc di cư bó buộc, để suy tư về trách nhiệm của họ trong việc đáp ứng với hoàn cảnh hiện tại và được sai đi như những người quảng bá cho sự thay đổi tại các cộng đồng ở quê hương của họ.

Đức Giáo hoàng chia sẻ: con số hơn 65 triệu người trên khắp trái đất buộc phải rời bỏ quê hương, đông hơn dân số của toàn nước Italia, là con số ngoài sự tưởng tượng. Nhưng chúng ta phải vượt trên con số thống kê này, để nhìn thấy những người tị nạn là các người nam nữ, các chàng trai cô gái, họ không khác gì các thành viên trong gia đình chúng ta. Họ cũng có tên tuổi, gương mặt, lịch sử và quyền không thể chối bỏ là sống trong hòa bình và khao khát một tương lai cho con cái họ.

Thế giới ngày nay thật đáng buồn là còn nhiều xung khắc như chiến tranh tại Syria hay nội chiến ở miền nam Sudan và ở những nơi khác trên khắp thế giới mà dường như không thể giải quyết được. Và đây là lý do mà việc họp nhau của các thành viên của Hội cựu sinh viên dòng Tên “để suy tư và hành động” về các vấn đề tị nạn rất là quan trọng.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Ngày nay hơn bao giờ hết, khi chiến tranh đang tàn phá khắp công trình sáng tạo của Thiên Chúa, khi con số kỷ lục người tị nạn chết khi cố vượt biển Địa trung hải và những người tị nạn sống mòn mỏi năm này qua năm khác trong các trại tị nạn, Giáo hội cần anh chị em theo gương can đảm của cha Pedro Arrupe. (Cách đây hơn 35 năm, cha đã hành động để giúp đỡ các thuyền nhân của miền nam Việt nam, những người vượt biển trong tuyệt vọng để chạy trốn bạo lực tại quê hương,  trước hiểm họa tấn công của cướp biển và bão tố đe dọa.)  Qua nền giáo dục của dòng Tên, anh chị em được mời gọi trở thành bạn đồng hành của Chúa Giêsu và với Thánh Inhaxiô Loyola người hướng dẫn của anh chị em, anh chị em được sai đi vào thế giới để là những người nam và nữ cho và với người khác. Ở nơi này và trong thời gian này trong lịch sử, rất cần có những người nam nữ nghe tiếng kêu than của dân nghèo và đáp lại với lòng thương xót và sự quảng đại.”

Đức Giáo hoàng mời gọi các tham dự viên can đảm đáp lại những nhu cầu của người tị nạn ngày nay. Năm Thánh Lòng thương xót nhắc nhớ lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa cho mọi người. Với sự giúp đõ của họ Giáo hội có thể đáp trả nhiều hơn các thảm kịch nhân loại của những người tị nạn qua các hành động thương xót và khuyến khích sự hội nhập của người tị nạn vào bối cảnh Âu châu và hơn nữa. Ngài khuyến khích các tham dự viên đón nhận người di cư vào gia đình, cộng đoàn của mình để kinh nghiệm đầu tiên của những người này về châu Âu  không phải là kinh nghiệm hãi hùng của việc ngủ giữa cái rét giá lạnh của đường phố nhưng là sự chào đón nồng ấm tình người. Ngài nói: “hãy nhớ rằng một sự tiếp đón thật sự là một giá trị Tin mừng sâu sắc nuôi dưỡng tình yêu và sự an ninh lớn nhất của chúng ta chống lại các hành động thù oán của khủng bố.”

Đức Giáo hoàng cũng khuyến khích các tham dự viên ủng hộ việc giáo dục cho người tị nạn. Thực tế là có ít hơn 50% các trẻ em tị nạn được hưởng giáo dục căn bản và con số càng giảm đi đối với các lớp tuổi lớn hơn. Ngài khuyên họ hãy  biến lòng thương xót thành hành động để thay đổi thực trạng giáo dục này. Khi làm như thế họ sẽ xây một châu Âu mạnh hơn và tương lai tươi sáng hơn cho người tị nạn.

Đức Giáo hoàng khuyên các tham dự viên đừng cảm thấy lẻ loi trong việc từ bi bác ái vì có các tổ chức Giáo hội hoạt đọng cho nhân quyền, giúp cho những người bị loại bỏ và gạt ra ngoài xã hội. Nhưng quan trọng hơn, “tình yêu Thiên Chúa luôn đồng hành với anh chị em trong công việc này. Anh chị em là đôi mắt, là miệng, là đôi tay và trái tim của Thiên Chúa trong thế giới này”.

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng cám ơn các tham dự viên đã dấn bước vào vấn đề khó khăn liên quan đến việc chào đón người tị nạn. Ngài khuyến khích họ khi trở về nhà hãy biến cộng đoàn của mình thành nơi chào đón nơi mọi con cái Thiên Chúa có cơ hội, không chỉ sống sót, nhưng lớn lên, và sinh hoa trái. Chính Thánh gia trên đường trốn chạy bạo lực đã được những người xa lạ tiếp đón. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “khi Ta đón các con đã cho Ta ăn, khi ta khát các con đã cho uống, khi Ta là khách lạ các con đã viếng thăm” (Mt 25,35). Hãy nhận lấy những lời này và thi hành. Hi vọng chúng sẽ mang lại cho anh chị em sự khích lệ và an ủi. (SD 17/09/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông các gia đình gặp khó khăn

Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông các gia đình gặp khó khăn

Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông các gia đình gặp khó khăn

ROMA. ĐTC kêu gọi cảm thông với các gia đình gặp khó khăn và ngài cho rằng nhiều cặp hôn phôn kết ước bất thành.

Ngài đưa ra lời kêu gọi và nhận định trên đây trong buổi khai mạc Hội nghị của giáo phận Roma lúc 7 giờ chiều thứ năm 16-62016 về việc mục vụ gia đình, với chủ đề ”Niềm vui yêu thương: con đường của các gia đình ở Roma dưới ánh sáng Tông huấn ”Amoris laetitia””.

Hiện diện trong Đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma, có ĐHY Giám quản Agostino Valini và các GM phụ tá, và hàng ngàn LM, tu sĩ và giáo dân.

Sau lời chào mừng của ĐHY, ĐTC đã thuyết trình khai mạc Hội nghị và kêu gọi làm sao để việc mục vụ gia đình đi tới mỗi gia đình trong giáo phận, chứ không phải chỉ tới các gia đình lui tới giáo xứ, tiếp đến là cần có thái độ cảm thông và sau cùng là cần nêu cao giá trị chứng tá của người già.

Về thái độ cảm thông, ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ tưởng mình là người giữ đúng luật như người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện cùng với người thu thuế. Ngài nói: ”Tất cả chúng ta cần hoán cải và kêu lên như người thu thuế: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”… Cần có tinh thần thực tiễn của Tin Mừng, tinh thần này làm ta dấn thân với người khác, và không coi những lý tưởng và ”nghĩa vụ” là một chướng ngại cản trở việc gặp gỡ người khác trong những hoàn cảnh của họ.

ĐTC giải thích rằng: ”Điều này không có nghĩa là không minh bạch về đạo lý, nhưng là ”tránh rơi vào những phán đoán không để ý đến tính chất phức tạp của cuộc sống. Tinh thần thực tiễn của Tin Mừng làm ta bẩn tay vì biết rằng lúa tốt và cỏ dại cùng tăng trưởng”.

ĐTC trích dẫn Tông huấn ”Niềm vui yêu thương” và cho biết ngài hiểu những người thích một nền mục vụ cứng nhắc hơn là tạo nên một sự hoang mang, xáo trộn. Nhưng ngài nói: ”Tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn một Giáo Hội trong lúc ngài biểu lộ rõ ràng giáo huấn khách quan, Chúa không từ bỏ sự thiện có thể, mặc dù có nguy cơ bị lấm bùn trên đường phố. Tóm lại là Giáo Hội có khả năng chấp nhận tiêu chuẩn cảm thông đối với những người yếu đuổi.”

Trả lời thắc mắc

Trong phần trả lời 3 thắc mắc do các LM và một số tham dự viên nêu lên, ĐTC phê bình thứ luân lý cứng nhắc, và những cha giải tội đặt nhiều câu hỏi về đời tư của hối nhân. Ngài nhận xét rằng phần lớn các bí tích hôn phối kết ước bất thành vì ảnh hưởng của nền văn hóa loại bỏ, những người kết hôn không biết thế nào là sự dấn thân trọn đời; họ cử hành hôn phố như một buổi lễ làm đẹp lòng hôn thê, hôn phu hoặc gia đình hai bên. ĐTC cho biết ở Buenos Aires, ngài cấm các cặp nam nữ kết hôn vì để bảo toàn danh dự, vì lỡ có thai.. Làm như thế, các cặp ấy không kết hôn tự do..”

Hội nghị của giáo phận Roma còn tiến hành trong ngày 17-6-2016, với các cuộc thảo luận nhóm xoay quanh 5 tiểu đề tại 36 giáo hạt ở Roma. Đó là ”Giáo dục về tình yêu trong thời thiếu niên”, ”sự thu hút của tình yêu chân thực để tiến tới hôn nhân”, ”nâng đỡ sự chung thủy của các đôi vợ chồng”, ”niềm vui trao ban sự sống và làm cho sự sống tăng trưởng”, sau cùng là ”Gia đình, trường dạy xã hội tính và lối sống huynh đệ”.

Các kết luận của hội nghị, với bài tường trình của ĐHY Vallini và trình bày các hướng đi mục vụ gia đình cho giáo phận, sẽ diễn ra vào chúa nhật 19-6-2016 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano: trước tiên vào lúc 9 giờ rưỡi với các cha sở và các LM; tiếp đến vào lúc 7 giờ rưỡi chiều cùng ngày với các nhân viên mục vụ giáo dân. Trong dịp này có nghi thức trao bài sai cho các giáo lý viên trong năm mục vụ mới nơi các gia đình (SD 17-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP