ĐTC Phanxicô: Sống dấn thân với lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy

ĐTC Phanxicô: Sống dấn thân với lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh. Phụng vụ mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn trong dịp chúng ta cử hành biến cố Ngài giáng sinh. Chính vì thế Tin Mừng cho chúng ta thấy hai yếu tố quan trọng: mối tương quan giữa Chúa Giêsu và dân chúng; mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Trước đó lúc 9 giờ 30 sáng ĐTC đã chủ sự thánh lễ trong nhà nguyện Sistina, và ban bí tích Rửa Tội cho 27 trẻ em nam nữ.

Chúa Giêsu “dìm mình” trong đám đông và trong dòng nước

Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin ĐTC nói: Trong câu chuyện về việc thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giordan, trước tiên chúng ta thấy vai trò của dân chúng. Dân chúng không chỉ là nền của một cảnh, nhưng là một thành phần thiết yếu của biến cố. Trước khi dìm mình vào dòng nước, Chúa Giêsu “dìm mình” trong đám đông, Ngài liên đới hoàn toàn với thân phận của con người, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi. Trong sự thánh thiện của mình, đầy tràn ân sủng và lòng thương xót, Con Thiên Chúa trở thành xác phàm để gánh lấy tội lỗi thế gian. Bởi vậy hôm nay cũng là hiển linh, bởi vì Chúa đến cho Gioan làm phép rửa, hiện diện giữa những người đang sám hối, Chúa Giêsu biểu lộ sự hợp lý và ý nghĩa sứ vụ của Ngài.

Chúa cùng với dân chúng xin Gioan chịu Phép rửa hoán cải, Chúa Giêsu cũng chia sẻ ước muốn sâu sắc đổi mới nội tâm. Và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người “dưới hình chim bồ câu” và cùng với Chúa Giêsu dấu hiệu một thế giới mới, một “tạo dựng mới” bao gồm tất cả những ai đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta được tái sinh với Chúa Giêsu trong Bí tích Rửa tội, Lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Đây là tình yêu của Cha, mà chúng ta đã nhận lãnh trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, là ngọn lửa đã được thắp lên trong tâm hồn chúng ta, và hỏi hỏi phải được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và bác ái.

Chúa Giêsu “đắm mình” trong cầu nguyện

Sau khi “dìm mình” trong dân chúng và trong dòng nước; yếu tố thứ hai được thánh sử Luca nhấn mạnh đó là Chúa Giêsu “đắm mình” trong cầu nguyện, nghĩa là hiệp thông với Cha. Phép rửa là khởi đầu đời sống công khai, sứ vụ của Chúa Giêsu trong thế giới trong tư cách được Cha sai đến trong thế gian để bày tỏ sự tốt lành và tình yêu của Cha dành cho con người. Sứ mệnh này được Chúa Giêsu hoàn thành trong sự kết hợp liên tục và hoàn hảo với Cha và Thánh Thần. Đây cũng là sứ mệnh của Giáo hội và của mỗi người chúng ta; để trung thành và sinh hoa trái chúng ta được mời gọi “ghép minh” vào Chúa Giêsu. Đó là trong cầu nguyện tiếp tục tái sinh công cuộc loan truyền Tin Mừng và việc tông đồ, để làm chứng kitô giáo một cách rõ ràng không theo kế hoạch của con người mà theo chương trình và cách thức của Thiên Chúa.

Sống lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy

Anh chị em thân mến, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha, Ngài có lòng thương xót tất cả. Đức Maria Trinh Nữ, Mẹ của Lòng thương xót là người hướng dẫn và mẫu gương của chúng ta

Ngọc Yến, Vatican

Bài suy niệm thứ 7: Chúa Giêsu thực sự chết

Bài suy niệm thứ 7: Chúa Giêsu thực sự chết

Ariccia – Sáng ngày 09/03, cha Michelini đã trình bày bài suy niệm thứ 7 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma với đề tài sự chết của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu thật sự chết

Trong bài suy niệm, cha Michelini mời gọi chiêm ngắm với lòng yêu mến sâu xa Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cha nhấn mạnh đến cái chết của Đấng Mêsia theo Tin mừng thánh Mátthêu. Cha nói rõ ngay lập tức rằng đó là cái chết thật chứ không phải “giống như chết”: vì “không chỉ các môn đệ cố gắng để tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại và điều này là thật, nhưng việc Chúa sống lại là có thể vì Chúa đã thực sự chết.”

Các chi tiết miêu tả cái chết của Chúa Giêsu gây nên sự không thoải mái, nó quá tàn bạo, làm cho chúng ta nói rằng những điều khủng khiếp này là không thực. Nhưng mà những điều này đã được viết bởi vì chúng cho thấy nó đã xảy ra .

Cảm giác bị bỏ rơi và bị hiểu lầm

Cha Michelini phân tích cảm giác bị bỏ rơi mà Chúa Giêsu trải nghiệm trên thập giá – khi Ngài kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con”. Cảm giác này thêm sâu sắc bởi sự không hiểu của những người đang chứng kiến cảnh tượng tàn nhẫn của cuộc Thương khó của Chúa Kitô.

Khi Chúa Giêsu kêu “Êli, Êli, lêmaxabácthani”, có người tin là Ngài kêu ngôn sứ Êlia. Nhưng ngôn sứ Êlia thì có thể làm gì để cứu Ngài? Đây là một sự hiểu lầm. Chúa Giêsu đang kêu cầu Chúa Cha. Nhưng Chúa Cha im lặng. Việc Chúa Cha không can thiệp là một yếu tố khác làm cả trình thuật về cái chết của Chúa Giêsu trở nên lúng túng. Cảm giác mà Chúa Giêsu đang sống, cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi là một sự thật và gây sốc, đến độ khó mà tưởng tượng được. Chúa Giêsu than van không phải vì cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi hay vì đau đớn, nhưng bởi vì sức lực thể lý của Ngài đang cạn dần. Cực hình cuối cùng đối với Chúa Giêsu là không được hiểu ngay cả từ Thánh giá, bị hiểu lầm. Khi có thể, Chúa Giêsu suy tư, hành động để giải thích và giải thích. Nhưng từ Thánh giá, Ngài không thể giải thích điều gì.

“Cách tự nhiên, chúng ta biết là Thánh giá giải thích tất cả. Nhưng Chúa Giêsu cũng không thể nói tại sao Ngài kêu cầu Chúa Cha mà không kêu cứu Êlia. Ngài chỉ có thể làm một điều, là phó thác vào Chúa Thánh Thần, bởi vì chính Chúa Thánh Thần giải thích điều mà Ngài không thể hiểu.

Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn: cử chỉ yêu thương, tha thứ tội lỗi

Cha Michelini nhắc đến tên lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu. Khi ở Caphácnaum, một đại đội trưởng đã xin Chúa cứu chữa cho người con trai hay tên đầy tớ bị bệnh và Chúa đã không từ chối một cử chỉ của tình yêu. Lúc này, Chúa Giêsu bị chết vì một nhát đâm của tên lính. Nếu như Chúa Giêsu đã đáp lời cầu xin của viên đại đội trưởng ở  Caphácnaum, giờ đây trên thập giá, Ngài chỉ có thể đưa cạnh sườn cho tên lính đâm và từ đó máu và nước chảy ra, để tha tội lỗi.

Các phụ nữ hiện diện ở chân Thánh giá

Theo thánh Mátthêu, có nhiều phụ nữ, trong số họ có Maria “mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Nhiều người cho rằng bà Maria này là Mẹ Chúa Giêsu, đứng dưới chân Thập giá, như Tin mừng theo thánh Gioan.

Có thể là ở đây, thánh Mátthêu được cảm hứng từ thánh Gioan, muốn nói rằng người nữ đó, không được gọi là “Mẹ của Chúa”, nhưng là “Maria, mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Vì Maria, Mẹ Chúa Giêsu, không còn đơn giản là Mẹ, và Chúa Giêsu không còn đơn giản là Con của Mẹ Maria. Như Mẹ Maria trong Tin mừng thánh Gioan, không chỉ còn đơn giản là Mẹ Chúa Giêsu, nhưng là mẹ của người môn đệ yêu dấu, và theo đó, là Mẹ của Giáo hội. Maria trong cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu cũng thế, là mẹ của Giacôbê và Giôxép, nghĩa là mẹ của các anh em Chúa Giêsu, và theo đó, đối với chúng ta, đối với Tin mừng này, là Mẹ của Giáo hội.

Xét mình

Cha Michelini mời tự vấn, chúng ta có vì sự khép kín hay kiêu ngạo, mà không hiểu người khác, không phải vì những điều họ nói không rõ ràng, nhưng đơn giản vì chúng ta không muốn hiểu.

Cha mời gọi xét xem chúng ta có khiếm khuyết trong việc giao tiếp với người khác không và cha mời gọi sửa đổi tốt hơn, gia tăng sự khiêm nhường, xét xem chúng ta có thành công trong việc đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự bình thường hàng ngày hay trong cái nhìn của người khác. (RV 09/03/2017)

Hồng Thủy

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016

Abbey D’Agostino và Nikki Hamblin

Trong khi huy chương vàng Olympic là một thành công mà các vận động viên mơ ước, thì có một giải thưởng khác được trao cho một số nhỏ được chọn lựa. Hai vận động viên điền kinh Nikki Hamblin (người New Zealand) và Abbey D’Agostino (người Mỹ) không đạt huy chương vàng, đồng hay bạc, nhưng đã được trao huy chương Pierre de Coubertin, là huy chương được trao cho các vận động viên và nhân viên tiêu biểu cho tinh thần thể thao tại Thế vận hội mùa hè và mùa đông. Đó là huy chương về “fair play” – tinh thần thượng võ. Đây là huy chương được ví là khó đạt hơn cả huy chương vàng, vì chỉ riêng Michael Phelps, kình ngư của thế giới, đã đạt được tất cả 23 huy chương vàng, thì hai vận động viên này mới là người thứ 18 và 19 nhận huy chương này. Cặp đôi này đã trở thành đề tài trên báo chí tuần qua.

Mọi chuyện diễn ra vào ngày thứ 3, 17 tháng 8 vừa qua, trong cuộc thi chạy  vòng loại 5000 mét. Khi chỉ còn 2000 mét là đến đích thì hai vận động viên Hamblin và D’Agostino va chạm, cùng vấp và ngã xuống đất. D’Agostino đã đứng dậy trước nhưng cô không tiếp tục cuộc chạy ngay; thay vì đó, cô đã quay lại giúp Hamblin. Rồi khi D’Agostino quá đau không thể tiếp tục cuộc thi, đến lượt Hamblin đã đứng lại với D’Agostino một lúc để giúp cô đứng dậy. Cả hai đã kết thúc cuộc đua, nhưng D’Agostino phải đi khập khễnh trong 5 vòng cuối. D’Agostino và Hamblin đã ôm nhau cách thân thiết khi kết thúc vòng đua, và sau đó D’Agostino phải lên xe lăn rời vòng đua. Dù cả 2 thất bại trong vòng loại nhưng Ủy ban Olympic phán quyết là cả 2 được vào thi vòng chung kết do tinh thần thể thao của họ. Nhưng vào phút cuối D’Agostino đã không thể tham dự vòng chung kết vì chân vẫn còn đau.

Câu chuyện đẹp được khán giả trường đua chứng kiến và các khán giả khắp thế giới theo dõi qua các mạng truyền thông ngưỡng mộ, và các hãng tin toàn thế giới cũng đã tốn giấy mực cho cử chỉ đẹp đầy tinh thần thể thao này. Sau đó, D’Agostino đã chia sẻ về việc làm của mình: động lực và sức mạnh của hành động của cô chính là Thiên Chúa. Cô nói: “Dù hành động của tôi lúc đó là bản năng, cách duy nhất tôi có thể và lý luận đó chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi phản ứng theo cách đó. Cả thời gian ở đây Người cho tôi biết rõ là kinh nghiệm của tôi ở Rio sẽ có giá trị hơn là cuộc thi của tôi, và khi Nikki đứng lên tôi đã biết điều đó.”

Abbey D’Agostino 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công giáo. Cô đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn dành cho podcast “Running On Om” về việc chạy đua của cô, về những lo lắng chấn thương và về đời sống cầu nguyện. D’Agostino cho biết, cô thường dùng thời gian cầu nguyện của mình để suy gẫm về những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của cô. Cô lắng nghe thánh ca, đọc Kinh thánh và viết nhật ký. Những điều này đưa cô đến một nơi khiêm nhường, nơi cô nhận ra vị trí của mình trước nhan Chúa. Khi vào cuộc thi chạy, cô nghĩ rằng sự tin cậy vào Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thấn sẽ thêm “năng lượng” cho cô, cách ý thức hay vô thức. Cô nói: “Tôi cảm thấy bình an khi nhận biết là mình không đang chạy với sức mạnh của mình”. Cô kết thúc cuộc thi chỉ với việc đón nhận Chúa Giêsu và nhận ra điều có ý nghĩa trong cuộc sống của cô.

Như các vận động viên khác, D’Agostino cũng lo sợ những chấn thương trong các cuộc thi. nhưng chính sự tín thác vào Thiên Chúa giúp cô vơi bớt những lo lắng trước các cuộc thi quan trọng. Cô nói: “Cho dù kết quả cuộc thi thế nào tôi sẽ chấp nhận nó. Tôi rất biết ơn và chỉ rút lấy những điều mà tôi cảm thấy nó bày tỏ rõ ràng việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi.” D’Agostino cho biết những lần chấn thương trước đã thúc đẩy cô cậy dựa vào Thiên Chúa trong cách thế mà cô chưa bao giờ có trước đó. Trên lý thuyết, cô biết tín thác vào Thiên Chúa là cách duy nhất mình có thể cảm thấy bình an, vui mừng và thỏa mãn mà Người ban cho, nhưng kinh nghiệm điều này và rơi vào trong một tình trạng mà đức tin bị thử thách thì lại là một vấn đề khác. Sau những chấn thương, những lần cảm thấy cô đơn và mất tự tin đã làm cô phải xét mình; mình có thực sự tin cậy vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa kiểm soát và làm vinh danh Thiên Chúa qua thể thao hay không. Nếu thời gian có thể quay lại, cô muốn được trò chuyện với Mẹ Têrêsa, một người rất đặc biệt với cô. (CAN 17/8/2016)

Hồng Thủy

Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 24 cử hành tại Nazareth

Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 24 cử hành tại Nazareth

Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 24 cử hành tại Nazareth

NAZARETH. Chiều ngày, 11-2-2016, Đức TGM Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, đã chủ sự thánh lễ trọng thể trong tư cách là Đặc Sứ của ĐTC, tại Vương cung thánh đường truyền tin ở Nazareth. nhân ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 24.

Đồng tế với Đức TGM có Đức Thượng Phụ Fouad Twal, các GM và linh mục ở Thánh Địa, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, đại diện các Giáo Hội Kitô khác, chính quyền dân sự, và đặc biệt là nhiều anh chị em bệnh nhân.

Trong bài giảng, Đức TGM Zimowski đã quảng diễn chủ đề của Ngày Thế Giới các bệnh nhân năm nay, theo Sứ điệp của ĐTC, đó là: ”Tín thác nơi Chúa Giêsu từ bi như Mẹ Maria. ”Bất cứ điều gì Ngài bảo các anh, các anh hãy làm” (Gv 2,5).

Đức TGM Zimowski nói: Với chủ đề này, ĐTC mời gọi các tín hữu trong Ngày Thế giới các bệnh nhân này, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn sẵn sàng phục vụ những người túng thiếu, cụ thể là các anh chị em bệnh nhân. Cả chúng ta, những người lành mạnh hay yếu đau, chúng ta cũng có thể dâng những lao nhọc và đau khổ như nước đổ đầy các chum trong tiệc cưới Canada, để được biến thành rượu ngon. Với sự trợ giúp kín đáo cho người đau khổ, như người bệnh tật, chúng ta mang trên vai mình thập giá hằng ngày và bước theo Thầy (Xc Lc 9,23), cho dù sự gặp gỡ với đau khổ sẽ luôn luôn là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của khổ đau” (Sứ điệp ĐTC, 15-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015

 Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015

Thứ ba 7-7-2015 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC tại Ecuador. Ban sáng ngài đến ”Công viên 200 năm”, rộng 125 hécta, ở thủ đô Quito, cách tòa Sứ Thần 11 cây số để gặp gỡ 40 GM thuộc HĐGM Ecuador, trước khi cử hành thánh lễ cho khoảng 1 triệu rưỡi tín hữu vào lúc 10 giờ rưỡi cũng tại Công viên này, với chủ đề là việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

 Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ĐTC đã gặp gỡ giới học đường và đại học tại Đại học Công Giáo Ecuador. Sau đó lúc 6 giờ, ngài gặp xã hội dân sự ở nhà thờ thánh Phanxicô là thánh đường cổ kính nhất của Mỹ châu la tinh, thuộc khu trung tâm lịch sử của thành Quito. Sau cùng ĐTC viếng thăm thánh đường của dòng Tên, ”Iglesia de la Compania”. Nhà thờ này được xây từ năm 1606 và có bức ảnh baroc nổi tiếng năm ngoái có 150 ngàn người đến viếng.

 Ký giả Mario Galgano, thuộc ban tiếng Đức, đài Vatican, đã phỏng vấn Cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và cũng là Tổng giám đốc Đài Vatican:

 H. Tình trạng sức khỏe của ĐTC thế nào, thưa cha?

 Lombardi: ĐTC vẫn khỏe mạnh, không phải chỉ vì tôi phải nói như vậy, nhưng đó là sự thực và vì nếu ai thấy những gì ngài làm thì không thể không cảm thấy ngưỡng mộ vì nghị lực khác thường của ngài, đặc biệt khi nhìn ngài ở gần kề, mặc dù bao nhiêu công việc trong ngày, thấy ngài luôn thanh thản, an bình, tự chủ, quan tâm đến những người ở chung quanh, chú ý đến cả những chi tiết nhỏ.. quả thực ĐTC tỏ ra có một khả năng sống những giai đoạn đặc biệt với nhiều công tác như thế, với một khả năng hoàn toàn đương đầu với mọi khía cạnh của vấn đề.

 H. Chương trình hoạt động trong ngày 7-7-2015 của ĐTC rất khẩn trương: cử hành thánh lễ tại Công viên 200 năm ở thủ đô Quito, gặp gỡ các sinh viên, nghĩa là giới đại học, rồi giới xã hội của Ecuador.. Đâu là những điểm mạnh trong ngày thứ ba 7-7 của ĐTC?

 Lombardi: Ngày 7-7 này có lợi điểm là diễn ra hoàn toàn trong cùng một thành phố, vì thế không phải di chuyển xa như trong ngày 6-7 bằng máy bay, đi tới phi trường và trở về … Mọi hoạt động trong ngày thứ ba này đều diễn ra tại thủ đô, vì thế ĐTC có thể thi hành một chương trình với một loạt những sinh hoạt quan trọng, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với các GM, tuy là cuộc gặp gỡ riêng nhưng có một tầm quan trọng trong một cuộc viếng thăm mục vụ trong Giáo Hội, rồi đến thánh lễ đặc biệt tại Công viên kỷ niệm 200 năm độc lập, thánh lễ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không những với nội dung phong phú, nhưng cả về việc chuẩn bị tinh thần.

 Ban chiều ngày 7-7, ĐTC đã có hai biến cố quan trọng: trước tiên là gặp giới giáo dục. Giáo hội Ecuador rất muốn có cuộc gặp gỡ này với ĐTC để ngài khích lệ nỗ lực giáo dục qui mô của Giáo hội, nhưng được hội nhập vào trong một thực tại rộng lớn và phức tạp hơn. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để ĐTC đề cập đến một loạt các vấn đề lớn, không những liên quan tới giáo dục, nhưng cả những giá trị lớn đang được thông truyền qua giáo dục, những vấn nạn lớn của thế giới ngày nay. ĐGH đặc biệt nhắc đến những vấn nạn mà ngài bàn tới trong thông điệp mới đây ”Laudato sì”. Những câu hỏi ấy giúp xếp đặt việc giáo dục, nhắm giúp người trẻ chuẩn bị trả lời cho các vấn nạn ấy của nhân loại ngày nay, với trách nhiệm của họ và với sự chẩn bị thích hợp.

 H. Về giới văn hóa, dân sự xã hội, trong cuộc gặp gỡ ĐTC đã có một bài diễn văn rất sâu xa, đề cập đến nhiều đề tài. Có gì gây ấn tượng mạnh nhất không?

 Lombardi. Chắc chắn đó là một bài diễn văn người ta chờ đợi rất nhiều, vì tình trạng hiện nay của xã hội Ecuador, cũng như nhiều xã hội khác, đang ở trong tình cảnh khó khăn, với những căng thẳng. Chắc chắn có một sự tiến bộ rất tích cực ở Ecuador, trong nhiều năm, nhưng cũng có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Vậy ĐGH có thể góp phần thế nào cho nhân dân Ecuador trong tình trạng như thế? Đó là một câu hỏi lớn. Và ĐTC, trong tất cả các bài diễn văn của cuộc viếng thăm ở Ecuador, một cách này hay cách khác, đều chuyển đạt một sứ điệp đối thoại, liên đới, hướng dẫn việc xây dựng một xã hội hài hòa, bao gồm mọi người, có thả năng hội nhập tất cả các thành phần khác nhau của xã hội, hội nhập tinh thần sáng tạo của các thành phần ấy cũng như trách nhiệm của họ, cùng quan tâm đến công ích của đất nước. Và phương pháp mà ĐTC chọn trong bài diễn văn của ngài là đi từ kinh nghiệm cụ thể của gia đình, các giá trị gia đình, và nới rộng các giá trị ấy, từ việc xây dựng gia đình đến xã hội. Vì thế ĐTC đã chỉ một con đường rất cụ thể để trình bày diễn văn của ngài, tập trung vào những thái độ mà mỗi người phải có để góp phần tích cực vào tương lai đất nước của mình (SD 8-7-2015)

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý