Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu cầu nguyện chung vào ngày 25/3. Phép lành Urbi et Orbi vào ngày 27/3

Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu cầu nguyện chung vào ngày 25/3. Phép lành Urbi et Orbi vào ngày 27/3

Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công bố như sau

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.

Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá

Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta

Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.

Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Quảng trường và đền thờ thánh Phêrô sẽ đóng từ ngày 10/03

Ngày 10/03, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo:

“Phối hợp với các biện pháp do chính quyền Ý đưa ra, một số biện pháp khác đã được đưa ra ngày hôm nay để tránh sự lây lan của virus corona.

Kể từ hôm nay, Quảng trường và đền thờ thánh Phêrô sẽ đóng cửa đối với các cuộc thăm viếng có hướng dẫn cũng như đối với khách du lịch. Hiệu thuốc và siêu thị thức ăn và đồ dùng của Vatican vẫn mở, nhưng giới hạn số người vào.

Cũng từ hôm nay, để ngăn ngừa, bưu điện di động tại quảng trường thánh Phêrô, hai tiệm sách của Nhà xuất bản Vatican, Dịch vụ Ảnh của báo Osservatore Romano – Quan sát viên Roma, vẫn sẽ có thể truy cập trực tuyến, và cửa hàng quần áo của Vatican sẽ đóng cửa.

Quán ăn dành cho nhân viên Vatican sẽ đóng cửa từ ngày mai, 11/03, nhưng sẽ có một dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu của các văn phòng khác nhau của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

Các biện pháp này sẽ vẫn có hiệu lực, trừ khi có quy định khác, cho đến ngày 03/04/2020.”

Trước đó, để tránh việc nhiều tín hữu xếp hàng kiểm tra an ninh để vào quảng trường đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha vào trưa Chúa Nhật và dự buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha vào sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha đã quyết định không xuất hiện ở cửa sổ Dinh Tông Tòa cũng như trong quảng trường trong hai dịp này. Thay vào đó, ngài sẽ đọc Kinh Truyền Tin và dạy giáo lý từ Thư viện Dinh Tông Tòa, và hai sự kiện này được livestream, chiếu trực tiếp cho các tín hữu hiệp thông.

Cho đến nay, mới chỉ có một trường hợp dương tính với virus corona được phát hiện trong lãnh thổ thành Vatican, liên quan đến một linh mục đến khám bệnh tại phòng khám Vatican. (REI 10/03/2020)

Hồng Thủy – Vatican

Các bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà nguyện S.Marta năm 2018

Các bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà nguyện S.Marta năm 2018

Trong năm vừa qua, Đức Thánh Cha công bố 90 bài giảng trong các thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Những bài giảng của ngài xoay quanh việc sống đức tin KTG đích thực, tập trung vào cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu và tình yêu cụ thể đối với tha nhân.

Những bài giảng ngắn gọn và sống động này tập trung vào bài giảng đầu tiên, “keryma”: “Chúa Giêsu Kitô yêu thương các bạn, Người hiến đời mình để cứu rỗi bạn, và giờ đây Người đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, để thêm sức và để giải thoát bạn.” (Evangelii gaudium, 164).

Bằng những từ ngữ sống động và nhiều màu sắc, Đức Thánh Cha dùng những lời đánh động con tim. Những bài giảng của ngài thường có ba yếu tố: ý tưởng, cảm xúc, hình ảnh. Nhiều lần ngài cũng dùng cách nói châm biếm để thúc giục dân Chúa sống trưởng thành trong đời sống Kitô hữu của mình. Dù đôi khi những lời này có vẻ gay gắt, nhưng nội dung luôn tích cực và hướng tới niềm hy vọng. Những lời chối tai mà Chúa Giêsu thường dùng để thức tỉnh những người nghĩ mình công chính và tự khép mình lại với lòng yêu mình, với ơn cứu độ.

Cuộc phán xét chung cuộc về tình yêu

Trong năm vừa qua, Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc tới hoàn cảnh hiện tại của thế giới và của Giáo Hội, nhưng thông điệp được lặp lại nhiều nhất là cánh chung, hy vọng gặp gỡ Chúa Giêsu và cuộc phán xét chung cuộc, mà Đức Thánh Cha gọi là kiểu mẫu trong Tin Mừng Matthêu chương 25: “Khi ta đói, các ngươi đã cho ăn, khi ta khát, các ngươi đã cho uống, khi là khách lạ, các người đã đón tiếp, khi trần truồng, các người đã cho mặc, khi đau ốm, các ngươi đã viếng thăm, khi bị cầm tù, các ngươi đã thăm nom.” Trong buổi chiều tà của cuộc đời này, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu cụ thể mà chúng ta đã làm khi còn sống nơi trần thế. Hôm nay, chúng ta đã biết những đòi hỏi của cuộc phán xét chung cục này rồi đó.

Các Kitô hữu là những người đền trả cho người khác, như Chúa Giêsu

Ví dụ như bài giảng ngày 8 tháng 10, Đức Thánh Cha nói về dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Ngài nói: Đoạn văn này chứa đựng toàn bộ Tin Mừng. Một tiến sĩ luật hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”. Đó là một câu hỏi vừa để thử thách vừa để biện minh. Chúa Giêsu nói về một người bị bọn cướp sát hại, cùng hai nhân vật khác: một tư tế và một người Lê-vi. Hai người này được kính trọng vì là người thi hành việc thờ phượng, và hiểu biết luật. Họ gặp anh ta trên đường và tránh sang một bên. Họ là những “viên chức hành chức” của đức tin. Họ có thể nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho người này, nhưng anh ta không liên quan đến tôi. Thay vào đó, nếu tôi đến gần anh ta và đụng đến máu, thì tôi bị nhơ nhớp.”

Lại có một người Samari, một người tội lỗi, một kẻ đã bị cắt phép thông công. Ông đã dừng lại và ông chăm sóc anh. Ông là kẻ tội lỗi nhất, nhưng ông lại tỏ lòng cảm thương với người bị hại. Ông bỏ sang một bên kế hoạch của mình, sẵn sàng để tay mình bị bẩn và quần áo bị dính máu. Ông băng bó các vết thương của người bị hại, xức dầu và rượu, đưa anh ta đến nhà trọ và trả tiền cho người chủ nhà trọ ấy. Ông còn nói: “Xin chăm sóc anh ta, nếu ông phải chi trả nhiều hơn, tôi sẽ trả cho ông khi tôi trở lại”. Đoạn này tóm gọn tất cả Tin Mừng: người Kitô hữu mở ra với sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, biết thay đổi dự định kế hoạch của mình và đền trả cho người khác như Chúa Giêsu.

Kẻ tội lỗi và thối nát

Chúa Giêsu đã dùng những lời rất mạnh mẽ chống lại thói giả hình của những người Pharisieu, những nhà thông luật và nhóm Xa-đốc. Những người này tự cho mình tốt nhất, hoàn hảo hơn người khác, và là những người biết rõ về luật. Họ phán xét người khác, đặt gánh nặng lên vai người khác, còn mình thì không muốn động tay vào. Theo cách đó, Đức Thánh Cha thường quở trách những người nghĩ họ sống nghiêm chỉnh nhưng lại không quan tâm đến người khác. Và những người ấy sống cuộc đời hai mặt, nhất là những người mục tử. Đức Thánh Cha cũng định nghĩa những người hư hỏng là những người tự nghĩ rằng mình công chính và không cần phải hoán cải liên tục. Ngược lại, Kitô hữu biết rằng mình là tội nhân, cần hoán cải và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa; Và vì thế, người ấy thương xót tha nhân.

Tin Mừng không dễ chịu chút nào

Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng: “không phải ai nói với tôi “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha mà thôi”. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở nên những Kitô hữu trong việc làm chứ không phải trong lời nói mà thôi. Kitô hữu với những cử chỉ cụ thể, chứ không phải là Kitô hữu với với những lớp trang điểm. Đúng thế, người nghèo làm phiền chúng ta: họ chạm đến cái ví của ta, người đau ốm có thể lây bệnh cho ta, người ngoại kiều đòi buộc ta mở trí và mở lòng với những người khác biệt với mình, tù nhân kéo chúng ta vào thực tại mà ta không muốn đụng tới. Tin Mừng đã bị loại ra bởi sự ích kỷ và những kế hoạch mang tính lý thuyết của chúng ta. Và ta để mình thoải mái trong vùng an toàn của mình. Tin Mừng đích thực đặt chúng ta vào trong cuộc khủng hoảng, không thoải mái, và chuyển chúng ta từ “tôi” đến “bạn”.

Hãy cẩn thận với ma quỷ

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta vượt qua luận lý của thế gian để đến với luận lý của Thiên Chúa, vì ta rất dễ rơi vào việc sống chủ nghĩa KTG thờ ơ và trần thế mà không hề để ý tới điều đó. Ngài khuyến khích chúng ta can đảm sống cầu nguyện liên lỉ, dám thưa cùng Thiên Chúa với lòng tin tưởng, chiêm ngắm Chúa Kitô trên thập giá trong những giây phút khó khăn của mình. Ngài kêu mời chúng ta hãy ở lại trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu và với tha nhân để không rơi vào cám dỗ của ma quỷ. Hắn luôn lừa đảo, nói dối để chia rẽ khi dùng những kẻ đạo đức giả. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha thường cảnh báo chống lại Satan, Kẻ Tố Cáo. Công việc của hắn là phá huỷ những công trình của Thiên Chúa.

Hãy yêu Chúa Giêsu

Từ chìa khoá để không rơi vào sai lầm trên hành trình đức tin là “ở lại trong tình yêu” với Thiên Chúa, và đón nhận nơi Người những hứng khởi cho hành động của chúng ta. Chính việc cân bằng giữa “chiêm niệm và hoạt động”, cầu nguyện và lao động của thánh Biển Đức. Chiêm ngắm đích thực không phải là không làm gì nhưng là dừng lại để nhìn ngắm Thiên Chúa để Người chạm đến con tim ta và gợi hứng cho hành động của ta.

Gặp gỡ mỗi ngày và mong chờ vào cuộc diện kiến chung cuộc

Chính Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta sống cuộc đời này với niềm vui, trong niềm hy vọng gặp gỡ Thiên Chúa: “đức cậy thì cụ thể, là điều hằng ngày bởi đó là cuộc gặp gỡ. Và mỗi lần chúng ta gặp Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi kinh nguyện, nơi Tin Mừng, nơi người nghèo, nơi đời sống cộng đoàn, mỗi lần như thế, chúng ta tiến thêm một bước nữa hướng về cuộc diện kiến chung cuộc. Thật là khôn ngoan khi biết vui mừng trong những cuộc gặp gỡ nho nhỏ như thế trong cuộc đời mình.

Trần Đỉnh, SJ

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

Giáo Hội Assira Đông Phương cũng có tên là Giáo Hội Nestorio là Giáo Hội chỉ công nhận 2 công đồng chung đầu tiên và hiện nay có khoảng 323 ngàn tín hữu thuộc 19 giáo phận ở Trung Đông nhiều nước trên thế giới.

Đây là lần thứ 2 ĐTC gặp Đức Thượng Phụ Gewargis III, lần đầu hồi tháng 7 năm nay tại buổi cầu nguyện của các vị Thượng Phụ Đông Phương tại thành phố Bari để cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và Trung Đông.

Cám ơn Chúa vì thành quả đối thoại

Trong lời chào mừng Đức Thượng Phụ Giáo Hội Assira, ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì thành quả của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Giáo hội Assisi. Giai đoạn 2 mới kết thúc với việc ký kết tuyên ngôn chung về ”đời sống bí tích”. ĐTC nói:

”Tôi cầu nguyện để công việc của Ủy ban đối thoại có thể tiếp tục và trong những ngày này đã bắt đầu giai đoạn thứ 3 nghiên cứu đối thoại về Giáo Hội học. Ước gì các hoạt động này giúp chúng ta tiến thêm một bước đường, tiến đến mục tiêu rất đáng mong ước là chúng ta có thể cử hành Hy Tế của Chúa trên cùng một bàn thờ”.

ĐTC không quên bày tỏ tình liên đới với những đau khổ mà bao nhiêu tín hữu Giáo hội Assira Đông Phương đã phải chịu tại các nước ở Trung Đông, nạn nhân của bạo lực khiến họ nhiều khi phải rời bỏ vĩnh viễn quê hương của họ.

Cầu nguyện chung

Sau cuộc hội kiến riêng, ĐTC và Đức Thượng Phụ cùng với đoàn tùy tùng, cũng như với các thành viên Ủy ban đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội, đã cầu nguyện chung tại Nguyện đường Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) tại Dinh Tông Tòa, rồi hai vị đã ký vào một tuyên ngôn chung.

Tuyên ngôn chung

Trong văn kiện này, hai vị Giáo Chủ dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hai Giáo Hội ngày càng xích lại gần nhau, đặc biệt từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Roma hồi năm 1984 giữa hai Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV, từ đó cuộc đối thoại thần học và đối thoại trong tình thương và sự thật đã mang lại nhiều thành quả. “Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng cuộc đối thoại thần học có thể giúp cho hành trình hiệp nhất trở nên dễ dàng hơn để một ngày kia hai bên có thể cùng cử hành thánh lễ.”

Chia sẻ những đau khổ của anh chị em ở Trung Đông

Nhắc đến những đau khổ mà các anh chị em Kitô hữu phải chịu tại Trung Đông, nhất là tại Irak và Siria, hai vị Giáo Chủ nhận định rằng ”hằng tram ngàn người vô tội, nam nữ, trẻ em đã chịu đau khổ rất sức lớn lao vì những xung đột bạo lực mà không gì có thể biện minh được. Chiến tranh và bách hại gia tăng sự xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi những phần đất mà các cộng đồng tôn giáo đã từng sống sát cánh với nhau.”

”Giữa những đau khổ ấy, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy các anh chị em đi theo con đường thập giá của Chúa Kitô, trong niềm hiệp thông với Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta nhờ thập giá của Ngài.. Đứng trước những tình cảnh ấy, chúng tôi liên kết với các anh chị em bị bách hại, lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói. Cùng nhau chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thoa dịu những đau khổ và giúp họ tìm được những con đường để bắt đầu một cuco sống mới.”

Kêu gọi cộng đồng quốc tế

Sau cùng hai vị Giáo Chủ kêu gọi cộng đồng quốc tế thi hành một giải pháp chính trị nhìn nhận các quyền lợi và nghĩa vụ của các mỗi người. ”Quyền tối thượng của luật pháp, trong đó có sự tôn trọng tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc quyền công dân, bất luận họ thuộc chủng tộc hoặc tôn giáo nào, chính là một nguên tắc cơ bản để thiết lập và bảo tồn sự sống chung bền vững và phúc lợi giữa các dân tộc và các cộng đồng ở Trung Đông” (Rei 9-11-2018).

Giuse Trần Đức Anh, OP

Hội nghị giữa Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo Kitô

Hội nghị giữa Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo Kitô

BARI. ĐTC và 19 thủ lãnh của các Giáo Hội Kitô đã trao đổi với nhau tại Đền Thánh Nicola ở Bari đề các vấn đề của Trung Đông.

Trong Vương cung thánh đường, ở gian giữa, các băng ghế dài được khiêng đi để đặt một bàn tròn lớn ở giữa, chung quanh là 20 chiếc ghế hoàn toàn giống nhau, dành cho ĐTC và 19 vị thủ lãnh các Giáo Hội khác, trước mỗi vị có một micro, và đàng sau mỗi ghế có một ghế dành cho các vị phụ tá của trưởng phái đoàn. Ngoài ĐTC, các vị Thượng Phụ của Chính Thống, Chính Thống Đông Phương, còn có đại diện của Giáo Hội Tin Lành Luther ở Thánh Địa, và một nữ mục sư thuộc Hội đồng các Giáo Hội Kitô Trung Đông. Ngồi cạnh ĐTC là Đức TGM Pierbattista Pizzaballa, dòng Phanxicô, Giám quản Tông Tòa Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem. Đức TGM có nhiệm vụ trình bày một bài giáo đầu, mở ra cuộc đối thoại.

Cuộc đối thoại và thảo luận hoàn toàn dành riêng, nên mọi người khác phải ra ngoài, ngoại trừ các vị phụ giúp các Thượng Phụ, các thông dịch viên bằng 5 thứ tiếng được sử dụng là Ý, Arập, Hy Lạp, Anh và Pháp. Ngoài ra cho các nhân viên thu hình mạch kín để các thông dịch viên có thể theo dõi và thi hành công việc. Sau cùng ở trong một góc thánh đường có 4 ghế dành cho ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Angelo Becciu nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh, ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông phương, va sau cùng là ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Kết thúc cuộc gặp gỡ và trao đổi vào lúc quá 1 giờ trưa, ĐTC và tất cả các vị ra ngoài nhà thờ, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu.

Lời đúc kết của ĐTC

Đứng tại thềm Nhà thờ thánh Nicola, ĐTC nói với mọi người rằng:

”Sự hiện diện của các tín hữu Kitô ở Trung Đông sẽ có tính chất ngôn sứ hơn nếu sự hiện diện ấy làm chứng nhiều hơn về Chúa Kitô vị Vua Hòa bình (Xc IS 9,5). Chúa đã không cầm gương, nhưng yêu cầu các môn đệ hãy xỏ gươm vào bỏ. Cả cuộc sống Giáo Hội chúng ta cũng bị cám dỗ theo những tiêu chuẩn của thế giới, tiêu chuẩn quyền bính và lợi lộc, lèo lái và đồng lõa. Có tội của chúng ta, không sống theo đức tin, làm lu mờ chứng tá. Chúng ta cảm thấy cần phải tái trở về với Tin Mừng, là bảo đảm cho tự do chân chính, và cần cấp thiết thi hành ấy ngay bây giờ, trong đêm đen của Trung Đông đang hấp hối. Như trong đêm lo âu tại Vườn Giệtsimani, không phải sự bỏ chạy hoặc gươm giáo báo trước bình minh rạng ngời của Phục Sinh, nhưng chính sự hiến thân theo gương Chúa.

Tin Mừng của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và sống lại vì tình thương, xuất phát từ Trung Đông, đã chinh phục tâm hồn con người qua các thế kỷ, vì Tin Mừng ấy không gắn bó với quyền lực của trần thế này, nhưng gắn bó với sức mạnh yếu đuối của thập giá. Tin Mừng thúc đảy chúng ta hằng ngày trở về với các kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ tìm thấy nơi Chúa an ninh và an ủi, loan báo Chúa cho tất cả mọi người, bất chấp những khó khăn. Đức tin của những người đơn sơ, chiếu tỏa ở Trung Đông, là nguồn mạch từ đó chúng ta cần kín múc để giải khát và thanh tẩy như đã xảy ra khi chúng ta trở về nguồn cội, hành hương đến Jerusalem, tại Thánh Địa hoặc các đền thánh ở Ai Cập, Giordani, Liban, Siria, Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác trong vùng.

Khích lệ lẫn nhau, chúng tôi đã đối thoại trong tình huynh đệ. Đó là một dấu chỉ sự gặp gỡ và hiệp nhất cần luôn tìm kiếm, không sợ sự khác biệt. Hòa bình cũng vậy, cần phải vun trồng cả nơi những thửa đất khô cằn của những đối nghịch, vì ngày nay, không có con đường khác để tiến tới hòa bình. Không phải những cuộc đình chiến được bảo đảm bằng các bức tường và thử sức mạnh mang lại hòa bình, nhưng là ý chí thực sự lắng nghe và đối thoại. Chung tôi đã quyết tâm tiến bước, cầu nguyện và làm việc, chúng tôi cầu mong cho nghệ thuật gặp gỡ trổi vượt trên những chiến lược đụng độ, cầu mong những biểu dương dấu hiệu quyền lực đe dọa nhường chỗ cho sức mạnh của những dấu chỉ hy vọng: những người thiện chí và tín ngưỡng khác nhau không sợ nói chuyện với nhau, đón nhận những lý lẽ của người khác và chăm sóc nhau. Chỉ như thế, khi lo liệu để không ai bị thiếu cơm bánh và việc làm, phẩm gia và hy vọng, những tiếng la ó của chiến tranh mới biến thành bài ca hòa bình.

Kêu gọi chấm dứt chiến tranh

ĐTC nói tiếp:

”Để thực hiện điều đó, điều thiết yếu là những ngừơi nắm giữ quyền bính quyết liệt phục vụ hòa bình và không cho lo tư lợi của mình. Cần chấm dứt sự thủ lợi của thiểu số trên lưng nhiều người khác. Cần chấm dứt những vụ chiếm đất xâu xé các dân tộc, chấm dứt tình trạng sự thật phe phái trổi hơn những hy vọng của dân. Chấm dứt việc lợi dụng Trung Đông để phục vụ cho những lợi lộc xa lạ với Trung Đông.

 Chiến tranh là tai ương bi thảm đang tấn kích Trung Đông yêu quí. Chính dân nghèo là những nạn nhân trước tiên. Chúng ta hãy nghĩ đến Siria bị tàn phá đau thương. Chiến tranh là con đẻ của quyền lực và nghèo đói. Chúng ta chiến thắng chiến tranh bằng cách từ bỏ những chủ trương thống trị và loại trừ nghèo đói. Bao nhiêu xung đột đã được hun đúc từ những hình thức cực đoan và cuồng tín, dưới những danh nghĩa tôn giáo, nhưng trong thực tế chúng xúc phạm đến danh Thiên Chúa là Hòa bình, và bách hại những người anh em từ lâu vẫn sống cạnh mình. Những bạo lực từ xưa vẫn được nuôi dưỡng bằng võ khí. Không thể lên tiếng nói về hòa bình trong khi lại âm thầm theo đuổi cuộc chạy đua rõ trang ồ ạt. Đây là một trách nhiệm rất nặng đè trên lương tâm của các dân nước, đặc biệt là những cường quốc. Ta đừng quên thế kỷ vừa qua, đừng quên các bài học Hiroshima và Nagasaki. Đừng biến các lãnh thổ Trung Đông nơi Ngôi Lời hòa bình đã sinh ra, thành những miền đen tối thinh lặng. Cần chấm dứt sự ngoan cố đối nghịch nhau, chấm dứt sự khao khát lợi lộc, chẳng nhìn mặt ai, miễn là chiếm được những mỏ dầu khí, không để ý gì đến căn nhà chung và không chút lo lắng dự về sự kiện thị trường năng lượng điều khiển khi luật sống chung giữa các dân tộc.

Bảo vệ gia sản tinh thần của Trung Đông

ĐTC cũng nói rằng ”để mở ra những con đường hòa bình, cần hướng nhìn về người đang kêu cầu sự sống chung huynh đệ với người khác. Cần bảo vệ mọi sự hiện diện không những của các nhóm dân đa số mà thôi. Cần mở toang tại Trung Đông còn đường dẫn tới quyền công dân chung, con đường dẫn tới một tương lai được đổi mới. Cả các tín hữu Kitô cũng là những công dân với trọn danh nghĩa, bình quyền với những người khác.

”Chúng ta rất lo lắng nhưng không thiếu hy vọng hướng nhìn về Jerusalem thành phố của mọi dân tộc, thành duy nhất, thánh thiêng đối với các tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo toàn thế giới, cần phải bảo tồn căn tính và ơn gọi của thành này, vượt lên trên những tranh biện và căng thẳng. Cần phải tôn trọng qui chế hiện nay của Jerusalem theo những gì đã được cộng đồng quốc tế quyết định và nhiều lần được các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa yêu cầu. Chỉ có một giải pháp thương thuyết giữa người Israel và Palestine, được cộng đồng các dân nước mong muốn và cổ võ, mới có thể đưa tới một nền hòa bình ổn định và lâu bền, bảo đảm sự chống chung của hai quốc gia cho hai dân tộc.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến thảm trạng các trẻ em tại Trung Đông, bị thiệt mạng trong các cuộc bao vây, hoặc trên tị nạn. Bao nhiêu trẻ em phải sống giữa những nơi đổ vỡ, giữa bom đạn, thay vì tại trường học. Ước gì nhân loại lắng nghe tiếng kêu của các trẻ em. Chính khi lau nước mắt các em mà thế giới tìm lại phẩm giá của mình.

Kết thúc bài kết luận của ĐTC, một số em bé đã thả các chim câu như dấu chỉ hòa bình.

Tiếp đến, ngài và các vị Thượng Phụ về tòa TGM Bari và dùng bữa trưa, kết thúc Ngày suy tư và cầu nguyện hòa bình Trung Đông.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha được tặng mũ chứ không bị ném mũ!

Đức Thánh Cha được tặng mũ chứ không bị ném mũ!

Hôm qua, nhiều báo đưa tin rằng khi đi qua đám đông dân chúng dọc các con đường của thủ đô Santiago de Cile, Đức Thánh Cha Phanxicô bị một kẻ quá khích “ném vào mặt”. Người ta cũng xác định đó là một chiếc mũ kaki màu kem, giống như loại mũ người Việt hay gọi “mũ tai bèo”.

Các báo chí xem đây là một hành động chống Đức Thánh Cha, trong bối cảnh những chống đối Giáo hội và chống chính cá nhân ngài. Trước và trong cuộc viếng thăm của ngài, đã có các vụ đốt các nhà thờ, các cuộc biểu tình.

Nhưng chiếc mũ ném trúng vào mặt Đức Thánh Cha là chiếc mũ trên đó có ghi dòng chữ tiếng Tây ban nha “Rece por la familia chilena” – Xin cầu nguyện cho gia đình Chilê.

Khi Đức Thánh Cha xuất hiện giữa công chúng, ví dụ như trong các buổi triều yết chung tại Vatican, các tín hữu thường “gửi tặng” ngài các món đồ bằng cách “ném” chúng về hướng ngài khi xe của ngài đi ngang qua. (Rei 17/01/2018)

Hồng Thủy

Các tín hữu Đông Nam Á dự lễ Đức Giáo hoàng ở Myanmar

Các tín hữu Đông Nam Á dự lễ Đức Giáo hoàng ở Myanmar

Yangon – “Chúng tôi vui mừng được ở gần Đức Giáo hoàng Phanxicô khi ngài viếng thăm Myanmar và chúng tôi cầu nguyện nhiều để chuyến tông du của ngài có thể tạo nên một thời khắc đặc biệt và bắt đầu cho một kỷ nguyên lâu dài của hòa bình và hòa giải cho Myanmar.” Đó là những lời của đức cha Olivier Schmitthaeusler, đại diện tông tòa tại thủ đô Nông pênh của Campuchia.

Đức cha Schmitthaeusler cho biết là Giáo hội Campuchia đã tổ chức một cuộc hành hương 4 ngày ở Yangon để gặp Đức Giáo hoàng, với 126 tín hữu tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha. Bên cạnh phái đoàn đến từ Campuchia, cũng có các đoàn từ Philippines, Việt nam và Thái lan.

Cha Mariano Soe Naing, phụ trách truyền thông của Hội đồng Giám mục Myanmar cho biết là cũng có các tín đồ Phật giáo và Hồi giáo đến Yangon để được gặp Đức Giáo hoàng. Phần lớn những người hiện diện là tín hữu người Myanmar thuộc các sắc tộc khác nhau.

Nhóm Công giáo tiến hành Myanmar tổ chức tiếp đón tất cả những người đến thủ đô để tham dự Thánh lễ với Đức Giáo hoàng.

Công giáo Myanmar được các thừa sai Hội PIME thành lập từ những năm 1960. Một trong những hoạt động chính của tổ chức Công giáo tiến hành Myanmar là thăng tiến con người: những thành viên trẻ nhất của tổ chức đi đến các lành xa xôi để hoạt động về giáo dục và y tế, chăm sóc cho những người nghèo khổ nhất. Những người trẻ này là những nhà truyền giáo “nhỏ”, đặc tính của Giáo hội Công giáo ở Myanmar. Họ dành thời gian cho các trẻ em, với cung cách yêu thương của một người bạn. Nếu được yêu cầu, họ sẽ làm chứng cho đức tin, kể lại họ là ai và cách thế họ gặp Chúa Giêsu và thay đổi cuộc đời của họ.

Lei Lei Win, người phụ trách điều phối liên giáo phận của tổ chức Công giáo tiến hành Myanmar nói: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha mang lại cho chúng tôi niềm vui. Đó là một dấu chỉ của sự gần gũi vô cùng quan trọng đối với cộng đoàn bé nhỏ như cộng đoàn Công giáo Myanmar chúng tôi. Hơn thế nữa, sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, sự dấn thân để làm chứng cho hòa bình và chung sống hòa hợp với các tôn giáo và sắc tộc khác trong quê hương tuyệt vời của chúng tôi được củng cố. (Fides 29/11/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha nhắc kỷ niệm 100 Đức Mẹ Fatima

Đức Thánh Cha nhắc kỷ niệm 100 Đức Mẹ Fatima

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 11-10-2017, ĐTC nhắc đến việc kết thúc kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và mời gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi cầu cho hòa bình.

ĐTC nói:

”Thứ sáu tới đây, 13-10, sẽ kết thúc năm kỷ niệm 100 năm các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima. Với cái nhìn hướng lên Mẹ của Chúa và là Nữ Vương Các Xứ Truyền giáo, tôi mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt trong tháng 10 này, hãy đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ước gì kinh nguyện có thể đánh động các tâm hồn nổi loạn nhất, để những bạo lực có thể bì trục xuất khỏi tâm hồn, lời nói và những cử chỉ của họ, và kiến tạo cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. Không gì là không có thể, nếu chúng ta hướng lên Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả mọi người đều có thể trở thành những người xây dựng hòa bình” (Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 1-1-2017).

”Cùng ngày 13-10 tới đây, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai. Tôi tái tha thiết kêu gọi bảo tồn thiên nhiên qua thái độ ngày càng chú ý bảo vệ và chămsóc môi trường. Vì thế, tôi khích lệ các tổ chức và những người có trách nhiệm công cộng và xã hội ngày càng thăng tiến một nền văn hóa nhắm mục tiêu giảm bớt những nguy cơ và rủi ro thiên tai. Những hành động cụ thể, nhắm nghiên cứu và bảo vệ căn nhà chung, có thể giảm bớt dần dần những nguy hiểm đối với những người dân dễ bị tổn thương nhất.”

G. Trần Đức Anh OP

Duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót

Duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót

VATICAN. ĐTC kêu gọi đừng để cho lòng nhiệt thành mà Năm Thánh Lòng Thương Xót gợi lên bị tan loãng và quên lãng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29-9-2017 dành cho 60 tham dự viên Đại hội vừa kết thúc của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Chủ tịch Rino Fisichella. Hội đồng này là cơ quan phối hợp việc tổ chức và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót.   Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến thành quả của Năm Thánh như một thời điểm hồng phúc mà toàn Giáo Hội đã trải qua với lòng tin nhiệt thành và tinh thần nồng nhiệt. Ngài nói:

”Chúng ta không thể để cho lòng hăng say ấy bị tan loãng hoặc lãng quên. Dân Chúa đã cảm thấy mạnh mẽ Hồng ân Lòng thương xót và đã sống Năm Thánh qua việc đặc biệt tái khám phá bí tích Hòa Giải, như nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng từ nhân, sự dịu dàng của Thiên Chúa cũng như sự tha thứ vô biên của Chúa. Vì thế, Giáo Hội có trách nhiệm lớn phải không ngừng tiếp tục là dụng cụ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy sự đón nhận Tin Mừng được nhận thức và sống như một biến cố cứu độ và có thể mang lại một ý nghĩa trọn vẹn và chung kết cho đời sống cá nhân và xã hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Việc loan báo lòng thương xót trở nên cụ thể và hữu hình qua lối sống của các tín hữu, sống dưới ánh sáng của nhiều công việc từ bi bác ái; việc loan báo ấy là điều nòng cốt thuộc về sự dấn thân của mỗi người loan báo Tin Mừng: họ đích thân khám phá ơn gọi làm tông đồ do lòng thương xót đã dành cho họ”. (Rei 29-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện bảo tồn môi sinh

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện bảo tồn môi sinh

VATICAN. ĐTC và Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople kêu gọi các tín hữu thay đổi quan niệm về thế giới và lối sống để dấn thân bảo tồn thiên nhiên.

Hai vị Giáo Chủ đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chung nhân ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên, lần thứ 3 cử hành hôm qua, 1-9.

Sau khi nhắc đến việc Thiên Chúa mời gọi nhân loại cộng tác với Chúa trong việc gìn giữ và bảo tồn môi trường thiên nhiên (Xc St 2,5), ĐTC và Đức Thượng Phụ Bartolomaios tố giác xu hướng của con người ngày nay phá vỡ hệ thống môi sinh tế nhị và quân bình của thế giới, ước muốn vô độ lèo lái và kiểm soát tài nguyên có giới hạn của trái đất, lòng ham hố thủ lợi vô hạn từ thị trường: tất cả những điều đó đã làm cho chúng ta xa lạ với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi sáng tạo thế giới. Sứ điệp có đoạn viết:

”Chúng ta không còn tôn trọng thiên nhiên như hồng ân được ban cho mọi người; trái lại chúng ta coi nó như một sở hữu riêng. Chúng ta không còn tương quan với thiên nhiên để nâng đỡ nó; trái lại chúng ta thống trị trên thiên nhiên để nuôi dưỡng các cơ cấu của chúng ta”.

”Hậu quả của những thái độ trên đây thực là bi thảm và kéo dài. Môi trường con người và thiên nhiên đang cùng nhau suy thoái, và sự suy thoái của trái đất đè nặng trên những người dễ bị tổn thương nhất. Ảnh hưởng của những thay đổi khí hậu tác động nhiều nhất trên những người sống nghèo nàn ở mọi góc trời”.

Trước tình trạng trên đây, ĐTC và Đức Thượng Phụ Bartolomaios mời gọi mọi người trong ngày 1-9 này dành thời gian để cầu nguyện cho môi trường, cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân thiên nhiên tuyệt vời và dấn thân bảo tồn nó để mưu ích cho các thế hệ tương lai.. Một mục tiêu của ngày cầu nguyện này là thay đổi quan niệm và tương quan của chúng ta về thế giới.. can đảm chấp nhận một lối sống đơn sơ và có tinh thần liên đới nhiều hơn”.

Hai vị Giáo Chủ tha thiết kêu gọi những người đang giữ vị trí quan trọng trong lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa hãy lắng nghe tiếng kêu của trái đất và chú ý đến nhu cầu của những người bị gạt ra ngoài lề, và nhất là đáp lại tiếng khẩn xin của bao nhiêu người, hỗ trợ sự đồng thuận chung, để chữa lành thiên nhiên bị tổn thương.

Hai vị nói: ”Chúng tôi xác tín rằng không thể có giải pháp chân thực và lâu bền cho thách đố khủng hoảng môi trường và những thay đổi khí hậu nếu không có một câu trả lời có phối hợp và tập thể, nếu không có một trách nhiệm chung và có thể ý thức về những điều đã làm, và nếu không dành ưu tiên cho tình liên đới và phục vụ” (Rei 1-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7

Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Châu Âu vì hòa bình lần thứ VII đang được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha, nơi đã xẩy ra thảm kịch khủng bố làm cho hơn 100 người chết và bị thương.

Cuộc gặp gỡ này là sinh hoạt được cộng đồng thánh Egidio tổ chức. Các lần gặp gỡ trước được tổ chức lần lượt tại Assisi, Krakow, Roma, Berlin, Anversa và Paris.

Cuộc gặp gỡ lần VII có chủ để là “Thêm người trẻ, thêm hòa bình”, được kéo dài 3 ngày, bắt đầu chiều thứ sáu, 25/08 và kết thúc vào Chúa Nhật 27/08. Chương trình gồm có các buổi hội họp, suy tư, trao đổi, thăm viếng và kết ban. Phần lớn người tham dự là các học sinh và sinh viên đại học thuộc châu Âu, nhưng cũng có đại diện của phong trào tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.

Những người trẻ tin rằng tin rằng sự liên đời là nền tảng để xây dựng hòa bình. Những người trẻ này, trong suốt năm, mỗi ngày dấn thân vào trong những tình cảnh bên lề xã hội để giúp các trẻ em trong những khu phố nghèo khổ, thăm viếng người cao tuổi, giúp đỡ người vô gia cư và đón tiếp người tị nạn. Cuộc gặp gỡ là nơi diễn tả quan niệm này về hòa bình và gửi đến tất cả lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình.

Chiều 25/08, vào lúc 18 giờ, tại Rambla, sau cuộc đi bộ, các tham dự viên đã đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ở Barcelona và Cambrils và đọc tuyên ngôn hòa bình. Ngày thứ Bảy, 26/08, các bạn trẻ tham gia vào cuộc tuần hành của Barcelona, chống lại khủng bố và cổ võ sống chung hòa bình.

Nói có với hòa bình và liên đới, nói không với khủng bố và chia rẽ đang đe dọa sự sống chung và tương lai của thế giới, là lời kêu gọi mạnh mẽ của những người trẻ tại Barcelona trong những ngày này. (RV 25/08/2017)

Hồng Thủy

Đức Thượng phụ Rai sẽ thánh hiến Libăng và Trung đông cho Trái tim Mẹ Maria

Đức Thượng phụ Rai sẽ thánh hiến Lebanon và Trung đông cho Trái tim Mẹ Maria

Beirut – Đức Thượng phụ Công giáo Maronite Bechara Boutros Rai sẽ đến đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ đào nha, để thánh hiến Libăng và toàn vùng Trung đông cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Maria.

Nguồn tin của tòa thượng phụ cho biết, việc thánh hiến sẽ được cử hành trong Thánh lễ do vị đứng đầu Giáo hội Maronite chủ tế vào ngày 25/06.

Cử hành phụng vụ vào Chúa nhật này sẽ là cao điểm và kết thúc “ngày Libăng ở Fatima”. Ngày này sẽ được bắt đầu từ thứ bảy, 24/06, với việc lần hạt Mân Côi và cuộc rước nến của các tín hữu.

Từ 4 năm qua, vào tháng 6, Đức Thượng phụ Rai đã chủ sự các nghi thức phụng vụ tại đền thánh Đức Mẹ ở Harissa, để thánh hiến Libăng – đất nước của các cây bách hương – và toàn miền Trung đông cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Maria. Trong những lần này, trong nghi thức trọng thể thánh hiến, Đức Thượng phụ Rai đã cầu nguyện để tất cả các dân tộc trong vùng được thoát khỏi tai ương chiến tranh và bạo lực.

Vào tháng 06/2013, Đức Thượng phụ Rai cũng đã mời các tín hữu Hồi giáo tham dự nghi thức thánh hiến và nhắc nhớ rằng Libăng là quốc gia duy nhất mà ngày lễ Truyền tin vào ngày 25/03 được cử hành chung giữa  các Kitô hữu và người Hồi giáo như ngày lễ quốc gia. (Agenzia Fides 21/6/2017).

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

VATICAN. Lúc 8 giờ rưỡi sáng 24-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Đoàn xe của Tổng thống Mỹ gồm 60 chiếc đã tiến vào Nội thành Vatican qua cửa bên hông vì Quảng trường Thánh Phêrô đã có 30 ngàn tín hữu hiện diện chờ tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC

Sau khi hội kiến riêng trong vòng 30 phút, ĐTC đã chào thăm đoàn tùy tùng của Tổng thống Trump gồm 12 người, trong đó có phu nhân Melanie và ái nữ Ivanka và con rể Jared Kushner.

Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Trump và các cộng sự viên đã gặp và trao đổi trong 50 phút ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: trong các cuộc hội kiến thân mật, hai bên bày tỏ hài lòng vì tương quan song phương tốt đẹp giữa Tòa Thlánh và Hoa kỳ, cũng như sự dấn thân chung bênh vực sự sống, tự do tôn giáo và lương tâm. Tòa Thánh cầu mong có sự cộng tác thanh thản giữa Nhà Nước và Giáo hội Công Giáo tại Hoa kỳ, Giáo Hội dấn thân phục vụ dân chúng trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục và trợ giúp người di dân.

Hai bên cũng trao đổi quan điểm về một số vấn đề thời sự quốc tế, và thăng tiến hào bình, đặc biệt là tình hình Trung Đông và bảo vệ các cộng đoàn Kitô (SD 24-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Các Giám mục tiểu bang Pennsylvania thánh hiến các giáo phận cho Mẹ Maria

Các Giám mục tiểu bang Pennsylvania thánh hiến các giáo phận cho Mẹ Maria

Philadelphia – Các Giám mục tiểu bang Pennsylvania sẽ thánh hiến các giáo phận trong tiểu bang này cho Đức Trinh nữ Maria.

Trong cuộc họp Giám mục miền hôm 1/5, các Giám mục tiểu bang đã quyết định việc thánh hiến này.

Hôm 9/5, Đức tổng giám mục Charles J. Chaput của Philadelphia nói: “Điều thúc đẩy dự định này là mục tiêu cho các giáo phận  ở Khối thịnh vượng chung thực hiện lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima."

Buổi thánh hiến chính thức sẽ có Thánh lễ đặc biệt vào giữa trưa với sự tham dự của các Giám mục tại nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở Harrisburg , thủ phủ của tiểu bang Pennsylvania. Thánh lễ sẽ được cử hành ngày 27/9, trong hội nghị các Giám mục miền lần kế tiếp.

Các giáo phận và giám hạt sẽ cử hành việc thánh hiến vào dịp cuối tuần, ngày 14-15/10. (CAN 10/05/2017)

Hồng Thủy

 

Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo

Lahore – Zafar Bhatti, một Kitô hữu, đã bị vu cáo xúc phạm Hồi giáo vào năm 2012, đã bị tòa án Rawalpindi kết án tù chung thân hôm 03/05.

Bhatti bị kết án đã gửi các tin nhắn bằng điện thoại di động, có nội dung xúc phạm đến Hồi giáo. Anh đã phủ nhận các lời cáo buộc và giải thích với quan tòa rằng số điện thoại đó không phải do anh đứng tên.

Năm 2012, Bhatti bị bắt và bị giam ở nhà tù Rawalpindi. Vì những đe dọa nguy hiểm cho mạng sống của Bhatti nên phiên tòa được xử tại nhà tù. Buổi xét xử cuối cùng diễn ra hôm 24/04 và ngày 03/05 vừa qua, quan tòa đã kết án anh bị tù chung thân.

Theo các luật sư Kitô giáo, các tòa án Pakistan thường kết án tử những người bị tố cáo vi phạm luật 295 c (một trong những điều tạo nên cái gọi là Luật phạm thượng), nhưng vì họ không có chứng cứ phạm tội rõ ràng của Bhatti nên anh chỉ bị xử tù chung thân. Các luật sư bào chữa cho Bhatti cũng bị đe dọa, do đó buổi hầu tòa đã được chuyển đến Lahore, cũng là nơi gia đình của Bhatti đang sinh sống. Theo các luật sư, Bhatti lẽ ra phải được trắng án vì thiếu bằng chứng, nhưng anh bị xử chung thân do áp lực của các tín đồ Hồi giáo.

Luật chống phạm thượng ở Pakistan tiếp tục được dùng như công cụ để trả thù những đối thủ.

Mới đây, Quốc hội Pakistan đã phê chuẩn một giải pháp yêu cầu những chuẩn mực để ngăn chặn các lam dụng và đưa ra một số điều luật hướng dẫn. Tuy nhiên các yêu cầu đó đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ bởi các phong trào và các đảng phái Hồi giáo. (Agenzia Fides 5/5/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha viếng thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte

Đức Thánh Cha viếng thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte

CAIRO. Trong cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập, chiều ngày 28-4-2017 tại Cairo, ĐTC bày tỏ tình liên đới sâu đậm với Giáo Hội này đã chịu nhiều đau khổ.

 Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày đầu tiên tại Ai Cập là cuộc viếng thăm tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte, cách khách sạn Al-Màsah 6 cây số và tọa lạc tại khu vực Kitô ở cổ thành Cairo trong đó có Nhà thờ chính tòa thánh Marco được khánh thành hồi năm 1968.

Khu thánh đường này đã bị khủng bố ngày 11 tháng 12 năm 2016: một quả bom đã nổ trong nhà nguyện thánh Phêrô, không xa văn phòng của Đức Thượng Phụ Tawadros II, làm cho 29 người chết và 31 người bị thương. Vụ khủng bố này xảy ra đúng ngày lễ Mawlid, tức là kỷ niệm sinh nhật của Mohammed.

Đến tòa Thượng Phụ vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC cùng với phái đoàn của ngài đã được Đức Thượng Phụ Tawadros II tiếp đón, và hội kiến riêng.

Ngài năm nay 65 tuổi (1952), làm GM từ 20 năm nay (1997), và được chọn lên kế nhiệm Đức Shenuda III vào tháng 11 năm 2012, trở thành người kế vị thứ 118 của thánh Marco thánh sử. Ngài đã được ĐTC Phanxicô tiếp kiến hồi tháng 5 năm 2013 tại Vatican, đúng 40 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐGH Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Shenuda III, mở đầu cho cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội. Trong dịp đó, Đức Thượng Phụ Tawadros đã mời ĐTC đến viéng thăm Ai Cập.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Tawadros II, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm của Đức Thượng Phụ tại Vatican ngày 10-5 năm 2013, ngày đó trở thành ngày thân hữu giữa Copte và Công Giáo, ngài cũng nói đến quá trình đối thoại đại kết từ sau tuyên ngôn chung giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Shenuda III hồi năm 1973, đồng thời nhấn mạnh đến hành trình hiệp thông cần được đào sâu thêm. Trong tiến trình này, các thánh và các vị Tử đạo thúc đẩy chúng ta trở thành một hình ảnh sống động của Jerusalem thiên quốc (Gl 4,26). ĐTC nói:

”Cùng nhau chúng ta được kêu gọi làm chứng về Chúa Giêsu, mang niềm tin của chúng ta cho thế giới, trước tiên bằng cách sống đức tin, vì sự hiện diện của Chúa Giêsu được thông truyền bằng cuộc sống và nói bằng ngôn ngữ tình thương nhưng không và cụ thể. Các tín hữu Chính Thống Copte và Công Giáo, chúng ta ngày càng có thể nói bằng thứ ngôn ngữ chung là ngôn ngữ bác ái: trước khi khởi sự một sáng kiến làm điều thiện, thật là đẹp nếu chúng ta tự hỏi xem chúng ta có thể thi hành sáng kiến ấy với các anh chị em chúng ta, những người cùng chia sẻ niềm tin nơi Chúa Kitô. Như thế chúng ta kiến tạo tình hiệp thông trong cuộc sống cụ thể hằng ngày bằng chứng tá sống thực, và Chúa Thánh Linh sẽ mở ra những con đường hiệp nhất mà chúng ta không nghĩ tới.”

ĐTC cũng ca ngợi tinh thần tông đồ xây dựng mà Đức Thượng Phụ Tawadros dành cho Giáo Hội Công Giáo Copte: một sự gần gũi mà ngài biết ơn và biểu lộ qua sáng kiến rất đáng khen là Hội Đồng quốc gia các Giáo Hội Kitô, mà Đức Thượng Phụ đã khai sáng để các tín hữu của Cháu Kitô có thể ngày càng hoạt động với nhau để mưu ích cho xã hội Ai Cập.

Cũng trong diễn văn, ĐTC nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. Ngài nói: ”Bao nhiêu vị tử đạo tại phần đất này, từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin một cách anh dũng cho đến độ đổ máu đào chứ không chối Chúa và không chiều theo những lời dua nịnh của thần dữ, và không chiều theo cám dỗ lấy sự ác đáp trả sự ác. Tử đạo thư của Giáo Hội Copte chứng tỏ điều đó. Rất tiếc là ngày nay máu vô tội của những tín hữu vô phương thế tự vệ tiếp tực phải đổ ra.

”Cũng như chỉ có một thành Jerusalem thiên quốc duy nhất, tử đạo thư của chúng ta cũng là duy nhất, và những đau khổ của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi. Máu vô tội của các vị tử đạo liên kết chúng ta với nhau. Được củng cố nhờ chứng tá của anh em, chúng ta cố gắng chống lại bạo lực bằng cách rao giảng và gieo vãi điều thiện, làm gia tăng sự hòa hợp và duy trì sự hiệp nhất, cầu nguyện để bao nhiêu hy sinh mở ra con đường dẫn đến tương lai hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta và an bình cho tất cả mọi người.

Sau diễn văn, DTC và Đức Thượng Phụ còn ký vào một tuyên chung nhấn mạnh đến bí tích rửa tội chung và quyết tâm dấn thân đại kết của hai Giáo Hội.

Tưởng niệm các vị tử đạo

Sau diễn văn của ĐTC, hai phái đoàn đã trao đổi quà tặng: ngài tặng Đức Thượng Phụ bức ảnh Mẹ Thiên Chúa dịu hiền, vẽ trên gỗ và tượng thánh Phanxicô đang giơ hai tay lên trời, trong cử chỉ chúc tụng công trình của Đấng Tạo Hóa.

Rồi ĐTC cùng với Đức Thượng Phụ, và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác, trong đó có Anh giáo, đi rước đến Nhà thờ Thánh Phêrô chỉ cách đó 100 mét để tham dự buổi cầu nguyện đại kết với sự hiện diện của các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô khác, đặc biệt là Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios, Giáo chủ Chính Thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong buổi cầu nguyện, mọi người đã nghe đọc bài Tin Mừng về các mối phúc thật, trong đó nổi bật lời Chúa Giêsu dạy: Phúc cho những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9). ĐTC và Đức Thượng Phụ Tawadros II lần lượt xướng lên những lời cầu nguyện và mọi người chúc bình an cho nhau, và cùng đọc kinh Lạy Cha, trước khi đặt vòng hoa tưởng niệm gần 30 tín hữu bị thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-12 năm ngoái trong nhà nguyện thánh Phêrô.

Kết thúc cuộc viếng thăm và cầu nguyện, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Cairo, cách tòa Thượng Phụ 10 cây số để dùng bữa tối. Sau đó từ bao lơn tòa Sứ Thần, ĐTC đã chào thăm và chúc lành cho 300 bạn trẻ Công Giáo Ai Cập tụ tập tại cổng vào tòa Sứ Thần. Họ thuộc số 3 ngàn bạn trẻ tham dự cuộc lữ hành từ miền bắc và miền nam về Thủ đô Cairo nhân cuộc viếng thăm của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP

Chủ tịch Hội Đồng GM Bắc Âu: Hiệp nhất Kitô còn xa

Chủ tịch Hội Đồng GM Bắc Âu: Hiệp nhất Kitô còn xa

HAMBURG. Chủ tịch HĐGM Bắc Âu, Đức Cha Czeslaw Kozon, tuyên bố rằng viễn tượng hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Tin Lành vẫn còn xa.

Đức Cha Kozon, cũng là GM giáo phận Copenhagen ở Đan Mạch. Trong thời gian gần đây, trước sự cởi mở của ĐTC Phanxicô, nhiều người Tin Lành và cả HĐGM Đức nghĩ rằng hai khối Giáo Hội sắp được hiệp nhất với nhau.

Tuy nhiên, tuyên bố hôm 5-4-2017 bên lề Đại hội mùa xuân của HĐGM Bắc Âu, nhóm tại thành phố Hamburg Bắc Đức, Đức cha Kozon nói: ”Tôi tin rằng vẫn còn thời gian rất dài trước khi tiến tới một sự hiệp nhất”.

Đặc biệt về phía những người Tin Lành Luther ở Bắc Âu, Đức cha Kozon thấy có một sự nghi ngờ lớn về viễn tượng hiệp nhất. Nhiều người Tin Lành tại các nước này đã đặt hy vọng rất nhiều nơi cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thụy Điển hồi cuối tháng 10 năm ngoái, nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther, khai sáng Giáo Hội Tin Lành, nhưng rồi họ thấy những mong đợi của họ không được mãn nguyện. Chẳng hạn họ không thấy Tin Lành và Công Giáo được rước lễ chung.”

Đức Cha Kozon nói: ”Cho đến khi hai bên có thể rước lễ chung, cần phải làm sáng tỏ một số điều.. Đồng thời tôi cũng có thể hiểu rằng các Giáo Hội Tin Lành không thể phủ nhận căn tính của họ một sớm một chiều”.

Theo Đức cha, có thể nghĩ đến một sự hiệp nhất theo kiểu các Giáo Hội Anh Giáo với nhau, nghĩa là các Giáo Hội Tin Lành có thể hiệp nhất với Giáo Hội CôngGiáo mà vẫn giữ nguyên truyền thống của họ.

HĐGM Bắc Âu bao gồm 5 nước là Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần lan và đảo Islande, với tổng cộng 340 ngàn tín hữu Công Giáo trong đó có nhiều người nhập cư (KNA 6-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi tham gia sáng kiến “24 giờ cho Chúa”

Đức Thánh Cha kêu gọi tham gia sáng kiến "24 giờ cho Chúa"

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu sốt sắng tham gia sáng kiến tái khám phá bí tích Hòa giải tổ chức vào ngày thứ sáu 23 và thứ bẩy 24-3-2017 này.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22-3-2017 tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn hãy sống trong niềm tin tưởng cuộc hẹn vào ngày 23 và 24-3 này để tái khám phá bí tích Hòa giải: ”24 giờ cho Chúa”. Tôi cầu mong rằng năm nay, thời điểm hồng phúc ưu tiên này trong hành trình mùa chay cũng được sống tại bao nhiêu thánh đường để cảm nghiệm cuộc gặp gỡ vui tươi với Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Đấng đón tiếp và tha thứ cho tất cả mọi người”.

Sáng kiến ”24 giờ cho Chúa” năm nay có chủ đề là ”Ta muốn Lòng Thương Xót” (Mt 9,13)

Năm nay tại Vatican, ĐTC đã cử hành sáng kiến ”24 giờ cho Chúa” sớm hơn 1 tuần, vào thứ sáu 17-3 vừa qua, với nghi thức thống hối chung và xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Tuy nhiên tại các nơi khác ở Roma cũng như trên thế giới, sáng kiến này được cử hành trong hai ngày 23 và 24-3 như vừa nói.

Từ 20 giờ tối thứ sáu 24-3-2017, cho đến quá nửa đêm, Nhà thờ Đức Mẹ Maria in Trastevere và nhà thờ các dấu thánh của Thánh Phanxicô (Stimmate di S. Francesco) sẽ mở cửa liên tục để các tín hữu chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 25-3, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng TT tái truyền giảng Tin Mừng, sẽ kết thúc 24 giờ cho Chúa tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần ở khu Sassia, đối diện với trụ sở Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên, với kinh chiều I Chúa nhật thứ 4 mùa chay. (SD 22-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Ấn độ cần có thêm Linh mục tầng lớp Dalit

Ấn độ cần có thêm Linh mục tầng lớp Dalit

Dù cho số người Công giáo thuộc tầng lớp Dalit (cùng đinh) chiếm gần 2/3 tổng số tín hữu Công giáo ở Ấn độ, nhưng số giáo sĩ thuộc giai cấp này vẫn rất ít.

Đức Hồng y Oswald Gracias, giám mục Bombay kêu gọi các lãnh đạo Công giáo giai cấp Dalit cổ võ ơn gọi Linh mục trong các cộng đoàn của họ như cách thế để chấm dứt sự phân biệt kỳ thị mà họ gặp phải trong Giáo hội.

Trong đại hội của Hội đồng Quốc gia các Kitô hữu Dalit hôm 18-19/03, Đức Hồng y nói: “Cổ võ ơn gọi giữa các Dalit sẽ đưa đến sự biến đổi trong giáo hội cũng như trong xã hội.”

Đức Hồng y cũng khẳng định các Giám mục Ấn độ đi đầu trong cuộc tranh đấu của các Kitô hữu Dalit để chấm dứt phân biệt đối xử. Ngài nói: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta bình đẳng như nhau nhưng sự phân cách đến từ con người bởi vì sự ích kỷ của họ.”

Các Kitô hữu giai cấp Dalit chiếm khoảng 30% trong tổng số 27 triệu Kitô hữu trên toàn Ấn độ, dù vậy họ gặp phải sự phân biệt đối xử trong giáo hội.

Trong một bản báo cáo gửi cho Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2013, một Giám mục cho ngài biết là việc ăn uống chung và hôn nhân không thể diễn ra giữa các người giai cấp Dalit và giai cấp khác.

Các sinh viên Dalit bị đối xử phân biệt trong các chủng viện và các nhà đào tạo. Các lãnh đạo và giáo sĩ giai cấp Dalit không được kể trong số các vị có thẩm quyền quyết định trong giáo hội. Một số giáo xứ thậm chí phân ranh giới các nơi chôn cất và các ngày lễ để ngăn chặn tình trạng hòa lẫn với những người khác.

Dalit, trước đây được biết như “những người không thể đụng chạm”, là những người không thuộc hệ thống 4 giai cấp của Ấn độ. Trong quá khứ, hàng ngàn người đã cải sang Kitô giáo và Hồi giáo để thoát sự áp bức xã hội mà họ gặp phải trong Ấn độ giáo. Tuy vậy, sự thay đổi tôn giáo không thay đổi tình trạng kinh tế và phân biệt đối xử vẫn xảy ra.

Công giáo giai cấp Dalit chiếm 65% Công giáo Ấn độ, nhưng chỉ có 5% thuộc hàng lãnh đạo. (Ucan News 22/03/2017)

Hồng Thủy

Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ lạm dụng tính dục

Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ lạm dụng tính dục

MELBOURNE. Các GM Australia quyết tâm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành viên và không để xảy ra trong Giáo Hội những vụ như thế nữa.

Lập trường trên đây được Đức Cha Denis Hart, TGM Melbourne, Chủ tịch HĐGM Australia bày tỏ hôm 24-2-2017, sau 3 tuần lễ thẩm vấn của Ủy ban hoàng gia về những vụ lạm dụng tính dục.

Ủy ban này đã điều tra trong vòng 4 năm qua và xác nhận rằng trong 30 năm trời, từ 1980 đến 2010, có khoảng 4,400 vụ xảy ra trong cộng đồng Công Giáo ở Australia; khoảng 1.880 LM, tức là 7% các LM tại nước này, có liên lụy đến những vụ lạm dụng như thế. 70 vị lãnh đạo Giáo Hội đã điều trần trong 3 tuần lễ trước Ủy ban hoàng gia điều tra, và nói về những thiếu sót và sai lầm trong việc xử lý các vụ lạm dụng, đồng thời đề ra viễn tượng ngăn người những vụ đó trong tương lai. Trong số các vấn đề được phân tích, có các khía cạnh giáo luật, tòa giải tội, luật độc thân giáo sĩ, thái độ duy giáo sĩ, việc đào tạo linh mục, việc nâng đỡ về nghề nghiệp và sự giám sát.

Trong thông cáo, Đức TGM Denis Hart bày tỏ quyết tâm trên đây và khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tại Australia sẽ tiếp tục nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Trong khi chờ đợi phúc trình chung kết của Ủy ban hoàng gia, Giáo Hội bây giờ phải áp dụng các chính sách trong các cộng đoàn của mình để phòng ngừa.

Đức TGM cũng cám ơn các nạn nhân đã tỏ ra can đảm trình bày những gì đã phải chịu.

Theo dự kiến vào cuối năm nay, Chủ tịch Ủy ban hoàng gia điều tra là ông Peter McClellan, sẽ đệ trình chính phủ Australia những đề nghị và phúc trình chung kết về tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục (SD 25-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP