ĐTC Phanxicô thăm nhà thờ chính tòa Bari và viếng ảnh Đức Mẹ Odegitria

ĐTC Phanxicô thăm nhà thờ chính tòa Bari và viếng ảnh Đức Mẹ Odegitria

Chiều thứ bảy 07/07, vào cuối ngày suy tư và cầu nguyện cho hòa bình tại Trung đông với các vị lãnh đạo các Giáo hội và các Cộng đoàn Kitô, trước khi rời Bari trở về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn viếng thăm nhà thờ chính tòa Bari – được dâng kính Đức Mẹ Lên trời.

Từ Tòa Giám mục, Đức Thánh Cha đã nhìn thấy nhà thờ chính tòa ở cạnh đó, có từ thế kỷ 12, và Đức Thánh Cha muốn đến ngắm nhìn, thăm và kính viếng bức ảnh Đức Maria Odegitria. Theo tương truyền, bức ảnh Odegitria được đưa từ Constantinople, Thổ nhĩ kỳ, đến Bari vào thế kỷ thứ 8, trong thời lạc giáo tiêu hủy các ảnh tượng. Bức ảnh Đức Mẹ với Chúa Giêsu; Đức Mẹ tỏ cho con người thấy Ngài chính là Đường, Đường lên Nước Trời.

Cha Franco Lanzolla, cha sở nhà thờ chính tòa chia sẻ rằng đó là giây phút riêng tư của Đức Thánh Cha; ngài đã muốn đi một mình. Cha Lanzolla xúc động với cuộc viếng thăm cá nhân của Đức Thánh Cha, đến kính viếng bức ảnh Odegitria, một bức ảnh cổ kính, bức ảnh đã đón nhận nước mắt cùng với các ước mơ và hy vọng của hàng triệu tín hữu Đông phương cũng như Tây phương.

Đức Thánh Cha âm thầm đến nhà thờ, dâng một bó hoa đơn sơ, cùng với điều căn bản là cầu nguyện cho Giáo hội và hòa bình. Với sự dịu dàng. Đức Thánh Cha đã có một sự thinh lặng huyền nhiệm. Cuộc viếng thăm chỉ có Đức Thánh Cha, Đức Giám mục giáo phận và cha Lanzolla.

Cha Lanzolla chia sẻ thêm rằng sự thinh lặng sâu lắng này ghi dấu ngày dành cho hòa bình, để cầu xin Chúa soi sáng tâm trí và lương tâm con người. Cha nói: “thật là xúc động khi nghe nói về hòa bình qua cái nhìn của một em bé: các trẻ em của chúng ta là ngôn ngữ và gương mặt của hòa bình.” Cha cho biết là thành phố Bari tôn trọng buổi cầu nguyện. Cả thành phố trở thành nơi cầu nguyện, cả những ai ở tại nhà của họ. Thành phố thinh lặng để tôn trọng Đức Giáo hoàng và buổi cầu nguyện.

Cha Lanzolla kết luận: Đức Thánh Cha đã để lại cho Bari “hương thơm của một con người đã mời gọi chúng ta dám cầu xin hòa bình, mời gọi chúng ta trở thành người kiến tạo sự hiệp thông, cả dân sự và tôn giáo.” (Rei 07/07/2018)

Hồng Thủy

 

Có phải Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ sự thật về hỏa ngục?

Có phải Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ sự thật về hỏa ngục?

Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông cáo để xác định rằng những lời bình luận cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ hỏa ngục là sự tái dựng lại các ý kiến của Đức Thánh Cha và không phải là một bản ghi lại trung thành những lời thật sự của ngài. 

Nhà báo Eugenio Scalfari của nhật báo La Repubblica của Ý, 93 tuổi, người xưng mình là vô thần, đã vài lần trao đổi qua điện thoại và gặp trực tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông nói rằng Đức Thánh Cha đã mời ông đến nơi ngài cư ngụ hôm 27/03 và trong cuộc đàm thoại, Đức Thánh Cha đã nói trong khi linh hồn của những tội nhân thống hối “nhận ơn tha thứ của Chúa và được vào số những linh hồn chiếm ngắm Chúa, thì các linh hồn của những người không thống hối và như thế không thể được tha thứ, sẽ biến mất. Và ông Scalfari cho rằng Đức Thánh Cha đã nói trong cuộc phỏng vấn là “hỏa ngục không tồn tại, và các linh hồn tội lỗi sẽ biến mất.”

Ông Scalfari từng nói là ông không ghi âm hay ghi lại các cuộc trò chuyện; ông viết lại bằng cách nhớ lại.

Thông cáo của phòng báo chí Vatican cho biết Đức Thánh Cha có tiếp ông  Scalfari nhưng không trả lời phỏng vấn.

Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, “ngay sau khi chết, linh hồn của những người chết trong tình trạng tội trọng sẽ xuống hỏa nguc, nơi họ đau khổ vì các hình phát tội lỗi, ‘lửa đời đời’”. Giáo lý cũng dạy rằng: “Hình phạt chính của hỏa ngục là sự xa cách đời đời với Chúa, chỉ duy nhất nơi Người con người có thể đạt được sự sống và hạnh phúc và họ được tạo dựng và tồn tại vì điều này.”

Những lời nhà báo Scalfari cho là lời chối bỏ hỏa ngục của Đức Giáo hoàng mâu thuẫn với những lời chính ngài đã nói trong các buổi giáo lý hay trong các bài giảng. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định hỏa ngục – sự xa cách Chúa đời đời  –  là một sự thật. Trong bài giảng lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng 22/11/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng thế giới không thích  nghĩ về những thực tại sau cùng. Điều gì sẽ xảy ra sau thế giới này? Đức Thánh Cha nhớ lại khi ngài còn nhỏ, khi đi học giáo lý, ngài được dạy về “tứ chung” ( 4 sự sau cùng): chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng dù điều này có thể làm người ta sợ hãi nhưng mà điều này là sự thực. Ngài giải thích rằng nếu chúng ta không chăm sóc tâm hồn mình để cho Chúa ở với mình thì mình sẽ xa Chúa mãi mãi. Có thể có nguy hiểm là tiếp tục bị xa cách Chúa mãi mãi như thế.

Hỏa ngục không phải là “căn phòng tra tấn”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 25/11/2016. Ngài nói rằng hỏa ngục là sự xa cách Chúa vĩnh viễn, xa cách Đấng ban hạnh phúc, Đấng mong muốn điều tốt cho chúng ta. Lòng thương xót Chúa muốn cứu độ chúng ta khỏi sự hư hoại đời đời. Như đã xảy ra với người trộm lành trên thập giá, đã tín thác vào Chúa trong những giây phút cuối đời, và Chúa Giêsu đã nói với anh ta: “Tôi nói thật với anh, hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta.”

Ma quỷ ở trong hỏa ngục. Khi viếng thăm giáo xứ Đức Maria Mẹ Đấng cứu độ ở Roma và gặp gỡ các thiếu nhi và thanh thiếu niên vào ngày 08/03/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tín hữu: “Chúa không đưa bạn vào hỏa ngục nhưng bạn đi đến đó, bởi vì bạn chọn ở đó. Hỏa ngục là  muốn xa cách Chúa bởi vì tôi không muốn tình yêu của Chúa. Ngài cũng nói thêm: “Ma quỷ ở trong hỏa ngục bởi vì chúng không yêu Chúa” và “đó là loại duy nhất mà chúng ta chắc chắn là ở trong hỏa ngục.”

Vào cuối đời này tất cả chúng ta sẽ bị phán xét. Cuộc phán xét chung sẽ phán xét về tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 21/08/2016 như sau: “Tôi đói và anh chị em đã cho tôi ăn…” “Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều cơ hội để cứu độ chúng ta và để chúng ta đi vào qua cánh cửa cứu độ.” Và cho đến cuối cùng, dù chúng ta tội lỗi, Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta và chờ đợi chúng ta: đay là lòng Thương xót của Người. Nhưng chúng ta có tự do để chối từ điều này: đây là sự hư mất. Một tội nhân không hối cải nghĩa là từ chối tình yêu Chúa.

Đức Thánh Cha cũng nói về ơn cứu độ đời đời. Trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 21/08/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt câu hỏi: “Nhưng nếu Thiên Chúa tốt lành và yêu thương chúng ta, tại sao Người đóng cửa lại vào một lúc nào đó? Bởi vì cuộc sống của chúng ta không phải là một trò chơi điện tử hay một show truyền hình; cuộc sống của chúng ta là điều nghiêm túc và mục đích cần đạt đến thật quan trọng: đó là ơn cứu độ đời đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra giải pháp cho những nỗi sợ hãi của chúng ta: “Nếu mỗi người trong chúng ta trung thành với Chúa thì khi giờ chết đến, chúng ta sẽ nói như thánh Phanxicô: ‘chị tử thần, xin hãy đến’. Nó không làm chúng ta sợ hãi.” Và ngay cả ngày phán xét, “chúng ta sẽ ngắm nhìn Thiên Chúa” và chúng ta sẽ có thể nói: “Lạy Chúa, con đã phạm tội rất nhiều, nhưng con đã tìm cách trung thành với Chúa.” Và “bởi vì Thiên Chúa tốt lành” chúng ta sẽ không sợ hãi. Đức Thánh Cha đã nói điều này trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 22/11/2016. (Rei 29/03/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sốc trước sự ra đi đột ngột của ĐC Bùi Văn Đọc

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sốc trước sự ra đi đột ngột của ĐC Bùi Văn Đọc

Sáng thứ năm, 08/03/2018, các Giám mục Việt nam đang trong chuyến hành hương ad Limina đã đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện thánh Marta để cầu nguyện cho Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, vừa qua đời tại Roma đêm ngày 06/03.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho và Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt nam, nói với phóng viên  Vatican rằng tin Đức cha Phaolô qua đời không chỉ là cú sốc đối với các Giám mục Việt nam nhưng cả với Đức Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn dâng Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, trước sự hiện diện của các Giám mục Việt nam, để cầu nguyện cho sự an nghỉ ngàn thu của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô.

Đức cha Phêrô Khảm cho biết, trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vài lời chia buồn với các Giám mục Việt nam.

Đức cha Phêrô cũng nói thêm: “Chúng tôi ở đây để cầu nguyện cho Đức cha Phaolô. Ngài đã ở Roma với các Giám mục Việt nam chúng tôi để thực hiện cuộc viếng thăm ad Limina. Ngày trước hôm ngài qua đời, chúng tôi đã gặp Đức Thánh Cha; ngày hôm sau ngài ra đi đột ngột. Tôi nghĩ chính điều này là một cú sốc.”

Đức cha Phêrô cũng chia sẻ với phóng viên Vatican về Đức cố Giám mục Phaolô: “Ngài là tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, miền nam Việt nam. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước và có khoảng 10 triệu dân. Do đó rất quan trọng khi Giáo hội ở đó. Đức cha Phaolô là một người thông minh và có mối quan hệ tốt với mọi người và nhờ điều này ngài đã tạo được một bầu khí hiệp thông thật sự trong giáo phận của ngài.” Đức cha Phêrô nói về sứ vụ của đức cố Giám mục Phaolô là “rao giảng và giới thiệu Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng cho mọi người”, trong một “đất nước cộng sản”, nơi mà so với những “hạn chế” trong quá khứ, ngày nay các Kitô hữu tham gia tốt hơn trong nhiều lãnh vực khác nhau.” (Vatican News 08/03/2018)

Hồng Thủy

Tín hữu Myanmar đi 3 ngày 2 đêm để nhìn thấy Đức Giáo hoàng

Tín hữu Myanmar đi 3 ngày 2 đêm để nhìn thấy Đức Giáo hoàng

 

Yangon – “Chúng tôi mệt nhừ, nhưng chúng tôi sẽ được đền bù bằng việc nhìn thấy Đức Thánh Cha. Nhìn thấy ngài, đối với chúng tôi, như là nhìn thấy gương mặt của Chúa Giêsu. Đây là một ơn phúc và chúc lành.” Đó là lời của một số phụ nữ trong nhóm 200 khách hành hương đã đi xe lửa 3 ngày 2 đêm từ bang Kachin đến Yangon, Myanmar, tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến thăm Myanmar vào tuần tới.

Sáng nay, 24/11, sau hành trình dài 3 ngày 2 đêm, nhóm 200 khách hành hương này đã đến giáo xứ thành Phanxicô Assisi ở Yangon. Tất cả họ đều thuộc sắc dân Kachin, là sắc tộc có số Kitô hữu đông nhất ở Myanmar, đến từ miền cực bắc của đất nước, nơi bị tàn phá tan hoang vì cuộc xung đột giữa quân đội sắc tộc và quân đội chính phủ. Nhóm khách hành hương này mang theo lời cầu nguyện và đau khổ của tất cả những người Kachin mà vì lý do kinh tế và an ninh không thể tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào ngày 29/11 tới đây.

Dù thật khó khăn để đến được Yangon, nhưng các tín hữu hành hương vẫn tỏ rõ niềm vui của họ. Cụ Petru Longgam, 83 tuổi nói: “Những người Kachinh chúng tôi như thế, chúng tôi thích nói chuyện, chúng tôi là những người cởi mở. Lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi theo đạo, chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy một đức giáo hoàng. Thật là không tin nổi!”

Ngày mai giáo xứ thánh Phanxicô sẽ đón tiếp một nhóm 500 tín hữu hành hương khác và ngày sau nữa, một nhóm 700. Giáo xứ này cũng như các giáo xứ ở Yangon, cộng tác với Hội đồng giám mục để trợ giúp tất cả khách hành hương. Mỗi giáo xứ muốn đóng góp phần của mình. Có các tình nguyện viên chăm lo cho khách hành hương. Có những người lo ăn uống, tắm giặt, ghi danh, vv.

Cha xứ Jacob chia sẻ về thời điểm này: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một phép lạ. Mọi người vui vẻ giúp đỡ nhau, nó là một ngày hội tuyệt vời. Sự kiện này khuyến khích củng cố đức tin và tình yêu. Giáo xứ chúng tôi có 1300 tín hữu và sẽ đón tiếp số khách hành hương tương tự. Tất cả vui vẻ đón tiếp họ, cả người Hồi giáo và Phật giáo sống ở đây cũng thế. Đây là dấu chỉ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể là thời khắc đối thoại và có thể đóng góp cho tiến trình hòa giải quốc gia. Niềm tin Công giáo liên kết, chứ không chia rẽ. Tôi là một ví dụ: tôi thuộc sắc tộc Kharen, cha tôi là Phật tử còn mẹ là Công giáo.” (Asia News 24/11/2017)

Hồng Thủy

Người Kitô sống trong trần thế

Người Kitô sống trong trần thế

Vatican. Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 22.10.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật nói về cách Chúa trả lời cho những kẻ gài bẫy. Đó là: Của Xê-da, trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói:

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mt 22,15-21) kể cho chúng ta cuộc đối mặt giữa Chúa Giêsu và những kẻ ghét Chúa. Chủ đề được bàn tới là việc nộp thuế cho Xê-da. Đó là câu hỏi rất gai góc và học búa về việc có được phép hay không, khi nộp thuế cho hoàng đế La Mã. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn của người Palestine thời Chúa Giêsu. Thế nên, những đối thủ của Chúa Giêsu đã quyết định gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”. Thực tế xảy ra sẽ tùy vào cách Chúa trả lời. Nếu Chúa nói là được phép, thì họ sẽ kết tội Chúa là đi theo đế quốc. Còn nếu Chúa nói là không, thì họ sẽ kết tội Chúa là dám chống lại hoàng đế Roma.

Nhưng trong tình huống ấy, Chúa Giêsu rất bình tĩnh và từ chỗ dường như bị bất lợi, Chúa đã sử dụng dịp này để đưa ra bài học quan trọng, vượt lên trên những gì là tranh cãi và đối lập. Chúa nói với họ: “Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Và họ đưa cho Chúa một đồng bạc. Chúa nhìn họ mà hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Các người Pharisêu chỉ có thể trả lời rằng: “Của Xê-da”. Thế là Chúa kết luận: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Khi trả lời như thế, một mặt Chúa nói cho họ rằng, việc đóng thuế không phải là hành vi thờ ngẫu tượng, nhưng chỉ là bổn phận đối với các nhà cầm quyền của trần gian. Mặt khác, đây là lúc Chúa Giêsu nhắc nhở họ về tính ưu việt của Thiên Chúa, và chúng ta cần trả về Thiên Chúa những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong chiều dài của cuộc sống và lịch sử.

Hình ảnh của Xê-da được khắc trên đồng tiền, cho thấy quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Còn hình ảnh được khắc ghi trong mỗi con người là chính hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy cho thấy: mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa. Từ câu hỏi của người Pharisêu, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy còn có câu hỏi quan trọng hơn bội phần. Đó là: tôi thực sự thuộc về ai? Tôi có gia đình, xóm làng, thành phố, bạn bè, mái trường, công sở, nền chính trị, nhà nước, quốc gia… Vâng. Tất nhiên là như thế. Nhưng Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng: điều căn cốt nền tảng là chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Chính Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đang có. Vì thế, trong cuộc sống, trong từng ngày sống, chúng ta cần luôn ý thức về điều ấy trong cõi lòng mình. Đó là: Thiên Chúa là Đấng dựng lên con, Ngài dựng lên con theo hình ảnh theo khuôn mẫu của Con rất yêu dấu của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Đây là mầu nhiệm thật tuyệt vời.

Người tín hữu Kitô được mời gọi tham gia tích cực vào các thực tại trần thế, trong đời sống xã hội của nhân loại, không đặt mình trong thế phản kháng giữa “Thiên Chúa” và “Xê-da”. Việc phản kháng chống lại Thiên Chúa hoặc chống lại Xê-da thì đều dẫn đến chỗ cực đoan. Người Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào thực tại trần thế với ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Tin tưởng nơi Thiên Chúa, đặt ưu tiên nơi Ngài, hy vọng nơi Ngài, không phải có nghĩa là đòi hỏi hoàn toàn thoát khỏi thực tại trần thế, nhưng là trả về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Đó là lý do để các Kitô hữu nhìn tới tương lai trong Thiên Chúa, để sống cách sung mãn cuộc sống trần thế, để đáp lại những thách đố của cuộc sống ấy với lòng can đảm.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để ta luôn sống xứng đáng với hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình, để ta có thể tích cực góp phần xây dựng cuộc sống thế trần.

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Barcelona, chúng ta có thêm các Chân phước Matteo Casals, Teofilo Casajús, Fernando Saperas và 106 bạn tử đạo. Các ngài bị giết chết vì những kẻ hận thù đức tin của cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tấm gương anh hùng của các ngài vẫn tiếp tục chiếu sáng trong thời đại chúng ta. Thời đại mà vẫn còn nhiều Kitô hữu trong nhiều nơi trên thế giới, bị phân biệt đối xử và bị đàn áp.

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo, với chủ đề “Sứ Mạng Truyền Giáo nơi tâm điểm của Giáo Hội”. Cha mời gọi anh chị em hãy sống niềm vui của sứ mạng này bằng cách sống chứng tá cho Tin Mừng ngay giữa môi trường mình sống và làm việc. Đồng thời, chúng ta được mời gọi, với lòng yêu mến, có những trợ giúp thiết thực và nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, dành cho các nhà truyền giáo. Cha cũng nhớ rằng, cha có ý mở một tháng ngoại thường về Truyền Giáo vào tháng 10 năm 2019, để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân.  

Cha mời gọi anh chị em cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong những ngày này Cha đặc biệt quan tâm đến Kenya, là đất nước mà Cha đã viếng thăm năm 2015. Cầu nguyện cho mọi người biết tìm ra giải pháp để đáp lại những khó khăn hiện tại của đất nước, với tinh thần đối thoại có tính xây dựng, và đồng lòng vì lợi ích chung.

Cha chào thăm anh chị em hành hương đến từ Italia và các quốc gia khác. Đặc biệt là các tín hữu đến từ Luxembourg, Ibiza, Brazil. Cha chào thăm các nhóm tín hữu đến từ nhiều giáo xứ của nước Ý. Chúc anh chị em tiếp tục tiến bước trong đức tin với nhiều niềm vui. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha. Tạm biệt anh chị em!

Tứ Quyết SJ

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là phúc lành Thiên Chúa cho Bangladesh

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là phúc lành Thiên Chúa cho Bangladesh

Cuộc viếng thăm Bangladesh của Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối năm nay là phúc lành từ Thiên Chúa và là dấu chỉ đặc biệt về tình yêu thương của Đức Thánh Cha dành cho Bangladesh. Đó là lời khẳng định của Đức hồng y Patrick D'Rozario của giáo phận Dhaka, Bangladesh trong cuộc phơng vấn dành cho hãng tin Á châu.

Đức hồng y D'Rozario cho biết người dân Bangladesh và cộng đoàn Kitô tràn đầy vui mừng khi nghe tin Đức Phanxicô sẽ viếng thăm đất nước họ. Sau 31 năm, từ chuyến viếng thăm cuối cùng của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1986, cuối cùng người dân có thể có Đức Thánh Cha Phanxicô hiện diện ở giữa họ và điều này mang lại niềm vui cho tất cả.

Đối với cộng đoàn Công giáo Bangladesh, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là cuộc hành hương của con người thánh thiện và thiêng liêng của Đức Thánh Cha đến với họ: họ sẽ thấy ngài, nghe ngài, ở gần ngài và đụng chạm đến ngài, đứng trên cùng mảnh đất với ngài khi cử hành Thánh Thể. Sự kiện này cũng cho thấy ưu tiên mà Đức Thánh Cha dành cho dân chúng ở vùng ngoại biên, như đoàn chiên nhỏ bé của các Kitô hữu ở đây và cũng là sự nhìn nhận đức tin và chứng tá Tin mừng của họ.

Qua cuộc viếng thăm, dân chúng  Bangladesh nhận thấy ưu tiên Đức Thánh Cha dành cho Bangladesh và tình yêu nồng ấm trong trái tim ngài. Chuyến viếng thăm Bangladesh của Đức Thánh Cha sẽ là cơ hội để cử hành sự hòa hợp về tôn giáo và văn hóa, di sản của các giá trị nhân văn và luân lý, tình yêu nhân loại được mở rộng cho tất cả, không có giới hạn và biên giới, các giá trị Tin mừng và nhân bản nơi những người nghèo trong xã hội. Họ cũng hy vọng rằng nhờ Đức Thánh Cha, các cộng đồng quốc tế sẽ nghe được các tiếng nói của những người “không có tiếng nói”.

Tuy Bangladesh là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, nhưng tại quốc gia này, mọi lãnh đạo tinh thần đều được kính trọng và vinh danh bởi người dân thuộc các tôn giáo ở Bangladesh như: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và Ki tô giáo. Trên căn bản này, Đức Thánh Cha Phanxicô được đón tiếp như lãnh đạo tinh thần của thế giới và sẽ được đón tiếp bởi người dân của mọi tôn giáo, bao gồm Hồi giáo. Người dân muốn nhìn thấy Đức Thánh Cha, lắng nghe ngài, đụng chạm ngài nếu có thể và ở gần ngài. Điều này được tất cả xem như là sự chúc phúc. Thứ hai, phần lớn các Giáo hoàng, kể cả Đức Phanxicô, được nhìn nhận như tiếng nói lương tâm cho thế giới. Cho nên tất cả dân Bangladesh, không phân biệt tôn giáo, sẽ vui lòng lắng nghe ngài. Thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô được dân chúng yêu mến bởi vì nhiều lần ngài đã bảy tỏ tình thương và sự cảm thông của ngài đối với các nạn nhân của tai họa do con người gây nên cũng như các thảm họa do con người gây nên. Ngài đã nói nhân danh công lý và nhân loại mà những người được giáo dục vẫn còn nhắc nhớ cách sống động rõ ràng.

Theo Đức hồng y D'Rozario, nếu Đức Thánh Cha nói về vấn hòa hợp và hòa bình tại các khu vực khác nhau của Bangladesh thì cũng là điều tự nhiên, vì chủ đề chính của chuyến viếng thăm của ĐTC là hòa hợp và hòa bình. Đức hồng y khôngc hắc là Đức Thánh Cha có nói trực tiếp đến vấn đề nóng bỏng của những người tị nạn ở Myanmar hay không. Theo Đức hồng y, nếu Đức Thánh Cha phải nói về vấn đề này, ngài sẽ tôn trọng vai trò của Bangladesh bởi vì chính quyền Bangladesh đã cởi mở đón tiếp và đứng về phía nhân loại đau khổ. Giáo hội ở Bangladesh cũng thế, đang đáp lại các nhu cầu nhân đạo của người tị nạn. Vấn đề Đức Thánh Cha có gặp gỡ người tị nạn từ Myanmar hay không vẫn chưa được quyết định.

Đức hồng y D'Rozario hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang đến một sự thức tỉnh tinh thần và sẽ có ấn tượng tích cực trên đất nước Bangladesh. Người dân sẽ được khuyến khích để hoạt động hăng say hơn cho sự hòa hợp và hòa bình. Đức Hồng y kết luận: “Tóm lại, những chờ đợi của chúng tôi từ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là: xác định và nhìn nhận những điều tốt đẹp mà chúng tôi có; đánh giá cao điều chúng tôi là; lời mời gọi chăm sóc người nghèo và người trẻ – ước mơ và hy vọng của chúng tôi; khuyến khích hoạt động để phát triển con người toàn diện để đối mặt với những thử thách của thay đổi khí hậu và để đào sâu sự hòa hợp để xây dựng hòa bình trong xã hội.” (Asia News 05/10/2017)

Hồng Thủy

Kỷ niệm 80 năm các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được in

Kỷ niệm 80 năm các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được in

Cracovia – Tháng 10/1937, tại Cracovia, Chúa Giêsu đã truyền cho sơ Faustina, nay là thánh Faustina, tôn vinh giờ Ngài “chịu nạn”, 3 giờ chiều, giờ mà chính Chúa Giêsu gọi là “giờ của lòng thương xót lớn lao cho toàn thế giới”. Chúa Giêsu cũng nói: “Trong giờ đó, ơn cứu độ được thực hiện cho toàn thế giới, lòng thương xót chiến thắng sự xét xử.”

80 năm sau, lúc 15 giờ ngày 28/09 vừa qua, ngày kỉ niệm chân phước Michał Sopoćko – cha giải tội của sơ Faustina – dân chúng đã lần hạt Lòng Chúa Thương xót trên nhiều đường phố của Balan. Đây là sáng kiến của phong trầo “Chiếu tỏa Lòng Chúa Thương xót”, một phong trào được thành lập cách đây 10 năm. Dân chúng đọc kinh Lòng Thương xót trên các nẻo đường, các ngả tư, tại Balan cũng như trên thế giới, tại các nơi công cộng và mời gọi khách đi đường cùng cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong thư gửi đức giám mục giáo phận Lodz cho biết ngài cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện. Năm nay, các người tham dự buổi đọc kinh cầu nguyện cho chính mình, cho những người thân yêu của họ, cho quê hương, cho Giáo hội và cho thế giới, đặc biệt cho các Kitô hữu bị bách hại và cho những kẻ bách hại.

Chương trình cầu nguyện năm nay còn có một chiều kích đặc biệt khác, đó là 80 năm trước, vào ngày 27/09, tại nhà in J. Cebulski, số 22 đường Szewska, thành phố Cracovia, 22 hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên, với dòng chữ: “Giêsu, con tín thác vào Chúa”, đã được in trước sự hiện diện của sơ Faustina.

Trong nghi thức đặt bảng kỷ niệm nhà in này, Mẹ tổng quyền của dòng Đức Bà Lòng Thương xót Petra Kowalczyk đã nhắc rằng thánh Faustina đã nhìn thấy Chúa Giêsu như được vẽ trong các hình ảnh tại đan viện ở Płock. Sau đó thánh nữ đã theo dõi việc vẽ Chúa Giêsu ở Vilnius và cuối cùng, với sự kiểm soát của thánh Faustina, các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót  đầu tiên đã được in. Ngày nay hình ảnh này là một trong những hình ảnh đạo được phổ biến nhất trên thế giới.

Đức tổng giám mục Cracovia – Đức cha Marek Jędraszewski – nhấn mạnh rằng nghi thức cầu nguyện và đặt bản kỷ niệm nhà in hôm nay là một bước trong việc tuyên bố sự thật về Lòng Chúa Thương xót đã được bắt đầu với việc in các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót. Ngài cũng nhấn mạnh nghi thức này được cử hành vào dịp kỷ niệm 9 năm cha Michał Sopoćko – linh hướng và giải tội của sơ Faustina – được phong chân phước.

Cha Sopoćko là vị tông đồ đầu tiên của Lòng Chúa Thương xót; cha đã xuất bản các tác phẩm về Lòng Chúa Thương xót, tìm cách để thiết lập ngày lễ Lòng Chúa Thương xót, đóng góp vào việc vẽ hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên và đồng sáng lập một hội dòng. Năm 2004, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức của cha. Tháng 12/2007, Đức Biển đức XVI đã chứng nhận phép lạ qua lời chuyển cầu của cha Sopoćko. Ngày 28/09/2008, lễ phong chân phước cho cha đã được cử hành tại đền thành Lòng Chúa Thương xót ở Białystok. (ACI 05/10/2017)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Mi paz les doy” – tôi ban bình an của tôi cho họ – là khẩu hiệu tiếng Tây ban nha của chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 15-18/01/2018. Khẩu hiệu này lấy ý từ lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em”.

Ủy ban quốc gia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này cho biết, câu này vừa quen thuộc với các tín hữu Công giáo và cả người ngoài Công giáo. Nó diễn tả rằng với cuộc viếng thăm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mang lời của Chúa Giêsu như món quà đến cho Chilê. Trong thông cáo, Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng: “Với chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một nền văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy một bầu khí hiệp nhất cho dân tộc Chilê.”

Logo của chuyến viếng thăm rất đơn giản nhưng chứa đựng 3 yếu tố chính của cuộc viếng thăm: Thánh giá và khẩu hiệu là hai điều nhắc đến Chúa Kitô;  chữ ký và lá cờ nói đến Đức Thánh Cha; và bản đồ nước Chilê với hàng chữ “Chilê 2018” được viết bằng màu đỏ và xanh dương, hai màu cờ của Chilê, nói đến quốc gia này.

Được biết logo này không phải là một tác phẩm của một tác giả, nhưng là kết quả làm việc của một nhóm các nhà vẽ mẫu, các nhà truyền thông, các linh mục và giáo dân. (REI 20/08/2017)

Hồng Thủy

 

Mục tử tốt lành yêu mến chăm sóc đàn chiên, nhưng cũng biết lên án điều xấu

Mục tử tốt lành yêu mến chăm sóc đàn chiên, nhưng cũng biết lên án điều xấu

“Mục tử tốt lành dâng hiến mạng sống vì đàn chiên”. Trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng ngày 23/06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển bài giảng dựa trên đoạn sách trích từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Côrintô và từ đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến các đặc tính của người mục từ. Ngài tìm thấy nơi thánh Phaolô hình ảnh “mục tử đích thực”, không bỏ rơi đàn chiên như những người chăn thuê.

Mục tử đích thực có lòng đam mê nhiệt thành vì đàn chiên

Phẩm chất thứ nhất là niềm đam mê, đam mê “cho đến độ nói với dân của mình: ‘Vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa. Một niềm đam mê đến trở thành “điên khùng”, “khờ dại” vì dân của mình. Đây là điều mà chúng ta thường gọi là nhiệt tâm tông đồ, và theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một mục tử đích thực không thể thiếu ngọn lửa này ở trong lòng.

Mục tử đích thực biết phân định, quan sát từ sự cám dỗ của sự dữ

Đặc tính thứ hai của người mục tử là phải biết phân định. Mục tử phải biết là trong cuộc sống cám dỗ. Tên cám dỗ là cha của dối trá nhưng mục tử thì không. Mục tử yêu thương, còn tên cám dỗ thì ghen tị. Tên cám dỗ tìm cách lôi ké xa khỏi lòng trung thành, bởi vì cái ghen của Thiên Chúa nơi thánh Phaolô là để mang dân Chúa đến với vị hôn phu duy nhất, để gìn giữ dân Chúa trong sự trung thành với vị hôn phu. Trong lịch sử cứu độ, trong Thánh kinh, nhiều lần chúng ta tìm thấy sự rời xa Thiên Chúa, sự bất trung với Thiên Chúa, sự thờ kính ngẫu tượng giống như là một sự bất trung trong hôn nhân. Do đó mục tử phải biết đâu là nguy hiểm, nơi nào có ân phúc, và đâu là con đường đích thật để rồi biết đồng hành với đàn chiên của mình trong những thời điểm tốt lành và cả trong những giây phút tăm tối, trong những lúc bị cám dỗ, với sự kiên nhẫn để đưa đàn chiên về với đàn.

Mục tử đích thực biết lên án sự dữ và không ngây thơ

Một tông đồ không thể là một người ngây thơ. Không thể  nói: A, tất cả đều tốt, đều đẹp, chúng ta đi tiếp… Chúng ta tổ chức lễ hội, tất cả … chúng ta có thể … Bởi vì lòng trung thành với vị hôn phu là Chúa Kitô cần được bảo vệ, mục tử phải biết lên án: cách cụ thể là nói “không”, giống như các bậc cha mẹ nói với các đứa con nhỏ khi chúng bắt đầu bò đến và đặt ngón tay vào ổ cắm điện: ‘Không! Không! Nguy hiểm!!!’ Mục tử tốt lành biết lên án đích danh như thánh Phaolô đã làm.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại chuyến thăm Bozzolo và Barbiana, và giải thích cách chăm sóc đàn chiên của cha Milani. Cha Milani chăm sóc, yêu thương đàn chiên của mình nhưng không phải là để người khác muốn làm gì thì làm.

Châm ngôn của cha Milani khi dạy các thiếu niên là “I care” (tôi quan tâm). Cha dạy các thiếu niên những điều họ phải quan tâm, nghiêm túc, ngược lại với châm ngôn của ngừơi thời đó là “I don’t care” (tôi không quan tâm). Và cha Milani dạy các thiếu niên tiến bước, chăm sóc sự sống của mình và sự “I don’t care” này. Do đó mục tử biết lên án những điều ngược với cuộc sống. Nhiều lần Đức Thánh Cha đã nói “chúng ta đánh mất khả năng lên án và chúng ta muốn đưa đàn chiên tiến bước một tí với tính “hiền lành như bột”; điều này không chỉ là ngây thơ nhưng là “tạo nên điều xấu”. “Sự hiền lành thỏa hiệp” đó có khi là để thu hút sự ngưỡng mộ hay sự yêu mến của giáo dân.

Đức Thánh Cha tóm lại: Thánh Phaolô tông đồ, sự nhiệt thành tông đồ của Phaolô, đam mê, hăng hái: là đặc tính đầu tiên. Ngài là người biết phân định bởi vì thánh nhân biết sự cám dỗ và biết rằng ma quỷ cám dỗ, đó là đặc tính thứ hai. Ngài cũng là người có khả năng lên án những điều gây nên sự dữ cho đàn chiên, đó là đặc tính thứ ba. Và Đức Thánh Cha kết luận với lời cầu cho tất cả các mục tử của Giáo hội, xin thánh Phaolô cầu nguyện với Chúa để tất cả các mục tử chúng ta có thể có 3 phẩm tính này để phục vụ Thiên Chúa. (REI 23/06/2017)

Hồng Thủy

Sống sót sau trận động đất đã thay đổi cuộc đời của Pompeo Barbieri

Sống sót sau trận động đất đã thay đổi cuộc đời của Pompeo Barbieri

Roma – Chiều thứ 7, 08/04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, chuẩn bị cho ngày Giới trẻ Quốc tế lần thứ 32, được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa nhật Lễ Lá 09/04/2017.

Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ là thế giới cần các bạn lên đường vội vã, những người có ơn gọi cảm thấy rằng cuộc sống trao cho họ một sứ vụ”: “Thế giới có thể thay đổi chỉ khi người trẻ lên đường!” Ngài cũng nói rằng Giáo hội cần thêm mùa xuân và mùa xuân là mùa của người trẻ.

Trong buổi canh thức này, các bạn trẻ cũng được nghe chứng từ của Pompeo Barbieri, đến từ miền Puglia. Pompeo đã thuật lại thay đổi trong cuộc đời của mình kể từ trận động đất ngày 31/10/2002.

“Ngày 31/10/2002, giống như mọi buổi sáng, tôi thức dậy và đi đến trường. Luc đó tôi được 8 tuổi. Ngày hôm đó, cô giáo Carmela đang giảng cho chúng tôi về góc độ, dạy chúng tôi vẽ một cái ly trên một tờ giấy. Rồi cuối cùng chúng tôi sẽ nghỉ giải lao.

Nhưng ngược lại, vào lúc 11 giờ 33 phút, một cơn động đất mạnh làm rung chuyển tất cả. Họ nói nó kéo dài 60 giây, nhưng đối với tôi nó giống như vô tận. Lớp chúng tôi bị đổ vùi. Trong phút chốc, chúng tôi bị chôn vùi dưới một đống gạch. Tôi ở gần cửa ra vào và tôi thấy bức tường đổ xuống trên tôi. Tôi cảm thấy sức nặng đè lên mình. Gần tôi là bạn Angelo đang kêu cứu. Tôi thì không. Tôi im lặng bởi vì nghĩ điều đang xảy ra với chúng tôi thì cũng đang xảy ra với tất cả, trên khắp thế giới. Do đó, kêu cứu chả ích lợ gì, vì theo tôi, không có ai có thể cứu chúng tôi.

Tôi không biết mình bị ở đó bao lâu. Tôi biết là những người  lính cứu hỏa đã kéo tôi ra ngoài và tôi tỉnh lại trong nhà thương. Sự sống của tôi nằm trong vòng nguy hiểm suốt 3 tháng trời, cho đến tháng 1. Chỉ sau đó, cha mẹ tôi mới kể cho tôi biết cô giáo và 27 bạn học của tôi đã chết trong trận động đất đó. Các bạn của tôi bị chết ở trường của tôi. Trong số các bạn học cũng có người anh em họ của tôi.

Suốt một tuần lễ, tôi không nói năng, không ăn uống gì. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị thương tổn bởi những gì xảy ra. Tôi sống sót, trong khi họ thì không còn … tại sao?”

Sau những thất vọng, tôi hiểu rằng tôi phải hành động, tôi phải xem mình may mắn bởi vì còn sống, tôi phải sống cho cả những người không thể sống. Và như thế, ngay cả khi họ chuyển tôi đến Imola và nói với tôi là tôi sẽ không thể đi lại được nữa, tôi đối diện với điều này một cách can đảm hơn.

Khi đó tôi 8 tuổi chiếc xe lăn trở thành một đồ chơi đối với tôi, gần như là một chiếc máy điều khiểm từ xa. Các bác sĩ bảo tôi đi bơi và thay vì sợ hãi, bơi lội đã trở thành một đam mê thật sự. Tóm lại, dường như tất cả được đặt vào guồng máy hoạt động trở lại. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn và tôi cảm thấy mình không thể bị tấn công.

Nhưng ngược lại, 10 năm sau, một thử thách mói. Khi được 18 tuổi, một vấn đề khác xảy ra và tôi buộc phải được lọc máu. Vào giây phút đó, tôi cảm thấy bị lạc hướng và nghĩ rằng nó không công bằng, bởi vì sau những gì tôi đã chịu trong quá khứ, tôi đáng được hưởng một đặc ân cho cuộc sống, do đó không thể xảy ra cho tôi thêm điều xấu nào nữa. Tôi muốn la lên với Chúa: ‘Tại sao Chúa đã cứu con khi con 8 tuổi để rồi con phải chịu đau khổ thêm nữa?’

Ngược lai, cuộc đời không giống như thế và luôn làm cho bạn ngạc nhiên. Và ngay cả khi lần đó tôi may mắn vì cha tôi đã cho tôi thận của ông.

Đối với điều này, tôi sẽ không thay đổi điều gì trong cuộc sống của tôi và của thảm kịch đó. Tôi chỉ muốn là các bạn của tôi còn sống ở đây, chỉ điều này.

Đối với phần còn lại, đau khổ đó, chiếc xe lăn đó, dạy tôi nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều nhỏ bé và nhắc tôi mỗi ngày về sự may mắn mà tôi có. Và mỗi ngày chúng dạy tôi vượt qua những thời khắc thất vọng và cám ơn Chúa về điều tôi có: gia đình tôi, các bạn của tôi và cả niềm đam mê bơi lội của tôi, nhờ nó mà ngày nay tôi có một ước mơ: tham dự thế vận hội dành cho người tàn tật.

Trận động đất đó đã thay đổi cuộc sống của tôi và của rất nhiều người ở San Giuliano, nhưng từ ngày đó, tôi không còn sợ hãi tương lai và những gì mà cuộc sống dành cho tôi.” (Sismografo 08/04/2017)

Hồng Thủy

Truyền hình trực tiếp và thuyết minh tiếng Việt, Lễ Truyền Dầu và Lễ Phục Sinh do Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

Truyền hình trực tiếp và thuyết minh tiếng Việt, Lễ Truyền Dầu và Lễ Phục Sinh do Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

Anh chị em thân mến!

1. Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Truyền Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh lúc 14h25 ngày 13.04.2017

Thứ năm ngày 13.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô (hay còn gọi là Đền Thờ Thánh Phêrô).

Truyền Thông Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp và thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube: Vatican – Tiếng ViệtGiờ Thánh Lễ là: 14:25 (2h25 chiều) ngày 13.04.2017 giờ Việt Nam

2. Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật lúc 14h55 ngày 16.04.2017

Chúa Nhật ngày 16.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Truyền Thông Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp và thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube: Vatican – Tiếng ViệtGiờ Thánh Lễ là: 14:55 (2h55 chiều) ngày 16.04.2017 giờ Việt Nam

Ban Việt Ngữ – Truyền Thông Vatican

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Washington – Ngày 13/03 vừa qua, tổng giáo phận Oklahoma City đã loan báo về lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother, một linh mục sinh quán tại giáo phận, tử đạo tại Guatemala vào năm 1981.

Đức tổng giám mục Paul S. Coakley đã nhận được tin chính thức từ Roma: Tôi tớ Chúa, cha Stanley Rother, sẽ được phong chân phước tại Oklahoma City vào ngày 23/09 năm nay.

Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Rother và cha trở thành vị tử đạo đầu tiên sinh tại Hoa kỳ.

Đức tổng giám mục Coakley nói với nhật báo Oklahoma là Đức Hồng y Angelo Amato, tổng trưởng bộ Phong thánh sẽ đại diện Đức Thánh Cha tại lễ phong thánh.

Cha Stanley Rother được tổng giáo phận Oklahoma gửi đi truyền giáo ở Santiago Atitlan, Guatemala vào năm 1968. Trong thời gian ở đây, cha đã giúp xây một bệnh viện nhỏ, một trường học và một đài phát thanh Công giáo đầu tiên ở Guatemala.

Năm 1981, khi Guatemala đang ở trong thời kỳ xung đột kéo dài hàng thập kỷ, cha Rother sống trong một vùng nông thôn của người bản xứ và bị chính quyền kết án có cảm tình với quân nổi loạn, đã chịu chung số phận với các giáo dân và người Guatemala bản xứ, cha bị bắn tại nhà xứ.

Cha Rother là một trong khoảng 200 ngàn người bị giết trong cuộc nội chiến ở Guatemala, kéo dài từ năm 1960 và kết thúc với hiệp định hòa bình vào năm 1996. (CNS 13/03/2017)

Hồng Thủy

Cuộc đời Chúa Giêsu không phải là câu chuyện tưởng tượng

Cuộc đời Chúa Giêsu không phải là câu chuyện tưởng tượng

Ariccia – Chiều Chúa nhật 05/03, Đức Thánh Cha Phanxicô và các cộng sự viên của ngài trong giáo triều Roma đã bắt đầu tuần tĩnh tâm do cha Giulio Michelini, dòng Anh em hèn mọn, thường được gọi là dòng Phanxicô, giảng thuyết.

9 bài suy niệm của cha Michelini xoay quanh cuộc Thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo thánh sử Mátthêu. Cha Michellini đã bắt đầu bài suy niệm đầu tiên vào chiều tối chúa nhật.

Cha Michelini nhấn mạnh trong bài giới thiệu: “Chúa Giêsu thực sự chết và cuộc đời của Ngài không phải là một câu truyện tưởng tượng.”

Cha Michelini đặt câu hỏi cho các tham dự viên tuần tĩnh tâm: Trong tuần tĩnh tâm người ta sống điều gi? Lấy cảm hứng từ Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), cha nói, mỗi người phải xem mình nằm trong số những người cần được tái phúc âm hóa. Theo cha, “cuộc truyền giảng Tin mừng mới được hiểu đầu tiên là đốt sáng lên trái tim của các tín hữu thường tham gia vào cộng đoàn.”

Tuần tĩnh tâm sẽ kết thúc vào sáng thứ 6, 10/03 và sau đó Đức Thánh Cha sẽ trở về Vatican ngay sau đó. (ACI 06/03/2017)

Hồng Thủy

 

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Osaka – Ngày 7/2 tới đây, nghi lễ trọng thể phong chân phước cho Justo Takayama Ukon (1552-1615), được gọi là “võ sĩ samurai của Chúa Kitô”, một nhân vật được yêu quý của Giáo hội Nhật bản, sẽ được cử hành tại Osaka.

Đức cha Isao Kikuchi của Giáo phận Niigata và chủ tịch cơ quan bác ái của Nhật nói với hãng tin Fides là thời gian cử hành Thánh lễ đã chính thức được Tòa Thánh và hội đồng Giám mục Nhật đồng ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh phong chân phước vào tháng 1/2016 và Giáo hội Nhật bản đã chuẩn bị cho sự kiện này suốt một năm qua. Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh sẽ chủ sự Thánh lễ. Thánh lễ sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình ở Nhật bản.

Trong tất cả 42 thánh và 393 chân phước Nhật bản, tất cả đều tử vì đạo, thì Takayama là một nhân vật đặc biệt. Đó là một giaó dân, một chính trị gia, một quân nhân, một võ sĩ samurai, đã không được tôn vinh trên bàn thờ vì bị giết mà vì đã chọn con đường theo Chúa Kitô, nghèo khó, vâng phục và chịu đóng đinh. Ukon đã từ bỏ địa vị cấp cao trong xã hội, sự thượng lưu và giàu có để trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng.

Sinh ra trong một gia đình địa chủ, Ukon trở lại Kitô giáo lúc 12 tuổi, liên lạc với các thừa sai dòng Tên và theo bước người cha của mình. Được thánh Phanxicô Xaviê loan truyền đến Nhật bản vào năm 1549, Tin mừng Chúa Kitô đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nhưng khi Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền ông cấm việc thực hành Kitô giáo. Tất cả các địa chủ lớn đều vâng lệnh, chỉ trừ Ukon. Ông sẽ mất tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng. Ông sẽ trở thành một người vô gia cư và phải sống lưu vong. Cùng với 300 Kitô hữu Công giáo Nhật bản khác, Ukon đào tẩu đến Manila, và chỉ 40 ngày sau khi đến đây, ông ngã bệnh và qua đời ngày 4/2/1615.

Từ thế kỷ XVII, các tín hữu Nhật bản đã loan truyền sự thánh thiện của Ukon nhưng chính sách cô lập của quốc gia đã ngăn cản các nhà điều tra giáo luật thu thập các chứng cứ cần thiết để tuyên thánh. Đến năm 1965, các Giám mục Nhật bản mới tiếp tục lại hồ sơ và cùng nhau thúc đẩy quá trình phong chân phước.

Một bộ phim tài liệu về cuộc đời của Ukon đã được thực hiện với tựa đề “Ukon võ sĩ Samurai: con đường của gươm giáo, con đường của thập giá” với sự bảo trợ của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa , sự cộng tác của Tòa đại sứ Nhật bản cạnh Tòa Thánh, của Hội đồng Giám mục Nhật bản, của dòng Tên ở Italia, của "Trentino Film Commission”. 

Logo được chọn cho lễ phong chân phước được thiết kế bởi nữ tu M. Ester Kitazume, với 7 ngôi sao tròn dấu hiệu của dòng họ Takayama, với thánh giá và 3 cái nhẫn ở khung hình nền. 7 ngôi sao chỉ về gia đình của Ukon nhưng cũng là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh Thần. Thánh giá là dấu chỉ của sự trao tặng sự sống của Ukon. (Fides 20/1/2017)

Hồng Thủy

Kinh nghiệm của một Linh mục Thừa sai Lòng thương xót

Kinh nghiệm của một Linh mục Thừa sai Lòng thương xót

Cha John Paul Zeller là một tu sĩ dòng Thừa sai Phanxicô Lời vĩnh cửu, do mẹ Angelica sáng lập. Cha cũng là một trong hơn 1000 Thừa sai Lòng thương xót, được Đức Thánh Cha Phanxicô sai đi khắp thế giới trong Năm Thánh, như các sứ giả của lòng thương xót. Các Thừa sai Lòng thương xót nhấn mạnh đến vài trò rao giảng về lòng thương xót và cụ thể lòng thương xót qua bí tích  giải tội. Trong một năm qua, cha John Paul đã sống những kinh nghiêm tuyệt vời về lòng thương xót. Chúa đã làm cha ngạc nhiên nhiều lần khi cha cảm nghiệm lòng thương xót Chúa dành cho một hối nhân trong tòa giải tội. Như một Linh mục, là khí cụ nhân danh Đức Kitô, có thể lau sạch sự dơ bẩn cặn bã của hàng thập kỷ nhờ phép tha tội trong bí tích, là một trong những điều vĩ đại nhất mà cha làm mỗi ngày. Sứ vụ của Thừa sai lòng thương xót giúp cha hiểu hơn về bí tích giải tội. Chúng ta cần biết, việc xưng tội thường xuyên giúp chúng ta tham dự hữu hiệu hơn vào hy tế hy sinh của Thánh lễ. Cha xưng tội mỗi 2 tuần vì cha nhận biết là mình không thể là một cha giải tội tốt nếu cha không phải là một hối nhân tốt. Sự thống hối của các tín hữu khi đến tòa giải tội giúp cha tự xét mình, tôi có thống hỗi về tội lỗi của mình không. Cha chứng kiến cách Chúa khiến một người ăn năn. Ăn năn là một phép lạ của ân sủng và đối với cha, mỗi khi một người quỳ xuống xưng tội, đó là phép lạ của ân sủng của Chúa.

Cha John Paul cầu nguyện để mình không bào giờ mỏi mệt là một Thừa sai của Lòng thương xót. Năm Thánh lòng thương xót đã kết thúc, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, không có nghĩa là lòng thương xót cũng kết thúc, cha John Paul cũng nghĩ là các tín hữu không ngừng thương xót và ngừng thực hành các công việc thương xót tinh thần và thể lý. Lòng thương xót của Thiên Chúa tồn tại mãi mãi.

Mới chịu chức Linh mục được hơn 3 năm, cha John Paul gọi mình là Linh mục baby – em bé, nhưng cha tin rằng khi chính Linh mục yêu mến và thực hành việc xưng tội thì điều này được tỏ hiện qua cách các ngài dâng lễ và giảng Lời Chúa. Cha chia sẻ những kinh nghiêm của mình với các Linh mục về sự tha thứ và bí tích giải tôi: “Chúng ta cần những Linh mục can đảm giảng dạy cách rõ ràng về Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô và các giáo huấn của Hội thánh. Tôi hy vọng các Linh mục mời gọi giáo dân lãnh nhận Bí tích hòa giải. Nếu chúng ta không giảng dạy về niềm vui của tha thứ mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta trong các bí tích thì dân chúng sẽ không đến.” Cha John Paul cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của những Linh mục kiên nhẫn khi chờ đợi giáo dân đến xưng tội. Ngài nói: “Thiên Chúa rất kiên nhẫn với chúng ta, vì vậy chúng ta, là các Linh mục, cũng cần kiên nhẫn với dân Chúa. Nếu chúng ta ngồi và chờ đợi thì cuối cùng giáo dân sẽ đến. Chính cha thánh Gioan Maria Vianey làm chứng về điều này. Khi ngài mới đến làm cha sở xứ Ars, ngài đã ngồi ở tòa giải tội chờ các tín hữu đến xưng tội. Cuối cùng, dân chúng từ khắp châu Âu lũ lượt kéo đến xung tội với vị Linh mục thánh thiện này.”

Cha John Paul chia sẻ về một ít lần trong Năm Thánh này, ngài đã xin lỗi công khai “nhân danh các Linh mục, những người đã “nặng tay hay dữ dằn với giáo dân trong tòa giải tội.” Trong những trường hợp người ta rời bỏ Giáo hội vì gặp phải những kinh nghiệm không hay khi trong tòa giải tội, cha đã xin họ tha thứ và khuyến khích họ trở lại. Cha nhận thấy nhiều người đã lau nước mắt và đi đến tòa giải tội. Cha chia sẻ ví dụ về một phụ nữ đã nhận lời xin lỗi nhân danh chồng của bà, người đã bỏ giáo hội Công giáo từ 25 năm trước, sau một lần đến xưng tội và bị cha giải tội la mắng ở tòa giải tội. Sau  khi xin người vợ số điện thoại của người chồng, cha John Paul đã điện thoại cho ông và xin ông tha thứ.

Cha John Paul chia sẻ: “Là các Linh mục, chúng ta rất cần kiên nhẫn và cảm thông với các giáo dân trong tòa giải tội." Cha nhớ lại một vị linh hướng đã nói với cha khi cha còn trong giai đoạn huấn luyện rằng “các Linh mục nên giống như các con sư tử trên tòa giảng nhưng lại như các con cừu hiền lành ở tòa giải tội.” (CNA 19/11/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp công khai một Giám mục Hoa lục

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp công khai một Giám mục Hoa lục

duc-thanh-cha-chup-hinh-voi-duc-cha-tu-hong-can-va-cac-tin-huu-hanh-huong-nguoi-trung-quoc

Ngày 5 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức cha Từ Hồng Căn và các tín hữu hành hương của Giáo phận Tô châu, thuộc tỉnh Giang châu, Trung quốc, trong buổi yết kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô. Hình ảnh về cuộc gặp này đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội giữa các tín hữu Công giáo.

Đây là lần đầu tiên vị đứng đầu Giáo hội gặp một Giám mục từ Hoa lục trong một sự kiện công khai.

Sự kiên này đã gặp những phản ứng khác nhau giữa các cộng đoàn Công giáo hầm trú và công khai ở Trung quốc, vì những cuộc thương thuyết đang tiếp diễn giữa Vatican và đảng cộng sản lãnh đạo Trung quốc đang chia rẽ các tín hữu Công giáo.

Giáo phận Tô châu được thành lập từ năm 1949, và hiện do Đức cha Từ Hồng Căn, 54 tuổi, coi sóc từ năm 2005. (Ucan 13/10/2016)

Hồng Thủy 

Những ý kiến đầu tiên của một số Tân Hồng y sẽ được bổ nhiệm

Những ý kiến đầu tiên của một số Tân Hồng y sẽ được bổ nhiệm

duc-thanh-cha-trao-mu-cho-tan-hong-y

Hôm Chúa nhật 9/10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh tính của 17 vị Tân Hồng y sẽ được vinh thăng trong Công nghị Hồng y vào ngày 19/11 tới đây. Sau đây là ý kiến của một số vị về việc bổ nhiệm này.

Đức Tổng Giám mục Blase Cupich đã chia sẻ trên trang web của Tổng Giáo phận Chicago: “Tin về việc Đức Thánh Cha Phanxicô chọn tôi vào Hồng y đoàn vừa khiêm nhường vừa có tính khích lệ … Khi Đức Phanxicô bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám mục Chicào 2 năm trước đây, giáo dân của Tổng giáo phận đã đón rước tôi như một người bạn và một người anh em và tôi đã cam kết hết lòng phục vụ họ. Vai trò của Hồng y mang đến những trách nhiệm mới nhưng với lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của anh chị em, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc mà chúng tôi đã bắt đầu để canh tân Giáo hội trong Tổng giáo phận và chuẩn bị cho nó phát triển trong những thập niên tới.”

Trang web của Tổng Giáo phận Indianapolis cũng đăng những lời thông báo của chính Đức Tổng Giám mục John Tobin về việc bổ nhiệm Hồng y. Đức Tổng Tobin bày tỏ lòng yêu mến sâu đậm cua ngài đối với các cộng đoàn Công giáo ở miền trung và nam Indiana và coi đây là một phúc lành quý giá khi có rất nhiều tình bạn với các lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo trong tiểu bang. Ngài xin cầu nguyện cho ngài và hy vọng trách nhiêm mới sẽ giúp ngài trở nên một đầy tớ tốt hơn của mọi “Hoosiers” (cư dân Indiana).

Cả hai Đức Tổng Cubich và Tobin đều bày tỏ sự ủng hộ và cầu nguyện cho các vị Tân hồng y người Mỹ.

Trang web của Hội đồng Giám mục Mexico thì loan tin: “Với tâm tình vui mừng và tạ ơn Chúa, Giáo hội Công giáo Mexico hiệp thông với niềm vui của Giáo phận Tlalnepantla qua việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức cha Carlos Aguiar Retes lên hàng Hồng y của Giáo hội hoàn vũ. Chúng ta dâng lời cầu nguyện cho Đức cha và phó thác cho Đức Mẹ Guadalupe để ngài tiếp tục làm việc hiệu quả trong sứ vụ của ngài, trong giai đoạn mới phục vụ như một Hồng y.”

Đức cha Maurice Piat, Tổng Giám mục của Port-Louis, đảo Maurice, nhìn nhận việc bổ nhiệm ngài là một sự khích lệ Đức Thánh Cha dành cho Giáo hội ở Maurice trong Năm Thánh lòng thương xót. Ngài nói: “Nó là sự khích lệ tiếp tục đón nhận lòng thương xót này, điều làm nhiều điều tốt lành cho chúng ta và trên hết hành động như những chứng nhân khiêm nhường của lòng thương xót.” Đức cha cũng cho biết mình bị đánh động bởi sự tin tưởng Đức Thánh Cha dành cho mình và xác định: được vinh thăng Hồng y không phải là một vinh dự. Ngài giải thích: “Trước hết nó là một trách nhiệm được ủy thác, một sự cộng tác chặt chẽ với Đức Thánh Cha và được kêu gọi tham dự vào việc bầu chọn Đức Giáo hoàng. Do vậy, tôi xin anh chị em ở Maurice, Kitô hữu cũng như các tín đồ các tôn giáo, cầu nguyện cho tôi.”

Đức Tổng Patrick D’Rozario của Dhaka (Bangladesh) nhận tin bổ nhiệm khi đang dâng Thánh lễ tại giáo xứ Tejgaon và đã cảm động vì vui mừng. Cả cộng đoàn giáo dân cũng hân hoan vui sướng khi nhận được tin. Hãng tin Á châu đăng tải lời nhận định của Đức Tổng D’Rozario: “Việc bổ nhiệm tôi làm Hồng y là một chúc lành, cám ơn và nhìn nhận của vị chủ chăn tối cao của Giáo hội hoàn vũ đối với Giáo hội tại Bangladesh. Đây là một vinh dự Đức Thánh Cha ban cho tất cả dân tộc và đất nước Bangladesh. Tôi đón nhận việc bổ nhiệm trong tinh thần này và cám ơn Đức Thánh Cha nhân danh toàn đất nước Bangladesh.”

Việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Anthony Soter Fernandez làm Hồng y đầu tiên của Malaysia cũng là niềm vui cho các tín hữu Công giáo. Cha Lawrence Andrew nói với hãng tin Á châu: “Việc bổ nhiệm làm chúng tôi nhận thấy rằng cuối cùng đất nước chúng tôi ở trên bản đồ, Giáo hội địa phương đã đạt tới tầm mức trưởng thành.” Nhận định về vị Tân hồng y, cha cho biết đó là người có tầm nhìn rõ ràng về những gì mà Giáo hội Malaysia cần. Ngài đã hướng dẫn cộng đoàn trong tiến trình hiểu biết về tầm quan trọng của việc là một Giáo hội. Ngài đã đấu tranh cho công lý và hòa bình, chống lại bất công. Ngài là một Giám mục vĩ đại, là một người có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, một người thánh thiện. Ngài trở thành Hồng y là một chúc lành cho chúng tôi.

Trong sứ điệp gửi đến hãng tin Á châu,  Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai, chủ tịch Liên hội đồng Giám mục Á châu nhận định việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm 3 Tân hồng y cho Á châu chứng tỏ tình yêu ngài dành cho châu lục này và cho người dân Á châu, tầm nhìn bao gồm tất cả cuộc đối thoại với các nền văn hóa, các tôn giáo và người nghèo ở Á châu, cũng như chiều kích sâu rộng, niềm hy vọng và sự can đảm hiện có của Á châu.

Trang web của Tổng Giáo phận Madrid cho biết Đức cha Carlos Osoro đã nhận tin được bổ nhiệm làm Hồng y với sự ngạc nhiên, lòng biết ơn và ngài ước muốn trọn cuộc sống phục vụ Giáo hội và Đức Thánh Cha. (SD 10/10/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Georgia Azerbaijan – điểm báo 01/10/2016

Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Georgia  Azerbaijan – điểm báo 01/10/2016

Đức Thánh cha thăm Georgia

– Trang mạng của Radio ECO DEL CAUCASO viết về ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nhấn mạnh ý kiến của Đức Thượng phụ Ilia. Ngài gọi đây là chuyến viếng thăm lịch sử, khẳng định tình yêu thương huynh đệ giữa hai Giáo hội và nói rằng có những điểm chung và tất cả theo đuổi việc tiến gần đến hiệp nhất.

 Tất cả các cơ quan báo chí đều nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha và viết rằng vấn đề bầu cử đã không nằm trong Top News trong một ngày (30/09/2016).

– Cơ quan báo chí GIORGIA ON LINE có hai bào báo về chuyến viếng thăm với hình ảnh chính thức: Bài thứ nhất nhấn mạnh những lời Đức Thượng phụ gọi Đức Thánh Cha Phanxicô “người anh em yêu quý”. Bài báo cũng dành chỗ cho niềm hy vọng rằng có một tinh thần xây dựng mới giữa hai Giáo hội, với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Bài báo thứ hai trình bày về vấn đề chính trị, cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh cha và Tổng thống, trưng dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa Georgia là cầu nối giữa Châu Âu và châu Á. Sau đó bài báo trích dẫn bài diến thuyết của Tổng thống, ông đã cám ơn Tòa Thánh về sự gần gũi với các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và bày tỏ hy vọng là từ nay cộng đồng quốc tế sẽ chú ý nhiều hơn đến đất nước này. Như thế báo này có cái nhìn tích cực về chặng đầu của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

– Cơ quan báo chí SPUTNIK –GEORGIA chú trọng nói với giới trẻ. Báo này theo dõi mọi diễn tiến của chuyến viếng thăm này; có bài về cuộc phỏng vấn một thần học gia Công giáo; các hình ảnh của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1999; một bảng câu hỏi online về ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, trong đó 31% dân số nói chuyến viếng thăm này như là một “dấu chỉ”, một sự kiện hàng đầu của đất nước; 18% xem đó như là một sứ điệp chính trị của Vatican gửi cho thế giới, 4% nhìn thấy đây là một biến cố thánh thiêng cá nhân … và 46% không quan tâm đến cuộc viếng thăm này.

– Các nhật báo ON LINE

Báo CIVIL .GE chuyên về chính trị thì dành 2 bài cho cuộc viếng thăm: một bài về cuộc gặp với Đức Thượng phụ và bài khác về cuộc gặp với Tổng thống Giorgi Margvelashvili, trong đó nhấn mạnh các lời của Đức Thánh Cha về sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia trong vùng là điều kiện không thể thiếu và tiên quyết cho sự phát triển lâu dài.

Báo CAUCAS PLUS đăng trên trang nhất tấm hình lớn của Đức Thánh cha và tổng thống: và điều được nhấn mạnh là Georgia được Đức Thánh cha định nghĩa là cầu nối giữa các dân tộc. (SD 01/10/2016)

Hồng Thủy

Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Azerbaijan vui mừng được Đức Phanxicô viếng thăm

Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Azerbaijan vui mừng được Đức Phanxicô viếng thăm

Logo chuyến viếng thăm Azerbaijan của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Baku, Azerbaijan – Một tuần trước cuộc viếng thăm Azerbaijan của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật ngày 2/10, hàng chục tín hữu Công giáo đã tụ họp dâng Thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm, nhà thờ Công giáo duy nhất ở Azerbaijan, được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 21 này sau khi bị quân đội Xô viết của chế độ độc tài Stalin phá hủy vào những năm 1930. Sau khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Baku vào năm 2002, ngài đã tặng cộng đoàn Công giáo địa phương mảnh đất đã được tổng thống Heydar Aliyev tặng cho ngài. Việc xây dựng nhà thờ được tài trợ bằng tiền nhuận bút từ các cuốn sách của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và từ cuộc bán đầu giá do Bộ Loan báo Tin mừng tổ chức.

Cộng đoàn Công giáo tại Azerbaijan rất nhỏ; theo số liệu của Vatican, có khoảng 500 người, định cư ở các vùng thành thị và nông thôn. Vì vậy các tín hữu Công giáo sẽ tập họp ở Baku để đón Đức Thánh Cha và cử hành Thánh lễ.

Anh Gabriel de Souza, 32 tuổi, chia sẻ với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ vào hôm 25/9 vừa qua: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một sự kiện lớn đối với người Công giáo ở Azerbaijan và chúng tôi mong đợi tiếp đón ngài; nhìn thấy ngài tận mắt và dâng lễ Chúa nhật với ngài thật là một phúc lành”. Anh nói thêm: “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và chúng tôi tin rằng khi Đức giáo hoàng đến, ngài sẽ đưa ra một sứ điệp vĩ đại về nhân loại và hòa bình.”

Bà Victoria Joseph, một giáo dân 56 tuổi chia sẻ là bà chưa bao giờ được nhìn thấy một vị Giáo hoàng. Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô khiến cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé ở Azerbaijan cảm thấy quan trọng. Nó là một vinh dự và đặc ân lớn lao cho các tín hữu Công giáo.

Cha Vladimir Fekete, người đứng đầu miền Giám quản  Tông tòa tại Azerbaijan nhận định: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha rất quan trọng, không chỉ cho nước Azerbaijan nhưng cho cả vùng Caucasus. Cha cho biết là Đức Thánh Cha nhắm đề cao sự đóng góp của các tín hữu Công giáo  cho hòa bình, tự do tôn giáo và hòa hợp liên tôn. Cha nói: “Nhờ cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, đức tin Công giáo trong vùng này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Nó cũng làm nổi bật vai trò toàn cầu của Vatican trong việc giải quyết các xung đột trong vùng và toàn cầu.”

Từ năm 1988, Azerbaijan và Armenia đã tranh chấp quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh, một vùng đất có phần lớn là người Armenia nhưng lại nằm gọn trong Azerbaijan. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm Armenia vào cuối tháng 6. Trên chuyến bay về Roma, ngài nói là ngài hy vọng cổ vũ hòa bình giữa hai quốc gia. (CNS 26/09/2016)

Hồng Thủy

Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta

Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta

Đưc Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 Thường Niên

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 11 tháng 09,  Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng với ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa. Ngài là một người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta chương 15, Tin Mừng theo thánh Luca. Chương này nói về lòng thương xót, bao gồm ba dụ ngôn, qua đó Đức Giêsu đáp lại những lời xì xầm của các kinh sư và luật sỹ. Họ chỉ trích Đức Giêsu về những hành động của Ngài. Họ nói: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’ (Lc 15, 2). Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn mọi người hiểu rằng Thiên Chúa Cha muốn dành thái độ đón nhận, cảm thông và thương xót trước hết cho những người tội lỗi. Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được miêu tả như vị mục tử sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc mất. Ở dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa được ví với người phụ nữ đánh mất đồng bạc, đã thắp đèn đi tìm cho kỳ được. Với dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được miêu tả giống như người cha đón nhận và tha thứ cho đứa con hoang đàng bỏ nhà đi xa; hình ảnh người cha đã vén mở trái tim nhân hậu của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giêsu.

Điểm chung của cả ba dụ ngôn này là điều được diễn tả ngang qua các động từ có ý nghĩa chung vui với nhau, mở tiệc ăn mừng. Không phải khóc than, buồn sầu nhưng là chung vui với nhau và mở tiệc mừng. Người mục tử đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’ (Lc 15, 6).  Người phụ nữ cũng mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’ (Lc 15, 9). Cũng vậy, người cha nói với đứa con cả: ‘Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’ (Lc 15, 32). Ở hai dụ ngôn đầu, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự vui mừng. Niềm vui ấy lớn đến nỗi khiến cho người ta phải chia sẻ với ‘bạn bè và hàng xóm’. Trong dụ ngôn thứ ba, điểm quan trọng là tiệc mừng. Tiệc mừng ấy xuất phát từ trái tim giầu lòng thương xót của người cha và lan tỏa đến khắp mọi người trong nhà. Tiệc mừng mà Thiên Chúa dành cho những ai biết ăn năn trở lại với Ngài thật am hợp biết bao với tâm tình mà chúng ta đang trải nghiệm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Chúng ta đều dùng một thuật ngữ chung ‘năm toàn xá’!

Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa, là người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Dụ ngôn cảm động nhất, vì diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là dụ ngôn về người cha chạy ra ôm cổ người con trai bị lạc mất và hôn lấy hôn để. Như vậy, điểm đánh động ở đây không phải là câu chuyện buồn về một chàng thanh nhiên trẻ bị rơi vào cảnh suy đồi, nhưng chính là những lời nói đầy xác quyết của anh: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha’ (Lc 15, 18). Con đường về nhà là con đường của hy vọng và của một đời sống mới. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình trở về. Ngài đợi chờ chúng ta với niềm hy vọng. Ngài trông thấy ta khi ta còn ở mãi đằng xa. Ngài chạy ra ôm chầm lấy ta, hôn lấy hôn để và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa là như thế đó! Cha của chúng ta đáng yêu như thế đó! Sự tha thứ của Thiên Chúa xóa bỏ quá khứ lầm lỗi và tái sinh chúng ta trong tình yêu. Quên đi quá khứ chính là điểm yếu của Thiên Chúa. Mỗi khi Ngài ôm lấy ta và tha thứ cho ta là Ngài quên hết quá khứ, chẳng còn nhớ gì nữa. Thiên Chúa lãng quên quá khứ lỗi lầm. Khi chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn và trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ chẳng bao giờ quở mắng hay trách phạt, vì Thiên Chúa cứu độ và tái đón nhận ta vào nhà với niềm vui và tiệc mừng. Chính Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nói: ‘Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn’ (Lc 15, 7). Tôi muốn hỏi anh chị em một điều: Anh chị em có bao giờ nghĩ rằng mỗi khi chúng ta đi xưng tội là trên trời tràn ngập niềm vui và mở tiệc mừng hay không? Anh chị em có bao giờ nghĩ như thế chưa? Thật là đẹp biết bao!

Điều này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, vì với ân sủng của Thiên Chúa chúng ta có thể tiếp tục đứng dậy mỗi khi té ngã trước mọi tội lỗi dù tội đó trầm trọng đến mấy đi nữa. Không có ai là hết phương cứu chữa; chẳng có ai mà không được cứu độ! Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội! Xin Đức Trinh Nữ Maria, Chốn Náu Nương cho những ai tội lỗi, làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta niềm xác tín giống như đã nảy sinh trong trái tim của người con hoang đàng: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với cha’ (Lc 15, 18). Bằng cách đó, chúng ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa và niềm vui của Ngài sẽ trở thành niềm vui cũng như tiệc mừng của chúng ta.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện đặc biệt cho Gabon, đang trải qua những giây phút khủng hoảng chính trị trầm trọng. Tôi phó thác vào tay Thiên Chúa toàn năng các nạn nhân của những vụ đụng độ cũng như gia đình của họ. Tôi hiệp lời với các Giám mục của đất nước Phi châu mến yêu để mời gọi các bên chấm dứt mọi hình thức bạo lực và cùng nhau thăng tiến lợi ích chung. Tôi khuyến khích tất cả mọi người xây dựng hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp, trong đối thoại và tình huynh đệ.

Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa nhật tốt lành và Ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho Ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ