Hệ thống đèn điện mới chiếu sáng đền thờ thánh Phêrô

Hệ thống đèn điện mới chiếu sáng đền thờ thánh Phêrô

Hệ thống điện chiếu sáng mới của đền thờ thánh Phêrô sẽ được chính thức thắp sáng vào ngày 25/01/2019, nhưng vào Thánh lễ đêm Giáng sinh 24/12 năm nay, hệ thống sẽ được thử nghiệm trước.

Hệ thống đèn điện bên trong đền thờ được công ty công nghệ cao OSRAM, với sự cộng tác của Dịch vụ Kỹ thuật của Phủ Thống đốc thành Vatican, tái thiết kế.

Dự án kéo dài 2 năm, bao gồm việc lắp đặt 780 bộ đèn, sử dụng hơn 100.000 đèn LED. Toàn bộ hệ thống tiết kiệm được 90% năng lượng. Trong quá trình lắp đặt, 20 kilômét dây cáp được sử dụng và 700 đèn LED đặc biệt cũng được lắp đặt ở độ cao đến 136 mét.

Nhờ hệ thống điện mới này, vẻ đẹp kinh ngạc của đền thờ sẽ làm hài lòng du khách hơn bao giờ hết. Công nghệ đèn LED tiên tiến của công ty OSRAM sẽ chiếu đến các vòm cao nhất và mang đến vẻ đẹp trọn vẹn cho những kiệt tác mà cho đến nay vẫn chưa thể nhìn thấy.

Như thế, sau các dự án chiếu sáng Nhà nguyện Sixtine, các phòng tranh Raphael và quảng trường thánh Phêrô, hệ thống chiếu sáng của đền thờ thánh Phêrô cũng đang hoàn tất.

Hồng Thủy

ĐTC tiếp kiến các ân nhân giúp Hang Đá và Thông Giáng Sinh

ĐTC tiếp kiến các ân nhân giúp Hang Đá và Thông Giáng Sinh

Cây thông đỏ cao 21 mét, đường kính 50 mét, được đốn từ miền Pordenone, bắc Italia và hang đá giáng sinh bằng cát nén từ miền Jesolo do tòa Thượng Phụ thành Venezia, đông bắc Italia, tài trợ và thực hiện.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các ân nhân, các nghệ sĩ cũng như chào thăm chính quyền và đại diện các tổ chức đã góp phần tặng thông cho Tòa Thánh và thực hiện hang đá. Ngài cũng nói rằng:

Ý nghĩa cây thông Giáng Sinh

”Cây thông và hang đá là hai dấu hiệu không ngừng thu hút chúng ta, nói với chúng ta về Giáng Sinh và giúp chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để gần gũi với mỗi người chúng ta. Cây thông giáng sinh với các ngọn đèn sáng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, là ánh sáng tâm hồn xua tan bóng đêm thù nghịch và dành chỗ cho tha thứ.

”Cây thông đỏ được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô năm nay đến từ rừng Cansiglio, cao hơn 20 mét, gợi ý cho chúng ta suy tư: nó tượng trưng Thiên Chúa, qua sự giáng sinh của Chúa Giêsu, Ngài hạ mình xuống với con người để nâng họ lên với Ngài, vượt lên trên những mây mù của ích kỷ và tội lỗi. Con Thiên Chúa nhận lấy thân phận phàm nhân để lôi kéo họ đến với Ngài và làm cho họ được tham dự vào bản tính thần linh không thể hư nát của Ngài.

 Ý nghĩa hang đá bằng cát

Nhắc đến hang đá làm bằng cát, ĐTC nhận định rằng cát, một vật liệu nghèo, nhắc nhớ chúng ta về sự đơn sơ, bé nhỏ qua đó Thiên Chúa tỏ mình ra với sự giáng sinh của Chúa Giêsu trong tình trạng bấp bênh ở Bethlehem. Sự bé nhỏ ấy có vẻ mâu thuẫn với thiên tính, nhưng sự bé nhỏ ấy là tự do. Người bé nhỏ theo nghĩa Tin Mừng, không những nhẹ nhàng, nhưng còn là người tự do đối với mọi thứ đam mê muốn xuất hiện và tự phụ về những thành công. Như trẻ thơ, họ biểu lộ và cử động một cách tự nhiên. Tất cả chúng ta được mời gọi trở nên tự do trước Thiên Chúa, có tự do của một trẻ em trước cha của mình”.

Chuẩn bị Hang đá ”Sand Nativity”

Hang đá được gọi là ”Sand Nativity” (Cảnh Giáng Sinh bằng cát) được thực hiện với 1,300 mét khối cát từ Jesolo, nặng 700 tấn, do 4 nhà điêu khắc người Mỹ (Richard Varano), Nga (Ilya Filimontsev), Hòa Lan (Susanne Ruseler) và Tiệp (Rodovan Ziuny) đảm trách.

Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị một khối cát hình kim tự tháp tại Quảng trường Thánh Phêrô, sau khi làm những thùng cát nén trong đó. Tiếp đến người ta dựng lều bảo vệ. Rồi các nghệ sĩ bắt đầu giai đoạn đoạn khắc đẽo. Sau cùng là giai đoạn tổ điểm hoàn tất.

Khánh thành

Cũng tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 7-12, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch phủ Thống đốc thành Vatican, Đức Thượng Phụ Moraglia của thành Venezia, chính quyền và giáo quyền các miền liên hệ và đông đảo các tín hữu. (Rei 7-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-11-2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo, kết thúc vào chúa nhật hôm nay, 25-11-2018 sau 3 ngày tiến hành ở Roma.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: ”Âm nhạc và thánh ca của anh chị em là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, và anh chị em giúp cho việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Anh chị em đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế đối với đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.. 

Đừng phô trương cá nhân

ĐTC cũng cảnh giác các ca viên ”đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân của anh chị em bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.

Đừng giảm bớt các hình thức lòng đạo đức bình dân

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở các ca viên đừng làm giảm giá trị của những hình thức khác biểu lộ lòng đạo đức bình dân, như các lễ bổn mạng, các cuộc rước, các điệu vũ và các bài ca đạo của dân chúng, vì đó cũng là một gia sản lòng đạo đức đích thực cần được đề cao giá trị và nâng đỡ, vì đó cũng là một hành động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn Giáo Hội”.

Chương trình kế tiếp của Đại hội

Ban chiều cùng ngày 24-11-2018, từ lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc của các ca đoàn để kính thánh nữ Cecilia. Trên sân khấu sẽ có hơn 600 ca viên và 70 nhạc công, họ sẽ ca hát vùng với hơn 8 ngàn ca viên khác trong đại thính đường.

Sáng chúa nhật 25-11, lúc 10 giờ, Đức TGM Rino Fisichella, sẽ chủ sự thánh lễ với phần thánh ca do các viên đảm trách. (Rei 24-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Một đoạn bình luận ngắn được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến trong dịp này khẳng định rằng:

 Bình luận

 ”Trách nhiệm chính trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này hệ tại bảo tồn luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm nhau. Và lòng tín nhiệm đòi điều kiện đầu tiên là tôn trọng lời đã cam kết. Sự dấn thân chính trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn.

 Sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ tăng ý thức cộng đoàn

 Như thánh Gioan 23 đã nhắc nhở trong thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris, 1963), khi một người được tôn trọng trong các quyền của họ, thì nơi họ cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (Xc ivi, 45). Vì thế chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền của họ”.

 Ngày 1 tháng 1 năm 2019 này, Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 51 đã được cử hành với chủ đề ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình” (Rei 6-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH lên án vụ giết người Do thái ở Pittsburg

ĐGH lên án vụ giết người Do thái ở Pittsburg

Hôm thứ bẩy vừa qua 27-10, một người Mỹ 46 tuổi đã đột nhập dùng súng AK-47 và nhiều súng ngắn khác bắn loạn xạ vào những người Do thái đến cầu nguyện tại Hội đường tên là ”Cây Sự Sống” (Tree of Life) làm cho 11 người, thủ chết, 6 người khác bị thương trong đó có 4 nhân viên cảnh sát. Thủ phạm đã bị bắt. Hắn đã hô to khi thi hành vụ sát nhân: ”Tôi muốn giết tất cả mọi người Do thái!”

 ĐTC chia buồn và lên án bạo lực

 Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 28-10 vừa qua với 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

 ”Tôi bày tỏ sự gần gũi với thành phố Pittsburg ở Mỹ, và đặc biệt là với cộng đoàn Do thái, bị thương tổn hôm 27-10 vì một cuộc khủng bố kinh khủng tại Hội đường Do thái. Xin Đấng Tối cao đón nhận những người quá cố vào trong an bình của Chúa, an ủi gia đình họ và nâng đỡ những người bị thương. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều bị thương tổn hành vi bạo lực vô nhân đạo này. Xin Chúa giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa oán thù đang lớn lên trong các xã hội chúng ta, củng cố ý thức nhân đạo, tôn trọng sự sống, các giá trị luân lý và dân sự, và sự kính sợ Thiên Chúa là Tình Thương và là Cha của mọi người”.

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ

 ĐHY DiNardo, TGM Galveston-Houston, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng đã bày tỏ liên đới với các nạn nhân và các cộng đoàn Do Thái, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ đối phó với tệ nạn dùng súng giết người (Rei 28-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Thư ĐTC gửi Dân Chúa về những vụ lạm dụng tính dục

Thư ĐTC gửi Dân Chúa về những vụ lạm dụng tính dục

ĐTC đưa ra lập trường trên đây trong ”Thư gửi Dân Chúa” công bố ngày 20-8-2018, sau phúc trình về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, với khoảng 300 giáo sĩ lạm dụng 1 ngàn nạn nhân trong vòng 70 năm qua. Hầu hết những vụ đó xảy ra trước đây nhiều năm, nhưng ĐTC khẳng định rằng những vết thương đó không bao giờ bị xóa bỏ.

 ĐTC viết: ”Chúng ta phải quyết liệt lên án những tội ác đó, đồng thời tập trung nỗ lực để loại trừ thứ văn hóa chết chóc này.  Chúng ta phải cảm thấy tủi hổ trước một lối sống đã và đang đi ngược với những gì chúng ta tuyên xưng bằng lời nói”.

 Tiếng kêu của các nạn nhân vọng tới trời cao

 ĐTC nhận xét rằng tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân mạnh mẽ hơn những che đậy, vọng tới trời cao, mà từ lâu người ta không biết đến, che giấu hoặc tìm cách bóp nghẹt…Trong tư cách là cộng đồng Giáo Hội, chúng ta xấu hổ và hối hận mà nhận rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, không nhận ra chiều kích và sự trầm trọng của những thiệt hại gây ra cho bao nhiêu nạn nhân. Chúng ta đã lơ là và bỏ rơi những người bé nhỏ.

 Nhắc lại lời ĐHY Ratzinger

 ĐTC nhắc lại những nhận xét của ĐHY Ratzinger (ĐGH Biển Đức 16):

 ”Tôi nhận làm của tôi những lời mà ĐHY Ratzinger hồi đó, trong bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, đã hiệp với tiếng kêu đau đớn của bao nhiêu nạn nhân và mạnh mẽ nói rằng: ”Có bao nhiêu điều nhơ bẩn trong Giáo Hội, và chính nơi những người, trong chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa! Bao nhiêu kiêu căng, bao nhiêu tự phụ! […]. Sự phản bội của các môn đệ, sự tiếp nhận bất xứng Mình và Máu Thánh Chúa chắc chắn là nỗi đau đớn nhất của Đấng Cứu Chuộc, điều đâm thâu qua tâm hồn Ngài. Tự đáy lòng, chúng ta chỉ có thể kêu lên cùng Chúa: Kyrie, eleison – Lạy Chúa, xin cứu vớt chúng con” (Xc Mt 8,25” (Chặng thứ 9).

 Cổ võ chay tịnh và cầu nguyện

 Trong thư, ĐTC vạch rõ thái độ ”giáo sĩ trị” gây ra những rạn nứt, chia rẽ trong Thân Mình của Chúa là Giáo hội và kéo dài những tai ương mà chúng ta đang tố giác ngày nay.

 Ngài cổ cõ cộng đồng Giáo Hội thực hiện sự thống hối trong tinh thần chay tịnh và cầu nguyện như Chúa truyền dạỵ. Việc làm này giúp chúng ta đặt mình trước mặt Chúa và anh chị em, khẩn cầu ơn tha thứ và ơn xấu hổ, hoán cải, đề ra những hành động hòa hợp với Tin Mừng.

 Chay tịnh và cầu nguyện cũng giúp chúng ta chiến thắng sự ham hố thống trị, chiếm hữu vốn là nguyên nhân gây ra những sự ác như thế.

 Thư của ĐTC bắt đầu và kết thúc bằng lời của Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Nếu một chi thể đau, thì toàn thể các chi thể cùng đau” (1 Cr 12,36).

Giuse Trần Đức Anh OP

Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Vatican. Lúc 10h sáng 25.03.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Quảng trường thánh Phêrô. Tham dự thánh lễ, có đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Roma và đến từ các nơi khác. Đây cũng là ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 33 với chủ đề: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha chia sẻ về 3 loại tiếng nói, và Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy biết lên tiếng.

Bài giảng của ĐTC: Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cùng chung vui và tham dự ngày lễ mừng với dân chúng, để có thể reo hò mừng rỡ đón rước Chúa. Niềm vui ấy đã trở nên mờ đi và để lại vị đắng sau khi chúng ta nghe bài Thương Khó. Ngày lễ này dường như pha trộn giữa niềm vui và khổ đau, giữa lầm lỗi và thành công. Những điều ấy là thành phần của cuộc sống thường ngày của chúng ta. Điều tương tự cũng xảy ra cho các môn đệ. Bởi vì có người đã trút bỏ tấm khăn mà chạy trốn mình trần. Những mâu thuẫn ấy thường thấy ngày nay giữa chúng ta. Chúng ta có khả năng yêu mến, nhưng cũng biết ghét bỏ. Chúng ta có khả năng hy sinh dũng cảm, nhưng cũng biết “rửa tay” trốn tránh trách nhiệm vào đúng lúc. Chúng ta có khả năng trung thành, nhưng cũng biết bỏ trốn, có khi còn phản bội.

Chúng ta thấy, niềm vui mà dân chúng dành để đón rước Chúa vào thành, lại trở thành cái cớ gây phiền toái và là cái cớ để người ta kích động.

Tiếng nói thứ nhất: reo hò mừng vui

Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem với dân chúng vây quanh. Người ta reo hò mừng rỡ. Chúng ta có thể hình dung, đó là tiếng nói của đứa con trai được tha thứ, đó là tiếng của người phong hủi được lành sạch, đó là tiếng của con chiên bị lạc. Những tiếng nói ấy vang lên mạnh mẽ đón mừng Chúa. Đó cũng là tiếng hát của người tội lỗi và của những ai bị coi là ô uế. Đó là tiếng vang của những người phải sống ngoài rìa thành phố. Tiếng hát, tiếng hô, tiếng hò của biết bao người nam nữ đi theo Chúa, vì họ đã từng trải kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa trước nỗi đau khổ của họ. Họ mừng vui ca hát tự đáy lòng một cách tự nhiên. Đó là lời ca tiếng hát của những người ngoài lề xã hội đã từng được Chúa Giêsu đụng chạm đến cuộc đời. Họ rộn ràng mừng vui: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Làm sao mà có thể không ca ngợi cho được, bởi vì Đấng ấy đã phục hồi phẩm giá cho họ, bởi vì Đấng ấy đã mang lại hy vọng cho họ? Đó là niềm vui của biết bao người tội lỗi được ơn thứ tha, được ơn tìm lại niềm tin và hy vọng. Họ mừng vui!

Niềm vui ấy lại trở thành cái cớ vấp phạm cho những kẻ tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và với nghi lễ. Niềm vui ấy trở thành điều không thể chịu nổi đối với những kẻ đóng kín lòng mình trước những con người khổ đau. Niềm vui ấy không thể bị lấy mất bởi những kẻ quên đi ký ức và quên đi những gì mình đã nhận lãnh. Đối với những kẻ chỉ biết tìm sự công chính nơi bản thân, thì thật là khó biết bao để có thể nhận được niềm vui và mừng đại lễ lòng thương xót của Chúa! Đối với những kẻ chỉ cậy vào sức lực bản thân và tự cao đi coi khinh người khác, thì thật là khó dường nào để có thể chia sẻ niềm vui.

Tiếng nói thứ hai: kết án bất công

Và rồi, những tiếng kêu vang lên: “Đóng đinh nó đi!” Tiếng kêu gào ấy không tự nhiên chút nào, nhưng được định hình từ sự khinh miệt, từ những vu khống và cáo gian. Đó là tiếng nói của những kẻ lợi dụng và lèo lái thực tế theo cách tạo nên lợi lộc cho riêng mình. Đó là tiếng kêu của những kẻ tìm kiếm các phương tiện để củng cố bản thân. Những tiếng kêu ấy, những mánh lới và thủ thuật ấy nhằm dẫn đến chỗ kết án Chúa Giêsu. Đó là tiếng nói của những kẻ muốn bảo vệ vị thế của bản thân bằng cách tấn công những ai yếu thế không thể tự bảo vệ. Những tiếng nói ấy, những tiếng kêu ấy vang lên: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Và khi ấy, ngày lễ mừng của dân chúng trở nên tắt lịm, niềm hy vọng bị phá vỡ, giấc mơ chẳng còn, niềm vui bị cướp mất, trái tim trở nên mù tối, lòng nhân ái trở nên nguội lạnh. Còn những kẻ tự cho rằng mình có thể tự cứu mình, thì lại ngủ say trong cơn mơ về tình đồng loại, đóng cửa lòng với những lý tưởng, và làm tự làm tê liệt con mắt để không biết nhìn đến đồng loại khổ đau…

Khi đối mặt với tất cả những điều ấy, phương dược tốt nhất là nhìn lên thập giá Chúa Kitô, và để cho bản thân chúng ta bị gọi hỏi bị thách thức bởi lời kêu than cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúa Kitô đã chết, đã gióng lên tình yêu mến của Ngài dành cho từng người chúng ta: dành cho các bạn trẻ, dành cho người cao niên, dành cho các vị thánh cũng như người tội lỗi. Tình yêu mến của Ngài trải dài từ thời đó cho đến thời đại chúng ta. Trên thánh giá, Chúa đã cứu độ từng người chúng ta, để không ai có thể bị lấy mất niềm vui của Tin Mừng, để không còn ai phải cảm thấy mình xa lạ với ánh mắt thương xót từ nhân của Thiên Chúa là Cha. Nhìn lên thánh giá có nghĩa là chúng ta biết đặt ra cho bản thân những ưu tiên và chọn lựa, có nghĩa là biết nhạy cảm trong những thời khắc khó khăn. Chúa thấy gì trong trái tim ta? Chúa Giêsu có còn là niềm vui trong lòng ta hay không? Hay là chúng ta lại đi xấu hổ khi Chúa dành ưu tiên cho những người tội lỗi, người bé mọn và những ai đang bị quên lãng?

Tiếng nói thứ ba: vui vẻ lên tiếng

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui của Chúa Giêsu truyền cảm hứng cho các bạn, và một người trẻ vui vẻ thì rất khó bị lèo lái. Nhưng hôm nay có một tiếng nói thứ ba. Đó là tiếng của những người Phariseu nói với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy quở trách các môn đệ Thầy đi chứ!”, Thầy hãy nói những bạn trẻ ấy im lặng đi. Nhưng Chúa đáp lại: “Tôi bảo các ông: Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:39-40).  

Muốn làm cho người trẻ im lặng, đây là cám dỗ thời nào cũng có. Trong trường hợp hôm nay, chính những người Phariseu đã tác động lên Chúa Giêsu, để Chúa giữ người ta im hơi lặng tiếng.

Có nhiều cách để giữ cho người trẻ im tiếng và dường như không còn hiện diện. Có nhiều cách để gây mê và dẫn người ta vào giấc ngủ, để người ta không còn “ồn ào”, vì khi đó người ta không còn biết chất vấn, không còn biết tự hỏi lòng mình. Có nhiều cách để làm cho người ta im hơi lặng tiếng, ví như làm cho người ta cảm thấy thoải mái và không còn mơ ước, mất đi sự chia sẻ, hoặc rơi vào những giấc mơ hoang tưởng, hoặc đi vào sự buồn rầu thê thảm.

Trong Chúa nhật Lễ Lá này, chúng ta cử hành ngày Quốc tế Giới trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho những người Phariseu, dành cho mọi người ở mọi thời và cả thời nay nữa: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng phải lên tiếng!” (Lc 19:40).

Các bạn trẻ thân mến, quyết định lên tiếng hay không là tùy ở các bạn. Cầu mong các bạn quyết định ca khen: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” như trong ngày Chúa nhật Lễ Lá. Cầu mong các bạn đừng rơi vào những tiếng kêu gào: “Đóng đinh nó đi!” như trong ngày Thứ Sáu… Và các bạn không nên im lặng. Nếu người ta im lặng, nếu các bậc kỳ lão lặng thinh, nếu giới hữu trách lặng thinh, nếu thế giới lặng thinh và đánh mất niềm vui, thì Cha xin hỏi các bạn một câu: Các bạn có lên tiếng hay không?

Các bạn trẻ thân mến, xin làm ơn, xin làm ơn hãy quyết định trước khi để cho sỏi đá kêu lên!

Đức Thánh Cha lên án nạn ”cho vay ăn lãi cắt cổ”

Đức Thánh Cha lên án nạn ”cho vay ăn lãi cắt cổ”

VATICAN. ĐTC lên án nạn cho vay ăn lãi cắt cổ như ”con rắn xiết cổ các nạn nhân” và ngài kêu gọi thực thi các biện pháp để ngăn ngừa và bài trừ tệ nạn này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 3-2-2018, dành cho 300 thành viên Hội Italia chống nạn cho vay ăn lãi cắt cổ

Trong dịp này ĐTC ca ngợi hoạt động của hội trong 26 năm qua, đã cứu được hơn 25 ngàn gia đình ở Italia, cứu nhà cửa và nhiều khi cả những xí nghiệp nhỏ của họ, giúp họ tìm lại phẩm giá mà họ bị tước đoạt. Hội có hàng trăm trung tâm lắng nghe trên toàn lãnh thổ.

ĐTC khẳng định rằng ”Nạn cho vay ăn lãi cao hạ nhục và giết người… Cần phải phòng ngừa nó, giúp những người bị bệnh mắc nợ để sinh tồn hoặc cứu vãn xí nghiệp. Ta có thể phòng ngừa tệ nạn này bằng cách giáo dục về một lối sống điều độ, biết phân biệt những gì là cần thiết và những gì là dư thừa. Điều quan trọng là phục hồi nhân đức thanh bần và hy sinh: thanh bần để không trở thành nô lệ cho sự vật, và hy sinh vì ta không thể nhận được mọi sự từ cuộc sống”.

”Ngoài ra cần phải huấn luyện về tâm thức tôn trọng luật pháp và lương thiện nơi cá nhân cũng như trong các tổ chức, gia tăng sự hiện diện của những người thiện nguyện hăng say và sẵn sàng đối với những người túng thiếu, để họ cảm thấy được lắng nghe, khuyên bảo, hướng dẫn, và trỗi dậy từ tình trạng nhục nhã của họ”.

ĐTC tái khẳng định rằng ”cho vay ăn lời cắt cổ là một tội trọng: nó giết sự sống, chà đạp phẩm giá con người, và phương tiện tham nhũng và cản trở công ích. Nó làm suy yếu cả những nền tảng xã hội và kinh tế của một quốc gia”.

Sau cùng ĐTC khích lệ các hội viên Hội chống cho vay ăn lãi cao hãy trở thành những người gặp gỡ, lắng nghe, gần gũi. Để được vậy cần ngắm nhìn Chúa Giêsu và trái tim của Chúa, dừng lại ở những trang sách Tin Mừng trong đó kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa với những người nghèo, người hành khất, phong cùi, bất toại và giúp họ trỗi dậy, trả lại phẩm giá và tương lai cho họ. Khi đương đầu với nạn cho vay ăn lãi cao và nạn tham nhũng, cả anh chị em cũng có thể thông truyền hy vọng và can đảm cho các nạn nhân, để họ có thể phục hồi lòng tín thức và trỗi dậy từ những nhu cầu của họ” (Rei 3-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh truyền tin Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Kinh truyền tin Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu hãy cầu xin ơn phù trợ của Mẹ Maria để từ khước tội lỗi và sống một đời sống tốt đẹp, thưa ”xin vâng” đối với Thiên Chúa.

Ngài đưa lời mời gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8-12-2017, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã giải thích lời chào của sứ thần Gabriel đối với Đức Trinh Nữ Maria và gọi Người là ”Đầy Ơn Phúc”. Ngài nói: điều này có nghĩa là Mẹ Maria đầy sự hiện diện của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn được Thiên Chúa ngự trị và không có chỗ cho tội lỗi ở nơi Mẹ. Đó là điều ngoại thường vì đáng tiếc là trong thế gian mọi sự đều bị ô niễm vì sự ác. Mỗi người chúng ta, khi nhìn vào nội tâm, đều thấy những khía cạnh đen tối. Cả những vị đại thánh cũng từng là những người tội lỗi, và mọi thực tại, cả những sự đẹp nhất, cũng bị lây sự ác, tất cả trừ Mẹ Maria”.

ĐTC khẳng định rằng ”mỗi lần chúng ta nhìn nhận Mẹ Maria là Người Đầy Ơn Phúc, chúng ta thưa với Mẹ một lời ngợi khen cao cả nhất, như Chúa đã làm với Mẹ… Tin Mừng hôm nay cho thấy Mẹ Maria không không nổi bật bè ngoài: thuộc một gia đình thường, sống khiêm hạ ở Nazareth, ở một làng hầu như không được biế đến. Mẹ không nổi tiếng và cũng chẳng có đời sống dư giả, những có những lo âu và sợ hãi. Nhưng Mẹ đầy ân phúc và đã sống một đời đẹp đẽ. Bí quyết của Mẹ là lắng nghe Lời Chúa và chuyện vãn với Chua. Lời Chúa là bí quyết của Mẹ, ở cùng Thiên Chúa, đối thoại với Ngài trong mọi hoàn cảnh”.

 

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chào thăm nhiều phái đoàn và loan báo chương trình hoạt động ban chiều của ngài: ngài đến cầu nguyện và đặt vòng hoa tại tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường Tây Ban Nha. ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài trong cử chỉ này để biểu lộ lòng sùng mộ con thảo đối với Mẹ Thiên Quốc.

Tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm trước trụ sở Bộ truyền giáo được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp ân nhân tặng hang đá và thông Giáng Sinh

Đức Thánh Cha tiếp ân nhân tặng hang đá và thông Giáng Sinh

VATICAN. Sáng 7-12-2017, ĐTC đã tiếp kiến hai phái đoàn tổng cộng 4 ngàn người gồm các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.

Cây thông đỏ cao 28 mét, đường kính 10 mét ở gốc, do miền Elk bên Ba Lan tặng và chở qua 2.200 cây số đến Vatican hồi đầu tháng 12 này.

 Hang đá máng cỏ năm nay do Đan viện Biệt Hạt Montevergine dòng Biển Đức, thuộc miền Campania nam Italia, thực hiện theo nghệ thuật hang đá hồi thế kỷ 18, theo truyền thống cổ kính nhất ở miền Napoli. Hang đá được bố trí trên diện tích 80 mét vuông của hang đá, chiều cao tối đa là 7 mét, với 20 pho tượng bằng đất nung.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các ân nhân cũng như chào thăm chính quyền và đại diện các tổ chức đã cổ võ sáng kiến này, đặc biệt là Đức Viện Phụ Đan viện Montevergine và Đức TGM giáo phận Warmia, và Đức GM giáo phận Elk của Ba Lan.

Ngài đề cao cây thông và hang đá như những biểu tượng làm chúng ta thấy cụ thể hơn điều chúng ta cảm nghiệm trong sự Giáng Sinh của Con Thiên Chúa. Đó là những dấu hiệu sự cảm thương của Chúa Cha trên trời, sự tham gia và gần gũi của Chúa đối với nhân loại: con người không cảm thấy bị bỏ rơi trong tăm tối của thời gian, nhưng được viếng thăm và đồng hành trong những khó khăn của họ.

ĐTC nói thêm rằng ”cây thông hướng lên cao khích lệ chúng ta cũng hướng về những hồng ân cao cả nhất (Xc 1 Cr 12,31), nâng mình lên trên những mây mù che phủ, để cảm nhiệm điều đẹp đẽ và vui mừng được chìm đắm trong ánh sáng của Chúa Kitô.” .. Cây thông năm nay được đưa từ Ba Lan, là dấu chỉ niềm tin của một dân tộc, qua dấu hiệu này, muốn biểu lộ lòng trung thành của mình đối với Tòa Thánh Phêrô”.

Về hang đá, năm nay được làm theo nghệ thuật miền Napoli và lấy hứng từ các công việc từ bi thương xót, ĐTC nói: ”Các công việc này nhắc nhở chúng ta điều Chúa nói: ”Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho các con, thì cả các con cũng hãy làm cho họ” (Mt 7,12). Hang đá là nơi gợi ý, qua đó chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô, khi mang lấy những lầm than của con người, Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy, qua những hoạt động từ bi bác ái.

Cũng tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều 7-12-2017, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch phủ Thống đốc thành Vatican, chính quyền và giáo quyền miền Elk và Đan viện Montevergine, cùng với đông đảo các tín hữu (Rei 7-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

150 ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha

150 ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha

YANGOON. Sáng ngày 29-11-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Yangoon, cố đô của Myanmar, trước sự tham dự của 150 ngàn tín hữu. Đây là thánh lễ đông đảo tín hữu nhất trong lịch sử Giáo Hội tại Myanmar.

Lúc gần 7 giờ rưỡi sáng, ĐTC rời tòa TGM để tới sân vận động Kyaikksan, cách đó 6 cây số để cử hành thánh lễ cộng đồng đầu tiên trên đất Myanmar. Sân thể thao này rộng 60 hécta ở trung tâm thành phố, tại đây có tới 30 bộ môn thể thao được thực hành, từ bóng đá, tới bóng rổ, bóng chuyền, đua xe đạp, bắn tên và cả các bộ môn võ thuật. Sân Kyaikkasan được thành lập hồi đầu thế kỷ 20, dưới thời người Anh đô hộ đất nước này và được dùng làm trường đua ngựa.

Đến sân vận động vào lúc gần 8 giờ, ĐTC đã đi xe mui trần chào thăm các tín hữu dự lễ. Thánh lễ được cử hành sớm hơn nửa tiếng so với chương trình dự định ban đầu, để tránh trời nóng. Số người tham dự chiếm tới gần hơn phần 4 tổng số tín hữu Công Giáo tại Myanmar. Nhiều người đi từ các bang xa xăm ở miền bắc, đông bắc và tây bắc về đây bằng mọi phương tiện có thể, kể cả đi bộ. Đặc biệt trong số các tín hữu dự lễ cũng có 50 LM và 1 ngàn giáo dân đến từ Việt Nam.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng la tinh, Anh và Miến. Đồng tế với ĐTC có hơn 30 HY và GM trong phẩm phục màu xanh lá cây của mùa thường niên, hàng trăm linh mục và đông đảo các phó tế.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý, và được dịch ra tiếng Miến, ĐTC đề cao sức mạnh chữa lành của sự khôn ngoan thần linh từ thập giá Chúa Kitô, và mời gọi các tín hữu vượt thắng cám dỗ báo thù vì những bất công phải chịu. Ngài cũng ca ngợi sức sinh động và lòng nhiệt thành, cũng như các hoạt động bác ái của Giáo hội tại Myanmar. ĐTC nói:

”Trước khi đến nước này, tôi đã chờ đợi từ lâu giờ phút này. Nhiều người trong anh chị em đến từ xa, và từ những vùng núi xa xăm, và cũng có một số người đi bộ. Tôi đến đây như như một người lữ hành để nghe và học hỏi nơi anh chị em, và để cống hiến anh chị em vài lời hy vọng và an ủi.”

Tiếp đến ĐTC đã diễn giải ý nghĩa 2 bài đọc thánh lễ: bài thứ I trích từ sách Daniel cho thấy sự khôn ngoan hạn hẹp của vua Baldassar và các thày bói của ông. Họ biết ca ngợi ”các thần tượng bằng vàng bạc, bằng đồng, bằng sắt và gỗ đá” (Dnl 5,4), nhưng lại không có sự khôn ngoan để chúc tụng Thiên Chúa, Đấng nắm giữ mạng sống và hơi thở của chúng ta. Trái lại, Daniel được sự khôn ngoan của Chúa và có khả năng giải thích các mầu nhiệm cao cả của Ngài.

ĐTC giải thích rằng: ”Vị giải thích chung kết các mầu nhiệm Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Ngài chính là hiện thân sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Xc. 1 Cr 1,24). Chúa Giêsu không dạy chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bằng những diễn văn dài hoặc qua những biểu dương hùng mạnh quyền lực chính trị và trần thế, nhưng bằng cách hiến mạng sống của Ngài trên thập giá. Đôi khi chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, nhưng sự thực là chúng ta có thể dễ bị lạc hướng. Trong lúc ấy cần nhớ lại rằng chúng ta có một địa bàn chắc chắn trước mặt chúng ta, đó là Chúa Chịu Đóng Đanh. Trong thập giá chúng ta tìm được sự khôn ngoan có thể hướng dẫn cuộc sống chúng ta với ánh sáng đến từ Thiên Chúa”.

ĐTC đề cao quyền năng chữa lành từ thập giá của Chúa Giêsu và áp dụng vào hoàn cảnh của Myanmar. Ngài nói:

”Tôi biết rằng nhiều người ở Myanmar này đang mang những vết thương vì bạo lực, hữu hình cũng như vô hình. Cám dỗ là đáp trả những vết thương ấy bằng một sự khôn ngoan trần tục, một sự khôn ngoan bị hư hỏng sâu đậm, như thứ khôn ngoan của nhà vua trong bài đọc thứ I. Chúng ta nghĩ rằng phương dược trị liệu vết thương có thể đến từ sự giận giữ và báo thù. Nhưng con đường báo thù không phải là con đường của Chúa Giêsu.

“Con đường của Chúa hoàn toàn khác hẳn. Khi oán ghét và phủ nhận dẫn đưa Ngài đến cuộc khổ nạn và cái chết, Chúa Giêsu đáp lại bằng sự tha thứ và cảm thương.. Với ơn của Chúa Thánh Linh, Chúa Giêsu làm cho mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sự khôn ngoan của Ngài, chiến thắng trên sự khôn ngoan của thế gian này, trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Chúa, thoa dịu cả những vết thương đau đớn nhất”.

Ca ngợi Giáo hội tại Myanmar

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

”Tôi biết rằng Giáo hội tại Myanmar đang làm rất nhiều để mang thuốc thơm lòng thương xót có năng lực chữa lành của Thiên Chúa cho tha nhân, nhất là những người túng thiếu. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, dù với những phương tiện hạn hẹp, nhiều cộng đoàn công bố Tin Mừng cho các nhóm dân bộ lạc thiểu số khác, không bao giờ bó buộc hoặc cưỡng bách ai, nhưng luôn mời gọi và đón nhận. Giữa bao nhiêu nghèo túng và khó khăn, nhiều người trong anh chị em giúp đỡ cụ thể và liên đới với những người nghèo khổ. Qua sự chăm sóc hằng ngày của các GM, LM, tu sĩ và giáo lý viên của anh chị em, đặc biệt qua công việc của tổ chức bác ái Công Giáo Karuna Myanmar và sự trợ giúp quảng đại do các Hội Giáo Hoàng truyền giáo cung cấp, Giáo Hội tại đất nước Myanmar này đang giúp đỡ nhiều người nam nữ, trẻ em, không phân biệt tôn giáo hoặc chủng tộc. Tôi có thể làm chứng rằng Giáo hội tại đây sinh động, Chúa Kitô sinh động và ở đây cùng với anh chị em, cũng có các anh chị em thuộc các cộng đồng Kitô khác. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục chia sẻ với tha nhân sự khôn ngoan vô giá anh chị em đã nhận lãnh, đó là tình thương của Thiên Chúa trào dâng từ Trái Tim Chúa Giêsu.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Chúa Giêsu muốn trao tặng dồi dào sự khôn ngoan này. Chắc chắn Ngài sẽ thưởng công những cố gắnh của anh chị em trong việc gieo vãi những hạt giống chữa lành và hòa giải trong gia đình, cộng đoàn và trong xã hội rộng lớn hơn của đất nước này… Sứ điệp tha thứ và thương xót của Chúa dùng đường lối và tiêu chuẩn mà không phải tất cả mọi người đều muốn hiểu và sứ điệp ấy sẽ gặp những chướng ngại, nhưng tình thương của Chúa Giêsu, được biểu lộ trên thập giá là điều chung kết, không thể chặn lại được”. Tình thương của Chúa Giêsu giống như ”máy chỉ đường GPS thiêng liêng” hướng dẫn chúng ta tiến bước không sai lầm vào đời sống thân mật của Thiên Chúa và hướng về tâm hồn tha nhân của chúng ta”.

Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng 6 thứ tiếng bộ tộc có đông tín hữu Công Giáo hơn cả, từ tiếng Shan, tới tiếng Chin, Tamil, Karen, Kachin và Kayan..

Cuối thánh lễ, trong lời cám ơn ĐTC, ĐHY Charles Bo, TGM Yangoon, đã gọi đây là một biến cố lịch sử. Cách đây một năm, không người nào ở Myanmar dám nghĩ tới sự kiện các tín hữu có thể tham dự thánh lễ với ĐTC như thế này. ĐHY nói: ”Cuộc sống của chúng con sẽ không còn như trước. Chúng con trở về nhà vơi một nghị lực thiêng liêng đặc biệt”.

Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa TGM Yangoon lúc 11 giờ để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, chuẩn bị hoạt động ban chiều là gặp gỡ Hội đồng tối cao của Phật giáo Miến.

G. Trần Đức Anh OP

 

Các chiến dịch phò sinh giúp tỷ lệ phá thai ở Hoa kỳ giảm 25%

Các chiến dịch phò sinh giúp tỷ lệ phá thai ở Hoa kỳ giảm 25%

Washington – Theo báo cáo mới của Tạp chí về Sức khỏe Cộng đồng của Hoa kỳ, từ năm 2008 đến 2014, tỷ lệ phá thai giảm 25%. Báo cáo cho biết lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, con số phá thai tại Hoa kỳ xuống dưới một triệu ca.

Washington Post cho biết, từ số liệu của chính phủ liên bang và viện nghiên cứu Guttmacher – một viện ủng hộ phá thai, các nhà nghiên cứu nhận thấy các vụ phá thai giảm từ 19.4 vụ trên 1000 phụ nữ (độ tuổi 15-44) trong năm 2008 xuống còn 14.6 vụ trên 1000 phụ nữ trong năm 2014. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết tỷ lệ phá thai giảm nhiều nhất trong nhóm tuổi 15-19, 46%. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, tỷ lệ phá thai giảm nơi nhóm các phụ nữ nghèo nhất ở Mỹ – nhóm có tỷ lệ phá thai cao nhất.

Theo một vài tác giả của bản báo cáo, yếu tố chính đưa đến giảm tỷ lệ phá thai chính là sự phát triển của các cách ngừa thai. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của viện Guttmacher thú nhận rằng các luật ủng hộ sự sống và các nỗ lực của các nhóm ủng hộ sự sống đã tạo nên sự thay đổi này.

Các nhóm phò sinh đang hoạt động tích cực để khiến cho người ta không nghĩ đến phá thai, bằng cách đem lại hy vọng cung cấp sự trợ giúp và thông tin cho các bà mẹ và con trẻ của họ để khiến. Một số luật trong những năm gần đây bảo đảm rằng các phụ nữ được thông tin đầy đủ về sự phát triển của thai nhi cũng như chọn lựa của họ trước khí phá thai, bao gồm việc trợ giúp vật chất cho cha mẹ. Một số tiểu bang đóng cửa các cơ sở phá thai hoạt động trong những điều kiện không an toàn và đặt mạng sống của phụ nữ vào vòng nguy hiểm.

Các nỗ lực của các hoạt động căn bản cũng hữu hiệu trong việc giúp cứu các sự sống, trong đó có việc đồng hành tư vấn và đến với các bà me qua các tổ chức như 40 Ngày cho Sự sống, và sự gặp gỡ với các bà mẹ nghèo của các  trung tâm thai phụ.

Dữ liệu của Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia năm 2016 cũng cho thấy cùng sự suy giảm của việc phá thai. Dữ liệu cho thấy các ca làm mẹ ở tuổi thiếu niên và các vụ phá thai ở tuổi này đang xuống thấp đến mức lịch sử tại khắp Hoa kỳ. (Matters India 24/10/2017)

Hồng Thủy

Hàn Quốc cầu nguyện cho hòa bình giữa lúc căng thẳng dâng cao

Hàn Quốc cầu nguyện cho hòa bình giữa lúc căng thẳng dâng cao

Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin-suk của Seoul dâng Thánh lễ mừng đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Trong lúc tình hình căng thẳng tăng cao vì chương trình hỏa tiễn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, các giám mục Hàn Quốc kêu gọi người Công giáo ở Hàn Quốc xin Đức Mẹ cầu bầu cho hòa bình trên bán đảo này.

Các giám mục trong đó có Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung của Seoul đưa lời kêu gọi này vào thông điệp mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày 15-8.

Trong thông điệp, Đức Hồng y Yeom kêu gọi người Công giáo lần hạt Mân Côi nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

“Đức Maria Đồng Trinh thúc giục chúng ta lần hạt Mân Côi cầu cho tội nhân hoán cải và cho hòa bình trên thế giới. Tràng hạt Mân Côi là vũ khí tinh thần giúp chúng ta đánh bại sự dữ cách hữu hiệu và sẽ giúp chúng ta vượt qua những thách thức trong đức tin và biến đổi chúng ta thành những người có ích cho hòa bình thế giới”, Đức Hồng y Yeom nói.

Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách cai trị của thực dân Nhật Bản ngày 15-8-1945, trùng với ngày người Công giáo mừng đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc cũng được dâng hiến cho Đức Mẹ và xem việc đất nước được giải phóng là nhờ “Đức Mẹ ban ơn”.

Đức Hồng y Yeom hết sức lo lắng về tình hình căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên do các chương trình hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây ra.

“Vì sự an toàn và tương lai của tất cả người dân Triều Tiên, Bắc Triều Tiên nên ngồi vào bàn thảo luận và từ bỏ vũ khí hạt nhân”, ngài nói.

Bắc Triều Tiên tuyên bố hôm 9-8 họ đang “thận trọng xem xét” các kế hoạch tấn công hỏa tiễn nhắm vào lãnh thổ Guam của Mỹ, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với nước Mỹ đều sẽ phải đối mặt với “sự thịnh nộ và hỏa lực”, Reuters đưa tin.

Trong thông điệp mừng đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức cha Lazarus You Heung-sik của Daejeon nói: “Giáo hội nên xúc tiến văn hóa hòa bình và sự sống chống lại văn hóa hủy diệt đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Chúng ta nên bảo vệ hòa bình bằng cách cầu nguyện cho hòa bình và lòng khoan dung”.

Đức cha Peter Lee Ki-heon của Uijeongbu kêu gọi có một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên vốn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Đức cha còn kêu gọi các lãnh đạo thế giới chung tay giải quyết tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Đức cha John Chrysostom Kwon Hyeok-ju của Andong kêu gọi người Công giáo ở Hàn Quốc hãy làm việc cho hòa bình.

“Chúng ta hãy thực thi hòa bình trên mảnh đất này bằng các hành động hòa bình trong cuộc sống hằng ngày của mình”, ngài kêu gọi.

UCANEWS

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro

VATICAN: ĐTC khích lệ mọi người biết tôn trọng thụ tạo, có tinh thần trách nhiệm đối với thiên nhiên và vun trồng củng cố các tương quan trong xã hội đa văn hoá.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi hội nghị triệu tập tại Rio de Janeiro trong các ngày từ 13 tới 15 tháng 7 về đề tài “Laudato si và các thành phố lớn”. Hội nghị có mục đích thực thi nội dung Thông điệp của ĐTC và gây ý thức cho mọi người liên quan tới các đòi buộc luân lý đạo đức phải cấp thiết tìm ra một giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu. ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phát triển toàn diện, đã đọc diễn văn khai mạc đại hội.

Trong sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha ĐTC khẳng đinh rằng Thông điệp quy chiếu nhiều nhu cầu của con người sống trong các thành phố lớn trên thế giới ngày nay. Để được hữu hiệu cần chú ý tới ba từ bắt đầu bằng chữ R là Respeto, Responsabilidad và Relación: nghĩa là sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm và tương quan. Mọi người phải tôn trọng thụ tạo là ơn  Thiên Chúa ban cho thế giới,  trong đó có nước là suối nguồn sự sống. Trong Bài ca tạo vật thánh Phanxicô thành Assisi cảm tạ Thiên Chúa vì “chị nước rất ích lợi và khiêm tốn, quý báu và thanh sạch”. Cũng như các yếu tố khác nước uống trong lành diễn tả tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật. Khi không biết chú ý và giữ gìn nước trong lành, là chúng ta khiến cho cuộc sống của hàng triệu người gặp nguy hiểm. Vì thế cần tạo ra ý thức cao độ đối với môi trường bao quanh chúng ta, vì nó là thiện ích cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai.

Sự tôn trọng này đòi buộc chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm cao, làm tất cả những gì có thể để duy trì môi sinh lành mạnh, khí quyển trong lành, môi trường sạch sẽ, không khai thác thiên nhiên bữa bãi vô độ và giải quyết vấn để thải rác. Các chính quyền có bổn phận tìm ra các phương thế hữu hiệu để săn sóc  căn nhà chung ngày càng có thể ở được và lành mạnh hơn.

Sau cùng cần vun trồng và củng cố tương quan giữa mọi giai tầng trong một xã hội ngày càng đa văn hoá và đa chủng tộc, và sống yêu thương, cởi mở liên đới với nhau. Thật là quan trọng việc xã hội cùng nhau làm việc trong lãnh vực chính trị, giáo dục và tôn giáo để tạo ra các tương quan nhân bản có phẩm chất cao triệt hạ các bức tường ngăn cách, cô lập và gạt bỏ tha nhân. Điều này có thể thực hiện được qua các nhóm, các trường học và giáo xứ có khả năng xây dựng một mạng lưới hiệp thông và tuỳ thuộc giúp chung sống và thắng vượt các khó khăn (REI 13-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

Thánh Giuse trong cuộc đời 2 Giáo hoàng Biển đức XVI và Phanxicô

Thánh Giuse trong cuộc đời 2 Giáo hoàng Biển đức XVI và Phanxicô

Vatican – Có một điều có thể thấy rõ, đó là thánh Giuse luôn hiện diện trong cuộc sống của các vị Giáo hoàng, bởi vì ngài là Đấng bảo vệ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Hội Thánh.

Vào cuối tháng 11/2016, trong một buổi nói chuyện với các Bề trên cao cấp các dòng nam, Đức Phanxicô đã chia sẻ rằng mỗi khi gặp một vấn đề, ngài thường viết những lời cầu nguyện lên một mảnh giấy và đặt dưới tượng của thánh Giuse đang ngủ mà ngài có ở trong phòng làm việc của ngài. Đức Giáo hoàng nói: “Bây giờ thánh Giuse ngủ trên một tấm nệm bằng những mảnh giấy” mà Đức Giáo hoàng đã nhét vào. Điều này đã thành thói quen của ngài.

Tượng thánh Giuse ngủ là một tượng thuộc truyền thống của các nước Mỹ châu Latinh, với Đức Phanxicô, tượng này đã được giới thiệu cho thế giới và trở nên “mốt”, có thể tìm thấy trong các tiệm ảnh tượng ở khu vực xung quanh đền thờ thánh Phêrô.

Ngày 19/03, lễ trọng kính thánh Giuse cũng là ngày Đức Phanxicô chọn để khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài (năm 2013). Đức Giáo hoàng nói: “thánh Giuse là “người bảo vệ” bởi vì thánh nhân biết lắng nghe tiếng Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn và chính vì điều này, ngài trở nên nhậy cảm hơn với những người được ủy thác cho ngài, biết đọc các sự việc cách thực tế, chú ý tới những điều xung quanh và biết quyết định cách khôn ngoan nhất.”

Còn Đức nguyên giáo hoàng Biển đức, được rửa tội với tên thánh Giuse, cuộc đời của ngài rất gần với thánh quan thầy. Thánh Giuse, một người thực hành, thực tế, cụ thể, ẩn dật. Đức Biển đức ngày nay cũng thế.

Ngày 19/03/2006, Đức biển đức nhắc về thánh Giuse: “Sự vĩ đại của thánh Giuse, cũng như của Mẹ Maria, còn nổi bật hơn nữa vì sứ vụ của ngài được thực hiện với sự khiêm nhường và ẩn dật ở ngôi nhà tại Nadarét.”

Thánh Giuse dường như đang ngủ, nhưng thật ra ngài đang trong giấc mộng và nói chuyện với Chúa, Đấng đã yêu cầu ngài chăm sóc bảo vệ Đức Maria, Chúa Giêsu và do đó, tất cả chúng ta.

Truyền thống xem thánh Giuse như một người cao tuổi, khôn ngoan. Ngày nay chúng ta cũng thấy Đức Biển đức, một người cao niên và khôn ngoan, với thời gian dành để lắng nghe, ngay cả với người kế nhiệm thường đến với ngài.

Thánh Giuse không ngủ, ngài làm việc với sự chậm rãi cẩn thận của một thợ mộc nhưng, như Đức Phanxicô nói, ngài không làm chúng ta thất vọng bao giờ. Ngài yêu mến lao động và thích công việc được làm cách tốt đẹp, yêu chuộng công lý, như Đức Biển đức XVI nói: “Không phải là phóng đại nếu chúng ta nghĩ là chính từ người cha Giuse mà Chúa Giêsu đã học, trên lãnh vực nhân loại, một nội tâm vững chắc bao hàm sự công bằng thật sự, mà một ngày kia Chúa Giêsu sẽ dạy cho các môn đệ của Ngài.” (ACI 20/03/2017)

Hồng Thủy

 

Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của giáo hội

Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của giáo hội

Manila – Hôm thứ hai, 06/03/2017, chính quyền tổng thống Duterte đãthông báo chương trình đánh thuế các trường tôn giáo. Pantaleon Alvarez, chủ tịch Hạ viện, người đã miêu tả các Giám mục như “một đám giả hình”, nói rằng các trường của Giáo hội nên bị đánh thuế để gia tăng thu nhập của chính quyền. Ông đã kêu gọi xem xét lại chính sách thu thuế của chính quyền, vì ông cho rằng một số trường có các học sinh thuộc gia đình thu nhập cao và có học phí cao.

Đáp lại ý kiến của ông Alvarez, đức cha Pablo David của Kalookan nói rằng Giáo hội sẽ không điều hành các trường học nếu chính quyền cung cấp chất lượng giáo dục tương xứng, đặc biệt là ở các trường tiểu học và trung học. Ngài nói: “Thực tế là chính quyền không thể. Ở trong Giáo hội, chúng tôi luôn nghĩ là chúng tôi đang giúp cho chính quyền qua việc đem lại nền giáo dục chất lượng ở bất cứ nơi nào mà nhà nước không thể làm.”

Đức cha lưu ý là sự thất bại này có thể thấy nơi các trường công lập chật chội cũng như trong sự tồn đọng rất nhiều trong việc xây cất lớp học và tình trạng thiếu giáo viên. Theo đức cha, nguồn lực của chính phủ vẫn không đủ để cung cấp một nền giáo dục xứng hợp cho người dân.

Đức cha David chia sẻ: “chúng tôi không dựa vào quỹ chung để điều hành các trường củ chúng tôi. Sao họ không đối xử với chúng tôi như các đối tác và đồng minh của họ thay vì như các đối thủ?

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, chính sách đánh thuế là hành động trả thì của chính quyền chống lại các giám mục. Đã nhiều tháng, Giáo hội lên tiếng phê bình chống lại cuộc chiến ma túy và việc giết người không xét xử của tổng thống Duterte và là đối thủ quyết liệt của việc tái lập án tử hình. (Asia News 10/03/2017)

Hồng Thủy 

Trong lúc bị căng thẳng, Đức Phanxicô viết tin nhắn cho thánh Giuse

Trong lúc bị căng thẳng, Đức Phanxicô viết tin nhắn cho thánh Giuse

Trong tạp chí số 4000 của nguyệt san “Văn minh Công giáo” của dòng Tên ra ngày 09/02/2017, có đăng bài nói chuyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô với các Bề trên cao cấp các dòng nam vào cuối tháng 11/2016. Trong bài nói chuyện, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những căng thẳng của ngài.

Một vị bề trên hỏi Đức Giáo hoàng làm sao để có thể giữ được cảm giác bình an, ngài đã đùa rằng ngài không uống thuốc an thần. Ngài nói: “Người Italia có một bài học hay – để sống trong bình an bạn cần một thái độ lành mạnh “không thể quan tâm ít hơn”. Tôi không ngại chia sẻ với các bề trên rằng tôi đang có một kinh nghiệm hoàn toàn mới. Ở Buenos Aires, tôi lo lắng nhiều hơn. Tôi thú nhận điều này. Tôi cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn. Căn bản là tôi không được như bây giờ. Từ giây phút tôi được chọn tôi đã có một cảm giác bình an sâu thẳm. Và điều đó chưa bao giờ lìa bỏ tôi. Tôi bình an. Tôi không biết diễn giải nó thế nào.”

Đức Giáo hoàng nói thêm rằng khi có một vấn đề xảy đến, ngài viết nó lên một mảnh giấy và đặt nó dưới tượng của thánh Giuse đang ngủ mà ngài có ở trong phòng ngài. Đức Giáo hoàng nói: “Bây giờ thánh Giuse ngủ trên một tấm nệm của những mảnh giấy” mà Đức Giáo hoàng đã nhét vào. Ngài giải thích đó là lý do “tôi ngủ ngon: đó là ơn Chúa.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng chỉ ra sức mạnh của lời cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, “bình an lớn lên trong tôi … bình an của tôi là quà tặng từ Thiên Chúa.” (Catholic Herald 10/02/2017)

Hồng Thủy

Trang web mới của viện bảo tàng Vatican

Trang web mới của viện bảo tàng Vatican

Vatican – Với nỗ lực chia sẻ những tác phẩm quý giá của mình cho nhiều người trên thế giới hơn, viện bảo tàng Vatican đã thành lập một kênh YouTube và đổi mới trang web để đăng tải các hình ảnh có độ phân giải cao và các thông tin thích hợp với điện thoại di động.

Kênh YouTube của viện bảo tàng Vatican có những tour giới thiệu ngắn về các bộ sưu tập cùng với các video quảng cáo về các tour thích hợp và các dịch vụ có trên trang web, bao gồm đăng ký hướng dẫn cho người khiếm thính.

Trang web museivaticani.va của viện bảo tàng cũng được đổi mới để thích hợp với các nền tảng ứng dụng và các dụng cụ để có thể tiếp cận tới ngay cả những vùng xa xôi trên trái đất.

Trang web được trình bày bằng 5 ngôn ngữ với thiết kế đẹp hơn, văn bản đơn giản hơn và truy cập nhanh hơn.Các đường dẫn (link) đến các trang có thể được chia sẻ qua Twitter, Facebook hay email. Trang web cung cấp thông tin về việc đăng ký thăm và mua vé vào viện bảo tàng, vườn Vatican, khu nghĩa địa cổ "Via Triumphalis" bên dưới đồi Vatican và các dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, ở miền nam Roma.

Hiện tại trang web trưng bày khoảng 3000 photo có độ phân giải cao của các tác phẩm trong các bộ sưu tập của bảo tàng. Bà Barbara Jatta, tân giám đốc của viện bảo tàng cho biết, kế hoạch lý tưởng là, trong một năm sẽ có thêm các  tấm hình của tất cả 20 ngàn vật thể đang được trưng bày cho công chúng và sau đó sẽ tiếp tục với photo của hơn 200 ngàn tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ trong kho.

Trang web cũng cho phép công chúng tham khảo và tìm kiếm một mục lục online của một số bức họa, tượng điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật khác của viện bảo tàng. Bà cũng cho biết là viện bảo tàng đã có đăng ký tất cả tác phẩm của họ nhưng việc đưa mọi thứ vào cơ sở dữ liệu vẫn đang được thực hiện. (CNS 23/01/2017)

Hồng Thủy

 

6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh trình ủy nhiệm thư

6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh trình ủy nhiệm thư

6-tan-dai-su-canh-toa-thanh-trinh-uy-nhiem-thu

VATICAN. Sáng 15-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến các Đại sứ mới của 6 quốc gia cạnh Tòa Thánh, và ngài đề cao giá trị của bất bạo động như một lối sống chính trị.

6 vị Đại sứ thuộc các nước Burundi, Quần đảo Fiji, Maurice, Moldavia, Thụy Điển và Tunisi, đến trình thư ủy nhiệm lên ĐTC.

Trong lời chào mừng, ĐTC nhắc đến kỷ niệm 50 năm Đức Phaolô 6 thiết lập Ngày Hòa Bình Thế giới, và chủ đề ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 50 vào ngày 1-1-2017 là: ”Bất bạo động, một đường lối chính trị phục vụ hòa bình”.

ĐTC khẳng định rằng ”Bất bạo động là một thí dụ tiêu biểu về giá trị phổ quát tìm thấy nơi Tin Mừng của Chúa Kitô sự viên mãn và cũng là điều thuộc về các truyền thống tinh thần cao quí và cổ kính. Trong một thế giới như ngày nay, một thế giới phải chịu nhiều chiến tranh và xung đột, và bạo lực lan tràn dưới nhiều hình thức trong cuộc sống thường nhật, sự chọn lựa bất bạo đông như một lối sống ngày càng trở thành một yêu sách trách nhiệm trên mọi bình diện, từ việc giáo dục gia đình, cho tới sự dấn thân xã hội và dân sự, các hoạt động chính trị và các quan hệ quốc tế. Trong mọi trường hợp, vấn đề ở đây là loại bỏ bạo lực như một phương thế để giải quyết các xung đột, trái lại cần giải quyết chúng bằng đối thoại và thương thuyết”.

ĐTC cũng xác quyết rằng ”bất bạo động không hề đồng nghĩa với sự yếu đuối và thụ động, trái lại, nó đòi phải có một sức mạnh nội tâm, can đảm và khả năng đương đầu với những vấn đề và những xung đột, với tâm trí lương thiện, thực sự tìm kiếm công ích trước tiên và hơn mọi tư lợi phe phái, dù là ý thức hệ, kinh tế hay chính trị”. (SD 15-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tượng lòng thương xót Chúa cao nhất thế giới sẽ khánh thành tại Philippines

Tượng lòng thương xót Chúa cao nhất thế giới sẽ khánh thành tại Philippines

fr-prospero-tenorio-secretary-general-of-the-world-apostolic-congress-on-mercy-asia-and-secretary-genera-fr-patrice-chocholski-in-manila-dec-1-2016

Manila – Tượng Chúa Giêsu cao 30 mét được xây dựng ở đền thánh quốc gia Marialo, miền bắc Manila, dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 19/01/2017.

Pho tượng sẽ được dựng trên tòa nhà 4 tầng trong đền thành quốc gia Marilao, là tượng đài cao nhất thế giới dâng kính Lòng thương xót Chúa. Việc điêu khắc tượng được bắt đầu từ tháng 0172016 và hoàn thành vào cuối năm. Giáo hội Philippines đã quyết định khánh thành tượng đài vào ngày 19/01/2017, như đỉnh điểm của đại hội tông đồ thế giới lần thứ 4 về lòng thương xót, viết tắt là Wacom, được tổ chức từ ngày 16-20/11 năm tới, với sự tham dự của các quốc gia Á châu.

Trong một buổi họp báo, cha Prespero Tenorio, tổng thư lý của Wacom cho biết đây là pho tượng lòng thương xót Chúa lớn nhất thế giới và nhắm cử hành biến cố có tầm mức hoàn cầu được tổ chức lần đầu tiên tại Á châu.

Dự kiến sẽ có 1000 đại biểu đến từ các châu lục tham dự sự kiện này.

Được Vatican đề xướng vào năm 2008, đại hội Lòng thương xót lần đầu được tổ chức tại Roma, vào dịp kỷ niệm 3 năm ngày qua đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau đó đại hội được tổ chức hàng năm. Mục đích của đại hội là để dân chúng ý thức hơn và được thúc đẩy bởi lòng thương xót Chúa trong các hành động và việc làm của chúng ta.” (Asia News 03/12/2016)

Hồng Thủy