Thánh tích thánh Phanxicô Xaviê thánh du Canada

Thánh tích thánh Phanxicô Xaviê thánh du Canada

Từ ngày 03/01 đến 02/02 năm 2018 sắp tới, thánh tích của thánh Phanxicô Xaviê  – cánh tay phải của ngài – sẽ được tôn kính tại 14 thành phố của Canada.

Chuyến thánh du này được Tổng Giáo phận Ottawa cùng với dòng Tên tại Canada và phong trào CCO Mission Campus – một phong trào quốc gia có sứ vụ truyền giảng Tin mừng tại các đại học – cùng tổ chức.

Đức Tổng Giám mục Terrence Prendergast, dòng Tên, của Tổng Giáo phận Ottawa nói: “Thánh Phanxicô Xaviê là một trong những vị thánh được kính nhớ nhất của mọi thời đại. Ngài là một người có đức tin và lòng can đảm phi thường, một người hết lòng chia sẻ Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô với hàng ngàn người khắp Đông Nam Á, Goa và Ấn độ.”

Các nhà tổ chức chuyến thánh du tin rằng đây có lẽ là lần đầu tiên thánh tích này đến Canada. Cánh tay phải của thánh Phanxicô Xaviê thường được giữ trong một hòm đựng thánh tích và trưng bày cho các tín hữu tại nhà thờ Chúa Giêsu ở Roma, còn thân thể ngài đang được giữ tại Goa. Từ khi thánh nhân qua đời vào năm 1552, toàn bộ thân thể cũng như cánh tay phải của thánh nhân không bị tan rã như thường thấy.

Người ta dự kiến sẽ có hơn 100 ngàn người đến kính viếng thánh tích của thánh Phanxicô Xaviê, là con số tương tự với số người thánh nhân đã rửa tội bằng cánh tay và bàn tay phải này.

Angèle Regnier, người đồng thành lập phong trào CCO Mission Campus nói: “Dành thời gian đến kính viếng thánh tích như thế này có thể mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Đây là cơ hội để đào sâu mối liên hệ của chúng ta với Chúa và hiểu rõ hơn ơn gọi và mục đích của chúng ta trong cuộc sống.” Cô cho biết mình rất vui khi cộng tác vào việc tổ chức chuyến thánh du này để mọi người dân Canada có thể đến cầu nguyện trước thánh tích.

Thánh Phanxicô Xaviê sinh ngày 07/04/1506 và được xem là thuộc nhóm thành lập dòng Tên. Thánh nhân đã trải qua phần lớn đời tu của ngài tại Á châu, đặc biệt tại các thuộc địa của thực dân Bồ đào nha, và tại Ấn độ và Nhật bản. Ngài là nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật. Thánh nhân qua đời ngày 03/12/1552 tại đảo Thượng san, ngoài khơi Trung quốc, là nơi mà thánh nhân mong ước đến truyền giáo.

Thánh tích của thánh Phanxicô Xaviê sẽ đến các thành phố sau: Ottawa, Québec, St. John's, Halifax, Antigonish, Kingston, Toronto, Winnipeg, Saskatoon, Régina, Calgary, Vancouver, Victoria và Montréal. (Diocèse de Montréal 12/12/2017)

Hồng Thủy

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gởi giới trẻ Canada

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gởi giới trẻ Canada

TORONTO. ĐTC kêu gọi các bạn trẻ Canada đừng để ai cướp mất tuổi trẻ của mình và hãy làm cho những môi trường sống của mình đầy niềm vui của Phúc Âm.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi các bạn trẻ Canada tối chúa nhật 22-10-2017 trong biến cố truyền hình đặc biệt của đài TV ”Muối và Ánh sáng” để giúp các GM Canada chuẩn bị Thượng HĐGM vào tháng 10 năm tới về giới trẻ. Hiện diện tại phòng thu ở Đài truyền hình cũng có ĐHY Kevin Farell, Bộ trưởng giáo dân và gia đình, cùng với các bạn trẻ và GM đến từ 6 thành phố ở Canada.

ĐTC ca ngợi vẻ đẹp của thế giới và nhắc nhở các bạn trẻ đừng để trái đất bị hư hỏng vì những kẻ chỉ muốn khai thác và hủy hoại thế giới. Ngài nói: 'Tôi cũng mời gọi các bạn hãy làm cho những nơi các bạn sinh sống được tràn đầy niềm vui và sự phấn khởi tiêu biểu của người trẻ, hãy tưới gội thế giới và lịch sử bằng niềm vui đến từ Tin Mừng, từ cuộc gặp gỡ với một Nhân Vật là Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho các bạn say mê và thu hút các bạn ở với Ngài”.

”Các bạn đừng để cho tuổi trẻ của mình bị cướp mất, đừng cho phép một ai ngăn cản và làm lu mờ ánh sáng mà Chúa Kitô đặt trên khuôn mặt và trong tâm hồn các bạn. Các bạn hãy kiến tạo những tương quan thấm đượm lòng tín nhiệm, chia sẻ và cởi mở cho đến tận bờ cõi trái đất. Đừng dựng lên những bức tường chia cách, nhưng hãy kiến tạo những nhịp cầu”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, Chúa Giêsu đang nhìn và mời gọi các bạn đến ở với Ngài. Các bạn có gặp thấy cái nhìn của Chúa, đã nghe tiếng nói và cảm thấy một sự thúc đẩy các bạn lên đường chưa? Tôi chắc chắn rằng mặc dù những tiếng huyên náo dường như đang ngự trị trên thế giới tiếng gọi của Chúa vẫn tiếp tục vang dội trong tâm hồn các bạn để mở con tim các bạn đón nhận niềm vui tràn đầy. Điều đó có thể xảy ra theo mức độ các bạn được những người hướng dẫn kinh nghiệm đồng hành và bắt đầu một hành trình phân định để khám phá dự phóng của Thiên Chúa đối với cuộc đời của các bạn.. Cả khi hành trình của các bạn bấp bênh và sa ngã, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vẫn giơ tay để nâng các bạn đứng dậy”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Thế giới, Giáo Hội đang cần những ngừơi trẻ can đảm, không khiếp sợ trước những khó khăn, đương đầu với những thử thách, có đôi mắt và con tim cởi mở đối với thực tế, để không một ai bị phủ nhận, trở thành nạn nhân của bất công, bạo lực, thiếu nhân phẩm”. (Rei 23-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Giáo hội Syro-Malankara thành lập giáo phận mới

Trung tâm Công giáo của Giáo hội Công giáo Syro-Malankara, có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Thượng Hội đồng Giám mục Giáo hội Syro-Malankara, sau khi tham khảo ý kiến Tòa Thánh và được Đức Thánh cha phê chuẩn, đã thành lập giáo phận mới Parassala ở miền nam Ấn Độ.

Parassala được tách ra từ tổng giáo phận Trivandrum có trụ sở ở Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala, miền nam Ấn Độ.

Đứng đầu giáo phận mới là Đức Giám mục Eusebios Naickamparambil, được thuyên chuyển từ giáo phận Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình ở Mỹ và Canada, news.va đưa tin.

Trong Giáo hội theo nghi lễ Latinh Đức Thánh cha trực tiếp bổ nhiệm giám mục, trong khi đó các thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương có quyền tự bổ nhiệm giám mục và được Đức Thánh cha phê chuẩn.

Đức Giám mục Naickamparambil sinh tại Mylapra thuộc tổng giáo phận Trivandrum năm 1961. Ngài chịu chức linh mục năm 1986. Ngài thành thạo tiếng Malayalam, Anh, Đức, Hindi và Ý, và còn biết tiếng Syriac, Hy Lạp và Pháp.

Giáo hội Syro-Malankara ra đời năm 1930 sau khi một nhóm thuộc Giáo hội Jacobite gia nhập Công giáo trong khi vẫn giữ các nghi lễ phụng vụ của họ.

Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ bao gồm nghi lễ Latinh và 2 nghi lễ Đông Phương được gọi là Syro-Malabar và Syro-Malankara.

Nghi lễ Latinh theo phụng vụ Rôma do các thừa sai châu Âu truyền bá vào thế kỷ 15, trong khi 2 nghi lễ Đông Phương đều có trụ sở ở Kerala theo các truyền thống Giáo hội Syria và bắt nguồn từ Thánh Tôma Tông Đồ.

UCANEWS

Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada

Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada

VATICAN. Sáng ngày 29-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi gặp ĐTC, thủ tướng Trudeau đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có sự hiện diện của Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Trong hai cuộc hội kiến thân mật ấy, có nói đến quan hệ tốt giữa Tòa Thánh và Canada, và sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo trong đời sống xã hội của nước này. Rồi các vị đề cập đến vấn hệ hội nhập và hòa giải, cũng như tự do tôn giáo và các vấn đề luân lý đạo đức hiện nay.

Sau cùng, có đề cập đến một vài vấn đề quốc tế, dưới ánh sáng kết quả hội nghị thượng định của 7 cường quốc kinh tế, G-7, mới tiến hành tại Taormina ở miền nam Italia, đặc biệt về tình hình ở Trung Đông và các vùng xung đột.

Theo báo chí Canada, trong cuộc hội kiến, thủ tướng Justin Trudeau đã mời ĐTC đến viếng thăm Canada trong những năm tới đây để chính thức xin lỗi các thổ dân bản xứ vì trách nhiệm của các thừa sai Công Giáo đối với những vụ lạm dụng xảy ra trong các ký túc xá dành cho các học sinh thổ dân bản xứ xưa kia.

Vấn đề xin lỗi trên đây là một trong 94 lời kêu gọi hành động, do Ủy ban sự thật và hòa giải của Canada đề ra. Phúc trình này được công bố hồi tháng 12 năm 2015 yêu cầu có những lời xin lỗi chính thức được chính ĐGH đưa ra.

Từ lâu vấn đề các học sinh thổ dân Canada bị đưa ra khỏi môi trường văn hóa của họ, sống trong các ký túc xá của các thừa sai Kitô: Công Giáo, Anh giáo và Tin Lành, đã được bàn đến nhiều tại Canada. Các thổ dân bị mất văn hóa và căn tính, và cũng có những vụ lạm dụng xảy ra trong các ký túc xá.

Hồi năm 2009, ĐGH Biển Đức 16 đã bày tỏ đau lòng vì sự đối xử mà các thổ dân bản xứ phải chịu trong các ký túc xá, nhưng không xin lỗi.

Chính phủ của thủ tướng Trudeau hiện bị sức ép, bị dư luận phê bình vì sự chậm trễ trong cuộc điều tra toàn quốc về các phụ nữ và trẻ nữ bị mất tích hoặc bị ám sát (Tổng hợp 29-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tòa Thánh lên án khủng bố tại Canada

Tòa Thánh lên án khủng bố tại Canada

VATICAN. Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tai một đền thờ Hồi giáo ở Québec City, Canada, làm cho 6 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Trong điện văn ngày 30-1-2017, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết khi hay tin về vụ khủng bố này, ĐTC Phanxicô Phanxicô phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng và hiệp ý qua kinh nguyện với nối đau khổ của những người thân của họ. Ngài bày tỏ thiện cảm sâu xa với những người bị thương và gia đình họ cũng như với tất cả những người góp phần cứu cấp, xin Chúa ban ơn an ủi và nâng đỡ họ trong thử thách.

ĐTC mạnh mẽ tái lên án bạo lực gây ra bao nhiêu đau khổ và cầu xin Thiên Chúa ơn tôn trọng nhau và an bình. Ngài khẩn cầu phúc lành của Chúa trên các gia đình bị thử thách cũng như tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này, va toàn thể mọi người dân Québec.

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng bày tỏ đau buồn và lên án vụ khủng bố chống lại các tín hữu Hồi giáo đang cầu nguyện.

Trong thông cáo, Hội đồng Tòa Thánh khẳng định rằng ”Với hành động điên rồ này người ta vi phạm sự thánh thiêng của mạng sống con người, và không tôn trọng một cộng đoàn đang cầu nguyện cũng như nơi thờ phượng.

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mạnh mẽ lên án hành vi bạo lực chưa từng có này và muốn bày tỏ tình liên đới trọn vẹn với các tín hữu Hồi giáo ở Canada, đồng thời sốt sắng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ”. (SD 30-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Đức Thánh Cha Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Đức Thánh Cha Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Ottawa, Ontario – Đức Tổng Giám Mục Luigi Bonazzi, sứ thần Tòa Thánh tại Canada cho biết là Đức Thánh Cha Phanxicô đang xem xét lời mời thăm  Canada, nơi mà các thổ dân mong đợi Ngài sẽ xin lỗi về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

Vào năm ngoái, Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada được thiết lập để điều tra những điều đã xảy ra trong các trường nội trú do chính phủ tài trợ, được điều hành bởi các tổ chức của các Giáo hội, trong đó Giáo hội Công giáo điều hành khoảng 60% số trường này. Nhiệm vụ của ủy ban là đưa ra một thu thập các thảm kịch của các trường nội trú dành cho người bản địa và kiểm tra hậu quả của chính sách kéo dài 130 năm đã phân chia 150 ngàn trẻ em bản địa khỏi gia đình của các em. Ủy ban hy vọng sẽ tạo dựng sự hòa giải giữa các thổ dân và phần còn lại của Canada. Ủy ban đã đưa ra 94 mời gọi hành động. Một trong số này là Đức Thánh Cha sẽ xin lỗi, ngay tại đất nước Canada, về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

Marie Wilson, một thành viên của ủy ban, đã nói trong cuộc họp báo ở Ottawa ngày 20 tháng 3 rằng: “chúng tôi đã nghe nhiều người sống sót nói : ‘Giáo hội của tôi không xin lỗi tôi.’” Được hỏi là lời xin lỗi của Đức Thánh Cha có đủ không, bà nói: “Tôi chắc chắn là không đủ. Nó chỉ là một sự chuyển tiến thôi. Không có một điều gì là hoàn hảo cho mọi người, nhưng chúng tôi phải tiếp tục cố gắng.” Bà cũng nhận là nhiều Giám mục và các tổ chức Công giáo đã xin lỗi trong nhiều năm qua, nhưng 7000 nhân chứng làm chứng trước ủy ban Sự thật và Hòa giải là họ muốn một lời đáp của toàn thể. Bởi vì Giáo hội Công giáo ở Canada bao gồm nhiều giáo phận và thực thể, một đáp trả duy nhất của Công giáo là không thể.

Cựu thủ tướng Canada cũng đã thảo luận với Đức Thánh Cha Phanxicô  về vấn đề này khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô   tại Vatican vào năm ngoái. Chủ tịch quốc gia của Hiệp hội các thổ dân đã yêu cầu ông nêu vấn đề này với Đức Thánh Cha và yêu cầu ngài xin lỗi công khai.

Đáp lại lời mời gọi trong báo cáo của ủy ban Sự thật và Hòa giải, Hội đồng Giám mục Canada đã đưa ra một tài liệu, trong đó vạch ra các bước để hướng dẫn các Giám mục Công giáo sửa lại những sai lầm của quá khứ bằng một “dấn thân cụ thể để chữa lành những bất công kéo dài”. Các bước này bao gồm những cố gắng để đảm bảo là các tổ chức Công giáo trình bày một lịch sử chân thật về cuộc gặp gỡ với người bản địa, và các tác hại của việc bỏ qua hay coi nhẹ các điều ước.

Tài liệu cũng bao gồm việc thành lập các hoạt động tương tác với các cộng đồng bản địa, là phần của đối thoại hiệp nhất và liên tôn; hành động để cải tiến các dịch vụ y tế toàn diện; khuyến khích một phương thế phục hồi công lý để chống lại tỷ lệ bị bắt giam cao nơi các cộng đồng này; ủng hộ các cuộc điều tra quốc gia về số phụ nữ bản địa mất tích và bị giết; giúp đỡ các cộng đồng người bản địa xây dựng các chương trình giáo dục để phát triển văn hóa và kinh nghiệm của họ; và các Giám mục và các lãnh đạo Công giáo kêu gọi các giáo dân suy tư về tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân bản địa để tuyên ngôn được ủng hộ và thực hiên. Các Giám mục nói là không có vấn đề trong việc tái khẳng định sự ủng hộ của họ về tuyên ngôn của Liên Hợp quốc. Các ngài  tuyên bố rằng: “tinh thần của tuyên ngôn này chỉ ra một con đường tiến tới hòa giải giữa người bản địa và những người không phải là bản địa ở Canada.” Hội đồng Giám mục cũng ra một tài liệu bác bỏ những ý niệm và nguyên tắc bất hợp pháp phản ánh trong học thuyết khám phá của thế kỷ 15. Học thuyết này đã được dùng để biện minh cho việc chiếm đất của người dân bản địa từ cuộc định cư ởBắc Mỹ của người châu Âu. (Catholic News Service 05/04/2016

Hồng Thủy OP