Loan báo Tin Mừng trong khiêm nhường chứ không bằng quyền lực

Loan báo Tin Mừng trong khiêm nhường chứ không bằng quyền lực

Việc loan báo Tin Mừng được thực hiện trong khiêm nhường, và cần vượt qua cám dỗ của niềm tự hào kiêu hãnh. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ra đi loan báo không ngừng nghỉ

Cần ra đi, để loan báo Tin Mừng. Biết đi ra, đây là phong cách sống của người rao giảng. Người rao giảng Tin Mừng không kiếm tìm sự an toàn, không kiếm tìm những gì là bảo hiểm là bảo đảm. Không. Nếu một nhà giảng thuyết mà kiếm tìm những bảo đảm này nọ, người ấy không phải là nhà rao giảng đích thật của Tin Mừng. Bởi lẽ những nhà giảng thuyết không chân thực ấy, sẽ không đi ra, sẽ tìm điểm dừng, sẽ tìm bến đậu an toàn.

Trước tiên là hãy đi, hãy đi ra. Tin Mừng mà Chúa Giêsu Kitô công bố, luôn cần chúng ta đứng dậy và đi ra, luôn là tiến bước trên đường. Tiến bước trên cả con đường vật lý lẫn con đường tâm linh, và chắc chắn với nhiều khó khăn vất vả khổ đau. Có nhiều người đau yếu, nhiều người khổ đau đang loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội, cho các Kitô hữu, và cho bản thân chúng ta. Chúng ta hãy thử nghĩ về điều ấy.

Khiêm nhường loan báo Tin Mừng

Tin Mừng đích thật là Tin Mừng về Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh. Tại sao sự khiêm tốn lại cần thiết? Bởi vì chúng ta mang trong mình và ra đi loan báo sự khiêm nhường và thứ vinh quang rất khiêm nhường. Việc loan báo Tin Mừng gặp phải nhiều cám dỗ. Đó là cám dỗ của quyền lực, cám dỗ của sự tự hào kiêu hãnh, cám dỗ của thế gian. Nhiều thói thế gian lẻn vào và dụ dỗ chúng ta trong việc rao giảng. Khi chiều theo những cám dỗ ấy, lời rao giảng mất đi sức mạnh của Tin Mừng.

Thế nên, Thánh Phêrô đã nói: “Hãy coi chừng, hãy cảnh giác, hãy cẩn thận… vì kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử gào thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng những nỗi thống khổ như thế”. Thế đó, việc loan báo Tin Mừng, nếu là việc loan báo đích thực, thì luôn phải đối diện với nhiều cám dỗ.

Có Chúa cùng đồng hành

Chúa sẽ ủi an chúng ta và ban sức mạnh, để chúng ta có thể tiếp tục tiến bước. Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta, nếu chúng ta trung thành với sứ điệp Tin Mừng, nếu chúng ta biết ra khỏi chính mình để với lòng khiêm nhường chân thật ra đi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cho dù đối với người đời, Chúa Kitô chịu đóng đinh, là cớ vấp phạm, là điều ngu ngốc, và là sự thất bại.

Nguyện xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta khiêm tốn lên đường loan báo Tin Mừng, với lòng tự tin đặt nơi chính Chúa. Đó là Tin Mừng chân thật, rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm, rằng Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người. Dù cho có người coi đó là sự điên rồ, là điều không chấp nhận được, thì chúng ta vẫn biết rằng Chúa ở gần chúng ta, ở trong chúng ta, ở bên chúng ta, đồng hành với chúng ta, cùng hoạt động với chúng ta và chuẩn nhận các việc chúng ta làm.

Tứ Quyết SJ

 

Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

Cuộc đời của tổ phụ Abraham không chỉ dậy cho chúng ta biết ngài là cha chúng ta trong lòng tin, mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa. Vì các biến cố cuộc đời tổ phụ loan báo sự phục sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 29-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn trích từ chương 4 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma viết rằng: “Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy,17 như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết… Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

ĐTC nói: đoạn thư chúng ta vừa nghe là một món quà lớn, vì nó khiến cho chúng ta hiểu rằng tổ phụ Abraham không chỉ là cha chúng ta trong lòng tin mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa; không phải chỉ là cha trong lòng tin nhưng cũng là cha trong niềm hy vọng, vì các biến cố trong cuộc đời tổ phụ cũng loan báo sự Phục Sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết nữa.

** Văn bản nói rằng Abraham tin nơi Thiên Chúa “là Đấng ban sự sống cho người đã chết và gọi vào sự hiện hữu các vật không hiện hữu” (Rm 4,17), và văn bản xác định: “Người không chao đảo trong niềm tin, mặc dù thấy thân xác mình và cung lòng bà Sara đã như chết rồi” (Rm 4,19).  Đó cũng chính là kinh nghiệm chúng ta được mời gọi sống. ĐTC miêu tả Thiên Chúa như sau:

Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải cho Abraham là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa làm cho ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết, Thiên Chúa kêu gọi vào sự sống. Trong câu chuyện của Abraham tất cả đều trở thành  một thánh thi chúc tụng Thiên Chúa, là Đấng giải thoát và tái sinh, tất cả trở thành ngôn sứ. Và nó trở thành cho chúng ta, giờ đây nhận biết và cử hành việc thành toàn của tất cả mầu nhiệm Phục Sinh. Thật thế, Thiên Chúa “đã cho Đức Giêsu sống lại từ những kẻ đã chết” (Rm 4,24), để cả chúng ta nữa trong Ngài cũng có thể từ cái chết bước qua sự sống. Và khi đó Abraham thực sự có thể nói mình “là cha của nhiều dân tộc”, trong nghĩa ông rạng ngời lên như lời loan báo một nhân loại mới, đã được Chúa Kitô cứu chuộc khỏi tội lỗi và cái chết, và đưa vào trong vòng tay ôm tình yêu của Thiên Chúa, một lần cho luôn mãi.

Tới đây thánh Phaolô  giúp chúng ta minh xác mối dây ràng buộc chặt chẽ giữa lòng tin và niềm hy vọng. Ngài khẳng định rằng tổ phụ Abraham tin, vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng” (Rm 4,18).

 ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên các lý luận, các dự trù và các trấn an của con người; và nó được bầy tỏ ở nơi không còn có hy vọng nữa, ở nơi không còn gì để hy vọng, như xảy ra cho chính tổ phụ Abraham, trước cái chết gần kề của ông và trước việc không sinh sản của vợ là bà Sara. Đối với họ đó đã là kết thúc, họ đã không thể có con và trong tình trạng ấy, Abraham đã tin và đã hy vọng chống lại mọi hy vọng. Điều này thật lớn lao!  Niềm hy vọng lớn lao đâm rễ trong đức tin, và chính vì thế nó có khả năng đi xa hơn mọi hy vọng. Phải, vì nó không dựa trên lời nói của chúng ta, nhưng dựa trên Lời của Thiên Chúa. Cả trong nghĩa này nữa khi đó chúng ta được mời gọi noi gương tổ phụ Abraham, là người trước sự hiển nhiên của một thực tại  xem ra phải chết, ông vẫn tín thác nơi Thiên Chúa, “hoàn toàn xác tín rằng  những gì Ngài dã hứa Chúa cũng có thể đưa tới chỗ thành toàn” (Rm 4,21).

** Tôi muốn hỏi anh chị em một câu: Chúng ta, tất cả chúng ta đây, chúng ta có xác tín về điều này không? Chúng ta có xác tín rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, và tất cả những gì Ngài đã hứa với chúng ta thì Ngài sẵn sàng đưa nó tới chỗ thành toàn không? “Nhưng mà thưa cha chúng con phải trả bao nhiêu tiền cho điều đó?” Chúa trả lời: Có một giá: đó là hãy mở rộng con tim. Hãy rộng mở con tim anh chị em, và sức mạnh này của Thiên Chúa sẽ làm cho nó tiến tới, sẽ làm các điều kỳ diệu, và sẽ dậy cho anh chị em biết niềm hy vọng là gì. Đó là giá trả duy nhất: rộng mở con tim cho đức tin và Chúa sẽ làm mọi sự còn lại.

Đó chính là sự mâu thuẫn đồng thời là yếu tố mạnh mẽ nhất, cao cả nhất mà trên bình diện nhân loại xem ra không chắc chắn và không thể dự kiến, nhưng không suy giảm, kể cả trước cái chết, khi Đấng đã hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống. Đây là điều không phải bất cứ ai cũng hứa được đâu, không! Người hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống.

Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ơn được xây dựng, không phải trên các an ninh, các khả năng của chúng ta, nhưng trên niềm hy vọng vọt lên từ lời hứa của Thiên  Chúa, như là các con cái đích thật của tổ phụ Abraham. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đưa tới chỗ thành toàn điều Ngài hứa. Ngài không bao giờ nuốt lời.  Và khi đó cuộc sống chúng ta sẽ có được một ánh sáng mới, trong ý thức rằng Đấng đã cho Con của Ngài sống lại cũng sẽ cho chúng ta phục sinh, và thực sự khiến cho chúng ta trở thành một với Ngài, cùng với tất cả các anh chị em khác trong đức tin. Chúng ta tất cả đều tin. Hôm nay chúng ta tất cả ở quảng trường này, chúng ta chúc tụng Chúa, chúng ta sẽ hát Kinh Lậy Cha, rồi lãnh nhận phép lành… Tuy điều này qua đi, nhưng nó cũng là một lời hứa của hy vọng. Nếu hôm nay chúng ta có con tim rộng mở, tôi bảo đảm với anh chị em là tất cả chúng ta sẽ gặp nhau trong quảng trường trên Trời luôn mãi, không bao giờ tàn. Và đó là lời hứa của Thiên Chúa. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta, nếu chúng ta rộng mở tâm lòng mình.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội những người bại liệt và cộng đoàn Suối nguồn và cầu chúc họ vững niềm cậy trông và kiên trì tiến bước trong đời.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương đến từ Êcốt, Phần Lan, Na Uy, Philippines và Hoa Kỳ, đặc biệt là nhóm các dân biểu Anh quốc liên lạc với Toà Thánh. Ngài đánh giá cao công việc của họ và cầu mong mùa Chay thánh là thời gian ân sủng và canh tân tinh thần cho mọi người.

Bên cạnh các nhóm, Đức và Tây Ban Nha ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Bồ Đào Nha, đặc biệt là nhóm “Bạn của các viện bảo tàng Bồ Đào Nha”, các học sinh và giáo sư trường trung học Cedros. Ngài cầu chúc họ biết canh tân tinh thần, sống gắn bó với Chúa Kitô hơn và hăng say làm việc trong vườn nho của Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài đặc biệt chào đoàn hành hương người mù Wieliszka và cầu chúc tất cả học sống hy vọng mạnh hơn sự dữ và cái chết, vì dựa trên Lời Chúa là Đấng đã cho Đức Kitô sống lại.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các linh mục của phong trào Tổ Ấm Focolari, hiệp hội bênh vực sự sống Italia, tín hữu vùng Cassino mừng 70 năm thánh hiến nhà thờ kính thánh Antôn thành Padova, cũng như đội bóng rổ Gaeta. Ngài cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố sự hiệp thông của họ với Giáo Hội hoàn vũ và Người kế vị thánh Phêrô.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu chúc muà Chay giúp giới trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của lòng tin trong cuộc sống thường ngày; người đau yếu biết kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau trên thập giá của Chúa Kitô; và các cặp vợ chồng mới cưới biết tạo thuận tiện cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Washington – Ngày 13/03 vừa qua, tổng giáo phận Oklahoma City đã loan báo về lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother, một linh mục sinh quán tại giáo phận, tử đạo tại Guatemala vào năm 1981.

Đức tổng giám mục Paul S. Coakley đã nhận được tin chính thức từ Roma: Tôi tớ Chúa, cha Stanley Rother, sẽ được phong chân phước tại Oklahoma City vào ngày 23/09 năm nay.

Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Rother và cha trở thành vị tử đạo đầu tiên sinh tại Hoa kỳ.

Đức tổng giám mục Coakley nói với nhật báo Oklahoma là Đức Hồng y Angelo Amato, tổng trưởng bộ Phong thánh sẽ đại diện Đức Thánh Cha tại lễ phong thánh.

Cha Stanley Rother được tổng giáo phận Oklahoma gửi đi truyền giáo ở Santiago Atitlan, Guatemala vào năm 1968. Trong thời gian ở đây, cha đã giúp xây một bệnh viện nhỏ, một trường học và một đài phát thanh Công giáo đầu tiên ở Guatemala.

Năm 1981, khi Guatemala đang ở trong thời kỳ xung đột kéo dài hàng thập kỷ, cha Rother sống trong một vùng nông thôn của người bản xứ và bị chính quyền kết án có cảm tình với quân nổi loạn, đã chịu chung số phận với các giáo dân và người Guatemala bản xứ, cha bị bắn tại nhà xứ.

Cha Rother là một trong khoảng 200 ngàn người bị giết trong cuộc nội chiến ở Guatemala, kéo dài từ năm 1960 và kết thúc với hiệp định hòa bình vào năm 1996. (CNS 13/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm cuối: 2 cách loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người thời nay?

Bài suy niệm cuối: 2 cách loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người thời nay?

Ariccia – Sáng 10/03, cha Michelini, thuyết giảng viên tuần tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma, đã trình bày bài suy niệm cuối cùng về chủ đề “Mồ trống và Phục sinh” theo tin mừng thánh Mátthêu.

Hai cách trình bày mầu nhiệm Phục sinh: con đường học hỏi, giải thích Sách Thánh và con đường bác ái

Trang cuối của tin mừng thánh Mátthêu, nói về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, theo cha Michelini, mạc khải mầu nhiệm Kitô giáo. Đau khổ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tất cả, nhưng là một bắt đầu mới – Phục sinh. Nhưng làm sao trình bày về mầu nhiệm phục sinh cho người thời nay?

Cha Michelini nói về nhân vật chính trong tác phẩm “Metamorfosi” (biến hình) của Franz Kafka, một ngày kia, khi tỉnh dậy, đã biến thành một con côn trùng, chỉ khép kín trong chính mình, lo lắng và không có liên hệ gì với tình cảm gia đình. Làm sao chúng ta loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người như thế? Cần phải khởi đi từ con người Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Cha nói: “Phục sinh cho thấy một điều mới mẻ thực sự của Chúa Kitô so với Chúa Giêsu lịch sử: thân xác Ngài là thân xác sau khi phục sinh, nhưng là sự mới mẻ đã được thấy trước trong các dấu hiệu lịch sử của Chúa Giêsu trước khi phục sinh. Do đó khi chúng ta nghe nói Chúa đã sống lại, chúng ta có thể khởi đi lại từ con người Giêsu, từ con người Giêsu ở Galilê, với sứ điệp giải phóng nhân loại.” Vì thế, một sứ điệp giải phóng nhân loại cho con người ngày nay có thể đến qua 2 cách,  cả 2 đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh và minh họa: sứ vụ văn hóa trong việc đào sâu các bản văn cùng với cách giải thích mới và con đường bác ái.

Chúng ta hãy tìm hiểu để hiểu thêm điều mà các sách Tân ước và Cựu ước muốn nói và để chúng ta có thể giải thích chúng lại qua đời sống Giáo hội, phụng vụ, bài giảng, nhưng cũng qua sự dấn thân văn hóa. Nhưng con đường khác, nếu chúng ta có thể mở cửa phòng nơi mà Gregor Samsa tự khóa mình, là con đường bác ái. Nếu Gregor Samsa nhốt mình trong căn phòng khóa chặt, đó là huyệt mộ, nếu được ai đó trợ giúp, anh có thể tìm lại được nhân tính. Thay vì là côn trùng, có lẽ anh ta có thể nhận ra nét nào đó của thân xác con người của anh ta.”

Theo Tin mừng thánh Mátthêu, sự phục sinh đã được thiên thần loan báo.  Do đó, nói về mộ trống thôi chưa đủ, sự Phục sinh cũng phải được nói, sứ điệp của Chúa Kitô phục sinh phải được loan báo.

Phục Sinh: tha thứ

Nhưng lời của thánh Mátthêu còn cho thấy rõ một khía cạnh khác của Phục sinh, đó là ơn tha thứ. Chúa Giêsu phục sinh muốn gặp 11 môn đệ và gọi họ là “anh em”, nghĩa là Ngài đã tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi Ngài. Ngài gặp họ ở Galilê, họ cúi xuống bái lạy nhưng đồng thời nghi ngờ. Tuy nhiên, Ngài đã đến gần họ và trình thuật của thánh Mátthêu kết thúc với những lời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Cha Michelini kết luận: “Đây đúng thực là cách làm của Thiên Chúa, mà Lời của Ngài có khả năng soi chiếu những giới hạn của chúng ta và biến đổi chúng thành cơ hội.”

Cha của Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta qua lời của Ngài và Con của Người, Đấng mà Tin mừng thánh Mátthêu gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tin mừng thánh Mátthêu kết thúc như thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Đây là gia sản lớn nhất mà chúng ta có, dù cho những nghi ngờ và phần xấu xa của chúng ta và tội lỗi chúng ta.”

Sau bài suy niêm cuối cùng, Đức Thánh Cha đã cám ơn cha giảng thuyết về những suy tư trong tuần tĩnh tâm và ngài đã trở về Vatican lúc 11.30  (RV 10/03/2017)

Hồng Thủy

 

Các sinh hoạt của ĐTC tại Philadelphia chiều thứ bẩy và sáng Chúa Nhật

Các sinh hoạt của ĐTC tại Philadelphia chiều thứ bẩy và sáng Chúa Nhật

ĐTC tại đại hội quốc tế các gia đình tại Philadelphia

Tường thuật các sinh hoạt của ĐTC Phanxicô tại Philadelphia chiều thứ 7 và sáng Chúa Nhật

Sáng Chúa Nhật hôm qua là ngày cuối cùng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ĐTC Phanxicô. Ban sáng sau khi gặp các Giám Mục khách của cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình, ngài đến thăm trung tâm cải huấn Curran-Fromholf Philadelphia. Vào ban chiều ĐTC chủ sự thánh lễ bế mạc đại hội quốc tế các gia đình lần thứ 8, chào uỷ ban tổ chức, các thiện nguyện viên và các ân nhân, rồi ra phi trường lấy máy bay về Roma.

Sâu đây xin quý vị cùng chúng tôi theo dõi các sinh hoạt của ĐTC chiều thứ bẩy và sáng Chúa Nhật tại Philadelphia.

Lúc 3 giờ 15 phút chiều ĐTC đã từ đại chủng viện thánh Carlo Borromeo đi xe tới Công viên lịch sử độc lập quốc gia để gặp gỡ cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha và các người di cư khác.

Công viên lịch sử độc lập quốc gia rộng 22 hecta nằm bên trong thành phố Philadelphia và có nhiều đài kỷ niệm và dinh thự liên quan tới cuộc chiến tranh giành độc lập 1763-1783.

Hai đài kỷ niệm chính là Independence Hall và Liberty Bell Center. Independence Hall là dinh thự xây năm 1753, nơi đã diễn ra các cuộc thảo luận của Quốc hội lập hiến và công bố Tuyên ngôn độc lập ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776 cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Dinh thự này nằm trong danh sách Gia tài nhân loại của UNESCO. Liberty Bell “Qủa chuông hòa bình” là một trong các biểu tượng của nền Độc Lập Hoa Kỳ. Chuông được đúc tại Luân Đôn năm 1752 với hàng chữ. “Hãy công bố năm ân xá cho mọi người sống trong xứ” (Lv 25.10) và được đặt tại Toà

 Nhà Quốc Gia Philadelphia, hồi đó là thủ đô tạm của Hoa Kỳ. Chuông được đánh lên để tụ họp các nhà làm luật vào đầu các phiên họp quốc hội, và để quy tụ dân chúng trong các cuộc hội họp công cộng. Sau khi được đúc lại chuông được các hiệp hội tranh đấu cho quyền bầu cử của nữ giới dùng, và trong thời chiến tranh lạnh hồi thập niên 1960 trở thành nơi tụ họp của các phong trào chủ hòa. Chuông cũng đã được đem đi triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới, và năm 2003 được để trong trung tâm xây cất cho mục đích này.

Xe díp chở ĐTC đã đi một vòng để ngài chào dân chúng. Hai Tổng Giám Mục Gomez và Miller cùng với 5 đại diện cuộc gặp gỡ đã giới thiệu lên ĐTC sách Thánh Kinh Công Giáo cho gia đình và cho giới trẻ và Thánh Giá cuộc gặp gỡ để ngài làm phép. Chúng sẽ thánh du trong mọi tiểu bang Hoa Kỳ để chuẩn bị cho các đại hội gia đình trên bình diện quốc gia của cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha. Các cuộc gặp gỡ này đã được HĐGM Hoa Kỳ khởi xướng hồi năm 1972 để khích lệ các cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha trở thành các tác nhân trong cuộc sống của Giáo Hội Hoa Kỳ. Sau các đại hội năm 1977 và 1985, đại hội lần thứ 4 năm 2000 đã đem lại các kết quả tốt đẹp, vi thế nó được trải rộng kinh nghiệm ra cho các sắc dân và các nền văn hóa khác. Đại hội lần thứ 5 sẽ được triệu tập vào năm 2017.

Các truyền thống tôn giáo phục vụ xã hội qua sứ điệp chúng loan báo

Ngỏ lời với mọi người trong buổi gặp gỡ với đề tài “Tự do tôn giáo” ĐTC nói:

Các bạn thân mến, một trong các cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là tại đây, trước Independence Mall, là nơi sinh ra Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Chính tại nơi đây các quyền tự do xác định đất nước này đã được công bố lần đầu tiên. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định rằng tất cả mọi người nam nữ đều đã được dựng nên bình đẳng, được Đấng Tạo Hóa ban cho vài quyền bất khả nhượng,  và các chính quyền hiện hữu để che chở và bảo vệ các quyền bất khả nhượng đó. Các lời rúng động này tiếp tục gợi hứng cho chúng ta ngày nay cũng như chúng đã gợi hứng cho các dân tộc khác trên toàn thế giới với mục đích chiến đấu cho quyền tự do sống phù hợp với phẩm giá của họ.

Nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng, cũng giống như mọi chân lý, nó cần được liên lỉ tái khẳng định, biến thành của riêng và bảo vệ. Lịch sử của quốc gia này cũng là lịch sử của một nỗ lực liên lỉ cho tới nay để hình thành các nguyên tắc cao cả ấy trong cuộc sống xã hội và chính trị. Chúng ta hãy nhớ tới các cuộc chiến đấu lớn đưa tới chỗ huỷ bỏ chế độ nô lệ, trải dài các quyền bỏ phiếu, làm cho phong trào công nhân lớn lên, cố gắng từ từ để loại bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc và thành kiến chống lại các làn sóng di cư mới Điều này chứng minh cho thấy, khi một quốc gia cương quyết  trung thành với các nguyên tắc thành lập, dựa trên việc tôn trọng phẩm giá con người, thì trở nên mạnh mẽ hơn và được canh tân.

ĐTC nói thêm trong diễn văn: Nhớ lại qúa khứ đem lại ích lợi cho cuộc sống. Một dân tộc có ký ức, thì không lập lại các sai lầm quá khứ, trái lại tin tưởng nhìn các thách đố của hiện tại và tương lai. Ký ức cứu linh hồn của một dân tộc khỏi tất cả những gì hay những ai có thể mưu toan thống trị nó hay sử dụng nó cho các lợi lộc riêng tư. Khi việc thực thi đích thực các quyền liên hệ được bảo đảm cho các cá nhân và các cộng đoàn, thì họ không chỉ tự do thực hiện các tiềm năng riêng, mà cũng còn góp phần vào hạnh phúc và sự phong phủ của xã hội nữa.

Tại nơi biểu tượng này, tôi muốn suy tư về quyền tự do tôn giáo, là một quyền nền tảng nhào nặn kiểu  chúng ta tác động giữa nhau một cách xã hội và cá nhân, với các ngưởi sống gần chúng ta nhưng có các quan điểm tôn giáo khác chúng ta. Rồi ĐTC quảng diễn quyền tự do tôn giáo như sau:

Tự do tôn giáo chắc chắn bao gồm quyền thờ phượng Thiên Chúa một cách cá nhân và cộng đồng, như lương tâm nói với chúng ta. Nhưng tự bản chất của nó,  tự do tôn giáo vượt trên các nơi thờ tự cũng như vượt trên lãnh vực cá nhân và gia đình.

Các truyền thống tôn giáo phục vụ xã hội qua sứ điệp chúng loan báo. Chúng mời gọi các cá nhân và các cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, là nguồn mọi sự sống, sự tự do và lòng tốt. Chúng nhắc nhớ chiều kích siêu việt của cuộc sống con người và sự tự do không thể giản lược trước mọi  yêu sách quyền bính tuyệt đối. Chỉ cần nhìn lại lịch sử của thế kỷ vửa qua để thấy các tàn bạo vi phạm bởi các chế độ, yêu sách xây dựng thiên đàng dưới  thế này, thiên dàng dưới thế kia, bằng cách thống trị các dân tộc, bắt họ phục tùng các nguyên tắc xem ra không thể tranh luận được,  và bằng cách khước từ mọi loại quyền lợi đối với họ. Các truyền thống tôn giáo phong phú của chúng ta tìm cống hiến ý nghĩa và định hướng. “Chúng có một sức mạnh động viên luôn mở rộng ra các chân trời mới, kích thích tư tưởng, mở rộng tâm trí và sự nhậy cảm” (Evangelii gaudium, 256). Chúng mời gọi hoán cải, hoà giải, dấn thân cho tương lai của xã hội, hy sinh chính mình để phục vụ công ích, cảm thương những người thiếu thốn, Ở trọng tâm sứ mệnh tinh thần của chúng có việc công bố chân lý và nhân phẩm cũng như các quyền con người.

ĐTC khẳng định thêm rằng : Các truyền thống tôn giáo của chúng ta nhắc nhớ chúng ta rằng,  như là các bản vị con người, chúng ta được mời gọi nhận biết Đấng Khác, là Đấng mạc khải cho chúng ta biết căn tính tương quan trước mọi mưu toan thiết lập một sự đồng nhất, mà tính ích kỷ của kẻ mạnh, hay chủ trương thích nghi của kẻ yếu, hoặc ý thức hệ của kẻ ảo tưởng có thế tìm áp đặt trên chúng ta.

Các tôn giáo phải hợp tiếng bênh vực và bảo vệ hòa bình, phẩm giá và các quyền con người

Trong một thế giới, trong đó các hình thức  chuyên chế khác nhau tìm hủy bỏ quyền tự do tôn giáo hay tìm giảm thiểu nó thành một loại văn hóa hạng thấp không có quyền biểu lộ nơi công cộng, hay tìm sử dụng tôn giáo như cớ cho thù hận và tàn bạo, thì tín hữu của các tôn giáo khác nhau có bổn phận phải hợp tiếng với nhau để khẩn cầu hoà bình, khoan nhượng, tôn trọng phẩm giá và các quyền của người khác.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nằm dưới sự toàn cầu hoá của mô thức kỹ thuật cai trị,  cố ý đồng nhất hoá một chiều con người và tìm loại trừ các khác biệt và các truyền thống, biến chúng thành việc tìm một sự hiệp nhất hời hợt. Vì thế các tôn giáo có quyền và có bổn phận giúp hiểu rẳng  có thể xây dựng một xã hội, trong đó có một chế độ đa nguyên lành mạnh, thật sự tôn trọng người khác và các giá trị như chúng là.

ĐTC ca ngợi các người Quakers đã thành lập thành phố Philadelphia lấy hứng từ Tin Mừng liên quan tới phẩm giá con người và lý tưởng của một cộng đoàn hiệp nhất bởi tình yêu thương huynh đệ. Xác tín đó đã dẫn đưa họ tới chỗ thành lập một cộng đoàn thiên dàng của tự do tôn giáo và khoan nhượng, dấn thấn huynh đệ cho phẩm giá của mọi người, đặc biệt các người yếu đuối và dễ bị tổn thưong nhất. Và tinh thần đó đã trở thành tinh thân nóng cốt của Hoa Kỳ. ĐTC đã nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1987: “Bằng chứng định đoạt sự cao cả của anh chị em là kiểu anh chị em tôn trọng mọi bản vị con người, đặc biệt của những người yếu đuối và không được bênh đỡ nhất” (Diễn văn từ biệt tại phi trường Detroit, 19-9-1987,3)

ĐTC đã nhân dịp này cám ơn tín hữu mọi tôn giáo tìm phục vụ Thiên Chúa của hoà bình, xây dựng tình huynh đệ và trợ giúp người thiếu thốn, bênh vực phẩm gía sự sống trong mọi giai đoạn, bênh vực người nghèo và người di cư. Anh chị em là tiếng nói của họ, và nhiều người trong anh chị em một cách trung thực đã cho phép tiếng kêu của họ được lắng nghe. Với chứng tá thường gặp phải kháng cự mạnh mẽ này, anh chị em nhắc cho nền dân chủ Mỹ nhớ tới các lý tưởng, vì thế  nó đã được thành lập, và nhớ rằng xã hội bị suy yếu đi mỗi lần và ở bất cứ đâu bất công thắng thế.

ĐTC đã đặc biệt khích lệ các anh chị em di cư nói tiếng Tây Ban Nha can đảm đương dầu với các khó khăn, và đừng quên rằng họ cũng có nhiều điều hay đẹp để đóng góp cho Hoa Kỳ là quốc gia mới của họ, giống như những thế hệ đi trước họ đã làm. Ngài xin họ  đừng xấu hổ vì các truyền thống cao quý, căn tính và dòng máu của họ. Trái lại, cần sống như những công dân có tinh thần trách nhiệm góp phần xây dựng cuộc sống của các cộng đoàn một cách phong phú, nhất là đóng góp đức tin sống động mạnh mẽ và giúp canh tân xã hội.

Sau khi đọc kinh Lạy Cha và ban phép lành cho mọi người ĐTC đã đi xe về đại chủng viện thánh Carlo Borromeo cách đó 10 cây số để nghỉ ngơi trước khi đến Franklin Parkway để chủ sự buổi canh thức cho các gia đình.

Đại chủng viện thánh Carlo Borromeo được ĐC Francis Kenrick, vị Giám Mục thứ ba của giáo phận Philadelphia cho xây năm 1832. Từ hơn 180 năm nay đại chủng viện đã đào tạo hàng ngàn linh mục của nhiều giáo phận. Các chương trình đào tạo hiện nay bao gồm cả môn mục vụ cho các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ và giáo dân

Xe chở ĐTC đã tới Benjamin Franklin Parkway lúc sau 7 giờ chiều giờ Philadelphia. Tại đây ĐTC đã lên xe díp để chào tín hữu tụ tập dọc đại lộ mang tên Benjamin Franklin là một trong những người cha thành lập Hoa Kỳ. Ông là người sinh trưởng tại Philadelphia, văn sĩ, nhà vật lý nghĩ ra cột thu lôi và kính hai tròng, chuyên viên chính trị và là chính trị gia dấn thân. Ông đã là thống đốc tiểu bang Pensylvania và là người đã phóng thích các nô lệ của mình. Hình của ông được in trên tờ 100 mỹ kim và có nhiều thành phố, học viện văn hóa và cả tầu chiến cũng mang tên ông.

Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình đã do thánh Gioan Phaolô II thành lập ngày mùng 9 tháng 5 năm 1981. Đại hội này do Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình tổ chức ba năm một lần tại nhiều nơi trên thế giới: lần thứ nhất tại Roma năm 1994, lần thứ hai tại Rio de Janeiro năm 1997, lần thứ ba tại Roma năm 2000, lần thứ tư tại Manila năm 2003, lần thứ năm tại Valencia năm 2006, lần thứ sáu tại thành Phố Mêxicô năm 2009, lần thứ bẩy tại Milano năm 2012. Đã có 1 triệu người tham dự thánh lễ bế mạc đại hội tại Milano do ĐTC Biển Đức XVI chủ sự tại phi trường Brescia.

 Đại hội quốc tế các gia đình lần thứ tám đã diễn ra tại Philadelphia trong các ngày 22-25 và có khẩu hiệu là “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta: gia đình sống động tràn đầy”. Mỗi ngày đều có thánh lễ, các buổi thuyết trình và các buổi học giáo lý do nhiều Hồng Y và Giám Mục cũng như các chuyên viên đảm trách. Đồng thời cũng có các chứng từ và nhiều sinh hoạt khác cho nhiều lứa tuổi khác nhau.

Buổi canh thức đã là một lễ hội gia đình với ca nhạc, mầu sắc, vũ điệu và các chứng tử. Hơi ấm, tình yêu và niềm vui của các gia đình toàn thế giới đã được phản ánh trong sự xúc dộng và nụ cuời của ĐTC lắng nghe các chứng từ  cuộc sống của nhiều người. Chị Amy Wall được khỏi bệnh điếc nhờ lời bầu cử của thánh nữ Catarina Mary Drexel; các nỗi sợ hãi và và lời hứa trong các lời nói xúc động của Camillus và Kelly sẽ cưới nhau vào tháng 11 tới đây; Mario và Rosa người Argentina trái lại vừa mới mừng lễ Ngọc 60 năm lấy nhau. Gianna Emanuela Molla con gái của thánh Gianna Beretta Molla cũng hiện diện. Thế rồi còn có ông Herb Lusk cầu thủ bóng đá đầu tiên của Hoa Kỳ. Trong các hoạt cảnh cũng có các nốt nhạc của Aretha Franklin. Rồi còn có biết bao chứng từ niềm vui, các khó khăn và tái sinh từ Ucraina cho tới Nigeria, từ Hoa Kỳ cho tới Giordania.

Thiên Chúa dã gửi Con Ngài đến sống trong một gia đình. Ngài  thích gõ cửa các gia đình và đồng hành với các gia đình

Lên tiếng nói buông sau các chứng từ của các gia đình, ĐTC mời gọi mọi người săn sóc và bênh vực gia đình, bởi vì gia đình chính là tương lại của chúng ta. Ngài chân thành cám ơn các gia đình đã can đảm chia sẻ với mọi người cuộc sống của họ, và các trình diễn nghệ thuật là các con đường đưa tới Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân, Thiện Mỹ. Gia đình là do ý muốn của Thiên Chúa. Một xã hội lớn lên mạnh mẽ, xinh dẹp và chân thật được xây dựng trên nền tảng gia đình. ĐTC đã chia sẻ một câu hỏi mà một trẻ em hỏi ngài:”Thiên  Chúa làm gì trước khi tạo dựng thế giới?” Trước khi tạo dựng thế giới Thiên Chúa đã yêu thương, bỏi vì Thiên  Chúa là Tình Yêu… Một tình yêu thương to lớn và lôi cuốn tạo dựng thế giới. Thế giới là một tuyệt tác mà chúng ta đang tàn phá. Thiên Chúa đã cho con người tất cả. Tất cả tình yêu Thiên Chúa có nơi Ngài, tất cả vẻ đẹp Thiên Chúa có trong Ngài, tất cả sự thật Thiên Chúa có trong Ngài Ngài đã trao ban cho gia đình. Thiên Chúa đã gửi Con Ngài tới trong một gia đình, để đồng hành với chúng ta trong gia đình.

ĐTC giải thích rằng một gia đình thực sự là gia đình khi có khả năng mở rộng đôi tay và tiếp nhận tất cả tình yêu. Vì ghen tức với con người nên ma quỷ khiến cho con người phạm tội và chia rẽ nhau. Và con người đánh mất đi tình yêu của Thiên  Chúa. Hậu qủa là cảnh anh em giết nhau, các chiến tranh và mọi tan vỡ khổ đau khác. Nhưng chúng ta có thể quyết định lựa chọn con đường phải đi. Thiên  Chúa không bỏ rơi chúng ta cả sau khi Adam và Evà phản bội Ngài, Thiên  Chúa đồng hành với con người tới độ trao ban Con của Ngài cho nhân loại. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria và Cha Thánh Giuse biết rộng mở con tim cho Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Chúa và hãy là một gia đình có con tim rộng mở cho tình yêu. ĐTC nói thêm trong bài giảng:

Thiên Chúa luôn luôn gõ cửa các con tim. Ngài thích làm như thế. Ngài muốn vào trong đó. Nhưng anh chị em có biết ngài thích gì nhất không? Ngài thích gõ cửa các gia đình, và gặp các gia đình hiệp nhất và ước muốn tìm các gia đình khác: như thế chúng ta tạo dựng một xã hội  của “chân, thiện, mỹ”. Đối với ĐTC gia đình có một bức thư của công dân thiên linh và được xây dựng trên tình yêu, vẻ đẹp và sự thật.

Dĩ nhiên trong gia đình có các khó khăn, các cãi cọ, mệt mỏi và vấn đề, nhưng gia đình luôn luôn là lò sản xuất hy vọng, sự sống lại và sự sống, bởi vì Thiên  Chúa muốn như vậy.  Tiếp đến ĐTC đề cập tới trẻ em và người trẻ là tương lai cuả nhân loại, và tới các ông bà là ký ức của nhân loại Chính các ngài đã trao ban và thông truyền cho chúng ta đức tin. Săn sóc các ông bà và trẻ em là giấc mơ của tình yêu. Một dân tộc không biết lo lắng cho trẻ em và ông bà thì không có tương lai, không có sức mạnh và không có ký ức. Chúng ta hãy bênh vực gia đình bởi vì tương lai của chúng ta là ở đó. Sau cùng ĐTC khuyên các gia đình: “Đừng bao giờ kết thúc một ngày với cãi cọ, nhưng với sự tha thứ và làm hoà.”

Sau bài giảng buông của ĐTC ĐTG Chaput đã giới thiệu một tác phẩm và ba mảnh lớn của một bức tường mà tín hữu đã làm trong suốt mùa hè có các hình vẽ và chữ ký của họ. Chúng sẽ được dựng trước trường Thánh Malakia. ĐTC cũng ký tên trên bức tường này. Tiếp theo đó là phần trình diễn của danh ca Tenor Andrea Boccelli. Trước khi ban phép lành ĐTC đa xin Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse bầu cử cho các gia đình để các gia đình tin rằng chiến đâu cho gia đình là điều đáng công.

Sau khi từ gĩa tín hữu ĐTC đã vể đại chủng viện thánh Carlo Boromeo dùng bữa tối và nghỉ qua đêm.

Lúc 9 giờ 15 sáng Chúa Nhật ĐTC đã gặp gỡ các Giám Mục tham dự Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại nhà nguyện đại chủng viện thánh Carlo Borromeo. Ngỏ lời chào mừng ĐTC và các Giám Mục ĐC Chaput TGM Philadelphia đã cám ơn các vị vì nhờ lời cầu nguyện của các vị mà cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình đã có thể diễn ra tốt đẹp. Khi soạn chương trình cách đây hơn hai năm tổng giáo phận đứng trước các khó khăn tài chánh cũng như vân đề pháp lý, hàng linh mục tu sĩ bị chấn thương vì các tin tức gây đau khổ trong nhiều năm qua. Nhưng mọi người tín thác nơi Chúa. Và trong các tháng qua đã có hàng ngàn gia đình và người trẻ  khích lệ và nhắc nhở cho biết Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta cho hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa. Sự hiện diện và tham dự hăng say cũng như chứng tá của biết bao gia đình nói lên điều đó.

Động viên sức lực và lòng hăng say giúp các gia đình tái sinh và đáp trả trân đầy phước lành của Thiên Chúa

Ngỏ lời với các Giám Mục khách của đại hội quốc tể gia đình, trong đó có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội và Đức Cha Bùi Văn Đọc TGM Sài Gòn, ĐTC tái khẳng định xác tín của ngài: gia đình không phải là một vấn đề gây âu lo, nhưng là xác nhận hạnh phúc phước lành của Thiên  Chúa khiến cho nó là tuyệt tác của công trình tạo dựng. Vì thế cần phải hăng hái canh tân mục vụ gia đình trong giai đoạn có nhiều thay đổi này. Trước hết việc trân quý và biết ơn đối với gia đình phải thắng vượt sự than van, mặc dù tất cả các chướng ngại khó khăn trước mắt.  Gia đình là nơi nền tảng giao ước của Giáo Hội với việc tạo dựng của Thiên Chúa. Không có gia đình Giáo Hội cũng sẽ không hiện hữu, không thể là điều nó phải là hay là dấu chỉ và dụng cụ sự hiệp nhất của nhân loại (LG, 1).

Bản chất của gia đình không được khiến cho chúng ta quên đi sự thay đổi sâu rộng của nền văn hóa xã hội và cả pháp lý nữa của các mối dây gia đình liên lụy tới tất cả mọi người,  tin cũng như không tin. Kitô hữu không được miễn nhiễm đối với các thay đổi thời đại. Trong môi trường xã hội xưa kia định chế hôn nhân có sự yểm trợ và gắn bó của cơ cấu dân sự và bí tích kitô. Ngày nay không còn như thế nữa. Hình ảnh của các hàng quán nhỏ và siêu thị hay trung tâm thương mại có thể giúp chúng ta hiểu sự khác biệt này. Trước kia các hàng quán nhỏ trong các khu phố bán đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Người dân trong khu phố gần gũi và quen biết nhau, tin tưởng nơi nhau, có thể mua chịu, có can đảm tin nhau. Trong các thập niên qua đã phát triển các hàng quán to lớn hơn là các siêu thị, các trung tâm thương mại, nơi nền văn hóa cạnh tranh thương mại thống trị. Không có tương quan cá nhân, không có sự gần gũi và tin tưởng, không thể mua chịu. Nền văn hóa ngày nay là năng động không gắn bó với bất cứ gì và bất cứ ai. Tiêu thụ xác định điều gì là quan trọng. Tiêu thụ các tương quan, tiêu thụ tình bạn, tiêu thụ tôn giáo, tiêu thụ và tiêu thụ. Giá cả và các hậu qủa không quan trọng. Một sự tiêu thụ không làm nảy sinh ra các tương quan. Các tương quan ở dưới việc thỏa mãn “các nhu cầu của tôi”. Tha nhân với gương mặt của họ,  lịch sử của họ, tình cảm của họ hết quan trọng.

Thái độ hành xử này làm nảy sinh ra nền văn hóa loại bỏ tất cả những gì không ích lợi hay không làm thoả mãn các sở thích của người tiêu thụ. Thế là chúng ta biến xã hội trở thành một cửa hàng đa văn hóa rất rộng rãi gắn bó với các sở thích của vài người tiêu thụ và đàng khác có biết bao nhiêu người “ăn các mảnh bánh vụn rơi từ bàn của chủ” (Mt 15,27). Sự kiện này gây ra một vết thương rất lớn, Nó là một trong các nghèo túng chính hay gốc rễ của biết bao nhiêu tình trạng cô đơn hiện nay mà nhiều người phải gánh chịu… một sự cô đơn kinh khiếp của việc dấn thân tìm kiếm không kìm hãm được thừa nhận.

Là chủ chăn chúng ta được mời gọi noi bước Chúa Giêsu Mục Tử, tìm kiếm, đồng hành, nâng dậy, băng bó các vết thương thời đại, chứ không lên án, ra vạ tuyệt thông các người trẻ sinh ra và lớn lên trong xã hội ấy, không bắt họ phải nghe những câu “Xưa kia không như thế”, “thế giới này là một thảm họa”. Chúng ta sẽ lầm,  nếu giải thích rằng nền văn hóa của thế giới ngày nay không yêu thích hôn nhân và gia đình với các phạm trù của sự ích kỷ thuần túy. Có lẽ người trẻ thời nay đã trở thành xanh xao yếu ớt và không kiên trì một cách không thể sửa chữa được nữa chăng? Khung cảnh nền văn hóa này đã khiến cho họ bị tê liệt đối với các hăng hái đẹp hơn, cao cả và cần thiết hơn.

Như là các chủ chăn chúng ta được mời gọi thu lượm các sức mạnh và tái hăng say làm cho các gia đình tái sinh và đáp trả lại phước lành của Chúa một cách tràn đầy hơn. Chúng ta phải đầu tư sức lực của chúng ta, không phải để giải thích và tái giải thích  các khuyết điểm của tình trạng ngày nay, cho bằng thẳng thắn mời gọi người trẻ can đảm liều lĩnh chọn lựa hôn nhân và gia đình. Mục tử phải cho thấy Tin Mừng gia đình thật sự là tin vui trong một thế giới, trong đó sự chú ý tới mình xem ra toàn quyền ngự trị.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chủ chăn thanh thản và đam mê loan báo Lời Chúa, và khích lệ tín hữu nhắm cao, canh thức trên giấc mơ, cuộc sống, sự lớn lên của đoàn chiên. Sự canh thức ấy không được làm bằng các diễn văn nhưng qua việc săn sóc mục vụ, có khả năng ở giữa đoàn chiên và không sợ các câu hỏi, biết tiếp xúc và đồng hành, biết giúp họ hướng nhìn lên cao khi họ nàn lòng, bị tước đoạt hay ngã qụy. Phải tự vấn xem chúng ta có biết “mất thời giờ” với các gia đình hay không, ở với họ, chia sẻ các khó khăn và vui buồn của họ hay không.

Để có thể sống sự thân tình gia đình tươi vui với Thiên Chúa cần cầu nguyện và loan báo Tin Mừng, tránh biến mình trở thành những người chỉ học sống một mình không có gia đình. Lý tưởng cuộc sống chúng ta không phải là khưóc từ tình yêu thương trìu mến. Mục Tử nhân lành từ chối các yêu thương gia đình riêng để dành trọn sức lực và ân sủng ơn gọi riêng của mình cho việc chúc lành cho các yêu thương trìu mến của người nam và người nữ thực hiện chương trình tạo dựng của Thiên  Chúa. Sứ mệnh của chủ chăn là noi gương trong tất cả và cho tất cả cung cách sống của Chúa Con đối với Chúa Cha….

Nếu chúng ta có khả năng sống các yêu thương khắt khe như Thiên Chúa, vô cùng  kiên nhẫn, không oán hờn, bước theo các luống cầy không luôn luôn thẳng hàng phải gieo hạt, thì cả một người đàn bà Samaria có 5 đời chồng cũng khám ra mình có khả năng làm chứng tá… Xin Thiên  Chúa cho chúng ta ơn của sự gần gũi mới giữa gia đình và Giáo Hội.

ĐTC đã tặng bức tường Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng mà ngài đem theo từ Cuba cho một cộng đoàn Cuba ước ao có tượng đó. Ngài xin ĐTGM Joseph Eđwarrd Kurtz chủ tịch HĐGM Mỹ đảm trách việc này. Tiếp đến ngài tặng đại chủng viện thánh Carlo Borromeo một chén thánh. Rồi ĐTC bắt tay chào các Hồng Y và Giám Mục hiện diện.

Linh Tiến Khải -- Vatican Radio

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 14-06-2015

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 14-06-2015

Giáo dân tham dự buổi đọc kinh truyền tin chung với ĐTC ngày 14 tháng 6-2015

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu tin tưởng nơi sức mạnh của Lời Chúa và cộng tác vào công cuộc mở rộng Nước Thiên Chúa.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu, trưa chúa nhật 14-6-2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

”Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm hai dụ ngôn rất ngắn: dụ ngôn hạt giống nảy mầm và tự tăng trưởng, và dụ ngôn hạt cải (Xc Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh này, rút từ môi trường nông thôn, Chúa Giêsu trình bày hiệu năng của Lời Chúa và những đòi hỏi của Nước Chúa, nêu rõ những lý do để chúng ta hy vọng và dấn thân trong lịch sử.

”Trong dụ ngôn thứ nhất, sự chú ý được qui về sự kiện hạt giống, một khi được gieo trong lòng đất, tự nó nảy mầm và lớn lên, dù nông dân ngủ hay thức. Ông tin tưởng nơi tiềm năng ở trong chính hạt giống và sự màu mỡ của đất đai. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng, hạt giống là biểu tượng Lời Chúa, và dụ ngôn này nhắc nhớ sự phong phú của Lời Chúa. Như hạt giống khiêm hạ phát triển trong lòng đất, Lời Chúa cũng hoạt động nhờ sức mạnh của Thiên Chúa trong tâm hồn người lắng nghe. Thiên Chúa đã ủy thác Lời của Ngài cho thửa đất của chúng ta, nghĩa là cho mỗi người trong chúng ta, với nhân tính cụ thể của chúng ta. Chúng ta có thể tín thác tin tưởng, vì Lời Chúa là lời sáng tạo, nhắm trở thành ”bông lúa nặng trĩu hạt” (v. 28). Lời Chúa, nếu được đón nhận, thì chắc chắn sẽ mang lại hoa trái, vì chính Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nảy mầm và tăng trưởng qua những con đường mà chúng ta không luôn luôn có thể kiểm chứng và theo thể thức mà chúng ta không biết (Xc v.27). Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng chính Thiên Chúa luôn luôn là Đấng làm cho Nước của Ngài được tăng trưởng, con người là cộng tác viên khiêm hạ của Ngài, con người chiêm ngắm và vui mừng vì hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa và kiên nhẫn chờ đợi thành quả của Lời Chúa.

ĐTC nói tiếp:

“Dụ ngôn thứ hai dùng hình ảnh hạt cải. Tuy là hạt bé nhỏ nhất trong các thứ hạt, nhưng lại đầy sức sống và tăng trưởng đến độ trở thành cây cao lớn nhất trong các thứ cây trong vườn” (Mc 4,32). Nước Thiên Chúa là như thế: một thực tại rất nhỏ bé nói theo kiểu phàm nhân và bề ngoài không có gì là đáng kể. Để trở nên thành phần của Nước Chúa, cần phải có lòng thanh bần, không tín thác nơi khả năng riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa; không hành động để được coi là quan trọng trước mặt người đời, nhưng quí giá trước mắt Thiên Chúa là Đấng yêu chuộng những ngừơi đơn sơ và khiêm hạ. Khi chúng ta sống như thế, thì sức mạnh của Chúa Kitô, qua chúng ta, sẽ tràn vào và biến đổi những gì là bé nhỏ và khiêm hạ thành một thực tại làm dậy men toàn thể khối bột của thế giới và lịch sử.

ĐTC nhận xét rằng: ”Có một bài học quan trọng đến từ hai dụ ngôn này: Nước Thiên Chúa đòi sự cộng tác của chúng ta, nhưng trước tiên đó là sáng kiến và là hồng ân của Chúa. Hoạt động yếu ớt của chúng ta tác động, bề ngoài là bé nhỏ trước những vấn đề phức tạp của thế giới, nhưng khi được tháp nhập vào hoạt động của Thiên Chúa, thì không còn sợ những khó khăn. Chiến thắng của Chúa là điều chắc chắn: tình thương của Ngài làm nảy mầm và tăng trưởng mọi hạt giống hiện diện trong đất. Điều này mở ra cho chúng ta lòng tín thác và lạc quan, dù có những thảm trạng, bất công, đau khổ mà chúng ta gặp phải. Hạt giống sự thiện và hòa bình nảy mầm và phát triển, vì chính tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy trưởng thành.”

”Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã đón nhận hạt giống Lời Chúa như một ”thửa đất phì nhiêu”, nâng đỡ chúng ta trong niềm hy vọng này.

Chào thăm và loan báo

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc nhở các tín hữu chúa nhật hôm qua là Ngày Thế giới những người hiến máu: hằng triệu người âm thầm đóng góp để giúp đỡ các anh chị em ở trong tình cảnh khó khăn. Ngài nói: ”Tôi bày tỏ lòng quí chuộng đối với tất cả những người hiến máu và đặc biệt mời gọi những người trẻ hãy theo gương họ”.

ĐTC cũng gửi lời chào thăm các tín hữu Roma và những người hành hương, các nhóm giáo xứ, gia đình và hội đoàn. Ngài đặc biệt nhắc đến các nhóm đến từ Debrecen Hungari, Malta, Houston Hoa Kỳ, Panama.. và nói thêm rằng:

”Như đã loan báo, thứ năm tới đây (18-6-2015) Thông điệp về sự chăm sóc thiên nhiên sẽ được công bố. Tôi mời gọi anh chị em tháp tùng biến cố này với sự tái quan tâm đến những tình trạng môi trường bị suy thoái, và cũng để phục hồi trong các lãnh thổ của mình. Thông điệp này được gửi đến tất cả mọi người: chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả mọi người có thể đón nhận sứ điệp của Thông điệp và gia tăng trách nhiệm đối với căn nhà chung mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta”.

Hội nghị mục vụ Giáo Phận Roma

Lúc 6 giờ chiều cùng ngày chúa nhật 14-6-2015, ĐTC đã gặp gỡ các tham dự viên hội nghị mục vụ của giáo phận Roma, cùng với cha mẹ các em rước lễ lần đầu và chịu phép thêm sức, các linh mục và giáo lý viên.

Sau lời chào mừng của ĐHY giám quản, Agostino Vallini, và kinh nguyện mở đầu, ĐTC đã chào thăm và ban huấn dụ cho mọi người, trước khi đọc kinh nguyện kết thúc.

Hội nghị mục vụ chính thức tiến hành trong 3 ngày kế tiếp tại Đền thờ thánh Gioan Laterano cũng là Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma:

Lúc 7 giờ chiều thứ hai hôm nay, 15-6: sau kinh nguyện mở đầu, Bà Elisa Manna, đặc trách phân bộ văn hóa của Trung tâm nghiên cứu đầu tư xã hội ở Italia, gọi tắt là Censis, trình bày về đề tài: ”Cha mẹ và việc thông truyền đức tin cho con cái – giới thiệu phúc trình của Trung tâm Censis”. Tiếp đến Đức Ông Andrea Leonardo, Giám đốc Văn phòng huấn giáo của giáo phận Roma, sẽ trình bày về chủ đề: ”Chúng tôi thông truyền điều chúng tôi đã nhận lãnh”. Trách nhiệm của cha mẹ chứng nhân về vẻ đẹp của cuộc sống.

Sau hai bài thuyết trình gợi ý trên đây, chiều ngày mai, thứ ba 16-6, các tham dự viên sẽ tập họp tại Đại học Giáo Hoàng Laterano từ lúc 7 giờ để làm việc trong các nhóm nhỏ, do các chuyên gia hướng dần, để đề ra những đường hướng và đề nghị cho Năm mục vụ 2015-2016.

Sau cùng, vào ngày thứ hai 14-9 tới đây, ban sáng các cha sở và LM Roma sẽ nhóm họp tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano từ 9 giờ rưỡi sáng. Sau đó vào lúc 7 giờ chiều cùng ngày, sẽ có khóa họp của cac giáo lý viên trong đó ĐHY Vallini sẽ trình bày những hướng đi mục vụ được đề ra cho niên khóa mục vụ 2015-2016. Khóa họp sẽ kết thúc vời nghi thức trao bài sai cho các giáo lý viên.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hạt lúa mục nát

Hạt lúa mục nát

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.

Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.

2- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?

3- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?

4- Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và loan báo thăm Sarajevo

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và loan báo thăm Sarajevo

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 1-2-2015, ĐTC Phanxicô loan báo ngài sẽ viếng thăm Sarajevo, thủ đô Cộng hòa Bosnie Erzegovine vào thứ bẩy, 6-6-2015.

Lúc 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng chúa nhật thứ 4 thường niên năm B về tầm quan trọng và sức mạnh của Lời Chúa, cũng như sự kiện Chúa Giêsu giảng dạy như người có uy quyền.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

”Đoạn sách Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Xc Mc 1,21-28) trình bày Chúa Giêsu với cộng đoàn nhỏ bé các môn đệ của Ngài đi vào Carpharnaum, là thành nơi Phêrô sinh sống và hồi đó là thành lớn nhất ở miền Galilea.

Thánh sử Marco kể lại rằng vì hôm đó là ngày thứ bẩy nên Chúa Giêsu đi ngay tới Hội đường và bắt đầu giảng dạy (Xc v.21). Điều này làm ta nghĩ đến vị trí tối thượng của Lời Chúa, Lời cần được lắng nghe, đón nhận và loan báo. Khi đến Carphanaum, Chúa Giêsu không hoãn lại việc loan báo Tin Mừng, Ngài không nghĩ đến việc thu xếp chỗ ăn ở cho cộng đoàn bé nhỏ của Ngài, tuy là cần thiết, Chúa không nghĩ đến việc tổ chức trước tiên. Mối quan tâm chính của Ngài là thông truyền lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và dân chúng trong Hội đường có ấn tượng mạnh, vì Chúa Giêsu ”giảng dạy họ như một người có uy quyền, chứ không phải như các nhà thông luật” (v.22).

Nhưng ”giảng dạy với uy quyền có nghĩa là gì?” Thưa có nghĩa là trong lời nói nhân trần của Chúa Giêsu, người ta cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa, cảm thấy chính thế giá của Thiên Chúa, là Đấng Linh hứng các Sách Thánh. Và một trong những đặc tính của Lời Chúa là thực hiện điều Chúa nói. Vì Lời Chúa tương ứng với ý Chúa. Trái lại, nhiều khi chúng ta nói những lời trống rộng, không có căn cội, hoặc nói những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Chúa tương ứng với sự thật, đồng nhất với ý chí và thực hiện điều Ngài nói. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi rao giảng, đã chứng tỏ ngay uy quyền của Ngài bằng cách giải thoát cho một người bị quỷ ám đang có mặt trong Hội đường lúc ấy (Xc Mc 1,23-26). Chính uy quyền của Chúa Kitô đã khơi dậy phản ứng của Satan, ẩn nấp trong người ấy; và Chúa Giêsu nhận ra ngay tiếng nói của ma quỷ, nên Ngài ”nghiêm nghị truyền lệnh: ”Hãy im đi! Hãy ra khỏi người này!” (v.25). Với nguyên sức mạnh của lời Ngài, Chúa Giêsu giải thoát người ấy khỏi ma quỷ. Và một lần nữa những người hiện diện kinh ngạc nói: ”Ông này truyền lệnh cho cả những thần ô uế và chúng vâng phục Ông!” (v.27).

”Tin Mừng là lời sự sống: không đè nén con người, trái lại giải thoát những người nô lệ khỏi bao nhiêu thần dữ của thế gian này: sự ham ố danh vọng, quyến luyến tiền bạc, kiêu ngạo, mê dâm dục.. Tin Mừng thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, biến đổi những xu hướng xấu xa thành quyết tâm làm điều thiện.. Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu độ, trở thành thừa sai và sứ giả của Lời Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Tin Mừng hôm nay gợi ý, khi kết thúc bằng cách mở ra một viễn tượng truyền giáo: ”Tiếng tăm của Ngài – danh tiếng của Chúa Giêsu – được phổ biến ngay ở các nơi thuộc miền Galilea” (v.28). Đạo lý mới mẻ mà Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền chính là đạo lý mà Giáo Hội mang tới thế giới, cũng với những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa: giáo huấn với uy quyền và hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ và những cử chỉ yêu thương của Giáo Hội truyền giáo.

Anh chị em hãy luôn nhờ rằng Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống, Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để cho mình được Tin Mừng biến đổi. Chính vì thế, tôi xin anh chị em hãy tiếp xúc hằng ngày với Tin Mừng, mang sách Tin Mừng trong túi, trong sắc.. đễ mỗi ngày để đọc một câu, một đoạn Tin Mừng.. Đó là sức mạnh biến đổi chúng ta, thay đổi cuộc sống, thay đổi con tim”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”chúng tay hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời và sinh Người cho thế giới, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người chăm chỉ lắng nghe và loan báo một cách có uy tín Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC thông báo cuộc viếng thăm sắp tới của Ngài và nói:

”Anh chị em thân mến, tôi muốn loan báo: thứ bẩy 6 tháng 6 tới đậy, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến thành Sarajevo, thủ đô nước Bosni Erzegovine. Ngay từ bây giờ tôi xin anh chị em cầu nguyện để cuộc viếng thăm của tôi nơi các dân tộc yêu quí này là một sự khích lệ cho các tín hữu Công Giáo, khơi dậy những men thiện hảo và góp phần củng cố tình huynh đệ và hòa bình, đối thoại liên tôn và thân hữu”

ĐTC cũng chào thăm các tham dự viên Hội nghị thế giới lần thứ 4 do tổ chức ”Scholas Occurentes” tổ chức tại Vatican từ ngày 2 đến 5-2 với chủ đề ”Trách nhiệm của mọi người trong việc giáo dục một nền văn hóa gặp gỡ”. Ngài cũng chào thăm các giáo xứ, các hội đoàn và tất cả những người đến từ Italia và nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là các tín hữu hành hương đến từ Liban và Ai Cập, các sinh viên từ Zafra và Badajoz bên Tây Ban Nha, và nhiều nơi khác ở Italia.

Ngài cũng nhắc nhở rằng: ”Hôm nay tại Italia có cử hành Ngày Sự Sống, với chủ đề là ”Liên đới bênh vực sự sống”. Tôi khích lệ các hiệp hội, các phong trào và tất cả những người đang bảo vệ sự sống con người. Tôi hiệp ý với các GM Italia kêu gọi ”tái nhìn nhận nhân vị và chăm sóc sự sống một cách thích hợp hơn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên” (Sứ điệp ngày Toàn quốc Italia lần thứ 37 bênh vực sự sống”. Khi cởi mở đối với sự sống và phục vụ sự sống, thì chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng (Xc Tông huấn 'Niềm vui Phúc Âm', 288), khai mạc một trào lưu nhân bản mới, nhân bản liên đới. Tôi chào thăm ĐHY Giám quản, các giáo sư đại học Roma và những người dấn thân thăng tiến nền văn hóa sự sống”.

Sarajevo chỉ cách Roma một giờ bay và là thủ đô của nước Bosni Erzegovine rộng hơn 51 ngàn cây số vuông với 3 triệu 700 ngàn dân cư, đông nhất là người Hồi giáo 43%, tiếp đến là các tín hữu Chính Thống Serbi gần 30% và sau cùng là các tín hữu Công Giáo 18%, gốc người Croát. Chiến tranh giữa 3 nhóm dân này đã diễn ra trong 4 năm từ năm 1991 đến 1995.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio