ĐTC ca ngợi hai Giáo hội Myanmar và Bangladesh sinh động và tươi trẻ

ĐTC ca ngợi hai Giáo hội Myanmar và Bangladesh sinh động và tươi trẻ

Giáo Hội tại hai nước Myanmar và Bangladesh rất sinh động, trẻ trung, có nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ, và đang dấn thân góp phần xây dựng hoà bình, hoà giải, thăng tiến tự do, đối thoại, giáo dục và thịnh vượng cho mọi thành phần xã hội. Đặc biệt nơi gương mặt tươi vui của giới trẻ trong cả hai nước tôi trông thấy tương lai của toàn Á châu: một tương lai được xây dựng bởi những ai gieo vãi tình huynh đệ, chứ không phải bởi những người chế tạo và sử dụng vũ khí.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI. Trong số các phái đoàn hiện diện cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam.

Như quý vị đã biết, ĐTC vừa mới công du hai nước Myanmar và Bangladesh về, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ các tâm tình và cảm nghiệm của ngài với tín hữu. ĐTC đã cám ơn chính quyền và HĐGM hai nước đã mời ngài viếng thăm, chuẩn bị và tiếp đón ngài một cách nồng nhiệt. Ngài đặc biệt cám ơn dân tộc của cả hai nước đã chứng tỏ niềm tin và lòng trìu mến đối với ngài. Liên quan tới Myanmar ĐTC nói đây là lần đầu tiên một người kế vị thánh Phêrô viếng thăm nước này sau khi mới thiết lập bang giao giữa hai bên. ĐTC nói:

Nhân dịp này tôi cũng đã muốn bầy tỏ sự gần gũi của Chúa Kitô và của Giáo Hội với một dân tộc đã đau khổ vì các xung khắc và đàn áp, và đang từ từ bước tới một điều kiện tự do và hoà bình mới. Một dân tộc trong đó Phật giáo đâm rễ rất sâu, với các nguyên lý tinh thần và luân lý đạo đức, và là nơi các kitô hữu hiện diện như một đoàn chiên nhỏ bé và như men của Nước Thiên Chúa. Tôi đã vui sướng củng cố Giáo Hội sinh động và sốt mến này trong đức tin và tình hiệp thông, trong buổi gặp gỡ các Giám Mục và hai buổi cử hành Thánh Thể. Buổi cử hành thứ nhất ở khu vực thể thao tại Yangon. Bài Tin Mừng hôm đó nhắc cho biết rằng các bách hại vì niềm tin vào Chúa Giêsu là bình thường đối với các môn đệ Ngài, như là dịp làm chứng, nhưng “ngay cả một sợi tóc của họ cũng sẽ không mất đi” (x Lc 21,12-19).

** Thánh Lễ thứ hai, sinh hoạt cuối cùng tại Myanmar, dành cho giới trẻ là một dấu chỉ của hy vọng và là một món quà đặc biệt của Đức Trinh Nữ Maria, trong nhà thờ chính toà mang tên Mẹ. Trên các gương mặt của những người trẻ tràn đầy tươi vui này tôi đã trông thấy tương lai của Á châu: một tương lai sẽ được làm nên không phải bởi người chế tạo vũ khí, mà bởi người gieo vãi tình huynh đệ. Vẫn trong dấu chỉ của niềm hy vọng tôi đã làm phép 16 viên đá đầu tiên của 16 nhà thờ, của chủng viện và của Toà Sứ Thần.

Ngoài cộng đoàn công giáo tôi cũng đã gặp gỡ chính quyền Myanmar, và khích lệ các nỗ lực hoà bình và hoà giải đất nước, bằng cách cầu mong rằng tất cả mọi thành phần khác nhau của quốc gia, không loại trừ ai, có thể góp phần vào tiến trình đó trong việc tôn trọng nhau. Trong tinh thần này tôi cũng đã muốn gặp gỡ đại diện của các cộng đoàn tôn giáo khác nhau hiện diện tại Myanamar. Cách riêng với Hội đồng các nhà sư phật giáo tôi đã biểu lộ sự quý trọng của Giáo Hội  đối với truyền thống tinh thần cổ xưa của họ, và sự tin tưởng rằng các kitô hữu và các tín đồ phật giáo có thể cùng nhau trợ giúp con người, yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, bằng cách từ bỏ mọi bạo lực và chống lại sự ác bằng sự thiện.

Sau khi rời Myanmar tôi đã tới Bangladesh, nơi tôi đã kính viếng những người đã chết trong cuộc chiến đấu giành độc lập và “Người cha của quốc gia”. Đại đa số dân Bangladesh là tín hữu hồi, và vì thế chuyến viếng thăm của tôi – theo gót chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI và thánh Gioan Phaolô II – đã ghi dấu một bước tiến nữa đối với sự tôn trọng và đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Tôi đã nhắc cho chính quyền nước này nhớ rằng Toà Thánh, ngay từ đầu, đã ủng hộ ý chí của nhân dân Banglale thành lập một quốc gia độc lập, cũng như đòi buộc rằng trong đó quyền tự do tôn giáo luôn luôn được tôn trọng. Tiếp đến ĐTC đã nhắc tới thảm cảnh của người tỵ nạn Rohingya như sau:

Đặc biệt tôi đã có thể bầy tỏ tình liên đới với Bangladesh trong nỗ lực cứu giúp người tỵ nạn Rohingya ồ ạt trốn chạy sang vùng đất của mình, nơi mật độ dân số đã là một trong các vùng đông dân nhất thế giới.

** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Thánh Lễ cử hành tại công viên lịch sử Dhaka đã được thêm phong phú với việc truyền chức Linh Mục cho 16 tiến chức, và đây đã là một trong các biến cố ý nghĩa và vui tươi nhất của chuyến công du. Thật thế, tại Bangladesh cũng như bên Myanmar nhờ ơn Chúa, không thiếu các ơn gọi, dấu chỉ của các cộng đoàn sống động, nơi vang lên tiếng Chúa mời gọi theo Ngài. Tôi đã chia sẻ niềm vui này với các Giám Mục Bangladesh, và tôi đã khích lệ các vị trong công việc quảng đại của các vị cho các gia đình, cho người nghèo, cho việc giáo dục, đối thoại và hoà bình xã hội. Và tôi đã chia sẻ niềm vui này với biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ nam nữ cũng như chủng sinh, và tập sinh nam nữ, mà nơi họ tôi trông thấy các mầm non của Giáo Hội trên vùng đất này.

Tại Dhaka chúng tôi đã sống một lúc đối thoại liên tôn và đại kết sâu đậm, cho tôi có dịp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rộng mở con tim như nền tảng của nền văn hoá gặp gỡ, của sự hoà hợp và hoà bình. Ngoài ra tôi cũng đã viếng thăm “Nhà của Mẹ Têrêxa”, nơi thánh nữ đã sống khi ở trong thành phố này, và là nơi tiếp đón rất nhiều trẻ mồ côi và người tàn tật. Tại đây theo đặc sủng của mình các nữ tu sống mỗi ngày trong lời cầu nguyện thờ lậy và việc phục vụ Chúa Kitô nghèo khó và khổ đau. Không bao giờ thiếu nụ cười trên môi của họ: các nữ tu cầu nguyện nhiều biết bao, và liên tục phục vụ những người khổ đau với nụ cười trên môi. Thật là một chứng tá đẹp. Tôi cám ơn các nữ tu bé nhỏ này rất nhiều.

Biến cố cuối cùng đã là buổi gặp gỡ người trẻ Bangladesh, với nhiều chứng từ, thánh ca và vũ điệu. Những người Bengale này vũ thật hay! Họ biết múa nhảy hay thật. Một lễ hội biểu lộ niềm vui của Tin Mừng được nền văn hoá tại đây đón nhận; một niềm vui được phong phú bởi các hy sinh của biết bao nhiêu thừa sai, các giáo lý viên và phụ huynh kitô. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ cũng có các người trẻ hồi giáo và người trẻ của các tôn giáo khác: một dấu chỉ của niềm hy vọng cho Bangladesh, cho Á chầu và cho toàn thế giới.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, đặc biệt phái đoàn giáo phận Lorraine và các hướng đạo sinh công giáo. Ngài  cũng chào các nhóm đến từ vùng Galles Anh quốc, Đan Mạch, Nigeria và Hoa Kỳ, cách riêng Nhóm Liên minh giới trẻ và nhóm ca vũ Viva la gente. Ngài cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Đức, trong đó có nhóm thuộc phong trào Schoenstadt. ĐTC chúc mọi người sống các ngày mùa Vọng bằng cách củng cố đức tin với lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và  làm việc lành phúc đức, noi gương Mẹ Maria Vô Nhiễm mà Giáo Hội mừng lễ vào thứ sáu tới đây. Mùa Vọng mời gọi chúng ta đến gặp gỡ Chúa chờ đợi chúng ta nơi người nghèo mà chúng ta có thể đem ánh sáng Tin Mừng đến cho họ cùng với việc thoa dịu các khổ đau của họ.

Chào các tín hữu đến từ các nước Giordania, Thánh Địa và vùng Trung Đông ĐTC nói ai không cùng đau khổ với người anh em, cả khi họ khác chủng tộc, tôn giáo, tiếng nói và văn hoá, thì phải tự vấn liên quan tới sự chân thành của niềm tin và tính nhân bản của mình. Tôi đã rất bị đánh động bởi cuộc gặp gỡ người tỵ nạn Rohingya, và tôi đã xin họ tha thứ cho các thiếu sót và sự thinh lặng của chúng ta, cũng như thỉnh cầu cộng đoàn quốc tế trợ giúp họ và cứu giúp tất cả các nhóm bị áp bức và bách hại trên thế giới.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt cám ơn những người đã tặng Toà Thánh cây thông Giáng Sinh rất đẹp và đem nó tới quảng trường thánh Phêrô. Chúa Nhật tới Ba Lan cử hành Ngày cầu nguyện và trợ giúp Giáo Hội Đông âu. Ngài phó thác cho Chúa công tác này, dấu chỉ lòng hăng say và sự trợ giúp của tín hữu và các chủ chăn đối với các nước láng giềng. ĐTC cũng cám ơn tín hữu Ba Lan đã đồng hành với ngài trong chuyến công du mục vụ vừa qua với lời cầu nguyện.

Trong các nhóm tiếng Ý ngài chào các đoàn hành hương tổng giáo phận Capua, hiệp hội Bạn người cùi Raoul Follerau Italia, giới doanh thương công giáo Italia, cha mẹ các trẻ em bị bệnh ung thư máu, các nhân viên bảo vệ dân sự tỉnh Cerveteri. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm Roma giúp mọi người sống sâu đậm mùa Vọng và giúp chuẩn bị cho lễ Chúa Giáng Sinh. Ngài cũng chào nhóm tín hữu Episcopia và làm phép tượng Đức Mẹ của đền thánh địa phương.

ĐTC đặc biệt chào nhóm tỵ nạn Iraq sống tại Italia, cũng như các linh mục và tu sĩ nam nữ đến từ Myanmar và Bangladesh để cám ơn chuyến viếng thăm của ngài.

Chào người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh Nicola thành Bari. Ngài khuyên giới trẻ đặt để việc tìm Chúa và tình yêu của Chúa trên hết; người đau yếu được trợ giúp và ủi an bởi gương sống của các thánh; và các cặp vợ chồng mới cưới được ơn thánh Chúa củng cố sự hiệp nhất của họ trong tình yêu hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thánh lễ cuối cùng Đức Thánh Cha cử hành tại Myanmar

Thánh lễ cuối cùng Đức Thánh Cha cử hành tại Myanmar

YANGOON. Sáng 30-11-2017, trước khi giã từ Myanmar, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho các đại diện giới trẻ toàn quốc và ngài mời gọi họ hãy trở thành những người loan báo Tin Mừng.

1,500 bạn trẻ đã tụ tập tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội của tổng giáo phận Yangoon để tham dự thánh lễ lúc 10 giờ 15. Họ đến từ 16 giáo phận toàn quốc và đại diện các phong trào và hội đoàn.

Nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Yangoon nơi ĐTC cử hành thánh lễ là thánh đường Công Giáo lớn nhất của Myanmar, được khởi công xây cất năm 1895 dưới thời các GM đại diện tông tòa thuộc Hội thừa sai Paris cai quản giáo phận này và được hoàn tất 4 năm sau đó, năm 1899.

Ngoài các bạn trẻ ở trong nhà thờ, bên ngoài thánh đường còn có hàng ngàn tín hữu khác, trong y phục cổ truyền, tham dự thánh lễ qua màn hình khổng lồ được bố trí tại đây. Trong sân bóng rổ gần nhà thờ, nhiều trẻ em cũng chăm chú tham dự thánh lễ.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý và được dịch ra tiếng Miến điện, ĐTC đã dựa vào các bài đọc của ngày lễ kính thánh Anrê Tông đồ để mời gọi các bạn trẻ Công Giáo Myanmar đáp lại lời mời của Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng. Nhắc đến lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma: ”Đẹp thay bước chân của những người loan báo Tin Mừng” (Rm 10,15, Xc Is 52,7), ĐTC nói:

Các bạn trẻ Myanmar thân mến, sau khi nghe những tiếng nói và nghe các bạn hát hôm nay, tôi muốn áp dụng những lời này cho các bạn. Đúng vậy, thật là đẹp những bước chân của các bạn; thật là đẹp và phấn khởi khi nhìn các bạn, vì các bạn mang cho chúng tôi tin vui, lời loan báo vui mừng về tuổi trẻ các bạn, niềm tin và lòng hăng say của các bạn. Chắc chắn các bạn là một lời loan báo vui tươi, vì các bạn là dấu chỉ cụ thể về niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang lại cho chúng ta một niềm vui và một hy vọng vô tận.

ĐTC nhận xét rằng: ”Một vài người trong các bạn tự hỏi làm sao có thể nói về những loan báo vui mừng khi mà quanh chúng ta có bao nhiêu người đang đau khổ. Đâu là những tin vui khi mà bao nhiêu bất công, nghèo đói và lầm than tỏa bóng đen trên chúng ta và thế giới? Nhưng tôi muốn rằng từ nơi này phát sinh một sứ điệp rất rõ ràng. Tôi muốn dân chúng biết rằng các bạn là những người trẻ nam nữ của Myanmar, không sợ tin nơi việc loan báo vui mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài có một tên và một khuôn mặt: đó là Đức Giêsu Kitô. Trong tư cách là những sứ giả Tin Mừng như thế, các bạn sẵn sàng mang lời hy vọng cho Giáo Hội, cho đất nước các bạn và cho thế giới. Các bạn sẵn sàng mang tin vui cho anh chị em đang đau khổ và cần những lời cầu nguyện, tình liên đới của các bạn và cả sự hăng say của các bạn đối với các quyền con người, công lý, sự tăng trưởng những gì mà Chúa Giêsu ban, đó là tình thương và hòa bình.

ĐTC trưng dẫn lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma, trong bài đọc thứ I: ”Làm sao họ tin nơi Chúa nếu không được nghe nói về Ngài? Làm sao họ nghe nói về Ngài nếu không có một sứ giả loan báo Ngài cho họ? Và làm sao có một sứ giả nếu họ không được sai đi?”

ĐTC lần lượt giải thích về 3 câu hỏi trên đây như một thách đố đối với các bạn trẻ.

Về câu hỏi thứ I: 'làm sao họ tin nơi Chúa nếu không nghe loan báo về Ngài', ĐTC nhận xét rằng:

”Thế giới chúng ta đầy những tiếng ồn ào làm chia trí, chúng có thể lấn át tiếng của Thiên Chúa. Để người ta có thể được mời gọi nghe và tin vào Chúa, họ cần tìm thấy Ngài nơi những người chân chính, những người biết lắng nghe. Chắc chắn đó là điều mà các bạn cũng muốn trở thành. Nhưng chỉ có Chúa mới có thể giúp các bạn thành những người chân chính; vì thế các bạn hãy thưa với Chúa trong kinh nguyện, hãy học lắng nghe tiếng Chúa, nói với Chúa trong sự bình tĩnh yên hàn nơi đáy lòng các bạn.”

Nhưng các bạn cũng hãy nói chuyện với các thánh là những người bạn của chúng ta trên trời, những vị có thể soi sáng cho chúng ta. Như thánh Anrê chúng ta mừng lễ hôm nay. Thánh nhân là một ngư phủ đơn sơ chất phác và đã trở thành vị đại tử đạo, một chứng nhân về tình thương của Chúa Giêsu. Nhưng trước khi trở thành một vị tử đạo, Người đã sai lỗi và cần được kiên nhẫn, dần dần học trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Cả các bạn nữa, các bạn đừng sợ học hỏi từ những sai lầm của mình! Các thánh có thể hướng dẫn các bạn đến cùng Chúa Giêsu, dạy các bạn đặt cuộc sống của mình trong tay Chúa. Các bạn hãy biết rằng Chúa Giêsu đầy lòng thương xót. Vì thế các bạn hãy chia sẻ với Ngài tất cả những gì làm các bạn bận tâm: những sợ hãi và lo lắng, những mơ ước và hy vọng. Hãy vun trồng đời sống nội tâm, như các bạn chăm sóc một mảnh vườn hoặc một cánh đồng. Điều này đòi phải có thời gian, phải kiên nhẫn. Nhưng như một nông dân biết đợi cho mùa màng tăng trưởng, các bạn cũng hãy biết kiên nhẫn, và Chúa sẽ giúp các bạn mang lại nhiều hoa trái, thành quả mà sau đó các bạn có thể chia sẻ với những người khác.

 Về câu hỏi thứ hai của thánh Phaolô: ”Làm sao họ nghe nói về Chúa nếu không có một sứ giả loan báo cho họ?”, ĐTC nói:

”Đây thực là một công tác lớn được ủy thác đặc biệt cho những người trẻ: là 'những môn đệ thừa sai', những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhất là cho những người đồng lứa và bạn hữu của các bạn. Các bạn đừng sợ gây băn khoăn, đặt những câu hỏi làm cho dân chúng suy nghĩ. Và đừng sợ nếu đôi khi các bạn thấy mình là thiểu số và rải rác. Tin Mừng luôn tăng trưởng từ những gốc rễ bé nhỏ. Vì thế, các bạn hãy lên tiếng! Tôi muốn các bạn hãy gào to, không phải bằng tiếng nói, nhưng các bạn hãy kêu to bằng chính cuộc sống, bằng tâm hồn của mình, để trở thành những dấu chỉ hy vọng cho những người nản chí, một bàn tay giơ ra nâng đỡ người đau yếu, một nụ cười đón tiếp người xa lạ, một nâng đỡ ân cần cho người lẻ loi.

ĐTC nói tiếp: ”Câu hỏi cuối cùng của thánh Phaolô là: ”Làm sao có một sứ giả nếu họ không được sai đi?” Vào cuối thánh lễ, tất cả chúng ta được sai đi, mang những hồng ân chúng ta đã nhận lãnh và chia sẻ với những người khác. Một điều có thể làm chúng ta nản chí, đó là chúng ta không luôn luôn biết Chúa có thể sai chúng ta đi đâu. Nhưng Chúa không bao giờ sai chúng ta đi mà không đồng thời đồng hành cạnh chúng ta, và luôn luôn đi trước chúng ta, để dẫn đưa chúng ta vào những phần mới mẻ và tuyệt vời của Nước Chúa”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nói với Anrê và Simon Phêrô: Hãy theo Thầy (Mt 4,19). Đó là ý nghĩa của sự được sai đi: nghĩa là theo Chúa Kitô, không hấp tấp chạy về đằng trước với sức riêng của mình! Chúa sẽ gọi một số người trong các bạn theo Ngài như linh mục và qua đó trở thành những người ”đánh cá người”. Chúa gọi những người khác trở thành những người thánh hiến. Và có những người được Chúa gọi vào đời sống hôn nhân, trở thành cha mẹ đáng yêu. Dầu các bạn được ơn gọi nào đi nữa, tôi khuyên các bạn: hãy can đảm, hãy quảng đại, và nhất là hãy vui tươi!”

Sau thánh lễ, ĐTC đã ra phi trường quốc tế của thành phố Yangoon cách đó gần 19 cây số. Tại đây ngài được Bộ trưởng đặc ủy của Tổng thống cùng với một số GM và đại diện giáo dân đón tiếp và tiễn biệt, trước khi ngài lên máy Boeing 737-800 của hãng hàng không Biman của Bangladesh, trực chỉ phi trường thủ đô Dhaka của Bangladesh cách đó gần 1.100 cây số về hướng tây.

Sau gần 2 tiếng rưỡi bay, ĐTC đã tới phi trường Dhaka, thủ đô Bangladesh vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp chính phủ và đại diện các giới ở Bangladesh

Đức Thánh Cha gặp chính phủ và đại diện các giới ở Bangladesh

DHAKA. ĐTC cổ võ chính quyền và các giới chức tại Bangladesh dấn thân hoạt động cho hòa bình và ngài cám ơn chính phủ nước này trợ giúp những người tị nạn từ Myanmar.

Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 30-11-2017, sau khi đến Dhaka thủ đô Bangladesh, viếng đài tử sĩ và lăng vị Quốc Tổ của nước này, ĐTC đã đến phủ tổng thống, gọi là dinh Bangabhapan, hội kiến với tổng thống Abdul Hamid rồi tiến sang hội trường bên cạnh để gặp gỡ 400 nhân vật gồm chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.

Diễn văn của ĐTC

Ngỏ lời với các giới chức lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC đã cám ơn Tổng thống Hamid đã mời ngài viếng thăm dân nước Bangladesh ”Bengal Vàng”, là quốc gia xinh đẹp có nhiều sông ngòi và nguồn nước, một quốc gia cố gắng đạt đến sự hiệp nhất tiếng nói và văn hoá, trong sự tôn trọng các truyền thống và cộng đoàn khác nhau, cùng nhau chảy vào và làm giầu cho cuộc sống chính trị và xã hội. Tuy là một quốc gia trẻ Bangladesh đã luôn luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong con tim của các Giáo Hoàng và ngay từ đầu, các ngài đã bầy tỏ tình liên đới với dân tộc này, và đồng hành với nó trong nỗ lực vượt thắng các khó khăn ban đầu và ủng hộ nó trong nhiệm vụ xây dựng quốc gia và sự phát triển. ĐTC Phanxicô nói: "Như người theo gót các vị tiền nhiệm là ĐGH Phaolô VI và Gioan Phaolô II, tôi đến để cầu nguyện với các anh chị em công giáo và cống hiến cho họ một sứ điệp yêu thương và khích lệ."

ĐTC nhận xét rằng ”Trong thế giới này nay không có cộng đoàn nào, không có quốc gia hay nhà nước nào có thể sống còn và tiến triển trong cô lập. Như là thành phần của gia đình nhân loại chúng ta cần đến nhau và tuỳ thuộc nhau. Khi thành lập Bangladesh các vị lập quốc, đặc biệt là Sheikh Mujiburr Rahaman vị tổng thống đầu tiên, đã nghĩ đến một xã hội tân tiến, đa nguyên và bao gồm mọi thành phần, trong đó mỗi người và mỗi cộng đoàn có thể sống trong tự do, hoà bình, an ninh trong sự tôn trọng phẩm giá bẩm sinh và sự bình đẳng quyền lợi của tất cả mọi người. Trung thành với quan niệm này là bảo đảm cho tương lai và sức khoẻ của quốc gia. ĐTC giải thích như sau:

Thật thế, chỉ nhờ một cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng sự khác biệt hợp pháp, một dân tộc mới có thể hoà giải các chia rẽ, thắng vượt các viễn tượng đơn phương và thừa nhận giá trị của các quan điểm khác. Bởi vì việc đối thoại đích thực nhìn về tương lai, xây dựng sự hiệp nhất trong việc phục vụ thiện ích chung và chú ý tới các nhu cầu của tất cả mọi công dân, đặc biệt của những người nghèo túng, bị thiệt thòi và của những người không có tiếng nói.

ĐTC đã ca ngợi lòng quảng đại hy sinh của xã hội Bangladesh trong việc tiếp đón những nguời tỵ nạn đến từ bang Rakhine của Myanmar và cung ứng các nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống của họ. Không ai có thể thiếu ý thức đối với tình hình nghiêm trọng này, đối với những khổ đau vô biên và các điều kiện sống bấp bênh của biết bao nhiêu anh chị em như thế, đa số là phụ nữ và trẻ em, sống chen chúc nhau trong các trại tỵ nạn. Cộng đoàn quốc tế cần có các biện pháp hữu hiệu đối với cuộc khủng hoảng trầm trọng này, không chỉ bằng các hoạt động để giải quyết các vấn đề chính trị đã gây ra cuộc di cư ồ ạt này, nhưng còn cống hiến sự trợ giúp vật chất tức thời cho Bangladesh trong nỗ lực đáp ứng các nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Tiếp tục diễn văn ĐTC cho biết ngài không chỉ đến viếng thăm cộng đoàn công giáo Bangladesh, nhưng cũng để gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác tại Ramna. Ngài nói:

”Chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình và tái khẳng định dấn thân hoạt động cho hoà bình. Bangladesh nổi tiếng về sự hoà hợp truyền thống  giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Bầu khí đối thoại liên tôn gia tăng này cho phép các tín hữu tự do diễn tả các xác tín sâu xa của mình và góp phần vào việc thăng tiến các giá trị tinh thần là nền tảng vững chắc cho một xã hội công bằng và hoà bình. Trong một thế giới, nơi tôn giáo thường bị sử dụng một cách xấu xa, gây gương mù cho mục đích khích động chia rẽ, chứng tá của sức mạnh hoà giải và hiệp nhất này cần thiết biết bao! Điều này đã được chứng minh qua các phản ứng phẫn nộ chung đối với vụ khủng bố tại Dhaka trong sứ điệp các vị lãnh đạo tôn giáo gửi cho toàn nước và khẳng định rằng không bao giờ được khẩn cầu danh rất thánh của Thiên Chúa để biện minh cho thù hận và bạo lực chống lại đồng loại.

ĐTC cũng nhắc đến phần đóng góp của tín hữu công giáo Bangladesh cho việc xây dựng xã hội và nói rằng:

”Tuy là thiểu số, các tín hữu công giáo vẫn cố gắng giữ một vai trò xây dựng trong việc phát triển quốc gia, đặc biệt qua các trường học, nhà thương và các trạm xá phát thuốc. Giáo Hội công giáo đánh giá cao sự tự do mà toàn quốc gia được hưởng, thực hành niềm tin của mình và thực hiện các công trình bác ái trong đó có việc cống hiến cho giới trẻ là tương lai xã hội một nền giáo dục phẩm chất và việc tập tành các giá trị luân lý đạo đức và nhân bản lành mạnh.

Trong các trường Công Giáo, Giáo Hội tìm thăng tiến một nền văn hoá của sự gặp gỡ sẽ khiến cho các sinh viên học sinh có khả năng lãnh các trách nhiệm riêng trong cuộc sống xã hội. Thật vậy đại đa số sinh viên học sinh và nhiều giáo sư tại các trường Công giáo thuộc các truyền thống tôn giáo khác. ĐTC hy vọng cộng đoàn công giáo sẽ tiếp tục được hưởng sự tự do tiếp tục các công trình tốt lành ấy như dấn thân cho thiện ích chung, theo tinh thần và văn bản của Hiến pháp.

Giã từ phủ tổng thống, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 12 cây số rưỡi để dùng bữa tối và qua đêm.

 Linh Tiến Khải và Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Myanmar

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Myanmar

YANGOON. Lúc 13 giờ 30 trưa ngày 27-11, ĐTC Phanxicô đã đến phi trường thành phố Yangoon, sau gần 10 tiếng rưỡi đồng hồ bay suốt đêm từ Roma, để bắt đầu chuyến viếng thăm 6 ngày tại hai nước Myanmar và Bangladesh.

Đây cũng là chuyến viếng thăm thứ 21 của ngài tại nước ngoài và là lần thứ 3 ngài đến Á châu.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Bộ Trưởng đặc ủy của Tổng thống Cộng hòa Myanmar, Đức Sứ Thần Tòa Thánh và hàng chục GM địa phương, cùng với 100 trẻ em, một toán nữ tu thuộc nhiều dòng, vui mừng đón tiếp, đơn sơ nhưng rất nồng nhiệt. Đây không phải là nghi thức đón tiếp chính thức, nên ĐTC chỉ tiến qua hàng quân danh dự, chào thăm mọi người hiện diện và lên xe về tòa TGM Yangoon cách đó 18 cây số rưỡi.

Gần tòa TGM có hàng ngàn tín hữu Công Giáo chờ đón 2 bên đường để chào mừng ĐTC.

 

Tuy Myanmar đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ tháng 5 năm nay, tại đây nhưng chưa có Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Đức TGM Phaolô Trương Nhân Nam (Tshang In Nam) Sứ thần Tòa Thánh tại Bangkok Thái Lan, được cử kiêm nhiệm chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Myanmar. Vì thế, tòa TGM Yangoon được biến thành nơi ĐTC cư ngụ trong thời gian ngài viếng thăm nước này.

Đến tòa TGM vào lúc 9 giờ, ĐTC dâng thánh lễ riêng và nghỉ ngơi sau 1 đêm dài trên máy bay.

Lúc 6 giờ chiều giờ địa phương ngày 27-11-2017, ĐTC sẽ gặp Tướng Min Aubg Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar và được coi là trong những người có thế lực nhất tại nước này.

Trước khi lên đường

Trước khi lên đường, theo thói quen, chiều thứ bẩy, 25-11, ngài đã đến Đền thờ Đức Bà Cả và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, để xin ơn phù trợ của Mẹ Thiên Chúa và phó thác cho Đức Mẹ cuộc viếng thăm của ngài tại Myanmar và Bangladesh.

Tiếp đến, vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 26-11, ĐTC nói với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng: ”Tối hôm nay, tôi sẽ bắt đầu chuyến tông du tại Myanmar và Bangladesh. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện, để sự hiện diện của tôi nơi các dân tộc ấy là dấu chỉ sự gần gũi và hy vọng.”

Lúc 9 giờ rưỡi tối chúa nhật 26-11, ĐTC đã ra phi trường Fiumicino, đáp máy bay Airbus 330 của hãng Alitalia. Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng gồm 30 người, đứng đầu là ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và khoảng 50 ký giả Italia và quốc tế. ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai Ấn độ, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu và là thành viên Hội đồng 9 HY cố vấn của ĐTC, đến thẳng Yangoon và sẽ cùng đi với ngài trong chuyến viếng thăm tại Myanmar và Bangladesh.

Máy bay cất cánh lúc 22 giờ 10 phút giờ Roma và trực chỉ phi trường Yangoon cách đó gần 8.600 cây số.

Trên máy bay, ĐTC chào thăm các ký giả cùng đi và nói: ”Cám ơn anh chị em thật nhiều vì sự đồng hành và vì công việc của anh chị em gieo vãi bao nhiêu điều tốt lành.. Chúc anh chị em làm việc tốt và ngủ ngon. Họ nói rằng công việc rất nóng bỏng, nhưng ít là nó có thành quả!”.

Thứ ba 28-11, ĐTC sẽ chính thức bắt đầu hoạt động tại Myanmar. Ngài sẽ dâng thánh lễ riêng tại nhà nguyện tòa TGM Yangoon lúc 11 giờ 15, và sau khi dùng bữa trưa, ngài đáp máy bay lúc 2 giờ chiều để tới thủ đô mới của Myanmar, Nay Pyi Taw, vào lúc quá 3 giờ chiều, rồi đến phủ Tổng thống là nơi sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Sau đó vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương, ngài sẽ viếng thăm Tổng thống Htin Kyaw, trước khi gặp bà Aung San Suu Kyi, Cố Vấn Nhà Nước, và cũng là ngoại trưởng của Myanmar.

Kế đến, ĐTC sẽ đến trung tâm hội nghị quốc tế cách đó 11 cây số để gặp gỡ chính quyền, và đại diện xã hội dân sự, cùng với ngoại giao đoàn. Tại đây ngài sẽ đọc diễn văn đầu tiên trong chuyến viếng thăm này.

 

Sau cùng, vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC sẽ đáp máy bay trở về thành phố Yangoon, dùng bữa tối và qua đêm tại tòa TGM ở địa phương.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm Myanmar và Bangladesh

Đức Thánh Cha viếng thăm Myanmar và Bangladesh

VATICAN. Hôm 10-10-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chi tiết chương trình viếng thăm của ĐTC tại Myanmar và Bangladesh một tuần lễ, từ ngày 27-11 đến 2-12 tới đây.

ĐTC sẽ rời Roma lúc 21 giờ 40 phút đêm Chúa Nhật 26-11 và đến phi trường quốc tế của cố đô Yangon lúc 13 giờ 30 trưa thứ hai, 27-11. Nghi thức tiếp đón chính thức diễn ra tại đây.

Thứ ba hôm sau, 28-11, lúc 14 giờ chiều, ĐTC sẽ bay đến thủ đô Nay Pyi Taw. Đây đây lúc 15 giờ 10, ngài sẽ về Phủ Tổng thống Myanmar và tại đây sẽ diễn ra nghi thức chào đón, gặp gỡ tổng thống, rồi gặp Bà Cố vấn kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, trước khi gặp chính quyền cùng với đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Trung tâm hội nghị quốc tế.

Sau đó lúc 18 giờ 20 phút, ngài bay trở về Yangon và nghỉ đêm tại tòa TGM địa phương.

Sáng thứ tư, 29-11, úc 9 giờ rưỡi, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại công viên Kyaikkasan. Ban chiều lúc 16 giờ 15, ngài sẽ đến gặp Hội đồng Tăng Già tối cao của các tăng sĩ Phật giáo tại Trung Tâm Kaba Aye.

Một tiếng sau đó, lúc 17 giờ 15, ĐTC sẽ gặp các GM Myanmar tại Phòng khánh tiết Nhà thờ Chính Tòa St. Mary.

Sáng thứ năm, 30-11, lúc 10 giờ 15, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với các bạn trẻ tại Nhà thờ chính tòa này, trước khi ra phi trường Yangon để đáp máy bay lúc 13 giờ trưa, bay sang thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Đến Dhaka lúc 15 giờ chiều giờ địa phương, sau nghi thức tiếp đón, ĐTC sẽ viếng Đài tưởng niệm các vị tử đạo của quốc gia ở Savar, rồi viếng Vị Cha của đất nước Bangladesh ở Đền tưởng niệm Bảo tàng viện Bangabandhu.

Lúc 17 giờ 30, ĐTC thăm Tổng thống tại Phủ Tổng thống, rồi cũng tại đây sau đó, gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Thứ sáu, 1-12, lúc 10 giờ, ngài chủ sự thánh lễ cùng với nghi thức truyền chức linh mục tại Công viên Suhrawardy Udyan.

Ban chiều, lúc gần 15 giờ rưỡi, ĐTC gặp thủ tướng chính phủ Bangladesh tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rồi viếng nhà thờ chính tòa lúc 16 giờ, trước khi gặp các GM tại Nhà Dưỡng lão dành cho các linh mục. Sau đó lúc 17 giờ, ĐTC sẽ có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn tại khuôn viên tòa TGM Dhaka.

Sáng thứ bẩy, 2-12, lúc 10 giờ, ĐTC sẽ viếng nhà Mẹ Têrêsa ở Tejaon, trước khi gặp các LM, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh tại Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi. Lúc gần 12 giờ trưa, ngài viếng nghĩa trang giáo xứ và nhà thờ cổ kính Đức Mẹ Mân Côi.

Hoạt động cuối cùng của ĐTC là cuộc gặp gỡ với giới trẻ lúc 15 giờ 20 tại Học Viện Đức Bà ở Dhaka, rồi ra phi trường lúc 16 giờ 45. Sau nghi thức tiễn biệt lúc quá 5 giờ chiều, ngài sẽ bay về Roma, dự kiến vào lúc 11 giờ đêm cùng ngày thứ bẩy, 2-12.

Tổng cộng trong cuộc viếng thăm, ĐTC sẽ đọc 10 bài diễn văn và bài giảng, và cử hành 2 thánh lễ. (Rei 10-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

VATICAN. Phòng báo chí tòa thánh chính thức thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Myanmar và Bangladesh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay.

”Nhận lời mời của các vị Quốc trưởng và các Giám Mục liên hệ, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc tông du tại Myanmar từ ngày 27 đến 30-11, viếng thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw, rồi tại Bangladesh từ ngày 30-11 đến 2-12-2017, viếng thăm thành phố Dhaka.

Chương trình chuyến viếng thăm sẽ được công bố trong thời gian tới đây.

Cùng với thông cáo trên đây, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chủ đề và 2 huy hiệu của cuộc viếng thăm.

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh là ”Hòa hợp và Hòa bình” (Harmony and Peace [tiếng Anh] và Shomprity & Shanti [tiếng Bangla].

Thực tại và khát vọng Hòa hợp giữa các tôn giáo, văn hóa, dân tộc, xã hội, lịch sử, gia sản và các truyền thống ở Bangladesh.

Thực tại hòa bình được cảm nghiệm cũng như được khát mong trong tương lai, với một viễn tượng sự phát triển nhân bản toàn diện và tinh thần tại Bangladesh.

Huy hiệu (Logo) chuyến viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh có hình con chim hòa bình, tượng trưng ĐTC Phanxicô vị sứ giả hòa hợp và hòa bình.

Thánh giá và Shapla: Thánh giá tượng trưng sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Các dân tộc Bangladesh thuộc nhiều văn hóa và tôn giáo đang sống với nhau trong tinh thần hòa hợp dựa trên mối liên hệ chung, được diễn tả bằng bông hoa quốc gia Shpala. Nó cũng tượng trưng sự sống và hy vọng, đồng thời cho thấy niềm tin của chúng ta rất sinh động, dù rằng chúng ta là thiểu số.

Mầu của huy hiệu: xanh lá cây, đỏ và vàng là những màu cờ quốc gia Bangladesh và Vatican. Sự liên kết các mầu này tượng trưng sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa Vatican và Bangladesh. Vatican là một trong những nước đầu tiên nhìn nhận nền độc lập của Bangladesh hồ năm 1971. Màu xanh dương trong chữ viết diễn tả biểu tượng hòa bình và nước trong của các sông ngòi ở Bangladesh.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka

Vatican – Sáng thứ tư 22/02, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp gia đình của 9 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra ngày 01/07/2016, tại một quán café ở thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh.

Có 28 người thiệt mạng trong cuộc khủng bố, bao gồm 6 tay súng và 2 sĩ quan cảnh sát. Phần lớn trong số 20 nạn nhân là người Italia và Nhật; có một người Ấn độ và một người Mỹ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp 36 thành viên thân nhân của 9 nạn nhân người Italia. Ngài đã ôm chào và an ủi các gia đình. Ngài nói: “Thật là dễ để đi con đường từ yêu thương dẫn đến thù hận, trong khi thật khó để làm điều ngược lại: từ sự cay đắng hận thù đến yêu thương.”

Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Anh chị em bị để lại trong giận dữ, cay đắng và ước muốn trở lại, nhưng anh chị em đã dấn thân, với nỗi đau trong lòng, trên con đường yêu thương để xây dựng và giúp đỡ người dân Bangladesh, đặc biệt những người trẻ để họ có thể học biết: đây là gieo trồng bình an và tôi cám ơn anh chị em, nó là một gương mẫu cho tôi.”

Đức cha Valentino Di Cerbo của Alife-Caiazzo cũng hiện diện ở buổi gặp gỡ và đã trình bày với Đức Giáo hoàng về cuộc sống của 9 nạn nhân. Trong buổi gặp gỡ này, Đức Giáo hoàng cũng được tặng 9 cây ô liu nhỏ với tên của các nạn nhân được viết trên hình của con chim bồ câu gắn vào cây.

Thân nhân của nạn nhân cũng chia sẻ với Đức Giáo hoàng về những dự án đặc biệt họ đang thực hiện sau cuộc khủng bố như cách thức để tôn vinh những người thân của họ: một người anh của một nạn nhân sẽ đến Dhaka cùng với tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” và một gia đình khác giúp xây một nhà thờ trong một tỉnh nhỏ ở miền nam Bangladesh. Một dự án khác là cung cấp học bổng cho các người trẻ ở Bangladesh.

Sau vụ khủng bố vào hè năm ngoái, Đức Giáo hoàng cũng đã gửi thư chia buồn và lên án hành động dã man như một xúc phạm chống lại Thiên Chúa và nhân loại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 03/07/2016, ngài kêu gọi cầu nguyện cho những kẻ mù quáng vì hận thù được hoán cải và đã cùng mọi người đọc kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Có thông tin loan truyền rằng Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Bangladesh trong năm 2017 này. Đức Hồng Y Patrick D’Rozario, Hồng y tiên khởi của quốc gia này nói rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một sự kiện vĩ đại đối với toàn Giáo hội tại đay, đặc biệt đối với sự hòa hợp tôn giáo…Đức Hồng y nói: “Đức Thánh Cha là một guru (vị thầy) tinh thần” và dự đoán cuộc viếng thăm của ngài sẽ phát triển đời sống tinh thần và sự hiệp thông của toàn dân.

Tại Bangladesh, Hồi giáo là tôn giáo chính. Thống kê năm 2013 cho thấy có tới 89% dân số là người Hồi, với chỉ 10% dân số theo Ấn giáo và Kitô hữu và Phật tử chiếm chưa tới 1% dân số. (CNA 22/02/2017)

Hồng Thủy

Hai giáo dân Bangladesh nhận Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice”

Hai giáo dân Bangladesh nhận Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice”

BANGLADESH - Premiazione

Dhaka, Bangladesh – Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Bangladesh, Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice” (vì Giáo hội và Đức Giáo hoàng) đã được trao cho hai giáo dân, những người bằng công việc của họ đã thay đổi quê hương đất nước. Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice” được tặng cho các giáo dân nam nữ cũng như các giáo sĩ nổi bật về trong việc phục vụ Giáo Hội và Đức Giáo hoàng.

Buổi trao tặng Thánh giá cho tiến sĩ Benedict Alo D’Rozario và thẩm phán đã qua đời Promod Mankin diễn ra tại trụ sở Hội đồng Giám muc, với sự hiện diện 2 Tổng Giám mục, 8 Giám mục và 60 đại diện của các cộng đoàn Công giáo. Đức sứ thần Tòa Thánh tại Bangladesh đã trao hai Thánh giá này cho họ.

Tiến sĩ D’Rozario nói với hãng tin Á châu: “Sự nhìn nhận này càng soi sáng cho tôi thêm trong việc phục vụ Giáo hội và đất nước. Tôi sẽ làm tất cả để những tài năng của tôi có thể phục vụ cộng đoàn cho đến ngày cuối của tôi. Ông D’Rozario đã chọn phục vụ trong Ủy ban Công lý và Hòa bình, rồi đến Caritas của Hội đồng Giám mục, thay vì làm trong chính quyền.

Còn thẩm phán Promod Mankin, vừa qua đời vài tháng trước, là chủ tịch của các trường Công giáo và chủ tịch Caritas vùng Mymensingh trong nhiều năm. Sau đó ông được bầu làm đại biểu trong nhiều nhiêm kỳ. Ông luôn dùng vai trò của mình để giúp đỡ các nhóm thiểu số.

Đức Cha Patrick D’Rozario, chủ tịch Hội đồng Giám mục Bangladesh nhận xét: “Hai nhân vật này đã đóng góp to lớn cho Giáo hội và xã hội Bangladesh và họ đã làm cho nó tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta vinh danh họ, kính trọng họ và biết ơn về những đóng góp của họ”. (Asia News 20/8/2016)

BL

Đài phát thanh Công giáo online đầu tiên ở Bangladesh

Đài phát thanh Công giáo online đầu tiên ở Bangladesh

Giáo phận Rajshahi

Rajshahi, Bangladesh – Hôm qua giáo phận Rajshahi khai trương đài phát thanh Công giáo đầu tiên tại Bangladesh.

Đài phát thanh Ánh Sáng là một đài phát thanh online, có thể nghe được trên các điện thoại thông minh (smartphone). Đức cha Gervas Rozario, Giám mục của giáo phận, đã giải thích với hãng tin Á Châu: “mục đích của đài phát thanh là rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa qua các chương trình phát thanh của chúng tôi. Như thế chúng tôi sẽ truyền bà các giáo huấn của Chúa Giê-su”.

Đài truyền hình nằm trong nhà thờ Công giáo Emmaus ở Bogra của giáo phận Rajshahi với mục đích rõ rệt là làm cho mọi người nhận biết Chúa Ki-tô và Giáo hội ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Đức Giám mục khẳng định rằng qua đài phát thanh, chúng tôi muốn loan tin cho những người sống tại Bangladesh và hải ngoại. Chúng tôi dạy các giá trị của Giáo hội, các thánh ca và các kịch bản, luân lý đạo đức căn bản, khuyến khích việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và môi trường; chúng tôi giữ gìn văn hóa Bengal.

Giáo phận đã huấn luyện 25 bạn trẻ, phần lớn thuộc các bộ tộc, để làm phát thanh viên. Hiện tại chương trình dài một giờ mỗi ngày, nhưng trong tương lai, Đức cha nói, các ngài muốn kéo dài chương trình phát sóng để có thể thông tin thêm các tin tức về Ki-tô hữu, Giáo hội toàn cầu và quê hương các ngài.

Các tín hữu đón nhận tin tức với sự nhiệt thành. Một tín hữu Công giáo trẻ cho biết đó là một sáng kiến hợp thời. Bấy giờ tôi có thể nghe các bài thánh ca, tin tức, giáo huấn của Chúa Giê-su trực tiếp từ điện thoại di động của tôi. (Asia News 4/6/2016)

Hồng Thủy OP