Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

VATICAN. ĐTC quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố ở thành Barcelona, Tây Ban Nha.

Vụ khủng bố xảy ra khoảng 5 giờ chiều ngày 17-8-2017 ở khu vực Ramblas dành cho khách bộ hành, nơi có đông đảo dân chúng và du khách ở trung tâm thành Barcelona. Kẻ khủng bố lái xe minibus đâm vào đông đảo dân chúng trên quãng đường 700 mét, làm cho 13 người thiệt mạng và 80 người bị thương theo tin sơ khởi.

Ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết ”ĐTC rất quan tâm vì những gì đang xảy ra tại Barcelona. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố này và muốn bày tỏ sự gần gũi với toàn dân Tây Ban Nha, đặc biệt những người bị thương và gia đình các nạn nhân”.

Nhiều vị lãnh đạo Công Giáo trên thế giới cũng bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân, bắt đầu từ HĐGM Tây Ban Nha. Đức Ông José Gil Tamayo, Tổng thư ký, cho biết các GM lo âu theo dõi và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời bày tỏ sự liên đới hoàn toàn với xã hội đang bị tấn công qua những hành động này, đặc biệt với nhân dân thành Barcelona và các lực lượng an ninh. Các GM Tây Ban Nha lên án mọi hành động khủng bố, một phương pháp tự nó xấu ra, không thể dung hợp với luân lý sự sống, công chinh và hợp lý. Không những nó làm thương tổn trầm trọng đến quyền sống và tự do, nhưng còn biểu lộ thái độ bất bao dung tột độ và độc đoán”.

”Các GM Tây Ban Nha cũng xin tất cả các tín hữu dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn an nghỉ đời đời cho những người bị thiệt mạng, cho những người bị thương sớm được bình phục, an ủi các gia đình, ban an bình cho tâm hồn những người thiện chí và để không bao giờ tái diễn những hành động xấu xa đó tái diễn”.

Tại Hoa Kỳ, Đức Cha Oscar Cantú, GM giáo phận Las Cruces, NM, Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về Công lý và Hòa bình, đã ra tuyên ngôn nói rằng:

”Một lần nữa, một hành vi khủng bố đã làm cho hơn 1 tá người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. HĐGM Hoa Kỳ quyết liệt lên án hành vi đáng kinh tởm này về mặt luân lý và liên đới với dân chúng của Tổng giáo phận Barcelona và Tây Ban Nha đang ở trong thời điểm mất mát và đau buồn.”

Đức Cha Cantú cũng nói rằng: ”Những vụ tấn công khủng bố chống các thường dân vô tội không bao giờ có thể biện minh được.. Trực tiếp tấn công những người nam nữ và trẻ em vô tội là điều tuyệt đối đáng trách.. Xin Thiên Chúa an ủi những người sầu muộn và hoán cải tâm hồn những kẻ thì hành những hành vi như thế” (CNS 17-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ

su-diep-viedo-cua-duc-thanh-cha-gui-cac-giam-muc-hoa-ky

VATICAN. ĐTC khuyến khích tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ tích cực tham gia cuộc gặp gỡ toàn quốc lần thứ 5 các tín hữu Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, để canh tân và dấn thân truyền giáo.

 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp Video gửi HĐGM Hoa Kỳ nhóm đại hội mùa thu từ ngày 14 đến 17-11-2016 tại thành phố Baltimore.

 Cuộc gặp gỡ các tín hữu Hispanic nói tiếng Tây Ban Nha, sẽ bắt đầu từ tháng giêng tới đây, 2017, tại các giáo phận, và kết thúc với cuộc cử hành toàn quốc vào tháng 9 năm 2018. Các sinh hoạt này nhắm nhìn nhận và đề cao những hồng ân đặc thù mà các tín hữu Công Giáo Hispanic đã và tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội tại Mỹ. Hơn nữa, đó là thành phần một tiến trình rộng lớn hơn để canh tân và dấn thân truyền giáo mà tất cả các giáo phận tại Mỹ được kê gọi thực hiện.

 ĐTC bày tỏ hy vọng Giáo Hội tại Mỹ, ở mọi cấp độ, sẽ đồng hành với cuộc gặp gỡ sắp tới, qua những suy tư và sự phân định mục vụ, đặc biệt Ngài xin các giáo phận hãy cứu xét xem mình có thể làm gì để đáp ứng tốt đẹp hơn sự hiện diện ngày càng gia tăng của cộng đồng Hispanic. Để ý đến sự đóng góp của cộng đồng này cho đời sống quốc gia, ĐTC cầu nguyện để Cuộc gặp gỡ toàn quốc kỳ 5 của các tín hữu Công Giáo Hispanich mang lại thành quá cho sự canh tân xã hội Mỹ và cho hoạt động tông đồ tại nước này. (SD 15-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Dòng Tên có Tân Bề Trên Cả: Cha Arturo Sosa Abascal, S.J.

Dòng Tên có Tân Bề Trên Cả: Cha Arturo Sosa Abascal, S.J.

cha-tan-be-tren-ca-dong-ten

Tổng Hội 36 của Dòng Tên đã bầu Cha Arturo Sosa Abascal, S.J., thuộc tỉnh Dòng Venezuela, làm Bề Trên Cả thứ 31 của Dòng Tên.

Cha Arturo Sosa Abascal sinh tại Caracas, Venezuela ngày 12 tháng 11 năm 1948. Ngài hiện là Thụ uỷ đặc trách các nhà và sứ vụ quốc tế của Dòng tại Rôma.

Cha có bằng tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Universidad Central de Venezuela. Ngài nói được tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Anh và hiểu được tiếng Pháp.

Tứ Quyết SJ

Chính thức thành lập ”Bộ” Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Chính thức thành lập ”Bộ” Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Đức Cha Kevin Joseph Farrell

VATICAN. Hôm 17-8-2016, ĐTC đã công bố Tông Thư Tự Sắc chính thức thành lập "Bộ" (Dicastero) giáo dân, gia đình và sự sống, đồng thời bổ nhiệm Đức Cha Kevin Joseph Farrell, cho đến nay là GM giáo phận Dallas, Hoa Kỳ, làm tân Tổng trưởng của "Bộ" mới.

Đức Cha Kevin Joseph Farrell sinh năm 1947 tại Dublin, Ailen, em ruột của Đức Cha Brian Farrell (sinh năm 1944) đang là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Cả hai anh em đều tu dòng Đạo Binh Chúa Kitô (Legionari di Cristo). Cha Kevin Joseph theo học tại đại học Salamanca, Tây Ban Nha, rồi Gregoriana và Angelicum ở Roma, và từng đặc trách các chủng viện và trường của dòng Đạo Binh tại Italia, Tây Ban Nha và Ireland.

Năm 1984, cha rời khỏi dòng Đạo Binh và nhập tịch tổng giáo phận Washington DC, rồi làm tổng đại diện giáo phận này vào năm 2001. Cùng năm đó, ngài thăng GM Phụ tá Washington DC, phụ giúp ĐHY Theodore McCarrick. Năm 2007, ngài thăng chức làm GM chính tòa giáo phận Dallas, Texas.

Đức Cha Kevin Farrell trở thành người Mỹ duy nhất đứng đầu một cơ quan trung tương Tòa Thánh hiện nay.

Ngày 4-6 năm nay, ĐTC đã phê chuẩn qui chế của Bộ Giáo Dân, Gia Đình và sự sống, bao gồm thẩm quyền cho đến nay thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân, Gia đình. Qui chế này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 tới đây.

Ngoài ra, cũng ngày 17-8-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Vincenzo Paglia, cho đến nay là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, đồng thời làm chưởng ấn Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình.

Đồng thời ĐTC bổ nhiệm Đức Ông Pierangelo Sequeri, cho đến nay là khoa trưởng phân khoa thần học bắc Italia ở Milano, làm tân Viện trưởng Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về Hôn nhân và gia đình. (SD 17-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tân giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh

Tân giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh

ĐTC Phanxicô tiếp ông Greg Burke Tân giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh và bà Paloma Garcia Ovejero, phó giám đốc

VATICAN: Hôm 11 tháng 7 vừa qua ĐTC đã nhận đơn từ chức phát ngôn viên kiêm giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh của cha Federico Lombardi, và chỉ định ông Greg Burke người Mỹ thay thế, đồng thời ngài cũng chỉ định bà Paloma Garcia Ovejero người Tây Ban Nha làm phó giám đốc.

Đây là lần đầu tiên một giáo dân được chỉ định giữ chức vụ này và cũng là lần đầu tiên một phụ nữ giữ chức phó giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh. Ông Burke năm nay 56 tuổi là thành viên của hiệp hội Opus Dei. Từ năm 1990 ông đã cộng tác với tuần báo Time. Năm 2001 ông bắt đầu làm phóng viên cho đài truyền hình Fox News. Năm 2012 ông được mời làm việc cho văn phòng các vấn đề tổng quát như cố vấn truyền thông của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, và từ cuối năm 2015 là phó giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh. Ông thông thạo các thứ tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Bà Paloma Garcia Ovejero, người Tây Ban Nha 41 tuổi. Từ năm 1998 bà là biên tập viên chính và hướng dẫn viên của đài phát thanh Cope Tây Ban Nha. Từ năm 2012 bà là phóng viên của đài tại Italia và Quốc gia thành phố Vaticăng. Bà thông thạo các thứ tiếng Tây Ban Nha, Anh, Ý và Tầu.

Tân giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh sẽ bắt đầu công việc bắt đầu từ tháng 8 tới đây. Cha Lombardi năm nay 74 tuổi sẽ còn tháp tùng ĐTC trong chuyến đi Ba Lan nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vào cuối tháng 7 này. Từ tháng 9 ngài sẽ làm việc trong Tổng tu nghị của Dòng Tên (Expresso – SD 11-7-2016)

Linh Tiến Khải

Giáo Hội và đất nước Mexico chờ đón ĐTC Phanxicô

Giáo Hội và đất nước Mexico chờ đón ĐTC Phanxicô

Logo ĐTC viếng thăm Mexico

Trong các ngày từ 12 tới 18 tháng hai này ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Mexico. Trong những ngày vừa qua HĐGM nước này đã cho biết sẽ phân phát 900,000 vé cho tín hữu tham dự các thánh lễ và các buổi gặp gỡ với ĐTC. Hiện nay Giáo Hội Mêxicô cần 160,000 thiện nguyện viên giúp tổ chức chuyến viếng thăm mục vụ này.

Từ Mexico phát xuất từ chữ Mexico là tên thổ dân Aztech gọi thủ đô của họ, và nó có nghĩa là “nơi thần chiến tranh Mexitli hay Mextli sống”. Trong quá khứ đây là vùng đất đã có nhiều nền văn minh kế tiếp nhau hiện hữu. Cách đây 11,000 năm đây là vùng đất có các dân tộc gốc á châu sinh sống về nghề săn bắn và hái trái cây. Nông nghiệp đã chỉ phát triển vào khoảng năm 9,000 trước công nguyên, việc trồng bắp đã chỉ bắt đầu vào năm 5,000 trước công nguyên, và các đồ gốm chỉ xuất hiện vào khoảng năm 2,500 trước công nguyên. Trong khi các nhóm dân tại miền bắc tiếp tục sống về săn bắn và hái trái, các nhóm sống ở miền nam đã nhờ nông nghiệp biến thành các xã hội tiến triển hơn.

Từ thế kỷ XII trước công nguyên cho tới khi người Tây Ban Nha xâm lăng Mêxicô đã là quê hương của các nền văn minh nổi tiếng như của người Olmechi (1.200-500 trước công nguyên); nền văn minh Teotihuacán (100 trước công nguyên tới 659 sau công nguyên); nền văn minh Zapotechi (200-700); nền văn minh Maya (200-900); nền văn minh Toltechi (1.000-1.200); nền văn minh Aztechi (1.200-1.500).

Năm 1517 ngưòi Tây Ban Nha do Francisco Hernandez de Cordoba chỉ huy từ Cuba đến bán đảo Yucatán. Năm 1518 Diego Velazquez de Cuéllar gửi 4 chiếc tầu do người cháu là Juan de Grijalva chỉ huy. Năm 1519 chuyến viễn chinh thứ ba do Hernan Cortez chỉ huy gặp bến tại Cozumel. Ban đầu người Tây Ban Nha được hoàng đế Montezuma của đế quốc Aztechi tiếp đón nồng hậu, nhưng sau đó họ bị người Tây Ban Nha tiêu diệt. Hai lãnh tụ cuối cùng của người Aztechi là Cuitláhuac, bị chết vì bệnh đậu mùa và Cuautémoc bị các bộ tộc thổ dân khác bỏ rơi và bị người Tây Ban Nha bắt và giết chết năm 1521. Mùa thu năm 1521 đế quốc Aztech sụp đổ. Sau hai năm rưỡi bị bao vây bởi  quân của người Tây Ban Nha đa số gốc Tlaxcalteca, thủ đô Tenochtitlán bị chiếm và chỉ nội trong vòng một năm người Tây Ban Nha kiểm soát toàn nước. Các vương quốc độc lập xin thần phục, và năm năm sau đó toàn dân Mexico nằm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các nhóm thổ dân du mục vẫn tiếp tục kháng chiến, hầu như cho tới thế kỷ XX, khi người Yaquin thương lượng việc ân xá với quân đội Mehico.

Người Tây Ban Nha tới Mexico đem theo các nhà truyền giáo nổi tiếng như các linh mục tu sĩ  Vasco de Quiroga, Motolinía, Martin de Valencia, Bernardino de Sahagún, Diego de Landa, Junipero Serra, Sebastian de Aparicio và Bartolomé de Las Casas. Các vị đã hết sức bênh vực quyền của các thổ dân.

Sau khi Tenochtitlán thất thủ Hernan Cortes chiếm quyền, tự xưng là Tổng chỉ huy, và bắt đầu chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm cả vùng California, Arizona, New Mexico và Texas ngày nay. Một số thành phố được thành lập như thành phố Mexico xây trên các đổ nát của Tenochtitlán, Guadalajara, Pueblà, Monterrey và Querétago. Từ năm 1535 có một phó vương cai trị Mexico. Trong thời gian này mẫu quốc Tây Ban Nha được phồn thịnh nhờ các mỏ vàng và bạc, và nông nghiệp trồng mía và cà phê của Mêxicô. Số các thổ dân giảm 80% vì các bệnh dịch và các vụ tàn sát. Khi người âu châu tới đây số các thổ dân là 20 triệu vào năm 1650 chỉ còn lại hơn 1 triệu. Ba thế kỷ thực dân 1521-1821 đã biến Mexico trở thành một quốc gia latinh, tây ban nha, công giáo và lai giống như chúng ta thấy ngày nay.

Vào đầu thế kỷ XIX có các cuộc nổi loạn khắp nơi bên Châu Mỹ Latinh trong đó có Mexico. Năm 1809 người hùng độc lập Melchor de Talamantes qua đời. Ngày 16 tháng 9 năm 1810 linh mục gốc Creol Miguel Hidalgo y Costilla chỉ huy một đạo binh gồm dân làng Dolores Hidalgo trong bang Guanajuato và các thổ dân chống lại chính quyền Tây Ban Nha đánh chiếm thành phố. Phong trào độc lập lan rộng. Người Creol tức các người da trắng nắm nền kinh tế địa phương liên minh với người lai giống và các thổ dân chống lại người Gachupines, tức người Tây Ban Nha sinh sống trong các thành thị và nắm quyền bính chính trị. Tuyên ngôn độc lập được ký lần thứ nhất năm 1813 và sau cùng ngày 28 tháng 9 năm 1821. Hiến pháp chào đời năm 1824.  Từ khi được thành lập như là quốc gia liên bang Mexico có tên gọi chính thức là các Bang hiệp nhất Mêxicô, cả khi Hiến Pháp năm 1824 dùng cả hai kiểu gọi. Hiến Pháp năm 1857 chính thức sử dụng tên gọi Cộng hoà Mexico, nhưng cũng dùng tên các Bang hiệp nhất Mexico.

Sau khi Texas tuyên bố độc lập và bị Hoa Kỳ sát nhập năm 1846, Mexico đòi lại vùng đất giữa Rio Grande và Rio Nueces. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa Hoà Kỳ và Mexico và kéo dài cho tới năm 1848. Năm 1847 Hoa Kỳ chiếm thành phố Mexico. Cuộc chiến chấm dứt với thỏa hiệp Guadalupe Hildago. Mêxicô phải thừa nhận Rio Grande như biên giới với Texas. Ngoài ra còn phải nhượng cho Hoa Kỳ 40% đất đai của mình rộng khoàng  2 triệu cây số vuông bao gồm các tiểu bang California, New Mexico, Arizzona, Nevada, Utah và phần lớn Colorado và Wyoming.

Vào đầu thế kỷ XIX tình trạng bất công xã hội làm nảy sinh ra nhiều cuộc nổi loạn và nội chiến, và bạo lực kéo dài cho tới năm 1930. Trong các năm 1926-1929 chính quyền thi hành chính sách bách hại, tịch thu tài sản của Giáo Hội, đóng cửa các trường học, giải tán các dòng tu, ngăn cản ngươi trẻ đi tu, tước đọat quyền bỏ phiếu của các linh mục tu sĩ, và bắt bỏ tù các cha mẹ rửa tội cho con, hay những người trẻ nào muốn sống đời tu trì. Đã có nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân bị giết vì đức tin. Thế giới công giáo ban đầu chỉ biểu tình phàn đối với các vụ thu thập chữ ký, sau đó thành lập “Liên minh quốc gia bào vệ tự do tôn giáo”. Sau khi thấy chính quyền công khai bách hại Giáo Hội, một số tín hữu bắt đầu chiến đấu võ trang với khẩu hiệu “Hoan hô Chúa Kitô Vua”. Chính quyền thẳng tay đàn áp những người chống đối. Năm 1929 khi thấy không thành công, chính quyền ký một thỏa hiệp với Giáo Hội thừa nhận tự do tôn giáo, nhưng nhiều chiến sĩ không chấp nhận và tiếp tục chiến đấu 10 năm sau đó. Về phiá mình chính quyền đã không bao giờ tôn trọng các cam kết và vẫn tiếp tục xử tử tất các các thành phần chống đối. Và các luật bài giáo sĩ vẫn hiệu lực. 

Hiện nay Cộng hòa Mexico rộng hơn 1 triệu 970 cây số vuông, đứng hàng thứ 14 trên thế giới, có hơn 117 triệu dân và là quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đông người nhất. Sau Brasil Mêhicô cũng là quốc gia châu Mỹ Latinh đông dân nhất, gồm 60% người lai giống, con cháu của người âu châu, nhất là của người Tây Ban Nha, và các thổ dân. Người Amerindi thuộc nhiều vương quốc thổ dân như Maya xưa kia,  chiếm 20%. Có 16% dân gốc âu châu nhất là Tây Ban Nha, nhưng cũng có người Italia, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga và Anh. Số còn lại gồm các người Da đen, Do thái, A rập, Thổ nhĩ kỳ, Tầu và Nhật. Cũng có các người đến từ nhiều nước châu Mỹ Latinh khác như Argentina, Guatemala, Colombia, Cuba và Perù. Họ là những người tỵ nạn trốn chạy các cuộc nội chiến và các chế độ độc tài của thập niên 1980. Trong thế kỷ XIX các cộng đoàn gốc âu châu và á châu là các cộng đoàn tiêu biểu nhất, nhưng trong thế kỷ XX các cộng đoàn gốc Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh nổi bật nhất. Mêhicô là nước có nhiều công dân Hoa Kỳ sống ngoài nước nhất. Lý do là vì các liên lạc thương mại ngày càng quan trọng hơn giữa hai nước, đặc biệt là sau các thỏa hiệp tự do thương mại Mexico ký kết với Hoa Kỳ và Canada viết tắt là NAFTA, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994. Ngoài ra người Mỹ coi Mexico là nơi nghỉ ngơi lý tưởng giúp tránh cuộc sống xô bồ cuồng nhiệt, đặc biệt tại San Miguel và các nơi khác trong vịnh California. Ngày xưa Mexico có 200 chủng tộc thổ dân  khác nhau, nhưng nay chỉ còn lại 62, có gốc gác từ thời tiền thực dân. Từ tiểu bang Sinaloa cho tới tiểu bang  Chiapas có 10 triệu thổ dân sinh sống.

Trên bình diện tín ngưỡng 83,9% dân Mexico theo Công Giáo, tín hữu Tin Lành chiếm 7.6%, các tôn giáo khác chiếm 2..5% và có .4,6% không theo tôn giáo nào. Một số người Amerindi tuy tuyên bố theo Công Giáo nhưng trên thực tế họ thực hành một tôn giáo pha trộn Kitô giáo với vài yếu tố của các tín ngưỡng cổ truyền của người Aztech và Maya. Trong khi giáo phái tin lành Mormon đang lan tràn trong các thành phố chính vùng biên giới đông bắc. Do thái giáo đã hiện diện tại Mexico từ bao thế kỷ qua và hiện có khoảng 100 ngàn tín hữu. Còn có một tín ngưỡng ít được biết đến nhưng phổ biến tại Mexico, cũng như tại Trung Mỹ Latinh và miền nam Hoa Kỳ đó là Sự chết thánh.

Từ nhiều thập niên qua số tín hữu công giáo giảm sút từ 98.21% trong năm 1950 xuống 88% năm 2000, và hiện nay là 83.9%.

Trên bình diện ngôn ngữ không có thứ tiếng nào được chỉ định là tiếng nói chính. Tuy nhiên, tiếng Tây Ban Nha và các thứ thổ ngữ tại Mexico cũng như của các nhóm dân da đỏ khác sinh sống tại Mexico được thừa nhận. Tiếng Tây Ban Nha là tiếng nói được sử dụng trong các sinh hoạt chính thức vì được mọi người sử dụng. Tuy nhiên có 7% tổng số dân nói một thứ tiếng Amerindia. Chính quyền Mexico thừa nhận 62 thổ ngữ Amerindie, trong đó có hai thổ ngữ đông người nói nhất là Nahuatl và Maya, mỗi thổ ngữ có khoảng 1.5 triệu người sử dụng. Chính quyền Mexico đã phát huy các chương trình song ngữ Tây Ban Nha và một thổ ngữ tại các vùng quê thổ dân. Trong các thành phố lớn tiếng Anh cũng thông dụng và đang trở thành ngôn ngữ được giởi trẻ sử dụng và được dậy trong các trường tư.

Xã hội Mexico hiện đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, trong đó có nạn gian tham hối lộ, bất công xã hội, bạo lực, các tổ chức tội phạm buôn bán ma tuý, buôn người. Các giới chức chính quyền thường vào hùa với các tổ chức đa quốc ăn cướp đất đai của các thổ dân, để khai thác các quặng mỏ, gây ô nhiễm môi sinh  và đẩy các thổ dân vào cảnh sống bần cùng vì không còn đất đai canh tác. Điển hình là vụ thổ dân Chimalapas cùng với nhiều tổ chức phi chính quyền đã yêu cầu chính quyền Mexico can thiệp để cứu vãn môi sinh trong vùng Santa Maria và San Miguel rộng 600 ngàn héc ta, là đất của thổ dân Zoque, chống lại các doanh thương và các tổ chức đốn gỗ từ bang Chiapas và Veracruz đang xâm lấn vùng này. Đây là vùng sinh sống của 146 loài động vật có vú, 140 loại bò sát, 316 loại chim và 900 loại bướm khác nhau. ĐC Arturro Lona Reyes, nguyên giám mục Tehuantepec, sống trong vùng rừng này giữa thổ dân Chimalapas, đã nhiều lần than phiền về sự thờ ơ của chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi của các thổ dân. ĐC nói “chính quyền chỉ can thiệp sau khi đã xảy ra các vụ đổ máu, và chỉ đến đốt nến cho người đã chết”.

Trong thông cáo công bố ngày 28 tháng giêng HĐGM Mêxicô cho biết cuộc gặp gỡ của ĐTC với các cộng đoàn thổ dân ngày 15 tháng hai tại San Cristobal de las Casas là việc viếng thăm toàn cộng đoàn giáo hội thổ dân và người lai giống, cả khi ưu tiên cho các thổ dân thường bị lãng quên. ĐGH không đến để ủng hộ nhóm xã hội nào cả, nhưng để xây các cây cầu và đạp đổ các bức tường ngăn cách, khích lệ việc hội nhập nhân bản và kitô, của người giầu và người nghèo, của những người sống đức tin một cách truyền thống hơn và của những người lãnh nhận nó với chiều kích xã hội gắn liền. Giáo phận San Cristobal de las Casas là một trong những giáo phận nghèo và bị gạt bỏ ngoải lề nhất Mêxicô, tuy có cố gắng của chính quyền, các tổ chức xã hội, các doanh thương liên đới và chính các thổ dân nhằm cải thiện các điều kiện sống của dân chúng đặc biệt trong lãnh vực y tế, giáo dục, nhà cửa và điện nước. Tuy có việc thừa nhận Mexico là một quốc gia đa văn hóa năm 1992, và việc cải cách Hiến Pháp năm 2001, nhưng 62 bộ lạc thổ dân gồm 11 triệu người vẫn chưa có một tổ chức chính trị, chưa có đất đai và cuộc sống và nền văn hóa của họ chưa được chú ý đủ. Các Giám Mục hy vọng chuyến viếng thăm của ĐTC huy động được tình liên đới của mọi người đối với thực tại sống khó khăn của các cộng đoàn thổ dân.

Ngày 26 tháng giêng Tổng giáo phận thủ đô Mexico cũng ra thông cáo mạnh mẽ khẳng định rằng “các thổ dân cần công lý và việc thừa nhận các quyền lợi của họ. Họ phải sống trong cảnh bần cùng và bị khinh miệt. Các giới chức chính quyền lợi dụng họ để mưu lợi và có các đường lối chính trị nhằm duy trì các kỳ thị, vi phạm quyền con người và thái độ cha chú, sử dụng họ cho các mục đích kiếm phiếu.”

Trong cuộc họp mục vụ tại Ciudad Altamirano, các Giám Mục các giáo phận Chilapa-Chilpancingo, Acapulco, Tlapa và Ciudad Altamirano khẳng định rằng “bang Guerrero và nước Mêxicô sẽ luôn luôn có bầu khí bạo lực vì cảnh bất công khiến cho người dân tuyệt vọng nổi loạn sử dụng bạo lực”. Ngày 19 trước đó đã có nhiều vụ báo thù khiến cho 10 người chết.

Ngoài ra, sự kiện chính quyền Mexico thừa nhận hôn nhân của các cặp đồng phái và cho phéo phá thai trong 12 tuần đầu cũng là những thách đố luân lý đối với Giáo Hội.

LinhTiến Khải – Vatican Radio

Ngày thứ ba chuyến ĐTC viếng thăm mục vụ Ecuador

Ngày thứ ba chuyến ĐTC viếng thăm mục vụ Ecuador

ĐTC giảng trong thánh lễ tại Công viên 200 Năm trong thủ đô Quito của Ecuador

** Ngày thứ ba mùng 7 tháng 7 ĐTC đã có 5 sinh hoạt. Lúc 9 giờ sáng giờ địa phương ĐTC đã gặp Hội Đồng Giám Mục tại Công viên 200 năm trong thủ đô Quito. Tiếp đến ngài đã chủ sự thánh lễ đồng tế cho giáo dân với các Giám Mục và Linh Mục. Vào lúc 16 giờ rưỡi chiều ngài đã gặp gỡ thế giới học đường và đại học  và lúc 18 giờ ĐTC đã gặp gỡ thế giới dân sự, rồi viếng thăm nhà thờ dòng Tên. Sau đây là bài tường thuật hai sinh hoạt sáng thứ ba.

Lúc 8 giờ sáng ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để đến Công viên 200 năm cách đó 11 cây số trong thủ đô Quitô. Công viên này đã được khánh thành ngày 27 tháng 4 năm 2013, tại phi trường cũ của thủ đô. Công viên rộng 125 héc ta cây xanh, và đã được gọi là “lá phổi” của thủ đô Quito. Trong số các cơ cấu cũng có một trung tâm, nơi tổ chức các biến cố đặc biệt như các đại nhạc hội và các biến cố tranh tài thể thao ngoài trời.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với 40 Giám Mục đã diễn ra trong một phòng ở tầng trệt của trung tâm. Sau lời chào của ĐC Fausto Gabriel Trávez Trávez, TGM Quito, Chủ tịch HĐGM Ecuador, ĐTC đã nói chuyện với các Giám Mục một cách thân tình, không hình thức và cũng không có diễn văn.

Lúc 10 giờ ĐTC đã lên xe díp đi một vòng dài 4 cây số chào tín hữu. Khu vực phi trường cũ, nơi trực thăng của Thánh Gioan Phaolô II đã đáp hồi năm 1985, có thể chứa tới 1,5 triệu người. Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ 30 và có đề tài là “rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc.”

Khán đài có cây thánh giá cao 25 mét được trang hoàng với 100.000 bông hồng mầu trắng và mầu vàng, trong khi bàn thờ được trang hoàng với hai bức khảm gồm 85.000 hoa hồng nhiều mầu, do các nông dân trồng hoa toàn nước dâng tặng ĐTC. Đảm trách phần thánh ca có một ca đoàn tổng hợp gần 1000 ca viên.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:

** Lời Chúa mời gọi chúng ta sống sự hiệp nhất để thế gian tin. Tôi tưởng tượng ra tiếng nói thì thầm của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly như một tiếng kêu, trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành tại Quảng trường 200 Năm này. Hai trăm năm của tiếng kêu độc lập của Mỹ châu nói tiếng Tây Ban Nha. Đó đã là một tiếng kêu nảy sinh từ ý thức về sự thiếu tự do, bị vắt cạn và cướp bóc, bị thống trị bởi các thích hợp tình cờ của các kẻ mạnh thay phiên nhau cai trị (Niềm Vui Phúc Âm, 213).

Tôi muốn rằng ngày hôm nay hai tiếng kêu đó hoà hợp với nhau trong dấu chỉ của thách đố đẹp của việc loan báo Tin Mừng. Không phải với các lời nói vang cao, hay với các từ phức tạp, nhưng với một sự hoà hợp nảy sinh từ « niềm vui của Tin Mừng », «tràn đầy con tim và cuộc sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho Ngài cứu rỗi được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự buồn sầu, khỏi sự trống rỗng  nội tâm, khỏi sự cô lập » (ibid., 1), khỏi ý thức bị lẻ loi. Chúng ta tụ tập nhau nơi đây, tất cả chung quanh bàn tiệc với Chúa Giêsu, chúng ta trở thành một tiếng kêu, một lời cầu nguyện nảy sinh từ xác tín rằng sự hiện diện của Ngài  thúc đẩy chúng ta tới sự hiệp nhất và « đánh dấu một chân trời xinh đẹp, cống hiến một bữa tiệc đáng ao ước » (ibid., 14)

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói : « Lạy Cha, ước chi chúng nên một để thế gian tin » (Ga 17,21) : như thế, khi nhìn trời Chúa Giêsu biểu lộ ước muốn của Người. Trong tim của Chúa Giêsu dấy lên lời xin này trong một bối cảnh của việc sai đi : « Như Cha đã sai con vào trần gian, con cũng sai họ vào trần gian » (Ga 17,18). Trong lúc này Chúa sống kinh nghiệm trong chính thịt xác Ngài cái tồi tệ nhất của thế giới này, mà Ngài yêu thương đến điên dại : các âm mưu, sự mất tin tưởng, sư phản bội, nhưng Ngài không lẩn trốn, không than van. Cả chúng ta mỗi ngày cũng nhận thấy rằng mình sống trong một thế giới bị xâu xé bởi chiến tranh và bạo lực. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau :

Sẽ là hời hợt, khi cho rằng sự chia rẽ và thù ghét chỉ liên quan tới các căng thẳng giữa các nước hay các nhóm xã hội. Thật ra, chúng là các biểu lộ của « cá nhân chủ nghĩa phổ biến », chia cách chúng ta và đặt để chúng ta trong thế chống đối nhau (x. Niềm vui Tin Mừng, 99), hoa trái vết thương của tôi lỗi trong trái tim con người, mà các hậu quả cũng đổ ập trên xã hội và tất cả thụ tạo. Chúa Giêsu gửi chúng ta tới với chính thế giới này, đang thách đố chúng ta với các ích kỷ của nó, và lời đáp trả của chúng ta không phải là giả bộ như không có gì, hay cho rằng chúng ta không có các phương tiện, hoặc thực tại vượt qúa sức lực của chúng ta. Câu trả lời của chúng ta vang vọng tiếng kêu của Chúa Giêsu và nhận lấy ơn thánh và nhiệm vụ của sự hiệp nhất.

** Không thiếu xác tín, cũng không thiếu sức mạnh cho tiếng kêu của tự do ùa nhập vào hơn 200 năm qua, nhưng lịch sử nói với chúng ta rằng nó chỉ định đoạt, khi nó bỏ ra một bên các khuynh hướng cá nhân, các khát vọng một quyền bính duy nhất, thiếu cảm thông đối với các tiến trình giải thoát khác, với các đặc tính khác nhau, nhưng không vì thế mà kình chống nhau.

Và việc rao truyền Tin Mừng có thể là một phương tiện của sự hiệp nhất các khát vọng, sư nhậy cảm, các giấc mơ và cả vài không tưởng nữa. Chắc chắn nó là điều có thể, và chúng ta tin và kêu lên. Tôi đã nói rằng: « Trong khi trên thế giới, tại một vài nước tái xuất hiện các hình thức chiến tranh và xung đột khác nhau, chúng ta kitô hữu, chúng ta nhấn mạnh trên đề nghị hiểu biết tha nhân, chữa lành các vết thương, xây các cây cầu, thắt chặt các tương quan và trợ giúp nhau vác các gánh nặng của nhau » (ibid., 67). Ước mong hiệp nhất giả thiết niềm vui êm dịu và củng cố của việc rao truyền Tin Mừng, xác tín có một thiện ích mênh mông cần thông truyền, và khi thông truyền nó đâm rễ ; và bất cứ ai đã sống kinh nghiệm này cũng chiếm hữu được một sự nhậy cảm cao hơn đối với các nhu cầu của người khác (x, ibid., 9). Từ đó nảy sinh ra sự cần thiết chiến đấu cho việc quy nạp trên mọi bình diện, chiến đấu cho việc quy nạp trên mọi bình diện, bằng cách tránh các ích kỷ, bằng cách thăng tiến sự hiệp thông và đối thoại, bằng cách thúc đẩy sự cộng tác. « Cần tín thác con tim cho người bạn đồng hành, không nghi ngờ, không tin tưởng… Tin tưởng nơi tha nhân là một cái gì có tính cách thủ công, hòa bình là thủ công » (ibid., 244). Thật không thể nghĩ rằng sự hiệp nhất rạng ngời, nếu tinh thần thế tục khiến chúng ta giao chiến với nhau, tìm kiếm quyền bính khô cằn, tìm kiếm uy tín hay an ninh kinh tế. Và làm điều này trên vai của những người nghèo nhất, bị loại trừ nhất, không đuợc bệnh đỡ nhất, của những người không đánh mất đi phẩm giá của họ, không chú ý tới sự kiện nó bị tấn kích mỗi ngày.

ĐTC nói thêm trong bài giảng : Sự hiệp nhất này đã là một hoạt dộng truyền giáo « để thế gian tin ». Truyền giáo không hệ nơi việc chiêu dụ tín đồ – chiêu dụ tín đồ là chế nhạo truyền giáo – nhưng hệ nơi việc thu hút những người ở xa với chứng tá của chúng ta, trong việc tới gần những người cảm thấy xa Thiên Chúa và Giáo Hội, tới gần những người cảm thấy họ bị phán đoán và kết án một cách tiên thiên bởi những người cảm thấy họ toàn thiện và trong trắng. Đến gần những người sợ hãi hay những người thờ ơ để nói với họ rằng : « Chúa cũng kêu mời bạn là thành phần của dân Ngài, và Ngài làm điều đó với lòng tôn trọng lớn lao và tình yêu thương » (ibid., 113). Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta tôn trọng chúng ta cả trong sự thấp hèn và tội lỗi của chúng ta. Lời mời gọi này của Chúa, văn bản sách Khải Huyền miêu tả với biết bao khiêm tốn và tôn trọng : « Con có thấy không ? Ta đứng  ngoài cửa và gọi ; nếu con muốn mở… ; Ngài không dùng sức mạnh, không bẻ khóa, mà chỉ bấm chuông, gõ cửa một cách nhẹ nhàng và chờ đợi. Đó là Thiên Chúa của chúng ta !.

** Sứ mệnh của Giáo Hội, như bí tích cứu độ, là trung thực với căn tính Dân đang bước đi, với ơn gọi sát nhập vào sự phát triển của mình tất cả mọi quốc gia trên trái đất.

Sự hiệp thông giữa chúng ta càng sâu đậm bao nhiêu, thì việc truyền giáo lại càng được thuận tiện bấy nhiêu (x. Gioan Phaolô II, Pastores gregis, 22). Đặt để Giáo Hội trong tình trạng truyền giáo đòi hỏi chúng ta tái tạo sự hiệp thông, như thế, đây không phải chỉ là một hành động hướng tới bên ngoài. Chúng ta cũng là các thừa sai hướng tới bên trong và hướng tới bên ngoài bằng cách biểu lộ mình như biểu lộ « một bà mẹ đi gặp gỡ, một mái nhà tiếp đón, một trường học thường xuyên của sự hiệp thông truyền giáo » (Tài liệu Aparecida, 370).

Giấc mơ đó của Chúa Giêsu có thể, bởi vì Ngài đã thánh hiến chúng ta : « vì họ con xin thánh hiến chính minh con, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật » (Ga 17,19). Cuộc sống tinh thần của người rao giảng Tin Mừng nảy sinh từ sự thật sâu xa ấy, mà không lẫn lộn với vài thời điểm tôn giáo cống hiến một vài nhẹ nhõm – một nền tu đức xem ra phổ biến –  Chúa Giêsu thánh hiến chúng ta để dấy lên một cuộc gặp gỡ với Ngài, giữa người với người, một cuộc gặp gỡ dưỡng nuôi cuộc gặp gỡ với các người khác, dấn thân trong thế giới, đam mê loan báo Tin Mừng (x. Niềm Vui Tin ừng, 78).

Sự thân tình của Thiên Chúa, không thể hiểu được đối với chúng ta, vén mở cho chúng ta thấy với các hình ảnh nói với chúng ta về sự hiệp nhất, hiệp thông, trao tặng, tình yêu. Vì thế sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu xin không phải là sự đồng nhất, mà là « sự hòa hợp da dạng lôi cuốn » (ibid., 117). ĐTC giải thích thêm điểm này như sau :

Cái phong phú mênh mông của sự khác biệt, cái đa dạng đạt sự hiệp nhất mỗi lần chúng ta tưởng niệm Ngày Thứ Năm Thánh, làm cho chúng ta xa rời các cám dỗ của các đề nghị duy toàn vẹn, giống các chế độ độc tài, các ý thức hệ hay các giáo phái. Đề nghị của Chúa Giêsu cụ thể, nó không phải là một ý tưởng,  nó cụ thể : « Hãy ra đi và cũng làm như thế » Ngài nói với người hỏi Ngài : « Ai là người thân cận của tôi ? », sau khi Ngài kể lại dụ ngôn người Samaritano nhân hậu : « Hãy ra đi và làm cùng điều đó ».

** Đề nghị của Chúa Giêsu cũng không phải là một sắp xếp vừa với tầm mức của chúng ta, trong đó chúng ta đặt ra các điều kiện, chúng ta lựa chọn các phe liên hệ, và loại trừ các người khác. Một thứ tôn giáo của những thành phần ưu tú… Chúa Giêsu cầu nguyện để chúng ta là thành phần của một gia đình, trong đó Thiên Chúa là Cha chúng ta và tất cả là anh em. Không có ai bị loại trừ, và điều này không tìm ra nền tảng trong việc có các khẩu vị giống nhau, có cùng các lo lắng, các tài khéo. Chúng ta là anh em với nhau, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta vì tình yêu, và đã định cho chúng ta là con cái Ngài, chỉ do sáng kiến của Ngài mà thôi (x. Ep 1,5). Chúng ta là anh em, bởi vì « Thiên  Chúa đã đổ vào lòng chúng ta Thần Khí của Con Ngài, kêu lên Abba, Cha ơi » (Gl 4.6). Chúng ta là anh em, bởi vì được máu Chúa Giêsu Kitô làm cho nên công chính (x. Rm 5,9), chúng ta đã từ cái chết bước vào sự sống bằng cách trở thành « những người đồng thừa tự » của lời hứa (x. Gl 3,26-29 ; Rm 8,17). Đó là ơn cứu độ mà Thiên Chúa thành toàn và Giáo Hội tươi vui loan báo : là thành phần của một « chúng ta » đưa lên cho tới « chúng ta » thiên linh.

Tiếng kêu của chúng ta, tại nơi này, nhắc lại tiếng kêu của sự tự do, thực hiện tiếng kêu của thánh Phaolô : « Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng » (1 Cr 9,16). Nó cấp bách và thôi thúc biết bao, như tiếng kêu tỏ lộ ước muốn độc lập. Nó có một sự hấp dẫn giống như thế, nó có cùng ngọn lửa lôi cuốn. Hỡi anh em, hãy có các tâm tình của Chúa Giêsu ! Hãy là một chứng tá của sự hiệp thông huynh đệ trở thành nền độc lập !

Và thật đẹp đẽ biết bao, nếu tất cả có thể khâm phục chúng ta vì biết lo lắng cho nhau chừng nào,  an ủi nhau và đồng hành với nhau chừng nào ! Việc trao ban chính mình đó là việc trao ban thiết lập tương quan liên bản vị. Nó không nảy sinh từ việc cho đi « các sự vật », nhưng cho đi chính mình. Trong bất cứ việc trao ban nào người ta cho đi chính mình. « Cho đi chính mình » có nghĩa là  để cho tất cả quyền năng tình yêu thương là Thần Khí của Thiên Chúa hành động trong chính mình và như thế rộng mở cho sức mạnh tạo dựng của Ngài. Và trao ban chính mình trong cả những lúc khó khăn nhất, như ngày Thứ Năm của Chúa Giêsu, trong đó Ngài đã biết các phản bội và các âm mưu được đan dệt thế nào, nhưng Ngài trao ban chính mình, trao ban chính mình cho chúng ta với dự án cứu độ của Ngài. Khi trao ban chính mình, con người lại găp gỡ mình với căn tính thực của mình là con của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa Cha và trong sự hiệp thông với Ngài, Đấng trao ban sự sống, là em của Chúa Giêsu, mà họ làm chứng tá. Đó là rao giảng Tin Mừng, đó là cuộc cách mạng của chúng ta, bởi vì đức tin của chúng ta luôn luôn cách mạng, đó là tiếng kêu sâu xa liên lỉ của chúng ta.

** Bài giảng của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay tán đồng của tín hữu.

Trước khi ĐTC ban phép lành cuối lễ ĐC Fausto Gabriel Trávez Trávez, TGM Quito, Giáo chủ Ecuador, kiêm Chủ tịch HĐGM Ecuador, đã nhiệt liệt cám ơn ĐTC. ĐC bầy tỏ lòng biết ơn và nói lên niềm vui lo lớn của mọi thành phần Giáo Hội và nhân dân nước này vì các lời khích lệ trao ban hy vọng của ĐTC. Nó thôi thúc mọi người dấn thân rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá cuộc sống mỗi ngày, và hiệp nhất với nhau trong nỗ lực thăng tiến xã hội và quê hương Ecuador. Mọi người sẽ nhớ mãi các giáo huấn của ĐTC cũng như đã nhớ mãi các lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

ĐTC đã ứng khẩu và nói : Anh chị em thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì buổi cử hành này, vì việc hiệp nhất chung quanh bàn thờ Chúa, là Đấng xin chúng ta là một, thật sự là anh em với nhau, xin Giáo Hội là một ngôi nhà huynh đệ. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Sau khi từ giã mọi người ĐTC đã đi xe về Tòa Sứ Thần Toà Thánh  để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trước khi gặp giới sinh viên học sinh và giới dân sự vào ban chiều. Chúng tôi sẽ tường thuật hai các sinh hoạt này trong buổi phát ngày mai.

Sáng thứ năm hôm nay ĐTC sẽ viếng thăm nhà dưỡng lão do các nữ tu thừa sai bác ái trong coi tại Tumbaco, ngoại ô thủ đô Quito. Sau đó ngài đến đền thánh Đức Bà Quinche để gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ và chủng sinh lúc 10 giờ 30, rồi ra phi trường lấy máy bay sang La Paz thủ đô Bolivia, chặng thứ hai chuyến công du mục vụ của ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tường thuật ngày thứ ba chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Sri Lanka (1/3)

Tường thuật ngày thứ ba chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Sri Lanka (1/3)

** Hôm qua thứ năm 15 tháng giêng là ngày chót trong chuyến viếng thăm Sri Lanka ĐTC Phanxicô đã chỉ có một sinh Hoạt chính là thăm Học viện văn hóa Biển Đức XVI tại Bolawalana, cách Colombo 35 cây số, trước khi từ giã Sri Lanka để lên đường sang Philippines. Tuy nhiên ngài cũng đã có một sinh hoạt ngoài chương trình, đó là thăm một ngôi chùa Phật giáo và gặp nguyên tổng thống Mahinda Rajapaksa.

Lúc 6 giờ rưỡi sáng ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần. Sau đó lúc 7 giờ 45 ĐTC đi xe đến Bolawalana. ĐTC đã được Linh Mục Mahamalage Quintus Fernando viện trưởng Học Viện Biển Đức XVI tiếp đón và tháp tùng vào nhà nguyện Học viện. ĐTC đã qùy cầu nguyện trong thinh lặng. Bên trong nhà nguyện cũng có 10 linh mục dòng Tên thuộc cộng đoàn gần Học viện, một ca đoàn và vài dân chài của vùng này. Bên ngoài nhà nguyện có 250 công nhân đã cộng tác trong việc xây cất Học viện. Nhà nguyện được dâng kính “Đức Bà Lanka”. Đền thánh Đức Bà Lanka tại Colombo có từ năm 1911 ban đầu dược dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức, năm 1917 có thêm một hang đá và là nơi thu hút tín hữu hành hương. Sau đó đền thánh được nới rộng và hồi Đệ nhị thế chiến bùng nổ ĐHY Jean Marie Masson thuộc dòng Hiến sinh vô nhiễm, TGM Colombo, khấn hứa dâng một đền thánh với tên “Đức Bà Lanka”, nếu Sri Lanka không bị chiến tranh tàn phá. Đền thánh được hoàn thành năm 1974 và được Đức Phaolô VI nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường trong ngày thánh hiến cùng năm.

Học viện Biển Đức XVI thành hình năm 2011 do sáng kiến của ĐHY Malcom Ranjith, TGM Colombo. Học viện có mục đích cộng tác với các giới chức chính quyền và các tổ chức khác trong việc tái thiết quốc gia sau ba mươi năm nội chiến. Học viện bao gồm một ban đối thoại liên tôn và cộng tác, một ban ngữ học chuyên dậy các thứ tiếng ngoại quốc bắt đầu bằng tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung của Sri Lanka, và một ban nghiên cứu các môn học cao đẳng gồm các khoa nhân văn, triết học, thần học, kinh tế, thương mại, tin học vv…

Sau khi thăm Học viện Biển Đức XVI lúc 8 giờ rưỡi ĐTC đã đi ra phi trường cách đó 8 cấy số để từ biệt Sri Lanka lấy máy bay sang Philippines.

ĐTC đã được tổng thống tân cử Sirisena tiếp đón trong phòng khách. Cùng hiện diện có một số giới chức lãnh đạo đạo đời, tất cả các Giám Mục Sri Lanka và một nhóm tín hữu. ĐTC và tổng thống đã duyệt hàng chào danh dự. ĐTC đã bắt tay từ biệt các vị lãnh đạo đạo đời. Tổng thống đã tiễn ĐTC tới tận chân thang máy bay.

** Chiếc máy bay Airbus 340 của hãng hàng không Sri Lanka đã cất cánh rời phi trường Colombo lúc 9 giờ sáng và trực chỉ Manila. Máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng bay ngang qua không phận các nước Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Campuchia và Việt Nam, trước khi tới Philippines.

ĐTC đã gửi điện tín chào tổng thống Maithripala Sirisena và quốc dân Sri Lanka. Ngài bầy tỏ lòng biết ơn sự tiếp đón nồng hậu của tổng thống, chính quyền và toàn dân Sri Lanka và bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình, hiệp nhất và thịnh vượng của Sri Lanka.

Khi máy bay bay trên không phận của Ấn Độ ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên trên tổng thống Pranab Mukherjee và nhân dân Ấn.

Qua không phận Thái Lan ĐTC gửi lời chào thăm quốc vương Bhumibol Adulayadej và bảo đảm cầu nguyện cho nhà vua và toàn dân Thái được tràn đầy ơn hòa bình và thịnh vượng của Thiên Chúa.

Khi bay trên không phận Campuchia ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên vua Norodom Sihamoni và quốc dân.

Khi máy bay ở trên bầu trời Việt Nam ĐTC đã gửi điện tín cho ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nưóc Cộng hòa xã hội Việt Nam. Ngài bảo đảm các lời cầu nguyện cho ông và toàn dân Việt Nam và khẩn nài Thiên Chúa ban ơn hòa bình và thịnh vượng trên mọi người.

** Sau 6 giờ 15 phút bay vượt chặng đường dài 4.567 cây số, chiếc Airbus 340 đã tới phi trường Villamor Manila lúc 17 giờ 45 giờ địa phương.

Bầu khí chờ đợi ĐTC tại Philippines rất là hân hoan. HĐGM đã ra thông cáo mời gọi đánh chuông 60.000 nhà thờ và hằng trăm ngàn nhà nguyện trên toàn nước để chào mừng ĐTC, khi ngài đến phi trường Manila. Đây là lần thứ tư một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm Philippines. Lần đầu tiên là Đức Phaolô VI hồi năm 1970 tức cách đây 45 năm, tiếp theo đó là Đức Gioan Phaolô II trong hai năm 1981 và 1995.

Đón tiếp ĐTC tại phi trường có ĐHY Luis Antonio Tagle TGM Manila, ĐC Socrates Villegas, TGM Lingayen-Dagupan, Chủ tịch HĐGM Philippines, ĐTGM Giuseppe Pinto, Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines, các Giám Mục thuộc ban Thường Vụ. Về phiá chính quyền có Tổng thống Benigno Simeon Aquino III, một số vị lãnh đạo dân sự. Cũng có mấy ngàn bạn trẻ vùa hát vừa múa chào mừng ĐTC. Bên canh đó là một ban vũ thiếu nhi mặc áo có cánh thiên thần và hàng chục ngàn tín hữu cầm cờ Toà Thánh và cờ Philippines vẫy chào ĐTC.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines và bà đại sứ Philippines cạnh Tòa Thánh đã lên máy bay chào ĐTC.

Tổng thống Aquino đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Sau khi ĐTC và tổng thống bước lên bục, ban quân nhạc đã trổi quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Phihlippines. Tiếp đến ĐTC và tổng thống duyệt hàng chào danh dự. Hai em bé một trai một gái đến tặng hoa cho ĐTC. Tổng thống giới thiệu với ĐTC một vài giới chức chính quyền. ĐTC đã chào các Giám Mục và ĐHY Tagle. Tiếp đó ĐTC đã lên xe díp trắng để vể Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 9 cây số. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ chỉ diễn ra sáng thứ sáu 16 tháng giêng, khi ĐTC đến viếng thăm xã giao tổng thống.

Hai bên đường từ phi trường về Toà Sứ Thần cách đó 9 cây số cũng đầy tín hữu đúng hai bên đường chào đón ĐTC. Xe đã tới Tòa Sứ Thần 45 phút sau đó. ĐTC đã dùng bữa tối và nghỉ ngơi lấy sức cho các sinh hoạt tiếp theo.

** Manila là thủ đô của Philippines từ năm 1591, nằm trên bờ biển phía đông đảo Luzon, là đảo lớn nhất của quần đảo Philippines gồm hơn 7,100 đảo. Cấu trúc thành phố có từ thời Tây Ban Nha đô hộ với các bức tường của thành cổ có pháo đài gọi là Intramuros. Manila hiện có 1,5 triệu dân cư và là trung tâm của một vùng thành phố khác là Metro Manila bao gồm 17 thành phố chung quanh có tổng cộng 12 triệu dân. Ở mạn nam Intramuros là công viên Rizal, nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu ngày 18 tháng hai. Manila có nhiều nơi phụng tự công giáo trong đó có nhà thờ chính toà nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ và tiểu vương cung thánh đường Thánh Sebastian kiểu gô tích hoàn toàn bằng thép. Manila cũng có khoảng 30 đại học, học viện và viện cao học bách khoa, kỹ thuật, nổi tiếng nhất là Đại học giáo hoàng thánh Toma, nơi ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo và giới trẻ Philippines.

Tổng giáo phận Manila có từ năm 1595, có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người công giáo, tức chiếm 88%. Giáo phận có 88 giáo xứ, 260 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo, 271 linh mục giáo phận, 369 linh mục dòng, 529 tu huynh, 899 nữ tu khấn trọn, 89 đại chủng sinh và 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo Hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.

Sáng thứ sáu hôm nay ĐTC được chính thức tiếp đón tại Dinh Tổng thống Malacanhăng, gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn, rồi lúc 11 giờ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Manila. Vào ban chiều ngài gặp gỡ các gia đình tại tòa nhà thể thao “Mall of Asia Arena”.

Để kết thúc bài theo gót ĐTC sau đây là bài phỏng vấn ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle, TGM Manila dành cho phái viên Sean Lovett của chương trình tiếng Anh đài Vaticăng, về bầu khí chờ đợi ĐTC, kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI và bầu khí chờ đợi ĐTC Phanxicô.

Hỏi: Thưa ĐHY, tình hình Philippines hiện nay ra sao?

Đáp: Philippines vừa mới lấy lại sức sau trận bão vừa qua. Trong lúc này đây tôi vẫn còn nhớ như in các hình ảnh tàn phá: cây cối trụi hết không còn một lá nào, tuy nhiên các đường xá được quét dọn sạch sẽ và lề đường được lót lại để chuẩn bị tiếp đón ĐTC…

Hồi Đức Phaolô VI viếng thăm Philippines dân chúng đã rất hăng say tiếp đón ngài như là một ơn từ trời, Đức Phaolô VI đã muốn đến thăm các gia đình nghèo của quận Tondo ỏ Manila, nổi tiếng là một trong những vùng nghèo nhất của thành phố. Người dân tại đây vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm ấy của Đức Phaolô VI. Khi tôi tới thăm giáo xứ nhân một dịp lễ cha sở và tín hữu tại đây đã chỉ cho tôi thấy căn nhà nơi Đức Phaolô VI đã thăm. Còn có các kỷ niệm các hình ảnh và các hiệu quả của chuyến viếng thăm cách đây 45 năm đó.

Hỏi: Có tương quan giữa hai chuyến viếng thăm của hai vị Giáo Hoàng không, vì có đề tài về lòng thương xót và đối thoại…

Đáp: Vâng, có tương quan giữa hai cuộc viếng thăm. Chúng ta phải nhớ tới các người mà Đức Phaolô VI đến gặp gỡ hồi năm 1970, là các Giám Mục Á châu tụ tập về để gặp ĐGH. Và chính trong dịp này tại Manila với sự khích lệ của Đức Phaolô VI Liên Hội Đồng Gám Mục Á châu đã chào đời. Đức Phaolô VI cũng đã khánh thành đài phát thanh Chân Lý Á châu để có thể loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu qua Radio. Trong một nghĩa nào đó, chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI đã như là tiếp nhận Công Đồng Chung Vaticăng II tại Á châu, với hình ảnh của ĐTC mời gọi chúng tôi đối thoại và tài liệu Giáo Hội Người. Thế rồi bốn năm sau tại Đài Loan năm 1974 đã có đại hội đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu về đề tài rao giảng Tin Mừng tại Á châu. Theo Đức Phaolô VI việc rao truyền Tin Mừng phải xảy ra qua đối thoại. Như thế các biến cố có liên hệ với nhau.

Hỏi: Không có nhiều người nối liền Đức Phaolô VI với Đức Phanxicô. ĐHY có làm điều này không?

Đáp: Ồ, có chứ. Tôi có làm điều đó. Khi có người nói một cách tích cực cũng như một cách tiêu cực rằng “ĐTC Phanxicô đang làm một cuộc cách mạng, đang đối thoại, đang ôm hôn người nghèo”, thì tôi nói là đã thấy nơi Đức Phaolô VI rồi trong lộ trình của ngài và trong con người của ngài. Trực giác này, quan niệm này mà ĐTC Phanxicô xem ra đang lấy lại và tái đề nghị, tôi đã sống như là chứng nhân trong các nghiên cứu và cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Phaolô VI tại Philippines. Các cử chỉ biểu tượng của Đức Phaolô VI xem ra đã mở đường cho Đức Phanxicô.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói là ngài mang theo một sứ điệp cảm thương đến cho người nghèo, cho các nạn nhân của bão lụt và động đất, và xin đừng chi phí nhiều cho các việc chuẩn bị đón tiếp, có đúng thế không thưa ĐHY?

Dáp: Vâng, đây là dấu vết các chuyến viếng thăm của ngài. Bên Nam Hàn cũng thế ĐTC sẽ không hài lòng thấy các chuẩn bị lộ liễu. Cả bàn thờ dâng thánh lễ cũng phải đơn sơ, là dấu chỉ của vị Giáo Hoàng này, của sự đơn sơ của ngài.

Hỏi: Người dân Philippines rất quảng đại trong việc diễn tả lòng trìu mến của họ Có khó kìm hãm họ không thưa ĐHY?

Đáp: Trong một kiểu nào đó thì khó kìm hãm họ. Nhưng chúng tôi đã không chỉ làm cho dân chúng hiểu các ước muốn của ĐTC, mà cũng hiểu các dấu chỉ thời đại nữa. Chúng tôi không muốn dấy lên gương mù gương xấu. Tất cả mọi người đều có thể tìm một cớ để dành cho ngài một sự tiếp đón sang trọng, vì có gì đi nữa thì ngài cũng là Giáo Hoàng, Nhưng chúng tôi phải ý thức đối với biết bao nhiêu người mà chúng tôi phải tiếp đón hằng ngày giữa chúng tôi: những người nghèo và đói. Vì thế tất cả tiền tiết kiệm được cho chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ được dùng để trợ giúp người nghèo. Và ĐTC đã rất rõ ràng trong việc này.

Hỏi: Thế giới đã chú ý rất nhiều đến Philippines sau trận bão Haiyan và Hagupit, nhưng ĐHY đã thường nói đến các trân bão thường ngày ập đổ trên Philipines…

Đáp: Vâng chúng tôi thường có các trận bão, trung bình khoảng 20 tới 22 trận bão mỗi năm. Chúng tôi cũng thường có động đất ở các mức độ khác nhau. Chúng khiến cho thế giới chú ý vì sức tàn phá rộng rãi của chúng. Nhưng, như tôi đã nói trong nhiều dịp, chúng ta không được quên các trận bão hằng ngày, các trận động đất hằng ngày do nghèo đói, gian tham hối lộ, các thoả hiệp thương mại sỗ sàng và các thực hành không liêm chính gây ra cho người dân. Cả khi mặt trời rạng rỡ, bóng tối lan tràn trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục tôi đã nhắc tới những người trong các nhóm bé nhỏ, đối với chúng tôi bên Á châu, sự nghèo túng không phải là một cái gì ngoại tại đối với gia đình. Nó ghi đậm dấu trên cuộc sống, trên tế bào gia đình. Khi tôi thăm một nhà tiếp đón các trẻ em và người trẻ lang thang ngoài đường ban đêm, tôi mới nhận ra rằng cha mẹ các em khoan nhượng với tất cả những điều đó, bởi vì họ hy vọng rằng các nhân viên của chính quyền có thể tiếp đón con cái họ và nuôi dạy chúng trong các nhà tiếp đón. Họ không phải là các cha mẹ lơ là với con cái của họ, nhưng họ là các cha mẹ qúa nghèo không có gì cho con ăn cả, và họ nói với con cái họ: “Sao con không đi ra ngoài và khi cảnh sát đem con vào nhà tiếp đón, tại sao con không đi với họ? Con sẽ có được an ninh ban đêm. Cho đêm nay con có một mái nhà và thức ăn”.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói rằng ngài muốn chuyến viếng thăm không tập trung nơi ngài, nhưng tập trung nơi Chúa Giêsu và nơi gương mặt của những người nghèo. ĐTC có đưa ra các chỉ dẫn nào khác không thưa ĐHY?

Đáp: Ngài không muốn mất thởi giờ trong những chuyện có thể làm cho ngài chia trí đối với trọng tâm sứ mệnh của ngài là gặp gỡ người nghèo và lắng nghe họ. Trong chuyến viếng thăm của ĐTC có nhiều người hỏi: “Chúng con có thể gặp ĐGH một phút không? Có thể dâng tặng cho ngài cái này cái kia không?” Tất cả đều rất đẹp. Nhưng nếu chỉ có ba ngày thăm viếng, thì cần phải lựa chọn. Và cũng cần tiết kiệm sức lực cho ĐTC nữa. Các chuyến bay dài, việc thay đổi khí hậu, thay đổi múi giờ, thay đổi thực phẩm vv… có thể khiến cho một người 78 tuổi kiệt lực. Cần phải sử dụng các sức lực ấy cho sứ mệnh của ngài. Vì thế chúng tôi đang giúp ĐTC tập trung vào các cuộc gặp gỡ của ngài với các gia đình và với giới trẻ tại Manila. Trong các cuộc gặp gỡ này ngài cũng sẽ lắng nghe các chuyện của các gia đình gặp khó khăn, các gia đình đã là nạn nhân của nhiều trận bão lụt, cũng như lắng nghe các khó khăn của giới trẻ. Như tôi đã nói, có một loại bão xảy ra không phải chỉ tại một nơi, nhưng tại khắp nơi. ĐTC sẽ lắng nghe họ, và không phải chỉ có ngài sẽ ban lời an ủi cho họ, mà ngài cũng được củng cố bởi chính đức tin của các người đáng thương này nữa.

Hỏi: Như là TGM Manila, đâu là thách đố lớn nhất của ĐHY trong việc tổ chức một biến c phức tạp như chuyến viếng thăm này của ĐTC?

Đáp: Chúng tôi đã thành lập một nhóm hỗn hợp gồm các người của chính quyền, của lãnh vực kinh tế và của Giáo Hội. Và ủy ban này đã là một kết qủa chuyến viếng thăm của ĐGH rồi: vị chủ chăn hoàn vũ tạo ra ý thức về gia đình. Và tôi rất hạnh phúc. Tôi chắc chắn rằng cả sau chuyến viếng thăm này nữa ý thức của sự hiệp thông, của sự cộng tác tất cả cùng nhau sẽ tiếp tục. Tôi muốn duy trì sự hợp tác này.

Hỏi: ĐHY nghĩ chuyến viếng thăm này của ĐTC có đặc tính nào?

Đáp: Một cuộc gặp gỡ với nhiều đau khổ. Nhưng sứ điệp Kitô không kết thúc với khổ đau, vì luôn luôn có một sự Phục Sinh. Và tôi hy vọng rằng ĐTC sẽ trông thấy điều này giữa những người đã đau khổ và tiếp tục đau khổ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Từ Câu Chuyện “Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua”

Chuyện kể rằng: Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước vừa rời bến cảng Barcelona, một thành phố ở Tây Ban Nha, để đi đến hải cảng Genoa (thuộc Ý Đại Lợi). Trên tàu có đủ loại hành khách bao gồm người Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Trong đám đó có một cậu bé đơn độc khoảng 11 tuổi, phục sức nghèo nàn. Biết phận mình, cậu bé luôn tách biệt khỏi đám đông. Như một con thú hoang, cậu đăm đăm nhìn mọi người với ánh mắt u sầu. Cậu có lý do chính đáng để biện minh cho lối nhìn mọi người đầy nghiêm khắc đó. Cách đây hai năm, cha mẹ cậu, hai người nông dân ở vùng lân cận thành Padua của nước Ý, vì quá nghèo nên đã vô tình bán cậu cho một bọn người lừa bịp. Sau khi bỏ đói và thực hiện những màn đấm đá dã man, bọn này đã dạy và buộc cậu làm trò để kiếm tiền. Rồi họ mang cậu đi khắp nước Pháp và Tây Ban Nha để biểu diễn. Cậu luôn bị bọn chúng đánh đập và không cho ăn uống đầy đủ. Khi bọn họ đưa cậu đến Barcelona, cậu đã bỏ trốn vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa sự hành hạ nhẫn tâm và những cơn đói triền miên đã làm cậu vô cùng khốn khổ.

CauBeYeuNuocThanhPadua

Xem: Từ Câu Chuyện "Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua"

Tường thuật ngày thứ ba chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Tường thuật ngày thứ ba chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Sáng Chúa Nhật 30 tháng 11 hôm qua Đức Thánh Cha đã chỉ có ba sinh hoạt :đó là cuộc gặp gỡ Đại Rabbi Thổ Nhĩ Kỳ Isak Hadeva, tham dự Thánh lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, Bổn Mạng Giáo Hội Chính Thống, trong nhà thờ thánh Giorgio của Tòa Thượng Phụ Costantinopoli và gặp gỡ các bạn trẻ di cư trong vườn tru sở đại diện Tòa Thánh. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng tại trụ sở đại diện Tòa Thánh tại Istanbul. Sau đó lúc 9 giờ Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đại Rabbi Thổ Nhĩ Kỳ Isak Hadeva. Đại Rabbi Hadeva đã được bầu làm ”Hashambashi” vào tháng 12 năm 2002. Tước hiệu ”Hahambashi” gồm từ Thổ ”thủ lãnh” và từ do thái ”khôn ngoan”. Biến cố người Do thái sang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ thời tòa án dị giáo bên Tây Ban Nha năm 1492. Vào đầu thế kỷ XIX người số người Do thái tại Thổ Nhĩ Kỳ được 100 ngàn. Nhưng với các cuộc di cư sang Mỹ và sang Israel con số này giảm sút rất nhiều. Hiện nay cộng đoàn do thái tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bao gồm 25 ngàn người và là cộng đoàn do thái lớn thứ hai trong một nước hồi giáo, sau cộng đoàn do thái bên Iran. Đa số tín hữu do thái sống tại Istanbul, nhưng cũng có một số sống tại Izmir. Đại Rabbi Isak Hadeva đã gặp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong trụ sở Tòa Thánh ở Istanbul hồi năm 2006.

Sau khi tiếp vị đại Rabbi Isak Hadeva Đức Thánh Cha đi xe tới Tòa Thượng Phụ Đại Kết nằm cách đó 5 cây số để tham dự thánh lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ, Bổn Mạng Giáo Hội Chính thống Costantinopoli, do Đức Thượng Phụ Bartolomaios I chủ sử trong nhà thờ thánh Giorgio.

Nhà thờ thánh Giorgio tọa lạc ngay bên cạnh Tòa Thượng Phụ đã có từ năm 1720 nhưng không có mái tròn, theo lệnh của nhà nước Thổ kể từ năm 1453 khi thành phố bị đế quốc Ottoman đánh chiếm, vì chỉ có các đền thờ hồi giáo mới có quyền có các tháp theo truyền thống hồi. Nhà thờ có giá trị nghệ thuật tông giáo rất lớn. Ngai của Đức Thượng Phụ được chạm trổ bằng ngà thuộc thời Bisantin sau này. Nhà thờ cất giữ một số thánh tích của vài thánh nữ được tôn kình nhất trong thành Costantinopoli cổ xưa như thánh Eufemia vùng Calcedonia. Nhà thờ cũng cất giữ một phần xương các thánh Gregorio Thần học gia và thánh Gioan Kim Khẩu, được giao trả cho Đức Thượng Phụ Bartolomaios I ngày 27 tháng 11 năm 2004.

Phụng vụ kính thánh Anrê Tông Đồ đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng. Phụng vụ giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống Giáo Hội chính thống, vì nó diễn tả thần học. Chính nhờ thần học trong phụng vụ mà Giáo Hội chính thống sống còn và duy trì được căn tính của mình giữa bao nghịch cảnh lịch sử, như dưới thời đế quốc Ottoman kéo dài từ năm 1453 cho tới năm 1921. Phụng vụ thánh bisantin chung cho tất cả mọi Giáo Hội theo truyền thống bisantin, chính thống cũng như công giáo của Hy lạp, và vùng Trung Đông, Đông Âu và Nam Italia. Cũng giống như việc cử hành của các Giáo Hội Đông Phương, việc cử hành Phụng Vụ Bisantin hướng về phía Đông, là phía mặt trời mọc, biểu tượng cho Chúa Kitô. Vị linh mục chủ tế và tín hữu hướng về phía Đông, nơi một ngày kia Chúa Kitô sẽ tới trong vinh quang của Người. Thánh phụng vụ bissantin gồm ba phần: việc chuẩn bị của linh mục, bánh rượu; phụng vụ của các Tân tòng tức phụng vụ Lời Chúa, và phụng vụ của các tín hữu.

Đức Thánh Cha đã được Đức Thượng Phụ Bartolomaios I tiếp đón và đưa vào bên trong nhà thờ. Bài đọc một trích từ thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô chương 4 câu 9 tới 16 đề cập tới các gian nan khốn khó và khổ đau mà thánh Phaolô và các cộng sự viên của mgài phải chịu vì Đức Kitô. Phúc Âm là trình thuật chương 1 thánh Gioan kể lại ơn gọi của Gioan và Anrê. Anrê giới thiệu anh mình là Phêrô với Chúa Giêsu. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Hy lap.

Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh. Vào cuối buổi cử hành phụng vụ Đức Thượng Phụ đã đọc diễn văn bằng tiếng Hy Lạp. Ngài nói:Thưa Người Anh em rất thánh và rất yêu mến trong Chúa Kitô, Phanxicô, Giám Mục của Roma Cổ Xưa. Chúng tôi vinh danh và chúc tụng Thiên chúa Ba Ngôi đã khiến cho chúng tôi có được niềm vui vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha năm nay trong dịp lễ kính nhớ Thánh Anrê Tông Đồ, Vị Đầu Tiên Được Gọi, Người thành lập Giáo Hội chúng tôi. Với tình yêu sâu xa và vinh dự lớn lao chúng tôi ôm hôn Đức Thánh Cha và trao ban nụ hôn của hòa bình và tình yêu: ”Ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng Ngài” (Rm 1,7). ”Thật thế, tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cr 14-15).

Đức Thượng Phụ đã nhắc tới cuộc gặp gỡ của hai người mới đậy tại Giêrsuralem, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ của Đức Athenagoras và Đức Gioan Phaolô VI tại Thánh Địa. Chính nhờ cuộc gặp gỡ ấy mà dòng lịch sử đã đôi hướng, các con đường song song, và đôi khi đối nghịch nhau, của các Giáo Hội chúng ta đã gặp nhau trong ước mơ chung tìm lại sự hiệp nhất đã đánh mất, tình yêu nguội lạnh đã được thắp sáng lên và ý chí làm tất cả những gì có thể để sự hiệp thông trong đức tin và Chén Thánh chung được tái mạnh mẽ. Từ đó mở ra con đường tiến về Emmaus, dài và đôi khi cam go, có Chúa vô hình đồng hành và tự mạc khải cho chúng ta ”trong việc bẻ bánh” (Lc 24,25). Tất cả các người kế vị các vị hướng đạo được linh hứng đó đã đi trên con đường này, bằng cách thành lập, chúc lành và nâng đỡ cuộc đối thoại của tình yêu và sự thật giữa các Giáo Hội chúng ta, nhằm cất đi các chướng ngại chồng chất suốt một ngàn năm trong các tương quan giữa chúng ta, cuộc đối thoại giữa các anh em, chứ không phải một thời giữa các đối thủ, với sự chân thành, bằng cách phân phát lời chân lý, nhưng cũng tôn trong nhau như anh em.

Tiếp đến Đức Thượng Phụ nhắc tới truyền thống tốt lành đã có từ nhiều thập niên qua: đó là sự kiện hai Giáo Hội gửi các phái đoàn tham dự lễ Bổn Mạng của nhau tại Costantinopoli và Roma. Niềm tin chung nơi Đức Giêsu Kitô Cứu Thế đã được sống bởi các Nghị Phụ của hai Giáo Hội, tụ họp lại từ đông phương và tây phương trong các Công Đồng Chung, để lại như gia tài cho các Giáo Hội của chúng ta như là nền tảng không thể sụp đổ của sự hiệp nhất. Niềm tin mà chớng ta đã cùng nhau duy trì bên đông phương và bện tây phương đó trong một ngàn năm, chúng ta lại tái được mời gọi đặt làm nền tảng của sự hiệp nhất. Với thánh PhaolÔ chúng ta hãy vượt qua ”bằng cách quên đi những gì ở đàng sau và hướng tới những gì ở phía trước” (Pl 3,14)… Bởi vì sư trung thành của chúng ta với qúa khứ có ích gì, nếu nó không có nghĩa gì đối với tương lai? Khoe khoang những gì chúng ta đã nhận lãnh có ích gì, nếu tất cả những điều đó không được thể hiện ra trong cuộc sống đối với con người và thế giới ngày nay và ngày mai? ”Chúa Kitô vẫn luôn là một, hôm qua hộm nay và như vậy mãi mãi đến muốn đời” (Dt 13,8-9) Và Giáo Hội của Người đươc mời gọi có cái nhìn không phải hướng tới hôm qua, nhưng hướng tới hôm nay và ngày mai. Giáo Hội hiện hữu cho thế giới và con người chứ không phải cho chính mình. Nhưng khi nhìn vào hôm nay chúng ta không thể không lo âu cho ngày mai. ”Các trận chiến từ bên ngoài, lo sợ ở bên trong” (2 Cr 7,6). Nhận xét của Tông Đồ Phaolô cũng hoàn toàn có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Bởi vì trong suốt thời gian chúng ta dấn thân trong các cuộc tranh cãi, thế giới sống nỗi sợ hãi sống còn và âu lo cho ngày mai. Làm sao nhân loại ngày nay bị xâu xé bởi các chia rẽ, xung đột và thù nghịch, đôi khi nhân danh Thiên Chúa, có thể sống sòn? Sự giầu có của trái đất sẽ được phân chia cách đồng đều ra sao để ngay mai nhân loại không sống kiếp nô lệ tồi tệ hơn? Các thế hệ mai sau sẽ tìm thấy hành tinh nào để ở, khi con người thời nay tham lam tàn phá nó không thương tiếc, và không thể sửa chữa được? Nhiều người ngày nay đăt hy vọng nơi khoa học. Những người khác hy vọng nơi chính trị, người khác nữa hy vọng nơi kỹ htuật. Nhưng không có ai có thể bảo đảm cho tương lai, nếu con ngưới khộng tiếp nhận sứ điệp của sự hòa giải, của tình yêu thương và của công lý, sứ điệp chấp nhận tha nhân, chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận cả kẻ thù nữa. Giáo Hội Chúa Kitô là người đầu tiên đã giảng dậy gà sống sứ điệp đó có bổn phận áp dụng trước hết cho chính mình ”để thế giới tin” (Ga 17,12). Chính vì thế thôi thúc hơn bao giờ hết con đường tiến về hiệp nhất giữa những người kêu cầu danh của Đấng Vĩ Đại tạo dựng hòa bình. Chính vì thế trách nhiệm của kitô hữu chúng ta lớn hơn trước mặt Thiên Chúa, con người và Lịch sử.

Tiếp tục bài diễn văn Đức Thượng Phụ ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô, tuy mới được bầu làm Thủ Lãnh Giáo Hội Roma nhưng đã giảng dậy với các diễn văn, nhưng nhất là với sự đơn sơ, khiếm tốn và tình yêu đối với mọi người. Ngài linh hứng sư tin cậy nơi những kẻ nghi ngờ, niềm hy vọng cho những kẻ thất vọng, sự chờ mong nơi những người trông đợi một Giáo Hội yêu thương tất cả mọi người. Và ngài cống hiến cho các anh em Chính thống niềm hy vọng trong thời ngài sự xích lại gần nhau giữa hai Giáo Hội cổ xưa sẽ tiếp tục được xây dựng trên các nền tảng vững chắc của truyền thống chung, đã luôn luôn tôn trong và thừa nhận trong thân mình Giáo Hội một quyền tối thượng của tình yêu, danh dự và phục vụ, trong khung cảnh của tính thượng hội đồng giám mục, để ”cùng một miệng và môt tim duy nhất” tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi và đổ đầy tình yêu của Người trên thế giới.

Kính thưa Đức Thánh Cha, hôm nay Giáo Hội Costantinopoli tiếp đón Ngài với tình yêu và danh dự, cũng như với sự thừa nhận sâu xa rằng mình mang trên vai một trách nhiệm đối vời hiện tại và tương lai. Với trách nhiệm đó chúng tôi đang cấp bách làm việc để chuẩn bị chu đáo cho Thánh Đại Công Nghị của Giáo Hội Chính Thống vào năm 2016. Chúng tôi xin lời cầu nguyện của Ngài cho sự thành công của nó. Rất tiếc sự bẻ gẫy ngàn năm hiệp thông thánh thể giữa các Giáo Hội chúng ta chưa cho phép việc triệu tập một Công Đồng Đại Kết, chúng ta hãy cầu nguyện để một khi sự hiệp thông trọn vẹn được tái lập, ngày trọng đại và quan trọng ấy không chậm đến. Cho tới nay chúng ta mới chỉ tham dự vào cuộc sống công nghị của nhau bằng cách gửi các quan sát viên, và chúng tôi cũng hy vọng có phái đoàn của Giáo Hội Công giáo tham dự Thánh Đại Công Nghị sắp tới của chúng tôi. Các vấn đề mà lịch sử dấy lên trước các Giáo Hội bắt buộc chúng ta phải thắng vượt cuộc tranh cãi và cộng tác với nhau chặt chẽ chừng nào có thể để đương đầu với chúng. Sự hiệp nhất mà chúng ta cổ võ đã đươc hiện thực trong vài miền qua sự tử đạo. Vì thế chúng ta hãy cùng nhau giơ tay ra cho con người thời đại, bàn tay của một Đấng duy nhất có thể cứu nó qua Thập Giá và sự sống Lại của Người.

Đáp lới Đức Thượng Phụ Bartolomaios Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires ngài đã nhiều lần tham dự lễ nghi phụng vụ của cộng đoàn chính thống, nhưng buổi cử hành kính thánh Anrê Tông Đồ, Người đầu tiên trong những kẻ đươc kêu gọi và là em của thánh Phêrô, Bổn Mạng Tòa Thượng Phụ Đại Kết trong nhà thờ thánh Giorgio là một ơn đặc biệt Chúa ban. Gặp gỡ nhau, nhìn vào mặt nhau, trao đổi vòng tay ôm hôn bình an, cầu nguyện cho nhau là các chiều kích nòng cốt của con đường tiến tới chỗ tái lập sự hiệp thông trọn vẹn mà chúng ta đang hướng tới. Tất cả những điều đó đồng hành với cuộc đối thoại thần học. Một cuộc gặp gỡ đích thật luôn luôn là một cuộc gặp gỡ giữa các bản vị con người với một tên gọi, một gương mặt một lịch sử, chứ không phải chỉ là một đối chiếu các tư tưởng. điều này đặc biệt đúng đối với các kitô hữu, vì đối với chúng ta chân lý là con người của Đức Giêsu Kitô. Gương của thánh Anrê Tông Đồ, cùng với một môn đệ khác tiếp nhận lời Thấy Chí Thánh mời gọi: ”Hãy đến và xem” và ”ngày hôm đó họ ở lại với Người” (Ga 1,39) cho chúng ta thấy rõ ràng là cuộc sống và việc loan báo kitô là một kinh nghiệm bản thân, một cuộc gặp gỡ biến đổi với Đấng yêu thương chúng ta và muốn cứu rỗi chúng ta. Tông Đồ Anrê đã găp anh mình là Phêrô báo cho ông biết mình đã gặp Đấng Cứu Thế và dẫn ông tới với Chúa Giêsu. Cuộc đối thoại giữa các kitô hữu cũng không thể tránh cái luận lý của cuộc gặp gỡ cá nhân đó.
Không phải vô tình mà con đường hòa giải và hòa bình giữa các tín hữu công giáo và chính thống đã được khai mào bởi một vòng tay ôm hôn giữa các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng ta là Đức Athenagoras và Đức Phaolô VI tại Giêrusalem cách đây 50 năm. Đức Thánh Cha cũng nhắc tới kỷ niệm 50 năm công bố Đức lệnh của Công Đồng Chung Vaticăng II về hiệp nhất ”Unitatis redintegratio”, mở ra một con đường mới cho cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và các anh em của các Giáo Hội và cộng đoàn kitô khác.
Với Sắc lệnh này Giáo Hội công giáo thừa nhận rằng các Giáo hội chính thống ”có các bí tích đích thật và nhất là nhờ sức mạnh của việc kế vị các Tông Đồ, Chức Linh Mục và bí tích Thánh Thể, qua đó vẫn còn hiệp nhất với chúng ta bởi các mối dây chặt chẽ” (UR 15). Tài liệu khẳng định rằng để trung thành giữ gìn truyền thống kitô tràn đầy và hoàn thành sự hòa giải giữa các tín hữu kitô đông phương và tây phương thật là rất quan trọng duy trì và nâng đỡ gia tài vô cùng phong phú của các Giáo Hội Đông Phương, không phải chỉ đối với các truyền thống phụng vụ và tinh thần, mà cả các luật lệ giáo hội đã được các nghị phụ các Công Đồng phê chuẩn để quy định cuộc sống của các Giáo Hội đó (UR 15-16).

Tiếp tục bài phát biểu Đức Thánh Cha nhấn mạnh viêc tôn trọng nguyên tắc này như điều kiện chính yếu và song phương nhằm tái lập sự hiệp thông trọn vẹn. Nó không có nghĩa là người này quy phục người khác, cũng không phải là sự thu hút, nhưng là tiếp nhận mọi ơn mà Thiên Chúa đã ban cho từng người để biểu lộ cho toàn thế giới mầu nhiệm cứu độ lớn lao mà Chúa Kitô đã thực hiện qua Chúa Thánh Thần. Và Đức Thánh Cha khẳng định như sau:

Tôi muốn bảo đảm với từng người trong anh em rằng, để đạt tới đích ước mong của sự hiệp nhất trọn vẹn, Giáo Hội công giáo không có ý áp đặt bất cứ đòi hỏi nào, nếu không phải lá đòi hỏi tuyên xưng đức tin chung, và rằng chúng tôi sẵn sàng, dưới ánh sáng giáo huấn của Thánh Kinh và kinh nghiệm của ngàn năm thứ nhất, cùng nhau tìm kiếm các mô thức, qua đó bảo đảm sự hiệp nhất cần thiết của Giáo Hội trong các hoàn cảnh hiện nay: điều duy nhất mà Giáo Hội công giáo ước mong và tôi tìm kiếm như là Giám Mục Roma, là ”Giáo Hội chủ sự trong tình bác ái”, đó là sự hiệp thông với các Giáo Hội chính thống. sự hiệp thông này đã luôn luôn là hoa trái của tình yêu thương, tình yêu thương huynh đệ diễn tả mối dây tinh thần và siêu việt hiệp nhất chúng ta như các môn đệ của Chúa. Tiềp đến Đức Thánh Cha đề cập đến các vấn đề của thế giới đòi hỏi các kitô hữu phải có câu trả lời chung. Trước tiên là tiếng kêu của dân nghèo. Trong thế giới ngày nay có qúa nhiều người sau khổ vì thiếu dinh dưỡng trầm trọng, vì nạn thất nghiệp gia tăng, vì số phần trăm người trẻ không có công ăn việc làm cao, vì hiện tượng gạt bỏ bên lề xã hội gia tăng, có thể dẩn đưa tới nạn tội phạm và cả việc tuyển chọn các người khủng bố. Người trẻ không chỉ xin chúng ta trợ giúp vật chất cần thiết trong biết bao nhiêu hoàn cảnh, nhưng nhất là họ xin chúng ta giúp họ bảo vệ phẩm giá là người của họ, làm sao để họ có thể tìm lại được nghị lực tinh thần để đứng dậy và tài trở thành các tác nhân lịch sử của họ. Ngoài ra họ còn xin chúng ta chiến đấu, dưới ánh sáng Tin Mừng, chống lại các lý do cơ cấu gây ra cảnh nghèo túng: sự bất bình đẳng, thiếu nột việc làm xứng đáng, thiều đất canh tác, thiếu nhà ở, sự khước từ các quyền xã hội và công ăn việc làm. Như là kitô hữu chúng ta đựợc mời gọi cùng nhau đánh bại sự toàn cầu hóa thờ ơ, ngày nay xem ra đang thống trị, và xây dựng một nền văn minh tình thương và liên đới mới.

Tiếng kêu thứ hai là của nạn nhân các vụ xung đột trong biết bao nhiểu phần đầt của thế giới này. Tiếng kêu này chúng ta nghe vang lên rất rõ từ đây, vì vài quốc gia lân cận đang phải sống trong một cuộc chiến tàn khốc và vô nhân. Quấy phá hòa bình của một dân tộc, phạm tội bạo hành hay cho phép mọi loại bạo lực, đặc biệt chống lai các người yếu đuối không được bênh đỡ, là một tội rất trầm trọng chống lại Thiên Chúa, vì nó có nghĩa là không tôn trọng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Tiếng kêu của các nạn nhân chiến tranh thúc đẩy tín hữu công giáo va chính thống tiến bước nhanh trên con đường hòa giải và hiệp thông.

Tiếng kêu thứ ba là tiếng kệu của giới trẻ. Rất tiếc ngày nay có biết bao người trẻ sống không hy vọng, thất bại vì không tin tưởng và chịu trận. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa thống trị, chỉ tìm niềm vui trong chiếm hữu của cải vật chất và thỏa mãn các xúc cảm nhất thời. Các thế hệ mới sẽ không bao giờ chiếm hữu được sự khôn ngoan đích thực và duy trì sống động niềm hy vọng, nếu chúng ta không có khả năng đánh giá và thông truyền cho họ một nền nhân bản đích thực, vọt lên Tin Mừng và kinh nghiệm ngàn đời của Giáo Hội. Chính các người trẻ – và tôi nghĩ tới đông đảo các bạn trẻ chính thống, công giáo và tin lành tham dự các cuộc hội họp quốc tế do cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức – họ xin chúng ta tiến bước tới sự hiệp thông trọn vẹn. Và như thế không phải là họ không biết các khác biệt còn chia rẽ chúng ta, nhưng bởi vì họ biết nhìn xa hơn, họ có khả năng tiếp nhận điều nòng cốt đã hiệp nhất chúng ta. Chúng ta đã ở trên đường tiến về sự hiệp thông trọn vẹn và có thể sống các dấu chỉ hùng hồn pua một sự hiệp nhất thực sự… Và chúng ta chắc chắn rằng dọc dài con đường này chúng ta được nâng đỡ bởi sư bầu cử của Tông Đồ anrê và anh Người là Phêrô, được truyền thống coi là các người thành lập các Giáo Hội Costantinopoli và Roma. Chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa ban cho ơn lớn lao của sự hiệp nhất trọn vẹn và đừng quên Cầu nguyện cho nhau.

Tiếp đến Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đã lên bao lơn Tòa Thượng Phụ và ban phép lanh cho tín hữu. Đức Thánh Cha ban phép lành bằng tiếng Latinh, Đửc Thương Phụ ban phép lành bằng tiếng Hy lạp. Rồi hai vị hôn nhau và nắm lấy tay nhau giơ lên chào tín hữu.

Hai vi đã ký vào tuyên ngôn chung khẳng định ước muốn tiếp tục cùng nhau tiến bước để vượt thắng các chướng ngại còn chia rẽ hai Giáo Hội, cũng cố các nỗ lực thăng tiến sự hiệp nhất giữa mọi kitô hữu, nhất là giữa các tín hữu công giáo và chính thống; ủng hộ cuộc đối thoai thần học của ủy ban quốc tế do Đức Dimitrios và Đức Gioan Phaolô II thành lập cách đây 35 năm tại Fanar. Ủy ban đang thảo luận các vấn đề khó khăn nhất chia rẽ hai Giáo Hội cần được chú ý đào sâu.

Hai vi cũng bầy tỏ lo âu đối với tình hình tại Irak, Siria và toàn vùng Trung Đông, ước mong hòa bình và ổn định cũng như muốn thăng tiến giải pháp cho các xung đột qua sự đối thoại và hòa giải. Hai vị kêu gọi tất cả các giới hữu trách đối với số phận của các dân tộc gia tăng dấn thân hoạt động để cho những người khổ đau, gồm cả các tín hữu kitô, được ở lại trong quê hương của họ. Không thể chấp nhận một Trung Đông không có các kitô hữu đã tuyên xưng danh Chúa Giêsu trong hai ngàn năm qua. Xem ra người ta đã đánh mất đi giá trị của sự sống con người, và con người không còn quan trọng bị sát tế cho các lợi lộc khác, trước sự thờ ơ của nhiều người. Một chi thể khổ đau thì toàn thân mình khổ đau. đó là luật của cuộc sống kitô, vì cũng có sự đại kết trong khổ đau nữa. Máu các vi tử đạo là hạt giống của sức mạnh và sự phong phú của Giáo Hội, việc chia sẻ các khổ đau thường ngày cũng là một dụng cụ hữu hiệu của sự hiệp nhất. Tình hình khủng khiếp của vùng Trung Đông đòi buộc lời cầu nguyện và sự dấn thân của cộng đoàn quốc tế, cũng như tình liên đới của tất cả mọi người thiện chí. Tuyên ngôn cũng thừa nhận tầm quan trong của việc thăng tiến đối thoại với Hồi giáo, dựa trên sự tôn trọng và tình bạn. Tín hữu kitô và hồi giáo được mời gọi cùng nhau hoạt động cho công lý, hòa bình, tôn trộng phẩm giá và các quyền của mỗi người, đặc biệt tại các vùng ho đã chung sống hòa bình trong bao nhiêu thế kỷ qua và giờ đây chịu đau khổ vì các lầm lạc của chiến tranh. Tuyên ngôn mời gọi tất cả mọi vị lãnh đạo tôn giáo tiếp tục củng cố cuộc đối thoai liên tôn, và làm mọi sự có thể để xây dựng một nến văn hóa hòa bình và liên đới giữa mọi người và mọi dân tộc. Các vị đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina và kêu gọi các phe lâm chiến tìm đối thoại và tÔn trọng công pháp quốc tế, để chấm dứt xung khắc và cho nhân dân Ucraina được sống trong hòa hợp. Sau cùng hai vị phó thác tín hữu của mọi Giáo Hôi trên toàn thế giới cho Chúa Kitộ Cứu Thế, để họ là các chứng nhân không mỏi mệt của tình yêu Ngài, và nâng lời cầu xin Thiên Chúa ban ơn an bình, trong tình yêu và sự hiệp nhất cho toàn gia đình nhân loại.

Đức Thánh Cha và vài thành viên đoàn tùy tùng đã cùng với Đức Thượng Phụ dùng bữa trưa trên lầu ba. Sau đó ngài trở về trụ sở đại diện Tòa Thánh nghỉ ngơi chốc lát. Lúc 16 giờ chiều ngài chào 50 học sinh tỵ nạn của trung tâm Salesien trong vườn của trụ sở. Các em thuộc nhiều nước vùng Trung Đông cũng như Thỗ Nhĩ Kỳ và Phi châu, đại diện cho 600 em do các tu sĩ Don Bosco trông coi.

Đức Thánh Cha nói ngài biết các khổ đau và thiếu thốn mà các người ty nạn như các em phải chịu. Các em không chỉ mất mát vật chất, mà cả sự tư do, phải xa cách gia đình, mất đi môi trường cuộc sống và các truyền thống văn hóa và phải sống trong các điều kiện không thể chịu đựng nổi. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp giải quyết các cuộc xung đột, và nhắc nhở cho các vị lãnh đạo chính tri biết rằng đa số dân của họ ước mong hòa bình, cả khi họ không còn sức và tiếng để nói lên diếu đó. Ngài đánh giá cao các tổ chức bắc ái nhân đạo, trong đó có các tổ chức công giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ, và chính quyền Thổ đã quảng đại tiếp đón và trợ giúp người ty nạn Siri và Irak. Giáo Hội công giáo, qua các tu sĩ Salesien, cũng tìm cách trơ giúp và lo lắng cho việc giáu dục đào tạo người tỵ nạn khắp nơi trên thế giới.

Lúc 16 giờ 15 giờ Đức Thánh Cha đã rời trụ sở đại diên Tòa Thánh để ra phi trường lấy máy bay về Roma. Tiễn chân Đức Thánh Cha có các giới chức chinh quyền đia phương, Đức Thượng Phụ Bartolomaios và các Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay đã cát cánh lúc 17 giờ và Đức Thánh Cha đã về tới phi trường Caimpino sau 2 giờ 40 phút bay, kết thúc ba ngày viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha tiến hành 2 bổ nhiệm quan trọng tại Tây Ban Nha

VATICAN. Hôm 28-8-2014, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Antonio Canizares Llovera, cho đến nay là Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, làm tân TGM giáo phận Valencia là giáo phận nguyên quán của ngài.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Antonio Maria Rouco, 78 tuổi, TGM giáo phận thủ đô Madrid, đồng thời bổ nhiệm người kế vị là Đức TGM Carlos Osoro Sierra, cho đến nay là TGM giáo phận Valencia.

ĐHY Antonio Canizares Llovera, tân TGM giáo phận Valencia, sinh tại Valencia cách đây 69 năm (1945), nguyên là giáo sư thần học huấn giáo ở Đại học Salamanca, và được bổ nhiệm làm GM giáo phận Avila năm 1992, 4 năm sau đó ngài thăng TGM giáo phận Granada, và 6 năm sau làm TGM giáo phận Toledo là giáo phận cổ kính nhất tại Tây Ban Nha, rồi được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2006. Năm 2008, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích.

Trang thông tin Vatican Insider, trích thuật những nguồn tin ở Vatican, cho biết ĐHY Canizares đã nhiều lần xin ĐTC Phanxicô cho trở về Tây Ban Nha coi sóc giáo phận.

Đức Cha Carlos Osoro Sierra, tân TGM giáo phận thủ đô Madrid, năm nay cũng 69 tuổi (1945) thuộc giáo phận Santander. Năm 1996, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Orense, và 6 năm sau thăng TGM giáo phận Oviedo, nhưng chỉ 4 năm sau, 2009, ngài được thuyên chuyển về Valencia. Giáo phận này hiện có 3 triệu 51 ngàn tín hữu Công Giáo, trong khi Tổng giáo phận Madrid có 3 triệu 615 ngàn tín hữu Công Giáo. Đức TGM Osoro hiện là Phó Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha. Giới báo chí cũng gọi ngài là ”Đức Phanxicô Tây Ban Nha” vì ngài rất phù hợp với lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô mong một Giáo Hội ”đi ra ngoài”. (SD 28-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

TRÊN 280 LUẬT GIA TÂY BAN NHA KÝ TÊN VÀO TUYÊN NGÔN YÊU CẦU BẢO VỆ QUYỀN CỦA THAI NHI

TRÊN 280 LUẬT GIA TÂY BAN NHA KÝ TÊN VÀO TUYÊN NGÔN YÊU CẦU BẢO VỆ QUYỀN CỦA THAI NHI

MADRID: Trong những ngày vừa qua trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên ủng hộ một tuyên ngôn kêu gọi bảo về quyền căn bản của các thai nhi.

Tuyên ngôn nói trên đã được đề ra trong khuôn khổ các giới hàn lâm tại Madrid và Barcelona và rồi truyền đi qua mạng Internet. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, đã có trên 270 luật gia tên tuổi ký tên ủng hộ. Trong số này, có trên 100 giáo sư thuộc 39 đại học Tây Ban Nha, cùng với nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và nhiều nhân vật nổi bật trong ngành lập pháp và hành pháp. Các luật gia này yêu cầu chú trọng đến việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền căn bản của sự sống con người ngay cả trong giai đoạn tiên khởi của nó, khi còn ở trong lòng mẹ. Tuyên ngôn nói trên, theo các luật gia, là cơ hội duy nhất để xã hội có thể tiến triển trên lãnh vực luân lý và xã hội, nhìn nhận toàn bộ quyền pháp nhân của các phôi thai và bảo vệ cho phụ nữ trước khi mang thai.

Các luật gia ký tên ủng hộ tuyên ngôn này minh xác quyền của phôi thai được bảo vệ sự sống, hoàn toàn tách biệt ra khỏi phạm vi quyền của người mẹ. Họ xác tín rằng phá thai không phải là quyền của phụ nữ theo tinh thần hiến chương quốc gia và hiến pháp của tòa án châu Âu về quyền con người. Chính quyền phải đề ra những chính sách bảo vệ thai nghén nhất là đối với những phụ nữ mang thai và khẳng định rằng quy chế cho phép phá thai phải tôn trọng quyền phản kháng vì lương tâm của các nhân viên y tế trong lãnh vực này. (SD 22-7-2014)

Mai Anh – Vatican Radio

BẢNG ĐỨC KẾT CỦA HIỆP HỘI THIỆN NGUYỆN TÂY BAN NHA MANOS UNIDAS, NHỮNG BÀN TAY KẾT HIỆP

BẢNG ĐỨC KẾT CỦA HIỆP HỘI THIỆN NGUYỆN TÂY BAN NHA MANOS UNIDAS, NHỮNG BÀN TAY KẾT HIỆP

MADRID: Ngày 21-7 vừa qua, hiệp hội thiện nguyện công giáo Tây Ban Nha có tên gọi là ”Manos Unidas” ”Những bàn tay hiệp nhất”, đã công bố báo cáo tổng kết những hoạt động trong năm vừa qua và khẳng định rằng nạn nhân chính và đầu tiên của nạn nghèo đói và chậm phát triển bao giờ cũng là giới phụ nữ.

Hiệp hội Những bàn tay hiệp nhất trực thuộc Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha chuyên về những hoạt động cứu trợ và thăng tiến phát triển các nước nghèo vùng Nam bán cầu. Năm ngoái, hiệp hội đã dành 37 triệu euro để thực hiện các chương trình phát triển ở những nơi nghèo nhất trái đất, trong đó có chương trình ủng hộ chiến dịch ”Không thể có công lý mà không có công bình”.

Bà Soledad Suárez, chủ tịch Những bàn tay hiệp nhất, giải thích: Đây là một chương trình cảnh giác ý thức xã hội về vấn đề bình quyền. Nữ giới là những người bị thiệt hại nhiều nhất vì nạn nghèo đói, thiếu dinh dưỡng và mù chữ. Trong nhiều nền văn hóa, họ không được tự do đi lại, không thể tự quyết định điều gì, và thường là nạn nhân bạo hành tính dục cũng như thể lý hay tâm lý. Chỉ cần nghĩ đến hiện tượng phá thai chọn lựa, các vụ giết trẻ gái và sự kiện 70% tổng số nạn nhân các dịch vụ buôn người là các thiếu nữ hay phụ nữ trẻ. Hiệp hội Những bàn tay hiệp nhất tiếp tục tố giác những tệ nạn này và ủng hộ những chương trình hành động nhằm bảo vệ phẩm giá nữ giới, ngăn ngừa và đồng hành với phụ nữ trong những hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực, thăng tiến sự hiện diện trong xã hội và sự phát triển của nữ giới như bản vị con người.

Giới chức lãnh đạo hiệp hội cũng cho biết thêm là ngân khoản quyên góp của hội trong năm ngoái đã giảm 8.9%, phần lớn là vì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nhờ sự đóng góp và ủng hộ nhiệt thành vô điều kiện của các thành viên, hiệp hội vẫn bảo trợ được hơn 600 chương trình trợ giúp phát triển trong 57 quốc gia tại Phi, Mỹ và Á châu, nhắm thực hiện lời kêu mời của ĐTC Phanxicô là giúp “tất cả các dân tộc tiến tới chỗ trở thành người tự mình gây dựng cơ đồ cho mình”. (SD 21-7-2014)

Mai Anh – Vatican Radio

Chuẩn bị lễ Phong Thánh cho 2 Đức Giáo Hoàng 27-4-2014

Chuẩn bị lễ Phong Thánh cho 2 Đức Giáo Hoàng 27-4-2014

ROMA. Chính quyền và các giới chức hữu trách tại thành phố Roma đã đề ra những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị lễ phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào ngày Chúa Nhật 27-4 tới đây.

Hôm 1 tháng 4-2014, đô trưởng Roma, bác sĩ Ignazio Marino, cùng các quan chức khác của thành phố, đã mở cuộc họp báo để trình bày kế hoạch và các biện pháp như:

– Cấm xe di chuyển trên đại lộ Fori Imperiali từ hý trường Colosseo tới Quảng trường Venezia. Đường này chỉ dành cho người đi bộ mà thôi, từ 7 giờ chiều thứ sáu Tuần Thánh 18-4 đến hết ngày 4-5 tới đây. 3 màn hình khổng lồ sẽ được bố trí tại đây để các tín hữu và du khách để có thể theo dõi buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC Phanxicô cử hành tối thứ sáu Tuần Thánh và lễ Phong thánh 9 ngày sau đó, 27-4.

– Từ ngày 26 đến 28-4, sở vệ sinh thành phố sẽ đặt hơn 1 ngàn nhà vệ sinh hóa học gần Vatican, dọc theo đại lộ Fori Imperiali và các địa điểm khác có đông người tụ tập.

– Cả hai đường xe điện ngầm A và B của thành phố sẽ hoạt động không ngừng từ sáng sớm ngày 26-4 đến sau nửa đêm thứ hai 28-4. Đường xe bus số 64 nối liền nhà ga trung ương Termini đến Vatican cũng sẽ hoạt động 24 tiếng đồng hồ vào cuối tuần lễ phong thánh: 26 và 27-4. Ngoài ra có các xe bus con thoi chở khách từ các bãi đậu xe bus đến Vatican. Chính quyền chỉ cấp giấy phép cho 4,326 xe bus (pullman) tức là khoảng 216 ngàn người, được vào trong thành phố Roma. Trong những ngày 25, 26,27-4-2014 chỉ những xe pullman với giấy phép G (Grande Evento, Biến Cố Lớn) mới được vào thành phố, và phí tổn xin giấy phép này là 50 Euro.

– Có 2,630 người thiện nguyện thuộc sở bảo vệ dân chúng sẽ được bố trí trong hai ngày 26 và 27-4 để giúp kiểm soát các đám đông.

– 4 triệu chai nước sẽ được phân phát miễn phí cho các khách hành hương trong ngày 27-4.

– 4 ngàn cảnh sát lưu thông sẽ làm việc vào cuối tuần lễ Phong thánh, và 6,400 cảnh sát thành phố sẽ luân phiên nhau làm việc theo ca từ 13 đến 28-4, từ là từ tuần thánh đến lễ Phục Sinh và lễ phong thánh.

– Các bệnh xá ”dã chiến” sẽ được thiết lập gần Vatican, cùng với 13 trạm cứu cấp, do 81 toán cứu thương đảm trách; 106 xe cứu thương sẽ ở trong tình trạng ứng trực. Thành phố cũng dựng 5 lều ”các bà mẹ” để săn sóc và thay tã cho các hài nhi.

– Các du khách và tín hữu có thể mua thẻ ”Roma pass 48 hours), một thẻ giá 28 Euro giá trị trong 2 ngày, để di chuyển vô giới hạn trên xe metro, bus và tram, cũng như vào các viện bảo tàng, các khu vực khảo cổ,v.v.
– Mặt khác, ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC cho biết đã phân phát hết 700 vé cho các linh mục cho rước lễ trong lễ Phong thánh sáng ngày 27-4, và 5 ngàn vé cho các giáo sĩ tại khu vực riêng ở Quảng trường thánh Phêrô trong đại lễ này đã được phân phát hết. Các giáo dân không cần vé để vào dự lễ.

– Ngoài đại lộ Fori Imperiali, một số nơi khác cũng được bố trí màn hình khổng lồ như đường Hòa Giải, Quảng trường Nhân Dân (Piazza del Popolo) và Quảng trường Phục Hưng (Piazza di Risorgimento) gần Vatican để các tín hữu có thể tham dự lễ phong thánh.

– Từ 21 giờ tối thứ bẩy 26-4-2014 là đêm thức trắng: nhiều nhà thờ ở trung tâm Roma mở cửa để các tín hữu cầu nguyện và xưng tội. Tại 11 thánh đường có linh hoạt phụng vụ bằng các thứ tiếng: Ban lan, Ý, Anh, Tây Ban Nha và Pháp.

– Để các tín hữu có thể theo dõi đại biến cố phong thánh, một Website chính thức được thiết lập: www.2papisanti.org và bằng 5 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan.

– Trong những ngày tới, có thể tải Application miễn phí tựa đề ”Santo Subito” dạng Android cũng như IOS (bằng các thứ tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan), qua đó có cung cấp những thông tin về việc tổ chức và tin tức về việc phong thánh cũng như tải các tài liệu dự kiến cho lễ phong thánh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Raio

Đức Thánh Cha khuyến khích đối thoại Kitô và Hồi giáo ở Liban

Thánh Cha khuyến khích đối thoại Kitô và Hồi giáo ở Liban

VATICAN. ĐTC Phanxicô ”khuyến khích các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Liban, cùng nhau hoạt động cho hòa bình và công ích, góp phần phát triển toàn diện con người và xây dựng xã hội”.

Lập trường trên đây của ĐTC được bày tỏ trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC, gửi đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ cầu nguyện Kitô giáo và Hồi giáo lần thứ 8 tại Nhà thờ Đức Mẹ Jamhour, do Hội Ái hữu các cựu Học viên Đại học thánh Giuse và Đại Học Đức bà Jambour tổ chức, nhân dịp lễ Đức Mẹ Truyền Tin là lễ nghỉ toàn quốc tại Liban từ 4 năm nay (2010).

Cuộc gặp gỡ được nhiều đài truyền hình ở Liban trực tiếp trình chiếu. Cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng tham dự và liên tiếng trong cuộc gặp gỡ. Ngài nhấn mạnh rằng ”đối thoại hệ tại nói và nghe, cho đi và nhận lãnh, để làm cho nhau được phát triển và phong phú.. Đối thoại dựa trên việc làm chứng đức tin của mình và cởi mở đối với tôn giáo của người khác”.

Còn Đức TGM Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa Thánh đã đọc sứ điệp của ĐTC với chữ ký của ĐHY Parolin.

ĐHY Quốc vụ khanh cho biết ”ĐTC vui mừng vì được thấy lòng sùng kính chung của các tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo đối với Đức Mẹ Maria. Đền thánh Đức Mẹ Liban ở Harissa là nơi được chúc phúc, mà mọi người có thể đến cầu khẩn Đức Mẹ. ĐTC Phanxicô nhác lại lời ĐGH Gioan Phaolô 2, trong cuộc viếng thăm Liban hồi tháng 5 năm 1997, đã phó thác cho Đức Mẹ dân tộc Liban có truyền thống cổ kính nhưng luôn trẻ trung. Ngài xin Đức Trinh nữ cho dân tộc này luôn xứng đáng là người thừa kế lịch sử oai hùng của mình và hăng say xây dựng tương lai trong tinh thần đối thoại với tất cả mọi người, tôn trọng các nhóm khác nhau và hòa hợp huynh đệ.” (SD 25-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cha Fernández Artime, Tân Bề Trên Tổng quyền dòng Don Bosco

Cha Fernández Artime, Tân Bề Trên Tổng quyền dòng Don Bosco

ROMA. Cha Ángel Fernández Artime, Bề trên tỉnh dòng Argentina, đã được bầu làm tân Bề trên Tổng quyền dòng Salésien Don Bosco. Ngài là người kế vị thứ 10 của thánh sáng lập dòng.

Cha Fernández Artime đã được tổng tu nghị thứ 27 của dòng bầu lên sáng ngày 25-3-2014, ngay trong vòng bỏ hiếu đầu tiên. Cha năm nay 53 tuổi, sinh ngày 21-8 năm 1960 tại Gozón-Luanco, miền Asturias Tây Ban Nha, thụ phong linh mục năm 1987 tại thành phố Léon, rồi đặc trách việc mục vụ giới trẻ, giám đốc trường học Ourense. Cha đậu tiến sĩ thần học mục vụ, cử nhân triết học và sư phạm.

Năm 2009, cha được bổ nhiệm làm Bề trên tỉnh dòng Don Bosco nam Argentina. Trong nhiệm vụ này, đã đã quen biết và đích thân cộng tác với ĐHY Jorge Maria Bergolio, TGM Buenos Aires, nay là ĐGH Phanxicô.

Ngày 23-12 năm 2013, cha Fernández Artime được chỉ định làm Bề trên tỉnh dòng Nam Tây Ban Nha, nhưng hiển nhiên cha không thể thi hành nhiệm vụ này vì nay được bầu làm Bề trên tổng quyền của dòng. Cha kế nhiệm cha Pascual Chávez Villanueva, người Mexico, mãn 2 nhiệm kỳ tổng cộng 12 năm cai quản dòng.

Tổng tu nghị thứ 27 của dòng Salésien Don Bosco đã khai diễn hôm 22-2-2014 tại Torino và rồi tiến hành tại Roma với chủ đề ”Chứng nhân về đặc tính triệt để (radicalità) của Tin Mừng”.

Trong số 220 đại biểu và khách mời thuộc 58 quốc tịch có 3 đại biểu của tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam.

Dòng Salésien Don Bosco hiện có hơn 15,570 tu sĩ, nếu kể cả Đại gia đình của dòng thì có hơn 440 ngàn người gồm các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân hiện diện tại 130 nước trên thế giới. (SD 25-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 85 Giám Mục Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha tiếp kiến 85 Giám Mục Tây Ban Nha

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 3-3-2014, dành cho 85 GM Tây Ban Nha, ĐTC Phanxicô khích lệ các vị đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng trong xã hội tại đây ngày càng dng dưng đối với tôn giáo.

Các GM thuộc 70 giáo phận tại Tây Ban nha chia thành 2 đoàn v Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đ và thăm Tòa Thánh từ ngày 24-2 đến 8-3-2014. Trong buổi tiếp kiến chung 2 đoàn, ĐTC nhận xét rằng anh em đang trải qua kinh nghiệm cam go về sự dửng dưng của nhiều tín hữu đã chịu phép rửa và anh em còn phải đương đầu với một nền văn hóa tc hóa, đóng khung Thiên Chúa trong đời sống riêng tư và loại bỏ Ngài ra khỏi lãnh vực công cộng. ĐTC nói: ”Điều cần là đừng quên lịch sử của anh em. Từ đó chúng ta học biết rằng ơn thánh của Chúa không bao giờ tàn lụi và Chúa Thánh Linh tiếp tục hoạt động quảng đại trong thực tại ngày nay”.

Từ tiền đ đó, ĐTC khích l các GM Tây Ban Nha đừng từ nan nỗ lực nào để mở ra những con đường mới cho Tin Mừng, đi tới tâm hồn mỗi ngưi, để họ khám phá vị đã tiềm ẩn trong đó là Chúa Kitô người bạn và người anh”.

ĐTC nhắn nhủ các GM Tây Ban Nha tăng cường sự cộng tác với các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đồng thời đặt Giáo Hội trong tình trạng truyền giáo trường kỳ, để kêu gọi những ngưi đã xa lìa Giáo Hội, củng cố đức tin, nhất là nơi người trẻ. Đ được vậy, cần quan tâm đến tiến trình khai tâm Kitô giáo. Đức tin không phải chỉ là một gia sản văn hóa mà thôi, nhưng còn là một món quà, một hồng ân nảy sinh từ cuộc gặp bản thân với Chúa Giêsu và vui mừng đón nhận sự sống mới ngài Chúa ban tặng chúng ta.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC cổ võ các GM Tây Ban Nha khơi dy và làm cho đức tin của các tín hữu đưc sinh động, chuẩn bị hôn nhân kỹng và tháp tùng các gia đình. Ngài nói: ”Một gia đình được loan báo Tin Mừng là một tác nhân vững mạnh để truyền giảng Tin Mừng, nhất là chiếu tỏa những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện nơi họ. Ngoài ra, vì là một môi trường tự nhiên của sự quảng đi, nên gia đình sẽ cổ võ sự nảy sinh ơn gọi theo Chúa trong chức linh mục và đời sống thánh hiến”.

ĐTC cũng đề cao các hoạt động của Giáo Hội tại Tây Ban Nha phục vụ người nghèo. Trong những năm gn đây, Caritas Tây Ban Nha và nhiu cơ quan từ thiện bác ái khác đã đáng được sự biết ơn của nhiều người, dù là tín hữu hay ngưi không có tín ngưỡng.

Tây Ban Nha rộng gần 506 ngàn cây số vuông với hơn 46 triu dân cư, trong s đó trên 92% là tín hu Công Giáo, nhưng với số người nhập cư gia tăng, con số các tín hữu Hồi giáo tại nưc này cũng tăng theo. (SD 3-3-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi 414 gia đình thuộc Con đường Tân Dự Tòng đi truyền giáo tại nhiều nước trên thế giới.

Nghi thức trao Thánh Giá truyền giáo đã diễn ra trong buổi tiếp kiến của ĐTC sáng ngày 1-2-2014 tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Con đường này là một phương pháp do Ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernander người Tây Ban Nha, đề xướng hồi năm 1967 tại khu ngoại ô thủ đô Madrid, nhắm giúp các tín hữu tái khám phá ơn gọi của bí tích rửa tội qua hành trình tân dự tòng.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC có 11 Hồng Y và hơn 50 GM các nước, những người khởi xướng và các vị trách nhiệm Con đường Tân Dự Tòng, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai ”Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Mater) thuộc Con đường này ở các nơi trên thế giới, các LM đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện, các toán giáo lý viên lưu động quốc tế và các vị trách nhiệm các cộng đoàn đầu tiên ở Tây Ban Nha và Italia.

Đặc biệt có 414 gia đình được ĐTC sai đi truyền giáo, trong đó có 174 gia đình sẽ thuộc 40 cứ điểm mới truyền giáo cho dân ngoại, như ở Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Mông Cổ, Đông Âu và Bắc Âu, thêm vào số 52 cứ điểm đã hiện hữu. Trong buổi tiếp kiến còn có 900 người con của tất cả các gia đình hiện diện. Ngoài ra cũng có hơn 100 gia đình đã đi truyền giáo ở nhiều nơi trên thế giới.

Phần lớn các gia đình được ĐTC sai đi hôm 1-2-2014 là người Tây Ban Nha và Italia. Mỗi cứ điểm truyền giáo gồm 4 gia đình, một LM và 1 phụ tá tháp tùng, thường là một giáo dân hoặc một chủng sinh, một nữ tu cao niên và 3 chị trẻ cộng tác vào sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhiệt liệt cám ơn niềm vui đức tin cũng như lòng nhiệt thành làm chứng tá Kitô của các thành viên Con đường Tân Dự Tòng, đồng thời ngài nhắn nhủ họ 3 điều:

– Thứ I là hết sức quan tâm kiến tạo và bảo tồn tình hiệp thông trong các Giáo Hội địa phương nơi họ đến hoạt động. Con đường có đoàn sủng và sức năng động riêng. Điều này có nghĩa là đặt mình lắng nghe đời sống của các Giáo Hội nơi anh chị em được các vị phụ trách gửi tới, đề cao giá trị những điều phong phú của địa phương, nếu cần thì chịu đau khổ vì những yếu đuối của họ, đồng hành như một đoàn chiên duy nhất dưới sự lãnh đạo của các vị Mục Tử của Giáo Hội địa phương.

– Thứ hai là đặc biệt chú ý đến bối cảnh văn hóa nơi các gia đình anh chị em đi tới hoạt động. Đây là những môi trường nhiều khi rất khác biệt với môi trường xuất xứ của anh chị em.. Điều rất quan trọng là cố gắng học các nền văn hóa anh chị em gặp, biết nhận ra nhu cầu Tin Mừng hiện diện ở mọi nơi, và cả hoạt động mà Chúa Thánh Linh đã thực hiện trong đời sống và lịch sử của mỗi dân tộc.

– Thứ ba là hãy chăm sóc nhau với tình yêu thương, đặc biệt là những người yếu thế nhất. Con đường Tân Dự Tòng, trong tư cách là một hành trình khám phá bí tích rửa tội của mình, là một con đường nhiều đòi hỏi, trên đó một anh chị em có thể gặp những khó khăn bất ngờ. Trong những trường hợp ấy, sự thực thi lòng kiên nhẫn và lòng từ bi từ phía cộng đoàn chính là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin. Không thể cưỡng bách tự do của mỗi người, và phải tôn trọng các sự chọn lựa của người quyết định tìm kiếm bên ngoài Con đường Tân Dự Tòng, những hình thức khác của đời sống Kitô giúp họ tăng trưởng trong việc đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Con đường Tân Dự Tòng hiện nay có mặt ở 124 quốc gia 5 châu, thuộc 1,479 giáo phận với 20,432 cộng đoàn hiện diện trong 6,272 giáo xứ. Con đường này cũng có 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với 2.300 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục; 1.880 linh mục giáo phận đã xuất thân từ các đại chủng viện đó, hơn 1 ngàn gia đình đang thi hành sứ vụ truyền giáo tại 93 quốc gia và 92 cứ điểm truyền giáo cho dân ngoại (SD 1-2-2014)

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Mục tiêu và chương trình cử hành Năm về Đời Sống thánh hiến

Mục tiêu và chương trình cử hành Năm về Đời Sống thánh hiến

VATICAN. Năm về Đời sống thánh hiến, do ĐTC Phanxicô đề xướng, sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm nay, 2014, và kết thúc vào tháng 11 năm tới, 2015.

Thông báo này được phổ biến trong cuộc họp báo sáng ngày 31-1-2014, tại Phòng báo chí Tòa Thánh, do ĐHY Tổng trưởng Bộ các dòng tu, João Braz de Aviz, và vị Tổng thư ký là Đức TGM José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô, chủ tọa.

ĐHY Braz de Aviz, người Brazil, cho biết Năm Đời sống Thánh Hiển tiến hành trong bối cảnh 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm công bố sắc lệnh ”Đức mến trọn lành” (Perfectae caritatis) của Công đồng về việc canh tân đời sống thánh hiến.

Năm này nhắm 3 mục tiêu là:

– Thứ I, nhìn lại quá khứ gần đây trong tâm tình biết ơn và đồng thời thống hối vì những yếu đuối và thiếu sót;

– Thứ II là hướng nhìn về tương lai trong hy vọng. ĐHY nói: ”Tuy đời sống thánh hiến đang trải qua khủng hoảng và hành trình khó khăn, nhưng chúng ta không muốn coi cuộc khủng hoảng này như phòng chờ chết, trái lại như một thời điểm thuận tiện để tăng trưởng trong chiều sâu và hy vọng, với xác tín rằng đời sống thánh hiến không bao giờ có thể biến mất khỏi Giáo Hội, vì được chính Chúa Giêsu mong muốn như thành phần không thể bị loại bỏ khỏi Giáo Hội” (Biển Đức 16, Diễn văn dành cho các GM Brazil viếng thăm Tòa Thánh ngày 5-11-2010).

– Mục tiêu thứ III là sống hiện tại trong sự hăng say. Năm đời sống thánh hiến là thời điểm quan trọng để tu sĩ ”phúc âm hóa” ơn gọi của mình và làm chứng về vẻ đẹp của việc bước theo Chúa Kitô trong nhiều hình thức khác nhau của đời tu trì.

Trong cuộc họp báo, Đức TGM Carballo, người Tây Ban Nha, nguyên là Bề trên tổng quyền dòng Phanxicô, đã trình bày những điểm nổi bật trong lịch trình cử hành Năm đời sống thánh hiến:

– Năm này sẽ được ĐTC Phanxicô chính thức khai mạc với thánh lễ đồng tế trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô. Có thể là ngày 21-11 năm nay, cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho các ”đan sĩ chiêm niệm”. – Tiếp đến có Đại hội của Bộ các dòng tu vào tháng 11 năm nay về đề tài ”Điều mới mẻ trong đời thánh hiến từ Công đồng chung Vatican 2”.

– Sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ quốc tế được tổ chức tại Roma: chẳng hạn cuộc gặp gỡ các tu sĩ nam nữ trẻ, các tập sinh, người khấn tạm và khấn trọn đời từ 10 năm trở xuống; cuộc gặp gỡ các nhà đào tạo, nam và nữ.

– Hội nghị quốc tề về thần học đời sống thánh hiến do Bộ các dòng tu, cùng với Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam và nữ, cũng như các Đại học Giáo Hoàng tổ chức, về đề tài: ”Canh tân đời sống thánh hiến dưới ánh sáng Công đồng và những viễn tượng tương lai”.

– Một cuộc triển lãm quốc tế về ”Đời sống thánh hiến Tin Mừng trong lịch sử con người”, với nhiều quầy triển lãm theo các đoàn sủng khác nhau.

– Năm đời sống thánh hiến sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế trọng thể do ĐTC cử hành, có thể là vào ngày 21-11 năm 2015, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh ”Đức Mến trọn lành”.

Để chuẩn bị, Bộ các dòng tu sẽ xuất bản 4 tháng 1 lần thư luân lưu về các đề tài liên quan đến đời sống thánh hiến. Thư đầu tiên sẽ được ấn hành ngày 2 tháng 2 tới đây, nhân dịp Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến, với tựa đề ”Anh chị em hãy vui lên!”, bàn về Giáo huấn của ĐGH Phanxicô về đời sống thánh hiến.

Ngoài ra, Bộ các dòng tu sẽ tổ chức một hội nghị về việc quản lý tài sản từ phía các tu sĩ dành cho các Bề trên Tổng quyền và tổng quản lý dòng, quản lý tỉnh dòng từ 8 đến 9-3 năm nay. Bộ sẽ tu chính và cập nhật Văn kiện ”Mutuae relationes” (Những quan hệ hỗ tương) về tương quan giữa các GM và các tu sĩ trong Giáo Hội, cập nhật hóa Huấn thị ”Verbi Sponsa” (Hôn thê của Ngôi Lời), về quyền tự trị và khu nội vi của các nữ tu hoàn toàn chiêm niệm, hoàn thành văn kiện về đời sống và sứ mạng của các tu huynh (SD 31-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio