Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa trưa chúa nhật 27-5-2018, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Phi châu được hòa bình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu dưới trời nắng chang chang, ĐTC nói:

Hôm nay, chúa nhật sau lễ Hiện Xuống, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi rất thánh, một lễ để chiêm ngắm và chúc tụng mầu nhiệm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là duy nhất trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, để kinh ngạc kính mừng Thiên Chúa là Tình Thương luôn luôn mới mẻ, Đấng ban nhưng không cho chúng ta sự sống của Ngài và yêu cầu chúng ta phổ biến sự sống ấy trong thế giới.

Các bài đọc Thánh lễ hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không muốn mạc khải cho chúng ta thấy Ngài hiện hữu cho bằng Ngài là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, yêu thương chúng ta, quan tâm đến lịch sử riêng của chúng ta và chăm sóc mỗi người chúng ta, bắt đầu từ những người nhỏ bé và túng thiếu nhất. Ngài là ”Thiên Chúa ở trên các tầng trời” nhưng cũng ở ”dưới đất này” (Xc Đnl 4,39). Vì thế chúng ta không tin nơi một thực tại xa xăm, dửng dưng, nhưng tin nơi Đấng là Tình Thương đã tạo dựng vũ trụ và sinh ra một dân tộc, đã nhập thể làm người, chịu chết và sống lại vì chúng ta, và trong tư cách là Thánh Thần, Ngài biến đổi mọi sự và đưa tới sự sung mãn.

ĐTC nhận xét rằng:

”Thánh Phaolô (Xc Rm 8,14-17), đã đích thân cảm nghiệm sự biến đổi này do Thiên Chúa Tình Thương thực hiện, Chúa thông cho chúng ta ước muốn được gọi là Cha, hay đúng hơn là ”Ba ơi!”, với niềm tín thác trọn vẹn của một đứa bé phó thác trong vòng tay của người đã trao ban sự sống cho em. Chúa Thánh Linh, như Thánh Tông Đồ đã nhắc nhở, hành động trong chúng ta đến độ Chúa Giêsu Kitô không bị thu hẹp thành một nhân vật quá khứ, nhưng chúng ta cảm thấy Ngài ở gần chúng ta, là người đồng thời và chúng ta cảm nghiệm được niềm vui là con cái mà Thiên Chúa yêu thương. Sau cùng, trong Bài Tin Mừng, Chúa Phục Sinh đã hứa ở lại với chúng ta mãi mãi: ”Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và chính nhờ sự hiện diện ấy và nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chúng ta có thể thanh thản chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, sứ mạng loan báo và làm chứng cho mọi người về Tin Mừng của Chúa và mở rộng tình hiệp thông với Chúa và niềm vui từ đó mà ra. Khi đồng hành với chúng ta, Thiên Chúa làm cho chúng ta được tràn đầy niềm vui và có thể nói, niềm vui là ngôn ngữ đầu tiên của Kitô hữu.”

Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm một Thiên Chúa không ngừng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, luôn luôn bằng tình yêu và vì tình yêu, và mọi loài thụ tạo đón nhận Ngài thì được phản ánh một tia sáng vẻ đẹp của Ngài, lòng từ nhân và chân lý của Ngài. Từ ngàn đời, Chúa đã chọn đồng hành với nhân loại và họp thành một dân tộc là phúc lành cho mọi dân nước và mỗi người, không loại trừ ai. Kitô hữu không phải là một người cô lập, nhưng họ thuộc về một dân tộc, dân tộc mà Thiên Chúa hình thành. Không thể là Kitô hữu nếu không thuộc về Dân Chúa và không có tình hiệp thông như vậy. Chúng ta là một dân tộc: Dân Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng:

“Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chu toàn trong vui tươi sứ mạng làm chứng cho thế giới đang khao khát tình thương, làm chứng rằng ý nghĩa cuộc sống chính là một tình yêu vô biên, tình yêu cụ thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy vừa qua 26-5 tại thành phố Piacenza, bắc Italia, Nữ Tu Leonella Sgorbati (1940-2006), thuộc dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, bị giết vì sự oán ghét đức tin tại Modagiscio thủ đô Somalia năm 2006. Cuộc sống của Chị vì Tin Mừng và phục vụ người nghèo, cũng như cuộc tử đạo của Chị là một bảo chứng niềm hy vọng cho Phi Châu và toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Phi châu và được hòa bình tại đó.

Sau khi đọc một kinh Kính Mừng với tất cả mọi người, ĐTC khẩn cầu: ”Xin Đức Mẹ Phi Châu cầu cho chúng con”.

 Rồi ĐTC đã chào thăm và nhắc đến tên của một số nhóm tín hữu hành hương, đặc biệt là Ca đoàn Sappada và ca đoàn của các thiếu niênở Vezza d'Alba, bắc Italia. Ngài cũng chào thăm các tín hữu hành hương người Ba Lan và chúc lành cho các tham dự viên cuộc đại hành hương ở Đền Thánh Đức Mẹ Piekari Slaskie.

 ĐTC nói thêm rằng ”Nhân dịp Ngày Thoa Dịu”, tôi chào thăm những người tụ họp tại Bệnh viện Đa Khoa Gemelli ở Roma để thăng tiến tình liên đới với những người bị bệnh nặng. Tôi nhắn nhủ tất cả hãy nhìn nhận những nhu cầu, kể cả về mặt tinh thần, của các bệnh nhân và với lòng dịu dàng, hãy ở gần họ.

Cũng nên nói thêm rằng Chân Phước Leonella tục danh là Rosa Sgorbati, sinh năm 1940 tại Gazzalo, gần Piacenza. Năm 23 tuổi (1963) chị gia nhập dòng các nữ tu Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi. 3 năm sau đó, chị được khấn dòng với tên là Leonella và được gửi sang Anh quốc học y tá. Sau khi khấn trọn đời năm 1972, Chị gửi đi truyền giáo tại Kenya bên Phi châu. Tại đây chị lần lượt phục vụ tại 3 nhà thương. Năm 1983, chị học cao đẳng về ngành y tá và trở thành huấn luyện viên chính tại trường y tá tại nhà thương Nkutu, ở thành phố Meru. Chị từng làm Bề trên miền của các nữ tu thừa sai Đức Mẹ An Ủi ở Kenya.

Năm 2001, chị Leonella bắt đầu đi lại giữa hai nước Kenya và Somalia, quốc gia bị nội chiến. Tại thủ đô Mogadiscio của nước này, chị thành lập một trung tâm huấn luyện các y tá và nữ hộ sinh người Somalia.

Ngày 17-9 năm 2006, vào khoảng giữa trưa, trên đường về nhà sau khi dạy học ở nhà thương, chị Leonella bị bắn 7 phát đạn, khiến chị bị thương nặng. Người Hồi giáo là ông Mohamed Mahmud tháp tùng chị, bị tử thương vì đạn.

Chị Leonella được chở vào nhà thương để cứu cấp, nhưng quá trễ. Chị trút hơi thở cuối cùng, miệng còn thì thào câu: ”Tha thứ, tha thứ, tha thứ”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Cộng đoàn kitô phản ánh cuộc sống hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi

Cộng đoàn kitô phản ánh cuộc sống hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi

Với tất cả các hạn hẹp nhân loại cộng đoàn kitô có thể trở thành một phản ánh của sự hiệp thông, của lòng nhân lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu biểu lộ cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa, là Đấng từ bi thương xót và giầu nhân nghĩa, tự cống hiến cho chúng ta để lấp đầy các hạn hẹp và thiếu sót của chúng ta, để tha thứ các lỗi lầm của chúng ta và dẫn đưa chúng ta trở lại con đường của công lý và sự thật.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Các bài đọc sách thánh của Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh giúp chúng ta bước vào trong mầu nhiệm căn tính của Thiên Chúa. Bài đọc thứ hai trình bầy các lời cầu chúc thánh Phaolô hướng tới cộng đoàn Corintô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13.13). Lời chúc lành này của thánh Tông Đồ là hoa trái kinh nghiệm cá nhân của ngài về tình yêu của Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô mạc khải cho ngài. Nó đã biến đổi cuộc sống của thánh nhân và đã thúc đầy ngài đem Tin Mừng tới cho dân ngoại. Từ kinh nghiệm về ơn thánh này của mình thánh Phaolô có thể khích lệ các kitô hữu với các lời sau đây: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.” (c. 11). Với tất cả các hạn hẹp nhân loại cộng đoàn kitô có thể trở thành một phản ánh của sự hiệp thông, của lòng nhân lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng điều này, như chính thánh Phaolôlàm chứng, cần đi ngang qua kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Chúa.

Đó là điều xảy ra cho người Do thái trên con đường xuất hành. Khi dân bẻ gẫy giao ước, Thiên Chúa hiện ra với ông Môshê trong đám mây để canh tân giao ước đó, bằng cách xướng tên của Ngài và ý nghĩa của nó: “Giavê! Giavê! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). ĐTC giải thích tên gọi của Thiên Chúa như sau:

Tên gọi này diễn tả rằng Thiên Chúa không xa cách và khép kín trong chính Ngài, nhưng là Sự Sống muốn thông truyền chính mình, là sự cởi mở, là Tình Yêu chuộc con người khỏi sự bất trung. Thiên Chúa thương xót, từ bi và giầu nhân nghĩa, bởi vì Ngài tự cống hiến cho chúng ta để lấp đầy các hạn hẹp và thiếu sót của chúng ta, để tha thứ các lỗi lầm của chúng ta, để đưa chúng ta trở lại con đường của công lý và sự thật. Mạc khải này của Thiên Chúa đã thành toàn trong Tân Ước nhờ lời nói của Chúa Kitô và sứ mệnh cứu độ của Ngài. Chúa Giêsu đã biểu lộ cho chúng ta gương mặt của Thiên Chúa, Một trong bản tính và Ba trong ngôi vị.  Thiên Chúa là tất cả và chỉ là Tình yêu, trong một tương quan thực sự tạo dựng ra tất cả, cứu chuộc và thánh hoá: Cha, Con và Thánh Thần.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Và Tin Mừng hôm nay giới thiệu ông Nicôdêmô là người tuy có một chỗ quan trọng trong cộng đoàn tôn giáo và dân sự thời đó, nhưng đã không ngừng kiếm tìm Thiên Chúa. Và giờ đây ông đã nhận thức được tiếng vọng lời nói của ông nơi Chúa Giêsu. Trong cuộc đối thoại ban đêm với Vị Thầy Nadarét sau cùng ông Nicôđêmô  hiểu mình đã được Thiên Chúa kiếm tìm và chờ đợi, được Ngài yêu thương một cách cá biệt. Và thật ra Chúa Giêsu nói với ông như thế: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Và cuộc sống vĩnh cứu đó là cái gì? Đó là tình yêu vô lường và nhưng không của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã trao ban trên thập giá, bằng cách hiến dâng sự sống của Ngài cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Với hoạt động của Chúa Thánh Thần tình yêu này đã dãi toả ra một ánh sáng mới trên trái đất và trong mọi con tim tiếp nhận nó, một ánh sáng vén mở các góc tối tăm, các cứng nhắc ngăn cản chúng ta mang lại các hoa trái tốt lành của tình bác ái và lòng thương xót.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngày càng bước vào trong sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, để sống và làm chứng cho tình yêu trao ban ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã chào mọi người hiện diện và nói: hôm qua tại La Spezia chị Itala Mela đã được phong chân phước. Là người đã lớn lên trong một gia đình sống xa đức tin, trong tuổi thanh xuân chị đã tự xưng mình là vô thần, nhưng ssau đó chị đã hoán cải và sống một kinh nghiệm tinh thần sâu đậm. Chị dấn thân giữa giới sinh viên công giáo, rồi trở thành nữ tu tận hiến Biển Đức, và hoàn thành một lộ trình thần bí tập trung nơi mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta cử hành đặc biệt hôm nay. Xin chứng tá cuả tân chân phước khích lệ chúng ta trong các ngày sống biết năng hướng tư tưởng về Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần ngự trong con tim chúng ta.

ĐTC cũng chào các nhóm giáo xứ và hiệp hội, đặc biệt các tín hữu đến từ các tỉnh Montpelier bên Pháp, từ đảo Corse và Malta, cũng như từ Italia, cách riêng tín hữu đến từ các tỉnh Padova, Norbello, và các bạn trẻ đến từ Sassuolo, cũng như cộng đoàn Colombia sống tại Roma mừng lễ Đức Trinh Nữ Copacabana.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật, 22.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mỗi chúng là thành phần thần trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta được mời gọi sống đoàn kết, hiệp nhất và dành cho nhau một tình yêu thương huynh đệ.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Hôm nay, lễ Chúa ba ngôi, Tin Mừng theo Thánh Gioan trình bày cho chúng ta một đoạn trong diễn từ ly biệt của Đức Giêsu trước khi Ngài chịu khổ hình. Trong diễn từ này, Đức Giêsu đã giải thích cho các các môn đệ chân lý nền tảng nhất có liên quan đến Ngài, và như thế, làm nổi bật lên tương quan giữa Đức Giêsu, Chúa Chúa và Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu biết chương trình cứu độ của Chúa Cha đang đến gần, và sẽ được hoàn tất ngang qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính vì lý do đó, Đức Giêsu muốn bảo đảm với các môn đệ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, vì sứ mạng của Ngài sẽ mãi được tiếp tục bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ đến và tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu, tức là hướng dẫn Giáo hội không ngừng tiến lên.

Đức Giêsu cho ta biết sứ vụ này bao gồm những gì. Trước hết, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta hiểu rất nhiều điều mà Đức Giêsu đã nói (Ga 16,12). Thánh Thần không giảng dạy những giáo lý mới lạ, đặc biệt nhưng là mang đến một cái hiểu tròn đầy về tất cả những gì Chúa Con đã nghe được từ Chúa Cha, và Người sẽ lấy những gì là của Đức Giêsu mà loan báo cho các môn đệ (Ga 16, 15). Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong những hoàn cảnh sống mới với một đôi mắt lúc nào cũng hướng nhìn về Đức Giêsu, đồng thời giúp chúng ta mở ra với mọi biến cố và với tương lai. Thánh Thần giúp chúng ta bước đi trong lịch sử được bén rẽ một cách chắc chắn nơi Tin Mừng, cùng với một sự trung tín đầy năng động trong chính những truyền thống và văn hóa của chúng ta.

Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng nói về chính mỗi người chúng ta, về tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thật vậy, nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, Chúa Thánh Thần đã đặt để vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta chính Thiên Chúa. Đó là một sự thông hiệp của tình yêu. Thiên Chúa là một ‘gia đình’ của Ba Ngôi, yêu thương nhau tha thiết đến nỗi đã trở nên một. ‘Gia đình thánh thiêng’ này không đóng lại trong chính mình nhưng mở ra, thông hiệp với nhau trong công trình sáng tạo và trong lịch sử, cũng như đi vào thế giới nhân loại để mời gọi tất cả mọi người hiệp nhất nên một. Khung trời hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh bao trùm lấy tất cả chúng ta, thôi thúc ta sống yêu thương và trong sự sẻ chia huynh đệ. Chắc chắn ở đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Việc chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa – tức là sự hiệp thông – mời gọi chúng ta biết nhận ra rằng chính chúng ta là một hữu-thể-trong-tương-quan và phải biết sống những mối tương quan liên vị trong sự đoàn kết và trong tình yêu mến lẫn nhau. Chúng ta sống những tương quan ấy, trước hết, trong chính những cộng đoàn của Giáo hội, vì hình ảnh Giáo hội luôn là một biểu tượng rõ ràng nhất về Thiên Chúa Ba ngôi. Kế đến, chúng ta còn sống những tương quan ấy trong những mỗi liên hệ xã hội khác nhau, từ gia đình cho tới tình bạn hữu trong môi trường làm việc. Đó là những cơ hội cụ thể mà chúng ta có thể tận dụng để xây dựng những mối tương quan đậm tình người hơn, có khả năng tôn trọng lẫn nhau và dành cho nhau một tình yêu hướng tha.

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta biết dấn thân vào những sự kiện của cuộc sống thường ngày để trở thành muối, thành men của sự hiệp thông, của sự an ủi và của lòng thương xót Chúa. Mang vác sứ mạng này trên đôi vai, chúng ta được Thánh Thần tiếp thêm sức mạnh để chăm sóc, băng bó thân xác nhân loại bị thương tích bởi những bất công, áp bức, thù hận và tham lam dục vọng. Đức Trinh Nữ Maria, với sự khiêm tốn thẳm sâu, đã đón nhận thánh ý Chúa Cha và cưu mang Chúa Con bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta, khi nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi, biết xác tín hơn vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và biết sống mầu nhiệm ấy bằng những chọn lựa và thái độ của tình yêu thương, hiệp nhất.

Lời chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng:

“Ngày hôm qua, ở Cosenza, Linh mục Francesco Maria Greco đã được tuyên phong chân phước. Ngài là một linh mục triều và cũng là đấng sáng lập Dòng Tiểu Muội Các Công Nhân Của Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ.

Ngày mai, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Hội Nghị Thượng Đỉnh về Nhân Đạo lần thứ nhất sẽ được khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận và xem xét các biện pháp được thực hiện trong các tình huống nhân đạo do các cuộc xung đột, vấn đề môi trường và nạn nghèo đói cùng cực gây ra. Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho các thành phần tham dự hội nghị này, để các vị có thể hoàn thành tốt các mục tiêu nhân đạo đã đề ra. Về phía Tòa Thành, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã lên đường để đến tham dự hội nghị này.

Thứ Ba, ngày 24.05, chúng ta sẽ hiệp thông cách thiêng liêng với các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc, mừng kính cách đặc biệt lễ Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Xin Mẹ Maria ban cho đoàn con của Mẹ ở Trung Quốc khả năng biết phân định, để có thể nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 31 tháng 05-2015

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 31 tháng 05-2015

VATICAN. Trưa ngày Chúa nhật 31 tháng 05-2015, ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của khoảng năm chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy làm mới lại sứ mệnh thông hiệp với Thiên Chúa và với nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, Ngài nói:

“Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, lễ này nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm của một Thiên Chúa độc nhất với ba Ngôi vị: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi là sự thông hiệp của các Ngôi vị Thiên Chúa, các Ngôi vị ấy là một với ngôi vị khác, là một cho ngôi vị khác, là một trong ngôi vị khác: sự thông hiệp này là sự sống của Thiên Chúa, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Hằng Hữu. Nhưng ai đã mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm này? Chính Đức Giêsu. Ngài đã nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Cha; về Chúa Thánh Thần; và Ngài cũng tự bày tỏ mình như là Con Thiên Chúa.

Và một khi trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đã mời gọi các môn đệ loan báo Tin Mừng cho muôn dân, truyền dạy cho họ phải làm phép rửa “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Lệnh truyền này, đã được Đức Kitô ủy thác cho Giáo Hội qua mọi thời, và Giáo Hội đã kế thừa từ các Thánh tông đồ sứ mệnh truyền giáo ấy. Giáo Hội cũng trao ban sứ mệnh ấy cho mỗi người chúng ta, thông qua uy lực của Bí tích Thánh Tẩy, để mỗi người chúng ta được thông hiệp với Hội Thánh.”

Đề cập đến lời mời gọi của mầu nhiệm Ba Ngôi trong đời sống chúng ta, ĐTC nói:

“Mầu nhiệm ấy cũng mời gọi chúng ta tân trang sứ mạng thông hiệp với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi không để sống một mình trong cô độc, hay vượt bỏ và chống lại tha nhân, nhưng là sống với nhau, cho nhau và trong nhau. Điều này có nghĩa là đón nhận và sống hòa hợp với vẻ đẹp của Tin Mừng; sống tình yêu thương lẫn nhau và với tất cả mọi người, chia sẻ mọi niềm vui và đau khổ, học hỏi để khẩn nài được tha thứ và chấp nhận tha thứ, làm nổi bật sự phong phú của những đặc sủng khác nhau dưới sự hướng dẫn của các vị Mục Tử. Tóm lại, chúng ta đã được ủy thác nhiệm vụ để kiến thiết cộng đồng Giáo Hội luôn là một gia đình, có khả năng để phản chiếu vẻ huy hoàng của Ba Ngôi và loan báo Tin Mừng không chỉ bằng ngôn từ nhưng còn bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa vốn cư ngụ trong chúng ta.

Ba Ngôi, như đã được tiên báo, cũng là cứu cánh tối hậu của cuộc hành hương trên  dương thế mà chúng ta hướng tới. Cuộc lữ hành của đời sống Kitô giáo thực ra là một hành trình, về bản chất, mang tính “Ba Ngôi”: Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự nhận biết tròn đầy về những giáo huấn của Đức Ki tô, về Tin Mừng của Ngài; và Đức Giêsu đến lượt mình, đã đến trần gian để làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa Cha, để dẫn đưa chúng ta về cùng Cha, để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha."

Liên kết mầu nhiệm Ba Ngôi với đời sống Kitô giáo trong thực tế, ĐTC kêu gọi:

“Tất cả đời sống Kitô giáo, xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi và được hoàn tất trong mệnh lệnh đối với sứ mệnh vô ngần vô hạn này. Bởi thế, chúng ta hãy cố gắng để luôn duy trì một cung điệu ở tầm cao trong đời sống chúng ta, hãy tự nhắc nhở mình về cùng đích ấy, vì chính vinh quang ấy, chúng ta hiện hữu, lao tác, tranh đấu, và chịu đựng: và chúng ta được kêu gọi để hướng tới chính phần thưởng to lớn ấy."

Để kết thúc bài giảng của mình, ĐTC nói: “Trong những ngày cuối cùng của tháng năm này, tháng kính Đức Mẹ, chúng ta hãy dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria. Hơn bất cứ loại thọ tạo nào, Mẹlà Đấng đã nhận biết, tôn thờ, yêu mến mầu nhiệm Ba Ngôi này, hãy nài xin Mẹ dắt tay chúng ta; xin Mẹ giúp đỡ chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Ba Ngôi trong các biến cố của thế giới, đó là cùng đích tuyệt vời mà cuộc sống chúng ta hướng tới. Chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ phù giúp Giáo Hội, trong mầu nhiệm thông hiệp, để Giáo Hội luôn là một cộng đồng hiếu khách, là nơi mà mỗi người , đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, có thể tìm thấy sự đón tiếp và cảm nhận mình là con cái Thiên Chúa, được quan tâm và yêu mến.”

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC chào thăm các khách hành hương đến từ Italia và khắp mọi nơi trên thế giới. Ngài đặc biệt nhắc tới sự kiện phong chân phước diễn ra ở Bayonne, Pháp quốc, cho linh mục Louis-Edouard Cestac, đấng sáng lập dòng các nữ tu tôi tớ của Đức Mẹ. ĐTC cũng hiệp thông thiêng liêng với các hoạt động diễn tả lòng mộ mến Rất Thánh Maria vào cuối tháng năm này tại khắp mọi nơi trên thế giới.

Ngài cũng nhắc tới truyền thống rước kiệu Mình Thánh Chúa ở Roma vào thứ năm tuần tới ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, từ quảng trường Thánh Gioan Latêranô sẽ có thánh lễ, và sẽ rước kiệu Bí tích Cực Thánh đến quảng trường Đức Bà Cả. ĐTC mời gọi mọi người vào lúc ấy cũng tham dự vào nghi thức trọng thể mang tính cộng đồng này của niềm tin và tình yêu với Chúa Giêsu Thánh Thể, vốn hiện diện nơi dân của Ngài.

Jos. Nguyễn Huy Mai

 

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần

(Trích trong ‘Manna’)

Suy niệm

"Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất, bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa. Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn, bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa."

Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư. Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa, cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài. Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.

Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Phải là Đấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa, Đấng ấy là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.

Nhờ Đức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Ngài mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.

"Ta và Cha là một" (Ga 14,10).

"Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta" (Ga 16,15).

Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.

Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.

"Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần": đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.

Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta. "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy" (Ga 14,23). "Cha sẽ ban cho các anh một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các anh luôn mãi" (Ga 14,16).

Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!

Chúa Cha, Đấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.

Chúa Con, Đấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.

Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu vì "ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1Ga 4,16).

Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác: "Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.

Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân vẫn còn là ước mơ Đức Giêsu chờ ta thực hiện.

Gợi Ý Chia Sẻ

Khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Có khi nào trong đời, bạn thấy Thiên Chúa thật là người Cha nhân từ không? Có khi nào bạn gặp khủng hoảng đến nỗi mất niềm tin rằng Cha yêu mình không?

Một thi sĩ Pháp – Jacques Prévert – đã viết hai câu thơ ngắn:

"Lạy Cha chúng con ở trên trời,

xin Cha cứ ở yên trên ấy!"

Theo bạn, Thiên Chúa có phải là kẻ làm phiền con người không?

Cầu Nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu

Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi trong sách bổn đồng ấu ngày xưa. Hỏi Đức Chúa Trời có mấy ngôi? Thưa Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.

Một câu giáo lý quen thuộc mà hết thế hệ này đến thế hệ khác đều học thuộc lòng một cách đầy đủ và chính xác từng lời và từng dấu chấm, dấu phẩy. Điểm đặc biệt là không ai thắc mắc tại sao Một Chúa mà lại Ba Ngôi? Có lẽ chúng ta không thắc mắc, không phải vì chúng ta đã hiểu mà vì cha mẹ chúng ta tin, và vì Hội thánh dạy chúng ta như thế. Thực vậy đức tin của chúng ta được trao ban từ Hội thánh và qua cha mẹ cùng người đỡ đầu tiếp tục bảo vệ, vun trồng đức tin của chúng ta.

Rồi dần dà theo thời gian, đức tin của chúng ta thêm kiên vững và được củng cố nhờ những ngày tháng học giáo lý và học hỏi lời Chúa. Chúng ta tin Một Chúa Ba Ngôi không do trí óc tưởng tượng của con người mà dựa trên thế giá lời chứng của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết. Chính Chúa Giêsu là lời mạc khải tròn đầy về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ngài cho chúng ta biết, Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, và khi hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó, Ngài đã về trời và ban Thánh Thần đến thánh hóa thế gian trong ân sủng và tình yêu của Chúa.

Có một bà cụ đi xe lửa lần đầu tiên nên rất bỡ ngỡ sợ lầm tàu và lạc đường. Bà quay sang hỏi một hành khách ngồi bên cạnh:

– Thưa ông, tàu này có phải là tàu đi Roma không?

Ông ấy trả lời ngay:

– Vâng, đây là tàu đi Roma. Bà đừng lo, vì Roma là nhà của tôi, tôi phải về đó.

Nhưng bà ấy vẫn chưa thỏa lòng, cứ miên man nghĩ ngợi: Nhỡ ông kia cũng lầm tàu thì sao? Làm sao mà mình biết được? Vừa lúc ấy người tài công bước vào, bà hỏi:

– Bác tài công ơi, tàu này là tàu đi Roma phải không?

Người tài công trả lời:

– Vâng, đây chính là tàu đi Roma. Tàu sẽ chạy trong vài phút nữa. Bà cứ việc ngồi thoải mái đừng lo lắng gì cả, sẽ tới Roma an toàn.

Tới lúc ấy bà mới yên tâm, vì bà đã hỏi người có thẩm quyền trên tàu. Bà ấy đã nhận được câu trả lời từ một người có thẩm quyền nên không còn lo sợ nữa.

Mỗi người chúng ta cũng đang đi trên hành trình đời sống, một hành trình vào cõi vĩnh hằng. Có rất nhiều tôn giáo. Có rất nhiều con đường của người này kẻ kia chỉ chúng ta con đường về trời. Nhưng chỉ có một người đáng chúng ta tin cậy, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngài có đủ thẩm quyền để chúng ta tin lời Ngài là chân lý, là sự thật. Đó chính là Chúa Giêsu.

Thực vậy, chúng ta tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và các mầu nhiệm khác trong đạo đều dựa vào lời chứng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên lời chứng của Ngài đáng để chúng ta tin. Chính Ngài đã làm nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa và phép lạ lớn nhất đó là tự mình sống lại sau ba ngày chôn cất nơi huyệt mộ. Chính Ngài không chỉ nói về Chúa Cha mà cả cuộc sống của Ngài là để tôn vinh Chúa Cha và Ngài hằng sống đẹp lòng Chúa Cha.

Bên cạnh đó, với phương pháp loại suy chúng ta cũng có thể hiểu phần nào về mầu nhiệm Một Chúa ba Ngôi. Tựa như bóng đèn điện: có dòng điện, có ánh sáng và có hơi nóng. Hoặc như cùng một dòng nước chảy nhưng có thể hiện hữu dưới ba hình thái: thể hơi, thế rắn và thể lỏng, nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng và dạng mưa.

Nhìn vào Thánh Kinh và lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa đã tỏ bày tình yêu của mình qua ba cách khác nhau: Chúa Cha đã tỏ mình ra qua việc tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Cho dù con người có bất trung phản loạn Chúa vẫn yêu thương, yêu thương đến nỗi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu Kytô làm Đấng cứu chuộc trần gian. Cứu là giải thoát. Chuộc là cái gì của mình đã mất nay phải chuộc lại. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết, và chuộc lại chúng ta trở về làm cho cái Thiên Chúa bằng giá máu trên đồi Golgotha. Chúa Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa đã thánh hóa chúng ta thành con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa là người cha nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Chúa có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương tới cùng. Cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn, Chúa vẫn yêu thương. Chúa không đoán phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội. Chúa như người cha luôn ngong ngóng chờ đợi đứa con tội lỗi trở về để được ôm con vào lòng và lại ban muôn ân huệ dư tràn. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng đời sống sám hối và canh tân cho xứng đáng là con cái Chúa và xứng đáng là Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Mầu nhiệm tình yêu

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình yêu thương.

Từ đời đời, Chúa Cha yêu Chúa Con. Tình yêu ấy lớn lao đến nỗi Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con giống hệt như mình. Con là hình ảnh hoàn hảo, nguyên tuyền của Cha. Con là chính Cha, nên Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Cha có gì thì ban tất cả cho Con. Nên sau này Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Tình Cha yêu Con thật lớn lao, kỳ diệu. Tình Con đáp lại tình Cha cũng nồng nàn tha thiết không kém. Những gì Con nhận được do tình yêu của Cha thì Con dâng lại cho Cha tất cả. Đức Giêsu vì yêu mến Chúa Cha, nên đã vui lòng xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Trọn cuộc đời, Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành. Người luôn tâm niệm: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy” (Ga 4,34). Người từ bỏ hết ý riêng mình để chỉ làm theo ý Chúa Cha. Người nên một với Đức Chúa Cha trong tâm tình, trong tư tưởng, trong hành động. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10). Trong giờ hấp hối, dù sợ hãi cái chết đến độ mồ hôi máu tuôn ra, nhưng Đức Giêsu vẫn luôn vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén này. Xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39). Thánh Phaolô đã tóm tắt về cuộc đời Người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2,6-8). Tất cả thái độ vâng phục nói lên sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.

Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những gọc tối t8am chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.

Phần ta, những môn đệ của Chúa, mỗi khi ta làm dấu Thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi, ta hãy xin Ba Ngôi Thiên Chúa in tình yêu thánh thiện của Người vào tâm hồn ta. Xin cho ta được tham dự vào tình yêu vô cùng sung mãn của Người. Xin cho ta trở nên một đốm lửa trong lò lửa yêu thương của Người. Được cháy trong lò lửa tình yêu Chúa Ba Ngôi, ta sẽ trở nên giống như Người, luôn biết cho đi, luôn biết dâng hiến, luôn mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa là người Cha yêu thương và gần gũi không?

2- Bạn có mong muốn được tham dự vào luồng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không?

3- Thiên Chúa dựng nên bạn giống hình ảnh Người. Bạn đã thực sự là hình ảnh tình yêu thương của Chúa đối với những người chung quanh chưa?

4- Sau khi đã hiểu rõ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bạn sẽ có thái độ nào đối với Chúa và đối với anh em?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Chúa Ba Ngôi

Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm đức tin mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay, đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Ngài có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa. Nhưng vì cùng chung một bản tính, nên chỉ làm nên một Thiên Chúa. Không một trí khôn nào có thể hiểu thấu. Vì vậy chúng ta hãy khiêm nhường mà thưa lên: Lạy Chúa, chúng con tin và xin giúp đỡ đức tin nhỏ bé của chúng con.

Thế nhưng, tại sao chúng ta lại mừng kính vào ngày Chúa nhật hôm nay. Ngày lễ này chính là ngày lễ kết thúc cho những mầu nhiệm mà chúng ta đã mừng kính, từ đầu niên lịch phụng vụ cho đến bây giờ. Ba Ngôi cộng tác với nhau trong công trình cứu độ. Chúa Cha đã sai Con Một Ngài xuống thế như lời thánh Gioan đã viết: Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã trao ban chính Con Một của Ngài. Ngài đã kêu mời chúng ta bước vào đời sống đức tin. Chúa Con, Đấng cứu độ đã làm người, đã chịu chết vì chúng ta, để nhờ đó chúng ta được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.

Còn Chúa Thánh Thần, sau khi Chúa Giêsu về trời, Ngài chính là Đấng thủ lãnh, Đấng hướng dẫn, Đấng an ủi của chúng ta. Vì những lợi ích cao cả ấy, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa. Thực vậy, lễ Chúa Ba Ngôi phải là một lời kinh tạ ơn vang lên trong Giáo Hội. Nó bao gồm biến cố Giáng Sinh, Hiển Linh, Phục Sinh, Lên Trời và Hiện Xuống. Sở dĩ Giáo Hội đặt ngày lễ hôm nay vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Hiện Xuống là vì Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng mỗi ngày Chúa nhật phải là một ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày Chúa nhật phải là một ngày thánh hiến cho Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày Chúa nhật phải là một ngày dành riêng để chúng ta cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha đã tạo dựng và kêu mời chúng ta. Chúa Con đã Phục sinh và cứu chuộc chúng ta. Chúa Thánh Thần đã thánh hóa và biến chúng ta trở nên đền thờ cho Ngài. Hơn nữa, chính Ngài hiện diện vào ngày thứ nhất mà khai sinh ra Giáo Hội. Vì thế ngày Chúa nhật phải là một ngày dành riêng để tôn kính Chúa Ba Ngôi.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy cuộc đời của chúng ta đã thấm nhuần biết bao ơn trọng đại của Chúa Ba Ngôi. Các bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận đều được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Với Bí tích Rửa Tội, chúng ta nghe thấy lời đọc: Ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Với Bí tích Giải tội, chúng ta nghe thấy lời đọc: Vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Đời sống người Kitô hữu được bắt đầu và hoàn tất trong Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi khởi sự hay kết thúc một công việc nào đó, chúng ta thường làm dấu và đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Phần nhiều các kinh Giáo Hội đọc, đều được dâng lên cho Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn kinh Sáng danh. Đây cũng là một lời kinh thường đọc Giáo Hội sử dụng nhiều hơn cả. Mỗi một giờ kinh đều được bắt đầu bằng kinh Sáng danh, mỗi một thánh vịnh đều được kết thúc bằng kinh Sáng Danh. Kinh Sáng Danh chính là tiếng chuông vang lên đều đều nơi nhà Chúa.

Rồi kinh: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, kinh Tạ ơn, đều là những lời kinh dâng tiến Chúa Ba Ngôi. Và còn nhiều lời kinh khác nữa, chẳng hạn kinh Tin kính và những lời đọc trong thánh lễ….

Xem đó, chúng ta thấy từ sinh hoạt cá nhân đến sinh hoạt Giáo Hội, tất cả đều tuôn chảy tới Chúa Ba ngôi, ước gì cuộc đời chúng ta cũng sẽ được diễn ra trong tình thương yêu của Chúa Ba Ngôi, để tất cả chúng ta xứng đáng là con của Chúa Cha, là em của Chúa Giêsu và là chiến sĩ của Chúa Thánh Thần.

Sưu tầm

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘI

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘI

1) Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ

Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Đức Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối. Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối. Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối. Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình. Thật là khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống. Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.

2) Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời

Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối. Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên. Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn. Trời đất giao hòa. Thiên giới cúi xuống hạ giới. Thiên Chúa đến ở với con người. Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.

3) Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong giây phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Đức Giêsu Kitô. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc con người.

4) Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.

Từ xưa trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu nhân độ thế. Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”. Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường. Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ. Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.

Phép rửa của Đức Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Đức Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế. Đức Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy con biết sống ơn bí tích Rửa Tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha.

CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

1) Bạn có dễ dàng nhận lỗi không?

2) Bạn đã thực sự sống như một người con hiếu thảo đối với Chúa chưa?

3) Ơn phép Rửa Tội là gì? Bạn đã sống ơn phép Rửa Tội chưa?

4) Bạn đã thực sự là Tin Mừng cho những người chung quanh chưa?

5) Chúa Giêsu chịu phép rửa trình bày cho ta những hình ảnh nào về Chúa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Thờ lạy trong tinh thần và chân lý

Thờ lạy trong tinh thần và chân lý

Với vẻ tò mò, người phụ nữ Samaria tiến tới phía người đàn ông đang ngồi trên thành giếng. Bởi vì Chúa Giêsu đang sống, bởi vì mỗi bài suy niệm này là một cuộc gặp gỡ tình yêu với Chúa Giêsu hằng sống, tại sao không nghĩ rằng Ngài đang chờ tôi? Chính Ngài nói với tôi: “Hãy cho Ta uống nước”

Nhưng Ngài khẳng định ngay: “Nếu ngươi biết rõ ơn Thiên Chúa ban: chính ngươi biết rõ ơn Thiên Chúa ban; chính ngươi sẽ xin và ngươi sẽ được uống nước hằng sống”.

Hai nỗi khát khao làm hoang mang. Chúa Giêsu nói: “Hãy cho Ta”, rồi: “Hãy xin Ta”. Và xa hơn một chút: “Chúa Cha đang cần những người tôn thờ Ngài thực sự”. Chúng ta đang ở trên đỉnh cao của sự mạc khải. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta hết khát, nhưng không có bài Phúc Âm này thì ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa khao khát chúng ta?

Cách duy nhất để có thể xứng đáng với sự khao khát này chính là khao khát Ngài. Sự ước muốn và tình yêu có qua có lại: tình yêu vì tình yêu. Chính là phải xin nước của Ngài là nước sẽ làm cho chúng ta ước ao Chúa: “Hãy xin Ta nước hằng sống và nơi ngươi sẽ phát sinh nguồn mạch tình yêu. Ngươi có thể là một trong những người tôn thờ mà Cha tìm kiếm”.

Người tôn thờ sao? Những hình ảnh phiền nhiễu nổi lên, những người sấp mình trước một ngẫu tượng. Cho nên Thiên Chúa của chúng ta là gì nếu Ngài muốn người ta sấp mình trước mặt Ngài?

Ngài là Thiên Chúa. Không có gì có thể thay đổi được cứ liệu này trong quan hệ của chúng ta: Ngài là Thiên Chúa. Ngài không tìm kiếm những kẻ thờ lạy, Ngài tìm kiếm những kẻ thờ lạy thực sự. Sự chính xác có một tầm quan trọng lớn lao. Chỉ những kẻ tôn thờ thực sự mới đáp lại tình yêu của Ngài, không ngừng xem Ngài là Thiên Chúa. Nếu không, mối quan hệ bị sai lệch, tình yêu của chúng ta không đạt tới Thiên Chuá, chúng ta hoàn toàn ở trong sự ảo tưởng.

Tôi vừa đặt tình yêu vào chỗ tôn thờ, bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta yêu thương Ngài. Nhưng để không lầm lẫn về mối tình kỳ lạ có thể nối kết con người với Thiên Chúa này, phải đào sâu ý tưởng thờ lạy. Đây hoàn toàn không phải thờ lay một ngẫu tượng nhưng là biết yêu mến Chúa mà vẫn luôn luôn cảm nhận sự uy nghiêm của Ngài. Tôi ngần ngại trước khi viết “sự uy nghiêm”, và sự ngần ngại này chứng tỏ cho tôi thấy rằng không dễ gì tìm được ngôn từ đúng đắn cho tình yêu tôn thờ này. Do đó ngày nay có một cách nói của Phúc Âm trở nên nổi tiếng bởi vì nó xác định đầy đủ sự tôn thờ thực sự: “Phải thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý”.

Khi thánh Gioan nối kết hai từ tinh thần với chân lý bằng từ và, từ quan trọng nhất thường là từ thứ hai (chẳng hạn “Ông ta thấy và ông ta tin”). Do đó, ở đây phải chú trọng đến chân lý. Vẫn đối với Gioan, chân lý làm ta nghĩ ngay đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta là chân lý”. Trong khi mạc khải chân lý về Chúa Cha, về chính mình và về quan hệ giữa Ngài với Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta thờ lạy “trong chân lý”. Điều đó có nghĩa là: yêu Cha như Chúa Giêsu yêu thương Ngài.

Nhưng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta những tâm tình như Chúa Giêsu. Thờ lạy “trong tinh thần” có nghĩa là được Thánh Thần linh ứng khi chúng ta muốn yêu thương Cha theo cách của Chúa Giêsu.

Bạn chắc chắn cảm thấy tôn thờ thực sự tức là tôn thờ Ba Ngôi. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu ở giếng Giacob mang lại cho chúng ta ba màu sắc của sự tôn thờ: Sự tôn thờ này hướng đến Chúa Cha, trong khi, dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, sự tôn thờ này được nuôi dưỡng bằng mọi chân lý đến từ Chúa Giêsu.

André Sevè