Một Giám mục Argentina đang điều tra một vụ được cho là phép lạ Thánh Thể

Một Giám mục Argentina đang điều tra một vụ được cho là phép lạ Thánh Thể

Buenos Aires, Argentina – Đức cha Luis Fernandez của giáo phận Rafaela thông báo rằng một cuộc điều tra sẽ được thực hiện để xem xét những gì xảy ra hồi đầu tuần này ở một cơ sở điều trị ma túy, khi một nhóm người trẻ đang chầu Mình Thánh và thấy một chất trong Mình Thánh, trông giống như là máu.

Hôm 11/04, tại cơ sở điều trị ma túy San Miguel, khi một nhóm trẻ đang chầu Mình Thánh, họ thấy có sự thay đổi nơi Thánh Thể.

Juan Ternengo, điều hợp viên của cơ sở San Miguel nói rằng có một chất đỏ đậm chảy ra từ Minh Thánh, khi các người trẻ đang hát và cầu nguyện.”

Khi hay tin, Đức cha Fernandez và cha Alcides Suppo đã đến nơi và chính Đức cha đã đưa mình thánh đi khỏi nơi này để tiến hành điều tra.

Thông cáo của giáo phận Rafaela cho biết là trong những trường hợp tương tự như thế, Giáo hội cần thận trọng và chừng mực trong việc nhận định sự kiện nhằm làm rõ sự việc và những gì xảy ra. Những trường hợp này không phải là thường xuyên và đơn giản để phân định.

Thông cáo cũng khuyến khích mọi người dùng cơ hội này để canh tân đức tin và lòng mến của mình đối với phép lạ lớn nhât là sự Hiện diện Thật sự của Chúa Giêsu trong mỗi cử hành Thánh lễ. (CNA 13/04/2017)

Hồng Thủy

ĐTC gần gũi toàn dân Argentina trong dịp kỷ niệm 200 năm độc lập

ĐTC gần gũi toàn dân Argentina trong dịp kỷ niệm 200 năm độc lập

Pope and Argentina flag

VATICAN: ĐTC Phanxicô bày  tỏ sự gần gũi, liên đới và lởi cầu nguyện của ngài với và cho toàn dân Argentina nhân dịp nước này kỷ niêm 200 năm độc lập.

ĐTC đã khẳng định như trên trong thư gửi cho ĐC José Maria Arancedo, Chủ tịch HĐGM Argentina, nhân kỷ niệm 200 năm độc lập ngày mùng 9 tháng 7 hôm qua.  ĐTC nói ngài đặc biệt gần gũi những ai đau khổ; người bệnh,  người sống trong cảnh nghèo nàn, người bị tù, người cô đơn, người không công ăn việc làm, người chịu mọi loại thiếu thốn, các nạn nhân của nạn buôn người và khai thác bóc lột, các trẻ vị thành niên nạn nhân của lạm dụng và biết bao người trẻ khổ đau vì nạn nghiện ma tuý. Họ là những người con bị đâm thâu nhất của quê hương.

ĐTC nhắc lại các bài học trong trường dậy học sinh yêu Mẹ quê hương và tinh thần ái quốc. Đối với người không có lương tri người ta thường nói “Người này có thể bán mẹ mình lắm”. Nhưng chúng ta biết là không thể bán mẹ, kể cả Mẹ quê hương, Lễ kỷ niệm 200 năm con đường cùa một Quê hương trong các ước mong và ngưỡng vọng tình huynh đệ, dự phóng vượt các biên giới để hướng tới một Quê hương vĩ đại mà San Martin và Bolivar đã mơ ước. ĐTC khích lệ mọi người cầu nguyện xin Chúa giữ gìn nó, khiến cho nó mạnh mẽ hơn, huynh đệ hơn và bảo vệ nó khỏi mọi loại thực dân. Ngài cũng xin các thế hệ già, là ký ức của quốc gia và lịch sử, thắng vượt nền văn hóa gạt bỏ, có can đảm mơ mộng. Ngài xin người trẻ đừng sống trong sự bất động bàn giấy, nhưng biết chấp nhận các đề nghị sống anh hùng, có óc sáng tạo và tiên tri những điều cao cả.  Khi đó quê hương sẽ tự do. ĐTC xin Thiên Chúa chúc lành cho quê hương Argentina và gìn giữ nó trên lộ trình tiến tới qua lời bầu cử của Đức Bà Luján (SD 8-7-2016).

Linh Tiến Khải

 

CÁC GIÁM MỤC ARGENTINA PHÊ BÌNH CÁC BỆNH XÁ PHÁ THAI LƯU ĐỘNG

CÁC GIÁM MỤC ARGENTINA PHÊ BÌNH CÁC BỆNH XÁ PHÁ THAI LƯU ĐỘNG

LA PLATA: Các Giám Mục vùng La Plata bên Argentina đã mạnh mẽ phê bình quyết định của Bộ trưởng Y tế gửi các bệnh xá phá thai lưu động tới những nơi các bác sĩ, vì lý do lương tâm, từ chối giúp phá thai.

Bộ Y tế Argentina đã loan báo việc thành lập một nhóm lưu động để giải quyết các tranh luận liên quan tới việc phá thai hợp pháp và một văn phòng cố vấn trợ giúp thuốc men cho các phụ nữ muốn phá thai cho tới tuần thứ 12.

Trong thông cáo phản đối Bộ Y tế các Giám Mục khẳng định rằng ”Phá thai là cố ý giết người và trực tiếp. Việc khước từ vì lý do lương tâm không thể bị coi như một chướng ngại, cũng như không thể cho rằng một hành động nhằm loại bỏ một sự sống là một trợ giúp y tế”.

Đức Cha Héctor Aguer, Tổng Giám Mục La Plata và các Giám Mục phụ tá Nicolas Baisi và Alberto Bochatey bầy tỏ ngac nhiên về sáng kiến phá thai này của chính quyền địa phương. Các vị đã nhắc lại các giáo huấn của Giáo Hội, và minh xác rằng ”Dù được làm trong bất cứ điều kiện nào, phá thai là một việc giết người đích thật; đó là việc hủy bỏ một con người trong giai đoạn đầu sự sống của nó, từ lúc thụ thai cho tới khi sinh ra”. Cuộc tranh luận nảy sinh sau khi người ta phố biến tin ”Phá thai dễ hơn tại Buenos Aires” (FIDES 7-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần

Ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần

Ơn thông hiểu Chúa Thánh Thần ban giúp chúng ta hiểu Lời Chúa, chương trình cứu độ và mọi sự trong chiều sâu như Thiên Chúa hiểu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-4-2014. Dưới bầu trời mùa xuân Roma trong xanh với nắng ấm đã có khoảng 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha. Hàng ngàn người khác tới trễ đã phải theo dõi buổi tiếp kiến ngoài quảng trường Pio XII. Sở dĩ tín hữu đông vì có nhiều đoàn hành hương về Roma tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vẫn còn đang viếng thăm Roma.

Đã có hàng chục trẻ em được các cận vệ bế lên để cho Đức Thánh Cha hôn, có em mới chỉ được mấy tháng tuổi. Đó là niềm vui lớn của các bà mẹ. Có nhiều người tặng mũ ”calốt” cho Đức Thánh Cha, ngài lấy đội, rồi trao lại cho họ làm kỷ niệm. Cũng có nhiều người tặng khăn và áo thun cho ngài và ném vào xe díp. Hễ ngài quay qua bên phải lâu quá, thì tín hữu đứng bên trái lại réo gọi. Ngài đã dành hơn 45 phút để chào các tín hữu.

Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha đã tiếp tục giải thích các ơn Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu. Sau ơn khôn ngoan là ơn đầu tiên, ơn thứ hai là ơn thông hiểu. Ngài khẳng định ngay như sau:

Đây không phải là sự thông minh của con người, khả năng hiểu biết mà chúng ta ít nhiều có được. Trái lại, nó là một ơn mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đổ vào trong chúng ta và dấy lên nơi kitô hữu khả năng đi xa hơn khía cạnh bề ngoài của thực tại và thăm dò các sự sâu thẳm nơi tư tưởng của Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.

Khi nói với cộng đoàn Côrintô, tông đồ Phaolô miêu tả đúng các hiệu qủa của ơn này, nghĩa là điều ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần làm nơi chúng ta. Thánh nhân nói như sau: ”Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”. Còn chúng ta chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (1 Cr 2,9-10).

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là một tín hữu kitô có thể hiểu biết mọi sự và tràn đầy các chương trình của Thiên Chúa: tất cả những điều đó còn chờ được tỏ lộ ra trong tất cả sự trong sáng của chúng, khi chúng ta sẽ ở bên Thiên Chúa và thực sự là một với Người. Tuy nhiên, như từ hiểu biết gợi ý, hiểu biết intelletto cho phép ”đọc bên trong” ”intus – leggere”. Ơn này khiến cho chúng ta hiểu các sự vật như Thiên Chúa hiểu, với sự thông minh của Thiên Chúa. Bởi vì một người có thể hiểu một tình trạng với trí thông minh của con người, với sự thận trọng, thì tốt thôi. Nhưng hiểu một tình trạng trong chiều sâu, như Thiên Chúa hiểu, là hiệu quả của ơn ấy. Và Chúa Giêsu đã muốn gửi Chúa Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có ơn ấy, để chúng ta tất cả có thể hiểu các sự vật như Thiên Chúa hiểu chúng, với sự thông hiểu của Thiên Chúa. Đây là một món qùa đẹp mà Chúa đã ban cho tất cả chúng ta.

Đó là ơn, qua đó Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào trong sự thân tình với Thiên Chúa và khiến cho chúng ta được tham dự vào chương trình tình yêu mà Người có đối với chúng ta. Khi đó thật rõ ràng là ơn thông hiểu gắn liền mật thiết với đức tin.

Khi Chúa Thánh Thần ở trong tim chúng ta và soi sáng trí khôn chúng ta, Người làm cho chúng ta lớn lên mỗi ngày trong sự thông hiểu điều mà Chúa đã nói và đã làm. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người: Thầy sẽ gửi Thánh Thần cho anh em và Người sẽ làm cho anh em hiểu tất cả những gì Thầy đã dậy anh em. Hiểu các giáo huấn của Chúa Giêsu, hiểu Lời Người, hiểu Tin Mừng, hiểu Lời của Thiên Chúa. Một người có thể đọc Phúc Âm và hiểu điều gì đó, nhưng nếu chúng ta đọc Phúc Âm với ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta có thể hiểu chiều sâu các lời của Thiên Chúa. Và đây là một ơn lớn, một ơn vĩ đại mà tất cả chúng ta phải xin và xin cùng nhau: Lậy Chúa xin ban cho chúng con ơn thông hiểu.

Trong Phúc Âm thánh Luca có một chuyện diễn tả rất rõ sự sâu thẳm và sức mạnh của ơn đó. Đó là câu chuyện hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Sau khi chứng kiến cái chết trên thập giá và việc chôn cất Đức Giêsu, hai môn đệ tuyệt vọng và tan nát bỏ thành Giêrusalem và trở về làng tên là Emmaus.

Trong khi họ đi đường Chúa Giêsu phục sinh đến đi bên cạnh và bắt đầu nói chuyện với họ, nhưng mắt họ bị che mờ bởi sự buồn đau và nỗi tuyệt vọng nên không nhận ra Người. Chúa Giêsu đi với họ, nhưng họ buồn sầu, họ tuyệt vọng tới nỗi họ không nhận ra Người.

Nhưng khi Chúa giải thích Thánh Kinh, để họ hiểu rằng Người phải đau khổ và chết đi để rồi sống lại, trí khôn họ mở ra và niềm hy vọng tái nhóm trong con tim của họ (x. Lc 24,13-27).

Và đây chính là điều Chúa Thánh Thần làm với chúng ta: Người mở tâm trí chúng ta, Người mở chúng ta ra để hiểu các điều của Thiên Chúa hơn, hiểu các điều của con người, các tình trạng, tất cả mọi sự. Ơn thông hiểu thật là quan trọng đối với cuộc sống kitô. Chúng ta hãy xin Chúa ơn đó, xin Người ban cho chúng ta, ban cho tất cả chúng ta ơn này để hiểu như Người hiểu, hiểu các sự vật xảy ra, và nhất là hiểu Lời Chúa trong Phúc Âm.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, cũng như các phái đoàn đến từ các nước: Benin, Uganda, Nam Phi, Philippines, Đài Loan, Malaysia, hay các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Honduras, Uruguay, Argentina, Mêhicô, Brasil. Ngài cầu mong tín hữu để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc sống.

Chào các tín hữu Ba Lan về Roma tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha cầu mong chứng tá đức tin, đức cậy, đức mến và sự tín thác nơi Lòng Chúa Thương Xót của thánh Gioan Phaolô II đặc biệt sống động trong những ngày này, sự bầu cử của người nâng đỡ cuộc sống và các ý hướng tốt lành của từng người, cũng như các âu lo và niềm vui của người thân, sự phát triển và tương lai an bình của Giáo Hội tại Ba Lan và trong toàn quê hương của họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý được chào có đoàn các trẻ em chịu phép Thêm Sức do Đức Cha Antonio De Luca Giám Mục giáo phận Teggiano-Policastro hướng dẫn; nhóm các nữ tu Salésiennes Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; các chủng sinh giáo phận Catania và Caltagirone; các tham dự viên cuộc hội học do Đại học Santa Croce tổ chức; tín hữu giáo xứ Montecchio hành hương Roma nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập giáo xứ. Đức Thánh Cha cầu mong chuyến viếng thăm mộ các thánh Tông Đồ và các Giáo Hoàng, dịp phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II giúp họ đào sâu đức tin và việc tùy thuộc dân thánh Chúa.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, ngài nhắc cho mọi người biết Giáo Hội mới mừng kính thánh nữ Catarina thành Siena Bổn Mạng Italia và Âu châu. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nữ sống với lương tâm ngay thẳng không nhượng bộ các giàn xếp nhân loại. Ngài nhắn nhủ các bệnh nhân noi gương mạnh mẽ của thánh nữ trong những lúc khổ đau, và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới noi gương đức tin vững vàng của người biết tín thác nơi Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

VATICAN. Hôm 24-4-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cảnh giác giới báo chí đừng rút ra những hệ luận thổi phồng về cú điện thoại mục vụ của ĐTC.

Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết ĐTC gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho bà được xưng tội rước lễ. Tin này được báo chí các nước đăng lại.

Trong thông cáo công bố ngày 24-4-2014, cha Lombardi nói rằng ”có nhiều cú điện thoại đã xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của ĐGH Phanxicô. Những cú điện thoại như thế tuyệt đối không phải là những hoạt động công cộng của ĐGH, nên không nên chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía phòng báo chí Tòa Thánh.”

”Bởi vậy, những điều đã được phổ biến về vấn đề này, rút khỏi khuôn khổ những quan hệ riêng, và sự phóng đại của các cơ quan truyền thông sau đó, không đáng tin cậy và là nguồn mạch gây ra những hiểu lầm và hoang mang.

”Vì vậy cần tránh rút từ vụ này những hệ luận liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội.

Tin về việc ĐGH bảo rằng việc cho người ly dị tái hôn rước lễ lại làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này bùng lên, nhất là trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Hồi tháng 9-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phải cải chính tin cho rằng ĐGH Phanxicô điện thoại cho một thanh niên đồng tính luyến ái người Pháp, để trả lời thư trong đó anh ta nói rằng mình bị giằng co giữa đức tin và xu hướng đồng tính luyến ái của anh. (Apic 24-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối và giải tội

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối và giải tội

VATICAN. Lúc 5 giờ 10 chiều 28-3-2014, ĐTC đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô, với phần xưng thú và giải tội cá nhân sau đó.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, 8 ngàn người đã nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô (4,23-32) trong đó thánh nhân mời gọi các tín hữu hãy canh tân tâm trí và từ bỏ mọi hành vi xấu xa; tiếp đến là bài Tin Mừng theo thánh Gioan (13, 34-35; 15,10-13) qua đó Chúa Giêsu ban giới răn mới cho các môn đệ: hãy thương yêu nhau và tuân giữ các giới răn của Ngài.

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc, ĐTC quảng diễn hai yếu tố:

1. Thứ nhất là 'Hãy mặc lấy con người mới'. Con người mới, ”được tạo dựng theo Thiên Chúa” (Ep 4,24), sinh trong bí tích rửa tội, nơi họ nhận chính sự sống của Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở thành con cái Chúa và tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài.

ĐTC phân biệt đời sống bị tội lỗi làm biến dạng và đời sống được ân thánh soi sáng. ”Từ tâm hồn con người được đổi mới theo Thiên Chúa, nảy sinh những thái độ tốt lành: luôn nói sự thật và tránh gian dối; không trộm cắp, nhưng chia sẻ điều mình có với tha nhân, nhất là những người túng thiếu; không chiều theo cơn giận, oán hờn, và báo thù, nhưng hiền lành, đại đảm và sẵn sàng tha thứ, không nói hành nói xấu làm mất thanh danh người khác, nhưng cố gắng nhìn những khía cạnh tích cực của mỗi người.”

2. Yếu tố thứ hai là ở lại trong tình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu tồn tại mãi mãi, không bao giờ tận, vì là chính sự sống của Thiên Chúa. Tình yêu này chiến thắng tội lỗi và ban sức mạnh để trỗi dậy và trở nên trẻ trung. Thiên Chúa là Cha chúng ta không bao giờ mệt mỏi vì yêu thương, va mắt Ngài không nặng chĩu khi nhìn con đường trước nhà để xem người con đã ra đi và đã hư mất, nay trở về… Thiên Chúa không những là nguồn mạch tình yêu, nhưng trong Chúa Giêsu Kitô, Ngài còn kêu gọi chúng ta nói theo chính cách thức yêu thương của Ngài: ”Như Thầy đã yêu thương các con, các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Tùy theo mức độ Kitô hữu sống tình yêu này, mà họ trở thành môn đệ đáng tin cậy của Chúa Kitô trong thế giới. Tình yêu không chấp nhận khép kín nơi mình. Do bản chất, tình yêu là cởi mở, lan tỏa ra và phong phú, luôn sinh ra tình yêu mới”.

Sau bài giảng của ĐTC, mọi người đã xét mình trong thinh lặng, rồi xưng tội riêng và lãnh nhận bí tích xá giải do 61 linh mục và một số GM ban. Cả ĐTC cũng quì gối xưng tội với một cha giải tội trong một tòa giải tội ở gần cuối nhà thờ. Rồi ngài cũng giải tội cho một số hối nhân. Các cha giải tội hầu hết là các cha dòng thuộc đoàn giải tội ở 4 đại vương cung thánh đường Roma.

Buổi cử hành nghi thức thống hối kết thúc với phần tạ ơn và phép lành của ĐTC.

Đức TGM Rino Salvatore, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái Truyền Giảng Tin Mừng, là cơ quan đã đề xướng việc tổ chức nghi thức thống hối trong khuôn khổ đại lễ tha thứ ”24 giờ cho Chúa” được cử hành ở nhiều giáo phận trên thế giới, nói rằng:

”Sáng kiến này muốn thực sự là một đại lễ trong đó chúng ta được mời gọi suy tư về chính mình, tìm lại sự thật về đời sống chúng ta, và không quá tìm những lý lẽ biện minh cho những gì không tốt xảy ra, trái lại chân thành đặt mình trước Thiên Chúa, và trong kinh nghiệm ấy, sống kinh nghiệm được tha thứ, và được yêu mến mặc dù chúng ta là người tội lỗi”.

Sau nghi thức thống hối và hòa giải ở Đền thờ Thánh Phêrô, 3 thánh đường ở Roma là Nhà thờ Thánh nữ Agnès ở quảng trường Navova, nhà thờ Các Dấu Tích của Chúa ở quảng trường Argentina, va Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria ở khu Trastevere được mở cửa tới nửa đêm để các tín hữu xưng tội và chầu Mình Thánh Chúa. Nhiều bạn trẻ trải qua kinh nghiệm này với những người đồng lứa tuổi về việc tái truyền giảng Tin Mừng”.

Sáng kiến ”24 giờ cho Chúa” kết thúc với Kinh chiều I vào chiều thứ bẩy hôm nay, 29-3. (SD 28-3-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cha Fernández Artime, Tân Bề Trên Tổng quyền dòng Don Bosco

Cha Fernández Artime, Tân Bề Trên Tổng quyền dòng Don Bosco

ROMA. Cha Ángel Fernández Artime, Bề trên tỉnh dòng Argentina, đã được bầu làm tân Bề trên Tổng quyền dòng Salésien Don Bosco. Ngài là người kế vị thứ 10 của thánh sáng lập dòng.

Cha Fernández Artime đã được tổng tu nghị thứ 27 của dòng bầu lên sáng ngày 25-3-2014, ngay trong vòng bỏ hiếu đầu tiên. Cha năm nay 53 tuổi, sinh ngày 21-8 năm 1960 tại Gozón-Luanco, miền Asturias Tây Ban Nha, thụ phong linh mục năm 1987 tại thành phố Léon, rồi đặc trách việc mục vụ giới trẻ, giám đốc trường học Ourense. Cha đậu tiến sĩ thần học mục vụ, cử nhân triết học và sư phạm.

Năm 2009, cha được bổ nhiệm làm Bề trên tỉnh dòng Don Bosco nam Argentina. Trong nhiệm vụ này, đã đã quen biết và đích thân cộng tác với ĐHY Jorge Maria Bergolio, TGM Buenos Aires, nay là ĐGH Phanxicô.

Ngày 23-12 năm 2013, cha Fernández Artime được chỉ định làm Bề trên tỉnh dòng Nam Tây Ban Nha, nhưng hiển nhiên cha không thể thi hành nhiệm vụ này vì nay được bầu làm Bề trên tổng quyền của dòng. Cha kế nhiệm cha Pascual Chávez Villanueva, người Mexico, mãn 2 nhiệm kỳ tổng cộng 12 năm cai quản dòng.

Tổng tu nghị thứ 27 của dòng Salésien Don Bosco đã khai diễn hôm 22-2-2014 tại Torino và rồi tiến hành tại Roma với chủ đề ”Chứng nhân về đặc tính triệt để (radicalità) của Tin Mừng”.

Trong số 220 đại biểu và khách mời thuộc 58 quốc tịch có 3 đại biểu của tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam.

Dòng Salésien Don Bosco hiện có hơn 15,570 tu sĩ, nếu kể cả Đại gia đình của dòng thì có hơn 440 ngàn người gồm các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân hiện diện tại 130 nước trên thế giới. (SD 25-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma: kêu gọi thực thi lòng từ bi

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma: kêu gọi thực thi lòng từ bi

VATICAN. Trong buổi gặp gỡ các LM Roma sáng thứ năm 6-3-2014, ĐTC Phanxicô đặc biệt nhắc nhở các vị thể hiện lòng từ bi đối với các tín hữu, đặc biệt qua bí tích Hòa Giải.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, 9 GM phụ tá, và khoảng 1 ngàn LM và phó tế phục vụ trong 330 giáo xứ thuộc giáo phận Roma.

Trong bài suy niệm sau bài đọc Tin Mừng theo thánh Matheo kể lại sự kiện Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy con người mệt mỏi và kiệt lực như đoàn chiên không có mục tử chăm sóc, ĐTC gợi lại sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa mà thánh nữ Faustina truyền bá và nói rằng: ”Trong tư cách là các thừa tác viên của Giáo Hội, chúng ta có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa được luôn sinh động, nhất là trong các bài giảng, các cử chỉ và dấu hiệu, các quyết định mục vụ, ví dụ trả lại sự ưu tiên cho bí tích Hòa Giải và đồng thời cho các việc bác ái từ bi”.

ĐTC giải thích rằng: ”Chúa Giêsu đã có tâm lòng của Thiên Chúa, nghĩa là đầy dịu dàng đối với dân chúng, nhất là những người bị loại bỏ, các tội nhân, những bệnh nhân không ai chăm sóc.. Vì thế, theo hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục là người từ bi và thương xót, gần gũi dân chúng và phục vụ tất cả mọi người. Bất cứ ai bị thương tổn trong cuộc sống một cách nào đó, có thể tìm thấy nơi vị linh mục sự quan tâm và lắng nghe. Đặc biệt linh mục chứng tỏ lòng từ bi qua việc ban bí tích Hòa Giải; biểu lộ tâm tình ấy trong thái độ, trong cách thức đón nhận, lắng nghe, khuyên bảo và ban phép xá giải..”

ĐTC cảnh giác và phê bình những linh mục ”được khử trùng”, lãnh đạm, những LM ”phòng thí nghiệm”, họ không giúp đỡ Giáo Hội. Ngài nói: chúng ta có thể nghĩ Giáo Hội ngày nay như một bệnh viện dã chiến săn sóc những người bị thương. Và có bao nhiêu ngừơi bị thương vì những vấn đề vật chất, vì những gương mù gương xấu, kể cả trong Giáo Hội, những người bị thương vì những ảo tưởng của trần thế”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC kêu gọi các LM đề phòng tránh hai thái độ lỏng lẻo và ngặt nghèo. Ngài nói: ”Giữa các cha giải tội, có những cách thức khác biệt, đó là điều bình thương, nhưng không thể có sự khác biệt về nòng cốt, nghĩa là về đạo lý luân lý lành mạnh và lòng từ bi. Thái độ lỏng lẻo cũng như thái độ ngặt nghèo đều không làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, và cũng chẳng nâng đỡ những người mà chúng ta gặp”.

ĐTC giải thích rằng ”Người ngặt nghèo đóng đinh con người vào luật lệ được hiểu một cách lạnh lùng và cứng nhắc. Trái lại người lỏng lẻo chỉ có vẻ bề ngoài là từ bi, nhưng thực tế họ không coi trọng vấn đề lương tâm, coi nhẹ tội lỗi.”

”LM thực sự có lòng từ bi thương xót hành động như người Samaritano nhân lành, vì con tim của LM ấy có khả năng cảm thương, đó là con tim của Chúa Kitô.. Chúng ta biết rõ rằng thái độ lỏng lẻo cũng như thái độ ngặt nghèo đều không làm gia tăng sự thánh thiện. Trái lại lòng từ bi tháp tùng và làm gia tăng hành trình thánh thiện”. Sau cùng, ngài mời gọi các LM xét mình xem mình có lòng từ bi, cảm thông với dân chúng, về đời sống cầu nguyện: Ban tối, cha kết thúc mỗi ngày như thế nào? Với Chúa hay với máy truyền hình?

Hai mẫu gương linh mục

ĐTC ứng khẩu kể lại tấm gương của hai linh mục thuộc giáo phận Buones Aires, Argentina: vị thứ nhất nổi bật về việc giải tội và vị thứ hai về lòng từ bi.

”LM thứ nhất còn sống, linh mục nổi bật của Buenos Aires, cha ấy kém tuổi tôi, và sắp được 72 tuổi. Ngày nay phần lớn các linh mục trong giáo phận đến xưng tội với cha ấy. Một hôm cha ấy đến gặp tôi và nói: Thưa cha, con hơi bối rối, con tha thứ nhiều quá. Nhưng khi con cảm thấy cơn bối rối ấy tăng lên mạnh quá, con đến trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa và con nói với Chúa Giêsu: ”Tại Chúa đã làm gương xấu cho con!”

ĐTC Phanxicô bình luận rằng ”Nếu ai sống sự tha thứ ấy thì cũng có thể trao ban sự tha thứ ấy cho người khác”.

Về vị linh mục thứ hai, ĐGH Phanxicô thú nhận là đã lấy trộm Thánh Giá của vị ấy trong quan tài. ”Đó là một linh mục dòng Thánh Thể nổi tiếng và các LM khác cũng đến xưng tội với cha ấy. Một trong hai lần ĐGH Gioan Phaolô 2 đến thăm Argentina, ngài xin gửi đến cho ngài một cha giải tội ở tòa Sứ Thần Tòa Thánh, và người ta đã gửi vị linh mục ấy đến giải tội cho Đức Giáo Hoàng”.

”Khi vị linh mục ấy qua đời, thì tôi đang là Tổng đại diện và ở trong tòa Giám Mục. Tại đó cứ mỗi sáng tôi xuống xem máy Fax để coi có tin gì được gửi tới hay không. Và buổi sáng Phục Sinh, tôi đọc thấy tờ Fax báo: ”Hôm qua, cha Aristide đã qua đời”. Cha được 94 hay 96 tuổi, khoảng đó. Hôm ấy tôi phải đi gặp các linh mục ở nhà dưỡng lão, nhưng sau bữa trưa, tôi đến nhà thờ của cha Aristide. Trong tầng hầm nhà thờ chỉ có quan tài, hai bà cụ già và chẳng có hoa gì cả. Tôi tự nhủ: ”Vị linh mục này đã tha thứ bao nhiêu tội lỗi cho hàng giáo sĩ và giờ đây chẳng có bông hoa nào”. Nghĩ thế tôi đi lên và ra chỗ người bán hoa ở ngã tư đường để mua hoa, hoa hồng.

Trở lại hầm nhà thờ, tôi bắt đầu chuẩn bị trang điểm quan tài với các hoa vừa mua. Lúc ấy tôi nhìn thấy xâu chuỗi mân côi cha Aristide đang cầm ở tay, ”tên trộm' mà mỗi người chúng ta vẫn có trong lòng, chợt xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi liền lấy tay dứt thánh giá nhỏ của xâu chuỗi mân côi trong tay cha Aristide và cầu nguyện với cha: ”Xin cha cho con một nửa lòng từ bi của cha”. Tôi cảm thấy một cái gì mạnh mẽ. Thánh giá ấy tôi bỏ trong một túi nhỏ và luôn mang theo người. Bây giờ áo giáo hoàng không có túi ở ngực, nhưng tôi vẫn luôn mang một túi vải nhỏ bên trong với thánh giá ấy. Và khi có một ý tưởng xấu chống lại ai, thì tôi đặt tay trên túi vải đựng thánh giá ấy, và tôi cảm thấy ơn thánh” (mọi người vỗ tay!). (SD 6-3-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thay đổi hướng đi, tái chiếm lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn thách thức chúng ta. Nó là thời gian hoán cải trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống thái độ sự nhưng không và lòng thương xót của Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 60,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hàng tuần 5-3-2014 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về Mùa Chay. Ngài nói: Thứ Tư lễ Tro hôm nay bắt đầu lộ trình Mùa Chay kéo dài 40 ngày dẫn đưa chúng ta tới Tam Nhật Phục Sinh, tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa là trọng tâm mầu nhiệm cứu độ của chúng ta. Ngài định nghĩa Mùa Chay như sau:

Mùa Chay là thời gian ”mạnh mẽ”, một điểm ngoặt có thể tạo thuận lợi cho từng người trong chúng ta thay đổi, hoán cải: chúng ta tất cả đều cần trở nên tốt lành hơn, thay đổi hướng lên cao, thay đổi cho sự thiện, và Mùa Chay giúp chúng ta làm điều đó. Và như thế chúng ta ra khỏi các tập quán mệt mỏi và việc làm quen lười biếng với sự dữ quấy phá chúng ta. Trong Mùa Chay Giáo Hội hướng tới chúng ta hai lời mời gọi quan trọng: ý thức sống động hơn về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, và sống bí tích Rửa Tội với nhiều dấn thân hơn.

Ý thức về các điều kỳ diệu mà Chúa đã làm đối với ơn cứu rỗi của chúng ta chuẩn bị tâm trí chúng ta cho một thái độ biết ơn đối với Thiên Chúa, về tất cả những gì Người đã ban cho chúng ta, về tất cả những gì Người đã thành toàn cho dân Người và cho toàn thể nhân loại. Từ đây phát xuất ra sự hoán cải của chúng ta: nó là câu trả lời biết ơn đối với mầu nhiệm tuyệt vời của tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta trông thấy tình yêu mà Thiên Chúa có đối với chúng ta, chúng ta cảm thấy muốn tới gần Người và đó là sự hoán cải.

Sống tận cùng bí tích Rửa Tội đó là lời mời gọi thứ hai. Nó có nghĩa là không để cho mình quen với các hoàn cảnh tồi tệ và bần cùng, mà chúng ta gặp khi đi trên các con đường thành phố và đất nước của chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Có nguy cơ chấp nhận một cách thụ động vài cung cách hành xử và không kinh ngạc trước các thực tại buồn thương vây quanh chúng ta. Chúng ta quen với bạo lực, như thể nó là một tin dĩ nhiên thường ngày; chúng ta quen với các anh chi em ngủ ngoài đường, không có một mái nhà để trú ẩn. Chúng ta quen với các người tị nạn đi tìm tự do và phẩm giá, không được đón tiếp như đáng lý ra họ phải được đón tiếp. Chúng ta quen sống trong một xã hội yêu sách không cần Thiên Chúa, trong đó cha mẹ không dậy dỗ con cái cầu nguyện, cũng không dậy con cái làm dấu Thánh Giá.

Tôi xin hỏi anh chị em: con cái anh chị em có biết làm dấu Thánh Giá không? Hãy nghĩ tới điều đó. Các cháu của anh chị em có biết làm dấu Thánh Giá không? Anh chị em có dậy chúng làm dấu Thánh Giá không? Hãy nghĩ và trả lời trong thâm tâm anh chị em. Chúng có biết đọc Kinh Lậy Cha không? Chúng có biết cầu nguyện Đức Mẹ với Kinh Kính Mừng không? Hãy nghĩ và hãy tự trả lời. Sự quen thuộc với các thái độ không kitô và tiện lợi ấy làm tê liệt con tim của chúng ta!

Mùa Chay tới với chúng ta như thời gian quan phòng giúp thay đổi hướng đi, giúp chiếm lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn luôn thách thức chúng ta. Mùa chay được sống như thời gian của sự hoán cải, của sự canh tân cá nhân và cộng đoàn. Qua việc tiến tới gần Thiên Chúa và tin tưởng gắn bó với Tin Mừng. Như thế nó cũng cho phép chúng ta nhìn với đôi mắt mới các anh chị em khác và các nhu cầu của họ.

Vì thế Mùa Chay là thời gian thuận tiện để trở về vời tình yêu đối với tha nhân, một tình yêu biết lấy làm của mình thái độ nhưng không và xót thương của Chúa, là Đấng đã tự làm cho mình trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta được giầu có” (2Cr 8,9). Khi suy niệm các mầu nhiệm chính của đức tin, cuộc khổ nạn, thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô, chúng ta nhận ra rằng ơn Cửu Chuộc vô bờ đã được ban cho chúng ta là do sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì mầu nhiệm tình yêu bị đóng đinh của Người; đức tin đích thật, hoản cải và rộng mở con tim cho người anh em là các yếu tố nòng cốt giúp sống Mùa Chay. Trên con đường này chúng ta muốn khẩn nài sự chở che và trợ giúp của Mẹ Maria với lòng tin tưởng đặc biệt. Ước chi Mẹ là người đầu tiên tin nơi Chúa Kitô, đồng hành với chúng ta trong các ngày cầu nguyện sâu xa và sám hối để được thanh tẩy và canh tân chúng ta tiến tới việc cử hành mầu nhiệm vĩ đại của lễ Vượt Qua của Con Mẹ.

Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương Indonesia, Mehicô, Argentina và Brasil. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc mọi người Mùa Chay thánh thiện.

Trong số các đoàn Italia Đức Thánh Cha chào nhóm các nữ tu y tá của Hiệp hội các Bề Trên tổng quyền dòng nữ, các vị thanh tra các trường công giáo đang tham dự phiện họp đo Liên Hiệp các học viện giáo dục Italia tổ chức tại Roma, nhóm các thanh nữ Thế Hệ Ba của phong trào Tổ Ấm. Khi nghe họ la lớn Đức Thánh Cha nói: ”Các cô gái này ồn ào qúa nhỉ. Ai cũng nghe thấy rồi.” Ngài chúc mọi người trẻ sống đức tin tươi vui và làm chứng cho tình yêu của Chúa đối với mọi người.

Vì lễ Tro đã khai mạc con đường Mùa Chay Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các bạn trẻ sống thời gian ơn thánh này với tinh thần sám hối đích thật, trở về với Thiên Chúa Cha, là Đấng luôn giang tay chờ đón mọi người. Ngài khích lệ các anh chị em đau yếu dâng các khổ đau của họ để cầu nguyện cho ơn trở về của những người sống xa Thiên Chúa. Ngài xin các cặp vợ chồng mới cưới can đảm và quảng đại xây dựng gia đình họ trên đá tảng vững bền của tình yêu Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha xin tái cấp sổ thông hành Argentina

Đức Thánh Cha xin tái cấp sổ thông hành Argentina

pope

Buenos Aires, Argentina , ngày 18 tháng hai năm 2014 / 14:01 (CNA / EWTN News) – . Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái cấp sổ thông hành (hộ chiếu) Argentina của mình, theo Bộ Nội vụ và Giao thông  của Argentina, và sổ thông hành mới sẽ được gửi đến nhà trọ Martha tại Vatican, nơi ĐTC cư ngụ.

" Đức Thánh Cha đã liên lạc với đại sứ Juan Pablo Cafiero tại Vatican, và Ngài với ông đại sứ rằng ông muốn tiếp tục đi du lịch khắp thế giới với sổ thông hành của mình", theo lời Bộ trưởng Nội vụ Florencio Randazzo nói.

Bộ trưởng nói thêm, " Ngài đã điền hồ sơ điện tử vào ngày thứ sáu thông qua các trung tâm kỹ thuật số chúng tôi hoạt động ở Rome. "

Theo tờ La Nacion , Randazzo nói rằng Đức Thánh Francis không muốn bất kỳ ưu đãi đặc biệt , và việc nộp đơn sổ thông hành là theo tính cách bình thường.

Thủ tục xin sổ thông hành của Đức Giáo Hoàng cũng giống như những người dân Argentina , Randazzo giải thích ", một bức ảnh gồm có, dấu lăn tay và chữ ký và việc này thực hiện trong khoảng 15 phút. Trong vài ngày tới, ông sẽ được gởi đến nhà trọ St Martha tại Vatican cũng là nơi cư trú của mình. "

Randazzo nói cử chỉ của Đức Giáo Hoàng và sự lựa chọn của mình để đi du lịch thế giới là đại diện cao nhất của Giáo Hội Công Giáo bằng cách sử dụng tài liệu giống như bất kỳ người Argentina khác " làm cho chúng ta hãnh diện . "

Nguồn CNA

Thái Trọng