Thiên Chúa là Đấng ở cùng con người, đồng hành và lo lắng cho con người

Thiên Chúa là Đấng ở cùng con người, đồng hành và lo lắng cho con người

** Thiên Chúa là Emmanuel, Đấng ở cùng chúng ta và sẽ ở cùng chúng ta cho tới tận thế. Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta, lo lắng cho chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trên con đường lữ hành trần gian.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển đề tài giáo lý về niềm hy vọng kitô bằng cách quảng diễn văn bản trích từ Phúc Âm thánh Mátthêu chương 28 các câu 16 và 18 tới 20 viết rằng: “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến… Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,16.18-20). ĐTC nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20). Các lời cuối cùng của Phúc Âm thánh Mátthêu nhắc lại lời loan báo ngôn sứ chúng ta tìm thấy ở đầu Phúc Âm. “Người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (Mt 1,23; x. Is 7,14). Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta, mọi ngày, cho tới tận thế. Chúa Giêsu sẽ bước đi với chúng ta, mọi ngày, cho tới tận thế.

Toàn Phúc Âm được gói ghém giữa hai câu trích này là các lời thông truyền cho chúng ta mầu nhiệm của một vì Thiên Chúa, mà tên Ngài và căn tính của Ngài là “ở cùng chúng ta”, Ngài không phải là một Thiên Chúa bị cô lập, nhưng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, một cách đặc biệt với chúng ta, nghĩa là với con người.

ĐTC định nghĩa Thiên Chúa của Kitô giáo như sau:

** Thiên Chúa chúng ta không phải là một vì Thiên Chúa vắng mặt, bị bắt cóc bởi một bầu trời rất xa xôi; trái lại Ngài là một vì Thiên Chúa “si mê” con người, yêu thương một cách dịu hiền tới độ không có khả năng tự tách rời khỏi con người. Loài người chúng ta khéo léo trong việc chặt đứt các ràng buộc và các cây cầu. Nhưng Thiên Chúa thì không. Nếu trái tim chúng ta lạnh lùng, thì trái tim của Thiên Chúa vẫn nóng bỏng. Thiên Chúa của chúng ta luôn đồng hành với chúng ta, cả khi, vì mạo hiểm, chúng ta quên Ngài. Trên đỉnh cao chia rẽ việc không tin khỏi lòng tin, thật định đoạt việc khám phá ra rằng chúng ta được Thiên Chúa Cha yêu thương và đồng hành, không bao giờ bị Ngài bỏ rơi.

Đời chúng ta là một cuộc hành hương, một con đường. Cả những người được đánh động bởi một niềm hy vọng thuần tuý nhân loại, cũng nhận thức được cám dỗ ở chân trời thúc đẩy họ khám phá các thế giới họ chưa biết tới. Linh hồn chúng ta là một linh hồn di cư. Thánh Kinh đầy những câu chuyện  của người hành hương và khách lữ hành. Ơn gọi của Abraham bắt đầu với lệnh truyền này: “Hãy rời bỏ xứ sở” (St 12,1). Và tổ phụ rời khỏi mảnh thế giới mà ông biết rõ và nó là một  trong các nôi của nền văn minh thời đó. Chúng ta không trở thành người trưởng thành, nếu không nhận thức ra sự hấp dẫn của chân trời: ranh giới giữa trời và đất đòi được đạt tới bởi một dân tộc gồm những người bước đi.

Trong lộ trình của mình trên thế giới, con người không bao giờ cô đơn. Nhất là kitô hữu không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, bởi vì Chúa Giêsu bảo đảm không chỉ chờ đợi chúng ta vào cuối hành trình của chúng ta, nhưng đồng hành với từng người trong chúng ta mọi ngày.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nêu lên câu hỏi: Việc Thiên Chúa săn sóc cho con người kéo dài cho tới khi nào? Cho tới khi nào Chúa Giêsu bước đi với chúng ta, cho tới khi nào Ngài sẽ săn sóc chúng ta?

Câu trả lời của Phúc Âm không để cho chúng ta nghi ngờ: cho tới tận thế! Trời đất sẽ qua đi, các niềm hy vọng của con người sẽ bị xoá nhoà, nhưng Lời Chúa lớn lao hơn mọi sự sẽ không qua đi. Và Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa Giêsu bước đi với chúng ta. Sẽ không có ngày nào trong cuộc sống mà con tim của Thiên Chúa không lo lắng cho chúng ta. Nhưng có ai đó có thể nói: “Cha đang nói gì vậy?” Tôi nói điều này: sẽ không có ngày nào trong cuộc sống trong đó chúng ta sẽ thôi là một âu lo đối với Thiên Chúa. Ngài lo lắng cho chúng ta, và bước đi với chúng ta. Và tại sao Ngài làm điều đó? Một cách đơn sơ bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Anh chị em đã hiểu điều này chưa? Ngài yêu thương chúng ta.

Và chắc chắn Thiên Chúa sẽ lo liệu cho mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta trong lúc gặp thử thách và đen tối. Sự chắc chắn này xin đuợc làm tổ trong tâm hồn chúng ta để không bao giờ bị tắt ngấm. Có ai đó gọi nó là “Sự Quan Phòng”. Nghĩa là sự gần gũi của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, việc Thiên Chúa bước đi với chúng ta cũng gọi là sự “Quan Phòng của Thiên Chúa”. Ngài thấy trước cho cuộc sống chúng ta.

** Không phải vô tình mà giữa các biểu tượng kitô của niềm hy vọng có một biểu tượng tôi rất thích: đó là cái mỏ neo. Nó diễn tả rằng niềm hy vọng của chúng ta không mơ hồ; nó không lẫn lộn với tâm tình thay đổi của người muốn cải tiến các chuyện của thế giới này một cách không thể thực hiện được, chỉ cậy dựa trên sức mạnh của ý chí riêng. ĐTC giải thích gốc rễ niềm hy vọng kitô như sau:

Thật ra, niềm hy vọng kitô  có gốc rễ không phải trong sự hấp dẫn của tương lai, nhưng trong sự chắc chắn về điều Thiên Chúa đã hứa và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Nếu Ngài đã bảo đảm với chúng ta là sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nếu khởi đầu của mỗi ơn gọi là một “Theo Ta”, mà Ngài bảo đảm với chúng ta là sẽ luôn luôn ở trước chúng ta, thì tại sao lại sợ hãi? Với lời hưá này các kitô hữu có thể bước đi ở khắp nơi. Cả khi đi qua các phần thế giới bị thương tích, nơi các sự việc không chạy tốt đẹp, chúng ta ở giữa những kẻ vẫn tiếp tục hy vọng. Thánh vịnh nói: “Dù qua qua thung lũng âm u, con không sợ nguy khốn, vì Chúa ở cùng con” (Tv 23,4). Chính ở đâu tối tăm lan tràn, thì cần thắp lên một ánh sáng. Chúng ta hãy trở lại với cái mỏ neo. Đức tin của chúng ta là mỏ neo trên trời. Chúng ta có cuộc sống được neo vào trên trời. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta bám chặt vào dây: nó luôn luôn ở đó. Và chúng ta tiến tới, bởi vì chúng ta chắc chắn rằng cuộc sống chúng ta có một mỏ neo trên trời, trên bờ nơi chúng ta sẽ tới.

Chắc chắn rồi, nếu chúng ta chỉ tin tưởng nơi các sức mạnh của chúng ta thôi, chúng ta sẽ có lý để  cảm thấy  thất vọng và thua cuộc, vì thế giới thường chứng minh cho thấy nó chống lại các luật lệ của tình yêu. Biết bao lần nó thích các luật lệ của ích kỷ. Nhưng nếu còn sống trong chúng ta xác tín Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và thế giới một cách dịu hiền, thì khi đó viễn tượng lập tức thay đổi. Người xưa có nói: “Con người lữ hành, đuợc nâng đỡ bởi niềm hy vọng”. Dọc dài con đường, lời hứa của Chúa Giêsu “Thầy ở cùng các con” khiến cho chúng ta đứng vững, được nâng đỡ, với viềm hy vọng, bằng cách  tín thác rằng Thiên Chúa nhân từ đã hoạt động để thực hiện điều xem ra không thể được một cách nhân loại, bởi vì mỏ neo ở trên bãi biển trên trời.

Dân thánh trung thành của Thiên Chúa là dân đứng trên chân – là người lữ hành – và bước đi, mà đứng thẳng và bước đi trong hy vọng. Và bất cứ đâu họ đi, họ đều biết rằng Thiên Chúa đi trước họ: không có phần đất nào trên thế giới vượt thoát khỏi chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh. Và chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh là chiến thắng nào?  Chiến thắng của tình yêu.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau trong đó có Hiệp hội giáo hoàng truyền giáo do ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon hướng dẫn, cũng như cộng đoàn Con Tầu của ông Jean Vanier, và các tín hữu đến từ Pháp và Bỉ. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Phần Lan, Nigeria, Australia, Niu Dilen, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Kitô Phục Sinh đổ tràn đầy tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha xuống trên họ và gia đình họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ngài chào tín hữu đến từ Gais vùng Alto Adige, do ĐC Ivo Muser hướng dẫn, các nữ sinh trường Đức Bà Diessen. ĐTC cũng chào các tín hữu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil, đặc biệt là sinh viên học sinh Carcavelos và Porto Alegre, cũng như tín hữu các giáo xứ Queluz và cộng đoàn Obra de Maria, các tỉnh trưởng và nhân viên phối hợp vùng Bairrada, các quân nhân và các thường dân đua xe đạp. Ngài phó thác mọi công việc phục vụ tha nhân của họ cho Đức Mẹ.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC nói Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã mừng lễ Lòng Thương Xót Chúa và lễ kính thánh Adalberto, Bổn Mạng Ba Lan,  cũng như kỷ niệm 600 năm thành lập toà Giáo chủ Gniezno. ĐTC phó thác cho thánh Giám Mục tử đạo các chủ chăn và tín hữu Ba Lan và khích lệ họ duy trì sống động truyền thống tinh thần và văn hóa cao quý của Ba Lan.

Ngài cũng chào tín hữu Croat đặc biệt là các sinh viên trường sĩ quan cũng như các sĩ quan do ĐC Jure Bogdan hướng dẫn. Ngài xin Thiên Chúa chúc lành cho họ trong mọi sứ mệnh hoà bình của họ.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các cặp vợ chồng tổng giáo phận Ancona Osimo mừng 50 năm thành hôn và cầu mong chuyến hành hương Roma giúp họ tái khám phá ra các bí tích đã nhận lãnh như dấu chỉ hữu hiệu của ơn thánh Chúa trong cuộc sống. Ngài xin họ nói với giới trẻ rằng cuộc sống hôn nhân kitô rất đẹp. Ngoài ra ĐTC cũng chào các tham dự viên đại hội xây cất chống động đất tại châu Mỹ Latin, do Đại học âu châu tổ chức, các cha dòng Ngôi Lời cao niên tuổi thứ ba, hiệp hội Linh Mục bóng đá và tín hữu nhiều giáo phận Italia. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố ý thức thuộc gia đình giáo hội của từng người.

Chào giới trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc thứ ba vừa qua là lễ kính thánh sử Mạccô, môn đệ của thánh Phaolô. Cầu mong cho người trẻ biết noi gương thánh sử quyết tâm theo Chúa ; xin thánh nhân trợ giúp các anh chị em đau yếu trong thử thách khó khăn, và nhắc cho các đôi tân hôn biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Comments are closed.