Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-1-2017 dành cho Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, ĐTC đã nói về đề tài ”an ninh và hòa bình” trên thế giới.

Ngài lên án nạn khủng bố trên thế giới, đề cao tầm quan trọng của tự do tôn giáo, loại trừ những nguyên nhân bất hòa gây ra chiến tranh, giải quyết vấn đề di dân và tị nạn, bảo vệ thiên nhiên như căn nhà chung, lên án nạn buôn bán võ khí, tái lập hòa bình tại Irak, Siria, và Yemen.

Buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi trước sự hiện diện của đại diện 182 quốc gia và các tổ chức quốc tế.  Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, và ngài hài lòng ghi nhận trong năm qua, con số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh thường trú ở Roma gia tăng, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie cách đây 1 tháng. Ngài cũng cám ơn nhiều vị Đại sứ thường trú ở Roma, con số gia tăng trong năm ngoái, và cả các Đại sứ không thường trú. Ngài cũng nhắc đến các cuộc viếng thăm của các vị Quốc trưởng và Thủ tướng tại Tòa Thánh trong năm qua, trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, cũng như việc ký kết nhiều hiệp định thư giữa Tòa Thánh và một số nước.

ĐTC nhắc đến sự kiện cách đây đúng 100 năm thế giới đang ở giữa thế chiến thứ I, năm 1917, cuộc chiến ngày càng trở nên cuộc chiến hoàn cầu. 100 năm sau, nhiều nơi trên thế giới được hưởng an bình lâu dài, tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế và những hình thức an sinh chưa từng có. Nhưng nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người vẫn đang sống giữa các cuộc xung đột vô nghĩa.

Hòa bình hồng ân của Thiên Chúa và vai trò của tôn giáo

ĐTC nói: ”Vì vậy, tôi muốn dành cuộc gặp gỡ hôm nay để nói về đề tài an ninh và hòa bình, vì trong bầu không khí sợ hãi nói chung đối với hiện tại, và sự bất định, lo âu về tương lai hiện nay, tôi thấy cần nói lên một lời hy vọng, và chỉ cho thấy một viễn tượng hành trình.

Cách đây vài ngày chúng ta đã cử hành Ngày Thế Giới hòa bình lần thứ 50, ngày này đã được vị tiền nhiệm của tôi, Chân phước Phaolô 6 thiết lập [….). Đối với các tín hữu Kitô, hòa hình là một hồng ân của Chúa, được các thiên thần tung hô và ca hát khi Chúa Kitô sinh ra: ”Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dươi thế cho những người Chúa thương” (Lc 2,14). Hòa bình là một thiện ích tích cực, là ”kết quả của trật tự Thiên Chúa in vào xã hội loài người”, và không phải chỉ là sự vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không thể thu hẹp vào việc quân bình hóa các thế lực đối nghịch nhau, đúng hơn nó đòi hỏi sự dấn thân của những người thiện chí nồng nhiệt khao khát một nền công chính ngày càng hoàn hảo hơn.

Trong viễn tượng đó, tôi bày tỏ xác tín mạnh mẽ rằng mỗi biểu hiện tôn giáo đều được kêu gọi thăng tiến hòa bình. Tôi đã có thể cảm nghiệm điều đó một cách ý nghĩa trong Ngày Thế Giới cầu nguyện cho hòa bình, nhóm tại Assisi hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó các đại diện tôn giáo họp nhau cùng mang lại tiếng nói cho những người đau khổ, những ngừơi không có tiếng nói, cũng như trong cuộc viếng thăm của tôi tại Đại Hội đường Do thái ở Roma hoặc Đền thờ Hồi giáo ở thành phố Baku.

Chúng ta biết không thiếu những bạo lực vì lý do tôn giáo, đi từ chính Âu châu này, nơi mà những chia rẽ lịch sử giữa các tín hữu Kitô đã kéo dài quá lâu. Trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi ở Thụy Điển, tôi đã muốn nhắc nhở nhu cầu cấp thiết phải chữa lành những vết thương quá khứ và đồng hành tiến về những mục tiêu chung. Nơi căn bản của cuộc đồng hành như thế không thể thiếu cuộc đối thoại chân thành giữa các tôn giáo khác nhau. Đó là một cuộc đối thoại có thể thực hiện và là điều cần thiết, như tôi đã chứng tỏ trong cuộc gặp gỡ tại Cuba với Đức Thượng Phụ Kirill thành Mascơva, cũng như trong các cuộc tông du của tôi tại Armeni, Giorgia, và Azerbaigian, những nơi mà tôi nhận thấy khát vọng chính đáng của dân chúng muốn giải quyết các cuộc xung đột từ lâu đang làm thương tổn sự hòa hợp và hòa bình.

Đồng thời, chúng ta cũng không nên quên nhiều công trình, lấy hứng từ tôn giáo, đang góp phần vào việc xây dựng công ích, qua việc giáo dục, từ thiện, nhất là trong những vùng khó khăn và là nơi diễn ra xung đột. Nhiều khi việc đóng góp ấy được thực hiện tới mức độ hy sinh của các vị tử đạo. Các công trình đó góp phần vào hòa bình và cho thấy cách thức người ta có thể sống cụ thể và làm việc chung với nhau, dù thuộc các dân tộc, văn hóa và truyền thống khác nhau, nếu phẩm giá con người được đặt ở trung tâm mọi hoat động của mình.

Lên án lạm dụng tôn giáo để khủng bố

ĐTC nêu nhận xét: ”Rất tiếc chúng ta thấy rằng ngày nay kinh nghiệm tôn giáo, thay vì cởi mở đối với tha nhân, nhiều khi nó có thể bị lạm dụng để khép kín, gạt ra ngoài lề và gây ra bạo lực. Tôi đặc biệt nghĩ đến nạn khủng bố do trào lưu cực đoan, trong năm qua đã đốn ngã nhiều nạn nhân trên thế giới: tại Afganistan, Bangladesh, Bỉ, Burkina Faso, Ai Cập, Pháp, Đức, Giordani, Irak, Nigeria, Pakistan, Hoa Kỳ, Tunisi và Thổ Nhĩ Kỳ. Những vụ khủng bố ấy là những hành vi hèn nhát, dùng các trẻ em để giết người, như tại Nigeria; tấn công những người đang cầu nguyện, như tại Nhà thờ chính tòa Copte ở Cairo, những người du hành hoặc làm việc, như ở Bruxelles, những người đi dạo ở đường phố như ở Nice và Berlin, hoặc những người đón mừng năm mới như ở Istanbul.

Đó là một sự sát nhân điên rồ, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo chết chóc, trong toan tính khẳng định ý muốn thống trị và quyền lực. Vì thế tôi kêu gọi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo hãy hiệp sức để mạnh mẽ tái khẳng định rằng không bao giờ có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nạn khủng bố do trào lưu cực đoan là kết quả của một sự lầm than trầm trọng về tinh thần, kèm theo đó có một sự nghèo nàn về mặt xã hội. Nó chỉ có thể hoàn toàn bị đánh bại với sự đóng góp chung của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Các vị lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ thông truyền các giá trị tôn giáo không chấp nhận sự đối nghịch giữa lòng kính sợ Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Các vị lãnh đạo chính trị có nhiệm vụ bảo đảm trong lãnh vực công cộng quyền tự do tôn giáo, nhìn nhận sự đóng góp tích cực và xây dựng mà tự do tôn giáo thi hành trong việc xây dựng xã hội dân sự, trong đó người ta không thể coi như những điều đối nghịch giữa một đàng là sự thuộc về xã hội theo nguyên tắc quyền công dân, và bên kia là chiều kích tinh thần của cuộc sống. Ngoài ra, người cai trị có trách nhiệm tránh tạo nên những hoàn cảnh bị biến thành môi trường thuận tiện cho sự lan tràn chủ nghĩa duy căn cực đoan. Điều này đòi phải có những chính sách xã hội thích hợp để bài trừ nạn nghèo đói, cùng với sự thăng tiến chân thành giá trị của gia đình, như nơi ưu tiên để con người triển nở và cần đầu tư dồi dào vào lãnh vực giáo dục và văn hóa.

 Nghĩa vụ của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền

”Về vấn đề này, tôi quan tâm đón nhận sáng kiến của Hội đồng Âu Châu về chiều kích tôn giáo, đối thoại liên văn hóa, năm ngoái có chủ đề là vai trò của giáo dục trong việc phòng ngừa sự cực đoan hóa, dẫn đến nạn khủng bố và cực đoan bạo lực. Đó là một cơ hội để đào sâu sự đóng góp của hiện tượng tôn giáo và vai trò của giáo dục cho việc bình định hóa xã hội, vốn là điều cần thiết cho sự sống chung trong một xã hội đa văn hóa.

Theo nghĩa đó tôi muốn bày tỏ xác tín này: mỗi chính quyền không thể chỉ giới hạn vào việc bảo đảm an ninh cho các công dân của mình mà thôi – ý niệm này có thể dễ dàng thu hẹp vào một thứ sống yên hàn – nhưng họ còn được kêu gọi cổ võ và thi hành hòa bình. Hòa bình là một nhân đức tích cực, đòi phải có sự dấn thân và cộng tác của mỗi cá nhân cũng như của toàn thể xã hội. Như Công đồng chung Vatican II đã nhận xét, ”hòa bình không bao giờ là điều đạt được một lần cho tất cả, nhưng là một tòa nhà cần được liên tục xây dựng”, bằng cách bảo vệ thiện ích của con người, tôn trọng phẩm giá của họ. Xây dựng hòa bình trước tiên đòi phải từ bỏ bạo lực khi đòi hỏi các quyền của mình. Tôi đã dành Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới năm nay, 2017, để nói về nguyên tắc đó. Sứ điệp có tựa đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”, trước tiên kêu gọi làm sao để bất bạo động là một đường lối chính trị, dựa trên công pháp và phẩm giá của mỗi người”.

Loại trừ những nguyên nhân cản trở việc xây dựng hòa bình

”Xây dựng hòa bình cũng đòi phải loại trừ những nguyên nhân bất hòa tạo nên chiến tranh, bắt đầu từ những bất công. Thực vậy có một liên hệ mật thiết giữa công lý và hòa bình. Như Thánh Gioan Phaolô 2 đã nhận xét, vì công lý của con người luôn mong manh và bất toàn, có những giới hạn và chịu ảnh hưởng của lòng ích kỷ cá nhân và nhóm, nên công lý ấy phải được thực thi, và bổ túc bằng sự tha thứ chữa lành các vết thương và tái lập sâu xa các quan hệ giữa con người đã bị xáo trộn […]. Tha thứ không hề trái ngịch với công lý, nhưng đúng hơn, nó nhắm đến sự sung mãn của công lý, đến sự yên hàn trong trật tự, chữa lành trong chiều sâu cho các vết thương làm tâm hồn rướm máu. Để đạt được sự chữa lành như thế, công lý và tha thứ đều là những điều thiết yếu”. Những lời này, ngày nay có tính chất thời sự hơn bao giờ hết, đã được sự sẵn sàng đón nhận của một số vị Quốc trưởng và thủ tướng chính phủ đối với lời mời gọi của tôi và đã thực hiện một cử chỉ ân xá đối với các tù nhân. […]

Lòng thương xót

Tôi xác tín rằng đối với nhiều người, Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót là một cơ hội đặc biệt thích hợp để khám phá ảnh hưởng to lớn và tích cực của lòng thương xót như một giá trị xã hội. Mỗi người có thể góp phần tạo nên một nền văn hóa lòng thương xót, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ tha nhân: một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác trong sự dửng dưng, và cũng không ngoái nhìn đi nơi khác để không thấy sự đau khổ của những người anh em”. Chỉ như thế chúng ta mới có thể kiến tạo những xã hội cởi mở và hiếu khách đối với người ngoại quốc và đồng thời được an ninh và hòa bình trong quốc nội. Điều này càng cần thiết ngày nay, đang lúc có những làn sóng di dân đông đảo ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người tị nạn và di tản ở một số miền ở Phi châu, Đông Nam Á, và những người chạy trốn khỏi những vùng xung đột ở Trung Đông. (…)

Vấn đề di dân

”Vấn đề di dân là một vấn đề không thể để cho một vài nước lãnh đạm dửng dưng, trong khi những nước khác phải hỗ trợ gánh nặng nhân đạo, nhiều khi với những cố gắng lo lớn và khó khăn nặng nề, để đương đầu với tình trạng cấp thiết dường như vô tận. Tất cả đều phải cảm thấy mình là những người xây dựng và góp phần vào công ích quốc tế, kể cả qua những cử chỉ nhân đạo cụ thể, như những yếu tố thiết yếu hòa bình và phát triển mà các quốc gia và hàng chiều người đang chờ đợi. Vì thế tôi biết ơn các nước quảng đại đón nhận những người ở trong tình trạng ở trong tình trạng cần được giúp đỡ, bắt đầu từ các nước Âu Châu, đặc biệt là Italia, Đức, Hy Lạp và Thụy Điển.

”Tôi vẫn còn giữ ấn tượng mạnh về cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại đảo Lesvos, cùng với những người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Barlolomaios và Đức TGM Ieronymos; tại đảo đó tôi đã thấy và động chạm đến tình trạng thê thảm của các trại tị nạn, và cũng thấy tình nhân đạo và tinh thần phục vụ của nhiều người dấn thân trợ giúp người tị nạn. Không được quên sự đón tiếp của các nước Âu Châu và Trung Đông, trong đó có Liban, Giordani, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sự dấn thân của nhiều nước Phi châu và Á châu. Cả trong cuộc viếng thăm của tôi ở Mêhicô, nơi tôi đã cảm nghiệm niềm vui của dân Mêhicô, tôi đã thấy gần gũi hàng ngàn người di dân từ Trung Mỹ, họ phải chịu những bất công kinh khủng và những nguy hiểm khi tìm cách đạt được một tương lai tốt đẹp hơn, họ là nạn nhân của những vụ bóc lột và là đối tượng buôn bán đáng lên án, một hình thức nô lệ tân thời là nạn buôn người.

Trong phần kế tiếp của bài diễn văn dài, ĐTC tố giác quan niệm thu hẹp về con người, góp phần phổ biến bất chính, sự bất bình đẳng xã hội và hiện tượng tham nhũng… Tệ nạn lạm dụng trẻ em và người trẻ bị cưỡng bách lao động, hoặc bị lạm dụng như ngài đã viết trong thư gửi các GM nhân ngày lễ các Thánh Anh hài mới đây. Ngoài ra có những ngừơi trẻ đang chịu đau khổ vì chiến tranh và xung đột, như cuộc xung đột thảm khốc tại Siria.

Chống lại tình trạng chiến tranh trên đây, ĐTC kêu gọi bài trừ nạn buôn bán ma túy cũng như sự chạy đua sản xuất và phổ biến các võ khí ngày càng tối tân. Ngài không quên vấn đề bảo vệ môi trường và nói rằng:

Chăm sóc thiên nhiên

”Xây dựng hòa bình cũng có nghĩa là tích cực hoạt động để chăm sóc thiên nhiên. Hiệp định Paris về khí hậu mới bắt đầu có hiệu lực là một dấu chỉ quan trọng về sự dấn thân chung để để lại cho những người đến sau chúng ta một thế giới đẹp đẽ và có thể sống được. Tôi cầu mong nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian gần đây để đương đầu với những thay đổi khí hậu ngày càng tìm được sự cộng tác rộng rãi của tất cả mọi người, vì trái đất là nhà chung của chúng ta, và cần để ý rằng những chọn lựa của mỗi người có ảnh hưởng trên cuộc sống của tất cả.

Động đất

”Nhưng một điều hiển nhiên là có những hiện tượng vượt quá khả năng của hoạt động con người. Tôi muốn nói đến nhiều vụ động đất xảy ra tại một số miền trên thế giới. Trước tiên tôi nghĩ đến những vụ động đất ở Ecuador, Italia, và Indonesia, gây ra nhiều nạn nhân, và nhiều người vẫn còn phải sống trong những điều kiện bấp bênh. Tôi đã đích thân viếng thăm một số vùng bị động đất ở miền trung Italia. Tại đây tôi đã nhận thấy những vết thương mà động đất gây ra cho một miền đất phong phú về nghệ thuật và văn hóa, tôi đã có thể chia sẻ đau khổ của bao nhiêu người đồng thời lòng can đảm của họ và quyết tâm tái thiết những gì đã bị phá hủy. Tôi cầu mong rằng tình liên đới đã liên kết nhân dân Italia trong những giờ sau các trận động ấy đất tiếp tục linh hoạt toàn thể đất nước, nhất là trong thời điểm khó khăn của lịch sử. Tòa Thánh và Italia đặc biệt gắn bó với nhau vì những lý do lịch sử văsn hóa và địa lý. Mối liên hệ ấy đặc biệt hiển nhiên trong Năm Thánh và tôi cám ơn tất cả các giới chức chính quyền Italia vì sự giúp đỡ trong việc tổ chức biến cố ấy, và bảo đảm an ninh cho các tín hữu hành hương từ các nơi đến đây.”

G. Trần Đức Anh OP 

Comments are closed.