Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: chúa nhật 1-7-2012

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: chúa nhật 07-01-2012

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa chúa nhật 07-01-2012, ĐTC mời gọi các tín hữu hoạt động trong ngành y tế hãy biểu lộ lòng từ bi và yêu thương của Chúa cho các bệnh nhân.

Tham dự buổi đọc kinh có hàng ngàn tín hữu hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng gay gắt của mùa hè. Đây là buổi đọc kinh truyền tin cuối cùng tại Quảng trường này trước khi ĐTC di chuyển đến Dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo từ chiều thứ ba, 07-03-2012, và ngài chỉ trở lại Vatican vào cuối tháng 9 tới đây.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Tin Mừng chúa nhật thứ 13 thường niên hôm qua, với giai thoại Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành một em bé gái và một phụ nữ bị bệnh băng huyết. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật hôm nay, thánh sử Marco kể lại cho chúng ta trình thuật hai cuộc chữa lành bệnh một cách lạ lùng mà Chúa Giêsu thực hiện cho hai người nữ: trước tiên là con gái của một thủ lãnh Hội đường tên là Giairo, và tiếp đến là một phụ nữ bị bệnh băng huyết (Xc Mc 5,21-43). Đó là hai giai thoại trong đó ngươi ta có thể đọc ở hai bình diện: bình diện thể lý thuần túy: Chúa Giêsu cúi mình trên đau khổ của nhân loại và chữa lành thân xác; và bình diện thiêng liêng: Chúa Giêsu đến để chữa lành tâm hồn con người, ban cho họ ơn cứu độ và kêu gọi họ hãy tin nơi Ngài. Thực vậy, trong giai thoại thứ nhất, khi hay tin con gái của Ông Giairo đã chết, Chúa Giêsu nói với viên thủ lãnh Hội đường: ”Đừng sợ, nhưng hãy tin!” (v.36), ngài dẫn ông đi vào nơi em bé gái đang nằm và Ngài kêu lên: ”Hỡi bé gái, Ta bảo con: hãy chỗi dậy!” (v.41). Và em bé chỗi dậy, bước đi. Thánh Giêrônimo chú giải những lời này, nhấn mạnh đến quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu: ”Hỡi em bé, hãy chỗi dậy cho Ta: không do công trạng của con, nhưng do ơn thánh của Ta. Vậy con hãy trỗi dậy cho Ta: sự kiện được chữa lành không tùy thuộc sức mạnh của con” (Omelie sul Vangelo di Marco,3).

”Giai thoại thứ hai, – người đàn bà bị bệnh băng huyết, – lại làm nổi bật thể thức Chúa Giêsu đến để giải thoát con người trong toàn thể. Thực vậy, phép lạ diễn ra theo hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất diễn ra sự chữa lành thể lý, nhưng giai đoạn này có liên hệ chặt chẽ với sự chữa lành sâu xa hơn, sự lành bệnh mà ơn thánh của Chúa ban cho những người cởi mở tin tưởng nơi Ngài. Chúa Giêsu nói với phụ nữ: ”Hỡi con, đức tin đã cứu con. Con hãy đi bình an và được lành khỏi bất hạnh của con!” (Mc 5,34).

Hai giai thoại lành bệnh này, đối với chúng ta, là một lời mời gọi hãy vượt lên trên quan niệm hoàn toàn theo chiều ngang và duy vật về cuộc sống. Chúng ta xin Chúa giải thoát khỏi bao nhiêu vấn đề, khỏi những khốn khó cụ thể, và đó là điều chính đáng, nhưng điều mà chúng ta phải nài nỉ cầu xin, chính là một niềm tin ngày càng vững chắc, xin Chúa đổi mới cuộc sống chúng ta và xin một niềm tín thác vững mạnh nơi tình yêu, nơi sự quan phòng của Chúa, Ngài không bỏ rơi chúng ta.

Chúa Giêsu quan tâm đến đau khổ của con người, ngài cũng giúp chúng ta nghĩ đến tất cả những người đang giúp các bệnh nhân vác thánh giá của họ, đặc biệt là các bác sĩ, các nhân viên y tế và các vị tuyên úy nhà thương. Họ là ”những kho dự trữ tình thương” mang lại thanh thản và hy vọng cho những người đau khổ. Trong thông điệp ”Deus caritas es”, Thiên Chúa là tình thương, tôi đã nhận xét rằng trong việc phục vụ quí giá ấy, trước tiên cần có khả năng nghề nghiệp chuyên môn – đó là một nhu cầu cơ bản đầu tiên, – nhưng khả năng này tự nó không đủ. Thực vậy, con người còn cần tình người và cần sự quan tâm của người khác. ”Vì thế, ngoài việc chuẩn bị về nghề nghiệp, các nhân viên y tế ấy còn cần đặc biệt một sự ”huấn luyện về tâm hồn”: cần dẫn đưa các bệnh nhân đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trong Chúa Kitô là Đấng khơi dậy nơi họ tình thương và cởi mở tâm hồn họ đối với tha nhân” (n.31).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng hành trình đức tin của chúng ta và sự dấn thân yêu thương cụ thể của chúng ta, nhất là đối với những người đang ở trong tình trạng khốm khó, đồng thời chúng ta cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho các anh chị em đang chịu đau khổ trong thân xác và tinh thần.

Chào thăm bằng các thứ tiếng

Sau khi ban phép lành, như thường lệ, ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Sloveni, Ba Lan và Italia. Ngài không quên gửi đến họ những lời nhắn nhủ thích hợp.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các hội viên Hội Bạn hữu thánh nữ Veronica ở Liban, và nói rằng: ”Trong mùa hè này, tôi mời gọi anh chị em hãy biết dành thời giờ cho Thiên Chúa. Hãy biết làm chứng về sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta. Hãy trở thành những người mang lòng từ bi và sự dịu hiền của Chúa đến cho mỗi người mà anh chị em gặp, nhất là những người đau khổ. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy gạt qua những sợ hãi và nghi ngờ của chúng ta, và hãy hãnh diện làm chứng về niềm tin của chúng ta.

Với các tín hữu tiếng Đức, ĐTC nói: ”Tôi vui mừng chào tất cả các tín hữu và du khách nói tiếng Đức. Tin Mừng theo thánh Marco mà chúng ta đọc trong năm nay vẫn thuật lại cho chúng ta những lần Chúa Giêsu chữa lành và hồi sinh cho những người bị người khác cô lập và bị bỏ rơi. Tình thương của Thiên Chúa trao ban sự sống và cộng đoàn hiệp thông. Nhưng chúng ta chỉ thực sự là những người được lãnh nhận hồng ân nếu chúng ta cũng trở thành những người trao ban. Chỉ khi trao ban, từ bỏ và trao tặng, thì chúng ta mới nhận lãnh điều mà chúng ta không đáng lãnh nhận. Xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn và ban ánh sáng của Ngài cho anh chị em để cởi mở đối với điều thiện và kiện toàn những điều ấy”.

Với các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ thuộc giáo xứ thánh Augustino ở Guadalix. Ngài nói: ”Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với ông Giairo: ”Đừng sợ nhưng hãy tin” và cầm tay con gái của ông, Ngài làm cho em hồi sinh. Anh chị em thân mến, qua đức tin, Chúa Giêsu làm cho chúng ta được tham dự chính sự sống thần linh của Ngài. Ước gì thời kỳ nghỉ hè này là một cơ hội để củng cố đức tin, qua việc cầu nguyện và bác ái.”

Sau cùng, khi chào thăm bằng tiếng Ý, ĐTC nhắc đến các tín hữu thuco giáo xứ thánh Gioan Tẩy Giả ở Latisana và các giáo dân thuộc gia đình thánh Camillo ở miền Piemonte tây bắc Italia. Cho tất cả mọi người, Ngài cầu chúc một chúa nhật tốt đẹp và một tháng 7 thanh thản, nghỉ hè an vui.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐGM Phú Cường và Qui Nhơn

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐGM Phú Cưng và Qui Nhơn

VATICAN. Hôm 30-6-2012, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, GM Quy Nhơn và Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú Cường. Hai vị GM Phó của hai giáo phận đương nhiên kế nhiệm theo luật.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn năm nay 76 tuổi, sinh ngày 15-12-1936 tại Gò Thị, thụ phong LM ngày 21-12-1968 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM chính tòa Quy Nhơn cách đây 13 năm, ngày 3-6-1999.

Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, tân GM chính tòa Qui Nhơn, năm nay 61 tuổi, sinh ngày 13-10 năm 1951 tại Phước Sơn, tỉnh Bình Định, thụ phong linh mục ngày 10-5-1989 lúc 38 tuổi. Cách đây gần 3 năm, ngày 31-12-2009, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Qui Nhơn.

Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ năm nay 75 tuổi, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1937 tại Thái Bình, và thụ phong LM ngày 29-4-1965. Ngày 5-11 năm 1998, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phú Cường và được ĐTC Gioan Phaolô truyền chức GM tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rona ngày 6-1-1999.

Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, tân GM chính tòa Phú Cường, năm nay 54 tuổi, sinh ngày 22-9-1958 tại Chánh Hiệp và thụ phong linh mục ngày 4-4-1991 khi được 33 tuổi. Hồi năm ngoái ngày 14-3-2011, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Phú cường.

Cùng ngày 30-6-2012, ĐTC đã bổ nhiệm 3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10 năm nay về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”, đó là:

ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, nguyên GM Hong Kong; ĐHY Francisco Robles Ortega, TGM giáo phận Guadalajara, là GM lớn thứ hai tại Mêhicô; sau cùng là ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, Tòa ThánhM giáo phận Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân Chủ Congo bên Phi châu.
3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy sẽ thay phiên nay, đại diện ĐTC chủ tọa các khóa họp của Thượng HĐGM kỳ thứ 13.

G. Trần Đức Anh O.P

Vietvatican

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06-25 – 07-01-2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06-25 – 07-01-2012)

Trích từ Xuân Bích Việt Nam

Lao Động và chất lượng đời sống.

Điều trị AIDS phải được miễn phí trên toàn thế giới.

Giáo Hội Nam Mỹ phải nỗ lực chặn đứng sự hao mòn những kẻ tin vào Phúc Âm.

Chỉ trích mạnh mẽ những người theo đạo Do Thái từ người bênh vực Đức Piô XII.

Điều tra dân số Úc  : số người không thuộc giáo hội, các tôn giáo thiểu số gia tăng.

Luật Giáo Hội là những bài học cho Trung Quốc.

Bổ nhiệm mới.

Đức Thánh Cha tính cả ĐHY Pell trong cuộc họp đặc biệt về các vụ rò rỉ.

Thay đổi trong các chức vụ ở Vatican.

Truất phế tổng thống Lugo.

Vatican thuê phóng viên hãng Fox làm tân cố vấn truyền thông.

Giới chức Chính Thống Nga tìm liên minh với các giám mục Công Giáo Trung Quốc bị vạ tuyệt thông?

SSPX (phái theo GM Lefebvre) bác bỏ đề nghị gần đây nhất của Vatican.

Công tác tông đồ của các tu sĩ Dòng Tên : thách đố và hy vọng.

Bắc Triều Tiên (BTT) có sự mở cửa hiếm hoi với lương thực từ Vatican.

Tân tổng thống Ai Cập gặp các giám mục Công giáo ở Cairo.

Các linh mục bất đồng không thể phục vụ trong các chức vụ hành chính.

Vatican thông báo những thay đổi trong nghi lể trao dây Pallium .

Nữ Hoàng Elizabeth thăm viếng nhà thờ Công giáo,gặp nguyên thủ lãnh IRA.

Giám mục người Á-Căn-Đình từ chức vì những hình chụp bãi biển.

Các sắc lệnh của Thánh Bộ Phong Thánh.

60% các dịch vụ y tế trong các vùng nông thôn là do Giáo Hội Công giáo điều hành.

Mối liên hệ giữa tôn giáo và béo phì béo mập.

Các quan chức Trung Quốc hoãn truyền chức bất họp lệ do dân chúng phản đối.

 

 (Xem tiếp . . .   TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ( 06-25 – 07-01-2012  )

Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 43 vị Tổng Giám Mục chính tòa

Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 43 vị Tổng Giám Mục chính tòa

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và trao dây Pallium cho 43 vị TGM chính tòa.

Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô.

43 vị TGM đến từ 27 quốc gia, đứng đầu là ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Berlin, thủ đô nước Đức, và ĐHY Francisco Robles Ortega TGM giáo phận Guadalajara bên Mêhicô. Xét về quốc tịch, có 7 vị TGM nguòi Brazil, trong khi đó Hoa Kỳ, Canada và Philippines, mỗi nước có 4 vị TGM nhận dây Pallium lần nay; Italia và Ba Lan mỗi nước có 3 vị; Mêhicô, Ấn độ và Australia, mỗi nước có 2 vị. Có hai vị TGM người Ghana và Canada cũng xin dây Pallium, nhưng không đến Roma được, và sẽ nhận dây này qua vị Sứ thần Tòa Thánh.

Nghi thức trao giây Pallium năm nay được thu ngắn hơn: tên của các vị TGM được xướng lên trước khi ĐTC đi rước lên bàn thờ; và được cử hành ngay đầu buổi lễ, thay vì sau bài giảng như mọi khi, để nhấn mạnh rằng nghi thức này không phải là bí tích và để tránh cho việc cử hành Thánh Lễ bị ”gián đoạn” vì một nghi thức khá dài, với khoảng 45 vị TGM mỗi năm.

Trong số hơn 9 ngàn người hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô, có phái đoàn của tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Emmanuel tại Pháp hướng dẫn, tiếp đến 40 Hồng Y, lối 50 GM, và ngoại giao đoàn và chính quyền dân sự. Đặc biệt năm nay có Ca đoàn của Đan viện Westminster của Anh giáo ở Luân đôn cùng với ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại cuộc tuyên xưng của thánh Phêrô về Chúa Giêsu là Đức Messia và là Con Thiên Chúa, và Chúa tỏ lộ cho Phêrô sứ mạng trở thành ”đá tảng”, là nền tảng hữu hình trên đó toàn thể tòa nhà thiêng liêng của Giáo Hội được xây dựng (Xc Mt 16,16-19). Ngay sau đó, Chúa tiên báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, và Ngài khiển trách Phêrô vì đã ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa. ĐTC nói:

”Người môn đệ, do ơn Chúa, có thể trở thành đá tảng vững chắc, những cũng tỏ ra thực chất của mình, trong sự yếu đuối của con người: là một tảng đá trên đường, một tảng đá mà người ta có thể vấp phải – tiếng Hy Lạp là skandalon… Trong cảnh tượng này giữa Chúa Giêsu và Simon Phêrô, chúng ta thấy trước được phần nào thảm kịch lịch sử của chính chức Giáo Hoàng, trong đó có hai yếu tố cùng hiện diện: một đàng nhờ ánh sáng và sức mạnh đến từ trên cao, chức Giáo Hoàng là nền tảng của Giáo Hội lữ hành trong thời gian; và đàng khác qua dòng lịch sử ta cũng thấy rõ sự yếu đuối của con người mà chỉ có sự cởi mở đối với hoạt động của Thiên Chúa mới có thể biến đổi”.

Nhấn mạnh đến lời Chúa Giêsu hứa ”Các cửa hỏa ngục, nghĩa là những quyền lực của sự ác, cũng không thể thắng nổi Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, ĐTC nói: ”Trong thực tế, lời hứa của Chúa Giêsu với Phêrô lớn lao hơn so với các lời hứa cho các ngôn sứ Cựu Ước: thực vậy, các ngôn sứ chỉ bị những kẻ thù phàm nhân đe dọa, trong khi Phêrô được bảo vệ chống lại các cửa hỏa ngục, chống lại quyền lực phá hoại của sự ác… Lời Chúa hứa với Phêrô liên hệ tới tương lai của Giáo Hội, tương lai của cộng đồng mới được Chúa Giêsu Kitô thiết lập và kéo dài trong mọi thời gian, vượt lên trên cuộc sống của chính Phêrô”.
ĐTC cũng giải thích ý nghĩa biểu tượng chìa khóa được Chúa Giêsu trao cho Phêrô và các môn đệ, nói lên quyền tháo cởi ”Tất cả những gì các con ràng buộc dưới đất, trên trời cũng ràng buộc, và tất cả những gì các con tháo cởi dưới đất, trên trời cũng được tháo cởi” (Mt 18,18).

ĐTC nói rằng những sự kiện ấy phản ánh điều này là ”Giáo Hội không phải là một cộng đoàn những người trọn hảo, nhưng là những người tội lỗi phải nhìn nhận mình cần tình thương của Thiên Chúa, cần được thanh tẩy qua Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Những câu nói của Chúa Giêsu về quyền bính của Phêrô và các Tông Đồ tỏ cho thấy rằng quyền bính của Thiên Chúa là tình thương, tình thương chiếu tỏa ánh sáng của Ngài từ Calvario. Vì thế chúng ta cũng có thể hiểu tại sao, trong trình thuật Tin Mừng, tiếp theo sự tuyên xưng đức tin của Phêrô là lời loan báo đầu tiên của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài. Thực vậy, qua cái chết của ngài, Chúa Giêsu đã chiến thắng quyền lực của hỏa ngục, trong máu ngài, ngài đã đổ xuống trần thế một dòng sông từ bi vô biên tưới gội cho toàn nhân loại bằng những dòng nước chữa lành”.

Trong phần kết luận, ĐTC nhắn nhủ các vị TGM chính tòa rằng: ”Dây Pallium mà tôi đã trao cho anh em sẽ luôn nhắc nhở cho anh em rằng anh em được thiết lập trong và cho mầu nhiệm cao cả về sự hiệp thông là Giáo Hội, là tòa nhà thiêng liêng được xây dựng trên Chúa Kitô là Đá Góc, và trong chiều kích trần thế và lịch sử của Giáo Hội, tòa nhà ấy được xây dựng trên đá tảng Phêrô. Được xác tín ấy linh hoạt, tất cả chúng ta cùng cảm thấy mình là những cộng tác viên của chân lý, và chúng ta biết rằng chân lý này là duy nhất, và là một hợp thanh, đòi mỗi người chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta liên lỷ dấn thân hoán cải, trở về cùng Chúa duy nhất trong ở ơn thánh của Thánh Thần duy nhất”.

Kinh Truyền tin

Lúc 12 giờ trưa cùng ngày 29-6-2012, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Hiện diện tại Quảng trường có nhiều đại diện các phong trào và hội đoàn của giáo phận Roma mang các biểu ngữ biểu lộ tình hiệp thông và hỗ trợ sứ vụ của ĐTC, nhất là trong thời kỳ khó khăn hiện nay.
Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC nhắc nhở rằng ”hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô không phải chỉ chiếu sáng trên bầu trời Roma mà thôi, nhưng còn ở trong tâm hồn mọi tín hữu, được giáo huấn và gương lành của hai vị soi sáng, đang tiến bước ở mọi nơi trên thế giới trên con đường đức tin, cậy, mến”.

”Trên con đường cứu độ ấy, cộng đồng Kitô được sự hiện diện của Thánh Linh Thiên Chúa hằng sống nâng đỡ, cảm thấy được khích lệ tiếp tục tiến bước mạnh mẽ và thanh thản trên con đường trung thành với Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng của Chúa cho con người mọi thời đại. Chính trong hành trình thiêng liêng và truyền giáo phong phú ấy có lễ nghi trao dây Pallium cho các vị Tổng GM chính tòa mà tôi cử hành sáng nay tại Đền thờ Thánh Phêrô”.
ĐTC giải thích rằng nghi thức hùng hồn này nêu bật sự hiệp thông sâu đậm của cac vị Chủ Chăn với Người Kế vị thánh Phêrô, và mối giây liên hệ sâu xa nối kết chúng ta với truyền thống tông đồ. Đây chính là hai kho tằng thánh thiện, làm nền tảng cho sự hiệp nhất và tính chất Công Giáo của Giáo Hội: một khó tàng quí giá cần tái khám phá va sống thực với tất cả lòng nhiệt thành và dấn thân liên tục”. (SD 29-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Tòa Thánh Vatican công bố các TGM được trao dây pallium và những thay đổi trong nghi thức

Tòa Thánh Vatican công bố các TGM được trao dây pallium và những thay đổi trong nghi thức

Lã thụ Nhân

Vatican (CWN, VIS) – Tòa Thánh Vatican đã công bố một sự thay đổi trong nghi lễ mà các Tân Tổng Giám Mục nhận dây pallium từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vào Lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, 29 tháng Sáu.
Dây pallium là một dây len trắng có thêu thánh giá bằng lụa đen, đeo quanh cổ, như một dấu hiệu của thẩm quyền của một Tổng Giám Mục chính tòa. Mỗi năm vào ngày lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng trao dây pallium cho các tổng giám mục đã được bổ nhiệm trong suốt 12 tháng trước.

Năm nay, việc trao dây pallium sẽ được thực hiện trước Thánh Lễ, chứ không phải sau bài giảng như trước đây. Tòa Thánh Vatican thông báo rằng việc thay đổi đã được dự định nhằm làm cho buổi lễ ngắn hơn, để tránh gián đoạn phụng vụ, và để làm rõ rằng việc trao dây pallium, vốn là một truyền thống lâu đời, không phải là một nghi thức bí tích.

Tòa thánh Vatican cũng đưa ra một danh sách đầy đủ của 46 giám mục, những người sẽ được nhận pallium năm nay:

1. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Berlin, Đức
2. Đức Hồng Y Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mêxicô
3. Đức Tổng Giám Mục Francesco Moraglia, Thượng phụ của Venice, Ý
4. Đức Tổng Giám Mục Alfredo Horacio Zecca của Tucuman, Argentina
5. Đức Tổng Giám Mục Mario Alberto Molina Palma O.A.R. của Los Altos, Quetzaltenango-Totonicapan, Guatemala
6. Đức Tổng Giám Mục Charles Joseph Chaput của Philadelphia, Hoa Kỳ
7. Đức Tổng Giám Mục Luc Cyr của Sherbrooke, Canada
8. Đức Tổng Giám Mục Salvador Pineiro Garcia-Calderon của Ayacucho hay Huamanga, Peru.
9. Đức Tổng Giám Mục Francesco Panfilo S.D.B. của Rabaul, Papua New Guinea
10. Đức Tổng Giám Mục Ulises Antonio Gutierrez Reyes O. de M. của Ciudad Bolivar, Venezuela
11. Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Budzik của Lublin, Ba Lan
12. Đức Tổng Giám Mục Wilson Tadeu Jonck S.C.I. của Florianopolis, Brazil
13. Đức Tổng Giám Mục Paul – Andre Durocher của Gatineau, Canada
14. Đức Tổng Giám Mục Luis Antonio G. Tagle của Manila, Philippines
15. Đức Tổng Giám Mục Patrick D’Rozario C.S.C. của Dhaka, Bangladesh
16. Đức Tổng Giám Mục Wiktor Pawel Skworc của Katowice, Ba Lan
17. Đức Tổng Giám Mục Jose F. Advincula của Capiz, Philippines
18. Đức Tổng Giám Mục Filippo Santoro của Taranto, Ý
19. Đức Tổng Giám Mục Jose Francisco Rezende Dias của Niteroi, Brazil
20. Đức Tổng Giám Mục Esmeraldo Barreto de Farias của Porto Velho, Brazil
21. Đức Tổng Giám Mục Jaime Vieira Rocha của Natal, Brazil
22. Đức Tổng Giám Mục Joseph Harris của Port of Spain, Trinidad và Tobago
23. Đức Tổng Giám Mục Waclaw Depo của Czestochowa, Ba Lan
24. Đức Tổng Giám Mục Ignatius Chama của Kasama, Zambia
25. Đức Tổng Giám Mục Pascal Wintzer của Poitiers, Pháp
26. Đức Tổng Giám Mục John Moolachira của Guwahati, Ấn Độ
27. Đức Tổng Giám Mục William Charles Skurla of Pittsburgh của Byzantine, Hoa Kỳ
28. Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts của Karachi, Pakistan
29. Đức Tổng Giám Mục Romulo Geolina Valles của Davao, Philippines
30. Đức Tổng Giám Mục Airton Jose dos Santos của Campinas, Brazil
31. Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe S.D.B. của Perth, Úc
32. Đức Tổng Giám Mục Jacinto Furtado de Brito Sobrinho của Teresina, Brazil
33. Đức Tổng Giám Mục Thomas D'Souza của Calcutta, Ấn Độ
34. Đức Tổng Giám Mục Arrigo Miglio của Cagliari, Ý
35. Đức Tổng Giám Mục John F. Du của Palo, Philippines
36. Đức Tổng Giám Mục Paulo Mendes Peixoto của Uberaba, Brazil
37. Đức Tổng Giám Mục Christian Lepine của Montreal, Canada
38. Đức Tổng Giám Mục William Edward Lori của Baltimore, Hoa Kỳ
39. Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict Coleridge của Brisbane, Úc
40. Đức Tổng Giám Mục Jesus Carlos Cabrero Romero của San Luis Potosi, Mêxicô
41. Đức Tổng Giám Mục Andrew Yeom Soo Jung của Seoul, Hàn Quốc
42. Đức Tổng Giám Mục Benedito Roberto C.S.Sp. của Malanje, Angola
43. Đức Tổng Giám Mục Alfred Adewale Martins của Lagos, Nigeria
44. Đức Tổng Giám Mục Joseph Samuel Aquila của Denver, Hoa Kỳ
Hai Tổng Giám Mục sau đây sẽ nhận dây pallium tại Tòa Tổng Giám Mục của họ vì không thể tham dự buổi lễ tại Rôma:
1. Đức Tổng Giám Mục Gabriel Justice Yaw Anokye của Kumasi, Ghana
2. Đức Tổng Giám Mục Valery Vienneau của Moncton, Canada

 

Nguồn: Vietcatholic

Đức Thánh Cha tiếp kiến Phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople

Đức Thánh Cha tiếp kiến Phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-6-2012, dành cho Phái đoàn tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, ĐTC mời gọi dâng lời cảm tạ Chúa vì những cải tiến trong quan hệ huynh đệ giữa Công Giáo và Chính Thống giáo.

Phái đoàn do Đức TGM Emmanuel, thuộc Giáo Hội Chính Thống tại Pháp, kiêm Giám đốc Văn phòng Giáo Hội Chính Thống cạnh Liên hiệp Âu Châu, hướng dẫn, cùng với 1 GM là Đức Cha Ilias Katre GM giáo phận Philomelion Hoa Kỳ và 1 phó tế là thầy Paisios Kokkinakis thuộc Thánh Hội đồng tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ. Theo truyền thống tốt đẹp, Phái đoàn Chính Thống đến Roma để dự lễ kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, bổn mạng của Giáo Hội Roma.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, với sự tham dự của Đại diện tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople trong tư cách là đại biểu anh em. Sự kiện này bắt đầu một giai đoạn mới, quan trọng, trong quan hệ giữa hai Giáo Hội. ĐTC nói: ”Chúng ta muốn chúc tụng Thiên Chúa trước tiên vì sự tái khám phá tình huynh đệ sâu xa liên kết chúng ta, và vì hành trình đã trải qua trong những năm qua, qua Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống nói chung”.

ĐTC không quên nhắc đến hình ảnh và hoạt động của Đức Thượng Phụ Athénagoras, qua đời cách đây gần 40 năm. Đức Thượng Phụ cùng với Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 và vị Tôi Tớ Chúa, ĐGH Phaolô 6, đã cổ võ những sáng kiến can đảm, mở đường cho những quan hệ được canh tân giữa Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople và Giáo Hội Công Giáo, do lòng hăng say đối với sự hiệp nhất Giáo Hội thúc đẩy. Con đường đó đã được Đức đương kim Thượng Phụ Bartolomaios I tiếp nối trong tinh thần trung thành và sáng tạo.

Sau cùng, ĐTC mời gọi phái đoàn Chính Thống giáo cùng khẩn cầu Thánh Phêrô và Phaolô tử đạo chuyển cầu để các tín hữu Công giáo và Chính Thống sớm đến ngày có thể cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể.

Hội Đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô cho biết thói quen trao đổi phái đoàn giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Constantinople vào dịp lễ bổn mạng của Giáo Hội liên hệ có từ năm 1969 với cuộc viếng thăm tại Constantinople của ĐHY Johannes Willibrands, bấy giờ là Chủ tịch Văn phòng Tòa Thánh về hiệp nhất Kitô, nhân dịp lễ thánh Anrê Tông Đồ, 30-11. (SD 28-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Công bố 17 sắc lệnh về các án phong chân phước

Công bố 17 sắc lệnh về các án phong chân phước

VATICAN. Hôm 28-6-2012, Bộ Phong Thánh đã công bố 17 Sắc lệnh liên quan đến án phong chân phước của hàng trăm vị Tôi Tớ Chúa.

Các sắc lệnh được công bố sau cuộc tiếp kiến của ĐTC dành cho ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh.

Có hai sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của 2 vị Tôi Tớ Chúa: LM Luca Passi (1789-1866), Sáng lập dòng các nữ tu Giáo chức thánh Dorotea; tiếp đến là nữ giáo dân Fracesca De Paula De Jesús (1808-1895) người Brazil.

Có 3 sắc lệnh nhìn nhận các cuộc tử đạo của 154 Tôi Tớ Chúa trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha (1936-1939), 1 sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha Giuseppe Puglisi (1937-1993) bị mafia sát hại tại Palermo, Italia; 1 giáo dân Ấn độ, Devasahaysam (Lazaro) Pillai (1712-1752) tử đạo.

Trong số các vị Tôi Tớ Chúa được nhìn nhận các nhân đức anh hùng qua 7 sắc lệnh, đặc biệt có Đức TGM Fulton Sheen (1895-1979) nguyên GM giáo phận Rochester Hoa Kỳ, nhà giảng thuyết nổi tiếng trên các đài truyền hình; tiếp đến là Đức Cha Álvaro Del Portillo y Diez de Sollano (1914-1994), nguyên Bề trên giám hạt tòng nhân Opus Dei. Ngài là người kế nhiệm trực tiếp của thánh José Maria Esquivar de Balaguer, người sáng lập Opus Dei (1902-1975).

Với việc công bố các sắc lệnh nói trên, trong tương lai gần đây, Giáo Hội sắp có thêm 158 vị chân phước mới. Các vị được nhìn nhận các nhân đức anh hùng, còn phải đợi xem có phép lạ được chứng thực nhờ lời chuyển cầu của các vị hay không. (SD 28-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

“Dốc đổ chính mình” là con đường của cuộc sống kitô

“Dốc đổ chính mình” là con đường của cuộc sống kitô

Cái luận lý của loài người là tìm kiếm quyền bính, thống trị, các phương tiện mạnh mẽ, mà không biết rằng việc thực hiện tràn đầy chính mình là ở nơi thái độ ”dốc đổ chính mình”. Đó là con đường Chúa Giêsu Kitô đã chỉ cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 9.000 tín hữu hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy ý nghĩa bài thánh thi kitô học trong chương 2 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê. Đây là bức thư thánh nhân viết cho tín hữu từ trong tù, có lẽ tại Roma. Người cảm thấy cái chết gần kề vì khẳng định rằng sự sống của người sẽ được dâng lên như hy lễ (Pl 2,17). Tuy đang phải sống trong tình trạng nguy hiểm tới sự an toàn thể lý như thế, nhưng trong toàn thư thánh nhân bầy tỏ niềm vui được là môn đệ của Chúa Kitô, được đi găp Người, cho tới chỗ coi cái chết như là một lợi lộc, chứ không phải là một sự mất mát. Chính vì thế trong chương cuối cùng của thư, thánh nhân mời gọi tín hữu hãy vui lên: ”Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4). Làm sao mà có thể vui trước án tử hình gần kề như vậy? Làm sao Thánh Phaolô đã kín múc được sự thanh thản, sức mạnh, lòng can đảm bước đi gặp sự tử đạo và đổ máu như thế?

Câu trả lời ở trong phần chính giữa của thư, mà truyền thống kitô thường gọi là ”bài ca của Chúa Kitô”, hay đúng hơn là bài thánh thi kitô học trình bày các tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là kiểu suy tư và thái độ sống cụ thể của Chúa. Đức Thánh Cha nói:

Lời cầu nguyện này bắt đầu với một lời khích lệ: ”Anh em hãy có những tâm tình của chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Các tâm tình ấy được trình bầy trong các câu tiếp theo: tình yêu thương, sự quảng đại, lòng khiêm nhường, sự vâng phục Thiên Chúa, việc trao ban chính mình. Đây không phải chỉ là theo gương Chúa Giêsu như là theo một luân lý, nhưng là liên lụy toàn cuộc sống theo kiểu suy tư và hành xử của Người. Lời cầu nguyện phải dẫn tới một sự hiểu biết và kết hiệp tình yêu ngày càng sâu xa hơn với Chúa, để có thể suy nghĩ, hành động và yêu thương như Người trong Người và cho Người. Tập cho có các tâm tình của Chúa Giêsu là con đường đời sống kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích một vài yếu tố của bài thánh thi súc tích tóm gọn toàn lộ trình cuộc sống là Thiên Chúa và là Người của Con Thiên Chúa, và cũng bao gồm toàn lịch sử nhân loại: từ trong điều kiện là Thiên Chúa cho tới khi nhập thể, cho tới cái chết trên thập giá và được nâng cao trong vinh quang của Thiên Chúa Cha; phần nào đó nó cũng là thái độ của Adam, của con người vào lúc khởi đầu.

Bài thánh ca khởi đầu từ lúc Chúa Kitô còn trong hình thể của Thiên Chúa hay đúng hơn còn trong điều kiện của Thiên Chúa. Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật, không sống bản thể là Thiên Chúa của người để chiến thắng hay áp đặt quyền tối thượng của Người. Người không coi nó là một sự chiếm hữu, một đặc ân, một kho tàng cần gìn giữ cẩn trọng. Trái lại, Người ”lột bỏ”, Người ”dốc đổ chính mình”, bằng cách mặc lấy ”hình thể của nô lệ”, thực tại nhân loại bị ghi dấu bởi khổ đau, nghèo nàn và cái chết. Người đã trở nên hoàn toàn giống con người, ngoại trừ tội lỗi, để sống như tôi tớ hoàn toàn tận hiến cho việc phục vụ người khác. Liên quan tới điều này Đức Giám Mục Eusebio thành Cesarea sống hồi thế kỷ thứ IV đã khẳng định rằng: ”Người đã mang trên mình các mệt nhọc của các chi thể khổ đau. Người đã biến các bệnh tật hèn hạ của chúng ta thành của Người. Người đã đau khổ và chao đảo vì chúng ta: phù hợp với tình yêu thương cao cả của Người đối với nhân loại” (La dismostrazione evangelica, 10,1,23).

Thánh Phaolô miêu tả sự dốc đổ ấy như sau: ”Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết” (Pl 2,8). Con Thiên Chúa đã trở thành người thật, và đã đi trọn lộ trình trong sự vâng phục hoàn toàn và trung thành với ý muốn của Thiên Chúa Cha, cho tới hiến tế tột đỉnh sự sống của mình. Còn hơn thế nữa ”cho tới chết và chết trên thập giá”. Trên thập giá Đức Giêsu đã đạt tột định sự nhục nhã, bởi vì đóng đinh là hình phạt dành cho nô lệ chứ không phải cho người tự do.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong thập giá Chúa Kitô con người được cứu chuộc, và kinh nghiệm của Adam bị đảo ngược: Adam đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, đã yêu sách trở nên như Thiên Chúa từ sức mạnh riêng của mình, yêu sách thay thế Thiên Chúa và như thế đã đánh mất đi phẩm giá ban đầu được ban cho ông. Đức Giêsu, trái lại, đã ở trong điều kiện của Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ mình và dìm mình trong điều kiện của con người, trong sự trung thành hoàn toàn với Thiên Chúa Cha để cứu chuộc Adam ở trong chúng ta và trao trả lại cho con người phẩm giá đã đánh mất. Các giáo phụ nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã vâng lời bằng cách trả lại cho bản tính nhân loại qua nhân tính và sự vâng phục của Người, điều đã bị mất bởi sự bất tuân phục của Adam.

Trong lời cầu nguyện, trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta mở tâm trí và ý chí cho hành động của Chúa Thánh Thần để bước vào trong chính sự năng động của sự sống, như thánh Cirillo thành Alessandria mà chúng ta mừng lễ hôm nay khẳng định: ”Công trình của Thần Khí tìm biến đổi chúng ta qua ơn thánh thành bản sao toàn vẹn sự hạ nhục của Người” (Lettera Festale 10,4). Cái luận lý của loài người, trái lại, thường tìm kiếm việc thực hiện chính mình trong quyền bính, trong thống trị, trong các phương tiện mạnh mẽ. Con người tiếp tục muốn xây dựng với sức mạnh của riêng mình cái tháp Babel, để tự mình đạt tới độ cao của Thiên Chúa, để như Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích sự thành đạt trong nhãn quan linh đạo dốc đổ chính mình của Chúa Giêsu như sau:

Sự Nhập thể và Thập giá nhắc cho chúng ta biết rằng việc thực hiện tràn đầy chính mình là ở trong việc làm cho ý muốn nhân loại của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa Cha, trong việc dốc đổ chính mình khỏi ích kỷ, để làm cho mình được tràn ngập tình yêu, lòng bác ái của Thiện Chúa, và như thế thực sự có khả năng yêu thương tha nhân.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong phần thứ hai của bài thánh thư Kitô học của thư gửi tín hữu Philiphê, thánh Phaolô miêu tả hành động của Thiên Chúa Cha đối với Đức Giêsu: ”Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9). Đấng đã tự hạ thẳm sâu bằng cách nhận lấy thân phận nô lệ được Thiên Chúa Cha nâng cao trên mọi sự, và ban cho danh hiệu ”Kyrios”, Chúa. Đó là chính tên gọi của Thiên Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước; trước danh hiệu đó ”mọi gối phải bái qùy cả trên trời dưới đất và để tôn vinh Thiên Chúa Cha mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,10-11).

Đức Giêsu được nâng cao ở đây cũng là Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã cởi áo ngoài, thắt lưng, rửa chân cho các Tông Đồ và hỏi họ: ”Các con có hiểu điều Thầy đã làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy là Chúa, và các con nói phải, vì qủa thật Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14). Đây là điều quan trọng cần luôn luôn ghi nhớ trong lời cầu nguyện và đời sống của chúng ta: ”Việc lên cao với Thiên Chúa xảy ra chính trong việc hạ mình phục vụ, trong việc hạ mình trong tình yêu, là điều cốt tủy của Thiên Chúa và như thế chính là sức mạnh thanh tẩy thực sự khiến cho con người có khả năng nhận thức và trông thấy Thiên Chúa” (Đức Giêsu thành Nazarét, Milano, 2007, tr.120)

Tiếp đến Đức Thánh Cha rút tỉa ra hai điểm quan trọng đối với lời cầu nguyện. Thứ nhất là lời khẩn nài ”Chúa” hướng tới Chúa Giêsu Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa Cha: chính Người là Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta, giữa biết bao nhiêu ”người thống trị” muốn chỉ đường và hướng dẫn nó. Vì thế cần có một bậc thang giá trị, trong đó chỗ nhất phải dành cho Thiên Chúa.

Thứ hai là sự phủ phục, quỳ gối, ám chỉ sự thờ lạy. Qùy gối trước Mình Thánh Chúa hay quỳ gối cầu nguyện diễn tả thái độ thờ lạy trước mặt Thiên Chúa, cả với thân xác. Vì thế cần ý thức được tầm quan trọng của việc quỳ gối, không phải vì thói quen nhưng với ý thức. Khi chúng ta quỳ gối trước mặt Chúa, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình nơi Người, chúng ta thừa nhận rằng Người là Chúa duy nhất cuộc đời chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người những ngày hành hương và nghỉ hè tươi vui bổ ích. Sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

MỪNG LỄ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP ngày 27 tháng 6

MỪNG LỄ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP ngày 27 tháng 6

Tương truyền rằng, ngày xưa Thánh Lu-ca có vẽ một bức họa Đức Mẹ bồng Chúa Giê-su Hài Đồng. Như ta biết, thánh Lu-ca là người đã viết những chuyện liên quan đến Đức Mẹ thật chi tiết. Có người cho rằng sở dĩ ngài đã viết được như thế là vì được Đức Mẹ “thủ thỉ” kể cho nghe. Khi bức họa được dâng lên cho Mẹ xem thì Mẹ phán: “Ơn thánh Mẹ sẽ theo bức ảnh này.”. . . .

(Xem tiếp . . .  Lịch sử bức ảnh ĐMHCG )

Đức Thánh Cha viếng thăm các nạn nhân động đất tại bắc Italia

Đức Thánh Cha viếng thăm các nn nhân đng đất tại bắc Italia

EMILIA. Sáng ngày 26-6-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm các nạn nhân bị động đất tại miền Emilia Romagna, bắc Italia, bày tỏ tình liên đới và kêu gọi gia tăng cứu trợ các nạn nhân.

Hai trận động đất hồi cuối tháng 5 vừa qua tại miền này, đặc biệt tại giáo phận Carpi phía bắc thành phố Modena, đã làm cho 27 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, 305 thánh đường trong số 45 ngàn nhà bị hư hại ở cấp độ khác nhau, chỉ có 4.700 căn nhà được xác nhận là có thể tiếp tục ở được.

Từ Vatican, ĐTC đã đáp trực thăng bay đến làng San Marino di Carpi, thuộc tỉnh Modena, lúc quá 10 giờ 15. Tại đây ngài được chính quyền địa phương, cùng với Đức GM sở tại Francesco Cavina và ông Franco Gabrielli, giám đốc cơ ban bảo vệ dân chúng, cùng với nhiều người dân đón tiếp. Liền đó ngài đến Nhà thờ thánh nữ Caterina Alessandria ở làng Roverteto di Novi, nơi cha sở Ivan Martini đã bị thiệt mạng, vì nhà thờ sụp trong lúc cha tìm cách cứu vãn tượng Đức Mẹ trong thánh đường. Khi đến trước thánh đường, ĐTC đã cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Trên cửa nhà thờ có treo hình cha sở bị tử nạn.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với hàng ngàn nạn nhân, trong đó có ĐHY Caffara, TGM giáo phận Bologna, Chủ tịch HĐGM miền Emilia Romagna, cùng với hàng chục GM khác trong vùng, cũng như chính quyền địa phương, đã diễn ra lúc 11 giờ trước một lễ đài rất đơn sơ, chỉ có mái che nắng.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ông chủ tịch miền Emilia Romanga của ĐHY Caffara, ĐTC kêu gọi mọi người hãy đặt trọn niềm tín thác nơi Chúa, như lời thánh vịnh 46: ”Thiên Chúa là nơi con nương ẩn, là thành lũy bảo vệ, là sự phù trợ chắc chắn trong lo âu. Vì thế chúng ta không sợ khi đất rung chuyển, khi núi đồi lảo đảo nơi đáy biển cả” (Tv 46,2-3)

ĐTC nói: ”Những lời này của Thánh Vịnh không những gây ấn tượng mạnh nơi tôi vì hình ảnh động đất được dùng, nhưng nhất là vì điều mà Thánh Vịnh khẳng định về thái độ nội tâm của chúng ta những trước những đảo lộn của thiên nhiên: một thái độ an toàn vững mạnh, dựa trên đá tảng vững bền, không lay chuyển là Thiên Chúa”.
ĐTC giải thích rằng sự an toàn mà Thánh Vịnh nói đến chính là an toàn của Đức tin, qua đó có thể là ta cũng có sợ hãi và lo âu, như Chúa Giêsu cũng đã trải qua, nhưng nhất là chúng ta có niềm xác tín rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, như một trẻ em biết mình luôn luôn có thể cậy trông vào cha mẹ, vì em cảm thấy được mến yêu, dù bất cứ điều gì xảy ra”.

ĐTC mời gọi dân chúng hãy tái thiết trên nền tảng hy vọng vững chắc ấy, như Italia đã từng xây dựng lại sau thời hậu chiến trên những đổ vỡ. Ngài nhắc đến tình liên đới của nhân dân Italia đối với các nạn nhân. Sau cùng ngài nói thêm rằng:

”Từ nơi này, tôi muốn mạnh mẽ kêu gọi các tổ chức chính quyền, và mỗi công dân, tuy ở trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nhưng như người Samaritano nhân lành trong Phúc Âm, quí vị đừng bước đi lãnh đạm trước người đang túng thiếu và cần được giúp đỡ, trái lại, với tình yêu thương, cúi mình, cứu giúp và ở gần, đảm nhận tận tình những nhu cầu của tha nhân (Lc 10,29-37). Giáo Hội đang và sẽ gần gũi với anh chị em, với kinh nguyện và những giúp đỡ cụ thể qua các tổ chức của Giáo Hội, đặc biệt là Caritas, sẽ dấn thân cả trong việc tái thiết các cơ cấu cộng đoàn của các giáo xứ”.

Sau bài diễn văn, ĐTC còn bắt tay chào thăm lối 50 người thuộc các tầng lấp khác nhau trong dân chúng, trước khi đáp trực thăng trở về đến Vatican lúc 13.30 cùng ngày (SD 26-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Một số bố nhiệm tại Tòa Thánh

Một số bổ nhiệm tại Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 26-6-2012, ĐTC đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và bổ nhiệm người kế nhiệm là Đức Cha Vincenzo Paglia.

ĐHY Antonelli người Italia, năm nay 76 tuổi (1936) nguyên là TGM giáo phận Firenze, trước khi được ĐTC bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình cách đây 4 năm. ĐHY đã điều động tốt đẹp việc tổ chức Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới ở Milano hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua.

Đức Cha Vincenzo Paglia, người Italia, năm nay 67 tuổi (1945) nguyên là đồng sáng lập kiêm tuyên úy cộng đồng thánh Egidio ở Roma, và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM giáo phận Terni hồi năm 2000. Giáo phận này có gần 150 ngàn tín hữu và cách Roma lối 100 cây số. Cùng với việc bổ nhiệm trên đây, ĐTC đã thăng Đức Cha Paglia lên hàng TGM.

Cũng ngày hôm qua, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Jean Louis Bruguès O.P, người Pháp, tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo, làm tân Thư viện trưởng của Tòa Thánh, thay thế ĐHY Raffaele Farina, dòng Don Bosco, về hưu.
Đức TGM Bruguès, 69 tuổi (1943) nguyên làm GM giáo phận Angers bên Pháp trước khi được thăng TGM Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo hồi tháng 11-2007.

Đức TGM Joseph Augustine Di Noia, dòng Đa Minh người Mỹ, cho đến nay là Tổng thư ký Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích, được ĐTC bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, và Đức Cha Arthur Roche, người Anh, GM giáo phận Leeds, được thăng TGM Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích.

ĐTC cũng bổ nhiệm Đức Cha Protase Rugambwa, 52 tuổi (1960), GM giáo phận Kogoma bên Tanzania, làm TGM Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo, thay thế Đức TGM Piergiuseppe Vacchelli, về hưu. Với chức vụ này, Đức TGM Rugambwa là Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. (SD 26-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Ngày quốc tế chống nạn tra tấn

Ngày quốc tế chống nạn tra tấn

Thứ ba 26-6-2012 là Ngày quốc tế chống nạn tra tấn. Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1987, tức cách đây 25 năm, để gây ý thức cho người dân thế giới đối với một tệ nạn kinh khủng vẫn còn được duy trì tại nhiều nước, mặc dù đã có luật cấm. Mục đích của ngày này cũng là để tỏ tình liên đới với hàng chục triệu nạn nhân bị tra tấn, hay bị đối xử tàn ác vô nhân và hạ nhục phẩm giá con người. Ngoài ra, Ngày quốc tế chống nạn tra tấn đã được Liên Hiệp Quốc thành lập để tái khẳng định quyền bình đẳng và các quyền bất khả xâm phạm của con người, là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới.

Tra tấn là một tội phạm chống lại nhân loại và nền dân chủ, vì nó xúc phạm tới các quyền con người và tàn ác không tha ai, kể cả các trẻ em, như các biến cố xảy ra mới đây bên Siria đã minh chứng. Nó là một tội phạm xảy ra tại các nước đang bị xâu xé vì chiến tranh xung khắc, hay bị cai trị bởi các chế độ độc tài, và cả trong các nước viện cớ ”an ninh quốc gia” để duy trì hay dung thứ cho tội tra tấn. ”An ninh quốc gia” là cớ được các chính quyền độc tài thường xuyên đưa ra để bắt bớ và bách hại các người bất đồng chính kiến, hay để tiêu diệt bất cứ ai mà họ coi là nguy hiểm cho quyền lực độc tài của họ. Tội danh rất mơ hồ của các nạn nhân luôn luôn là ”vi phạm luật lệ an ninh quốc gia, gây rối loạn và phá hoại tình đoàn kết dân tộc”. Mơ hồ nhưng qúa dư đủ để bị kết án và nhốt tù hàng chục năm, mặc dù họ chẳng có tội vạ gì. Điển hình như trong trường hợp của các nước còn đang bị chế độ cộng sản cai trị như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Trong các chế độc tài đảng trị này, nhà nước không chỉ tra tấn các tù nhân, mà ”tra tấn nhân dân toàn nước” với chính sách gian dối, lừa đảo ”nói một đàng làm một nẻo”, quanh năm ngày tháng từ trung ương tới địa phương; với chủ trương ngu dân, nhồi sọ, lèo lái độc quyền huy động toàn lực truyền thông bóp méo sự thật. Không chỉ bằng lòng với việc ”nô lệ hóa toàn dân” bằng cách tước đoạt hết mọi quyền tự do của họ, với các báo đài và truyền hình nô lệ một chiều nhà nước liên lỉ ”tra tấn tinh thần và tâm lý nhân dân toàn nước”, hết thập niên này sang thập niên khác.

Thống kê năm 2011 của tổ chức Ân xá quốc tế cho biết trên thế giới vẫn còn có 101 quốc gia thi hành tra tấn, và trong nhiều trường hợp là chống lại những ai tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền. Điều 1 của Tuyên ngôn chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc công bố năm 1984 nhắc cho mọi người biết đây là ”một hành động, qua đó người ta cố ý gây ra đau đớn hay khổ sở mạnh mẽ thể lý hay tâm thần cho một người, nhằm lấy tin tức hay các lời khai thú để trừng phạt hay đe dọa họ”. Đã có 145 nước phê chuẩn tuyên ngôn này trong đó có Italia, nhưng cho tới nay 21 năm sau khi ký nhận chính quyền Italia vẫn chưa đưa ra luật chống nạn tra tấn.

Một số đông các nạn nhân của tra tấn là người tị nạn. Thống kê của Ủy ban Italia đặc trách người tị nạn, từ 16 năm qua chuyên phối hợp các dự án tiếp đón và săn sóc người tị nạn, cho biết cứ 4 người tị nạn thì có một người là nạn nhân của tra tấn. Nhân Ngày quốc tế chống nạn tra tấn, chiều 25-6-2012 Ủy ban đã tổ chức một buổi trình diễn kịch nghệ do các người tị nạn đảm trách tại rạp hát Quirino ở Roma. Cũng đã có các cuộc đốt đuốc biểu tình tại nhiều nơi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn mốt số nhận định của ba Fiorella Rathaus, đặc trách Ủy ban Italia về người tị nạn, về các dự án trợ giúp các nạn nhân của tệ nạn tra tấn.

Hỏi: Thưa bà, xin bà cho biết một vài nhận định và kinh nghiệm của bà đối với các nạn nhân của tệ nạn tra tấn.

Đáp: Người bị tra tấn thường là một người đã bị đánh đập trên thân xác, nhưng cũng rất thường khi bị đánh đập trong tâm thần nữa, vì thế chúng tôi thích nói tới các ”vết thương vô bình”. Đó là một người đã bị đánh đập để khai thác tin tức và bị bắt buộc phải cộng tác, nhưng cũng nhiều khi là để cho nạn nhân hay cộng đoàn mà nạn nhân là thành phần phải thinh lặng. Vì thế chúng ta có thể nói rằng tra tấn là một phương thế, qua đó người ta tìm cách bịt miệng bất cứ ai chống đối quyền bính đang cai trị bằng bất cứ cách nào. Tra tấn là cái gì nhắm hủy diệt căn tính sâu xa của người bị tra tấn. Và rất tiếc nó là điều cũng được thi hành tại các nước mà chúng ta cho là dân chủ nữa. Tuyệt đối nó không phải chỉ là một hiện tượng xảy ra trong những trường hợp qúa quắt, hay trong các chế độ độc tài; và trong các năm trở lại đây chúng đã chứng minh cho thấy một cách tỏ tường như vậy.

Hỏi: Thưa ba, nạn tra tấn cũng là tệ nạn liên quan tới phái tính. Trong số các nạn nhân cũng có nhiều phụ nữ, có đúng thế không?

Đáp: Đúng vậy. Và trên nữ giới thì nạn tra tấn luôn luôn được thi hành qua việc hãm hiếp họ. Các sự kiện đã xảy ra tại cựu Yugoslavi đã đậy cho chúng ta biềt rằng hãm hiếp phụ nữ là một ”dụng cụ chiến tranh đích thực”. Trên thân thể của người đàn bà người ta gây chiến giữa nam giới, trong một cách thức nào đó. Đây là một tệ nạn thê thảm không chỉ xảy ra tại cựu Yugoslavi, mà cũng đã xảy ra tại Rwuanda trên các phụ nữ Tutsi. Cho tới nay chúng ta đã đề cập tới sự kiện phụ nữ bị sử dụng để tấn công cộng đoàn nam giới, nhưng thật ra nó cũng liên quan tới phụ nữ dấn thân trong lãnh vực chính trị hay trong các lãnh vực khác. Trong các trường hợp này phụ nữ bị bách hại bởi các lý do khác, và tra tấn luôn luôn và cần thiết là hình thức hãm hiếp.

Hỏi: Các nạn nhân mà Ủy ban của qúy vị trợ giúp đến từ các nước nào trên thế giới thưa bà?

Đáp: Ủy ban Italia đặc trách người tị nạn thường gặp gỡ các nạn nhân đến từ Phi châu. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng tai Italia chẳng hạn, các người đến từ châu Mỹ Latinh xin tị nạn khá hiếm. Vì thế tôi không muốn đưa

ra một kết luận chung thực sự chú ý tới tình hình xảy ra trên thế giới. Chúng ta biết rằng tại hơn 100 quốc gia nạn tra tấn rất là phổ biến, và đó là điều khiến cho chúng tôi lo lắng. Nạn tra tấn cũng được sử dụng tại các nước nổi tiếng là ”dân chủ”, vì thế tôi tránh định nghĩa các quốc gia tốt các quốc gia xấu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi có nhiều nạn nhân đến từ các nước như Ivory Coast, Cộng hòa dân chủ Congo, là quốc gia bị nội chiến tàn phá từ bao nhiêu năm nay, và là nơi đã xảy ra các vụ tra tấn và bạo lực vượt ngoài mọi tiêu chuẩn và quy chiếu có thể có. Thề rồi cũng có các kinh nghiệm tột cùng của các nạn nhân đến từ các nước như Afghanistan, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Rồi cũng còn có Somalia nữa. Thật khó mà chỉ cho thấy đâu là đầu và đâu là cuối của danh sách. Mới đây chúng tôi đã tiếp nhận nhiều người đến từ Eritrea, họ đã bị tra tấn tại quê hương đất nước của họ, và cũng bị tra tấn trong cuộc hành trình, rồi trong thời gian sống trong các trại giam bên Libya nữa.

Hỏi: Thưa bà Rathaus, có yếu tố nào chung cho tất cả các nạn nhân qua tới Italia không: họ hoàn toàn bị tàn phá, hay căn tính của họ bị hủy hoại?

Đáp: Vâng, tuyệt đối là như thế. Điều xảy ra như phản ứng từ con người của họ bộc lộ ra ngoài là sự ”bùng nổ tâm linh”. Và đấy là mục đích mà nạn tra tấn nhắm tới: đó là hủy diệt căn tính sâu xa của con người họ. Chúng tôi từng trông thấy những người gặp các khó khăn cùng cực. Nhìn thấy sự dữ một cách cận kề như vậy, sự dữ nhập thể, sự dữ mà một người cố ý làm cho một người khác, là một kinh nghiệm tuyệt đối không thể nào tả nổi. Tôi phải nói rằng đó là một kinh nghiệm, mà đối với cả chúng tôi là những người nghe kể lại các chuyện khác nhau, nó cũng tàn phá và không thể kể được. Thật ra, chúng ta thử tìm các từ của con người để bước vào trong một lãnh vực không còn tí gì là nhân bản nữa, mà chỉ còn là vô nhân thuần túy mà thôi.

Hỏi: Trong các năm qua, tức từ hơn 15 năm qua, y ban Italia đc trách người tị nạn đã đề ra một loạt các hoạt động nhằm nâng đỡ các anh chị em nạn nhân của tra tấn: từ trợ giúp pháp lý cho tới trợ giúp tâm lý vv… Thế thì có khả thế phục hồi nào cho các nạn nhân hay không thưa bà?

Đáp: Tại những nơi việc trợ giúp được thực hiện sớm, thì chắc chắn có các khả thể phục hồi. Tra tấn nhắm tàn phá căn tính sâu xa của bản vị con người. Nhiệm vụ của chúng tôi là tái lập cho bản vị của họ tất cả những gì có thể giúp họ hồi phục các mảnh căn tính đã bị xé rách và hủy diệt đó, tất cả những gì có thể giúp các nạn nhân nối kết lại các mảnh căn tính bị gẫy vụn ấy. Tại những nơi có thể can thiệp một cách mau chóng trong việc săn sóc y tế và tâm lý, thì có sự thành công đối với các khả năng hồi phục một cách rõ ràng. Chúng là các vết thương bên trong, bị chôn vùi đâu đó trong tâm trí, và nguy cơ đó là chúng có thể tái xuất hiện. Mặc đầu vậy, có thể thành công trong việc đạt tới một mức độ sống đứng đắn nào đó, và chúng tôi phải nhắm tới việc đạt mức độ ấy. Nói đến chuyện lành hoàn toàn là điều hơi lý thuyết. Nhưng chắc chắn là chúng tôi trợ giúp các nạn nhân trong các lộ trình hồi phục khiến cho chúng tôi phải nín thở, sau 15 năm hoạt động; và cũng rất may là chúng trao trả cho chúng tôi các cảm xúc nền tảng sâu đậm của con người.

(RG 25-6-2012)

Linh Tiến Khải

Công bố Văn kiện của Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc mục vụ ơn gọi linh mục

Công bố Văn kiện của Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc mục vụ ơn gọi linh mục

VATICAN. Sáng 25-6-2012, Bộ giáo dục Công Giáo đã công bố văn kiện mới, tựa đề ”Những đường hướng mục vụ ơn gọi linh mục”.

Văn kiện dài lối 30 trang, soạn thảo trong vòng 7 năm qua, được ĐTC cho phép công bố ngày 25-3 năm nay và đã được ĐHY Tổng trưởng Zenon Grocholewski, Đức TGM Jean Louis Bruguès Tổng thư ký và Đức Ông Phó tổng thư ký Vencenzo Zani, giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Ba phần của Văn kiện lần lượt trình bày ”Việc mục vụ ơn gọi trong thế giới ngày nay” (I); ”Ơn gọi và căn tính của chức linh mục thừa tác” (II) và sau cùng là ”Các đề nghị cụ thể cho việc mục vụ ơn gọi LM” (III).

Tài liệu này chủ yếu nói về tình trạng tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu đang bị khan hiếm ơn gọi LM một cách trầm trọng; trong số những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này, có tình trạng giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình, hiện tượng tục hóa, gương mù lạm dụng tính dục do một số LM, những ý tưởng sai lầm trong nội bộ Giáo Hội đưa tới sự coi rẻ đoàn sủng và sự chọn lựa độc thân, v.v. Nhiều cha mẹ, với những mong đợi về tương lai của con cái, nên ít quan tâm đến sự kiện con cái có thể được ơn gọi làm linh mục”. Cản trở ơn gọi LM, cũng có thể là chính đời sống LM bị thu hút vào sự miệt mài làm việc, với hậu quả là bị các hoạt động mục vụ đè bẹp, làm lu mờ và suy yếu kinh nghiệm sáng ngời về linh mục”.

Trong số những đề nghị cụ thể, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nhấn mạnh đến chứng tá vui tươi và trung thành của linh mục trong sứ vụ, đây có thể là một hình ảnh thu hút mạnh mẽ nơi giới trẻ về chức linh mục; ngoài ra có kinh nghiệm về thiện nguyện; học đường như một môi trường quan tâm đến sự huấn luyện con người toàn diện..

Họp báo

Trong cuộc họp báo, ba vị lãnh đạo của Bộ Công Giáo lần lượt giới thiệu nội dung 3 phần của Văn Kiện:

1. ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, đã giới thiệu lai lịch văn kiện và nội dung phần thứ I. Ngài cho biết tiến trình soạn Văn kiện đã diễn ra trong 7 năm, qua các Đại hội của Bộ giáo dục Công Giáo. Đại hội năm 2005 với sự tham dự của các HY và GM thành viên, đã thảo luận về ơn gọi LM và yêu cầu đào sâu vấn đề để chuẩn bị một văn kiện về việc cổ võ ơn gọi LM. Đại hội cũng đề ra một số tiêu chuẩn hướng dẫn việc soạn văn kiện, ví dụ:
– Mời gọi toàn thể cộng đoàn Giáo Hội tái ý thức về trách nhiệm giáo dục và mục vụ trong việc cổ võ ơn gọi LM;
– Cống hiến một ý tưởng rõ ràng về hình ảnh chức linh mục thừa tác và sự cần thiết cũng như vai trò của chức LM trong Giáo Hội.
– Khuyến khích mọi phần tử của Giáo Hội, đặc biệt là các nhóm, hội đoàn và phong trào, nâng đỡ các sáng kiến và tiến trình ơn gọi.
– Cung cấp những chỉ dẫn và gợi ý hành động rất cụ thể và rõ ràng để việc mục vụ được hữu hiệu.
– Soạn thảo một văn kiện ngắn và xúc tích.
Đường hướng trên đây đã được đào sâu trong Đại hội năm 2008 của Bộ giáo dục Công Giáo, trong khi đó, một cuộc tham khảo sâu rộng được thực hiện nơi các HĐGM, qua một bản câu hỏi được chuẩn bị kỹ lưỡng, với mục đích thu thập các đề nghị cho việc soạn thảo văn kiện. Các bản trả lời từ các nơi gửi về thật phong phú và dồi dào. Đại hội kế tiếp của Bộ đã cứu xét và phê chuẩn văn kiện này và ngày 25-3-2012, nhân kỷ niệm 25 năm Tông huấn ”Thầy sẽ ban cho các con những vị mục tử” (Pastores dabo vobis), ĐTC Biển Đức 16 đã cho phép công bố Văn kiện này.
ĐHY Grocholewski cho biết chìa khóa để đọc Văn kiện ”Những đường hướng mục vụ ơn gọi LM”, nhất là phần thứ I là ”Sự chăm sóc ơn gọi linh mục là một thách đố trường kỳ đối với Giáo Hội”. Điều này có nghĩa là Giáo Hội có nghĩa vụ liên lỷ phải đề nghị, phân định, bảo tồn và thăng tiến ơn gọi LM; tiếp đến việc săn sóc ơn gọi LM là một thách đố liên lỷ được gửi đến cộng đoàn Giáo Hội. Thực vậy hoa quả phong phú và dồi dào của Thánh Linh trong lãnh vực này là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để nhận ra và đo lường sức sinh động của một giáo phận, chất lượng đức tin và chứng tá Tin Mừng của giáo phận ấy, giá trị và đặc tính sâu xa của giáo phận ấy trong sự gắn bó theo Chúa Kitô.
Theo chiều hướng đó, Văn kiện ”Đường hướng mục vụ ơn gọi” liên hệ đặc biệt tới các Giáo Hội có truyền truyền kỳ cựu, trong đó sự dửng dưng đối với tôn giáo, cùng với sự yếu kém trong việc làm chứng tá Kitô, khiến cho ơn gọi trở nên khan hiếm và khô cằn. Ví dụ trường hợp của Âu Châu từ nhiều năm nay đang chịu đau khổ nhiều nhất vì thiếu ơn gọi linh mục.
Cũng trong phần thứ I, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nêu lên 3 lý do chính cản trở việc mục vụ ơn gọi tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, đó là:
– Sự giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình làm cho con số các trẻ nam và người trẻ giảm bớt và khiến cho đời sống của họ, kể cả về phương diện đức tin, trở nên khó khăn và họ lo sợ trước một hiện tại bị phân tán và đe dọa, và trước một tương lai bấp bênh.
– Tiếp đến là sự lan tràn não trạng tục hóa và hậu quả là nhiều tín hữu từ bỏ đời sống Kitô. Tình trạng này càng làm cho họ khó thực hiện những chọn lựa quyết liệt và lâu dài trong thời gian, vì một bối cảnh văn hóa duy tương đối hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự đào tạo các ơn gọi vững chắc và ổn định hơn.
– Thứ ba là tình cảnh khó khăn trong cuộc sống và sứ vụ của linh mục, phải chịu những biến đổi sâu đậm trong Giáo Hội và xã hội; hiện tượng đó thường làm cho LM, một đàng bị gạt ra ngoài lề và không còn quan trọng nữa, và đàng khác người ta có nguy cơ coi sứ vụ LM chỉ là một trong bao nhiêu nghề khác mà thôi. Những hiện tượng đó, thật rõ ràng tại nhiều nơi trên thế giới, có thể làm cho một số LM nản chí và sa xút về tinh thần.
Đứng trước tình trạng ấy, Phần thứ I trong Văn kiện mới của Bộ giáo dục Công Giáo liệt kê những điều kiện cần thiết để ơn gọi tìm được một mảnh đất phì nhiêu trong Giáo Hội và sự cởi mở của người trẻ đối với ơn gọi LM. Chẳng hạn:
– Cần kiến tạo một môi trường phong phú cho đời sống Kitô trong cộng đoàn Giáo Hội;
– Vai trò không thể thiếu được của việc cầu nguyện, xin Chủ mùa gặt sai nhiều trợ đến làm việc trong mùa gặt của Ngài;
– Giá trị của việc mục vụ toàn diện, thực thi một sự phối hợp, đồng qui các chương trình và đề nghị giữa các vị hữu trách khác nhau về giáo dục Công Giáo.
– Cần có một đà tái truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo, khơi lên nơi người trẻ lòng hăng say mạnh mẽ đối với Tin Mừng
– Chức năng chủ yếu và không thể thay thế được của gia đình.
– Chứng tá cuộc sống vui tươi của các LM, sống phù hợp với niềm tin và ơn gọi của mình.
– Giá trị của trường học và đại học trong đó cần du nhận những cơ hội gặp gỡ và đào sâu ơn gọi Kitô.

2. Đức TGM Jean Louis Bruguès, OP
Phần thứ II của Văn kiện đã được vị Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo là Đức TGM Jean Louis Bruguès, dòng Đa Minh, trình bày, nói về ”ơn gọi và căn tính của chức LM thừa tác”.
Phần này phê bình xu hướng dần dần biến chức linh mục thành một nghề, như thể đời sống trong sứ vụ LM có thể thu hẹp vào một loạt những điều cần phải làm theo khả năng nghề nghiệp chuyên môn. Thêm vào đó có những nguy hiểm thường gặp thấy trong kinh nghiệm đời sống LM như thái độ miệt mài làm việc thái quá, xu hướng cá nhân chủ nghĩa ngày càng gia tăng, nhiều khi khép kín linh mục trong sự cô độc tiêu tực và làm cho xuống tinh thần; sự lẫn lộn các vai trò trong Giáo Hội.
Đứng trước những tình trạng như thế, Phần II Văn kiện Bộ giáo dục Công Giáo đề nghị một số điểm suy tư, chẳng hạn ơn gọi LM luôn ở trong lãnh vực cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và con người (n.5); tiếp đến, đạo lý thần học về ấn tích linh mục (n.6) đề ra một điều mới mẻ trong đời sống, đòi người được gọi phải đặc biệt chăm sóc quan hệ sinh động và liên lỷ với Chúa Kitô, dành trọn thời gian cần thiết cho Chúa và tiếp tục vun trồng, đào sâu quan hệ ấy mỗi ngày, như thể chạy đến cùng Chúa (Pl 3,12-14).
Trong các đoạn số từ 8 đến 10, Văn kiện Bộ giáo dục Công Giáo nhắc đến một loạt những hệ luận về cách thức khơi dậy, phân định và làm tăng trưởng ơn gọi LM. Ví dụ, để huấn luyện về sứ vụ LM, cần có một kinh nghiệm sâu xa về đời sống cộng đoàn để tránh những hình thức mới của xu hướng duy giáo sĩ, tập trung mục vụ, những dịch vụ mục vụ bán thời gian hoặc theo nhu cầu cá nhân; Cần có một sự hội nhập và trưởng thành đầy đủ về tình cảm, tránh những đề nghị ơn gọi cho những người có nhân cách mong manh; cần có một sự tham gia rộng rãi và ngoan ngoãn đối với bối cảnh Giáo hội, yêu thương cụ thể đối với giáo phận của mình đồng thời quảng đại cởi mở đối với chiều kích hoàn vũ của sứ vụ.

3. Đức Ông Vincenzo Zani
Phần thứ III là phần dài nhất của Văn kiện mang tựa đề ”Những đề nghị cho việc mục vụ ơn gọi LM” và do Đức Ông Vincenzo Zani, Phó tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo trình bày.
Đức Ông Zani đã cung cấp một vài con số về tình hình ơn gọi LM trong Giáo Hội: tại Âu Châu trong 10 năm qua, số chủng sinh giảm mất gần 6 ngàn thầy, từ 27 ngàn trong năm 2000 xuống còn 21 ngàn trong năm 2010; tại Bắc Mỹ số chủng sinh hầu như đứng yên với 5.500 thầy; tại Nam Mỹ có phần giảm: từ 22 ngàn trong năm 2006 xuống còn 21 ngàn trong năm 2010; trong khi đó số chủng sinh tại Á và Phi châu tiếp tục gia tăng: từ 20 ngàn trong năm 2000 lên 27 ngàn chủng sinh tại Phi châu; từ 25 ngàn trong năm 2000 lên 33 ngàn trong năm 2010 tại Á châu.
Phần III của Văn kiện chứa đựng một loạt những chỉ dẫn cụ thể do các HĐGM được hỏi ý kiến gửi về. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu được của việc cầu nguyện cho ơn gọi, đồng thời nhận xét rằng mặc dù có những cơ quan và tổ chức chuyên về ơn gọi LM ở cấp hoàn vũ, quốc gia và giáo phận, nhưng các cơ quan này không thể thay thế cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn Kitô: bắt đầu từ gia đình Công Giáo vốn được Công đồng chung Vatican 2 gọi là ”chủng viện đầu tiên” (OT 2): gia đình phải có thể cống hiến những điều kiện thuận lợi cho sự nảy sinh ơn gọi. Điều này có nghĩa là không bao giờ có thể quan niệm việc mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi, cũng như mục vụ giới trẻ và mục vụ học đường, như thể chúng là những lãnh vực độc lập và xa lạ với nhau.
Văn kiện trình bày một loạt nhận xét về giáo xứ, vai trò của các LM, tu sĩ, giáo lý viên và những ngừơui linh hoạt mục vụ giáo xứ.
Đoạn số 15 nhấn mạnh trách nhiệm đặc thù của chủng sinh đối với ơn gọi. Trong thời gian thụ huấn các chủng sinh cũng phải được huấn luyện về khả năng làm chứng tá và đề nghị cho người khác kinh nghiệm của họ trong việc đáp lại ơn gọi.
Văn kiện Tòa Thánh đặc biệt đề cao vai trò của các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi LM. Văn kiện không quên vai trò của các nhóm lễ sinh, tức là những người giúp lễ, trong đề nghị ơn gọi linh mục. Thời gian phục vụ của họ có thể coi như một trường thực hành về sự cầu nguyện và phục vụ Giáo Hội.
Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo kết luận rằng:
”Môi trường phì nhiêu đối với hạt giống ơn gọi LM chính là một cộng đoàn Kitô cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện bằng phụng vụ và làm chứng tá bác ái; Bộ giáo dục Công Giáo khuyến khích toàn thể Giáo Hội, với lòng tín thác, hãy tái đảm trách quyết tâm giáo dục của mình để đón nhận tiếng Chúa gọi đi vào sứ vụ LM; tiếng Chúa gọi ngày nay vẫn dồi dào và thích ứng với nhu cầu của Giáo Hội cũng như nhu cầu rao giảng Tin Mừng trên thế giới.

G. Trần Đức Anh OP

Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế

Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế

Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 24-6-2012, lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả.

Trong các đoàn hành hương có một ban nhạc và một nhóm dân ca vũ Bolivia mặc sắc phục rực rỡ nhiều mầu rất đẹp. Chúa Nhật hôm qua tại Italia cũng là Ngày Bác ái của Đức Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đã cám ơn tín hữu nước này như sau:

Anh chị em thân mến, tại Italia hôm nay là Ngày Bác Aí của Giáo Hoàng. Tôi cám ơn tất cả các cộng đoàn giáo xứ, các gia đình và các tín hữu riệng biệt vì sự yểm trợ liên tục và quảng đại nhằm trợ giúp các anh chị em găp khó khăn. Nhân dịp này tôi cũng nhắc nhớ rằng ngày mốt, nếu đẹp lòng Chúa, tôi sẽ làm một cuộc viếng thăm ngắn trong các vùng bị động đất mới đây tại miền Bắc Italia. Tôi muốn rằng nó là một dấu chỉ tình liên đới của toàn thể Giáo Hội với các anh chị em nạn nhân, vì thế tôi mời gọi tất cả mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện.

Trước đó, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về lễ kính thánh Gioan Tiền Hô như sau:

Hôm nay 24 tháng 6 chúng ta cử hành lễ trọng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Trừ Đức Trinh Nữ Maria ra, Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất mà phụng vụ mừng ngày sinh và Giáo Hội mừng sinh nhật thánh nhân vì nó gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, từ trong lòng mẹ Gioan là tiền hô của Đức Giêsu: việc thụ thai ông cách lạ lùng đã được thiên thần báo cho Đức Maria biết như dấu chỉ ”không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37), sáu tháng trước khi xảy ra biến cố lạ lùng trao ban cho chúng ta sự cứu rỗi, sự kết hiệp của Thiên Chúa với con người bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Bốn Phúc Âm nêu bật gương mặt của Gioan Tẩy Giả, là vị ngôn sứ kết thúc thời Cựu Ước và khai mào thời Tân ước, bằng cách cho chỉ cho thấy Đấng Cứu Thế nơi Đức Giêsu thành Nazareth, Đấng Được Thánh Hiến của Chúa. Thật vậy, chính Đức Giêsu đẽ nói về Gioan như sau: ”Chính ông là người Thánh Kinh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,10-11).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: cha của Gioan, ông Dakharia, chồng bà Elisabeth, bà con của Đức Maria, đã là tư tế của phụng tự do thái. Ông đã không tin ngay lập tức vào lời loan báo chức làm cha đã không được chờ đợi nữa, vì thế ông bị câm cho tới ngày con trẻ được cắt bì, mà ông và vợ đặt tên cho như Thiên Chúa đã chỉ định, là Gioan, có nghĩa là ”Chúa thương xót”. Được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, ông Dakharia đã nói về sứ mệnh của con minh: ”Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu của Đấng Tối Cao; con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết moi tội khiên” (Lc 1,76-77).

Đức Thánh cha nói thêm trong bài huấn dụ:
Tất cả những điều này được tỏ lộ ba mươi năm sau đó, khi Gioan bắt đầu ban phép rửa trong sông Jordan, bằng cách kêu gọi người ta chuẩn bị, với cử chỉ sám hối, cho biến cố đến gần của Đấng Cứu Thế, mà Thiên Chúa đã mạc khải trong khi ông sống trong sa mạc Giuđêa. Vì thế ông được gọi là ”Tẩy Giả”, nghĩa là ”Người thanh tẩy” (x, Mt 3,1-6). Một ngày kia, khi từ Nazareth, chính Đức Giêsu đến để được thanh tẩy; ban đầu Giaon từ chối, nhưng rồi ông đồng ý, và ông trông thấy Thánh Thần đậu xuống trên Đức Giêsu và nghe tiếng của Thiên Chúa Cha trên trời công bố Người là Con của Ngài (x. Mt 3,13-17). Nhưng sứ mệnh của ông Gioan đã chưa được thành toàn: ít lâu sau đó, ông được yêu cầu đi trước Đức Giêsu cả trong cái chết bạo lưc nữa; Gioan đã bị chém đầu trong ngục của vua Hếrôđê, và như hế ông đã làm chứng tá tràn đầy cho Chiên Con của Thiên Chúa, mà ông đã là người đầu tiên nhận biết và chỉ cho thấy một cách công khai.

Các bạn thân mếm, Đức Trinh Nữ Maria đã trợ giúp người bà con Elisabeth cao niên kết thúc thời kỳ mang thai Gioan. Xin Mẹ giúp tất cả bước theo Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà ông Tẩy Giả đã loan báo với lòng khiêm tốn lớn lao và nhiệt huyết ngôn sứ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ý. Trong tiếng Pháp Đức Thánh Cha nói gương của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta hoán cải, làm chứng cho Chúa Kitô và loan báo Người trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, là tiếng kêu trong sa mạc giống như thánh nhân cho đến chỗ hiến dâng mạng sống mình.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói ngài hiệp ý với tổng giáo phận Poznan, các cha dòng Oratoriani, và tín hữu hành hương Đền thánh Mẹ Thiên Chúa Gostyn, nhân dịp mừng kỷ niệm 500 năm thành lập đền thánh. Ngài cảm tạ Chúa vì các ơn Chúa đã rộng ban cho các thế hệ nhờ lời bầu cử của Mẹ và ngài xin sự chở che của Mẹ đồng hành với mọi người.

Trong tiếng Ý ngài chào các thành viên của Hiệp hội thiện nguyện Pro Loco Italia, chúc mừng 50 năm thành lập hội và cầu chúc mọi may lành cho công tác của hội phục vụ gia tài văn hóa của Italia.

Linh Tiến Khải

ĐÂU RỒI GIOAN TIỀN HÔ 2012?

ĐÂU RỒI GIOAN TIỀN HÔ 2012?

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B (24/06/2012)
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
[Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80]

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tiền Hô nhắc cho chúng ta yêu quí hơn, trân trọng hơn, tạ ơn Chúa nhiều hơn vì “sự hình thành, sinh ra, và hiện diện” của chúng ta trên đời, và nhất là tạ ơn Chúa bằng cách đặt mình vào kế hoạch, vào công cuộc của Thiên Chúa, làm chứng cho Thiên Chúa. Quả vậy, sự hình thành một thai nhi trong lòng mẹ, việc được sinh ra và sự hiện diện của bạn, của tôi, của mỗi một con người trên cuộc đời này, là một điều kỳ diệu đến mức khoa học chân chính chỉ còn cách chiêm ngưỡng tác phẩm tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa và ca tụng quyền năng vô biên của Ngài.
 
Hình thành thai nhi của Thánh Gioan càng đặc biệt hơn, vì Dacaria và Elisabeth đã già nua mà vẫn còn son sẻ. Ông bà vẫn khẩn nài Thiên Chúa ban cho một mụn con để nối dõi tông đường. Và Thiên Chúa đã nhậm lời: “Đang khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng  bên phải hương án làm ông hoảng sợ.  Sứ thần trấn an ông và bảo: “Này Ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Elisabéth, vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Cậu bé này sẽ thành vĩ nhân trước mặt Chúa, và ngay khi còn trong lòng mẹ, Cậu đã đầy ơn Thánh Thần. Nhiều người sẽ được hoan hỷ ngày Cậu ấy chào đời” (Lc 1, 10-15).
 
Như vậy, chính Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc đời Gioan:
 
– Can thiệp vào sự hình thành phôi thai của thánh Gioan  (Lc 1,10-15).
 
– Can thiệp vào cả việc đặt tên được giấu kín cho đến ngày Gioan sinh nở: “Phải đặt tên là Gioan” “Tên cậu ấy là Gioan” (Lc 1, 59-65).
 
– Can thiệp vào sứ mạng làm chứng cho quyền năng Thiên Chúa của Gioan ngay khi còn trong bụng mẹ khi sứ thần minh họa cho Mẹ Maria trong biến cố Truyền tin rằng “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được (Lc 1, 36-37).
 
– Can thiệp vào ý muốn của Dacaria, Ngài không làm cho ông toại nguyện có Gioan để nối dõi tông đường của mình, nhưng lại là để thực hiện chương trình của Thiên Chúa: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan.  Ông đến để làm chứng về ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa”(Ga 1, 6-7 ; Lc 1, 17 ).
 
– Can thiệp vào việc hình thành nhân cách đơn sơ, bản tính cương trực và ý thức được sai đến: “ăn chấu chấu uống mật ong rừng, mặc áo lông, đi dép da thú, sống trong sa mạc…” mà không phải là con người lập dị, nhưng là con người đơn giản sống trong sự kết hiệp với Thiên Chúa, chuẩn bị cho sứ mạng Chúa giao phó; “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa” “Hãy bạt núi đồi, hãy lấp hố sâu” mà không sợ người ủng hộ “đồi núi quyền bính” hay kẻ chủ trương “hố trụy lạc” kết án; “Người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi”“Người phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại” vì ý thức được sai đến để chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến. Thiên Chúa đã can thiệp để hình thành một con người cho công cuộc cứu rỗi của Ngài.
 
– Can thiệp vào ơn cứu độ của thánh Gioan bằng chính cái chết anh dũng của Người để làm chứng cho công lý của Thiên Chúa. Mẫu người được hình thành theo kế hoạch của Thiên Chúa, là mẫu người khiêm nhượng đặt mình vào trong chương trình của Ngài. Có thể nói từ các tổ phụ, các ngôn sứ đến vị ngôn sứ tiền hô gần nhất của Thiên Chúa Giáng Sinh, tất cả đều là những mẫu người khiêm nhượng, như Thiên Chúa là Đấng khiêm nhượng vô cùng.
 
Thế giới hôm nay đang có những con người kiêu căng, nghĩ mình có thể “sáng chế” ra một con người theo cách của Thiên Chúa, cho ngang bằng quyền năng của Thiên Chúa. Cũng lại có những người xem thường sự sống của con người, đến nỗi tự mình quyết định số phận của những con người được sinh ra, một cách vô ơn, một cách vô thần. Một đất nước mang tiếng là mất tự do cổ xúy việc phá thai đã đành, một đất nước nổi tiếng là văn minh nhất thế giới cũng đưa việc phá thai thành đạo luật, thì thế giới này đã quá rõ rằng lương tâm con người không còn nhìn nhận công trình kỳ diệu của Thiên Chúa nữa, nếu không nói là đang toa rập nhau chống lại Thiên Chúa.
 
Còn chúng ta, thiết tưởng Gioan Tiền Hô phải là hình ảnh người mẫu của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta. Chúng ta cũng được hình thành cách lạ lùng qua sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được hun đúc huấn luyện nhờ sự kết hiệp với Thiên Chúa trong sa mạc thiêng liêng của tâm hồn. Chúng ta cũng nhận lãnh sứ mệnh loan báo cho Nước Thiên Chúa đang đến, và nhất là làm chứng cho Tin Mừng, cho Công Lý của Thiên Chúa trên dặm trường hành hương về Đất Nước của Thiên Chúa, của chúng ta.
 
Ai không quí trọng sự sống của mình và của người khác, không biết ơn Chúa về sự hiện diện của mình trên đời, không ý thức sứ mệnh loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa đến cho mọi người, thì thiết tưởng, người ấy đang sống một cuộc sống vô nghĩa nhất, vô vị nhất.
 
Nhưng để thực hiện được ơn loan báo Tin Mừng, “làm tiếng kêu trong hoang địa”, làm công việc “dọn đường cho Chúa đến”, và làm chứng cho Tin Mừng và Công Lý của Thiên Chúa, hẳn phải là người khiêm nhượng nhất, chịu nghe tiếng Chúa, chịu kết hiệp mật thiết với Chúa trong thinh vắng, bằng lòng buông bỏ cái tôi kiêu ngạo to lớn của mình đi, bằng lòng thu nhỏ mình lại và đặt mình vào trong kế hoạch của Thiên Chúa như Thánh Gioan vậy.
 
Thế giới đang cần, xã hội đang cần, đất nước đang cần những chứng nhân anh dũng như Gioan Tiền Hô, những chứng nhân dám công khai lên tiếng chỉ ra những hành vi gian tà ám muội, chỉ ra những cách sống buông thả thối nát của những quan quyền, chỉ ra những tội lỗi tày trời của những kẻ chống lại Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, có vẻ như chúng ta còn đang ngó nhau chờ nhau hay cả nể sợ sệt hoặc trông đợi một Gioan Baotixita nào khác, mà không phải mỗi chúng ta!
 
Tại sao mỗi người chúng ta không thể là một Gioan Tiền Hô ngay trong cuộc sống của mình, ngay trong thời đại của mình, ngay lúc này? Có phải vì chúng ta chưa thông hiệp với Thiên Chúa và chưa thông hiệp với nhau? Có phải vì ma quỷ làm cho chúng ta suy yếu đi vì đã cắt đứt sự thông hiệp thánh thiện ấy? Hoặc tệ hơn nữa là chúng ta đã không đặt mình vào chương trình của Chúa lại còn vui vẻ đặt cuộc đời mình vào trong kế hoạch của ma quỷ chăng?
 
Kinh nghiệm mấy chục năm gần đây cho thấy bất cứ ai bắt tay thỏa hiệp với ma quỷ đều làm được nhiều việc cho sáng danh mình, nghĩa là “Tôi thì lớn lên mà Thiên Chúa thì nhỏ lại”. Thật đáng tiếc! Và tiếc nhất trong ngày sinh nhật của thánh Gioan Tiền Hô, người đã nêu gương sống một đời “Tôi thì nhỏ lại, để Thiên Chúa được lớn lên”.
 
Lạy Chúa, mỗi chúng con cần phải xét mình lại về cách trân trọng ơn gọi làm người, và làm chứng cho Thiên Chúa. Nguyện xin Thánh Gioan Tiền Hô cầu thay nguyện giúp, và xin Chúa cho chúng con noi gương Ngài trong cuộc sống hôm nay để sống khiêm cung, đơn giản, kết hiệp với Chúa, đặt mình trong chương trình của Chúa và cương trực làm chứng cho Thiên Chúa. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

Pt. Phêrô Đặng Phi Hùng

Từ thế kỷ thứ IV cả hai giáo hội Đông phương lẫn La tinh đều mừng lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả một cách trọng thể vào 6 tháng trước Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh. Gioan Tẩy Giả còn được gọi Gioan Tiền Hô hay Loan Tin (Forerunner/Herald), người đi trước dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Trong Giáo hội Công giáo, ngày lễ kính một vị thánh là ngày từ trần của vị ấy, quen gọi là “ngày tái sinh trên trời.” Nhưng chỉ có Thánh Gioan Tẩy Giả được biệt kính vào cả ngày sinh nhật lẫn ngày lìa đời, vào Chúa nhật như Chúa nhật tuần nầy vì cuộc đời Thánh Gioan gắn liền với cuộc đời Ngôi Hai Thiên Chúa: Gioan loan tin nhưng Chúa Giêsu là thông điệp; Gioan là tiếng kêu mà Chúa Giêsu là Sự Thật; Gioan nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa nhưng Chúa Giesu làm hoàn hảo lời hứa đó; Gioan rao giảng thống hối nhưng Chúa Giesu mang lại sự thứ tha; Gioan kêu gọi công bình và hoán cải nhưng Chúa Giêsu ban ân sủng tăng sức mạnh cho thay đổi và lớn lên; Gioan dọn đường nhưng Chúa Giesu chính là Đường.

Cuộc đời của Thánh Gioan và Chúa Giêsu rất lạ thường: Sự thụ thai của hai con trẻ được báo trước bởi cùng một Thiên Thần Gabriel; Cả hai được sinh ra bởi hai người nữ đáng lẽ không thể có con: bà Elizabeth tuổi đã già trong khi Đức Mẹ khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam; Cả hai con trẻ được đặt tên và trao nhiệm vụ từ lúc còn trong lòng mẹ: Gioan/Đấng Tiền Hô và Giêsu/Đấng Cứu Thế (Lk. 1:5 & 1:26); Cuối đời Thánh Gioan chịu chết vì đức tin và nhiệm vụ của Ông trước khi Chúa Giesu chịu chết vì tội nhân loại chúng ta trên Thánh Giá;

Chúa Giêsu cần Gioan loan báo trước khi đến như Thánh Gioan cần cha là Zachariah khỏi câm để xác nhận tên và nhiệm vụ Chúa giao phó cho mình (Lk. 1:64); Đức Mẹ cần thăm viếng bà Elizabeth để hài nhi Gioan giới thiệu hài nhi Giesu trong cung lòng các bà mẹ được chúc phúc.

Cuộc đời tiền hô và làm chứng của T. Gioan được tóm gọn lại trong 3 điểm:

1) Một Ngôn sứ đã làm phép rửa, rao giảng và giới thiệu Chúa Kitô đến với mọi người.

Sau khi xong nhiệm vụ giới thiệu, Ông tránh sang một bên để Chúa trực tiếp liên hệ với người ta.

2) Khiêm nhường nhưng cương quyết:

theo Phúc âm thuật lại sau khi làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Jordan, chính mắt Ông đã thấy Chúa Thánh Thần với hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Con và nghe trên trời có tiếng phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài.” (Mk. 1:9) Ông giới thiệu đến toàn dân: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian….Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Ngài.” (Jn. 1:15) Lần kia khi đứng với hai môn đệ thì bắt gặp Chúa Giêsu đi qua, Ông chỉ cho môn đệ: “Đây chính là Đấng Messiah-Thiên sai.” Sau đó hai môn đệ đã bỏ Ông và theo làm môn đệ Chúa Giêsu (Jn. 1:35). Lần khác Ông tuyên bố: “Chúa Kitô phải được nâng lên, còn tôi phải hạ xuống.” (Jn. 3:30) Ông cương quyết nhất định không nhượng bộ hành động trái luân lý và luật Chúa của vua Hêrođê dù việc đó dẫn đến cái chết (Lk. 3:19).

3) Tính cách nhân bản rất người của Gioan:

Sinh ra bởi một cặp vợ chồng rất già là một sự lạ; Cha bị câm suốt thời gian mẹ mang thai cũng lạ; Nhảy mừng trong lòng khi được hài nhi Giêsu trong cung lòng Đức Mẹ tới thăm càng lạ hơn; Lớn lên được tràn đầy Chúa Thánh Thần khi chứng kiến biến cố rửa tội ở sông Jordan với Chúa Ba Ngôi, thế nhưng không vì thế mà Gioan không có những thao thức, trăn trở về đức tin, về tâm linh theo Thánh ý Chúa. Một hôm lúc đang bị giam trong tù chỉ vì dám nói lên sự thật đã chỉ trích Vua Herođê cướp vợ của anh mình, sống với chị dâu tên Herodia, Gioan đã phái môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy chúng tôi muốn biết Thầy có phải là Đức Kitô Đấng đến để cứu nhân loại hay chúng tôi còn phải chờ một Đấng nào khác?” Chúa Giesu đáp: “Yes! Hãy về nói cho Gioan biết những điều mà các con thấy: người mù được thấy, người què được đi, người cùi được sạch, người điếc nghe được, người chết trỗi dậy, người nghèo được nghe tin mừng…” (Lk. 7:19)

Suy nghĩ về cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta tìm được 3 ý niệm để cùng nhau suy nghĩ trong những ngày tới:

1/ Sau khi được rửa tội, mỗi chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa Kitô, phải nói sự thật và cương quyết sống sự thật, cho dù điều đó đôi khi làm chúng ta thiệt thòi, đau khổ hoặc dẫn đến cái chết như Gioan. Thánh Gioan chỉ vì nói lên sự thật, cố gắng giúp đỡ cho vua Hêrôđê tốt hơn, nhưng hậu quả dẫn đến cái chết tức tưởi trong tù vì bị bà Herodia chị dâu sống bất hợp pháp với Herođê hãm hại.

2/ Là Kitô hữu chúng ta phải sống khiêm nhường: “Chúa phải lớn lên trong ta và cái tôi trong ta phải hạ xuống.” Sau khi giới thiệu Chúa cho người ta rồi thì đừng có nhận làm “tổng đại lý” của Chúa mà hỏng việc Chúa! Bổn phận chúng ta gieo còn Chúa cho ai gặt tuỳ Chúa, đừng thắc mắc, cũng đừng kể công mà mất phúc.

3/ Trong đời sống đức tin đôi lúc chúng ta có thể đặt câu hỏi nhưng đừng ngã lòng mất lòng trông cậy nơi Chúa. Phó thác không có nghĩa là gặp cái gì cũng tin, hoặc gặp cái gì cũng đòi phải được chứng minh. Đức tin và Đời sống người Kitô hữu là một bí nhiệm mà chỉ có Tình thương và lòng trông cậy vào Lời Chúa như Thánh Gioan Tẩy Giả mới giải đáp được.

Xin Thánh Gioan Tiền Hô giúp Kitô Hữu chúng con dám can đảm Tin và cương quyết Làm Chứng cho Chúa cho dù nơi trần thế chúng con chưa thấy được Chúa tỏ tường. Amen.

Đức Thánh Cha gặp các Hồng y về vụ Vatileaks

Đức Thánh Cha gặp các Hồng y về vụ Vatileaks

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng ngày 23-6-2012, ĐTC đã nhóm họp các vị HY Tổng trưởng và TGM Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Tham dự cuộc họp cũng có ĐHY Quốc vụ khanh, Đức TGM Phụ tá và Đức TGM ngoại trưởng của Tòa Thánh. Cuộc họp này, thông thường diễn ra 2 lần một năm.

Ngoài ra, lúc 6 giờ chiều cùng ngày (23-6-2012), ĐTC nhóm họp với các vị HY, trong đó có ĐHY George Pell, TGM giáo phận Sydney bên Úc, ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ GM, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, ĐHY Camillo Ruini, người Ý, nguyên Giám quản Roma và ĐHY Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”Trong bối cảnh tình trạng xảy ra sau vụ thất thoát và phổ biến các tài liệu mật, ĐTC đào sâu suy tư qua việc đối thoại liên tục với những người cùng chia sẻ trách nhiệm với ngài trong việc cai quản Giáo Hội. Như đã biết, thứ bẩy 16-6 vừa qua, ngài đã được Ủy ban 3 HY điều tra thông báo rộng rãi hơn về diễn tiến việc điều tra, do ĐHY Julian Herraz người Tây Ban Nha hướng dẫn.”

Cha Lombardi cũng nói rằng ”cuộc họp của ĐTC với các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, như thường lệ, bàn về việc phối hợp hoạt động của Giáo triều Roma cho tốt đẹp. Việc phối hợp này ngày nay đặc biệt quan trọng và cấp thiết để chứng tỏ một cách hữu hiệu tinh thần hiệp nhất vốn linh hoạt Giáo Triều.

Cha Lombardi giải thích rằng: ”Ban chiều, ĐTC quyết định gặp một số vị Hồng Y, vốn có nhiều kinh nghiệm khác nhau trong việc phục vụ Giáo Hội, không những ở Roma, nhưng cả trong lãnh vực quốc tế, các vị có thể trao đổi với ngài những nhận xét và đề nghị hữu ích để góp phần tái lập bầu không khí thanh thản và tín nhiệm đối với công việc phục vụ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh.”

Dĩ nhiên, trong những ngày tới đây, ĐTC tiếp tục các cuộc nói chuyện và suy tư của ngài, lợi dụng sự kiện có nhiều vị Mục Tử đến Roma nhân dịp lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, là cơ hội đặc biệt để cộng đoàn Giáo Hội hoàn vũ cảm thấy hiệp nhất với ngài trong kinh nguyện, trong việc phục vụ và làm chứng về đức tin cho nhân loại ngày nay” (SD 23-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (06-18 đến 06-24-2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (06-18 đến 06-24-2012)

Xuân Bích Việt Nam

Trung Quốc : Các nữ tu mở cửa mời gọi “mở lòng đón nhận tình yêu Chúa”

Brasil : Hướng tới Đại Hội truyền giáo lần III

Chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thăm viếng Vatican.

Toà Thánh thiết lập Giáo hạt tòng nhân Úc cho các cựu tín đồ Anh giáo

“Vatileaks” : Đức Thánh Cha tiếp Uỷ Ban Hồng Y.

Hàn Quốc : Darwin bọ khai trừ khỏi sách giáo khoa.

Một số nghĩ rằng các tân giám mục ở Ái Nhĩ Lan nên không phải người Ái Nhĩ Lan.

Bế mạc Đại Hội Thánh Thể lần thứ 50 và thông báo ĐHTT lần thứ 51.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội nói thẳng chống lại hôn nhân đồng tính.

Hình thức Thánh Lễ lần nữa làm bùng lên chống đối bên trong Giáo Hội.

Ấn-Độ : Làn sóng bài Kitô giáo mới ở Orissa.

Các lãnh đạo LCWR : Cuộc gặp gỡ ở Vatican cởi mở, nhưng khó khăn.

Thăm dò nước Anh: ủng hộ thầp đối với hôn nhân đồng tính.

-“Con Trai Hamas” làm phim trình bày Hồi giáo..

Nigeria : Bọn khủng bố Hồi giáo tấn công ba nhà thờ, giết nhiều người.

Các nhà khoa học xác nhận các xương cốt có thể là của Thánh Gioan Tẩy Giả.

Thủ tường Lettonia viềng thăm Vatican.

Hàng giáo dân là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng ơn gọi.

Truyền chức linh mục có thể tăng gấp đôi vào năm 2013 tại Anh và xứ Wales.

Báo cáo sơ bộ về đấu tranh chống lại lại giáo sĩ dụng tình dục đã sẵn sàng.

MacCulloch tiên đoán ly khai Công giáo.

-Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi “khẩn thiết và đau đớn”về Syria,

 

( Xem tiếp . . .TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO số 08 (06-18 đến 06-24-2012)

 

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Colombia giúp các tín hữu đừng đi theo giáo phái

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Colombia giúp các tín hữu đng đi theo giáo phái

VATICAN. Sáng 22-6-2012, ĐTC khuyến khích các GM Colombia tìm phương thức hữu hiệu giúp các tín hữu đừng rời bỏ Giáo Hội Công Giáo để đi theo các giáo phái.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 37 GM thuộc HĐGM Colombia vừa kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

ĐTC nói với các GM rằng: ”Tình trạng đa tôn giáo đang gia tăng là một nhân tố đòi phải nghiêm túc cứu xét. Sự hiện diện ngày càng tích cực của các cộng đoàn Pentecostal và Tin Lành, không những ở Colombia nhưng còn tại nhiều miền khác ở Mỹ châu la tinh, là điều không thể không biết tới hoặc coi nhẹ. Theo chiều hướng này, điều hiển nhiên là Dân Chúa đang được kêu gọi thanh tẩy và làm cho đức tin được sinh động, bằng cách để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, hầu mang lại một động lực mới trong việc mục vụ, vì nhiều khi những người chân thành rời bỏi Giáo Hội chúng ta không phải vì những tín lý của các nhóm không Công Giáo, nhưng chủ yếu vì những gì các nhóm này sống; không phải vì những lý do đạo lý, nhưng vì những lý do hiện sinh; không phải vì những vấn đề thần học, nhưng là vì những phương pháp của Giáo Hội chúng ta” (Văn kiện chung kết, Đại hội kỳ 5 của hàng GM Mỹ la tinh và Caraibí, n.225). Vì thế vấn đề ở đây là trở thành những tín hữu tốt hơn, đạo đức, hòa nhã và hiếu khách hơn trong các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, để không ai cảm thấy xa lạ hoặc bị loại trừ”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Cần phải tăng cường việc huấn giáo, đặc biệt quan tâm đến giới trẻ và người lớn, chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng, cũng như thăng tiến việc giảng dạy giáo lý Công Giáo tại các học đường và đại học. Tất cả đều nhắm giúp các tín hữu đã chịu phép rửa cảm thấy họ thuộc về Giáo Hội và tái khám phá ước muốn chia sẻ với tha nhân niềm vui được theo Chúa Kitô và là thành phần nhiệm thể của Chúa. Điều quan trọng là nhắc đến thuyền thống của Giáo Hội, gia tăng linh đạo Maria và vun trồng các việc sùng mộ. Tạo điều kiện cho sự trao đổi thanh thản và cởi mở với các tín hữu Kitô khác, nhưng không đánh mất căn tính của mình, đó là điều cũng có thể giúp cải tiến quan hệ với họ và vượt thắng sự nghi kỵ và đụng độ không cần thiết”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích các GM Colombia tiếp tục phát triển các chương trình tháp tùng và giúp đỡ những ngừơi bị thử thách, đặc biệt là các nạn nhân thiên tai, những người nghèo khổ nhất, các nông dân, người yếu đau và sầu khổ, gia tăng các sáng kiến liên đới và các hoạt động từ thiện giúp đỡ họ. (SD 22-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi giúp các bà mẹ và con bị Aids (Sida)

Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi giúp các bà mẹ và con bị Aids (Sida)

ROMA. ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi cộng đồng quốc tế đặc biệt trợ giúp các bà mẹ và các trẻ em bị bệnh Aids (Sida).

ĐHY Bertone đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu sáng 22-6-2012, tại Hội nghị quốc tế kỳ 8 về bệnh Aids nhóm tại Viện Thánh Gallicano, thuộc khu Trastevera ở Roma với sự tham dự của Phu nhân tổng thống nước Guinea và 20 vị bộ trưởng y tế các nước Phi châu, cũng như ông Andrea Riccardi, Bộ trưởng cộng tác quốc tế thuộc chính phủ Italia, cùng với nhiều giới chức chính quyền về y khoa cũng như của Tổ chức WHO (OMS) (Sức khỏe thế giới). Hội nghị này diễn ra trong khuôn khổ chương trình gọi là DREAM do Cộng đồng thánh Egidio phát động và lần này có chủ đề là ”Hoan hô các bà mẹ! Hoan hô các trẻ em! Giảm bớt sự tử vong của các bà mẹ và làm giúp các trẻ em lớn lên mà không bị Aids”.

Trong bài phát biểu, ĐHY Quốc vụ khanh xác quyết sự dấn thân mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo trong việc phòng chống Aids: hiện nay 30% các trung tâm săn sóc người bị HIV-Aids trên thế giới do các tín hữu Công Giáo đảm trách. Đặc biệt tại Phi châu, hoạt động trợ giúp y tế của Giáo Hội Công Giáo thường cung cấp sự hỗ trợ cơ bản cho những người bị Aids sống ngoài khu vực thành thị và tại miền quê.

ĐHY cũng cám ơn Cộng đồng thánh Egidio với chương trình Dream gồm 33 trung tâm tại 10 nước Phi châu, tạo nên một kiểu mẫu hữu hiệu về kết quả, và nói lên sự dấn thân của Kitô hữu, với khả năng tháp tùng những người đau khổ, coi mỗi bệnh nhân như nhân vị, không bao giờ thu hẹp cá nhân vào bệnh tật.

ĐHY Bertone long trọng nói rằng: ”Trước sự hiện diện của bao nhiêu vị bộ trưởng và các vị đặc trách về sức khỏe, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia và các ân nhân: chúng ta hãy mau lẹ cung cấp cho các bệnh nhân Aids một sự săn sóc miễn phí và hữu hiệu! Ước gì mọi bệnh nhân được săn sóc chữa trị! Chúng ta hãy thi hành điều đó, bắt đầu từ các bà mẹ và các trẻ em. Tại nơi đây, nhân danh ĐTC, tôi lên tiếng thay cho bao nhiêu người đau khổ, bao nhiêu bệnh nhân không có tiếng nói. Chúng ta đừng mất thời giờ và hãy đầu tư mọi năng lực cần thiết cho công trình này!”.

ĐHY Quốc vụ khanh nói thêm rằng: Tại Phi châu cũng như Âu Châu chúng ta có nghĩa vụ đi tới mỗi phụ nữ bị HIV trong lúc thai nghén, cung cấp thuốc chữa trị cho họ, để họ sinh con không bị nhiễm Aids và để người con được lớn lên với sự tháp tùng của người mẹ.” (SD 22-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP