Diễn văn ứng khẩu của Đức Thánh Cha bế mạc khóa làm việc của Thượng HĐGM 13

Diễn văn ứng khẩu của Đức Thánh Cha bế mạc khóa làm việc của Thượng HĐGM 13

VATICAN. ĐTC tuyên bố thẩm quyền về các chủng viện trong Giáo Hội từ nay thuộc Bộ giáo sĩ và thẩm quyền về sách giáo lý từ nay thuộc Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Ngài công bố quyết định trên đây trong lời cám ơn vào cuối phiên họp khoáng đại thứ 22 sáng 27 tháng 10-2012, cũng là phiên cuối cùng của Thượng HĐGM thế giới thứ 13.

Trước đây thẩm quyền về các chủng viện thuộc Bộ giáo dục Công Giáo và thẩm quyền về các sách giáo lý thuộc Bộ giáo sĩ. ĐTC cho biết Tông thư Tự Sắc về việc thay đổi thẩm quyền này sẽ được công bố để xác định lãnh vực và năng quyền liên hệ.

ĐTC cũng cho biết sở dĩ ngài tuyên bố triệu tập Công nghị vào ngày 24 tháng 11 tới đây để bổ nhiệm thêm 6 Hồng y mới là để bổ túc cho công nghị ngày 18-2 năm nay, trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng, với một cử chỉ nói lên tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, chứng tỏ rằng Giáo Hội là Giáo Hội của mọi dân tộc, nói mọi ngôn ngữ, và luôn luôn là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống; không phải Giáo Hội của một đại lục, nhưng là Giáo Hội hoàn vũ.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tại Thượng HĐGM này chúng ta đã nghe thấy Giáo Hội ngày nay cũng tăng trưởng, sinh động. Ví dụ tôi nghĩ đến những gì đã được nói về Giáo Hội tại Campuchia, nơi mà Giáo Hội và đức tin được tái sinh, hoặc về Giáo Hội tại Na Uy và bao nhiêu nơi khác. Chúng ta thấy ngày nay, Chúa vẫn hiện diện với quyền năng tại những nơi không ngờ, Chúa vẫn hoạt động qua các công việc và những suy tư của chúng ta.”

ĐTC xác quyết rằng ”cho dù Giáo Hội cảm thấy những cơn gió thổi ngược, nhưng Giáo Hội đặc biệt cảm thấy những luồng gió của Chúa Thánh Linh, giúp đỡ chúng ta, tỏ cho chúng ta con đường đúng; và như thế, chúng ta tái hăng hái tiến bước và cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta cuộc gặp gỡ thực sự có tính chất Công Giáo này”.
Cũng trong lời kết thúc, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các nghị phụ, các dự thính viên và chuyên viên, cũng như các chức sắc của Thượng HĐGM: 3 vị Hồng y chủ tịch, ĐHY Tổng tường trình viên, Đức TGM Nikola Eterovic Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt. Nhiều vị đã làm việc suốt, nhiều khi cả ban đêm nữa cho công nghị GM này.

Trước đó, 252 nghị phụ đã thông qua 58 đề nghị để đệ lên ĐTC.
Đức TGM Eterovic tuyên bố phiên họp sáng 27-10 là phiên họp cuối cùng và không có phiên họp thứ 23 vào ban chiều như đã dự định trong chương trình.

Sau phiên họp ban sáng, các nghị phụ và các tham dự viên khác đã dùng bữa tiệc huynh đệ do ĐTC khoản đãi (SD 27-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican
 



Tòa Thánh kiên nhẫn chờ đợi Huynh Đoàn Thánh Piô 10 trả lời

Tòa Thánh kiên nhẫn chờ đợi Huynh Đoàn Thánh Piô 10 trả lời

VATICAN. Tòa Thánh tuyên bố kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời chính thức của Huynh Đoàn thánh Piô 10 về các đề nghị Huynh đoàn cần chấp nhận để được tái hiệp thông với Tòa Thánh.

Huynh đoàn này gồm những tín hữu Công Giáo thủ cựu ly khai với Tòa Thánh từ năm 1988 và từ lâu đang theo đuổi tiến trình đối thoại để hòa giải. Trong tuyên ngôn công bố hôm 27 tháng 10-2012, Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa), khẳng định rằng:

”Ủy ban nhân cơ hội này để loan báo rằng trong lá thư gần đây nhất, ngày 6 tháng 9-2012, Huynh đoàn LM thánh Piô 10 cho biết là cần một thêm một thời gian suy tư và nghiên cứu để chuẩn bị câu trả lời đối với những sáng kiến sau cùng của Tòa Thánh.

”Tình trạng hiện nay của cuộc thảo luận giữa Tòa Thánh và Huynh đoàn LM nối tiếp 3 năm nói chuyện về đạo lý và thần học, qua một ủy ban hỗn hợp nhóm họp 8 lần để nghiên cứu và thảo luận về những vấn đề tranh biện liên quan đến sự giải thích về một vài văn kiện của Công Đồng chung Vatican 2. Vừa khi các cuộc thảo luận đạo lý kết thúc, hai bên đã tiến đến một giai đoạn thảo luận trực tiếp hơn, nhắm đến sự hòa giải với Tòa Thánh mà Huynh đoàn LM thánh Piô 10 rất muốn thực hiện với Tòa Thánh Phêrô.

Trong tiến trình tích cực dần dần tái hội nhập này, các giai đoạn quyết định khác đã được Tòa Thánh vượt qua: hồi năm 2007 với việc nới rộng trên toàn thể Giáo Hội hình thức ngoại thường của nghi lễ Roma qua Tự Sắc Summorum Pontificum, và năm 2009, Tòa Thánh giải các vạ tuyệt thông. Trên con đường cam go này, một điểm quan trọng đã được đạt tới cách đây vài tháng, đó là ngày 13 tháng 6-2012, khi Ủy ban Tòa Thánh trình bày cho Huynh đoàn thánh Piô 10 một tuyên ngôn đạo lý có kèm theo một đề nghị bình thường hóa qui chế của Huynh đoàn này về phương diện giáo luật trong Giáo Hội Công Giáo.

Ngày nay, Tòa Thánh đang chờ câu trả lời chính thức của các Bề trên Huynh đoàn LM về hai văn kiện nói trên. Sau gần 30 năm chia cách, điều dễ hiểu là cần có thời gian để hấp thụ ý nghĩa của những tiến triển gần đây. Vì ĐTC Biển Đức 16 tìm cách tạo điều kiện thuận lợi và bảo tồn sự hiệp nhất của Giáo Hội qua việc thực hiện sự hòa giải được mong đợi tự lâu của Huynh đoàn LM thánh Piô 10 với Tòa Thánh, sự biểu lộ đặc biệt sứ vụ Phêrô hiện nay, nên cần phải kiên nhẫn, thanh thản, và kiên trì và tin tưởng. (SD 27-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

XIN CHO CON ĐƯỢC THẤY

 XIN CHO CON ĐƯỢC THẤY

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B (28/10/2012)
[Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52]
Lạy Chúa là Ánh Sáng, xin chữa lành đôi mắt mù loà của chúng con.

Bao nhiêu người trông nắng có nắng, cầu mưa có mưa, cho ruộng lúa được mùa, cho giàn bông xinh tươi muôn sắc, cho vườn cây sum suê quả ngọt, cho biển mặn cá đầy khoang, tôm đầy thúng, mực đầy nan. Họ đã nhìn thấy những mùa vàng bội thu trên đồng, trên vườn, trên biển. Nhưng người đời vẫn huênh hoang tự hào: “Bàn tay tay làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”! Không thấy bóng dáng Thiên Chúa và không tin mọi sự đều là kỳ công của Người.

Năm hạn hán đồng khô hồ cạn, mất mùa trắng mắt, biển cả vắng con tép con còng, vườn cây trái trăng sâu sia đèo điếc, thế là người đời xoay sang chống cằm trách trời ác đức, trách đất vô tâm, trách quỷ trách thần không thương tình phù hộ. Càng không nhắc đến bóng dáng Thiên Chúa và cũng chẳng tin là quyền phép của Người.

Sinh được một cháu trai đầu lòng, to nặng, hình dáng tuấn tú khôi ngô, cái mặt giống cha, con mắt giống ông nội, cả nhà hân hoan mừng rỡ, khen nức khen nở con dâu nhà mình biết chửa, biết đẻ. Không hề có một câu khen mừng Thiên Chúa đã làm điều kỳ diệu lắm thay!

Hết con so đến con rạ, bà mụ vườn chào thua, khoa sản trên bệnh viện huyện chào thua phải chạy lên khoa sản tỉnh, cũng chào thua, thôi thì phải đưa gấp vào thành phố. “Biết tướng này sẽ ra sao mà tốn kém quá thể!” Sinh được đứa cháu rạ ọp òi, nhẹ ký, nhỏ người, con gái. Cả tháng sau chưa thấy ông bà nội đến thăm! Trách móc hờn giận lung tung. Con dâu bị chê chửi là không biết ở biết ăn, quỷ tha ma bắt!

Công trình của Chúa khắp nơi nơi: từ thiên nhiên hùng vĩ, đến vũ trụ bao la, đến cả con kiến đen bé nhỏ, đến vi sinh vật li ti. Mắt người đời nhìn thấy được mọi thứ, mà không nhận ra có Đấng Tác Sinh, lại còn bô bô luôn miệng “cái gì cũng tự nhiên mà có”! Đến cả sự hiện diện của chính mình trên trần gian này mà người vô thần cũng cho là bởi vật chất mà ra, có ông thuỷ tổ là một… con khỉ!

Có thời tồi tệ hơn nữa, học sinh sinh viên được dạy: “Con người ta hiện diện trên đời này là kết quả của sự vui chơi mà đàn ông với đàn bà, giống đực với giống cái đã tận hưởng”. Giá trị tình yêu và hôn nhân bị kéo xuống ngang hàng với chuyện tự nhiên của con vật. Mắt con người không mù rồi đó sao?

2.000 năm Ánh Sáng đã đến trần gian mà con người vẫn còn chìm trong u tối. Càng tưởng mình vĩ đại, văn minh bởi sức riêng của mình, con người càng ngủ vùi mê mệt trong cái vực sâu u tối mà con người tự tạo nên.

Chúa Giêsu Kitô là Ánh Sáng. Ngài đem Ánh Sáng của Thiên Chúa đến. Ánh Sáng ấy là chính Ngài đã Mạc Khải cho con người biết có Thiên Chúa là Cha, là Con, là Thánh Thần, quyền năng, khôn ngoan, yêu thương con người. Toàn bộ Tin Mừng là mạc khải về Tình Yêu và Ơn Cứu Độ dành cho những ai Tin vào Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Đức Tin là một hồng ân Chúa ban cho hết thảy mọi người. Có người khiêm tốn nhận hồng ân ấy. Còn người kiêu căng thì không. Người nhận hồng ân Đức Tin thì con mắt được ánh sáng Chúa mở ra để nhìn thấy điều mà lâu nay con mắt loài người có nhìn cũng không thấy:

Thấy công trình của Thiên Chúa mà tin kính, ngợi khen, chúc tụng, tri ân. Công trình của Ngài ngay trước mắt chúng ta trong mọi sự hiện hữu, ngay trong con người chúng ta, và trong cả những điều sẽ đến với chúng ta trên đường đời.

Thấy mình là vật mọn phàm hèn trước Thiên Chúa Toàn Năng. Thấy mình là loài thọ tạo mỏng giòn, yếu đuối, lại hay kiêu ngạo tày trời. Thấy mình là kẻ thọ ơn đã không biết đáp đền thế nào cho cân xứng lại còn bội nghĩa vong ân khi theo đường lối kẻ gian tà mà bất tín bất trung.

Thấy mình được Chúa yêu thương. Người quan phòng gìn giữ mình trong mọi tình huống cuộc đời, dẫu là gian nan đau khổ, an nhàn thư thái, hay cả những xót xa bất ngờ đều có thể nhìn ra được tình thương của Chúa.

Thấy nhu cầu của đồng loại mà biết sẻ chia. Từ cơm bánh của nuôi phần xác đến niềm vui của Đức Tin mang lại, đều có thể chia sẻ cho nhau, chia sẻ lời kinh nguyện, chia sẻ lòng Tin, lòng Mến, lòng Cậy…

Thấy và phân biệt được đâu là lẽ phải, là chân lý, là sự thiện nên làm, đâu là điều sai trái, là bất công gian tà, là sự ác độc mà nên tránh. Bao lâu người ta còn chấp nhận để những sự ác song hành với sự thiện, mà không chịu trừ khử nó đi, thì bấy lâu vẫn còn là kẻ mù quáng đi giữa ban ngày.

Thấy và nhìn ra sự hiện diện của Chúa trong anh em đồng loại, nhìn ra vẻ đẹp tốt lành tự nhiên của các tôn giáo bạn, nhìn ra được những giá trị nhân văn nơi những ý hướng ngay lành nhắm đến phát triển con người toàn diện, nhìn ra được thiện chí của những người giác ngộ sự mê lầm của mình…

Ôi, còn bao nhiêu điều mà một Kitô Hữu phải nhìn thấy bằng con mắt đã được Chúa Giêsu chữa cho lành nhờ ân sủng và Lời Chúa:

– Thấy sự chết là lối vào của sự sống ngàn thu mà tạ ơn Thiên Chúa.
– Thấy thất bại là cái búa đập tan tành cái tôi kiêu ngạo trong ta mà tạ ơn Chúa
– Thấy đau khổ là đường đưa đến vinh quang hạnh phúc mà tạ ơn Chúa.
– Thấy bức bách, nhục mạ, khinh khi là Thánh Giá, là ơn Cứu Chuộc mà tạ ơn Chúa.
– Thấy mỗi lần từ bỏ những sự phù vân vì Chúa Kitô, là mỗi lần nhận lại niềm vui bình an vĩnh cửu, chắc chắn…

Hôm nay, người mù mang tên Bartimê kia đã tìm được ánh sáng nhờ Tin vào Chúa Giêsu đầy lòng thương xót (x. Mc 10,46-52).

Hôm nay, cùng là ngày mỗi chúng ta kiểm tra lại con mắt Đức Tin của mình, xin Chúa chữa lành sự mù loà tăm tối trong lòng mình.
 
Lạy Cha giàu lòng thương xót, chúng con tin rằng xưa trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã giải thoát Dân Chúa khỏi kiếp nô lệ, lưu đày và dẫn đưa tất cả kẻ đui mù, què quặt về Đất Hứa, không loại trừ ai (x. Gr 31,7-9), đến thời Chúa Giêsu, Người lại đã thương xót cho anh mù Bartimê được nhìn thấy. Xin Cha cho chúng con có lòng tin, lòng khát khao, và lòng khiêm tốn để quỳ xin Cha chữa lành đôi mắt tâm linh mù loà của chúng con. Amen.

 
PM Cao Huy Hoàng

MÙ THÀNH SÁNG – SÁNG HOÁ MÙ!

 MÙ THÀNH SÁNG – SÁNG HOÁ MÙ!

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B (28/10/2012)
[Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52]

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10, 46-52) trình thuật phép lạ Đức Giê-su chữa lành một người mù ở Giê-ri-khô. Anh tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Có một điều rất đáng lưu ý là khi anh kêu to lên: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" thì liền bị đám người Pha-ri-sêu quát nạt, bảo anh ta im đi. Đám người Pha-ri-sêu này là ai mà hống hách vậy? Họ chính là nhóm người cùng với nhóm Xa-đốc bị thánh Gio-an Tẩy giả gọi là “rắn độc” (“Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” – Mt 3, 7). Họ sợ Đức Giê-su có thêm cơ hội làm phép lạ khiến Người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên dân chúng nhiều hơn. Họ muốn độc quyền chiếm lĩnh cảm tình của cộng đồng. Hành động đó nào có khác chi nòi rắn độc!
 
Đáng lẽ  đám người Pha-ri-sêu này (cùng với nhóm Xa-đốc) phải hiểu được rằng họ “… là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5, 1-3). Nhưng họ đã không làm thế – không muốn Đức Giê-su có ảnh hưởng trong xã hội vì lời giảng dạy và những phép lạ của Người – mà còn muốn truyền nọc độc từ nơi họ sang người khác. Gọi họ là rắn độc là quá đúng. Trước những con rắn độc ấy, đáng lẽ anh mù phải sợ, vì họ có quyền thế về tôn giáo. Họ có thể – nói theo kiểu hiện đại – “dứt phép thông công” anh ngay lập tức, khiến anh bị cô lập giữa những người đồng đạo và đời anh đã khốn khổ sẽ càng thêm khốn khổ. Nhưng anh đã không sợ hãi và càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" Sự can đảm ấy của anh đã được Đức Giê-su chúc lành: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Và thế là “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.”
 
Chợt nhớ tới một lần khác, Đức Giê-su chữa lành cho một người mù bẩm sinh (Ga 9, 1-41). Cũng lại là đám người Pha-ri-sêu tra vấn, vặn hỏi bệnh nhân (kể cả cha mẹ anh ta nữa) đủ điều, và cuối cùng trục xuất anh ra khỏi hội đường (“dứt phép thông công” đấy!). Nghe tin ấy, Đức Giê-su gặp lại anh mù, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" Anh hỏi lại: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người" (Ga 9, 35-38). Căn cứ trên sự kiện hiển nhiên đó, Đức Ki-tô khẳng định: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!" (Ga 9, 39). Lời nói này "chạm nọc" đám người Pha-ri-sêu, khiến họ "có tật thì giật mình", liền ngớ người ra và hỏi lại: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" khiến “Đức Giê-su bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!" (Ga 9, 40-41).
 
Rõ ràng Đức Ki-tô muốn cho đám người Pha-ri-sêu biết rằng nếu phạm tội vì không biết đó là tội – phạm tội do vô tình (vì bị mù, không xem thấy) – thì không cấu thành tội; còn nếu đã biết đó là tội – đã dám tư xưng là "Chúng tôi thấy" – mà còn cố ý phạm, thì mới thực sự là có tội. Như thế thì cũng chẳng khác nào nói: Anh mù vì tin mà được sáng mắt, nhưng nhóm người Pha-ri-sêu mắt vẫn sáng, nhưng không tin, nên cũng chẳng khác kẻ đui mù. “Thấy mà không thấy – không thấy mà thấy”, đó là một nghịch lý trong cuộc sống, nhưng lại là “chuyện thường ngày ở huỵện”. Trường hợp thánh Phao-lô với biến cố Đa-mát là một minh hoạ sống động: Khi còn sáng mắt (thể lý) nhưng vì nhiễm phải giáo lý sai lầm của Pha-ri-sêu nên Sao-lô cũng chẳng khác chi người mù (mù nội tâm). Đến khi bị ánh sáng chói loà làm mù mắt (mù thể lý) ở Đa-mát thì lại là lúc được sáng mắt sáng lòng (tâm linh). Cuối cùng, cả mù thể lý lẫn mù nội tâm đều được chữa lành và trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất Phao-lô.
 
Thật là thú vị! Những người "sáng mắt" thuộc Kinh Thánh làu làu, từng đứng trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy, lúc nào cũng huênh hoang "chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê", thì lại không biết gì về Con Người đã được ông Mô-sê (nhờ được Thiên Chúa mạc khải) tiên báo ("Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến." – Ga 9, 28-29). Trong khi đó, một anh mù từ lúc mới sinh (chắc chắn không được học hành và giả thử có được học thì cũng chẳng tới đâu) lại biết về Thiên Chúa còn hơn cả đám người sáng mắt ("Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì" – Ga 9, 30-33). Chẳng cần lý luận đanh thép, lý thuyết sâu xa, mà chỉ căn cứ vào thực tế (anh được chữa khỏi bệnh mù), mà anh mù đã khiến đám Pha-ri-sêu lâm vào thế bí, phát khùng ("Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" – Ga 9, 34), và đành giở chiêu quyền lực trục xuất anh khỏi hội đường! Thế đấy! Như vậy thì ai sáng, ai mù thực sự đây?
 
Chung quy thì cũng chỉ vì vấn đề cốt tuỷ:  đức tin. Anh mù được chữa lành bởi anh tin vào Con Người; mà cũng không phải chỉ riêng anh, tất cả những người bệnh hoạn, tật nguyền đến với Đức Ki-tô đều được chữa lành vì “Đức tin của anh em đã chữa lành anh em”. Còn đám người Pha-ri-sêu thì mù vẫn hoàn mù, bởi họ không tin vào Con Nguời, mà chỉ tin vào những giáo lý sai lầm như thánh Phao-lô trước biến cố Đa-mát vậy. Nói đi nói lại không gì bằng mượn chính ngay lời người mắc bệnh mù nội tâmvà được chữa lành, để minh hoạ: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5, 8-14).
 
Ôi! Lạy Chúa! Cảnh người mù kêu cầu Chúa chữa lành, bị bọn người Pha-ri-sêu quát nạt, tra vấn vặn hỏi đủ điều, vẫn hằng xảy ra trong thế giới hôm nay. Là những người theo Chúa, nhưng chúng con vẫn còn mê ngủ, vẫn luôn “cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối , mà chẳng thấy được ánh sáng của Lời Chúa. Chúng con chẳng muốn quan tâm tới những người nghèo khổ, bệnh tật, những kẻ bị áp bức bất công, mà chỉ thích bắt chước những người Pha-ri-sêu chú trọng đến những hình thức hào nhoáng bên ngoài (những cái áo loè loẹt, những bộ vó sặc sỡ…), và nhất là bo bo thủ cựu với những quan niệm hủ hoá lỗi thời… Phải chăng chúng con thiếu đức tin và nghèo tình thương? Và cũng chính vì thế mà chúng con mắt vẫn sáng, tai vẫn thính, miệng vẫn nói năng lưu loát, nhưng lại thực sự là những kẻ đui mù câm điếc tâm linh.
 
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa muốn cho mọi người nhận biết Chúa chính là lẽ sống của mình, và Chúa không hề bỏ rơi con cái Chúa. Xin ban cho các anh chị em yếu đau bệnh tật và đang gặp hoạn nạn có thêm nghị lực để phấn đấu. Giữa cơn đau khổ, xin cho họ nghiệm thấy rằng có Chúa luôn luôn ở kề bên nhờ những anh chị em hết tình nâng đỡ và nhờ niềm trông cậy họ đặt nơi Đức Ki-tô. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen” (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho bệnh nhân).

JM. Lam Thy ĐVD

Công bố Sứ điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13

Công bố Sứ điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13

VATICAN. Trong Sứ điệp gửi Cộng đoàn Dân Chúa, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 khẳng định rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng là điều cấp thiết trên thế giới và mời gọi các tín hữu Kitô can đảm loan báo Tin Mừng, vượt thắng sợ hãi bằng đức tin.

Sứ điệp đã được các nghị phụ đồng thanh thông qua trong phiên họp khoáng đại thứ 20 sáng ngày 26 tháng 10-2012. Văn bản đã được 5 nghị phụ đọc bằng tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức. Toàn thể Thượng HĐGM đã nồng nhiệt vỗ tay thật lâu.

Nội dung tổng quát

Trong sứ điệp dài 12 trang được chia thành 14 đoạn, các nghị phụ dùng hình ảnh nhiều người ngày nay như chiếc vò rỗng ở bên giếng nước, – với tâm trí lơ đãng và hoang mang – như người phụ nữ xứ Samaria. Họ đang khao khát nước, nhưng họ cũng có thể gặp nguy cơ lâm vào tình trạng thất vọng trước nhiều thứ nước thiếu trong lành.
Và như người phụ nữ Samaria sau khi gặp Chúa đã trở thành người loan báo Tin Mừng, các tín hữu Kitô ngày nay cũng được mời gọi trở thành chứng nhân loan báo sứ điệp Tin Mừng cứu độ và hy vọng, dẫn đưa nhân loại ngày nay về cùng Chúa Giêsu. Đó là điều cấp thiết nhất.

Tuy nhiên để loan báo Tin Mừng thì trước tiên người loan báo cần đón nhận và sống Tin Mừng trước tiên, cần hoán cải vì những yếu đuối và tội lỗi cá nhân làm thương tổn uy tín của Giáo Hội. Nhưng các tín hữu Kitô hãy vượt thắng sợ hãi bằng đức tin và hãy bình thản can đảm nhìn thế giới, vì tuy có nhiều mâu thuẫn và thách đố, nhưng vẫn luôn là thế giới mà Thiên Chúa yêu thương.

Công trình tái truyền giảng Tin Mừng hệ tại tái đề nghị cho tâm trí con người ngày nay, và trước tiên cho chính chúng ta, vẻ đẹp và sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Sứ điệp của Thượng HĐGM không hề đượm sắc thái bi quan. Vì thế những hiện tượng như sự hoàn cầu hóa, tục hóa, di cư, chủ thuyết vô thần, cuộc khủng hoảng của chính trị và của Nhà Nước, với những khó khăn và đau khổ đi kèm, phải là những cơ hội để loan báo Tin Mừng. Vấn đề ở đây không phải là tìm ra những chiến lược mới để truyền bá Tin Mừng như một sản phẩm thị trường, nhưng là tái khám phá những phương thức giúp đưa con người đến gần Chúa Giêsu.

Thượng HĐGM đề cao gia đình như một nơi tự nhiên để loan báo Tin Mừng và tái khẳng định rằng Giáo Hội, chính trị và xã hội cần nâng đỡ gia đình. Giữa lòng gia đình, các GM nhấn mạnh vai trò đặc biệt của phụ nữ, tái khẳng định trách nhiệm của người cha, đồng thời cũng đề cập đến tình cảnh đau thương của những người sống chung không hôn phối, những người ly dị tái hôn. Tuy tái khẳng định kỷ luật hiện hành của Giáo Hội về những người này, nhưng các nghị phụ nhấn mạnh rằng họ không bị Chúa bỏ rơi và Giáo Hội là nhà tiếp đón mọi người.
Sứ điệp của Thượng HĐGM nói đến các giáo xứ như trung tâm không thể bỏ qua trong việc rao giảng Tin Mừng, tầm quan trọng của đời sống thánh hiến, việc thường huấn cho các LM và tu sĩ. Các GM cũng mời gọi giáo dân loan báo Tin Mừng trong niềm hiệp thông với Giáo Hội. Thượng HĐGM bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với giới trẻ là hiện tại và tương lai của nhân loại và Giáo Hội, trong một viễn tượng lắng nghe và đối thoại, khích lệ sự hăng hái của họ.

Công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng có những chân trời rộng lớn như thế giới, vì thế việc đối thoại là điều rất quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng: đối thoại bằng nhiều cách: với văn hóa, với ngành giáo dục, truyền thông xã hội là nơi thường ảnh hưởng trên các lương tâm và các phương tiện này cũng là một cơ hội mới để đi đến tâm hồn con người; đối thoại với khoa học: khi khoa học không khép kín con người trong chủ thuyết duy vật thì nó trở thành một đồng minh trong việc nhân bản hóa cuộc sống.

Thượng HĐGM đề cao việc đối thoại với nghệ thuật, nó diễn tả linh đạo qua thẩm mỹ, đối thoại với thế giới kinh tế và lao động, để con người không trở thành một gánh nặng không thể chịu nổi hoặc thành một viễn tượng không chắc chắn, trái lại để thăng tiến sự phát triển con người; đối thoại với chính trị, yêu cầu chính trị chăm sóc ích chung trong tinh thần vô vị lợi và trong sự minh bạch, tôn trọng phẩm giá của con người, của gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tôn trọng tự do giáo dục và tôn giáo, loại bỏ những nguyên nhân gây nên bất công và bất bình đẳng. Điều rất quan trọng là cuộc đối thoại liên tôn, góp phần kiến tạo hòa bình, loại bỏ trào lưu cực đoan, và tố giác bạo lực chống lại các tín hữu Kitô, vốn là một sự vi phạm trầm trọng chống lại các quyền con người.

Ngoài ra có hai hình thức diễn tả đời sống đức tin đặc biệt ý nghĩa đối với công trình tái truyền giảng Tin Mừng, đó là sự chiêm niệm trong đó thinh lặng giúp đón nhận Lời Chúa một cách tốt đẹp hơn, tiếp đến là việc phục vụ người nghèo, nhìn thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt của họ.

Trong phần chót, Sứ điệp của Thượng HĐGM nhìn đến Giáo Hội tại các miền khác nhau trong Giáo Hội và gởi những lời khích lệ đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng: với các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Thượng HĐGM cầu mong họ có thể thực hành đức tin trong an bình và tự do tôn giáo; với Giáo Hội tại Phi châu, Thượng HĐGM kêu gọi phát huy việc truyền giảng Tin Mừng qua sự gặp gỡ với các nền văn hóa cũ và mới, đồng thời kêu gọi các chính phủ chấm dứt các cuộc xung đột và bạo lực.

Các tín hữu Kitô Bắc Mỹ, đang sống trong một nền văn hóa với nhiều kiểu diễn tả xa lạ với Tin Mừng, họ cần nhìn đến sự hoán cải, và cởi mở đón nhận những người di dân và tị nạn. Mỹ châu la tinh được Thượng HĐGM mời gọi sống chương trình đại phúc trường kỳ để đương đầu với những thách đố hiện nay như nạn nghèo đói, bạo lực, và cả trong những hoàn cảnh mới đa nguyên về tôn giáo.

Giáo Hội tại Á châu, vốn là một thiểu số bé nhỏ, thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội và bị bách hại, các GM khích lệ các tín hữu hãy kiên vững trong đức tin, đồng thời các vị bày tỏ sự gần gũi với các tín hữu Kitô tại Á châu, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, chịu chết và sống lại.

Riêng với Âu Châu là đại lục bị tục hóa cao độ và bị thương tổn vì những thập niên sống dưới chế độ độc tài, các ý thức hệ thù nghịch với Thiên Chúa và con người, Thượng HĐGM nhận xét rằng đại lục này đã tạo ra một nền văn hóa nhân bản,có thể mang lại một khuôn mặt cho phẩm giá con người và xây dựng công ích. Những khó khăn hiện nay không được làm cho các tín hữu Kitô Âu Châu nản chí, nhưng phải được coi như một thách đố.
Với Úc châu, Thượng HĐGM kêu gọi hãy ý thức nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng.

Sứ điệp kết thúc với sự phó thác công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Mẹ Maria, là Ngôi Sao của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

Họp báo

Sứ điệp trên đây của Thượng HĐGM đã được ĐHY Giuseppe Bertori, TGM giáo phận Firenze, trung Italia, Chủ tịch Ủy ban soạn Sứ điệp, giới thiệu với giới báo trí trong cuộc họp báo ban trưa ngày 26 tháng 10-2012 tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Hiện diện tại cuộc họp báo còn có ĐHY tân cử Luis Antonio Tagle, TGM Manila, Phó Chủ tịch Ủy ban soạn Sứ điệp, cùng với Đức TGM Pierre-Marie Carré, TGM Montpellier, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 13.

ĐHY Bertori nhận xét rằng lập trường trong Sứ điệp của Thượng HĐGM về những người ly dị tái hôn cũng là lập trường đã được ĐTC Biển Đức 16 trình bày trong Đại hội các gia đình công giáo thế giới hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm nay tại Milano: tuy các cặp ấy không được lãnh nhận bí tích, nhưng họ vẫn là thành phần của Giáo Hội và cần hết sức khuyến khích họ hội nhập vào đời sống Giáo Hội.

ĐHY tân cử Tagle nhận xét rằng lần đầu tiên một sứ điệp ngỏ lời với Giáo Hội tại mỗi đại lục trên thế giới.
Về phần Đức TGM Carré, ngài cho biết sứ điệp này dài và tổng quát vì nó đi từ kinh nghiệm và muốn đi tới mỗi người, bất luận hoàn cảnh của họ.

Thứ bẩy 27 tháng 10-2012 là ngày họp cuối cùng: trong phiên khoáng đại thứ 22 vào ban sáng, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu chung kết về 57 đề nghị sẽ được đệ lên ĐTC. Ban trưa các vị sẽ dùng bữa huynh đệ với ĐTC. Ban chiều vào lúc 5 giờ rưỡi chiều. Các nghị phụ sẽ nhóm phiên thứ 23 là phiên khoáng đại cuối cùng để nghe tường trình về kết quả cuộc bỏ phiếu và kết thúc công nghị GM thế giới.

Thượng HĐGM sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế do ĐTC chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng chúa nhật 28 tháng 10-2012 (SD 26-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Hàng ngàn người mừng lễ phong thánh cho Thánh Pedro Calungsod

Hàng ngàn người mừng lễ phong thánh cho Thánh Pedro Calungsod

Philippines vừa có một vị thánh mới hôm 21-10 sau khi Đức Thánh cha Bênêđictô XVI phong thánh cho Pedro Calungsod, giáo lý viên 17 tuổi quê ở Cebu tử đạo tại Guam năm 1672.

Chuông nhà thờ reo vang trong khi hàng ngàn người ở Cebu vỗ tay hoan hô và cầu nguyện khi xem truyền hình trực tiếp lễ phong thánh dài ba giờ tại Vatican.

"Khách hành hương Philippines chiếm 2/3 Quảng trường Thánh Phêrô và chúng tôi hô lớn tiếng nhất sau khi Đức Thánh cha nói đến Philippines" – linh mục dòng Tên Jose Quilongquilong, giám đốc Viện Nghiên cứu Loyola ở Manila, tham dự lễ phong thánh ở Rôma, tường thuật.

Cha Quilongquilong, quê ở Cebu, kể không khí tại Quảng trường Thánh Phêrô giống như ngày hội vậy.

Khách hành hương được giới thiệu bảy vị thánh mới qua các tấm thảm treo trên ban công Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, trong đó hình Thánh Calungsod đứng thứ ba tính từ phải sang.

"Đây là nơi vinh dự cao thứ hai" – linh mục Ildebrando Leyson, trợ lý thỉnh nguyện viên xin mở án phong thánh cho Chân phước Pedro Calungsod, nói.

Cha Leyson cho biết ban công trung tâm là nơi vinh dự cao nhất, tiếp đến là vị trí tiếp theo tính từ giữa.

"Việc xếp vị trí được xác định bởi ba nhân tố – tử đạo được xếp cao hơn không tử đạo; giám mục cao hơn linh mục, linh mục cao hơn tu sĩ và giáo dân" – ngài nói.

Trong sáu vị thánh còn lại có Thánh Kateri Tekakwitha, người Ấn gốc Mỹ được gọi là hoa Lily của người Mohawk, qua đời ở tuổi 24 tại vùng đất hiện nay là Canada vào thế kỷ 17.

Tại thị xã Ginatilan, nơi được gọi là quê nhà của Thánh Calungsod, người dân hãnh diện vui mừng, theo linh mục quản xứ Gerardo dela Victoria.

Sau khi tên của Thánh Calungsod được đưa vào danh sách các thánh, Đức Tổng giám mục Jose Palma của Cebu mời gọi người dân Philippines nên làm việc nhiều hơn để trở nên "thánh thiện bằng những việc làm tốt".

"Ước gì chúng ta thể hiện lòng biết ơn bằng lời cầu nguyện và việc làm bác ái. Chúng ta hãy ngợi khen Chúa đã ban Thánh Petro Calungsod cho chúng ta" – Đức cha Palma viết trong tin nhắn gởi từ Rôma.

Tại Manila, hội đồng giám mục nói thiếu "thánh tích hạng nhất" cho Thánh Calungsod không làm giảm thánh danh của ngài. Điều quan trọng là tinh thần của Calungsod "tỏa sáng trong tâm hồn người dân Philippines", hội đồng giám mục nói.

Thánh Calungsod không có thánh tích vì người ta cho rằng thi thể của ngài bị những kẻ sát hại quăng xuống biển.

Theo tài liệu của Giáo hội, Thánh Calungsod và linh mục dòng Tên Diego Luis de San Vitores cố gắng rửa tội cho một em bé tại một ngôi làng gọi là Tumhon ở Guam vào ngày 2-4-1672. Bố đứa bé giận dữ từ chối và cùng với những người bản xứ chém họ cho đến chết rồi ném xác xuống biển.

UCANVIETNAM

Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh xác nhận Ông Gabriele phải thi hành án tù

Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh xác nhận Ông Gabriele phải thi hành án tù

VATICAN. Phủ Quốc vụ khanh xác quyết những tai hại trầm trọng do cựu người hầu của ĐGH, ông Paolo Gabriele, gây ra cho Tòa Thánh và Giáo Hội, đồng thời cho biết ông phải thi hành án tù.

Trên đây là nội dung thông cáo công bố hôm qua, 25 tháng 10, trong đó Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh khẳng định rằng:

”Bản án chống Paolo Gabriele nay là chung kết và chấm dứt một vụ đau buồn đã gây ra những hậu quả rất đau thương. Vụ đó xúc phạm đến bản thân ĐTC; vi phạm quyền được giữ bí mật của nhiều người liên hệ với ĐTC do nhiệm vụ của ngài; vụ này cũng gây thiệt hại cho Tòa Thánh và nhiều cơ quan của Tòa Thánh; nó cũng gây chướng ngại cho sự liên lạc giữa các GM trên thế giới với Tòa Thánh và gây gương xấu cho cộng đoàn tín hữu. Sau cùng, trong một thời gian kéo dài vài tháng, sự thanh thản của cộng đồng nhân viên hằng ngày phục vụ Người Kế Vị Thánh Phêrô bị xáo trộn.

Bị can đã bị xác nhận là có tội sau một vụ xét xử diễn ra trong sự minh bạch, công bằng, hoàn toàn tôn trọng quyền bảo vệ. Cuộc thảo luận đã giúp kiểm chứng các sự kiện, cho thấy Ông Gabriele đã thi hành dự án tội phạm của ông mà không do sự xúi giục hoặc kích thích từ phía những người khác, nhưng dựa trên xác tín cá nhân của ông, không thể được đồng thuận. Dưới ánh sáng bản án ấy, những giả thuyết về những âm mưu hoặc sự can dự của nhiều người thực là vô căn cứ”.

Thông cáo của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói thêm rằng: ”Sau khi bản án trở thành chung kết, ông Gabriele phải thi hành thời kỳ bị giam giữ theo bản án. Ngoài ra, ông cũng phải chịu thủ tục đương nhiên bị sa thải, như Quy luật chung của Giáo Triều Roma đã qui định”.

Về biện pháp giam giữ, vẫn có vần đề đương sự có thể được ân xá. Như đã được nói đến nhiều lần, điều này là một hành vi hoàn toàn tùy thuộc ĐTC. Tuy nhiên, việc ân xá hợp lý đòi phải có sự tỉnh ngộ thống hối về tội đã phạm và thành thật xin sự tha thứ của ĐGH cũng như của những người bị xúc phạm bất công.

So với thiệt hại do đương sự gây ra, hình phạt áp dụng cho bị can vừa nhẹ vừa công bằng, và điều này là do đặc tính của hệ thống pháp luật ban hành bản án ấy.

Tòa án tại Vatican đã phạt ông Paolo Gabriele 3 năm tù về tội chiếm hữu bất hợp pháp các tài liệu mật của Tòa Thánh, nhưng đã quyết định giảm xuống còn 18 tháng xét vì những hoàn cảnh giảm khinh.

Hôm 25 tháng 10-2012, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết vì không có sự kháng án chống lại bản án ngày 6 tháng 10-2012 tòa đã ra cho ông Paolo Gabriele, nên án này trở thành chung kết. Vì thế, do ủy nhiệm của Chủ tịch Tòa án, sáng ngày 25 tháng 10-2012 vị Chưởng tín đã ra lệnh cho thi hành án tù đối với bị can. Lệnh này được tiến hành trong ngày.

Theo hiệp định giữa Tòa Thánh và Italia, nếu Tòa Thánh yêu cầu, Ông Gabriele có thể thi hành án tù trong một nhà tù của Italia, như trường hợp tên Ali Agca kẻ đã mưu sát Đức Gioan Phaolô 2. Nếu Tòa Thánh không yêu cầu Italia, thì đương sự thi hành án tù trong nhà giam của trại Hiến binh Vatican. Trong thời gian qua, Ông ta bị quản thúc tại gia ở nội thành Vatican (SD 25-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

 

 

Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người

Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người

Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người, tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng yêu thương nó.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24 tháng 10-2012 tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương Á châu như Indonesia, Nhật Bản, và Philippines. Từ Phi châu có đoàn hành hương Nigeria. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Panama, Mexico và Argentina.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ý nghĩa của đức tin kitô trong thời đại ngày nay. Trong một thế giới trong đó khoa học và kỹ thuật đã mở ra các chân trời không thể nghĩ tới cho tới cách đây ít lấu, tin có nghĩa là gì? Đức Thánh Cha đã nhận định tình hình ngày nay như sau:

Ngày nay cùng với nhiều dấu chỉ sự thiện, gia tăng chung quanh chúng ta một sa mạc tinh thần nào đó. Từ vài biến cố mà chúng ta biết tin tức ngày nay, đôi khi người ta có cảm tưởng rằng thế giới không đi tới việc xây dựng một cộng đoàn huynh đệ và hòa bình hơn. Các tư tưởng về tiến bộ và hạnh phúc cho thấy các bóng đen của chúng. Mặc dù sự cao cả của các khám phá khoa học và các thành công của kỹ thuật, con người ngày nay xem ra đã không trở thành thực sự tự do và nhân bản hơn. Vì vẫn còn có các hình thức khai thác, lèo lái, bạo lực áp bức và bất công… Thế rồi có một loại văn hóa đã giáo dục con người chỉ di chuyển trên chiều ngang của các sự vật, của cái có thể làm được, chỉ tin nơi những gì nó thấy, và sờ mó được với bàn tay của nó.

Tuy nhiên, đàng khác cũng gia tăng số những người cảm thấy lạc hướng, và trong việc tìm kiếm họ đi xa hơn viễn tượng hàng ngang của thực tại. Họ sẵn sàng tin vào tất cả và cái trái nghịch của nó. Chính trong bối cảnh này nổi lên vài vấn nạn nền tảng, cụ thể như: sống có ý nghĩa gì? Có một tương lai cho con người, cho chúng ta và các thế hệ mới hay không? Phải hướng các lựa chọn tự do của chúng ta để thành công và hạnh phúc theo hướng nào? Cái gì chờ đợi chúng ta bên kia ngưỡng cửa của cái chết?

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng thế giới của việc kế hoạch hóa, của sự đo lường chính xác và của thực nghiệm, tắt một lời sự hiểu biết của khoa học, tuy quan trọng đối với cuộc sống con người, nhưng không đủ. Chúng ta không chỉ cần bánh vật chất, mà còn cần tình yêu thương, ý nghĩa và niềm hy vọng, một nền tảng và một vùng đất vững chắc giúp sống với một ý nghĩa đích thực, cả trong cuộc khủng hoảng, trong các đêm tối, các khó khăn và các vấn đề thường ngày nữa. Đức tin trao ban cho chúng ta điều đó: nó là sự tin tưởng tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng trao ban cho tôi một sự chắc chắn khác, không kém vững vàng hơn sự chắc chắn đến từ sự tính toán chính xác của khoa học.

Đức tin không chỉ là một sự đồng ý đơn sơ thông minh của con người đối với các sự thật về Thiên Chúa. Nó là một cử chỉ, qua đó tôi tín thác một cách tự do nơi một vì Thiên Chúa là Cha yêu thương tôi. Nó là việc gắn bó với một Đấng trao ban cho tôi niềm hy vọng và sự tin tưởng. Với sự gắn bó ấy chúng ta ý thức được rằng chính Thiên Chúa đã tự tỏ lộ ra nơi Đức Kitô, đã cho thấy gương mặt của Người và thực sự sống gần gũi với từng người trong chúng ta. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa đã mạc khải tình yêu vô biên của Người đối với từng người trong chúng ta: trên thập giá, Đức Giêsu thành Nagiarét, Con Thiên Chúa làm người, cho chúng ta thấy một cách rạng ngời nhất tình yêu đó đạt tới mức độ tự hiến hoàn toàn chính mình. Với mầu nhiệm của Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa xuống tới tột cùng trong nhân tính của chúng ta để nâng cao nó lên với Người. Đức tin là tin vào tình yêu ấy của Thiên Chúa, tình yêu không thuyên giảm trước cái gian ác của con người, trước sự dữ và cái chết, nhưng có khả năng biến đổi mọi hình thức nô lệ, bằng cách trao ban khả năng cứu rỗi. Và Đức Thánh Cha định nghĩa đức tin như sau:

Như thế tin là găp gỡ Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa của một tình yêu không thể phá hủy, tình yêu không chỉ khát khao, mà còn trao ban sự vĩnh cửu. Tin là tín thác nơi Thiên Chúa với thái độ của một trẻ em, biết rõ rằng tất cả các khó khăn, các vấn đề của nó được yên hàn trong mẹ nó. Khả thể cứu rỗi đó nhờ đức tin là một ơn Thiên Chúa cống hiến cho tất cả mọi người. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta đầy các vấn đề và tình trạng đôi khi thê thảm, chúng ta phải năng suy niệm hơn về sự kiện tin theo tinh thần kitô có nghĩa là tin tưởng phó thác cho ý nghĩa sâu thẳm nâng đỡ chúng ta và thế giới, ý nghĩa mà chúng ta không thể tự ban cho mình, mà chỉ có thể lãnh nhận như một ơn, và nó là nền tảng giúp sống mà không sợ hãi. Và sự chắc chắn giải thoát và trấn an đó của đức tin chúng ta phải có khả năng loan báo bằng lời nói và cho thấy bắng cuộc sống kitô của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Tuy nhiên, mỗi ngày chúng ta cũng thấy nhiều người thờ ơ hay khước từ tiếp nhận lời loan báo này. Vào cuối Phúc Âm thánh Marcô Chúa Giêsu khẳng định ”Ai tin và được rửa tội sẽ được cứu rỗi, nhưng ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Sự tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần phải thúc đẩy chúng ta luôn ra đi rao giảng Phúc Âm, can đảm làm chứng cho đức tin. Nhưng ngoài khả thể trả lời tích cực cho ơn đức tin, cũng còn có nguy cơ khước từ Tin Mừng, không chấp nhận cuộc gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô. Trong một chú giải dụ ngôn người gieo giống thánh Agostino đã đặt vấn nạn này và nói: ”Chúng ta nói, chúng ta ném và gieo vãi hạt giống. Có những người khinh rẻ, có những người trách mắng, có những người chế nhạo. Nếu chúng ta sợ họ, chúng ta sẽ chẳng còn có gì để gieo vãi nữa, và ngày gặt hái chúng ta sẽ không thu lượm được gì. Vì thế ước gì hạt giống đến từ đất tốt” (Discorsi sulla disciplina cristiana, 13,14; PL 40,677-678). Như thế, sự khước từ không thể làm cho chúng ta nản lòng. Như là kitô hữu chúng ta làm chứng cho thửa đất phì nhiêu ấy: tuy có các giới hạn, nhưng đức tin của chúng ta cho thấy có thửa đất tốt, nơi hạt giống Lời Chúa sinh bông hạt dồi dào của sự công chính, hòa bình và tình yêu thương, của nhân loại mới, của ơn cứu độ.

Nhưng từ đâu con người kín múc được tâm trí cởi mở ấy để tin nơi Thiên Chúa, là Đấng đã trở thành hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô chết và sống lại, để tiếp nhận ơn cứu rỗi của Người, và để Người và Tin Mừng của Người hướng dẫn và là ánh sáng cho cuộc đời? Chúng ta có thể tin nơi Thiên Chúa vì Người đã tới gần chúng ta và đánh động chúng ta, bởi vì Chúa Thánh Thần, ơn của Đấng Phục Sinh, khiến cho chúng ta có khả năng tiếp nhận Thiên Chúa hằng sống. Như thế, đức tin trước hết là một ơn siêu nhiên của Thiên Chúa. Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng: ”Để được niềm tin này cần có ân sủng của Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và ban cho mọi người cảm thấy sự dịu ngọt khi đón nhận tin theo chân lý” (Dei Verbum 5).

Trong nền tảng con đường đức tin của chúng ta có phép Rửa Tội, là bí tích trao ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, bằng cách làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và ghi dấu việc gia nhập cộng đoàn đức tin, trong Giáo Hội. Ta không tự mình mà tin, không có ơn của Thánh Thần. Và ta không tin một mình, mà cùng tin với các anh chị em khác. Từ khi được rửa tội trở đi mỗi tín hữu được mời gọi sống trở lại và biến việc tuyên xưng đức tin ấy thành của mình cùng với các anh chị em khác. Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Đức tin là ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là cử chỉ tự do của con người một cách sâu xa nữa. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói rõ rằng: ”Không thể tin mà không có ơn thánh và các trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần. Nhưng cũng không kém thật tin là một hành động thật sự nhân bản. Nó không trái nghịch với sự tự do cũng như với trí thông minh của con người” (s. 154). Trái lại, nó bao hàm và nâng cao chúng lên, trong một sự đánh cá cuộc sống giống như một cuộc xuất hành của sự tự do: ra khỏi chính mình, ra khỏi các an ninh, các lược đồ trí tuệ của minh, để tín thác nơi hoạt động của Thiên Chúa, là Đấng chỉ cho chúng ta con đường đạt sự tự do đích thật, đạt căn tính là người của chúng ta, đạt niềm vui thật của con tim, đạt hòa bình với tất cả mọi người. Tin là tín thác, trong sự tự do hoàn toàn và với niềm vui, nơi chương trình quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử, như tổ phụ Abraham, như Đức Maria thành Nagiarét. Khi ấy đức tin là một sự đồng ý, qua đó tâm trí chúng ta nói lên tiếng ”vâng” với Thiên Chúa, bằng cách tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa. Và tiếng ”vâng” ấy biến đổi cuộc sống, mở đường cho nó tiến tới ý nghĩa tràn đầy, và như vậy khiến cho nó được mới mẻ, phong phú niềm vui và hy vọng đáng tin.

Thời đại ngày nay đòi hỏi các kitô hữu được Chúa Kitô nắm bắt, và trưởng thành trong đức tin nhờ sự quen thuộc với Thánh Kinh và các Bí Tích, như một cuốn sách mở rộng kể lại kinh nghiệm sống mới trong Chúa Thánh Thần, kể lại sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ chúng ta trên đường đời và mở ra cho chúng ta sự sống bất tận.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Arab, Croatia, Tiệp Khắc và Ý rồi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
 

 

Đức Thánh Cha tuyên bố bổ nhiệm 6 Hồng Y mới

Đức Thánh Cha tuyên bố bổ nhiệm 6 Hồng Y mới

VATICAN. Sáng 24 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 tuyên bố sẽ triệu tập Công nghị vào ngày 24 tháng 11-2012 tới đây để tấn phong 6 Hồng Y mới.

Đó là các vị:
1. Đức TGM James Michael Harvey, người Mỹ, 63 tuổi (1949), Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, sẽ được ĐTC bổ nhiệm làm Giám Quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

2. Đức Thượng Phụ Béchara Boutros Rai, 72 tuổi (1940) Thượng Phụ giáo chủ Công Giáo Maronite (Liban)

3. Đức Thượng Phụ Baselios Cleemis Thottunkal, 53 tuổi (1959), TGM Trưởng Trivandrum, Giáo Chủ Công Giáo Siro-Malankara (Ấn Độ)

4. Đức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, 68 tuổi (1944), TGM giáo phận Abuja, thủ đô Nigeria

5. Đức Cha Rubén Salazar Gómez, 70 tuổi (1942), TGM giáo phận Bogotà, thủ đô Colombia

6. Đức Cha Luis Antonio Tagle, 55 tuổi (1957), TGM giáo phận Manila, thủ đô Philippines.

Ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu hành hương vào cuối buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói thông báo danh tánh các vị trên đây và nói rằng:

”Các Hồng Y có nhiệm vụ giúp người Kế Nhiệm thánh Phêrô trong việc thi hành Sứ Vụ củng cố các anh chị em trong đức tin và là nguyên lý cũng như nền tảng sự hiệp nhất và tình hiệp thông của Giáo Hội”.

”Các tân Hồng Y – như anh chị em đã nghe – đang thi hành sứ vụ phục vụ Tòa Thánh hoặc là Cha và là Chủ Chăn của các Giáo hội địa phương ở các nơi trên thế giới.

”Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cho các tiến chức, xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, để các vị luôn biết can đảm yêu mến và tận tụy đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa”.

Đây là lần thứ hai trong năm 2012, ĐTC triệu tập Công nghị để bổ nhiệm các Hồng Y mới. Lần đầu vào ngày 18-2-2012, ngài tấn phong 22 hồng y mới trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
ĐTC vẫn tôn trọng qui luật giữa nguyên số Hồng Y cử tri (dưới 80 tuổi) là 120 vị.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican
 

 

Hoãn lại chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh tại Siria

Hoãn lại chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh tại Siria

VATICAN. ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thông báo chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh và các nghị phụ tại Siria được hoãn lại đến sau Thượng HĐGM hiện nay.

Lên tiếng sáng ngày 23 tháng 10-2012 trong phiên khoáng đại thứ 19 của Thượng HĐGM, ĐHY Bertone nói:
”Thứ ba 16 tháng 10 vừa qua, trước công nghị GM này, tôi đã thông báo quyết định của ĐTC gửi một phái đoàn đến Damasco để bày tỏ tình liên đới của Ngài và của Thượng HĐGM cũng như của toàn thể Giáo Hội với dân chúng tại Siria từ lâu đang phải sống trong tình trạng đau khổ bi thảm, đồng thời bày tỏ sự gần gũi tinh thần của chúng ta với anh chị em tín hữu Kitô tại Siria, cũng như khích lệ những người đang dấn thân tìm kiếm một giải pháp tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả mọi người.

”Sáng kiến này đã có tiếng vang lớn, không những tại Roma này hoặc tại Siria, nhưng cả trên cấp độ quốc tế, và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

”Trước tiên tôi muốn thông báo cho anh chị em rằng tiếp theo đó, vấn đề tiếp tục được nghiên cứu và chuẩn bị cho cuộc viếng thăm, mặc dù có những biến cố bi thảm xảy ra trong những ngày qua.

”Như đã biết, có một ước muốn nồng nhiệt biểu lộ sự gần gũi của Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ qua một Phái đoàn đến Damasco trong thời gian và theo thể thức đã được loan báo trước, sau khi đã được xác định dưới ánh sáng những cuộc tiếp xúc và chuẩn bị đang được thực hiện. Xét vì tình trạng trầm trọng, nên cuộc viếng thăm sẽ được hoãn lại, có lẽ là sau khi Thượng HĐGM kết thúc, như thế sẽ có vài thay đổi trong thành phần của Phái đoàn, cũng vì công việc của các nghị phụ.

”Số tiền do các nghị phụ đóng góp cùng với số tiền do Tòa Thánh tặng sẽ được gửi tới Siria, sau Thượng HĐGM này, như một cử chỉ huynh đệ liên đới với toàn thể dân chúng tại Siria.

”Sự dấn thân cầu nguyện vẫn được tiếp tục, lời cầu nguyện luôn được Chúa lắng nghe và tôi mời gọi quí vị hiệp với chúng tôi trong niềm tín thác được đổi mới.

Danh sách thống nhất các đề nghị

Trong phiên họp, trước sự hiện diện của ĐTC và dưới quyền chủ tọa của ĐHY Laurent Monsengwo, TGM Kinshasa Congo, ĐHY Donald Wuerl, Tổng tường trình viên, và vị Tổng thư ký đặc biệt là Đức TGM Pierre-Marie Carré, TGM Montpellier, đã trình bày danh sách duy nhất các đề nghị đã được đúc kết trong ngày hôm trước. Danh sách đó được phát cho các nghị phụ để nghiên cứu riêng và chuẩn bị những gì cần tu chính. Các vị có thể trình bày trong các phiên họp nhóm.

Tiếp đến, các vị tiến hành việc bầu cử vòng hai để chọn 12 thành viên của Hội đồng hậu Thượng HĐGM hiện nay vì vòng đầu không có nghị phụ nào hội đủ đa số tuyệt đối để đắc cử. Cùng với 3 vị sẽ được ĐTC bổ nhiệm, Hội đồng này có nhiệm vụ tiếp nối công việc sau đó của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13, trợ giúp ĐTC soạn thảo Tông Huấn, cũng như chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 trong tương lai.

Sau công việc trên đây, các nghị phụ lại họp trong 12 nhóm nhỏ cho đến trưa và cả ban chiều để chuẩn bị sửa chữa các đề nghị.

Các đề nghị này sẽ được bỏ phiếu chung kết trong phiên khoáng đại thứ 22 sáng thứ bẩy, 27 tháng 10 tới đây, để sau đó đệ lên ĐTC, ngài sẽ dựa vào đó để soạn Tông Huấn hậu Thượng HĐGM này. (SD 23-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13: 22-10-2012

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13: ngày 22-10-2012

VATICAN. Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 ”bước vào giai đoạn” thầm lặng nhất: suy tư, soạn thảo để đưa ra những đề nghị cụ thể.

Trọn ngày 22 tháng 10-2012, gần 260 nghị phụ Thượng HĐGM thứ 13 không nhóm họp, nhưng các vị tường trình viên của 12 nhóm nghị phụ đã họp cả sáng lẫn chiều với Đức TGM Eterovic Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, và Đức Cha Pierre-Marie Carré, TGM giáo phận Monpellier, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM này, để đúc kết các đề nghị do các nhóm đề ra thành một danh sách duy nhất, hầu đệ trình toàn thể các nghị phụ trong phiên khoáng đại thứ 19 vào sáng thứ ba 23 tháng 10-2012.

Trong khi đó, Phái đoàn Tòa Thánh gồm 7 vị do ĐHY Laurent Monsenwo, TGM Kinshasa, Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM và trong đó có Đức cha Nguyễn Năng, đang chuẩn bị lên đường sang thăm Siri. Tuy nhiên, tình hình địa phương trở nên căng thẳng hơn với các cuộc khủng bố tại các khu vực Kitô giáo, nên cho đến hôm 22 tháng 10, người ta chưa biết ngày lên đường của Phái đoàn.

Vài bài phát biểu

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị ý kiến của một số tham dự viên Thượng HĐGM hiện, được giới báo chí đặc biệt chú ý.

 

  • Anh Tommaso Spinelli 23 tuổi, là người trẻ nhất tại Thượng HĐGM hiện nay. Anh thuộc Văn phòng giáo lý của giáo phận Roma và chuyên dạy giáo lý cho người trẻ dự tòng. Anh cầu mong có những linh mục vững chắc và can đảm.

Trong bài tham luận, anh Spinelli nói với các nghị phụ: ”Công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cần có chất lượng: cần việc huấn giáo có bề dầy, biết nói một cái gì nghiêm túc đối với cuộc sống chúng ta, và nhất là cần những chứng tá cuộc sống Kitô có bề dầy, chứng tỏ bằng sự kiện sự vững chắc. Nhất là vì ngày nay các gia đình bị chia rẽ và thường từ bỏ vai trò giáo dục của mình, nên cần có những linh mục chứng tỏ cho người trẻ sự trung thành với ơn gọi và khả năng chọn lựa một cách sống khác, đẹp đẽ hơn so với những gì xã hội đề nghị. Nhưng điều làm con lo âu là những nhân vật có bề dầy như thế đang trở thành thiểu số. LM không còn tin tưởng nơi tầm quan trọng của sứ vụ mình thực hiện, đánh mất đoàn sủng và văn hóa. Con thấy các linh mục chiều theo tư tưởng thịnh hành thời nay. Và điều đó con cũng thấy trong các buổi cử hành phụng vụ, qua đó người ta tìm những gì là độc đáo, khiến phụng vụ trở thành vô nghĩa. Thưa các LM, con xin các cha tìm lại can đảm là chính mình, là LM đích thực, và nơi nào mà các cha đề nghị cho người trẻ chân lý đức tin không chút sợ hãi, thì người trẻ chúng con sẽ theo các cha. Những lời của thánh Phêrô cũng là những lời của người trẻ chúng con: ”Lạy Chúa chúng con biết theo ai bây giờ? Chỉ mình Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Và chúng con khao khát vô biên những gì là vĩnh cửu, là chân thực. Vì thế, con đề nghị:

Thứ I: tăng cường việc đào tạo linh mục, không những về linh đạo nhưng cả về văn hóa nữa. Quá nhiều khi chúng con thấy những linh mục đã đánh mất vai trò là những thầy dậy văn hóa đã từng làm cho các vị trở thành quan trọng cho toàn thể xã hội. Ngày nay, nếu chúng ta muốn được tin cậy và hữu ích, thì chúng ta cần có những dụng cụ văn hóa tốt.

Thứ II là tái khám phá sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo trong đặc tính Công đồng của sách này: đặc biệt là phần thứ nhất của mỗi thiên, trong đó các văn kiện Công đồng soi sáng các đề tài truyền thống. Thực vậy, sách giáo lý đã khôn ngoan đặt trước phần giải thích kinh Tin Kính một phần được gợi hứng từ Hiến Chế Dei Verbum (Lời Chúa), trong đó có giải thích cái nhìn duy nhân vị về mạc khải, … Phần thứ I của mỗi thiên của sách Giáo Lý là điều cơ bản vì con người ngày nay cảm thấy đức tin như một cái gì có liên hệ gần gũi với họ và có khả năng mang lại câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhát của họ.

Thứ III, là phụng vụ: quá nhiều khi phụng vụ bị lơ là và làm mất tính chất thánh thiêng. Cần đặt phụng vụ ở trung tâm của cộng đồng giáo xứ cũng như địa phương.
 

  • Tu Huynh Alvaro Antonio Rodriguez Echeverría, người Costa Rica, Bề trên Tổng quyền dòng Sư Huynh các trường Công Giáo, trong bài phát biểu, đã đặc biết đề cao tầm quan trọng của giới trẻ. Thầy nói:

”Bản thân con, con nghĩ rằng các thế hệ trẻ, không phân biệt đại lục hoặc những khác biệt văn hóa, phải là lãnh vực hoạt động ưu tiên của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, không những như những người thụ động lãnh nhận, trái lại như những tác nhân tích cực, như lời Đức Gioan Phaolô 2 quả quyết rằng người trẻ là những tông đồ tốt nhất cho giới trẻ. Sự hiện diện của người trẻ và một lời của họ trong Thượng HĐGM này có lẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sáng suốt hơn về tương lai.

Về phần chúng ta, điều quan trọng là biết thế giới người trẻ và nỗ lực hội nhập văn hóa nơi họ. Biết những nhu cầu, lo âu, băn khoăn, khát mong và hy vọng của họ, trao tặng họ Phúc Âm luôn luôn là Tin Mừng. Điều quan trọng là khởi hành từ cuộc sống, vì người trẻ không quan tâm tới sứ điệp Kitô nếu sứ điệp này được trình bày cho lý trí họ như một ý thức hệ, được áp đặt từ bên ngoài một cách độc đoán, hoặc khởi hành từ những nguyên tắc tách rời khỏi đời sống thực tế. Vì thế, vai trò chính yếu của chúng ta là giúp mỗi người trẻ cảm thấy được yêu mến, quí chuộng, được chúc phúc và cảm thấy mình là quan trọng và cần thiết cho tha nhân.

Việc tái truyền giảng Tin Mừng cho người trẻ của chúng ta và cho những người tháp tùng họ phải là một lời kêu gọi trở về với Tin Mừng và khám phá rằng nòng cốt đức tin của chúng ta là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô dẫn tới một cộng đoàn các môn đệ. Sứ mạng của chúng ta đối với người trẻ là trở thành những người đồng hành với họ trong cuộc tìm kiếm, là những nhà hướng đạo khiêm tốn giúp khá phá một con và mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống. Thay vì là những thầy dậy từ trên cao hoặc là những người phán xét và lên án từ bên ngoài,chúng ta được kêu gọi trở thành anh chị tháp tùng từ bên trong. Người trẻ là một tin vui cho thế giới, nhưng chúng ta phải tự hỏi làm thế nào để Tin Mừng của Chúa Giêsu là tin vui đối với họ. Trong một thời đại như ngày nay trong đó người trẻ đang tìm một cái gì hơn nữa và cởi mở đối với linh đạo, chún gta phải giáo dục họ gặp gỡ Thiên Chúa trong thẳm sâu tâm hồn họ, có sức làm đầy sự trống rỗng trong cuộc sống và giúp họ như Chúa Giêsu đã làm, nhìn thực tại và cảm động trước thực tại đó và dấn thân trong một hoạt động biến đổi.
 

  • ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, trong bài tham luận tại Thượng HĐGM, đã nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của hiện tượng di dân như một cơ hội đầy ý nghĩa đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, vì môi trường này có những người nam nữ, già trẻ, trải qua những kinh nghiệm mạnh mẽ về cuộc sống, với những dự phóng, tình trạng bất an và đau khổ, làm nổi bật những vấn nạn cấp thiết nhất về đời sốgn của họ và họ cảm thấy cần phải mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống thường nhật của họ. Đứng trước những vấn nạn sâu xa, đức tin được coi như câu trả lời giải thích được những vấn nạn ấy, soi sáng và làm cho chúng được tràn đầy ý nghĩa, và Chúa Kitô xuất hiện như chìa khóa tuyệt hải để đọc cuộc sống con người.

ĐHY Vegliò cho biết Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hiện tượng di dận, và toàn thể lãnh vực lưu động của con người. Lãnh vực này mang lại cho Giáo Hội những cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng. Đối với những người không biết Chúa Kitô và định cư tại những nước có truyền thống Kitô giáo, có một thách đố được đề ra đó là làm sao trình bày cho những người di dân huấn giáo Kitô. Đàng khác, những người di dân đã được rao giảng Tin Mừng tại quốc gia nguyên quán họ có nhu cầu cần được tháp tùng về mục vụ, giúp họ duy trì đức tin kiên vững, trong khi họ cũng có thể trở thành những người rao giảng Tin Mừng.

Hiện tượng di dân cũng đặt vấn đề cho cả các cộng đoàn tiếp cư, bó buộc họ không những phải xét lại những đề nghị rao giảng Tin Mừng, nhưng còn thử thách chính niềm tin của các phần tử của mình, đặc biệt là trong lúc phải loan báo đức tin cho tha nhân.

Do quan hệ không thể tách rời giữa lòng mến Chúa và yêu người, sự hiện diện của những người lưu động cũng đòi Giáo Hội phải có một câu trả lời liên đới, câu trả lời này đồng thời cũng có đặc tính rao giảng Tin Mừng, vì đức bác ái ”là loan báo và làm chứng về đức tin” (ĐTC Biển Đức 16, Caritas in veritate, n.15). Lãnh vực đau khổ và liên đới chính là một môi trường để đối thoại với thế giới và làm chứng tá về đức tin, nơi mà đức bác ái là dụng cụ cơ bản để tái truyền giảng Tin Mừng.

Thách đố chính là làm sao biết dung hợp và liên kết hai khía cạnh không thể tách rời, đó là sự rao giảng Tin Mừng một cách minh nhiên và thăng tiến con người, tránh thu hẹp hoạt động của chúng ta vào một trong hai, hoặc chỉ hài lòng với việc làm chứng tá âm thầm hoặc chỉ rao giảng Tin Mừng một cách hiểu ngậm.

Thực vậy nơi những nhân viên mục vụ thuộc lãnh vực này, càng ngày người ta càng ý thức rằng mối quan tâm về xã hội và việc loan báo Tin Mừng đích thị đều thuộc về sứ vụ được ủy thác cho họ.

Trong bối cảnh sự di động của con người, cả các cuộc hành hương cũng là một cánh đồng thuận lợi cho việc tái truyền giảng Tin Mừng. Trong những thập niên gần đây chúng ta đã ý thức về khả thể này, đi từ việc thực hành những việc sùng mộ đến một nền mục vụ hành hương, khám phá thấy rằng cuộc hành hương trở thành một cơ hội để canh tân đức tin và cũng có thể là dịp truyền giảng Tin Mừng lần đầu tiên. Theo nghĩa đó, tôi nhấn mạnh 5 ý tưởng có thể được đào sâu: trước tiên cần sử dụng khả năng thu hút đến hành hương tại Đền thánh; tiếp đến chúng ta cần chăm sóc việc mục vụ đón tiếp, đáp những theo những câu hỏi nảy sinh từ tâm hồn người hành hương, để ý điều này là đề nghị của chúng ta phải trung thành với đặc tính Kitô của cuộc hành hương, không thu hẹp, và sau cùng là giúp tín hữu hành hương khám phá rằng hành trình của họ có một mục đích rõ ràng.

Vì tất cả những điều đó, hiện tượng di động hiện nay của con người chắc chắn là một cơ hội Chúa ban để loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican
 

 

Ý Nghĩa Của Tin Mừng (Evangelium) – Bài Suy Niệm Của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Ý Nghĩa Của Tin Mừng (Evangelium) – Bài Suy Niệm Của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Trong dịp khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 13, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã chia sẻ một bài Suy niệm với các tham dự viên tham dự hội nghị. Với một tri thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực, Đức Biển Đức 16 đã phân tích rất sâu sắc ý nghĩa của từ ngữ Tin Mừng (Evangelium), và ngang qua việc suy niệm về Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus," Ngài đã làm nổi bật bản chất của sứ mạng truyền giáo, đó là công trình của Thiên Chúa, được Thiên Chúa khởi sự và chỉ có Ngài mới có thể làm cho nó nên trọn; nhưng đồng thời Ngài cũng mời gọi sự cộng tác của con người. Con người cộng tác trước hết ngang qua lời tuyên xưng đức tin, một lời tuyên xưng được cắm rễ sâu trong tận con tim và được tuyên xưng ra ngoài môi miệng và kế đến là để Thánh Linh thắp lên ngọn lửa đức ái trong trái tim mình để có thể làm bùng cháy ngọn lửa nơi tha nhân. Sau đây là bản dịch nguyên văn của bài suy niệm này.

Thưa anh chị em,
Hôm nay, trong bài suy niệm của mình tôi sẽ đề cập đến từ ngữ Tin Mừng "Evangelium" "euangelisasthai" (cf. Lk 4:18). Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta muốn hiểu rõ hơn điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta và điều gì chúng ta có thể và sẽ phải làm. Bài suy niệm của tôi chia làm hai phần: trước hết là việc phản tỉnh về ý nghĩa của những từ ngữ này; sau đó, tôi sẽ nỗ lực để giải thích bài Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus," trong trang thứ 5 của cuốn Sách Nguyện.

Từ ngữ “Tin Mừng” (Evangelium, euangelisasthai) có một lịch sử rất xa xưa. Từ này xuất hiện trong tác phẩm của Homer: đó là lời loan tin chiến thắng, tin tốt lành, tin vui, tin hạnh phúc. Về sau, từ ngữ “Tin Mừng” này xuất hiện trong Isaia Đệ Nhị (cf Is 40,9), như một tiếng nói loan truyền niềm vui từ Thiên Chúa; tiếng nói ấy cho thấy rằng Thiên Chúa đã không lãng quên con người, rằng Thiên Chúa có vẻ như đã rút lui khỏi lịch sử nhưng thật ra Ngài vẫn có đó và vẫn luôn hiện diện. Thiên Chúa vẫn đầy sức mạnh, Ngài trao ban niềm vui và mở toang cánh cửa lưu đày. Sau đêm dài của thời lưu đày, ánh sáng của Ngài lại xuất hiện để giúp cho dân Ngài có thể trở về để làm mới lại lịch sử của những điều tốt lành, lịch sử của tình yêu. Như vậy, trong bối cảnh của Tin Mừng Hóa, ta thấy sự xuất hiện của ba từ ngữ: dikaiosyne, eirene, soteria (công chính, hòa bình và cứu độ). Tại Nazaret Đức Giê-su đã sử dụng lời của Isaia, khi Ngài nói về “Tin Mừng” mà Ngài mang đến lúc này cho những người bị loại trừ, bị giam cầm, bị áp bức và những người nghèo khổ.

Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa của từ “Tin Mừng” trong Tân Ước, ngoài những ý nghĩa mà sách Isaia Đệ Nhị đã mở ra, cũng cần để ý đến cách sử dụng từ này trong Đế Quốc Roma, khởi đi từ Hoàng đế Augusto. Thời ấy, thuật ngữ “Tin Mừng” được dùng để chỉ về một lời hay một sứ điệp của Hoàng Đế. Vì thế, đây là sứ điệp mang lại sự tốt lành: là một sự đổi mới thế giới, là tin cứu độ. Hơn nữa, vì là sứ điệp của Hoàng Đế nên nó có sức mạnh và quyền lực, nó là sứ điệp cứu độ, canh tân và chữa lành. Các sách Tân Ước đã thu nhận nghĩa này. Thánh Luca đã minh nhiên so sánh Hoàng Đế Augusto với Hài Nhi được sinh ra ở Belem: “Tin Mừng” chính là lời của Hoàng Đế, một vị Vua đích thực của thế giới. Vị Vua đích thực này đã tỏ mình ra và đã nói với chúng ta. Và sự kiện này tự nó là một ơn cứu độ. Thật vậy, đau khổ lớn nhất của con người thời ấy cũng như con người ngày nay đó là nỗi nghi vấn: Đằng sau cái vẻ thinh lặng của vũ trụ, đằng sau những đám mây mù của lịch sử, liệu có một Thiên Chúa hay chăng? Và nếu có, vị Thiên Chúa này có biết chúng ta, có liên quan gì đến chúng ta không? Vị Thiên Chúa này có phải là một Đấng tốt lành không? Và những điều tốt lành có chút ảnh hưởng gì trong thế giới này chăng?… Đấy là những chất vấn thường gặp, cả ở ngày xưa cũng như ngày nay. Nhiều người tự hỏi: phải chăng Thiên Chúa chỉ là một giả thiết? Ngài có phải là một thực tại không? Tại sao chúng ta không nghe thấy Ngài? “Tin Mừng” có nghĩa là: Thiên Chúa đã phá vỡ sự thinh lặng, Thiên Chúa đã nói và có Thiên Chúa. Sự kiện này tự bản chất đã là ơn cứu độ: Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại. Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở với chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài, Ngài cũng đã chịu đau khổ với chúng ta cho đến chết và đã sống lại. Đây chính là Tin Mừng. Thiên Chúa đã nói, Ngài không còn là một Đấng vô danh, nhưng đã tỏ mình ra, và đây chính là ơn cứu độ.

Giờ đây, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Thiên Chúa đã nói, đã phá vỡ sự thinh lặng và đã tỏ mình ra, nhưng làm sao chúng ta có thể truyền đạt điều này cho con người trong thế giới ngày nay để nó trở thành hồng ân cứu độ? Tự nó, việc Thiên Chúa nói với con người đã là cứu độ, là sự cứu chuộc. Nhưng làm sao con người biết được? Với tôi, điều này dường như là một câu hỏi nhưng đồng thời cũng là một đòi hỏi, một lệnh truyền cho chúng ta: chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời bằng cách suy niệm bài Tụng ca "Nunc, Sancte, nobis Spiritus". Câu đầu tiên nói rằng: "Dignàre promptus ingeri nostro refusus, péctori", nghĩa là: chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong chúng ta và với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không làm nên Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể công bố điều Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Giáo Hội không khởi đi từ những việc làm của chúng ta, nhưng với “việc làm” và “lời nói” của Thiên Chúa. Cũng vậy, không phải sau vài cuộc hội họp rồi các Tông Đồ tuyên bố: bây giờ chúng tôi muốn lập nên Giáo hội, dưới dạng thức của một quốc hội lập hiến, rồi cùng nhau viết ra hiến chương. Không, các ngài đã cầu nguyện, và trong cầu nguyện các ngài chờ đợi, vì biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể sáng tạo ra Giáo hội và Thiên Chúa là tác nhân đệ nhất. Nếu Thiên Chúa không hành động, những điều chúng ta làm chỉ là của chúng ta và không bao giờ nên trọn. Chỉ có Thiên Chúa làm chứng rằng chính Ngài đã nói và Ngài tiếp tục cất lời. Lễ Hiện Xuống là điều kiện khai sinh Giáo hội: chỉ bởi vì Thiên Chúa đã hành động trước, các Tông đồ mới có thể hành động cùng với Ngài, và cùng với sự hiện diện của Ngài thực hiện những gì Ngài thực hiện. Thiên Chúa đã nói, và việc “đã nói” này chính là sự hoàn thiện cho Đức tin, nhưng nó cũng luôn ở thì hiện tại. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa không chỉ là quá khứ, vì dù nó là quá khứ đích thực nhưng cũng mang nơi mình hiện tại và tương lai. Thiên Chúa đã nói, nghĩa là Ngài còn tiếp tục nói. Như khi xưa, chính nhờ vào sáng kiến của Thiên Chúa mà Giáo hội khai sinh và Tin Mừng có thể được biết đến, thì ngày nay, chỉ Thiên Chúa mới có thể khởi sự và chúng ta chỉ có thể cộng tác. Khởi đầu phải luôn đến từ Thiên Chúa. Vì thế, khi chúng ta bắt đầu những công việc quan trọng mỗi ngày bằng việc cầu nguyện, đấy không chỉ là một công thức đơn thuần, nhưng là điều chính đáng hợp với thực tế. Chỉ khi nào Thiên Chúa khởi sự, thì hành trình của chúng ta mới trở nên khả thi, sự cộng tác của chúng ta – và luôn chỉ là sự cộng tác – không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của chúng ta. Do đó, thật quan trọng khi nhận biết rằng, lời đầu tiên, sáng kiến đích thực, và những hoạt động đúng nghĩa chỉ đến từ Thiên Chúa. Phần chúng ta, chỉ ngang qua việc tháp mình vào trong sáng kiến của Thiên Chúa và chỉ bằng việc nài xin ân sủng của Ngài, chúng ta mới có thể trở nên những nhà rao giảng Tin Mừng với Ngài và trong Ngài. Thiên Chúa luôn khởi sự, chỉ có Ngài mới có thể làm nên lễ Hiện Xuống và làm khai sinh Giáo Hội. Chỉ có Ngài mới có thể vén mở thực tại về chính mình cho chúng ta, hiện hữu với chúng ta. Dẫu vậy, vị Thiên Chúa này cũng muốn chúng ta tham dự vào hoạt động của Ngài, để các hoạt động đó trở nên những hoạt động mang tính thần nhân tương hợp, nghĩa là được làm bởi Thiên Chúa nhưng có sự dự phần của chúng ta và hiện hữu của chúng ta.

Vì thế, sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa của chúng ta phải luôn là một sự cộng tác với Thiên Chúa, ở lại cùng với Thiên Chúa, đặt nền tảng trên việc cầu nguyện và sự hiện diện đích thực của Ngài.

Giờ đây, hoạt động của chúng ta, nối tiếp những gì mà Thiên Chúa đã khởi sự, có thể được diễn tả trong câu thứ hai của bài Tụng ca: "Os, lingua, mens, sensus, vigor, confessionem personent, flammescat igne caritas, accendat ardor proximos". Ở đây, trong câu thứ hai, chúng ta thấy hai danh từ xác định, “tuyên xưng” (confessio) trong câu thứ nhất và “đức ái” (caristas) trong câu thứ hai. “Tuyên xưng” và “đức ái” là hai cách thế mà trong đó Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta, làm cho chúng ta hành động với Ngài, trong Ngài, cho con người và cho những thụ tạo của Ngài. Những động từ được thêm vào: trước hết là động từ “personent”, và sau đó là “caritas”, được diễn giải bằng những từ ngữ như ngọn lửa, sự nhiệt thành, thắp lên, bùng cháy.

Trước hết chúng ta cùng xem xét cụm từ “confessio personent”. Niềm tin có một nội dung: Thiên Chúa thông truyền chính mình Ngài, nhưng chủ từ “Tôi” (I) của Thiên Chúa được thực sự mạc khải trong hình ảnh Đức Giê-su và được giải thích trong việc “tuyên xưng”, vén mở cho chúng biết về việc sinh hạ nhờ sự thụ thai đồng trinh của Ngài, về cuộc khổ nạn, về Thập giá và Phục Sinh. Thiên Chúa mạc khải chính mình một cách trọn vẹn nơi Người Con: Đức Giê-su là Ngôi Lời, là nội dung đích thực được diễn tả trong lời “tuyên xưng”. Như vậy, bước đầu tiên là chúng ta phải đi vào trong lời “tuyên xưng”, và để cho lời “tuyên xưng” thấm nhuần một cách cá vị trong chúng ta và qua chúng ta.

Ở đây chúng ta cần phải xem xét một điểm nhỏ trên khía cạnh triết học. “Confessio” thời Tiền Kitô Giáo Latinh không phải là “confessio” nhưng là “proffessio”: đây là một sự trình bày tích cực về thực tại. Thực vậy, từ ngữ confessio đề cập đến một tình huống diễn ra trong toà án. Trong một phiên toà thường có một ai đó mở lòng mình ra và tuyên thệ. Nói cách khác trong bối cảnh Kitô giáo latinh, từ “confession” thay thế từ “professio”, mang yếu tố chứng tá để làm chứng cho đức tin trong những thời điểm thù nghịch, làm chứng thậm chí trong những trạng huống đau khổ và nguy hiểm đến tính mạng. Việc tuyên xưng đức tin của các Kitô hữu hàm chứa một cách thiết yếu sự sẵn sàng chịu khổ đau. Với tôi điều này rất quan trọng. Trong bản chất của lời “tuyên xưng” trong Kinh Tin Kính của chúng ta luôn hàm chưa một thái độ sẵn sàng trước đau khổ, và thậm chí là từ bỏ mạng sống mình. Chính thái độ này giúp cho việc tuyên xưng trở nên khả tín hơn bao giờ hết. Việc “tuyên xưng” không phải là một điều gì có thể từ bỏ dễ dàng, nhưng hàm chứa cả việc từ bỏ mạng sống mình và chấp nhận đau khổ. Đây đích thực là một sự minh xác của đức tin. Việc “tuyên xưng” cũng không chỉ là một từ ngữ được nói ra, nhưng nó vượt qua cả sự đau khổ và cái chết. Để sống lời “tuyên xưng” ấy, dù có phải chịu đau khổ hay chịu chết thì cũng đáng. Người nào làm việc “tuyên xưng” như thế sẽ minh chứng rằng quả thật những gì mà người ấy tuyên xưng còn có giá trị hơn cả sự sống: lời tuyên xưng ấy chính là sự sống, là một kho báu, một viên ngọc quý vô giá. Chính trong chiều kích chứng nhân của từ “tuyên xưng” mà chúng ta tìm thấy chân lý: chân lý là minh chứng cho chính mình, rằng có phải chịu đau khổ vì chân lý ấy thì cũng xứng đáng, rằng chân lý ấy mạnh hơn cả cái chết. Lời tuyên xưng ấy minh chứng rằng điều tôi nắm giữ trong tay mình chính là chân lý, chân lý mà tôi hằng chắc chắn, rằng tôi đảm nhận sự sống của mình bởi vì tôi tìm thấy sự sống trong lời tuyên xưng ấy.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem lời “tuyên xưng” này phải thấm nhuần vào nơi nào: "Os, lingua, mens, sensus, vigor". Từ thư của thánh Phaolo gửi tín hữu Roma, chúng ta biết rằng lời tuyên xưng đức tin nằm trong trái tim và trên môi miệng. Lời tuyên xưng phải nằm sâu thẳm trong trái tim ta, nhưng cũng được tuyên xưng công khai; niềm tin được cưu mang trong trái tim cần phải được công bố. Niềm tin chưa vào giờ chỉ là điều của con tim, nhưng còn phải được thông truyền và cần phải được tuyên xưng trước mắt toàn thế giới. Vì thế, chúng ta phải học để được bước sâu vào trong tâm điểm của lời tuyên xưng, để nhờ đó, con tim của chúng ta sẽ được định hình. Từ trong con tim này, cùng với một lịch sử lâu dài của Giáo hội, chúng ta sẽ tìm thấy lời tuyên xưng và sự khích lệ của lời tuyên xưng ấy. Lời này soi dẫn cho hiện tại của chúng ta, và chúng ta thấy rằng lời tuyên xưng của chúng ta chỉ là một.

Mens”: sự tuyên xưng không chỉ là điều thuộc trái tim và miệng lưỡi, mà con thuộc về lý trí. Sự tuyên xưng cần phải được đón nhận và suy tư bằng lý trí, để nhờ đó, đụng chạm đến người khác. Như thế, sự tuyên xưng cũng luôn hàm nghĩa rằng suy tưởng của tôi cũng đã thực sự được bám rễ trong lời tuyên xưng này.

Sensus”: không là điều hoàn toàn trừu tượng và duy lý, lời tuyên xưng phải được thấm nhuần trong các giác quan của cuộc đời chúng ta. Thánh Bernard of Clairvaux với cho chúng ta rằng: trong mạc khải và trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã ban cho các giác quan của chúng ta khả năng chiêm ngắm, đụng chạm, và cảm nến mạc khải. Thiên Chúa không còn chỉ là một thực tại thiêng liêng, nhưng Ngài đã đi vào thế giới của các giác quan, và như thế, các giác quan của chúng ta phải được lấp đầy bởi sự cảm nếm này, bởi vẻ đẹp của Lời Thiên Chúa, một thực tại chân thực.

Vigor”: là sức mạnh sống động của sự hiện hữu chúng ta và cũng là sức mạnh hợp lý của một thực tại. Với toàn bộ sức sống cũng như sức mạnh của mình, chúng ta phải được thấm nhuần bởi việc tuyên xưng. Việc tuyên xưng này phải được cá vị hóa (personare). Giai điệu của Thiên Chúa phải tấu khúc dạo đầu cho trọn vẹn cuộc hiện hữu của chúng ta.

Như thế, có thể nói rằng lời “tuyên xưng” là phần thứ nhất của Tin Mừng hóa, và “đức ái” là yếu tố thứ 2. Lời tuyên xưng không phải là một khái niệm trừu tượng nhưng là đức ái, là tình yêu. Chính trong cách thế này mà lời tuyên xưng thực sự là sự phản chiếu của chân lý thần linh, một chân lý không thể tách rời tình yêu. Bằng những từ rất mạnh, bản tụng ca miêu tả tình yêu này: ấy là sức mạnh, là ngọn lửa, làm bùng cháy những ngọn lửa khác. Có một khao khát cháy bỏng của chúng ta cần phải lớn lên nhờ niềm tin, và phải được chuyển thành ngọn lửa của đức ái. Đức Giê-su nói với chúng ta: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên”(Lc 12,49). Giáo phụ Origen đã thông chuyển cho chúng ta lời ấy của Đức Giê-su: “Bất cứ ai gần tôi, là gần ngọn lửa”. Người Ki-tô hữu không được phép là kẻ thơ ơ lãnh đạm. Sách Khải Huyền nói với chúng ta rằng điều nguy hiểm nhất đối với người Kitô hữu không phải là việc nói không, nhưng là việc đồng ý một cách lãnh đạm. Chính sự lãnh đạm hủy hoại Ki-tô giáo. Đức tin phải trở nên như một ngọn lửa tình yêu trong chúng ta, một ngọn lửa thực sự làm bùng cháy trọn vẹn cuộc đời chúng ta, trở nên một khao khát lớn lao trong chúng ta, và như thế nó cũng làm bùng cháy ngọn lửa nơi tha nhân. Đây là cách thế của việc Tin Mừng Hoá: "Accéndat ardor proximos": chân lý phải trở nên đức ái trong tôi, và đức ái này sẽ trở nên ngọn lửa làm bùng cháy nơi tha nhân. Chỉ ngang qua việc thắp lên nơi anh chị em mình ngọn lửa của đức ái mà công cuộc Tin Mừng hoá và sự hiện diện của Tin Mừng mới thực sự được lớn lên. Khi đó Tin Mừng không còn là một từ ngữ đơn thuần, nhưng là một thực tại đã được sống.

Thánh Luca tường thuật với chúng ta rằng vào ngày lễ Hiện Xuống, vào ngày khai sinh của Giáo hội, Chúa Thánh Thần là ngọn lửa biến đổi thế giới, ngọn lửa dưới hình thức lưỡi lửa. Nghĩa là dù đây là một ngọn lửa nhưng đồng thời cũng là một thực tại hữu lý và thánh thiêng, và con người có thể hiểu được. Ngọn lửa này được nối kết với tư tưởng, với “mens”. Chính ngọn lửa lý tính này (sobria ebretas) làm nên đặc tính của Kitô giáo.

Chúng ta biết rằng lửa hiện diện ngay từ buổi bình minh của văn hoá nhân loại; lửa chính là ánh sáng, là hơi ấm và là sức mạnh để biến đổi. Văn minh nhân loại khởi đi từ việc con người tìm được phương pháp để tạo ra lửa. Với một ngọn lửa con người có thể huỷ diệt, nhưng cũng có thể biến đổi và canh tân. Ngọn lửa của Thiên Chúa là ngọn lửa làm biến đổi, ngọn lửa của khao khát, ngọn lửa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa; đồng thời đấy cũng là ngọn lửa huỷ hoại nhiều điều trong chúng ta. Trên tất cả, ngọn lửa này làm biến đổi, canh tân và sáng tạo nên những sự mới mẻ trong con người, biến con người nên ánh sáng trong Thiên Chúa.
Cuối cùng chúng ta hãy cầu nguyện để lời “tuyên xưng” được bám rễ sâu xa trong tâm hồn chúng ta và trở nên một ngọn lửa làm bùng cháy nơi tha nhân. Nhờ đó, ngọn lửa của sự hiện diện của Thiên Chúa và sự mới mẻ của việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta trở nên thự sự hữu hình và trở nên nguồn sức mạnh cho hiện tại lẫn tương lai của chúng ta.

Chuyển Ngữ và Giới thiệu: Nguyễn Minh Triệu SJ  (Vietvatican)

Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

VATICAN. Sáng chúa nhật 21 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã tôn phong 7 vị chân phước lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của gần 90 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Từ 9 giờ sáng, trong khi chờ đợi buổi lễ bắt đầu, ca đoàn hát thánh ca, rồi cộng đoàn đọc kinh Mân Côi, xen lẫn những bài hát do ca đoàn gồm 200 ca viên đảm trách.

Bên trái bàn thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô được dành cho các phái đoàn chính phủ và các nhà ngoại giao và nhiều tín hữu khác; bên phải dành cho 50 HY và đông đảo các nghị phụ và giáo sĩ, tu sĩ. Trên mặt tiền đền thờ có treo chân dung khổng lồ của 7 vị thánh mới.

Khác với những lần phong thánh trước đây, lần này theo quyết định của ĐTC, lễ nghi phong thánh được cử hành trước khi thánh lễ bắt đầu. Đúng 9 giờ 20 chuông Đền thờ được đánh lên rồi 50 vị đồng tế gồm 6 HY, 18 GM và 26 LM có liên hệ đặc biệt với 7 tiến chức hiển thánh, cùng với ĐTC đi rước từ bên trong Đền thờ ra lễ đài, trong khi ca đoàn hát kinh cầu các thánh.

Sau khi ĐTC hôn và xông hương bàn thờ, rồi an tọa trên toà của ngài, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyện viên tiến lên trước ĐTC thực hiện nghi thức 3 lần thỉnh cầu ngài ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh.

Đáp lại lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài qua lời nguyện khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa, của Mẹ Maria và các thánh cho việc làm hệ trọng chúng ta sắp thực hiện.

Rồi ĐHY Amato lại thỉnh cầu ĐTC lần thứ hai. Ngài đáp lại bằng lời mời gọi toàn thể cộng đoàn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần phù trợ. Sau bài thánh ca Veni Creator, ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh lại xin ĐTC lần thứ ba và đáp lại, lần ngày ngài long trọng đọc công thức:

Đ tôn vinh Chúa Ba Ngôi, đ tuyên dương đc tin Công Giáo và tăng cường đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Kitô, của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi đã cầu nguyện lâu và suy nghĩ chín chắn, với ơn phù trợ của Chúa, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng GM, Chúng Tôi tuyên bố và xác đnh các chân phước: Jacques Berthieu, Phêrô Calungsod, Giovanni Battista Piamarta, Maria Carmen Sallés y Barangueras, Marianne Cope, Kateri Takakwitha và Anna Schaeffer là thánh và ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh và truyền phải sốt sắng tôn kính các vị trong toàn thể Giáo Hội”.

 

Cộng đoàn tung hô Amen ba lần, trước khi thánh tích của các vị được rước lên đặt cạnh bàn thờ và được xông hương tôn kính, rồi ca đoàn và mọi người hát kinh Te Deum, tạ ơn Thiên Chúa:
ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh tiến lên ngỏ lời cám ơn ĐTC và thánh lễ được chính thức bắt đầu với bài ca nhập lễ, và diễn tiến như trong các thánh lễ chúa nhật.

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Giảng sau bài Tin Mừng về sự tích hai anh em ông Gioan và Giacôbê xin Chúa Giêsu cho ngồi bên hữu và bên tả Người khi Người được vinh quang, ĐTC nhấn mạnh lời Chúa Giêsu:
”Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Xc Mc 10,45). Những lời này trở thành chương trình sống của 7 vị Chân Phước mà hôm nay Giáo Hội long trọng ghi tên vào hàng ngũ vinh hiển của các thánh. Các ngài đã anh dũng dâng mạng sống mình, tận hiến cho Thiên Chúa và quảng đại phục vụ anh chị em đồng loại. Các vị là con cái của Giáo Hội, đã chọn con đường phục vụ noi gương Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo Hội luôn có nguồn mạch từ mầu nhiệm cứu chuộc, được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc thứ I: Vị Tôi Tớ Chúa là người Công Chính ”làm cho nhiều người nên công chính, Người mang lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 11), Đó chính là Chúa Giêsu Kitô, chịu đanh, sống lại và đang sống trong vinh quang. Lễ phong thánh hôm nay là lời khẳng định hùng hồn về thực tại cứu độ huyền nhiệm ấy. Sự kiên trì của 7 môn đệ Chúa Kitô trong việc tuyên xưng đức tin, sự trở nên đồng hình dạng của các Vị với Con Người ngày hôm nay đang chiếu tỏa rạng ngời trong toàn Giáo Hội.

Đến đây, ĐTC lần lượt tóm lượt tiểu sử và sứ điệp nổi bật của 7 vị thánh mới:

1. Trước tiên là cha Jacques Berthieu, sinh năm 1838 tại Pháp, sớm được Chúa Kitô chinh phục. Trong khi làm việc mục vụ giáo xứ, cha nồng nhiệt mong ước cứu vớt các linh hồn. Trở thành tu sĩ dòng Tên, cha muốn rong ruổi trên thế giới để làm vinh danh Chúa. Là mục tử không biết mệt mỏi tại đảo Santa Maria rồi tại Madagascar, cha tranh đấu chống lại bất công, nâng đỡ người nghèo và bệnh nhân. Người dân Madagascar coi cha như một LM đến từ trời, họ nói: Cha là ”cha mẹ của chúng con!”. Cha trở nên mọi sự cho mọi người, kín múc trong kinh nguyện và trong lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu sức mạnh nhân bản và linh mục để đạt tới cuộc tử đạo vào năm 1896. Khi trút hơi thở cuối cùng, cha nói: ”Tôi thà chết còn hơn từ bỏ đức tin của tôi”. Các bạn thân mến, ước gì cuộc sống của nhà truyền giáo này khích lệ và nêu gương cho các linh mục, để các vị trở thành những người của Thiên Chúa như thánh Berthieu! Ước gì tấm gương của thánh nhân trợ giúp các tín hữu Kitô đang bị bách hại ngày nay vì đức tin! Ước chi sự chuyển cầu của thánh nhân trong Năm Đức Tin này mang lại thành quả cho Madagascar và Phi châu! Xin Chúa chúc lành cho dân tộc Madagascar!

2. Pedro Calungsod sinh khoảng năm 1654, tại vùng Visayas bên Philippines. Tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô thúc đẩy Người trở thành giáo lý viên cùng với các thừa sai dòng Tên tại nơi ấy. Năm 1668, cùng với các giáo lý viên trẻ khác, Pedro tháp tùng cha Diego Luis de San Vitores tới quần đảo Marianas để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Chamorro. Cuộc sống tại đó rất vất vả cam go và các thừa sai bị bách hại vì ghen tương và vu khống. Nhưng Pedro đã chứng tỏ niềm tin và đức ái sâu xa, và tiếp tục dạy giáo lý cho nhiều tân tòng, làm chứng về Chúa Kitô qua cuộc sống khiết tịnh và tận tụy đối với Tin Mừng. Thánh nhân nồng nhiệt mong ước đưa các linh hồn về cùng Chúa Kitô, và điều này càng làm cho Người kiên quyết trong việc chấp nhận tử đạo. Pedro Calungsod qua đời ngày 2-4-1672. Các chứng nhân kể lại rằng Pedro tuy có thể thoát thân nhưng đã quyết định ở lại cạnh cha Diego. Vị linh mục đã ban phép xá giải cho Pedro trước khi bị giết. Ước gì tấm gương và chứng tá can đảm của thánh Pedro Calungsod gợi hứng cho các dân tộc yêu quí tại Philippines mạnh mẽ rao giảng Nước Chúa và đưa nhiều linh hồn về cùng Chúa.

3. Giovanni Battista Piamarta, linh mục giáo phận Brescia là đại tông đồ bác ái và của giới trẻ. Cha cảm thấy đạo Công Giáo cần phải hiện diện về văn hóa và xã hội trong thế giới tân tiến, vì thế cha tận tụy nâng cao đời sống Kitô, luân lý và nghề nghiệp cho các thế hệ trẻ với tấm gương rạng ngời của cha về tình người và lòng từ nhân. Được linh hoạt nhờ niềm tín thác không lay chuyển nơi Chúa Quan Phòng và với tinh thần hy sinh sâu xa, cha đương đầu với những khó khăn và vất vả để thành lập nhiều tổ chức tông đồ, trong đó có Học viện Artigianelli, nhà xuất bản Queriniana, Dòng nam Thánh Gia Nazareth, và dòng các nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Bí quyết cuộc sống khẩn trương và cần cù của cha chính là những giờ cầu nguyện lâu giờ. Khi bị tràn ngập công việc, cha gia tăng thời gian gặp gỡ, tâm sự với Chúa. Cha thích dừng lại trước Mình Thánh Chúa, suy niệm về cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Kitô, để kín mục sức mạnh tinh thần và tái ra đi chinh phục tâm hồn tha nhân, đặc biệt là những người trẻ, để đưa họ trở lại nguồn sống với những sáng kiến mục vụ luôn mới mẻ”.

4. ”Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu Chúa: chúng con hy vọng nơi Chúa”. Với những lời này, phụng vụ mời chúng ta hãy nhận thánh ca này dâng lên Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan phòng như của chúng ta, chấp nhận dự phóng của Chúa dành cho đời sống chúng ta. Thánh nữ Maria del Carmelo Sallés y Barangueras, đã làm như vậy. Người là nữ tu, sinh trưởng tại Vic bên Tây Ban Nha năm 1848. Khi thấy hy vọng của mình được thành tựu sau nhiều thăng trầm khi chiêm ngắm sự phát triển của Dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục, mà Mẹ đã thành lập năm 1892, Mẹ đã có thể hát lên cùng với Mẹ Thiên Chúa: ”Từ đời này đến đời kia, lượng từ bi của Chúa trải dài trên những người kính sợ Chúa”. Công trình giáo dục của Mẹ, được phó thác cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, tiếp tục mang lại những hoa trái dồi dào nơi giới trẻ nhờ sự dấn thân quảng đại của các con cái của Mẹ, những người như Mẹ đã phó thác trong tay Chúa là Đấng có thể làm mọi sự.

5. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về thánh nữ Marianne Cope, sinh năm 1838 tại Heppenheim bên Đức. Khi mới được 1 tuổi, Marianne được đưa sang Hoa Kỳ và năm 1862 gia nhập dòng Ba Phanxicô tại viện ở Syracure New York. Sau đó với tư cách là Bề trên (tổng quyền) của dòng, Mẹ Marianna tự nguyện đón nhận ơn gọi chăm sóc những người cùi trong quần đảo Hawaii, sau khi nhiều người khác khước từ. Cùng với 6 chị em, Mẹ đến đó để điều khiển một nhà thương ở đảo Oahu, rồi sau đó lập nhà thương ở Malulani trên đảo Maui, mở một nhà cho các thiếu nữ con của những người cùi. 5 năm sau, Mẹ nhận lời mời mở một nhà cho các phụ nữ và thiếu nữ tại chính đảo Molokai, can đảm đích thân đến đó và chấm dứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Tại đó Mẹ chăm sóc cha Damien, vốn nổi tiếng vì hạt động anh dũng nơi những người cùi, chăm sóc cha cho đến chết và tiếp nối cha nơi những người cùi nam giới. Khi còn có thể làm chút ít cho những người đau khổ vì căn bệnh kinh khủng này, Mẹ Marianne Cope chúng tỏ tình yêu, lòng can đảm và hăng say cao cả nhất. Mẹ là mẫu gương sáng ngời và mạnh mẽ về truyền thống Công Giáo tốt đẹp nhất trong việc săn sóc những chị em và theo tinh thần của thánh Phanxicô yêu quí.

6. Kateri Tekakwitha sinh năm 1656 tại nơi nay thuộc bang New York, thân phụ là người bộ lạc Mohak và mẹ mà tín hữu Công Giáo thuộc bộ lạc Algonchina, người đã thông truyền cho Kateri cảm thức về Thiên Chúa hăng sống. Kateri được rửa tội năm 20 tuổi, và tránh các cuộc bách hại, tị nạn đến cứ điểm truyền giáo thánh Phanxicô Xavie gần Montréal. Tại đó, Kateri làm việc, trung thành với truyền thống của dân tộc mình, và cũng từ bỏ những xác tín tôn giáo của bộ tộc, cho đến khi qua đời lúc 24 tuổi. Với cuộc sống đơn sơ, Kateri trung thành với tình yêu Chúa Giêsu, kinh nguyện và thánh lễ h;ăng ngày. Ước mong lớn nhất của Kateri là được biết Chúa và làm những gì đẹp lòng Chúa.


Kateri mang lại cho chúng ta ấn tượng mạnh về hoạt động của ơn thánh trong cuộc sống của thánh nữ, – vốn không được những nâng đỡ từ bên ngoài,- và về lòng can đảm trong ơn gọi rất đặc biệt trong nền văn hóa của thánh nữ. Nơi Kateri, đức tin và văn hóa làm cho nhau được phong phú. Ước gì tấm gương của thánh nữ giúp chúng ta sống tại nơi chúng ta đang sở, mà không từ bỏ thực chất của chúng ta, yêu mến Chúa Giêsu! Lạy Thánh Nữ Kateri, bổn mạng của Canada và là vị thánh đầu tiên thuộc thổ dân bắc Mỹ, chúng con phó thác cho thánh nữ sự canh tân đức tin của các thổ dân trên toàn Bắc Mỹ! Xin Chúa chúc lành cho các thổ dân!
7. Anna Schaeffer người làng Mindelstetten, khi còn trẻ đã muốn gia nhập một dòng thừa sai. Vốn xuất thân từ gia đình khiêm hạ, Anna làm công trong một gia đình với ý định kiếm đủ tiền hồi môn để được đón nhận vào một tu viện. Trong công việc ấy, Anna bị tai nạn, bị phỏng nặng ở hai chân không thể lành được, khiến cô bị liệt giường suốt đời. Và thế là chiếc giường đau khổ trở thành căn phòng tu viện đối với Anna, và đau khổ trở thành hoạt động truyền giáo của thánh nữ. Thoạt đầu Anna than thân trách phận, nhưng rồi Anna tiến đến mức biết giải thích tình trạng của mình như tiếng gọi yêu thương của Đấng Chịu Đóng Đanh, mời gọi Anna bước theo Ngài. Được an ủi hằng ngày nhờ việc rước lễ, Anna trở thành một dụng cụ không biết mệt mỏi chuyển cầu bằng kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa cho nhiều người đến xin Anna lời khuyên bảo. Ước gì hoạt động tông đồ bằng lời cầu nguyện và bằng đau khổ, hy sinh và đền tạ của thánh nữ là tấm gương rạng ngời cho các tín hữu tại quê hương, và ước gì lời chuyển cầu của thánh nữ củng cố phong trong Công Giáo Hospice, gồm những trung tâm săn sóc chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, trong công tác phục vụ tốt lành.

Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em thân mến, các vị thánh mới, tuy có nguồn gốc, ngôn ngữ, quốc tịch và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đều liên kết với toàn thể Dân Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cùng với các ngài, cả chúng ta nơi đây, hiệp với các nghị phụ Thượng HĐGM đến từ các nơi trên thế giới, liên kết với những lời của Thánh Vịnh tung hô Chúa là ”ơn phù trợ và là khiên thuẫn của chúng ta”, và chúng ta cầu xin Chúa: ”Lạy Chúa, ước gì tình thương Chúa đổ trên chúng con, như chúng con hy vọng nơi Chúa' (Tv 32,20-22). Ước gì chứng tá của các vị thánh mới, cuộc sống các ngài quảng đại dâng hiến vì tình thương Chúa Kitô, nói với toàn thể Giáo Hội ngày nay, và lời chuyển cầu của các ngài củng cố và nâng đỡ Giáo Hội, trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Trong phần rước lễ, 280 linh mục và phó tế đã tản ra các nơi ở quảng trường để mang Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Và chính ĐTC đã cho hàng chục tín hữu rước lễ.

Cuối thánh lễ, vào lúc 11 giờ 40, ĐTC chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Trong lời nhắn nhủ trước khi đọc kinh, ngài mời gọi các tín hữu hướng về Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh, và đặc biệt nghĩ đến Lộ Đức, bị lụt vì mưa lũ làm nước sông Gave dâng cao, ngập cả Hang Đá Đức Mẹ hiện ra. ĐTC nói: ”Đặc biệt hôm nay, chúng ta hãy phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các thừa sai nam nữ, các LM, tu sĩ và giáo dân, đang gieo hãi hạt giống tốt lành của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Thượng HĐGM, trong những tuần lễ này đang đương đầu với thách đố tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin.

Bằng nhiều thứ tiếng, ĐTC cũng chào thăm các phái đoàn chính quyền và các tín hữu đến tham dự lễ phong thánh. Sau kinh truyền tin, ĐTC đã ban phép lành cho các tín hữu như mọi khi.

Các phái đoàn
Sau thánh lễ, tại nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi trong đền thờ thánh Phêrô, các phái đoàn chính phủ đã được ĐTC đặc biệt chào thăm:

Phái đoàn Philippines gồm 7 người do Phó Tổng thống Jejomar Binay hướng dẫn; phái đoàn Tây Ban Nha gồm 22 người do Bộ trưởng nội vụ Jorge Fernandez Díaz làm trưởng đoàn; Phái đoàn Pháp có 22 người do Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls; phái đoàn Canada gồm 10 người do chủ tịch Hạ viện liên bang Ông Andrew Sheer; phái đoàn Italia có 10 người do bộ trưởng y tế Renato Balduzzi, phái đoàn Đức có 6 người cho Chủ tịch nghị viện bang Bavaria bà Barbara Stam hướng dẫn; phái đoàn Hoa Kỳ gồm 5 người do Đại sứ Miguel Diaz cạnh Tòa Thánh đại diện, và phái đoàn Madagascar có 6 người do bà Annick Rajaona, trưởng Văn phòng ngoại giao, cầm đầu.

Trong gần 8 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Biển Đức 16 đích thân tôn phong 43 vị hiển thánh, kể cả 7 vị sáng 21 tháng 10-2012, và ngoài ra có hơn 600 vị chân phước được tôn phong, do Tông Thư của ngài, và thường là một vị Hồng Y, nhất là ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, chủ sự các lễ phong chân phước. Đa số các vị chân phước được tôn phong trong thời gian qua là các vị tử đạo trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha từ 1936 đến 1939.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican