HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

 HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

 

Càng gần đến tuần kỷ niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, lời mời gọi sám hối càng trở nên khẩn thiết hơn, tích cực hơn. Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay đặt tôi trong tình trạng tự trải lòng mình ra trước Tình Yêu của Thiên Chúa và nhờ Tình Yêu thiêng liêng ấy chiếu vào cõi thâm sâu thầm kín để thấy mình còn lắm điều tồi tệ.

SỰ IM LẶNG CỦA TỘI NHÂN

Các Kinh Sư và Pharisêu  đem đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt cô ấy đứng giữa và yêu cầu cho ý kiến. Họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu phạm luật Môsê. Vì theo luật Môsê thì người đàn bà tội lỗi này phải bị ném đá cho đến chết (x. Lv 20, 10; Đnl 22, 22 – 24 ).

Tôi đang hình dung ra một tòa án cộng đồng, diễn ra ngay trong Đền Thờ, công tố viên không ai khác là các Kinh Sư và Pharisêu, vị thẩm phán và còn là luật sư bào chữa, khách mời hôm nay là Chúa Giêsu, còn người tham dự phiên tòa là dân chúng đang nắm trong tay những hòn đá, khoái chí, hăm he chờ ném vào người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo lời kể của phóng viên tại tòa, Thánh Gioan, thì trong suốt phiên tòa, “người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình” ấy, chị chỉ nói mỗi một câu “họ đã về cả rồi”. Chị hoàn toàn im lặng trong khi chờ bị ném đá, một sự im lặng đáng chú ý.

Dẫu biết rằng “im lặng là đồng lõa”, “im lặng là chấp nhận”, nhưng tôi muốn nghĩ đến trong cái im lặng ấy, có thể, còn có  bao điều chị muốn nói, nhưng không thể nói  được, vì “văn bản luật” đã rõ ràng và tội trạng đã đành rành. Đã nói đến luật pháp trần gian, thì phải hiểu luật pháp luôn là một “cây thước” cứng ngắc. Tôi muốn đặt mình vào tình thế của “người nữ công khai phạm tội ngoại tình” để thêm được một người hiểu cho chị, vì trong sân ai cũng không hiểu, chỉ mỗi một người hiểu chị, là Chúa Giêsu. Trong cái im lặng ấy, có thể chị đang xấu hổ và có thể có nhiều tâm sự thầm kín, nhưng không là lý do để có thể bào chữa, rằng thì là:

“Nhà em nghèo, chồng em bệnh, ba đứa con phải được lo cho học hành”.

“Em cần tiền để sửa lại nhà cửa. Nhà em rách nát, nắng mưa gió cát rác rưởi đều có lối vào”.

“Em không cưỡng lại được số phận, vì trời ban cho em cái hồng nhan “khuynh nước, khuynh thành” làm cho bao “đấng mày râu” chao đảo, như “sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

“Em đã lỡ tự trau chuốt cho mình quá mức cần thiết, tưởng để cho đẹp mặt với người ta, có ai ngờ… trở thành món mồi ngon cho những người có lòng tham khoái lạc”.

“Em không thể sống trong cảnh cô đơn khi hãy còn quá trẻ. Em cần có anh ấy!” 

“Anh ấy cần có em, đến với anh ấy vì em muốn giải thoát anh ấy khỏi những bi lụy…”

“Em đang cần một đứa con để giải tỏa những u ám trong gia đình em”…

… Và hàng chục lý do khác nữa để tự biện hộ.

Vâng, có thể chị không có cơ hội để giải bày những tâm sự  với bao nhiêu là lý do chủ quan, khách quan…, có thể chị hiểu là dù có nói gì đi nữa, thì trước mắt người đời, chị cũng không thoát tội chết, không khỏi bị ném đá. Có thể chị hiểu: ý hướng tốt khi thực hiện một điều xấu không đủ biện minh hay chạy tội thành trắng án – cũng như, mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu – ấy là luật. Biết như thế, nhưng Chúa Giêsu, Đấng hiểu thấu mọi nỗi lòng, hiểu thấu mọi sự im lặng, mọi nỗi đau thầm kín nhất trong lòng, Ngài hiểu chị và thương xót chị.

NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Chúa Giêsu không chỉ muốn nói cho đám đông tố cáo rằng “hãy thông cảm cho tội nhân” mà còn điều quan trọng là cảnh cáo họ “hãy nhìn lại chính mình”. Chúa nói: “Ai trong các người vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.

– Hãy nhìn lại chính mình, đúng thế, nếu người đời chưa phát hiện ra tôi đang sống trong tình trạng tội lỗi, để tôi trở thành tội nhân công khai, đáng phải bị ném đá, thì lòng tôi ơi, hãy nhớ rằng, nhà ngươi đã bị Thiên Chúa “bắt quả tang” từ trong ý nghĩ, trong tư tưởng đến hành động… không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng Ngài vẫn im lặng, đợi chờ. Tôi có thể tránh được ánh mắt của người đời, nhưng không thể tránh được ánh mắt của Thiên Chúa.

 Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, có đôi khi, người ta chưa phạm tội, thì mình đã phạm tội rồi. Thấy một người có khả năng làm việc trong Giáo Xứ, họ đóng góp được nhiều việc, còn tôi, tôi chẳng có tài gì, tôi lại nói: “Ông ấy, bà ấy, con mẹ ấy nó kiêu ngạo lắm”. Thế nghĩa là gì? Có phải họ chưa kịp kiêu ngạo thì tôi đã kiêu ngạo rồi chăng? Nghe chuyện thường xuyên ai đó vẫn gặp nhau, tôi thêu dệt thành chuyện tình ly kỳ hấp dẫn nhất để mọi người có thể tin rằng họ đã phạm tội điều răn thứ 9. Thế có phải chính tôi đã phạm tội trước họ chăng?

Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, mình đang tội lỗi nhiều hơn người khác, nhất là khi mình đang có được những vỏ bọc bên ngoài có vẻ như là đạo đức lắm: trí thức Công Giáo chẳng hạn, thành viên Hội Đồng Mục Vụ, Ban Trị Sự, Ban Giáo Lý, hay trong các ban ngành đoàn thể khác chẳng hạn. Những vỏ bọc ấy không là bằng chứng vô tội của tôi, và càng không phải là cái thẩm quyền xét đoán hay kết tội anh em.

– Hãy nhìn lại chính mình, để thấy, những công việc, kể cả việc đạo đức của tôi hằng ngày nơi cộng đoàn Dân Chúa, nếu không vì Lòng Mến chân thành, và vì vinh danh Chúa, thì cũng hãy coi chừng, chưa chắc đó là bảo chứng cho lòng trong sạch của mình. Càng không phải đó là giấy xác nhận tôi có quyền thẩm định tư cách của người này, xếp hạng đạo đức cho người kia, và loại trừ người nọ vì lý do họ phạm tội. Chính từ những xét đoán, kết án, phân biệt, loại trừ đã dẫn đến sự mất hiệp nhất trong cộng đoàn Dân Chúa, làm giảm sút sự phát triển của một Giáo Xứ, một cộng đoàn, thậm chí khiến cho tất cả phải giậm chân tại chỗ, tụt dốc hay rệu rã.

HÃY BỎ HÒN ĐÁ XUỐNG

Khi đã nhìn lại chính mình, người ta đã bỏ hòn đá xuống, rồi lẳng lặng ra về. Chúa Giêsu hỏi người đàn bà ngoại tình: “Này chị, họ đâu cả rồi, không ai lên án chị sao?” – “Thưa Ông, không có ai cả” – “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10 – 11 ).

Phàm ai sống trên đời cũng “thích” xét đoán và kết án, và không hề thích chính mình “bị xét đoán và bị kết án”. Nhưng ở một chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán” (Mt 7, 1). Và cụ thể nhất, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thể hiện tinh thần ấy. Mặc dù điều luật về tội ngoại tình của Chúa Giêsu còn ngặt hơn nhiều “Các ngươi đã nghe bảo: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” (Mt 5, 27 – 28). Nhưng trước một tội nhân công khai, ở đây là người đàn bà đã được nNgài hiểu thấu nỗi lòng, Ngài cũng không lên án, ngược lại, Ngài tha thứ và vạch ra một hướng đi tích cực hơn cho chị: “Hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Đúng như tinh thần Ngài đã nêu nơi Lc 17, 3 – 4: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội, thì hãy răn bảo nó; nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó. Cho dẫu nó xúc phạm đến ngươi bảy lần một ngày, và bảy lần nó trở lại với ngươi và nói “tôi xin chừa cải” thì ngươi cũng phải tha thứ cho nó”.

Tôi xin trích đoạn bài thơ “Càng yêu em hơn” trong tập “Nhật Ký Yêu” của tác giả T.G, một người bạn của tôi:
 

Nàng gục đầu khóc trong vai tôi 
Khóc sụt sùi, nghẹn từng tiếng, rồi òa lên nức nở 
“Anh ơi !“Hãy tha thứ cho em  
cuộc lao đao trong chiến trận tình đời 
Em đã dối gian anh và em là người chiến bại 
Ôi một thời đoan trang và hồng nhan con gái 
Đã bay xa theo gió lộng phù hoa 
Em tưởng mình sẽ hạnh phúc bao la 
Có ngờ đâu lối về xa vạn dặm… 
Cảm ơn anh không vì say vì đắm 
Nhưng vì yêu, đã tha thứ cho em 
Đón em về, dù rã nát trái tim 
Tình yêu anh, cho em con đường mới….”

 

Tác giả T.G. đã bỏ hòn  đá xuống, và viết vào nhật ký những dòng thơ  đầy nước mắt với tựa đề “Càng Yêu Em Hơn”. Tôi nghĩ anh bạn tôi cũng thấm tinh thần Tha Thứ  của Chúa Giêsu hôm nay đối với chính người bạn đời của mình.

Trong khi viết những dòng suy niệm này, tôi nhận được Email của anh tôi, Laogiacali, chuyển cho tôi mấy dòng của ngài Jim Lawhon:

“I remember there are 4 things that we cannot recover: The stone… after… the throw ! The word… after… it’s said ! The occasion… after… the loss ! The time… after… it’s gone”.

“Tôi nhớ, có 4 điều mà chúng ta không thể thu hồi lại được: Hòn đá đã ném đi. Lời đã nói ra. Cơ hội đã vuột mất. Và thời gian đã qua đi”.

Cảm ơn anh Laogiacali, cảm ơn ngài Jim Lawhon, em mượn ý tưởng này để kết.

Xin hãy bỏ hòn đá xuống. Xin khoan hãy nói lời buộc tội… Hòn đá đã ném đi không thu hồi lại được. Lời đã buông… 
Lạy Chúa Giêsu giàu lòng xót thương, xin thương tha cho con là người tội lỗi nhất – những tội trong tư tưởng, trong lòng trí, và những tội chưa công khai mà Ngài đã “bắt quả tang”. Xin ban cho con lòng thương xót cảm thông và tha thứ, để mở cho anh em con một lối về với bình an và thiện hảo. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG

Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

 Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, trên phương diện xã hội, chúng ta rất cảm phục một phần lớn người Việt Nam ở trên đất nước Hoa Kỳ này đã thành công trong việc học hành cũng như sự nghiệp làm ăn. Bởi đâu họ có được như vậy, nếu không phải nhờ họ xác định được mục đích, để rồi họ nỗ lực quyết tâm đạt cho bằng được đích điểm, cho dẫu gặp khó khăn gian khổ cũng không làm họ nản chí sờn long.

     Hôm nay trong bài đọc 2, chúng ta cũng nói đến vấn đề mục đích cần phải đạt được. người nào vậy, nếu không phải là Thánh Phaolô, là tác giả của bài đọc 2, thơ gởi tín hữu Philipphê. Ngài đã hướng tới mục đích và cứu cánh cuối cùng là Đức Giêsu, và bằng mọi cách ngài phải đạt cho bằng được mà không có một mãnh lực nào ngăn cản nổi; vì Đức Ki-tô mà ngài đánh đổi tất cả. Mọi sự trên đời ngài coi như rác rưởi, phân bón so với mối lợi tuyệt hảo là Đức Kitô. Với một sự xác tín mạnh mẽ vào Đức Kitô mà ngài bất chấp tất cả, cho dù gian khổ, đói khát, đòn vọt, tù đày, kể cả cái chết, không có gì có thể tách Thánh nhân ra khỏi lòng mến Đức Kitô. Phải chăng mỗi người trong chúng ta có được sự xác tín vào Đức Ki-tô như thánh Phaolo, thì bằng mọi cách ta phải chiếm lấy được Đức Kitô là một mối lợi tuyệt hảo, để ta cùng nói lên lời tuyên tín như thánh Phaolô: “Tôi thâm tín rằng: sự chết hay sự sống, dù thiên thần thiên phủ, dù hiện tại tương lai, hay hiểm nguy. Hay cho dù là muôn chiều sâu, dù là muôn chiều cao, dù là ai bất cứ trên trần gian. Không có gì, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô”. 

     Qua bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu đứng trước một cạm bẫy thật nguy hiểm; trả lời đàng nào cũng bị kết tội: “Thưa thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong luật Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Thầy nghĩ sao? Vì tình thương thì Thầy cần tha thứ cho người đàn bà này. Nhưng vì trung thành với luật Môisê thì phải kết liễu người đàn bà này. Đối thủ thật hí hửng bởi bẫy gài như vậy thì không ai thoát. Thế nhưng họ hung hổ tố cáo như vậy, nên không thấy sự bất công thật trơ trẽn ở chỗ: người đàn bà này ngoại tình là ngoại tình với ai mới được? Còn người kia ở đâu rồi? Có phải là các người bao che cho người cùng phái không? Bẫy gài nguy hiểm cùng với những bộ mặt hùng hổ, chờ câu trả lời là các hòn đá sẽ được tung ra. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su, không phải là câu trả lời trực tiếp, mà nó mang tính cách câu hỏi thách thức đối phương, bắt họ nhìn lại chính mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Chúa Giê-su chấp nhận cho họ ném đá nhưng với điều kiện; họ phải nhìn vào con người của họ trước đã, rồi mới kết án người khác. Ai ngờ lời mời gọi này, kẻ cao niên thì lại rút lui trước, rồi từ từ tất cả đều rút lui. Với câu hỏi lại của Chúa Giêsu là câu hỏi xé lòng của họ, nên họ thấy xấu hổ vì mình chẳng tốt lành hơn người đàn bà đó, có khi còn ghê gớm hơn nữa, chẳng qua là dưới con mắt người đời thì người ta không thấy thôi, nhưng làm sao che dấu được con mắt của Thiên Chúa.
 
     Hình ảnh những người Biệt Phái, Pharisêu trong vụ án ném đá xưa, kể ra họ cũng còn nhận ra tình trạng con người của họ, nhưng ngày hôm nay biết bao người hùng hổ lên án người này, người kia mà không nhìn lại chính mình; họ lên án trực tiếp đối phương, lên án qua báo chí, sách vở, đài radio, TV, internet… Họ lên án cho bằng được, đâu cần thỉnh ý Chúa để Ngài cho câu trả lời trước khi họ hành động.
 
     Ôi thôi, con người trước mặt Chúa ai cũng đầy tội lỗi, khuyết điểm, chẳng qua là mình không chịu nhìn thẳng vào con người của mình, mà chỉ nhìn vào đối phương để vạch lá tìm sâu, bới móc rác rưởi; trong khi mình có khi cả một đống dơ bẩn, hôi thối, chẳng qua vì lỗ mũi của mình bị hư trầm trọng đó thôi. Bởi vậy có chyện kể rằng: có người kia mang hai giỏ trên mình; cái trước cái sau. Cái giỏ trước đựng rác, còn giỏ sau lưng đựng phân dơ bẩn hôi thối, thế mà anh ta cứ vênh vang như mình sạch lắm để rồi chê bai và kết án người khác.   
 
     Sứ điệp Lời Chúa tuần này: với câu hỏi của Chúa Giê-su cho các Kinh Sư và những người Pha-ri-sêu xưa, thì ngày hôm nay Ngài vẫn hỏi mỗi người chúng ta: “Ai cảm thấy mình sạch tội thì cứ lên án những người khác”. Phải chăng, trước khi hành động, chúng ta chịu dừng lại một chút để suy nghĩ về câu hỏi của Chúa Giê-su trước khi lên án ai thì hay biết mấy.
 
     Ước gì lời Chúa qua chúa nhật thứ năm mùa chay năm C này, giúp mỗi người chúng ta có được sự xác tín như thánh Phaolo, để bằng mọi giá ta chiếm được Đức Kitô. Và khi ta có được Đức Kitô thì ta có những hành xử như Ngài, nhất là khi đứng trước những người lầm đường lạc lối, những kẻ yếu đuối tội lỗi.  Amen.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD

EM CÒN ĐÓ, XÕA LÒNG ĐÊM TÓC RỐI

 EM CÒN ĐÓ, XÕA LÒNG ĐÊM TÓC RỐI

“Em còn đó, xoã lòng đêm tóc rối,
Tôi đứng đây bụi lốc mịt mù xa.”
 (Dẫn từ thơ Vương Ngọc Long)

Ga 8: 1-11

Tóc vẫn rối, chắc hẳn lòng em cũng thêm rối? Rối tơi bời, nhưng người đời chẳng bận tâm. Thế đó, một tâm tình nhiều ý nghĩa đã thấy nơi trình thuật thánh Gioan viết hôm nay.

Trình thuật thánh Gioan nay viết, là viết về nữ phụ nọ bị cho là lăng loàn, tội lỗi, rất ngoại tình. Trình thuật hôm nay, là một trong các đoản khúc độc đáo của thánh Gioan, chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 3, mà thôi. Các nhà chú giải kinh thánh cho rằng: đoản khúc này do cộng đoàn Luca thời tiên khởi đã đưa vào văn bản của thánh Gioan, vì lầm lẫn. Cũng có thể, các vị chép Tin Mừng lại cứ nghĩ Đức Giêsu xử tội nữ phụ ngoại tình ở trình thuật hơi nhẹ tay, dù kinh điển luật Do thái có ghi rõ.

Rõ ràng, trình thuật nay cho thấy cộng đoàn xét tội loạn luân chỉ mỗi nữ phụ thôi chứ không bắt giữ người đồng phạm. Loạn luân hay ngoại tình, đâu là hành xử chỉ một mình. Đây, rõ ràng có bất công, kỳ thị và thành kiến. Nữ phụ trong truyện, vẫn đại diện cho lớp người bị xã hội cổ xưa chê trách, phỉ báng, không chấp nhận. Xã hội mọi thời lại cũng coi thường, kết tội và chối bỏ phụ nữ dưới trướng mọi nam nhân.

Xã hội Do thái còn cách ly, bỏ tù và trừ khử các nữ phụ, để giữ mặt cho phe nhóm của họ. Trình thuật hôm nay, cho thấy: bằng vào việc sẻ san nỗi tức bực của kẻ giả hình và biến chuyện sống cung cách giả hình thành luật đối với cộng đoàn ở đó. Thế nên, phụ nữ xã hội này vẫn bị sử dụng cho mục đích tựa như thế. Và lần này, người đọc cũng như người kể, đều chuốc vào mình sự tức bực, giận hờn của phe nhóm/xã hội thời buổi ấy. Đó, còn là động thái của người sống vào thời buổi trước. Thế còn, xã hội hôm nay thì sao? Xã hội, nay thấy khá nhiều hành xử bất công với phụ nữ, vẫn không dứt.

Xưa nay, phụ nữ luôn là nhóm người không những thiệt thòi đủ điều, lại bị dồn vào chân tường khiến họ phải sống bên lề xã hội. Như di dân/người ngoại cuộc, phụ nữ không đủ tư cách để có được vai vế đáng kể trong bất cứ cộng đoàn nào ở Do thái. Họ bị coi như hiện thân của nỗi nhục phải sống trong xã hội do nam nhân khống chế, toàn trị. Trình thuật, nay còn mô tả nhóm người kết án nữ phụ phạm lỗi ngoại tình, họ đều là nam nhân. Không thấy trình thuật kể tên của nữ lưu nào trong đám người lên án hoặc xét xử chị ta hết. Sở dĩ, nữ phụ hôm ấy bị coi là có tội vì chị đã phạm vào niềm tin của mọi người về hôn phối. Và, một lần nữa, vụ xử riêng chị lại được đem ra ánh sáng, trước chúng dân toàn nam giới là để gài bẫy xem Chúa xử thế nào.

Sách Đệ Nhị Luật đoạn 22 đòi bất cứ nữ phụ nào phạm tội ngoại tình đều bị đem ra ném đá cho bằng chết. Thời Chúa sống, giới cầm quyền La Mã chừng như đã truất bỏ quyền hạn của người Do thái không được phép lên án chết trong trường hợp tương tự và một vài trường hợp khác giống như thế. Bởi thế nên, khi Chúa bảo: “Ai nghĩ mình vô tội hãy ra tay trước đi…” là Ngài tự đặt mình vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” hoặc chối bỏ luật Môsê hoặc đả phá luật của La Mã. Nếu làm như thế, hẳn Ngài tỏ cho thấy Ngài cũng khát máu như nam giới trong làng đòi Chúa giữ cả luật Do thái, La Mã và lệ làng của vua quan tự cho mình có văn hoá, văn minh?

Xem thế, thì ở đây có đến hai phiên xử: một phiên xét tội nữ phụ bị lên án chết do đám người cho rằng chị đã phạm luật. Còn, phiên kia đặt Chúa vào tình thế xét nghiệm, thử phổi để xem sao. Giả như Chúa không trả lời được vấn nạn do họ đặt ra, hẳn Ngài cũng bị xử chết hệt như nữ phụ ấy. Nếu quả đúng thế, thì thiết tưởng cũng không nên gọi nữ phụ nọ là người “bị bắt quả tang phạm pháp”, mà chỉ nên coi chị như người bị án tử đang chờ ngày hành quyết. Hai phiên xử, được nghệ nhân tên Lucas Cranach vẽ lên hình ảnh giống như tranh của Rembrandt về người con đi hoang, nay trở về. Cả hai bức tranh, được trưng bày tại bảo tàng viện St Petersburg cốt để giúp mọi người có chất liệu mà suy tư vào mùa Chay.

Bức tranh đây cho thấy: đám nam giới chủ toạ buổi xử đã kế án nữ phụ nọ vì chị vi phạm tội đáng chết, nhưng họ vẫn chờ Chúa cho ý kiến, để còn tính. Trong khi đó, Ngài lại bảo: “Ai nghĩ mình vô tội hãy ra tay trước đi...” Theo lệ làng, vị cao niên nhất sẽ ra tay ném đá trước; nhưng ở đây, vị ấy lại là người đầu tiên rút lui có trật tự, để mọi người cũng dấn bước, tiếp theo sau. Và, vụ xử bị đình chỉ, vì chẳng ai ra tay giải quyết, nên án này bị huỷ. Còn lại tại hiện trường chỉ thấy mỗi Đức Giêsu và tử tội, tượng trưng cho niềm khổ đau và lòng thương xót. Nhưng hỏi rằng: sự thể như thế có là đau khổ hôm nay không? Và, lòng Chúa xót thương vẫn là sự thương xót, suốt mọi thời đấy chứ?

Lại nữa, điều gì xảy đến trong lòng người nữ phụ buổi hôm đó? Và, nếu bảo rằng chị biết mình đã làm quấy, nên không cần ai nói cho chị biết gì thêm; và không chối bỏ điều đó. Chị thêm mỗi lo: sao là phụ nữ, chị bị coi như trò đùa của thiên hạ, về mọi việc. Chị không thấy căng thẳng, cũng chẳng đắng cay/khổ não mà chỉ mong sao để không còn nhớ chuyện cũ, và được ân xá. Chị là nữ phụ bị công luận ghen ghét, dè bỉu vì biết rõ tội trạng của chị. Họ không giết chị ngay lúc đó, nhưng chị cũng không thể sống với họ ở xã hội hoặc nơi nào mà câu chuyện về chị vẫn tiếp tục được kể cho thiên hạ nghe.

Theo tầm nhìn của xã hội cứ vin vào lề luật, thì chị như người đã chết hoặc người mắc nợ xã hội, mãi thiên thu. Chị khác nào người cùi/hủi bị đẩy lùi khỏi chốn dân gian sinh sống, giống những người không chốn dung thân. Nói tóm lại, vì họ, mà chị nay không thể quên những chuyện do xã hội của nam giới chuyên khuynh loát, khống chế phụ nữ. Dù có ai khuyên chị hãy quên đi chuyện như thế, có nhớ cũng chẳng làm được gì, nhưng chị thuộc lớp người không thể quên được chuyện có liên quan cả đời mình. Và những người xét xử cũng không quên được tội trạng của chị nữa. Thế nên, chị thấy không có lối thoát, và chẳng có gì giúp chị ra khỏi ngõ bí.

Nhưng, có một giọng nói trước nhất không nói tất cả mọi sự cho chị biết, mà chỉ cho người lên án Chúa thôi. Sau đó, mới hỏi chị xem có biết và có hiểu rằng: chẳng ai lên án chị hết! Và giọng ấy còn cho chị biết rằng: Đức Chúa lòng lành không bao giờ lên án chị. Theo cách nào đó, điều này nghĩa là chị đã được thứ tha, trước khi những người kết án chị bỏ đó mà đi. Tận tâm can, chị biết Chúa không lên án chị. Và, ngay khi ấy, chị đã biết tội/nợ của chị đà biến mất. Đó là quà tặng vượt quá những gì chị đáng được hưởng. Việc này không mang tính hữu lý theo người phàm, nhưng là điều rất mới, thuộc trật tự khác còn mới hơn. Nó như bài ca mới; và chị được mời để cùng mọi người hát lên bài ca mới ấy.

Trình thuật kể rằng Chúa có viết điều gì trên đất, nhưng thực sự Chúa chưa từng viết điều gì thành kinh điển và có lẽ hôm ấy Ngài cũng chỉ quệt quệt đôi vạch chứ chẳng viết chữ gì. Tự trung thì, người kết án chị đã phản ánh tội của chị vào văn bản của Chúa, rồi bỏ đi là vì thế. Sự việc như thể, hôm ấy, có đường lối mới rất tích cực về thứ tha đã trực chỉ người nữ phụ tội phạm như chị. Tha thứ đến với chị trong khi mọi người bỏ đó mà đi mang theo mọi hờn giận, ghét ghen, chẳng tha thứ.

Sự thể xảy ra hôm đó, là: có điều gì đó chưa từng xảy ra hôm trước, nay đã đến. Đó là quà tặng từ Đấng chưa thể hiện vào hôm trước, và cũng chưa có mặt ở hiện trường xử án, đầy vỡ đổ. Điều mới đó gọi là tha thứ. Tha thứ lớn hơn mọi sự ở thế trần. Tha thứ dẫn con người ra khỏi chính mình, vẫn khổ đau, đóng kín. Tha thứ lớn hơn sự công chính, hữu lý và hữu tình. Một thứ mới mẻ khiến con người thấy có sự sống sinh động và tình thương yêu, cũng rất lớn. Đó là tha thứ mà không ai vi phạm, sờ chạm được.

Dân con Hội thánh chưa hiểu sự mới mẻ này được là bởi giới chức có trọng trách dẫn dắt Hội thánh lại cứ giảng rao quá nhiều ‘sự’ về án chết, lỗi tội và khổ đau như ném đá cho chết. Có lẽ Hội thánh nay cần thứ gì đó to tát hơn để ta có thể học hỏi yêu thương từ nữ phụ phạm lỗi nay được tha nên đã yêu.

Nữ phụ ấy là ai? Phải chăng là bà Susannah ở Cựu Ước? Phải chăng nữ phụ kể ở trình thuật hôm nay là tổng hợp giữa người nữ thành Samaritanô và người mù bẩm sinh? Cũng có thể là một Ladarô ở trong mồ, tức nhân vật chính trong phụng vụ mùa Chay này chăng? Nữ phụ trong trình thuật phải chăng là biểu tượng của những ai từng bị đào thải, vì đã làm những việc theo cung cách khác hẳn xã hội từng chỉ vẽ bằng luật? Trả lời câu hỏi này, hẳn ta sẽ hiểu được ý chính của tác giả khi viết trình thuật hôm nay.

Trong cảm nghiệm tinh thần đó, cũng nên ngâm lại lời thơ vừa trích dẫn, rằng:

            “Em còn đó, xoã lòng đêm tóc rối,
            Tôi đứng đây, bụi lốc mịt mù xa.
            Nghìn mắt lá đang nhìn tôi ái ngại,
            Đêm nguyệt quỳnh hoá nở kiếp phù hoa.”
            (Vương Ngọc Long – Đêm Nguyệt Quỳnh)

“Đêm Nguyệt Quỳnh”, chắc chắn không là đêm của tình thương yêu/tha thứ như nhà thơ hiểu. Nhưng, vẫn là đêm tuyệt diệu cho nữ phụ ở trình thuật và cho tôi, là người lâu nay vẫn hưởng nhờ ơn tha thứ từ Đức Chúa, rất lòng lành. Thế đó, là lời đáp trả của lời thơ vương vấn ở đâu đó, rất trong đời.    
       

 

Lm. Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Hồng y đoàn

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Hồng y đoàn

VATICAN. Lúc 11 giờ sáng 15 tháng 3-2013, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ tất cả các Hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi. Ngài mời gọi mọi người đừng bi quan, nản chí hoặc có thái độ cay đắng.

Đầu buổi tiếp kiến tại sảnh đường Clemente trong dinh tông tòa, ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân đã ban cho Giáo Hội một vị Mục Tử mới. Đồng thời ĐHY cũng cám ơn ĐTC vì đã quảng đại đón nhận lời mời gọi của Chúa: ”Nếu con yêu mến Thầy, thì hãy chăn các chiên con của Thầy; hãy chăn các chiên của Thầy” (Ga 21,15).

ĐHY Niên trưởng cũng Hồng y đoàn bày tỏ sự sẵn sàng của tất cả các Hồng Y đóng góp phần khiêm hạ của mình cho sứ vụ Phêrô, dấn thân hành động, mỗi người theo ơn thánh đã nhận lãnh (Xc 1 Pr 4,10-11).

Về phần ĐTC, trong lời ngỏ với các Hồng y, ngài nhắc lại những ngày mật nghị Hồng y đầy ý nghĩa không những đối với Hồng y đoàn nhưng còn đối với mọi tín hữu. Ngài nói:

”Từ mọi góc trái đất, kinh nguyện của Dân Kitô đã được đồng thanh và sốt sắng dâng lên để cầu cho vị tân Giáo Hoàng, và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với đám đông dân chúng tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô đầy xúc động. Với hình ảnh đầy ý nghĩa về dân chúng cầu nguyện và vui mừng còn in trong tâm trí, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các GM, các GM, những người thánh hiến, các bạn trẻ, các gia đình, người già, vì sự gần gũi tinh thần đánh động và nhiệt thành như vậy”.

ĐTC cám ơn tất cả các HY, đặc biệt ĐHY Niên trưởng Sodano, ĐHY Nhiếp Chính Bertone, cũng như ĐHY Giovanni Battista Re, vị kỳ cựu nhất trong mật nghị Hồng Y và những hoạt động trong những ngày qua, trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn.

ĐTC bày tỏ ”Một tư tưởng đầy lòng quí mến và biết ơn sâu xa đối với vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Biển Đức 16: trong những năm qua của triều đại Giáo Hoàng, Người đã làm cho Giáo Hội phong phú và được củng cố nhờ giáo huấn của Người, nhờ lòng từ nhân, sự hướng dẫn, niềm tin, sự khiêm tốn và hiền dịu của Người; những điều này sẽ còn là một gia sản tinh thần cho tất cả mọi người. Sứ vụ Phêrô, được Người tận tụy chu toàn, đã được ngài diễn tả một cách khôn ngoan và khiêm tốn, với cái nhìn luôn hướng về Chúa Kitô, Chúa Kitô phục sinh, hiện diện và sinh động trong Thánh Thể. Kinh nguyện sốt sáng, sự luôn tưởng nhớ và quí mến, biết ơn. Chúng ta cảm thấy rằng Đức Biển Đức 16 đã khơi lên trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta một ngọn lửa: lửa này tiếp tục cháy vì sẽ được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện của Ngài, sẽ nâng đỡ Giáo Hội trong hình trình tu đức và truyền giáo.”

Trong phần kế tiếp, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chính Chúa Thánh Linh hướng dẫn Giáo Hội, Ngài là linh hồn của Giáo Hội với sức mạnh làm sinh động và liên kết nhiều người thành một thân mình duy nhất, là Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta đừng bao giờ chiều theo thái độ bi quan, thái độ cay đắng mà ma quỷ đặt trước chúng ta mỗi ngày; không chiều theo sự bi quan, nản chí: chúng ta chắc chắn rằng với hơi thở quyền năng, Chúa Thánh Linh ban cho Giáo Hội, lòng can đảm kiên trì và tìm kiếm những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng, để đưa Tin Mừng đến tận bờ cõi trái đất (Xc Cv 1,8). Chân lý Kitô giáo có sức thu hút và thuyết phục vì đáp lại nhu cầu sâu xa của cuộc sống con người, loan báo một cách đầy sức thuyết phục rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất của trọn con người và tất cả mọi người. Việc loan báo này vẫn còn giá trị ngày nay như thời kỳ đầu của Kitô giáo, khi Tin Mừng bắt đầu được lan tỏa.”

Nhận thấy tuổi cao của nhiều HY, ĐTC cũng đề cao giá trị của tuổi già: tuổi già là tòa khôn ngoan về cuộc sống. Người già có sự khôn ngoan, đã tiến bước trong cuộc sống, như cụ già Simeon, bà cụ già Anna trong Đền thờ. Chính sự khôn ngoan ấy đã làm cho họ nhận ra Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trao ban sự khôn ngoan về cuộc sống ấy cho giới trẻ”.

Sau bài diễn văn dọn sẵn nhưng cũng có nhiều đoạn ứng khẩu ĐTC đã đứng lại gần một tiếng đồng hồ nồng nhiệt và thân ái chào thăm từng vị Hồng y, trao đổi với mỗi vị vài lời. (SD 15-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP-Vatican Radio
 

 

Tòa Thánh bác bỏ chiến dịch ở Argentina chống Đức tân Giáo Hoàng

Tòa Thánh bác bỏ chiến dịch ở Argentina chống Đức tân Giáo Hoàng

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, bác bỏ chiến dịch do phe tả phái bài giáo sĩ tại Argentina tung lên để vu khống ĐTC Phanxicô, khi còn làm Giám tỉnh trong thời độc tài quân phiệt ở Argentina không bênh vực hai tu sĩ dòng Tên thuộc quyền.

Chiến dịch vu khống đó được đẩy mạnh với cuốn sách và các bài báo của ký giả Horacio Verbitsky, một người rất thân cận với chính phủ Argentina hiện nay.

Tuyên bố với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng hôm 15 tháng 3-2013 tại Vatican, Cha Lombardi nói:
”Chiến dịch chống Đức Bergoglio đã được nhiều người biết đến và bắt đầu từ nhiều năm nay rồi. Chiến dịch ấy được tiến hành qua việc ấn hành một cuốn sách chuyên biệt trong những đợt nhiều khi có tính chất vu khống và mạ lỵ. Tính chất bài giáo sĩ của chiến dịch này và những lời cáo buộc chống Đức Bergoglio là điều được biết rõ và hiển nhiên.

”Sự cáo buộc liên quan tới thời kỳ Bergogio chưa là GM, nhưng là bề trên của Dòng Tên tại Argentina và 2 linh mục bị bắt cóc và họ nói là cha Bergoglio không bảo vệ hai vị đó.

”Không hề có một lời cáo buộc cụ thể đáng tin đối với Đức Bergoglio. Nhà chức trách tư pháp Argentina đã thẩm vấn Ngài một lần trong tư cách là người thông thạo về sự việc, nhưng không hề buộc tội ngài về điều gì.
Ngài đã trưng dẫn các bằng chứng để phủ nhận những lời cáo buộc.

Cha Lombardi cho biết: ”Trái lại có rất nhiều tuyên ngôn chứng tỏ điều mà Đức Bergoglio đã làm để bảo vệ nhiều người thời thời độc tài quân phiệt”.

Người ta cũng biết rõ vai trò của Đức Bergoglio sau khi trở thành Giám Mục. Ngài cổ võ việc xin lỗi của Giáo Hội tại Argentina vì đã không làm đầy đủ trong thời độc tài.

Từ nhiều năm nay những thành phần tả phái bài giáo sĩ sử dụng những phân tích lịch sử xã hội về thời kỳ độc tài để đưa ra những lời cáo buộc để tấn công Giáo Hội. Những lời cáo buộc ấy phải bị bác bỏ một cách quyết liệt.
Cha Lombardi cũng nói rằng 2 LM dòng Tên bị chế độ quân phiệt bắt cóc mà người ta bảo là cha Bergoglio không can thiệp, sau này được trả tự do và đã đồng tế thánh lễ với cha Bề trên Bergoglio và hòa giải. (SD 15-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP-Vatican Radio

HÃY GIEO YÊU THƯƠNG

HÃY GIEO YÊU THƯƠNG

HÃY GIEO YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ.

Mặt đất tràn đầy thiên đàng,

Mọi lùm cây bừng sáng vì Thiên Chúa hiện diện,

Ai thấy Thiên Chúa thì mới cởi giầy ra,

Những người khác chỉ ngồi chung quanh hái quả mâm xôi.

                                                ( Elizabeth Barrett Browning)

Rose heart

Xin xem . . .HÃY GIEO YÊU THƯƠNG

Những hoạt động đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Những hoạt động đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

ROMA. Khoảng 8 giờ sáng 14 tháng 3-2013, Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã đến kính viếng và cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma, để cầu xin Mẹ Thiên Chúa dìu dắt ngài trong việc phục vụ và hướng dẫn Giáo Hội.

ĐTC được ĐHY Giám quản Roma Agostini Vallini tháp tùng và được ĐHY Santos Abril y Castelló, Giám quản Đền thờ, cùng với các kinh sĩ Đền thờ và các cha dòng Đa Minh giải tội, các tu sĩ Phanxiô coi nhà thánh, chào đón. Hiện diện tại đây cũng có ĐHY Bernard Law, nguyên Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả và Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

Sau khi đặt vòng hoa trên bàn thờ và cầu nguyện riêng lối 10 phút trước tượng ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma tại nhà nguyện Paolina, ĐTC Phanxicô đã viếng thánh tích Máng Cỏ ở dưới bàn thờ chính và viếng Nhà Nguyện Sistina nơi có bàn thờ mà thánh Ignatio Loyola đã dâng thánh lễ đầu tiên vào lễ Giáng Sinh. Ngài cũng kính viếng di hài thánh Piô 5 Giáo Hoàng tại cùng nhà nguyện.

Tiếp đến, ĐGH chào thăm từng vị kinh sĩ và các cha giải tội, và nhân viên. Trên đường về Vatican, ĐGH đã dừng lại tại nhà trọ giáo sĩ quốc tế ở đường Scrofa số 70 để lấy hành lý. Đây là nơi ngài trọ trong những ngày trước khi vào mật nghị. Trước khi rời nơi đây, ĐGH đã trả tiền trọ những ngày trước đó để làm gương. Nhân viên từ chối không dám lấy nhưng ngài ép phải lấy và nói rằng ”Đây là tiền trọ của tôi trong tư cách là Hồng Y”.

Xe ĐTC di chuyển sáng hôm qua chỉ là một xe thường của Hiến binh Vatican, chứ không phải là xe dành cho Giáo Hoàng.

Lúc 5 giờ chiều hôm qua, ĐTC đã cử hành thánh lễ với các Hồng y tại Nhà nguyện Sistina để bế mạc mật nghị. Thánh lễ không có dân chúng tham dự nhưng được trực tiếp truyền hình.

Sau đó ngài đã viếng thăm căn hộ Giáo Hoàng. Căn hộ này đã được niêm phong kể từ khi việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 bắt đầu có hiệu lực vào cuối ngày 28 tháng 2 vừa qua.

Lịch trình hoạt động của ĐTC

Phòng báo chí Tòa Thánh cũng bố lịch trình hoạt động của Đức Tân Giáo Hoàng trong những ngày tới đây:

Lúc 11 giờ sáng thứ sáu, 15-3, ĐTC sẽ tiếp kiến tất cả các Hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi.
– Lúc 11 giờ sáng thứ bẩy, 16-3, ngài sẽ tiếp kiến đại diện của giới truyền thông hiện diện tại Roma trong những ngày này.

Tính đến ngày 12-3 vừa qua có hơn 5.600 ký giả và nhân viên truyền thông các nước đăng ký tại Phòng báo chí Tòa Thánh để theo dõi và tường thuật về các sinh hoạt tại Tòa Thánh nhân dịp bầu Giáo Hoàng mới.
Con số trên đây không 650 ký giả đăng ký thường trực, gồm 400 ký giả báp chí, 57 nhiếp ảnh viên, 201 ký giả và nhân viên truyền hình.

Số người xin đăng ký nhân dịp mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng mới là 5.683 người, và có 5.2143 đơn được chấp nhận. Trong số này có 1.845 người thuộc giới báo chí và phóng viên, 1036 người là nhân viên thu hình, 999 kỹ thuật viên, 595 người sản xuất chương trình, 414 nhiếp ảnh viên, 132 người thực hiện các chương trình truyền hình.

Các nhân viên truyền thông trên đây đến từ 76 quốc gia và nói 26 ngôn ngữ.

– Sáng chúa nhật 17-3, ĐTC sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin lần đầu tiên với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

– Sáng thứ ba, 19-3, ĐTC Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô để khai mạc sứ vụ Phêrô.

– Sau cùng ngày thứ tư, 20-3 sẽ không có buổi tiếp kiến chung các tín hữu, nhưng ĐTC sẽ tiếp phái đoàn các Giáo Hội Kitô anh em.

Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ban tối ngày 13 tháng 3-2013 sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã điện thoại thăm hỏi Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và sẽ đến thăm Người tại Castel Gandolfo trong những ngày tới đây.

Chiều tối ngày thứ tư 13 tháng 3-2013, sau khi đắc cử, Đức tân Giáo Hoàng đã đứng trước bàn thờ và nhận sự chúc mừng của các Hồng Y. Sau đó khi trở về nhà trọ thánh Marta, ĐGH đã từ chối dùng xe riêng của Giáo Hoàng, nhưng đi chung xe bus với các Hồng Y.

Vào cuối bữa ăn tối trong bầu không khí thật vui vẻ, ĐGH đã cám ơn các Hồng y và nói rằng: ”Xin Chúa tha thứ cho anh em vì những gì anh em đã làm!”. Ngài ám chỉ đến việc các Hồng y đã bầu ngài làm Giáo Hoàng.
Sau cùng, cha Lombardi trả lời câu hỏi của giới báo chí và cho biết ĐTC Phanxicô sử dụng các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh (SD 14-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm tân Giáo Hoàng Phanxicô I

Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm tân Giáo Hoàng Phanxicô I

Tân Đức Giáo Hoàng Francis I

VATICAN. ĐHY Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, TGM giáo phận Buenos Aires, Argentina, đã được bầu làm Giáo Hoàng và ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.

Lúc 19 giờ 6 phút tối hôm 13 tháng 3-2013, khói trắng bắt đầu xông ra từ ống khói trên mái nhà nguyện Sistina, giữa tiếng reo vui mừng của hàng chục ngàn tín hữu kiên nhẫn đứng chờ đợi hàng giờ trước đó dưới trời mưa.

Khói trắng thật rõ ràng, các chuông của Đền thờ thánh Phêrô được gióng lên liên hồi, báo hiệu đã có Giáo Hoàng mới.

Tin này được loan đi lập tức trên khắp thế giới. Các đài truyền hình và phát thanh tạm ngưng chương trình đang phát để loan đi tin quan trọng này.

Tại Roma, hàng chục ngàn tín hữu và dân chúng dùng mọi cách để tuốn về Quảng trường thánh Phêrô để chào mừng vị tân Giáo Hoàng.

Quảng trường đông chật người, các tín hữu nhẩy mừng, reo hò ca hát, phất cờ quốc gia của họ. Có những những nhóm trương biểu ngữ hoan hô Đức Giáo Hoàng.

Trong khi chờ đợi ban quân nhạc của Hiến binh Vatican, cùng với đoàn vệ binh Thụy Sĩ và ban quân nhạc của hiến binh Italia và đoàn liên quân của nước này tiến ra thềm Đền thờ Thánh Phêrô để sẵn sàng chào mừng Đức Tân Giáo Hoàng. Ông Đô trưởng Roma, Gianni Alemano, cũng có mặt để chào mừng.

1 giờ 5 phút sau khi bắt đầu có khói trắng, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng Phó tế, xuất hiện tại bao lơn đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Viva il Papa. Bầu trời lúc này đã tạnh mưa. ĐHY long trọng tuyên bố:

Tôi loan báo cho anh chị em một tin vui lớn: Chúng ta đã có Giáo Hoàng. Đó là ĐHY Bergoglio. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.

Lời chào của Đức Tân Giáo Hoàng

Ít phút sau đó, Đức tân Giáo Hoàng xuất hiện, Ngài ứng khẩu nói với mọi người:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Anh chị em biết là nghĩa vụ của mật nghị Hồng y là cung cấp một GM cho Roma. Dường như các anh em Hồng y của tôi đi đến hầu như tận cùng thế giới để lấy vị đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón. Cộng đồng giáo phận Roma dành cho GM của mình. Cám ơn Anh chị em.

Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên GM Roma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn giữ ngài.

Tiếp đến Đức Tân Giáo Hoàng và mọi người đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.

Rồi ĐTC Phanxicô nói tiếp: ”Và giờ đây chúng ta bắt đầu hành trình này, GM và dân chúng, hành trình của Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái, một hành trình huynh đệ và yêu thương, tín nhiệm giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn. Tôi cầu mong cho anh chị em sao cho hành trình này của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta bắt đầu, và cho người giúp đỡ tôi là ĐHY Giám quản hiện diện ở đây, được nhiều thành quả cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại thành phố đẹp đẽ này.

”Và giờ đây tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước tiên tôi xin anh chị em một ân huệ. Trước khi GM chúc lànhc ho dân, tôi xin anh chị em cầu xin Chúa chúc lành cho tôi. Kinh nguyện của dân, cầu xin Chúa ban phép lành cho GM của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Sau cùng, ĐHY Tauran loan báo ĐTC ban phép lành với ơn toàn xá cho các tín hữu, cho Roma và toàn thế giới.


Vài dòng tiểu sử

ĐTC Jorge Mario Bergoglio thuộc dòng Tên, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires. Ngài gia nhập dòng Tên ngày 11-3 năm 1858 và theo học các môn nhân văn tại Chile và năm 1963 ngài trở về thủ đô Argentina, tốt nghiệp triết học tại Phân khoa triết tại Học viện San José. Trong hai năm từ 1964 đến 1965, ngài làm giáo sư văn chương và tâm lý tại Học viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thành phố Santa Fe, rồi sau đó tại Học viện Salvatore tại Buenos Aires.

Từ năm 1967 đến 1970 ngài học thần học và tốt nghiệp tại Học viện San Miguel. Ngày 13-12 năm 1969, thầy Bergoglio thụ phong linh mục lúc đã 33 tuổi. Rồi năm sau Cha làm nhà tập thứ hai ở Tây Ban Nha trước khi khấn trọng ngày 22-4-1973.

Cha Bergolio làm giáo tập, rồi giáo sư tại phân khoa thần học, trước khi làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina năm 1973.

10 năm sau đó, Cha Bergoglio sang Đức dọn luận án tiến sĩ . Năm 1992 ngài được Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM Phụ tá tổng giáo phận Buenos Aires và 6 năm sau trở thành TGM giáo phận chính tòa của Giáo phận này. 3 năm sau, 2001, ngài được thăng hồng y.

ĐHY Bergoglio vốn là vị, theo báo chí, đã được nhiều phiếu nhất sau ĐHY Ratzinger trong mật nghị bầu Giáo Hoàng cách đây 8 năm.

Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, nổi tiếng là gần gũi dân chúng và sống khiêm nhường. Ngài vẫn thường đi xe bus, viếng thăm người nghèo, sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là ”Cha Jorge”.

ĐHY Bergoglio thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chắnh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một Ủy ban về những người ly dị. Trong Thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng tường trình viên. Từ năm 2005 đến 2011 ngài làm Chủ tịch HĐGM Argentina.

ĐHY Bergoglio đã viết các sách và linh đạo và suy niệm, và cũng thường lên tiếng chống lại nạn phá thai, hôn nhân đồng phái.

Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhân hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các LM toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn gia đình trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai.

Đắc cử Giáo Hoàng

ĐHY Bergoglio đã đắc cử Giáo Hoàng trong lần bỏ phiếu thứ 5 tại mật nghị Hồng y tại nhà nguyện Sistina.
Theo nghi thức về mật nghị, sau khi HY hội đủ số phiếu ít là 2 phần 3 để đắc cử, ĐHY Giovanni Battista Re, 79 tuổi, là vị kỳ cựu nhất trong số các HY thuộc đẳng GM trong mật nghị, tiến đến trước mặt ĐHY và hỏi: ”Ngài có chấp nhận việc bầu ngài làm Giáo Hoàng chiếu theo giáo luật không?”. Sau khi ĐHY trả lời khẳng định thì ĐHY Re hỏi tiếp: ”Vậy ngài muốn được gọi bằng tên nào?” Đức tân Giáo Hoàng cho biết ngài chọn tên là Phanxicô.
Tiếp đến, Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH, cùng với một công chứng viên tông tòa và 2 chức sắc phụ tá khác với tư cách là nhân chứng, sẽ soạn văn kiện chính thức về cuộc bầu cử và tên hiệu của vị tân Giáo Hoàng.

Lúc đó các lá phiếu được đốt đi và máy xông khói trắng được dùng để báo hiệu cho toàn thế giới bên ngoài.
Đức tân Giáo Hoàng đi vào căn phòng nhỏ cạnh nhà nguyện Sistina quen gọi là ”Phòng nước mắt”. Tại đây đã có sẵn 3 bộ áo Giáo Hoàng theo 3 kích thước khác nhau, để Đức tân Giáo Hoàng thay đổi phẩm phục.

Rồi ngài trở lại Nhà nguyện Sistina để cầu nguyện với Hồng y cử tri, và các vị đến chúc mừng Đức tân Giáo Hoàng, hứa vâng phục ngài, rồi cộng đoàn cùng nhau hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Chúa.

Trước khi xuất hiện tại bao lơn Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng mới đã dừng lại tại Nhà nguyện Paolina để cầu nguyện chốc lát trước Mình Thánh Chúa.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

 

Họp báo của Cha Lombardi về mật nghị Hồng Y: 13 tháng 3-2013

Họp báo của Cha Lombardi về mật nghị Hồng Y: 13 tháng 3-2013

VATICAN. Lúc 1 giờ trưa 13 tháng 3-2013, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã mở cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí ở Đại thính đường Phaolô 6 thuộc nội thành Vatican.

Trên bàn chủ tọa cũng có hai LM phụ tá là cha Thomas Rosica, dòng thánh Basilio, Giám đốc đài truyền hình Salt and Light Television ở Canada, và Đức ông José Maria Chili Mayo, nguyên giám đốc truyền thông thuộc HĐGM Tây Ban Nha.

– Cha Lombardi cho biết đã ngạc nhiên vì sự hiện diện đông đảo của các tín hữu và du khách tại Quảng trường thánh Phêrô chờ đợi khói báo hiệu kết quả cuộc bầu Giáo Hoàng tối thứ ba và cả sáng thứ tư 13-3, tuy là dưới trời mưa. Đó là một dấu chỉ nói lên sự mong đợi nồng nhiệt, một bầu không khí thanh thản và vui tươi, chứng tỏ một kinh nghiệm rất đẹp về cuộc bầu cử Giáo Hoàng.

– Cha Lombardi cho biết sự kiện khói đen sau 3 lần bỏ phiếu đầu tiên của các Hồng y là điều bình thường, cho thấy chưa có ứng viên nào được đủ 2/3 số phiếu. Trong những thập niên qua chỉ có Đức Piô 12 vào đầu thế chiến thứ II đắc cử trong lần bỏ phiếu thứ 3. Khói đen không có nghĩa là có sự chia rẽ trong hồng y đoàn nhưng là tiến trình phân định bình thường.

Trả lời câu hỏi của một ký giả, cha Lombardi nhận định rằng nói về sự chia rẽ và phe nhóm trong các hồng y đối nghịch nhau, đó chỉ là những giả thuyết do báo chí đưa ra mà không có bằng chứng gì. Sự kiện các lần bỏ phiếu nối tiếp nhau mà chưa đạt được 2/3 số phiếu là tiến trình bình thường của một mật nghị, trong đó các HY cố gắng đạt tới một sự đồng thuận để bầu vị Giáo Hoàng mới.

– Một số ký giả đặt câu hỏi tạo ra khói như thế từ nhà nguyện Sistina có hại cho sức khỏe của các Hồng Y hay không? hoặc có làm đen các bức bích họa của Michelangelo hay không?

Cha Lombardi cho biết khác với những lần trước đây, lần này trong nhà nguyện Sistina ngoài cái lò cổ điển để đốt các phiếu bầu, còn có thêm một cái lò, hay đúng hơn là một cái máy để tạo ra khói. Trong máy này có một bộ phận điện tử, như một bình mực máy in (25 x 15 x 7 centimet) chứa các chất hóa học để tạo ra khói đen hoặc khói trắng, trong vòng 7 phút. Chính nhờ máy chế khói này mà ống khói trên mái nhà nguyện Sistina phun khói rõ rệt, chứ không nửa trắng nửa đen, hoặc khói xám như lần trước đây.

– Cha Lombardi cho biết trong nhà nguyện Sistina chiều ngày 12 tháng 3 đã gặp Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng và bí thư riêng của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và hỏi thăm. Đức TGM nói rằng Đức nguyên Giáo Hoàng vẫn an bình và quan tâm theo dõi qua truyền hình mật nghị Hồng Y trong những ngày này và sáng thứ ba 12-3 vừa qua ngài cũng đã hiệp ý trong thánh lễ truyền hình cầu cho việc bầu Giáo Hoàng. Đức nguyên Giáo Hoàng dành nhiều thời giờ trong ngày để cầu nguyện.

Trả lời một câu hỏi khác, LM Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, theo tin tức ngài nhận được, Đức Biển Đức 16 sẽ không hiện diện trong lễ khai mạc sứ vụ của Đức Tân Giáo Hoàng.

– Về tên hiệu mà vị tân Giáo Hoàng chọn, Cha Lombardi cho biết chỉ có ĐGH tự chọn cho mình và thường chính ngài giải thích lý do tại sao. Các vị Giáo Hoàng trước đây, như ĐGH Biển Đức 16, ngài cho biết đã chọn tên này vì lòng kính mến thánh Biển Đức và nhớ đến ĐGH Biển Đức 15, vị Giáo Hoàng vào đầu thế chiến thứ I, đã nỗ lực hoạt động cho hòa bình. Vì thế, chúng ta nên đợi chính Đức tân Giáo Hoàng khi ngài chọn tên và giải thích lý do.
– 1 ký giả nhắc đến vụ hôm nay (13-3) báo chí nói đến vụ Tổng giáo phận Los Angeles Hoa kỳ đã đồng ý bồi thường 10 triệu mỹ kim cho 3 vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trong thời ĐHY Mahony làm TGM Los Angeles. Vậy phải trả lời thế nào cho nhóm thuộc nhóm những người sống sót trong những vụ LM lạm dụng tính dục (gọi tắt là SNAP) đang có mặt ở Roma trong những ngày này. Họ cho rằng một HY đã không làm điều cần thiết – hoặc theo một vài người – HY ấy đã không làm gì cả, và bây giờ đang ở trong mật nghị bầu Giáo Hoàng mới?

Cha Lombardi đáp: ”Chúng tôi biết rằng tổ chức SNAP hành động thế nào từ nhiều năm nay, cách thức họ đưa ra những lời cáo buộc và tìm cách làm cho những lời cáo buộc ấy có tiếng vang. Theo nghĩa đó không có người nào trong chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhóm đó tìm cách lợi dụng những ngày này để lập lại những lời cáo buộc đó và làm cho chúng càng có tiếng vang hơn nữa. Đồng thời tất cả những vấn đề ấy đều đã được biết rõ, được suy nghĩ lâu dài, và đã được trả lời, được giải thích, trong đó có vấn đề ĐHY Mahony trong vụ này, và cả những Hồng y khác bị tổ chức SNAP nói đến. Chúng tôi xác tín rằng có những lý do rất vững chắc để quí trọng các Hồng y ấy và là những người vào mật nghị Hồng y, các vị có tất cả các quyền được hiện diện trong mật nghị. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không cảm thấy khó chịu hoặc bị sức ép do những nhận định do tổ chức SNAP đưa ra, theo ý tôi những nhận định đó mang đậm những thành kiến tiêu cực”. (SD 13-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio

Ba lần bỏ phiếu đầu tiên của các Hồng Y không có kết quả

Ba lần bỏ phiếu đầu tiên của các Hồng Y không có kết quả

VATICAN. Hai lần bỏ phiếu của các Hồng Y trong mật nghị bầu Giáo Hoàng sáng thứ tư 13 tháng 3-2013 vẫn chưa có kết quả, giống như cuộc bỏ phiếu chiều ngày 12 tháng 3 trước đó.

Khói đen sậm đã xông ra từ ống khỏi trên mái Nhà nguyện Sistina lúc 11 giờ 40 sáng và kéo dài lối 7 phút đồng hồ, báo hiệu Giáo Hội vẫn chưa có Giáo Hoàng mới.

Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô hằng giờ trước đó dưới trời mưa, có hàng chục ngàn người mang dù che mưa kiên nhẫn chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Khi thấy khói đen xuất hiện, đám đông tan dần. Có lẽ nhiều người sẽ trở lại Quảng trường để đợi kết quả 1 hoặc 2 lần bỏ phiếu của các Hồng y vào ban chiều, sau khi các vị trở lại đây vào lúc 4 giờ.

Nếu khói xuất hiện vào khoảng 5 giờ rưỡi, thì sẽ là khói trắng, báo hiệu đã có Giáo Hoàng. Nếu lần bầu cử thứ thứ 4 vào lúc 4 giờ 50 không có kết quả, thì phiếu sẽ được giữ lại để đốt chung với số phiếu của lần bầu cử thứ 5 vào khoảng 7 giờ 30.

Lần bầu thứ I

Chiều tối ngày thứ ba 12-3, lúc gần 7 giờ, Quảng trường Thánh Phêrô đã đầy dân chúng. 4 màn hình khổng số được bố trí tại Quảng trường và có đèn chiếu vào ống khói, nên mọi người đều có thể thấy được những gì xảy ra.
Bất thình lình lúc 7.41 phút, một luồng khói đen sậm từ ống khói tỏa ra, làm cho nhiều người càng chạy đến gần các màn hình hơn, mang theo máy chụp hình.

Khác với những lần trước đây, lần này trong nhà nguyện Sistina có bố trí 2 cái lò: một lò để đốt phiếu và một lò để xông khói, đen hoặc trắng, để báo hiệu cho thế giới bên ngoài kết quả cuộc bỏ phiếu của các Hồng y.

Sáng ngày 13 tháng 3-2013, 115 Hồng y cử tri, thuộc 48 quốc tịch, đã bắt đầu ngày thứ hai trong mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Lối 7 giờ 45 các vị rời nhà trọ Thánh Marta để tới dinh Tông Tòa, đồng tế thánh lễ lúc 8 giờ 15 tại Nhà nguyện Paolina. Sau đó, lúc 9 giờ rưỡi, các HY đã có mặt tại nhà nguyện Sistina, chỉ cách đó gần 100 mét, để nguyện kinh giờ ba và bắt đầu bỏ phiếu.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Các Hồng Y bắt đầu bầu Giáo Hoàng

Các Hồng Y bắt đầu bầu Giáo Hoàng

VATICAN. Chiều 12 tháng 3-2013, 115 Hồng y cử tri đã bắt đầu mật nghị bầu vị Giáo Hoàng thứ 266 trong lịch sử Giáo Hội.

Nghi thức mật nghị mở đầu bằng cuộc rước trọng thể của các HY cử tri cùng với các chức sắc khác lúc 4 giờ rưỡi, từ nhà nguyện Paolina ở lầu I trong dinh Tông Tòa tiến về nhà nguyện Sistina ở cùng lầu. Một đoàn vệ binh Thụy Sĩ trong lễ phục đã dàn chào các Hồng Y. Trong cuộc rước các vị và mọi người đã hát kinh cầu các thánh.

Trong số 30 người tháp tùng đoàn rước, có ĐHY Prospero Grech 88 tuổi người Malta, Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Hồng y đoàn, Đức TGM Phó nhiếp chính Piero Luigi Celata.

Hiện diện tại Nhà nguyện Sistina khi đoàn rước tiến vào cũng có Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, cũng là bí thư riêng của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, tư lệnh đoàn vệ binh Thụy Sĩ, nhiều chức sắc khác cùng với ca đoàn Sistina.

Tại nhà nguyện Sistina, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Giovanni Battista Re là vị kỳ cựu nhất trong số các HY cử tri thuộc đẳng Giám Mục, các HY cử tri và mọi người đã hát kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi các HY cử hành nghi thức tuyên thệ: trước tiên là phần chung, tất cả các Hồng y cùng đọc, cam kết trung thành tuân giữ mọi qui định trong Tông Hiến ”Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa” do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành ngày 22-2-1996, đồng thời giữ bí mật với tất cả mọi người về cuộc bầu cử Giáo Hoàng này, về những gì xảy ra tại nơi bầu, về việc bầu, không vi phạm bí mật này trong và sau cuộc bầu, trừ khi được ĐGH mới cho phép rõ ràng. Các vị cũng cam kết không bao giờ ủng hộ hoặc hỗ trợ bất kỳ sự can thiệp, chống đối hoặc sự can thiệp nào của chính quyền đời thuộc bất cứ cấp nào, hoặc bất kỳ phe nhóm hoặc cá nhân nào muốn xen mình vào việc bầu Giáo Hoàng”.

Tiếp đến mỗi Hồng y, theo thứ tự, tiến đến trước sách Phúc Âm đặt ở giữa nhà nguyện và đọc câu: ”Tôi, Hồng Y.. tuyên hứa, cam kết và thề”. Rồi đặt tay trên sách Phúc Âm và nói: ”Xin Thiên Chúa giúp tôi như thế và Sách Thánh Phúc Âm mà tay tôi chạm đến đây”.

ĐHY Phạm Minh Mẫn là vị thứ 44 tuyên thệ theo thứ tự.

Toàn bộ nghi thức khai mạc mật nghị kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Đúng 17.35, hai cánh cửa lớn của nhà nguyện được kép lại.

Sau nghi thức tuyên thệ của các HY cử tri, Đức Ông Guido Marini, Trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH long trọng tuyên bố: ”Extra omnes!” tất cả những người không phải HY cử tri hãy ra ngoài!”

Kế đến, ĐHY Prospero Grech đã trình bày bài suy niệm. Ngài thuộc dòng thánh Augustino, giảng dạy môn chú giải trong hơn 30 năm trời tại Giáo Hoàng Học viện Kinh Thánh ở Roma, và là vị đồng sáng lập viên Giáo Hoàng Học viện Augustinianum ở Roma, chuyên về Giáo phụ học. Cha Grech được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Hồng y ngày 18 tháng 2 năm 2012.

Sau bài suy niệm của ĐHY Grech, ĐHY chủ tịch mật nghị Giovanni Battista Re hỏi các HY xem có gì cản trở việc bỏ phiếu không. Nếu không ai nói gì thì các HY bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng.

Nghi thức bắt đầu mật nghị được nhiều đài truyền hình trên thế giới trực tiếp trình chiếu. Tại Quảng trường thánh Phêrô, mặc dù trời rất u ám, và có lúc mưa, nhưng cũng có hàng trăm tín hữu theo dõi lễ nghi qua 4 màn hình khổng lồ bố trí tại quảng trường. Sau khi cánh cửa nhà nguyện Sistina được khép lại. Vẫn còn đông đảo tín hữu can đảm đứng dưới trời mưa ở quảng trường trước màn hình có chiếu ống khói trên nhà nguyện Sistina chờ khói báo kết quả cuộc bỏ phiếu.

Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, lần bỏ phiếu đầu tiên thường kéo dài lâu hơn, vì quá nửa các HY hiện nay chưa tham dự mật nghị bao giờ.

Đây là mật nghị thứ 75 kể từ 739 năm nay, tức là từ năm 1274 khi ĐGH Gregorio 10 ấn định hình thức mật nghị như hiện thời.

Thời gian mật nghị bầu Giáo Hoàng tương đối ngắn, từ 2 cho đến 4 ngày. Chẳng hạn mật nghị năm 1958 bầu Đức Gioan 23 kéo dài 4 ngày với 11 lần bỏ phiếu; mật nghị năm 1963 bầu Đức Phaolô 6 kéo dài 6 ngày với 6 lần bỏ phiếu; mật nghị năm 1978 bầu Đức Gioan Phaolô I dài 2 ngày với 4 lần bỏ phiếu; cùng năm đó mật nghị bầu Đức Gioan Phaolô 2 dài 3 ngày với 8 lần bỏ phiếu; sau cùng mật nghị năm 2005 bầu ĐGH Biển Đức 16 dài 1 ngày rưỡi với 4 lần bỏ phiếu.

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Thánh lễ khai mạc Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng

Thánh lễ khai mạc Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng

Lúc 10 giờ sáng thứ ba 12 tháng 3-2013, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự thánh lễ trong đền thờ thánh Phêrô cầu cho cuộc bầu Đức Tân Giáo Hoàng và cũng để khai mạc Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng.

Cùng đồng tế thánh lễ đã có hầu như gần hết 170 Hồng Y hiện diện ở Roma, trong đó có 115 Hồng Y Cử tri. Tham dự thánh lễ có vài Hồng Y cao niên, hàng chục Tổng Giám Mục, Giám Mục, hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ, 10,000 giáo dân và du khách hành hương.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y Angelo Sodano nói: ”Con sẽ ca tụng lòng thương xót Chúa cho đến muôn đời” là tiếng ca một lần nữa lại vang lên bên cạnh Mộ của Tông Đồ Phêrô trong giờ phút quan trọng này của lịch sử Giáo Hội. Đó là các lời của Thánh vịnh 88 tươi nở trên môi chúng ta để thờ lậy, cám tạ và khẩn nài Thiên Chúa Cha trên trời. Lời ca đẹp này đã dẫn chúng ta vào trong sự chiêm ngắm Đấng luôn luôn canh thức trên Giáo Hội với tình yêu thương, bằng cách đỡ nâng Giáo Hội trên con đường của nó qua các thế kỷ và làm cho nó sinh động với Thánh Thần của Người.

Cả chúng ta nữa hôm nay với thái độ nội tâm này chúng ta cũng muốn dâng mình cùng với Chúa Kitô cho Thiên Chúa Cha ở trên Trời để cám ơn Người vì sự trợ giúp yêu thương Người luôn luôn dành cho Hội Thánh Người và đặc biệt cho Triều đại sáng láng Người ban cho chúng ta qua cuộc sống và các công trình của Người Kế Vị thứ 265 của thánh Phêrô, là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kính yêu của chúng ta, mà trong lúc này đây chúng ta lập lại tất cả lòng biết ơn của chúng ta đối với người”. Đề cập tới mục đích thánh lễ Đức Hồng Y Sodano nói:

Đồng thời hôm nay chúng ta muốn khẩn nài Chúa, qua sự ân cần mục tử của các Hồng Y, mau khấng ban một Mục Tử Tốt Lành khác cho Hội Thánh Người. Chắc chắn niềm tin nơi lời hứa của Chúa Kitô liên quan tới sự bất diệt của Giáo Hội Người nâng đỡ chúng ta trong giờ này. Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: ”Con là Đá và trên đá tảng này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi nó” (x. Mt 16,18).

Tiếp tục bài giảng Đức Hồng Y Niên trưởng Hồng Y Đoàn quảng diễn ý nghĩa các bài đọc của thánh lễ cầu cho việc bầu Tân Giáo Hoàng. Bài đọc thứ nhất trích từ ”Sách ủi an” (cch. 40-66) của ngôn sứ Isaia là một lời tiên tri được hướng tới dân Israel đang sống kiếp lưu đầy bên Babilonia. Thiên Chúa báo cho biết Người sẽ gửi tới cho họ một Đấng Messia tràn đầy thương xót, một Đấng Cứu Thế sẽ có thể nói: ”Thần Khí của Chúa là Thiên Chúa ở trên tôi… Người đã sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo hèn, băng bó những con tim tan nát, công bố tự do cho các nô lệ, phóng thích các tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-3).

Việc thành toàn lời tiên tri ấy đã được hiện thực tràn đầy nơi Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian để làm cho tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với loài người được hiện diện. Đó là một tình yêu đặc biệt được nhận ra trong việc tiếp cận với khổ đau, bất công, nghèo túng, với tất cả sự giòn mỏng thể lý cũng như luân lý của con người. Thông điệp ”Dives misericordia” Thiên Chúa giầu lòng thương xót” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nổi tiếng liên quan tới điều này. Và người viết thêm: ”kiểu biểu lộ tình yêu này trong ngôn ngữ kinh thánh được gọi là ”lòng xót thương” (Ibidem, s. 3).

Thế rồi sứ mệnh thương xót này được Chúa Kitô tín thác cho các Chủ Chăn của Giáo Hội Người. Đó là sứ mệnh khiến dấn thân mọi linh mục và giám mục, nhưng còn dấn thân hơn nữa Giám Mục Roma, là Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: ”Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?… Hãy chăn các chiên con của Thầy” (Ga 21,15). Chú giải các lời này thánh Agostino nói: ”vì thế chăn đắt đoàn chiên của Chúa là nhiệm vụ của tình yêu” (In Iohannis Evangelium, 123, 5: PL 35, 1967).

Thật ra, chính tình yêu này thúc đẩy các Chủ Chăn của Giáo Hội chu toàn sứ mệnh phục vụ con người của mọi thời, từ việc phục vụ bác ái tức khắc nhất cho tới việc phục vụ cao cả hơn, là cống hiến cho con người ánh sáng của Tin Mừng và sức mạnh của ơn thánh.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chỉ cho thấy điều đó trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay (x. s. 3). Thật vậy, chúng ta đọc thấy sứ điệp đó: ”Đôi khi người ta có khuynh hướng hạn hẹp từ ”bác ái” vào tình liên đới hay vào sự trợ giúp nhân đạo đơn sơ. Trái lại, thật là quan trọng nhắc nhớ rằng việc loan báo Tin Mừng hay ”phục vụ Lời” là công trình bác ái cao cả nhất. Không có hành động thi ân nào, và như thế là bác ái, đối với tha nhân bằng việc bẻ bánh Lời Chúa, khiến cho họ tham dự vào Tin Mừng của Phúc Âm, dẫn đưa họ vào trong tương quan với Thiên Chúa: loan báo Tin Mừng là việc thămg tiến bản vị con người cao cả và toàn vẹn nhất. Như Vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Thông điệp ”Tiến Bộ các Dân Tộc”: loan báo Chúa Kitô là yếu tố đầu tiên và chính yếu của sự phát triển (x. s. 16).”

Bài đọc thứ hai trích từ thứ gửi tín hữu Ephêxô, được Tông Đồ Phaolô viết trong chính thành phố Roma này, trong lần bị tù đầu tiên giữa các năm 62-63 sau công nguyên.

Đó là một lá thư tuyệt vời, trong đó Phaolô giới thiệu mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội, phần đầu là giáo thuyết (ch. 1-3), phần hai trong đó có bài đọc chúng ta vừa nghe, có giọng mục vụ hơn (ch 4-6). Trong phần này thánh Phaolô giảng dậy các hiệu qủa thực hành của phần giáo thuyết đã trình bầy trước đó, và bắt đầu với một lời kêu gọi hiệp nhất giáo hội: ”Vậy tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhu anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiếm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4,1-3).

Thế rồi thánh Phaolô giải thích rằng trong sự hiệp nhất của Giáo Hội có các đặc sủng khác biệt, theo ân sủng đa dạng của Chúa Kitô, nhưng sự khác biệt này là để xây dựng thân mình duy nhất của Chúa Kitô: ”Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dậy dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô” (Ep 4,11-12).

Chính vì sự hiệp nhất của Thân Mình Mầu Nhiệm mà Chúa Kitô đã gửi Thánh Thần của Người và đồng thời đã thiết lập các Tông Đồ, trong đó đứng đầu là Phêrô như là nền tảng hữu hình sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Trong văn bản thánh Phaolô cũng dậy tất cả chúng ta rằng chúng ta phải cộng tác và xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội, bởi vì để thực hiện sự hiệp nhất thì cần ”sự cộng tác của mỗi khớp, theo năng lực của mỗi chi thể” (Ep 4,16). Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi cộng tác với Người Kế Vị Thánh Phêrô, nền tảng hữu hình sự hiệp nhất ấy của Giáo Hội.”

Trong phần cuối của bài giảng Đức Hồng Y Sodano đề cập tới sứ mệnh của Giáo Hoàng. Ngài nói: ”Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta trở về Bữa Tiệc Ly, khi Chúa nói với các Tông Đồ: ”Đây là điều răn của

Thầy: đó là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Như thế văn bản cũng nối liền với bài đọc thứ nhất của ngôn sứ Isaia liên quan tới hoạt động của Đấng Cứu Thế, để nhắc nhớ chúng ta rằng tình yêu là thái độ nền tảng của các Chủ Chăn của Giáo Hội. Và chính tình yêu đó thôi thúc chúng ta hiến mạng sống mình vì anh em. Thật thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: ”không có tình yêu nào lớn lao hơn là tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,12).

Như thế, thái độ nền tảng của mỗi Chủ Chăn là hiến mạng sống cho các chiên của mình (x. Ga 10,15). Điều này có giá trị nhất là đối với Người Kế Vị Thánh Phêrô, Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Bởi vì chức vụ mục tử càng cao và càng phổ quát bao nhiêu, thì tình bác ái của Mục Tử càng phải lớn lao bấy nhiêu. Bởi thế trong con tim của mỗi Người Kế Vị Thánh Phêrô luộn luôn vang lên các lời mà một ngày kia Vị Thầy và là Chúa đã nói với người thuyền chài khiêm hạ vùng Galilea: ”Con có yêu Thầy hơn những người này không? Hãy chăn các chiên con của Thầy… hãy chăn các chiên của Thầy” (x. Ga 21,15-17).

Theo gót công việc phục vụ tình yêu này đối với Giáo Hội và toàn nhân loại các vị Giáo Hoàng cuối cùng đã là những tác nhân của biết bao sáng kiến tốt lành đối với các dân tộc và cộng đoàn quốc tế, bằng cách không ngừng thăng tiến công lý và hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện để Vị Giáo Hoàng tương lai có thể tiếp nối công trình không ngừng này trên bình diện quốc tế.

Ngoài ra, việc phục vụ bác ái này là phần của bản chất sâu xa của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc nhớ điều đó khi nói rằng: ”cả việc phục vụ bác ái cũng là một chiều kích làm thành sứ mệnh của Giáo Hội và là kiểu diễn tả bản chất không thể khước từ được của nó” (Tông thư tự sắc Intima Ecclesiae natura, 11-11 2012; Thông điệp Deus caritas est, s. 15).

Đó là một sứ mệnh bác ái của riêng Giáo Hội, và một cách đặc biệt là của riêng Giáo Hội Roma, mà theo kiểu nói hay đẹp của Thánh Ignaxio thành Antiokia, là Giáo Hội ”chủ tọa tình bác aí” (Ad Romanos, Dẫn nhập; LG 13).

Thưa các anh em, chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa ban cho chúng ta một Giáo Hoàng chu toàn sứ mệnh đó với con tim quảng đại. Chúng ta xin Chúa điều đó qua sự bầu cử của Mẹ Maria Chí Thánh, Nữ Vương các Tông Đồ, và lời bầu cử của tất cả các Vị Tử Đạo và các Thánh là những người dọc dài các thế kỷ đã khiến cho Giáo Hội Roma này được vinh quang. Amen.”

Vì các bài sách thánh đã được tuyên đọc bằng các thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, nên các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng: Pháp, Swahili, Bồ Đào Nha, Malayalam và Đức, cầu cho Giáo Hội; cho các Hồng Y xin cho các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần, được các ơn thông minh, cố vấn, khôn ngoan và phân định. Tiếp đến là cầu cho mọi dân tộc trên thế giới, cho các nhu cầu của cuộc sống con người, và cho gia đình dân Chúa hiện diện trong Thánh Lễ.

Đức Hồng Y Sodano đã cho một số tín hữu rước lễ trong khi mấy chục linh phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu khác.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Phiên họp thứ 10 của Hồng Y đoàn: 11 tháng 3-2013

Phiên họp thứ 10 của Hồng Y đoàn: 11 tháng 3-2013

VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi sáng 11 tháng 3-2013, Hồng y đoàn đã nhóm phiên khoáng đại thứ 10 và cũng là phiên họp cuối cùng trước mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Hiện diện trong phiên họp dài 3 tiếng có 152 HY, trong số này có 115 Hồng y cử tri. Đầu buổi họp, có cuộc bốc thăm chọn 3 Hồng y với phụ giúp ĐHY nhiếp chính Bertone trong các công việc thông thường. Các vị này vẫn tiếp tục nhiệm vụ trong vòng 3 ngày tới đây kể cả trong mật nghị. Đó là ĐHY Naguib, Thượng Phụ Công Giáo Copte Ai Cập, đại diện các HY đẳng GM; ĐHY Marc Ouellet người Canada, Tổng trưởng Bộ GM, đại diện đẳng LM, và ĐHY Monterisi, đại diện đẳng Phó tế.

Phần lớn thời gian của phiên họp được dành để nghe đông đảo các HY phát biểu, vì đây là phiên họp cuối cùng: có 28 HY lên tiếng phát biểu. Như vậy tổng cộng 161 bài phát biểu của các Hồng Y trong 10 phiên họp. Một số HY muốn nói nữa, nhưng Hồng y đoàn đã biểu quyết chấm dứt và không có phiên họp ban chiều để chuẩn bị cho mật nghị.

Trong số các đề tài được nói đến có vấn đề viện giáo vụ (IOR) quen gọi là ngân hàng Vatican. ĐHY Bertone, trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban HY giám sát đã tường trình, và cho biết ngân hàng này đã được đưa vào hệ thống kiểm soát quốc tế. Một vấn đề khác được bàn tới là những mong đợi nơi vị Giáo Hoàng tương lai. Đây là đề tài thường được nói đến trong các phiên họp những ngày qua.

Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết cho đến nay có 5.600 ký giả đăng ký để theo dõi và tường thuật về những ngày bầu cử Giáo Hoàng. Trong thánh lễ cầu cho việc bầu Giáo Hoàng lúc 10 giờ sáng 12-3-2013 tại Đền thờ Thánh Phêrô, có 56 ký giả truyền hình và nhiếp ảnh viên được chỗ riêng trong Đền thờ.

Ngoài ra, lễ khai mạc sứ vụ của Đức Tân Giáo Hoàng không nhất thiết phải cử hành vào ngày chúa nhật, nhưng có thể vào 1 ngày trong tuần.

90 người tuyên thệ

Lúc 5 giờ rưỡi chiều 11 tháng 3-2013, tất cả các chức sắc và nhân viên phụ giúp mật nghị, hoặc ở nhà trọ thánh Marta nơi các HY cư ngụ, hoặc tại mật nghị và nơi khác, tổng cộng khoảng 90 người, đã tuyên thệ giữ bí mật, chiếu theo điều số 46 và 47 của Tông Hiến về việc bầu cử Giáo Hoàng.

Nghi thức tuyên thệ đã diễn ra tại Nhà nguyện Paolina trước sự chứng giám của ĐHY nhiếp chính Tarcisio Bertone, và hai công chứng viên Tông Tòa.

Trong số các vị tuyên thệ có Đức TGM Baldisseri Tổng thư ký Hồng y đoàn, Đức Ông Trưởng Ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH và các vị trong ban nghi lễ, LM bí thư của ĐHY chủ tọa mật nghị, các tu sĩ nam nữ phục vụ tại Nhà Thánh, các cha giải tội, các bác sĩ và y tá, các nhân viên phụ trách thang máy, nhà ăn nhà bếp, vệ sinh, các nhân viên kỹ thuật, chuyên chở; vị đại tá và thiếu tá cùng với một số vệ binh Thụy sĩ, vị giám đốc sở an ninh và bảo vệ dân sự của Vatican cùng với một số cộng sự viên.

Sau khi được giải thích về ý nghĩa việc tuyên thệ, họ đã đọc công thức và ký vào bản tuyên thệ. (SD 11-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Lịch sử và qui luật mật nghị bầu Giáo Hoàng

Lịch sử và qui luật mật nghị bầu Giáo Hoàng

VATICAN. Thứ ba 12 tháng 3-2013 là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Giáo Hội: khởi đầu mật nghị bầu vị Giáo Hoàng mới kế nhiệm Đức Biển Đức 16.

Lúc 10 giờ sáng, các Hồng Y, kể cả các vị trên 80 tuổi, đồng tế thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô do ĐHY niên trưởng Angelo Sodano chủ sự, để cầu cho việc bầu Giáo Hoàng.

Tiếp đến, lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày, 115 Hồng y cử tri bắt đầu đi rước từ nhà nguyện Paolina ở lầu I trong dinh Tông Tòa tiến về nhà nguyện Sistina ở cùng lầu. Cùng đi trong đoàn rước này còn có hơn 20 người khác, đứng đầu là ĐHY Prospero Grech 88 tuổi người Malta, là vị được giao phó nhiệm vụ trình bày bài suy niệm cho các HY cử tri, tiếp đến là Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Hồng y đoàn, Đức Cha Phó nhiếp chính, Đức ông trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH và các vị phụ tá, 2 Đức Ông công chứng viên, ca đoàn của ĐGH, v.v.

Sau khi tiến vào nhà nguyện Sistina, các HY cử tri cử hành nghi thức tuyên thệ rồi, Đức ông trưởng nghi Guido Marini sẽ tuyên bố: “Extra omnes!” Tất cả những người không phải HY cử tri hãy ra ngoài! Sau bài suy niệm của ĐHY Grech, các Hồng Y sẽ bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng. Tiếp đến các vị đọc kinh chiều và trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối.

Lịch sử mật nghị

Trong lịch sử Giáo hội, đây là mật nghị thứ 75 kể từ 772 năm nay, tức là kể từ năm 1241 là năm mà mật nghị HY bầu Giáo Hoàng có hình thức như hiện nay.

Mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng”, gọi là ”Conclave”, có nguyên ngữ từ tiếng la tinh ”cum-clave” nghĩa đen là ”với chìa khóa” chỉ nơi đặc biệt trong nhà được khóa kín. Trong Giáo Hội từ này được dùng theo nghĩa chuyên biệt để chỉ ”nơi diễn ra cuộc bầu Giáo Hoàng, có các cửa được khóa kín”, hoặc chỉ toàn bộ các HY tiến hành việc bầu Giáo Hoàng. Từ này được ĐGH Honorio III sử dụng lần đầu tiên năm 1216, trong hoàn cảnh ngài được bầu làm Giáo Hoàng.

Thực vậy, trước đó, vào năm 1179, ĐHY Alessandro III quyết định chung kết dành việc bầu Giáo Hoàng cho các Hồng y mà thôi và loại trừ sự tham dự của giáo dân. Nhưng số Hồng Y bấy giờ tương đối ít ỏi, chỉ vào khoảng từ 10 tới 20 vị, và trong thế kỷ thứ 13 không bao giờ vượt quá con số 30 Hồng y. Tình trạng này cũng góp kéo dài thời gian bầu Giáo Hoàng và điều ấy có nghĩa là Tòa Thánh trống vị quá lâu, gây thiệt hại cho Giáo Hội. Nhiều khi thời gian bầu Giáo Hoàng kéo dài nhiều tháng và có khi nhiều năm trời. Dân Chúa là những người ý thức điều đó và 4 lần họ đã bó buộc các Hồng Y phải tiến hành mau lẹ việc bầu Giáo Hoàng bằng cách khóa kín các Hồng y lại.

Thực vậy, năm 1216 dân thành Perugia ở miền trung Italia đã khóa kín các HY trong dinh thự thành phố nơi các vị hội họp để buộc các vị sớm bầu được vị Giáo Hoàng mới. Dân thành Roma cũng hành động tương tự sau khi ĐGH Gregorio IX qua đời năm 1241: họ khóa kín các Hồng y trong một dinh thự trên sườn đồi Palatino. Rồi đến dân chúng ở Anagni cũng làm như thế vào năm 1243 để chấm dứt tình trạng Tòa Thánh trống vị quá lâu sau khi ĐGH Celestino IV qua đời 2 năm trước đó (1241). Vụ cuối cùng nhưng cũng là vụ nổi tiếng nhất đó là dân thành Viterbo cách Roma 80 cây số ra tay hành động: sau khi ĐGH Clemente IV qua đời năm 1268, 18 HY tập họp trong dinh thự Giáo Hoàng ở Viterbo để bầu người kế vị, nhưng các vị không thỏa thuận được với nhau. Vua nước Pháp cũng như các nhân vật khác can thiệp yêu cầu các HY cố gắng thỏa thuận với nhau để bầu được vị Giáo Hoàng mới, nhưng vẫn không có kết quả. Bấy giờ dân thành Viterbo, với sự khuyến khích của thánh Bonaventura, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, liền khóa kín dinh thự Giáo Hoàng và xây gạch bín kín tất cả các cửa ra vào để buộc các HY sớm thỏa thuận với nhau. Dầu vậy, các HY trong dinh thự vẫn không đi tới mục tiêu. Không thể kiên nhẫn hơn, dân thành liền leo lên dinh thự, tháo gỡ mái che, và chỉ cho các Hồng Y ăn bánh với nước lã. Sau cùng các Hồng Y tìm được một thỏa thuận với nhau và bầu được ĐGH Gregorio X. Tổng cộng Tòa Thánh bấy giờ bị trống vị trong 2 năm, 9 tháng và 2 ngày.

Say khi đắc cử Giáo Hoàng, để tránh tái diễn tình trạng tai hại như vậy, trong công đồng chung Lyon thứ 2 năm 1274, ĐGH Gregorio X đã công bố tông hiến ”Ubi pericolo” chính thức thành lập Conclave, ”mật nghị”, phê chuẩn hành động của dân Chúa. Những qui định trong Tông hiến ấy rất tỉ mỉ và nghiêm ngặt, theo đó 10 ngày sau khi ĐGH qua đời, các HY phải nhóm họp trong cùng dinh Tông Tòa nơi ĐGH đã qua đời, hoặc tại một thành phố khác, tùy theo hoàn cảnh, trong một phòng duy nhất, không có tường cũng chẳng có màn phân chia. Các HY buộc phải sống chung, không thể ra ngoài, cũng không được tiếp xúc với bên ngoài, không được nói bí mật với HY nào khác. Những chìa khóa nơi mật nghị phải được vị HY Nhiếp chính giữ ở bên trong, và những chìa khóa bên ngoài do vị tư lệnh đội binh giữ. Thực phẩm được chuyển vào bên trong mật nghị qua một cửa sổ quay được canh giữ và kiểm soát cẩn mật để không một sứ điệp nào được chuyển qua cửa này. Nếu sau 3 ngày mà các HY không bầu được Giáo Hoàng mới, thì trong 5 ngày kế tiếp, các HY chỉ được một đĩa thực phẩm trong bữa ăn trưa và 1 đĩa trong bữa ăn tối; sau 5 ngày ấy, các HY chỉ được bánh, nước lã hoặc rượu mà thôi.

Quy luật của ĐGH Gregorio X khó thực hiện, nên 2 năm sau đó bị ĐGH Adriano V và Gioan XXI bãi bỏ, và thế là tệ nạn Tòa Thánh trống tòa quá lâu lại tái xuất hiện. Đó là một bằng chứng hùng hồn về giá trị và hiệu năng của Tông hiến do ĐGH Gregorio X ban hành.

Thánh Celestino V, trong 5 tháng làm Giáo Hoàng cho đến khi từ nhiệm, đã liên tiếp ban hành 3 Sắc chỉ (Quia in futurum, 28.9.1294; Pridem 27.10.1294; Constitutionem 10.12.1294) tái lập các qui luật về mật nghị bầu Giáo Hoàng. Nhờ đó, người kế vị là ĐGH Bonifaxio VIII đã được bầu lên chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, vào ngày 24-12-1294. Ngài đã long trọng tái khẳng định các qui luật ấy. Từ đó, đã 719 năm trôi qua, các qui luật về mật nghị Giáo Hoàng liên tục được tuân hành, tuy có một số thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh và do kinh nghiệm.

Tiến tới luật hiện hành

Nhiều vị Giáo Hoàng đã góp phần sửa chữa luật bầu cử với những qui định ngày càng chính xác và tỉ mỉ hơn:
– Với Tông Hiến ”Vacante Sede Apostolica”, Tông tòa trống vị, ngày 25 tháng 12-1904, Thánh Giáo Hoàng Piô 10 đã gồm tóm tất cả các qui luật trước đó, trong một văn kiện duy nhất, và đồng thời nghiêm cấm bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền dân sự vào mật nghị bầu Giáo Hoàng.

– Năm 1975, Đức Phaolô VI ban hành Tông Hiến ”Romano Pontifici eligendo”, Bầu Giáo Hoàng. Văn kiện này được tu chính với Tông Hiến ”Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1996.
ĐTC Biển Đức XVI đã ban hành 2 tự sắc vào năm 2007 và ngày 22 tháng 2-2-13 thay đổi vài điểm trong Tông hiến của vị tiền nhiệm.

Qui luật hiện nay

Như vậy theo qui luật hiện hành, cách thức duy nhất ngày nay để bầu Giáo Hoàng là bầu bỏ phiếu kín và cần phải có 2 phần 3 số phiếu của những người hiện diện để đắc cử. Số Hồng Y cử tri hiện nay là 115 vị, vì thế để đắc cử Giáo Hoàng trong mật nghị từ ngày 12 tháng 3-2013 thì cần được ít là 77 phiếu.

Tính chất cô lập và bí mật của mật nghị vẫn phải hết sức tuân giữ, đứng trước những phương tiện truyền thông tối tân ngày nay.

Tuy Tông hiến không truyền phải niêm phong kín các cửa ra vào và các cửa sổ, chặn các hành lang và thang máy, như luật trước đây, nhưng tiếp tục đòi phải cô lập các Hồng y cử tri.

Trong thời gian mật nghị bầu Giáo Hoàng, các Hồng y cử tri không được tiếp xúc với bên ngoài, đọc báo chí, nghe Radio, coi Truyền hình, dùng điện thoại, viết thư hoặc các phương tiện khác để liên lạc với người bên ngoài mật nghị (n.57). Mục đích là để các vị được hoàn toàn tự do, không chịu một áp lực nào của bất cử ai.

Tất cả những người phục vụ trong mật nghị bầu Giáo Hoàng mà tiết lộ bí mật sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc dành riêng quyền giải cho Tòa Thánh. ĐTC quy định thêm rằng:

Tôi cũng ra lệnh cho các Hồng y cử tri, với tất cả trách nhiệm nặng nề trong lương tâm, phải giữ mọi bí mật về cuộc bầu Giáo Hoàng, kể cả sau khi đã bầu vị Giáo Hoàng mới và không được vi phạm điu đó bằng bất cứ cách nào, trừ khi đưc phép đặc biệt và rõ ràng của chính ĐGH. Để các Hồng y cử tri có thể tránh được sự tò mò của người khác và các bẫy họ giăng ra làm thương tn phán đoán độc lập và tự do quyết định của các vị, tôi tuyệt đối cấm, không được du nhập với bất kỳ lý do gì những máy móc để thu hoặc phát lại âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết vào nơi diễn ra cuộc bầu cử, và nếu các máy đó hiện diện tại nơi ấy, thì không được sử dụng” (nn.60-61).

Đức Hồng y nhiếp chính có nhiệm vụ nhờ các chuyên viên kỹ thuật đáng tin cậy kiểm soát nơi họp của các Hồng y cử tri và nhà nguyện Sistina để phát hiện những Micro hoặc dụng cụ thu âm, thu hình bí mật người ta có thể gắn vào đó.

Luật nghiêm cấm mọi sự can thiệp từ bên ngoài đối với việc bầu Giáo Hoàng. HY nào, vì bất kỳ lý do nào, nhận sứ mạng của nhà cầm quyền dân sự, bất cứ cấp nào, để đề nghị việc phủ quyết, đối với việc bầu Giáo Hoàng, sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc.

Các Hồng y cử tri sẽ nhóm họp mỗi ngày hai lần sáng chiều tại Nhà nguyện Sistina để bầu Giáo Hoàng mới. Mỗi buổi như thế có thể có hai lần bỏ phiếu. Khi bỏ phiếu, vị Hồng y phải giơ cao phiếu của mình và đọc lời tuyên thệ theo công thức: ”Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ xét xử tôi, làm chứng rằng tôi bỏ phiếu cho người mà, theo Chúa, tôi thấy là phải bầu” (n.66).

Các Hồng y bị liệt giường tại Nhà trọ thánh Martha mà không đến Nhà nguyện Sistina để bỏ phiếu được, thì 3 Hồng y sẽ mang thùng phiếu đến tận phòng các vị ấy để nhận phiếu bầu (n.67)

Sau 3 ngày đầu tiên bỏ phiếu mà không có kết quả, cử tri đoàn sẽ ngưng bỏ phiếu trong vòng một ngày để cầu nguyện, trao đổi ý kiến, và nghe huấn dụ thiêng liêng của ĐHY trưởng đẳng phó tế, rồi lại tiếp tục bầu. Sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà vẫn không có kết quả, thì lại tạm ngưng để cầu nguyện và trao đổi. Nếu sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà không có kết quả, thì lại tạm ngưng như vậy. Đến lần bỏ phiếu thứ 33 hoặc 34 mà không kết quả 2/3 số phiếu thì các Hồng y được mời gọi phát biểu ý kiến về cách bầu cử và sau đó sẽ tiến hành việc bầu theo sự quyết định của đa số tuyệt đối các cử tri (không cần sự đồng ý của toàn thể các cử tri như luật cũ đòi hỏi. Có thể chỉ bầu trong số 2 người được nhiều phiếu nhất và vẫn buộc phải được 2/3 số phiếu thì mới được coi là đắc cử (qui luật do ĐGH Biển Đức 16 qui định năm 2007). Hai ứng viên nhiều phiếu nhất như thế không được tham gia cuộc bỏ phiếu về hai vị như vậy.

Các Hồng y sẽ tiến hành việc chúc mừng và bày tỏ sự tuân phục vị tân Giáo Hoàng. Sau đó, vị Hồng y trưởng đẳng Phó tế loan báo cho dân chúng danh tánh của vị đắc cử. Đức tân Giáo Hoàng sẽ ban phép lành cho Roma và toàn thế giới từ bao lơn của Đền thờ Thánh Phêrô (n.89)

Để ngăn ngừa sự thoái thác của người đắc cử, ĐTC Gioan Phaolô 2 qui định rằng: ”Tôi xin vị đắc cử đừng vì sợ gánh nặng của chức vụ mà tránh né trách vụ đã được kêu gọi lãnh nhận, trái lại hãy khiêm tốn tuân phục ý định của Chúa. Vì Thiên Chúa, Đấng trao trách vụ ấy, cũng sẽ nâng đ đ ngưi đắc cử có thể vác nổi gánh nặng đó” (n.86)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hai Đứa Con Hư Hỏng, Hay Chỉ Có Một?

  Hai Đứa Con Hư Hỏng, Hay Chỉ Có Một?

Khi nói về dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, trong Tin Mừng của thánh Luca, có nhiều người, trong đó có tôi nữa, thường nghĩ người con thứ, hắn chính là người con hoang đàng.  Đúng như vậy! Người con thứ chính là đứa con hư hỏng, và rất là bất hiếu với người cha, bởi vì:

  • Hắn đã cả gan mở miệng nói với bố: "Thưa bố, xin cho con phần tài sản con được hưởng” (15:12)  trong khi đó bố của hắn còn đang sống sờ sờ trước mắt.
  • Hắn đã nhẫn tâm lìa bỏ bố và thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó nó sống phóng đãng, phung phí hết tài sản của mình (15:12-13)
  • Hắn đã bôi tro trát trấu vào mặt bố và gia đình dòng tộc của hắn bởi vì hắn đã đi ở đợ cho một người dân trong vùng; [làm nghề] chăn heo [và] ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng (15:15-16).
Thế nhưng, bạn thử đọc dụ ngôn này kỹ một chút, thì bạn sẽ thấy thằng con cả, kẻ không đi hoang, người đang ở nhà với bố cũng hư hỏng và cũng bất hiếu không kém gì thằng em của hắn cả!  Thật đấy!  Bạn cứ đọc bài Phúc Âm lại mà xem sẽ thấy ngay!
  • Hắn đã nổi giận và không chịu vào nhà vì hắn nghe người đầy tớ báo cáo rằng:  “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (15:27)!
  • Hắn đã kết án cha của hắn như là một ông chủ hà khắc và keo kiệt, cho nên hắn mới buông ra những lời rất ư là cay đắng:  “Đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè” (15:29).
  • Hắn đã vô cảm, đã lạnh lùng, đã không tha thứ và tệ hơn nữa, hắn đã khước từ mối quan hệ ruột thịt với đứa em ruột của hắn, cho nên hắn mới nói:  “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (15:30).
Như vậy, cả hai người con trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu đều là những kẻ hư hỏng và bất hiếu chứ chẳng phải chỉ là một mình người con thứ.  Bạn đồng ý không?
 
Nhìn vào thái độ sống và cách cư xử của hai người con hoang đàng trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, bạn và tôi hãy suy nghĩ thử xem, mình là thằng con thứ hay là thằng con cả vậy?
Nếu tôi dửng dưng, lãnh đạm trước các bí tích, không màng đến chuyện đi tham dự thánh lễ, không care về việc đi xưng tội, cũng chẳng đoái hoài gì đến những lời răn dạy, bảo ban, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, của các sơ, các thầy, các cha…Cứ lao mình vào những đam mê của cờ bạc, rượu chè, thuốc sái ,quan hệ trai gái, xem phim ảnh xấu trên internet…Thì mình là thằng con thứ đấy!
•  Nếu bạn và tôi không nhận ra mối quan hệ CHA-CON giữa tôi và Thiên Chúa, chỉ giữ đúng những luật lệ của Giáo Hội quy định và tuân giữ những điều răn của Chúa, làm chính xác từng lời từng chữ:  Xem lễ ngày Chúa Nhật, cùng các ngày lễ buộc, xưng tội & rước lễ một năm một lần, ăn chay kiêng thịt một năm hai lần, vào thứ tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, nhịn từ 12 giờ sáng đến đúng 12 giờ đêm rồi sau đó… ăn bù… thì mình đúng là thằng con cả rồi!
Nếu tôi và bạn không nhận ra hay tệ hơn nữa PHỦ NHẬN mối liên hệ giữa tôi với tha nhân là quan hệ ANH-EM có cùng chung một người CHA trên trời, tôi thường hay nhắm mắt dửng dưng, làm ngơ, không tỏ lòng thương xót và cảm thông với họ và cả với những người kém may mắn như những trẻ em mồ côi, những người già nua, bịnh tật, sống cô quạnh trong các nhà thương hay trong các viện dưỡng lão…thì không thể nghi ngờ gì nữa, chúng mình đang bắt chước y chang người con cả không sai một tí nào!

Bạn thân mến, dù chúng ta lầm lỡ y như người con thứ hay như người con cả, thì chúng ta cũng phải ăn năn sám hối và quay trở về với Chúa là Cha chúng ta.

Nếu soi vào gương mà thấy mình giống như người con thứ thì xin họ cở anh ta ba điểm sau:
  1. Hồi tâm, suy nghĩ về những ân huệ, những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho mình, nhận ra những ơn huệ của Chúa ban cho mình càng nhiều càng tốt.  Giống như người con thứ đã nhận ra rằng:  "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” (15:17).
  2. Quyết tâm đứng lên, quay lưng lại với tội lỗi và quá khứ, và trở về với Thiên Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (Tv103:8).  Giống như người con thứ đã làm:  “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người… ” (15:18).
  3. Mở miệng xưng thú tội lỗi của chúng ta với Chúa qua việc đến với bí tích Giải Tội.  Giống như người con thứ đã làm.  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.  Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (15:19)
Còn nếu thấy mình đã lầm lỡ giống như thằng con cả, thì chúng mình hãy ráng cố gắng:
  • Đừng bao giờ tỏ thái độ ghen tị, so bì hay bực bội với tha nhân khi thấy họ được Thiên Chúa ưu đãi và ban cho nhiều điều may mắn hơn mình, bởi vì Thiên Chúa có tự do và có toàn quyền định đoạt ban cho ai tùy ý Ngài (Mt20:15).
  • Phải luôn luôn xác tín rằng Thiên Chúa là CHA của tôi, quan hệ giữa tôi và Thiên Chúa là mối quan hệ CHA-CON chứ không phải là CHỦ với TỚ bởi vì chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta “Lạy Cha chúng con ở trên trời…nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.  Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”  (Mt6:9-15).
  • Phải ghi tâm và đừng quên là mọi người sống chung quanh chúng mình, dù có tội lỗi và xấu xa hay tệ hại mấy đi chăng nữa …họ cũng đều là anh chị em của tôi và của bạn, bởi vì họ đều được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St1:27) và nhất là họ cũng được gọi Thiên Chúa là CHA y như chúng mình vậy!

Bạn thân mến, dù bạn và tôi lỡ cư xử với Thiên Chúa là Cha của chúng ta giống y như người con thứ hay người con cả, hoặc giống y như cả hai người con ở trong dụ ngôn đi chăng nữa, thì xin bạn ghi nhớ, Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu luôn luôn mở rộng vòng tay để đón nhận, để tha thứ và để phục hồi quyền làm con cho chúng mình.

Đừng sợ, đừng ngại!  Hãy chạy đến với Bí Tích Hoà Giải càng sớm càng tốt, dù cho tội lỗi của chúng mình có nặng, có kinh khủng và có ghê gớm đến mấy đi chăng nữa, chỉ cần chúng mình thành tâm ăn năn thống hối, dốc long chừa cải, thì Cha của chúng mình sẽ tha bổng và mở rộng tay đón nhận tôi và bạn trở về nhà của Ngài để chúng mình có thể vui hưởng hạnh phúc đời đời trong nhà Cha trên Trời.  Bởi vì chính Ngài đã hứa:  “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18)

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD

 

Phiên họp thứ 9 của Hồng y đoàn: 9 tháng 3-2013

Phiên họp thứ 9 của Hồng y đoàn: 9 tháng 3-2013

VATICAN. Sáng thứ bẩy, 9 tháng 3-2013, với sự tham dự của 145 Hồng Y, Hồng y đoàn đã nhóm phiên họp thứ 9 để tiếp tục nghe ý kiến của các Hồng Y.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 9 tháng 3, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết đã có 17 HY lên tiếng phát biểu về các vấn đề như những mong đợi nơi vị Giáo Hoàng tương lai, hoạt động của Tòa Thánh, giáo triều Roma, đời sống và hoạt động của Giáo hội tại các nơi, v.v.

Trong phiên họp, các Hồng Y đã rút thăm để lấy phòng tại Nhà trọ thánh Marta trong nội thành Vatican, nơi các vị cư ngụ trong thời gian mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các Hồng y có thể dọn vào nhà này từ lúc 7 giờ sáng thứ ba, 12-3-2013. Tiếp đến vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, các vị sẽ đồng tế thánh lễ do ĐHY Niên trưởng Angelo Sodano chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô.

Cha Lombardi cũng thông báo thời khóa biểu của mật nghị:

– Lúc 15:45 chiều ngày thứ ba, 12 tháng 3-2013, các HY sẽ rời nhà trọ thánh Marta tới dinh Tông Tòa. Lúc 16.30 các vị sẽ đi rước từ nhà nguyện Paolina đến nhà nguyện Sistina. Tại đây, lúc 16.45, có nghị thức tuyên thệ, vị trưởng nghi sẽ tuyên bố ”Extra omnes!” Tất cả những người không phải HY cử tri phải ra ngoài!
Các HY sẽ nghe bài suy niệm do ĐHY Prospero Grech, 88 người Malta, trình bày và sẽ bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng.

Tiếp đến, các HY đọc Kinh chiều và 19 giờ 30 sẽ trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 8 giờ.
Trong những ngày mật nghị bầu Giáo Hoàng:

– Tại nhà trọ thánh Marta, các HY có thể dùng bữa sáng từ 6.30. Rồi 7.45 đi tới dinh Tông Tòa để đồng tế thánh lễ lúc 8.15 tại Nhà nguyện Paolina.

– 9.30 các HY đi vào nhà nguyện Sistina, nguyện kinh và bắt đầu bỏ phiếu. Có hai lần bỏ phiếu ban sáng.

– 12.30 các HY trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa trưa lúc 13 giờ.

– Lúc 16.00 các HY trở lại nhà nguyện Sistina để bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 16.50. Có hai lần bỏ phiếu ban chiều.
– 19.15 các HY nguyện kinh chiều tại nhà nguyện Sistina rồi

19.30 trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 20 giờ.
Việc đốt phiếu để có khói báo cho dân chúng được thực hiện sau lần bỏ phiếu chót ban sáng (khoảng 12.00) và ban chiều (khoảng 19 giờ chiều). Nếu có kết quả sau lần bỏ phiếu thứ I ban sáng

thì khoảng 10.30 và sau lần bỏ phiếu thứ I ban chiều thì khoảng 17.30.

Phiên họp thứ 8 của Hồng y đoàn: chiều 8 tháng 3-2013

Đầu phiên họp này, với đại đa số phiếu (90%), các HY đã quyết định ngày 12 tháng 3-2013 sẽ bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng các Hồng Y đã chia làm hai khối đối nghịch: một nhóm muốn kéo dài các cuộc thảo luận, một nhóm muốn bắt đầu mật nghị. Thực tế là tới 9 phần 10 các HY đã bỏ phiếu chấp thuận bắt đầu mật nghị vào ngày 12 tháng 3-2013.

Trong phiên thứ 8, đã có 15 HY phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau. Cha Lombardi cho biết như vậy, tính đến trưa ngày 9-3, đã có 133 HY lên tiếng phát biểu, trong đó có một số nói hai lần.
Cha cũng thông báo một số tin tức:

– Lúc 17.30 chiều thứ hai, 11 tháng 3, tất cả các chức sắc và nhân viên phụ giúp mật nghị sẽ tuyên thệ giữ bí mật, trong một nghi thức tại Nhà nguyện Paolina.

– Sáng thứ hai, 11 tháng 3, các HY sẽ tiếp tục họp vì còn một số Hồng y muốn phát biểu ý kiến. Như thế tổng cộng sẽ có khoảng 150 Hồng y lên tiếng bày tỏ lập trường.

– Cha Lombardi cho biết đã thấy tận mắt 5 triện của ĐGH cũ bị hủy đi bằng cách rạch để không sử dụng được nữa, trong đó có 2 nhẫn như phủ của Đức Giáo hoàng. Nhẫn này có có hai hình thức: 1 cái ĐGH đeo ở tay và 1 cái dùng để đóng dấu. Tiếp đến có 2 triển nổi: một cái lớn và một cái nhỏ. Sau cùng là một mẫu triện bằng chì.
Nhẫn ngư phủ mới của Đức tân Giáo Hoàng cũng có hình tương tự, nhưng với tên mới của vị tân Giáo Hoàng ở chung quanh.

– Lúc 11 giờ sáng 9 tháng 3-2013, các nhân viên kỹ thuật Vatican đã gắn ống khói trên nhà nguyện Sistina nơi diễn ra mật nghị bầu Giáo Hoàng. Đây là phương tiện duy nhất để thông tin giữa mật nghị với thế giới bên ngoài. Khói đen báo hiệu cho thấy chưa có Giáo Hoàng mới và khói trắng thông báo cuộc bầu cử có kết quả. Lúc đó chuông đền thờ thánh Phêrô cũng được gióng lên. Ban tối ống khói sẽ có đèn chiếu sáng để dân chúng có thể thấy khói mầu gì.
– Một Ủy ban đã được thiết lập với nhiệm vụ niêm phong các lối vào mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng. Ủy ban này tùy thuộc ĐHY nhiếp chính Bertone, và một số thành viên như vị chỉ huy trưởng vệ binh Thụy Sĩ, đại diện đoàn Hiến binh Vatican, một vị công chứng viên, v.v..

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio
 

Người con trai đi hoang

Người con trai đi hoang

 

Dụ ngôn “Người con trai đi hoang” này thật quý báu, chỉ được một mình Luca ghi lại, vì nó đặc biệt phù hợp với mục đích và tinh thần của sách Tin Mừng này. Không phải là không có lý do khi người ta gọi truyện này là truyện ngắn vĩ đại nhất thế giới, vì trong đó thể hiện tất cả những gì như văn chương hoa mỹ, nhân tính sâu đậm, cảm tình rộng lớn, bức tranh toàn bích về ân điển và tình yêu của Thiên Chúa.

Theo luật của người Do Thái, người cho không được tự do phân chia tài sản mình tuỳ ý thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, đứa con thứ một phần ba (Đnl 21,1). Không phải là việc lạ khi một ông cha phân chia gia tài ngay khi còn sống nếu ông ta muốn được nghỉ ngơi khỏi hoạt động kinh doanh. Nhưng có một sự vô tâm tráo trở nơi đứa con thứ khi nó đề xuất việc chia gia tài này. Thực ra nói đã nói “cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để tôi ra khỏi nơi này”. Người cha không tranh luận gì, ông hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã cho nó như ý nó xin. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi…

Hắn nhanh chóng tiêu xài hết tiền và kết thúc bằng việc chăn heo, một công việc cấm kỵ đối với người Do Thái vì luật pháp nói: “Đáng nguyền rủa kẻ nào chăn heo”. Và Chúa Giêsu cho nhân loại tội lỗi một lời khen lớn nhất chưa từng có: “Khi nó trở về với chính mình (tỉnh ngộ). Chúa Giêsu tin là bao lâu con người còn xa cách và chống nghịch Thiên Chúa, thì con người không thực sự là con người. Con người chỉ thực sự là chính mình khi con người đang đi con đường về nhà. Có một điều kỳ diệu nơi Chúa Giêsu là Ngài không tin rằng con người hư hỏng hoàn toàn. Ngài không bao giờ tin rằng ai đó có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phỉ báng con người. Ngài tin rằng con người không bao giờ được thực sự là mình cho đến khi nào con người trở về nhà với Thiên Chúa. Cho nên đứa con đã nhất định trở về nhà và xin cha nhận lại mình không phải để làm con, nhưng làm một tên nô lệ mạt hạng trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha. Theo một nghĩa thì người nô lệ là một phần tử của gia đình, nhưng tên đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào. Vậy khi đứa con đã về nhà, cha chàng không để chàng kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tượng trưng cho việc được tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như uỷ quyền cho người đó thay thế mình; đôi giày là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giày, còn nô lệ thì không. Và một yến tiệc được bày ra để mọi người ăn mừng đứa con đi hoang trở về nhà.

Chúng ta dừng lại đây để thử nhìn xem chân lý trong dụ ngôn này:

1. Một hình ảnh đầy đủ về tính chất và hậu quả của tội lỗi.

Tội lỗi thường do sự lựa chọn tự ý và do lòng muốn hưởng lạc của con người. Kết quả là tội nhân thấy ảo ảnh của nó: nỗi khổ, ách nô lệ, niềm thất vọng; về phương diện hậu quả ta không thể thêm gì vào cái cảnh người con trai ở xứ xa, sau khi tiêu xài nhẵn túi, nạn đói kém đến, chàng ta bán thân đi giữ heo, phải ăn cả những món khó nuốt dùng cho heo ăn mà cũng chẳng được no.

2. Nhưng dụ ngôn này phải gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Lành mới đúng, vì nó cho ta biết vê tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.

Người cha hẳn đã mỏi mắt trông chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy con từ đàng xa. Khi con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có sự tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội kẻ ấy vẫn còn giữ đó. Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xứ thế nào với quân phiến loạn miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa Kỳ. Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời: “Tôi sẽ đối xử với họ như chưa bao giờ họ ly khai với chúng ta”.

“Khi được yêu bằng thứ tình yêu này, thì kẻ là đối tượng của lòng nhân từ sẽ không cảm thấy bị hạ nhục, nhưng như thể được tìm thấy lại và “thêm giá trị”. Trước hết người cha tỏ bày cho đứa con niềm vui của ông vì nó đã được “tìm thấy lại” và “sống lại”. Niềm vui này cho thấy rằng một sự thiện vẫn được giữ gìn nguyên vẹn: một đứa con, dù đi hoang, vẫn thực sự là con của cha nó. Hơn nữa niềm vui này là dấu chỉ của một sự thiện đã tìm thấy lại, trong trường hợp của đứa con hoang đàng, đây là việc trở lại với sự thật của chính nó”. (ĐTC Gioan Phaolô II, DM6).

Nhưng câu truyện đến đây vẫn chưa chấm dứt. Người anh cả bước về và anh thực sự buồn rầu vì em của anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho các đạo sĩ Do Thái tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Có mấy điều nổi bật nơi người anh cả.

1. Tất cả thái độ của anh chứng tỏ rằng bao nhiêu năm anh vâng lời cha chẳng qua chỉ là bổn phận buồn rầu, chứ không phải là công việc của tình yêu.

2. Thái độ của anh là thái độ thiếu hẳn sự cảm thông. Anh nói về người em nhưng không dùng tiếng “em tôi” mà dùng chữ “thằng con của cha”. Chàng là thứ người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối càng ngã sâu hơn nữa.

3. Tâm địa của chàng rất dơ bẩn. Câu truyện không nói tới gái điếm cho đến khi chính miệng chàng nói ra. Hẳn chàng đã nghi ngờ, tố cáo em chàng về thứ tội chính chàng rất muốn làm. Dụ ngôn này trình bày khuôn mặt người anh cả từ chối dự tiệc. Anh ta trách em và những lầm lạc của nó, và trách cha mình về việc đón tiếp mà ông dành cho nó. Đây là một dấu chỉ cho thấy anh ta không hiểu lòng tốt của cha. Bao lâu người anh này còn quá tự tín vào bản thân và những công trạng của mình, ganh ghét và khinh bỉ, đầy chua xót và giận dữ, không hoán cải và giao hoà với cha và với em mình, thì bữa tiệc chưa thể hoàn toàn là bữa tiệc liên hoan mừng cuộc gặp gỡ và tái ngộ.

Sự mô tả chính xác tâm trạng của đứa con hoang đàng giúp ta hiểu một cách đúng đắn thế nào là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Không thể nghi ngờ được rằng, trong hình ảnh đơn sơ và sâu sắc này, gương mặt của người cha gia đình mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như là Cha. Lối ứng xử của người cha trong dụ ngôn, cách hành động của ông biểu lộ thái độ nội tâm ông. Người cha của đứa con đi hoang luôn trung thành với phụ tính của ông, trung thành với tình yêu lai láng mà ông vẫn có đối với con ông. Sự trung thành của người cha đối với chính bản thân mình được diễn tả đặc biệt, khi nhìn thấy đứa con trở về ông chạy ra ôm cổ hôn lấy hôn để. Tuy nhiên lý do của niềm xúc động này phải được tiến triển sâu xa hơn nữa: người cha ý thức rằng sự thiện cảm lo âu đã được cứu, đó là tính người của con ông. Mặc dù nó đã phung phí tài sản, nhưng tính người của nó vẫn còn nguyên vẹn. Hơn nữa, nó như được tìm thấy lại: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ vì em con đây đã chết nay sống lại đã mất mà nay lại tìm thấy” (DM 6)

Ở đây một lần nữa, chúng ta lại gặp một chân lý kỳ diệu là ăn năn, xưng tội với Thiên Chúa dễ hơn xưng tội với loài người. Thiên Chúa đoán xét nhân từ hơn những người ngoan đạo, tình yêu của Thiên Chúa rộng lớn hơn tình yêu của loài người, Chúa có thể tha thứ khi loài người không muốn tha thứ. Đứng trước một tình yêu như vậy, chúng ta không thể không trân trọng kinh ngạc, ngợi khen và yêu mến Ngài hơn.

Trở về trong tình thương

Trở về trong tình thương

Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị. Ở đó, chàng đã ăn chơi, trác táng… Kiếp sống sa đoạ đã đưa chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.

Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng, không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý: nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.

Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một cái áo bông mà lấy tất cả các áo trong nhà ra treo kín cả bờ dậu trước ngõ như một rừng cờ đón rước con trở về.

Thưa anh chị em, Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây phút. Tình yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh, và sai đầy tớ mở tiệc ăn mừng.

Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta. Chính lòng thương xót của Ngài đã cứu người con. Người con ôm gia tài của cha ra đi mang theo bao nhiêu ước mơ của tuổi trẻ: tự do, tình yêu, hạnh phúc… Nhưng rồi tất cả chỉ là ảo tưởng. Ước mơ hạnh phúc không thành. Cuối cùng chỉ còn là bụng đói, xác xơ, đau khổ và tủi nhục.

Điều gì đã đưa chàng thanh niên đến quyết định trở về? Phải chăng đau khổ, thất bại, vỡ mộng, bế tắc? – Không, nếu chỉ có vậy thôi, có lẽ không đủ lý do để anh dám mang mặt trở về. Bởi đã có biết bao người rơi vào tình cảnh túng quẫn như anh, đã không dám trở về. Họ đã buông xuôi, tuyệt vọng và đã giải quyết bằng cách tự tử. Phải có một cái gì khác trở thành động lực thúc đẩy anh trở về. Cái gì khác đó chính là tình yêu của người cha. Phải, nếu không tin vào tình yêu của người cha, chắc chắn anh sẽ không dám quay đầu trở về. Nhưng anh vẫn tin tưởng vào lòng yêu thương tha thứ của cha anh. Chính niềm tin vào lòng yêu thương của người cha đã đem lại tia sáng hy vọng, đã nâng anh đứng dậy, đã mở đường tạo lối thoát cho anh để trở về cùng cha.

Tội lỗi đưa đến chỗ bế tắc, đường cùng. Con người tự tách mình khỏi tình yêu của Thiên Chúa là đi vào chỗ chế, là “mất đi”. Tình yêu Thiên Chúa đã mở lối thoát, đã cảm hoá con người tội lỗi. Nếu không có tình yêu, không có ý thức tội lỗi, thì chỉ có mặc cảm tội lỗi mà thôi. Không phải nước mắt đổi mới tâm hồn con người mà chính là tình yêu của Thiên Chúa đổi mới tâm hồn con người sám hối. Nếu không có tình yêu của Thiên Chúa, nếu không tin mình được Thiên Chúa yêu thương, con người sẽ không tìm được con đường trở về. Phải tin mình luôn được Thiên Chúa yêu thương, phải tin rằng mình luôn có một chỗ rất đặc biệt trong trái tim Chúa, dù có bỏ ra đi, chỗ ấy vẫn không mất, chỗ ấy vẫn còn để trống, để chỉ dành riêng cho ta.

Tấm lòng của người cha thật nhân hậu, tốt lành. Người con chỉ mong có được một chỗ ngủ, một bát cơm ăn, một tấm áo mặc. Nhưng cha anh đã quảng đại vô biên, đã đón nhận người con với niềm vui rộn rã: mặc áo mới cho con, mang giầy dép cho con, rồi mở tiệc ăn mừng.

Tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Tình yêu của Ngài vượt quá mơ ước của chúng ta: “Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (Rm 5,20).

Trở về là gặp lại niềm vui xum họp. Trở về là “tìm lại được”, là “sống lại”. Tìm lại được sự sống, đó là ý nghĩa đích thực của việc hoán cải và cũng là lý do của niềm vui sâu xa nơi người cha. Người cha vui mừng mở tiệc không phải vì từ nay đứa con trở về sẽ giúp cho ông việc nầy sẽ làm cho ông việc nọ, mà chỉ vì từ nay anh sẽ được sống và được sống hạnh phúc dồi dào. Thật là một niềm vui hoàn toàn vị tha và rộng mở của người cha bao dung, nhân hậu.

Trong khi người cha tràn đầy niềm vui đón nhận sự trở về của người con với tất cả sự bao dung rộng mở: “Em con đã chết, nay lại sống” thì lòng người anh lại đầy tị hiềm và từ chối chia sẻ niềm vui của người cha: “cái thằng con của cha kia…”

Con của cha chứ không phải em của con. Anh tự loại mình ra khỏi gia đình. Anh kể công với cha anh như một người làm thuê, như một người tôi tớ, chớ không phải như một người con hiếu thảo: “Bao nhiêu năm qua con đã hầu hạ cha, chẳng hề trái lệnh cha, thế mà…”. Dù không bỏ cha, cũng chẳng bỏ nhà ra đi như người em, nhưng rõ ràng anh không phải là đứa con sống hạnh phúc bên cạnh cha mình. Anh vẫn gần mặt mà chẳng gần lòng.

Thưa anh chị em, chúng ta là những người con bướng bỉnh, những người con bụi đời, những người con ích kỷ của người cha nhân hậu. Người cha ấy đã đón nhận chúng ta trở về, không phải một lần, dăm ba lần, mà rất nhiều lần. Thiên Chúa là người cha luôn tha thứ cho chúng ta và đem chúng ta về với Ngài. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cứ muốn trốn khỏi người Cha đầy lòng khoan dung, nhân hậu? Sao chúng ta cứ muốn tách rời khỏi tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta trở về để tha thứ, để vui mừng, tiếp đón? Lòng nhân hậu Chúa vô biên, chúng ta đừng bao giờ quên điều ấy. Nếu chúng ta nhớ Thiên Chúa nhân lành vô cùng,chúng ta sẽ không chống đối Ngài, chúng ta sẽ cố gắng làm vui lòng Ngài.

Hôm nay tôi xin đề nghị: Hãy tỏ lòng biết ơn Chúa vì đã được tha thứ bằng cách ở lại trong tình yêu của Cha trên trời. Nếu chúng ta lỡ xa cách Chúa, hãy mau trở về với Ngài. Hãy cầu nguyện cho mình và anh chị em khám phá ra tình yêu của Chúa ngay giữa cuộc sống. Bắt gặp được tình yêu Thiên Chúa như Phêrô bắt gặp tia mắt của Chúa Giêsu khi chúng ta sa ngã. Chính tình yêu của Chúa mới cứu được chúng ta.

Thánh lễ thực hiện điều đó: ngay tại đây, trong lúc này, chúng ta, những người con đang gặp lại người Cha đầy lòng yêu thương tha thứ. Hãy tạo cho Ngài niềm vui xum họp và cùng chung vui với Ngài và với anh em một nhà.

 

Người cha nhân hậu

Người cha nhân hậu

Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.

Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các Kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.

Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.

NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT.

Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.

Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài, ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng. Không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa. Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!

Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con. Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng. Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân. Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về.

Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ. Nó không hề nghĩ đến tình thương. Nó chỉ nghĩ đến cái bụng. Về nhà để được ăn no. Chỉ có thế.

Người cha hoàn toàn quên mình vì con.

Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.

Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.

Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.

“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.

“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.

“Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.

Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho! Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.

MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ

Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn.

Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu. Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”. Nó muốn vun quén riêng tư. Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ”, đến “bạn bè” riêng của nó.

Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu. Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án. Thật là khác biệt ngàn trùng.

Cha đi tìm con

Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.

Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em. Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!

Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.

Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về. Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.

Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Xét mình, bạn thấy mình giống ai trong hai người con trong bài Tin Mừng?

2. Bạn có thấy tình yêu thương của người cha không?

3. Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” này?

4. Bạn có cần sám hối để trở về với Chúa là Cha không?

TGM Ngô Quang Kiệt

Hai người con, hai cuộc trở về

Hai người con, hai cuộc trở về

Hôm nay chúng ta đang ở vào thời điểm gần kề lễ Phục sinh. Giáo Hội muốn cho con cái mình tìm thấy được niềm vui sống, được kinh nghiệm hạnh phúc của một người được ơn tha thứ. Trên thực tế trong đời sống hằng ngày, có bao giờ chúng ta sống được niềm vui, niềm hạnh phúc của một người vừa thoát một hoạn nạn, một đau buồn, một cơn ác mộng và hiện đang sống trong một thực tế an toàn và thanh thản chưa? Tôi biết có một người tưởng mình mắc bệnh nan y ung thư đến thời trầm trọng chỉ còn chờ chết mà thôi. Đương sự buồn và người thân cũng rất buồn, nhưng sau khi giải phẫu cầu may, bác sĩ lại bảo là không phải ung thư, sẽ khỏi hẳn. Ai tả được sự vui mừng và hạnh phúc của người đó cũng như của thân nhân họ? Riêng cá nhân tôi, tôi cũng có kinh nghiệm của những giờ phút đó. Tôi xin được chia sẻ.

Đó là trong những năm vừa qua, thường trong giấc ngủ tôi hay có những cơn ác mộng, là thấy mình sống trong một hoàn cảnh bị đủ mọi thứ kìm kẹp hãi hùng, đến chừng giật mình hoàn hồn lại, nhận ra mình đang ở một thời đại tiên tiến. Như thế thì phải hiểu sự thoải mái, khoan khoái nhẹ nhàng đó còn lớn lao biết chừng nào. Khi con người thoát khỏi sự nguy hiểm đời đời là tội lỗi để trở thành con cái Thiên Chúa, khi con người được từ bờ diệt vong đời đời trở về sống trong ân sủng và tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hôm nay gần đến lễ Phục sinh, phụng vụ mời gọi mọi người chúng ta trên con đường trở về cùng Chúa, hãy có một kinh nghiệm của niềm vui đó, sự thanh thản đó, cùng chung bối cảnh đó.

Bài đọc thứ nhất hôm nay cho chúng ta thấy sự vui mừng hạnh phúc của dân Chúa, sau khi thoát khỏi nô lệ Ai Cập và nhất là được đặt chân trên miền Đất Hứa. Không còn nữa những ngày nô lệ cực nhọc, nhục nhã, hãi hùng. Không còn nữa những ngày lang thang trong sa mạc gian lao, nguy hiểm. Thánh Phaolô, nơi bài đọc thứ hai cũng nhắc nhở chúng ta, những người có đức tin hãy ý thức và hãy sống được cái kinh nghiệm thoát khỏi hãi hùng đến bến bờ cứu độ bình an đó. Ngài nhắc nhở rằng: "Anh chị em thân mến, nếu ai ở trong Đức Kitô thì người đó là một thụ tạo mới, những gì cũ đã qua đi rồi". Nói chung, tất cả Lời Chúa hôm nay đều mời gọi chúng ta đổi mới, trở về nhà Chúa để sống niềm vui gia đình và hạnh phúc trong tình cha con, anh chị em với nhau. Rõ ràng nhất, cảm động nhất phải là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm. Và chúng ta phải thấy rằng, muốn thực hiện cuộc trở về thật sự để sống trong niềm vui trọn vẹn, hạnh phúc hoàn toàn, mỗi người phải thi hành hai khía cạnh của một cuộc trở về. Đó là trở về cùng Chúa và trở về cùng anh chị em của mình, cùng những người chung sống với mình.

Hai người con trong bài Phúc Âm là hình ảnh của hai cuộc trở về đó. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn rõ hơn vào dụ ngôn nổi tiếng và tuyệt vời này của Chúa Giêsu, để thấy chính tình yêu, sự tha thứ, sự tìm về lại với nhau tạo niềm vui hạnh phúc cho con người. Trước tiên là tình yêu, tình yêu của người cha đối với cả hai người con bao la vô tận. Với người con phung phá trở về ông bảo: "Con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Với người con phân bì ghen ghét kia ông bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, mọi sự của cha đều là của con". Như thế trước sự phung phá hư thân của đứa em, cũng như trước sự ganh tỵ bướng bỉnh của người anh, người cha không rầy la trách móc chi cả, ông chỉ biết yêu thương, tha thứ để tạo lại niềm vui gia đình.

Kế đó, sự trở về của đứa con phung phá hoang đàng là động lực chính tạo ra niềm vui. Biết rằng dẫu anh trở về không vì thương cha, nhưng vì không còn chịu đựng được nữa cảnh nghèo đói túng thiếu, anh lại nhớ đến sự no đủ thoải mái ở nhà cha và nhất định đứng dậy trở về. Nhưng đối với lòng cha bao nhiêu đó đủ rồi. Người cha không cần chi nữa, miễn con mình đầy đủ, hạnh phúc vui tươi là được. Và niềm vui sum họp đó chỉ được trọn vẹn khi người con cả biết sẵn sàng tha thứ. Thật ra, người con cả ở nhà với cha nhưng cũng chẳng yêu thương gì cha anh. Nếu thương cha, anh phải cảm thấy lòng anh cùng một nhịp đập với cha vui mừng đón em về, đừng để cha phải chạy ra năn nỉ. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao trong dụ ngôn, Chúa Giêsu không nói người con cả có chịu vào nhà sum họp không, để người nghe thấy được niềm vui trong gia đình có trọn vẹn hay không? Thật ra, giải đáp cuối cùng đó Chúa để cho những người biệt phái và luật sĩ trả lời. Họ phàn nàn vì Chúa Giêsu tiếp đón những kẻ tội lỗi và không bao giờ chịu vào ngồi chung bàn. Vậy tùy họ kết luận. Nếu họ tha thứ và vào, đó là người con cả vào nhà; nếu họ cứ tiếp tục phàn nàn: "Ông này tiếp đón kẻ tội lỗi" tức là anh ta vẫn ganh tỵ và bướng bỉnh, nhất định đứng ngoài cuộc.

Trong Mùa Chay, để chuẩn bị sống lại với Chúa và hưởng hạnh phúc niềm vui mà phụng vụ hôm nay mong muốn chúng ta phải có được, mỗi người chúng ta phải trở về nhà cha. Muốn được một đời sống sung túc, chúng ta phải cày sâu cuốc bẩm, vất vả suốt ngày mới có; thì đời sống thiêng liêng vô cùng quí giá, không thể ngồi không mong hưởng được. Dầu đồng hóa mình với người con thứ nhất hay người con thứ hai, tất cả chúng ta hãy cùng bước chân vào nhà để chúc tụng lòng thương xót muôn đời của Chúa, và tận hưởng niềm vui, sự an bình, quên đi những ngày buồn sầu đói khổ, nguy hiểm, hận thù, ganh ghét đã qua.

Radio Veritas