“Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển“

“Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển“

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ trên Biển Hồ. Chúa chỉ cho các môn đệ bắt được nhiều cá, Chúa còn nướng cá và bánh cho các ông ăn. Khung cảnh thật ấm cúng.

Khung cảnh Thánh lễ cũng ấm cúng như vậy: chúng ta đang ngồi quanh bàn tiệc của Chúa. Chính Chúa dọn tiệc cho chúng ta và đang ở giữa chúng ta.

Xin cho bữa tiệc thánh này giúp chúng ta tin Chúa vững vàng hơn và yêu mến Ngài nồng nàn hơn.

II. Gợi ý sám hối

– Rất nhiều lần chúng ta dự Thánh lễ mà không ý thức sự hiện diện thân mật gần gũi của Chúa.

– Rất nhiều lần chúng ta rước lễ mà không ý thức mình đang hưởng dùng lương thực do chính Chúa dọn cho chúng ta.

– Rất nhiều lần chúng ta họp nhau trong Thánh lễ mà không chút tâm tình liên kết với những anh chị em cùng dự tiệc thánh với mình.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Cv 5,27b-32.40b-41)

Trích đoạn này từ sách Công vụ nhấn mạnh đến Danh Chúa Giêsu phục sinh:

– Vì rao giảng Danh Chúa Giêsu nên các tông đồ bị Thượng Hội Đồng Do Thái bắt.

– Dù vậy, ngay giữa Thượng Hội Đồng, các ông lại rao giảng Danh Chúa Giêsu.

– Sau khi được thả ra, các ông sung sướng vì đã có dịp chịu khổ vì Danh Chúa Giêsu, và tiếp tục rao giảng Danh Ngài.

2. Tin Mừng (Ga 21,1-9)

Phần cuối của Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan), tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria:

– Theo gợi ý của Phêrô, người số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.

– Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi: các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu nên sau đó đánh được rất nhiều cá (x. Lc 5,4-11)

– Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu: đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.

– Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.

3. Bài đọc II (Kh 5,11-14)

Trong một thị kiến, Thánh Gioan nhìn thấy Chúa Giêsu trong hình dáng của Con Chiên:

– Con Chiên đã bị giết, nhưng đã sống lại và xứng đáng được hưởng mọi quyền lực và vinh quang.

– Tất cả các thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất và ngoài biển khơi đều tôn thờ và tung hô Con Chiên.

IV. Gợi ý giảng

1. Sức khám phá của tình yêu

Một giọt nước nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng chỉ là một giọt nước, nhưng nếu nhìn bằng kính hiển vi thì lại là cả một thế giới sống động. Một cái hồ nếu được nhìn bởi một người nông dân thì cũng chỉ là một cái hồ, nhưng dưới mắt của một nghệ sĩ thì lại là cả một cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời không thể nào tả xiết.

Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là cùng một sự việc nhưng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy những cách nhìn khác nhau. Sự việc đã xảy ra trên hồ Tibêria cũng thế: lúc ấy trời còn tờ mờ tối, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với các tông đồ đang lúc các ông thả lưới đánh cá. Các ông tưởng là ma nên run sợ và định chạy trốn. Riêng có Gioan là nhận ngay ra ấy là Thầy. Do đâu mà Gioan đã nhận định sắc sảo được như thế? Thưa vì Gioan là tông đồ yêu mến Chúa nhiều nhất. Chính Tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng Tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.

Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau? thích chở nhau đi chơi? thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ! Phải không? Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác: Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sự sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha! Cho nên Thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.

Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.

2. Thủ lãnh giáo hội

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của một con người đã hết lòng yêu mến Chúa, và đã cảm nghiệm sâu xa ơn thứ tha của Người, được kể lại như sau:

Ông đến Rôma giữa lúc Nêrông đang bắt bớ đạo thánh. Một số người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, nên các tín hữu khuyên ông hãy chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.

Khi ra khỏi cổng, ông gặp một người đang vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis?” nghĩa là “Người đi đâu đó?” Người ấy trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu, vội vàng quay lại Rôma. Ông nhập vào hàng ngũ các tín hữu sắp chịu cực hình để an ủi họ và giúp họ giữ vững niềm tin. Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

Con người ấy chính là Phêrô, và cái chết ấy đã được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19).

Vâng, Phêrô một con người rất bộc trực, nóng nảy, hay sa ngã và sa ngã thậm tệ. Có lần Chúa đã gọi ông là Satan, và mới đây nhất, ông đã chối Chúa tới ba lần. Nhưng con người đầy khuyết điểm ấy Chúa đã chọn làm “Đá tảng”, thủ lãnh của Giáo Hội. Vai trò lãnh đạo của Phêrô được tỏ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay:

Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ trở về đời sống thuyền chài. Phêrô vẫn là người quyết định: “Tôi đi đánh cá đây”. Các môn đệ khác cũng đồng tình: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Đêm ấy, không bắt được con cá nào. Trời sáng, theo lời người khách lạ, thả lưới bên phải mạn thuyền, một mẻ cá bất ngờ. Khi vừa nghe Gioan nói: “Chúa đó!” Phêrô liền nhảy xuống biển, đến với Người. Ông rất nồng nhiệt, năng nổ, hăng hái.

Sau khi Thầy trò đã ăn điểm tâm xong, Người bắt đầu phỏng vấn thủ lãnh Phêrô để trao cho ông sứ vụ mới: “Này anh Simon, con ông Giona, anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không?”. Thật tình, ông rất ngượng ngùng vì ông mới chối Thầy tới ba lần, mà giờ đây Người lại hỏi ông có yêu mến Thầy không? Mới phản bội mà giờ lại nói yêu thương, quả là rất khó khăn; hơn nữa, Người lại hỏi tới ba lần! Có lẽ Phêrô đang nhớ lại lời Chúa nói trước đây: “Kẻ nào được tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn” (x. Lc 7,47). Vâng, Chúa đã tha thứ cho Phêrô ngay lúc Người quay xuống nhìn Ông từ trên dinh thượng tế, khiến nước mắt ông tuôn trào.

Ba lần chối Chúa thì ba lần Người cho ông cơ hội để nói lời yêu thương, để tuyên xưng lại niềm tin. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội: “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và cũng ba lần, Người trao cho ông sứ mạng cai quản Hội thánh của Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,17).

Từ đấy, Phêrô đích thực trở nên thủ lãnh của Giáo hội, chăm sóc đoàn chiên của Thầy, và cuối cùng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên. Phêrô đã chịu đóng đinh trên thập giá, để giữ vững niềm tin cho đoàn chiên, và để yêu thương đoàn chiên cho đến cùng, yêu “Như Thầy Đã Yêu”.

***

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho thánh Phêrô thật nhiều, và thánh nhân cũng đã yêu mến Người thiết tha.

Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa, cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương, để như thánh Phêrô, chúng con sẽ đi bất cứ nơi nào Chúa muốn đưa chúng con đi, cho dù nơi đó là thập giá, là cái chết thương đau.

Như thánh Phêrô, xin cho chúng con xác tín rằng: Hiến thân vì Chúa là lãnh nhận, nô lệ cho Chúa là tự do, và chết với Chúa là sống mãi muôn đời Amen. (TP)

3. Tình yêu và lý luận

Bài Tin Mừng tuần trước thuật lại cách mà Tôma đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh: Tôma đã tuyên bố “nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở bàn tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận, nghĩa là chỉ tin khi nào đã có đủ bằng cứng rõ ràng hiển nhiên. Còn bài Tin Mừng tuần này thuật lại cách mà Gioan đã nhận ra Chúa: một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. và Tin Mừng ghi chú “Gioan là người môn đệ Chúa yêu”. Chính Tình Yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra.

Như thế có hai con đường dẫn tới đức tin: Con đường thứ nhất là bằng lý luận để chỉ tin sau khi có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên; và con đường thứ hai là bằng tình yêu, nghĩa là vì yêu thương nên tin ngay không cần thắc mắc lý luận.

Trong vở tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” có hai anh em sinh đôi tên Chơn và Chất, giống hệt nhau từ nét mặt, tướng đi đến giọng nói. Trong một cuộc tranh đấu với địa chủ, Chơn bị bắt đày đi Côn Đảo. Nhưng một thời gian sau anh vượt ngục trở về thăm mẹ già khi ấy đã mù lòa cả hai mắt. Trong lúc Chơn đang ở nhà thì tên Hương Quản đến, Chơn nhanh trí giả làm Chất nên không bị lộ, nhưng ngay sau khi tên Hương Quản đi thì bà mẹ mù lòa ấy nói ngay: “Phải mày là thằng Chơn đó không?” Chơn chưa muốn cho mẹ biết nên trả lời “Không, con là thằng Chất đây mà, anh Chơn con còn đang ngồi tù mà”. Nhưng bà mẹ nói “thôi mà, con gạt ai được chứ gạt mẹ làm sao được, con chính là thằng Chơn của mẹ mà”. Chính tình yêu đã giúp cho người mẹ mù lòa ấy nhận ra con mình trong khi mọi người đều không nhận ra. Trường hợp của Thánh Gioan cũng vậy: trong khi mọi người đều không nhận ra Chúa Giê-su thì chỉ mình Gioan đã nhận ra, vì Gioan yêu thương Chúa nhiều.

Có lẽ vì thường nghe những luận điệu bôi bác niềm tin tôn giáo cho nên chúng ta bị ảnh hưởng và cũng nghĩ rằng chỉ có con đường nhận thức bằng lý luận, với những bằng chứng rõ ràng hiển nhiên là con đường độc nhất đúng. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh suy nghĩ lại xem, trong cuộc sống có bao nhiêu điều chúng ta tin tưởng mà đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên đâu? Rất ít, hầu hết những điều ta tin tưởng là do người khác dạy lại, nói lại cho ta biết, và vì yêu thương những người đó mà ta tin. Chẳng hạn những gì cha mẹ dạy ta khi ta còn nhỏ, những gì thầy cô dạy ta khi ta còn học ở trường. Vốn liếng kiến thức của chúng ta hầu hết là từ hai nguồn đó. Nhưng xét xem những điều ấy ta có được thấy tận mắt, sờ tận tay hay không, hay là khi được dạy thì ta tin ngay, vì ta yêu thương cha mẹ, yêu thương thầy cô mà tin vào lời nói của các đấng ấy. Cho nên xét cho cùng, chỉ trích những người có đạo đã tin không có đủ bằng chứng mà chỉ vì yêu thương mà tin thì là lời chỉ trích không đứng vững. Tác giả vở tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” nói trên cũng đâu phải là người có đạo, thế mà tác giả đã đề cao cách nhận thức rất cảm động của một người mẹ nhận ngay ra con mình nhờ vào tình mẫu tử thiêng liêng. Nghĩa là: ai cũng vậy, dù có đạo hay không có đạo, ai cũng có những nhận thức, những niềm tin không hẳn dựa vào những lý luận hiển nhiên mà chỉ dựa vào tình yêu.

Mà xem ra con đường tình yêu lại nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Khi các Tông đồ nói cho Tôma hay là Chúa Giê-su đã sống lại, Tôma đã không tin ngay, ông đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay, thậm chí còn đòi thọc cả bàn tay vào vết thương cạnh sườn Chúa. và rồi đang khi các Tông đồ kia vui mừng vì Thầy đã sống lại thì Tôma vẫn còn hoài nghi, ray rứt. Đến 8 ngày sau khi Chúa Giê-su hiện đến một lần nữa thì Tôma mới tin và mới được vui mừng như các ông kia. Còn đối với Gioan, vì yêu Chúa nhiều, nên chỉ vừa thấy bóng dáng lờ mờ của Chúa là Gioan đã nhận ra ngay và đã tin, một niềm tin rất nhanh chóng, rất nhẹ nhàng mà cũng không kém phần vững chắc.

Các bạn trẻ còn ở lứa tuổi hay thắc mắc về đức tin và cũng dễ bị lung lạc bởi những luận điệu bài bác đức tin. Hôm nay, chúng ta đã thấy có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc. Chúng ta hãy cũng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Nghĩa là một mặt chúng ta phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt rộng thêm để nhận biết thêm được những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết được, như thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay vậy!

4. Sự hiện diện của Đấng phục sinh

Các bài tường thuật về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra muốn giúp cho chúng ta hiểu biết về cách thức hiện diện của Ngài:

– Chúa đã hiện ra lúc các môn đệ đang làm công việc thường ngày là chài lưới à Người không ở đâu xa nhưng vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta và trong những công việc bình thường của chúng ta.

– Người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu là Gioan, vị tông đồ yêu mến Chúa đặc biệt à Tuy Chúa Giêsu luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không nhận ra Ngài. Muốn nhận ra Ngài thì cần có lòng yêu mến, như Thánh Gioan tông đồ.

– Chúa Giêsu đã nướng cá và bánh cho các môn đệ và sau đó cùng ngồi với họ quanh bếp lửa hồng để ăn bánh và cá nướng à Chúa Giêsu phục sinh không chỉ hiện diện bên cạnh chúng ta, mà còn chăm sóc chúng ta.

– Mặc dù Thánh Phêrô đã 3 lần chối Chúa, nhưng Chúa tha thứ cho ông và vẫn trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của Ngài à Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta không phải để bắt lỗi chúng ta, mà để trao cho chúng ta sứ mạng làm chứng về Ngài.

5. Đừng xóa sổ người ta

Một nhà độc tài kia không chấp nhận thuộc cấp của mình phạm sai lầm. Hễ lỡ phạm sai lầm, dù chỉ một lần, thì lập tức bị “xóa sổ”. Đôi khi chúng ta cũng cư xử như thế, nghĩa là xoá sổ người khác. Thế nhưng ai trong chúng ta lại muốn bị phán xét chỉ vì một lần lầm lỡ trong đời?

Sau khi Phêrô chối Thầy, lẽ ra Chúa Giêsu có thể xóa sổ ông vì tội yếu đuối, hèn nhát. Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Ngài không giáng cấp ông. Thậm chí Ngài còn không nhắc lại lỗi lầm của ông. Việc Giuđa phản Thầy là một việc có dự mưu và được thi hành một cách lạnh lùng theo đúng tính toán. Còn việc Phêrô chối Thầy không phải là có dự mưu. Nó là hậu quả của tính yếu đuối chứ không phải do tính xấu. Chúa Giêsu hiểu điều đó, bởi Ngài là kẻ thấu suốt lòng mọi người.

Sau bữa ăn sáng, Chúa Giêsu quay nhìn Phêrô và hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy hơn những người khác không?” Một câu hỏi lạ. Phải chăng Ngài còn chưa biết rằng ông rất yêu mến Ngài? Dù vậy Chúa Giêsu vẫn hỏi. Và Phêrô thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Phêrô đã nói thật, vì thực sự ông rất yêu mến Chúa Giêsu.

Mặc dù Phêrô có lỗi, nhưng Chúa Giêsu biết nơi ông cũng còn một phương diện khác, tốt hơn. Mạnh mẽ và yếu đuối cùng tồn tại trong cùng một con người. Chúa Giêsu khuyến khích Phêrô tiến lên. Ngài muốn ông bày tỏ công khai lòng yêu mến của ông đối với Ngài, bởi vì trước đó ông đã công khai chối Ngài.

Chúa Giêsu không ghi sổ tội của Phêrô, nhưng Ngài muốn ông làm một cái gì đó vì Ngài: chăm sóc đàn chiên của Ngài, nghĩa là yêu thương và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn. Có thể coi đây là việc đền tội cũng được, vì đây là cách đền tội tốt nhất, như sau này Phêrô viết: “Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).

Tôi dám chắc rằng Phêrô không bao giờ quên tội ông đã chối Thầy. Nhưng tôi không chắc rằng tội đó ám ảnh ông như cách nhiều người khác bị tội lỗi họ ám ảnh. Từ lần sa ngã ấy Phêrô đã học được một bài học lớn. Ông đã biết rằng ông không mạnh mẽ như ông nghĩ. Học được một điều gì từ kinh nghiệm thì tốt hơn rất nhiều so với học bằng lý thuyết. Điều chúng ta học được từ một lần sa ngã, mỗi khi nhớ lại sẽ khơi lên trong lòng chúng ta sự biết ơn hơn là sự dằn vật cắn rứt.

Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình thì là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng.

Phêrô có cơ sở để đứng dậy sau khi sa ngã. Chúng ta có thể hình dung rằng Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy Phêrô đứng vững trước Thượng Hội Đồng để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Chuyện của Phêrô là một an ủi lớn cho chúng ta. Xét cho cùng, chúng ta đều là những người tội lỗi, không kiên trì sống theo những điều chúng ta tin tưởng. Nhìn gương thánh Phêrô, chúng ta phải học biết tha thứ cho chính mình vì những yếu đuối và sa ngã nhất thời. Chúng ta không nên xét đoán bản thân mình hay xét đoán người khác dựa trên những sa ngã nhất thời ấy, mà phải xét đoán dựa trên cam kết sống suốt đời theo những điều mình tin tưởng. (FM)

6. Ơn gọi thứ hai

Ngày xưa có một người làm nghề đốt lửa. Một buổi chiều mùa đông khi anh đang trên đường về nhà thì trời đổ tuyết. Muốn tới nhà sớm, anh đi tắt qua một cánh đồng. Bỗng anh thấy một nhúm lửa, một nhúm lửa nhỏ thôi, chỉ cháy âm ỉ nhờ một vài que củi nhỏ. Quanh nhúm lửa ấy có một nhóm người vừa run lập cập vừa cố đứng sát nhúm lửa ấy để sưởi ấm. Nhưng nào có thấm tháp vào đâu. Anh dừng lại, nói vài lời ngắn ngủi với họ về giá trị của lửa, rồi vội vã đi tiếp.

Nhưng mới đi được một chút thì anh cảm thấy hối hận. Lẽ ra anh phải nán lại lâu hơn để giúp đám người ấy khơi to ngọn lửa. Nhưng mà nếu làm thế thì phải mất thêm giờ, có thể bị viêm phổi nữa. Vả lại chắc gì người ta sẽ biết ơn anh. Những suy nghĩ trái ngược nhau ấy khiến anh chần chừ. Nhưng sau cùng anh quay lại. Vừa thấy anh, mọi người đều vui mừng reo lên: “Tới đây, tới đây”. Không chờ mời lần thứ hai, người thợ đốt lửa ngồi xuống và khơi ngọn lửa to lên. Thế là mọi người đều được sưởi ấm. Ai nấy đều đồng thanh “Xin cám ơn anh đã dừng lại giúp chúng tôi”.

Về đến nhà, người thợ nhóm lửa lên giường ngủ ngay. Đêm đó anh mơ thấy Chúa hiện ra nói: “Ta đã chọn con làm người thợ nhóm lửa, nhưng con đã làm Ta thất vọng”. Anh giật mình thức dậy và không tài nào ngủ tiếp. Anh nhớ lại thời gian đầu làm nghề nhóm lửa anh đã coi việc đem lửa sưởi ấm cho mọi người là một nhiệm vụ cao đẹp thế nào; khi đó anh đã nhiệt tình giúp đỡ mọi người thế nào. Vậy mà với năm tháng dần trôi, anh trở nên lười biếng, tính toán, sợ mất giờ, sợ người ta không biết ơn anh. Tình yêu của anh đối với lửa đã lạnh nhạt. Ơn gọi của anh đã đông cứng.

Nhưng đêm nay Chúa đã hiện ra với anh. Ngài đã gọi anh lần thứ hai. Từ đó trở đi người thợ nhóm lửa hăng say trong nhiệm vụ, không sợ mất giờ, không ngại cực khổ nữa.

Trong Tin Mừng, có hai lần Chúa gọi Phêrô. Lần thứ nhất là lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ (Mc 1,16-18). Lần thứ hai là sau khi Ngài sống lại, và được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai lần cách nhau 3 năm. Trong 3 năm ấy, nhiều sự việc đã xảy ra, Phêrô đã khám phá thêm nhiều điều về Đấng đã kêu gọi mình, về nhiệm vụ mà Ngài muốn ông làm, và nhất là về chính bản thân của ông. Khi Chúa gọi Phêrô lần thứ hai, ông đã khôn ngoan hơn và khiêm tốn hơn. Vì thế, tiếng “Vâng” thứ hai của ông chín chắn và sáng suốt hơn nhiều so với tiếng “vâng” lần thứ nhất.

Câu chuyện của Phêrô là chuyện kêu gọi – sa ngã – và kêu gọi lại. Ơn gọi không phải là một lần Chúa gọi, một lần con người đáp trả, rồi xong. Tiếng Chúa gọi phải được ta nghe nhiều lần và đáp trả nhiều lần. Mỗi ngày Chúa mở ra một đoạn đường mời ta tiến bước, ngày hôm sau Chúa mở thêm một đoạn khác nữa. Ta càng bước theo, tiếng gọi của Ngài càng rõ hơn và lời đáp trả của ta càng sâu xa hơn và xác tín hơn.

Mọi ơn gọi đều là ơn gọi yêu thương: yêu thương Chúa, và yêu thương những chiên con chiên mẹ của Ngài, tức là yêu thương các anh chị em trong cộng đoàn của ta. (FM)

7. Chịu khổ vì Chúa

Bài trích sách Công vụ kể chuyện các tông đồ gặp sự chống đối của các nhà cầm quyền Do Thái. Nhưng khi các ông được thả ra, thì uy tín của các ông tăng thêm, đặc biệt là Phêrô. Thật khó mà tin được rằng cùng một con người ấy chỉ trước đó không bao lâu đã từng chối Chúa 3 lần. Bây giờ ông đứng giữa quãng trường mạnh dạn lớn tiếng làm chứng cho Chúa. Hơn nữa ông còn chịu khổ vì đã làm chứng như thế. Phêrô cùng các bạn đã bị nhốt vào tù, bị đánh đòn. Nhưng các ông lại hãnh diện vì đã chịu khổ vì Chúa. Bởi đâu Phêrô có lại sự can đảm như thế? Thưa bởi Chúa Thánh Thần, Đấng phù trợ các tông đồ.

Từ thời các tông đồ trở đi, vẫn luôn có nhiều kitô hữu, nhờ ơn Chúa giúp, đã vượt thắng sự sợ hãi để luôn can đảm làm chứng cho Chúa dù giữa muôn vàn khó khăn.

Rất dễ tin Chúa khi bạn quỳ gối nhắm mắt cầu nguyện trong nhà thờ. Rất dễ tin Chúa khi bạn sống an toàn xa cách những xáo trộn khó khăn. Nhưng tin Chúa như thế đó là một thứ tín ngưỡng quá nghèo nàn. Chúa mà bạn tin trong những lúc như thế đó là một Thiên Chúa bị giam hãm trong một cái khung chật hẹp.

Chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu. Ngài cần chúng ta làm chứng cho Ngài trong thế giới hôm nay. Mặc dù chúng ta không phải chịu nhiều gian truân bắt bớ như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta phải can đảm được đầu với những loại khó khăn khác, đó là đương đầu với sự xấu, đương đầu với khuynh hướng thờ ơ tôn giáo của nhiều người thời nay.

Chúng ta không thể biết trước ơn gọi làm kitô hữu sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu và sẽ đòi hỏi chúng ta những gì. Nếu chúng ta mà biết trước những nơi đó và những khó khăn đó thì có lẽ chúng ta rất sợ hãi. Về điều này thì chúng ta giống như Phêrô. Lần đầu tiên Chúa gọi ông thì ông chưa biết rốt cuộc ông sẽ chịu tử đạo. Nhưng chúng ta hãy cố gắng sống như Phêrô. Chúa dẫn ta đi đâu thì ta đi đấy. Chúa muốn ta chịu gì thì chúng ta chịu nấy. Và chúng ta tin tưởng rằng những gian truân chúng ta phải chịu vì Chúa sẽ được thưởng gấp trăm. (FM)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã chết và sống lại vinh quang, đem niềm vui cho toàn thế giới. Chúng ta hãy hân hoan ca tụng Người và dâng lời cầu xin:

1. Đức Thánh Cha (Gioan Phaolô II) kế vị thánh Phêrô / để củng cố niềm tin của Dân Chúa trên khắp hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa gìn giữ Người luôn được bình an / và ban choi Người được sức khỏe dồi dào.

2. Vâng lệnh Chúa Giêsu / các tông đồ đã thu được một mẻ cá lạ lùng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hoạt động rao giảng Tin mừng của các nhà truyền giáo / cũng đạt được những kết quả như lòng ước mong.

3. Không có Thầy / anh em không làm gì được / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu hiểu rằng / với ơn Chúa trợ giúp / họ sẽ đạt được những kết quả bất ngờ.

4. Hãy đi theo Thầy / Chúa Giêsu mời gọi thánh Phêrô / nhưng cũng mời gọi hết thảy những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn dấn thân theo Chúa / bất chấp mọi hiểm nguy gian khổ trong đời sống thường ngày.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh Phêrô mà xác nhận lòng thương mến của chúng con đối với Chúa, không phải bằng những lời nói suông mà bằng những việc làm cụ thể trong đời sống đức tin thường ngày. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu đã giao trách nhiệm cho Phêrô chăm sóc đàn chiên của Ngài là Giáo Hội. Giờ đây, chúng ta hãy hợp ý với Đức Giáo Hoàng và các Giám mục cầu nguyện cho Nước Cha trị đến.

– Sau kinh Lạy Cha: Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin Cha ban thêm cho chúng con lòng can đảm và trung thành dù phải sống giữa những thử thách khó khăn, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…

VII. Giải tán

Chúa đã tha thứ cho Phêrô và trao cho ông sứ mạng phục vụ anh chị em mình. Chúa cũng đã tha thứ tội lỗi chúng ta và khuyến khích chúng ta phục vụ anh chị em chúng ta. Anh chị em hãy ghi nhớ và thực hiện Lời Chúa. Chúc anh chị em ra về bình an.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Lãnh nhận sứ mệnh Chúa trao

Lãnh nhận sứ mệnh Chúa trao

Chúng ta đã có dịp nghe các thánh sử tường thuật việc Chúa gọi các môn đệ. Lời kêu gọi của Chúa là “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người”. Tuy nhiên với câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đặc biệt trao sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Người cho ông Phê-rô và sự kiện được lồng trong một khung cảnh cảm động và vô cùng ý nghĩa. Mỗi Ki-tô hữu có một sứ mệnh đặc biệt trong Giáo Hội. Vì thế, khi suy niệm việc Chúa trao sứ mệnh cho Phê-rô, chúng ta cũng không quên suy nghĩ về chính sứ mệnh của mình.

Trước hết, việc trao sứ mệnh là do Chúa Ki-tô Phục sinh, khác với việc Chúa kêu gọi môn đệ lúc Người khởi đầu sứ vụ. Thay vì mô tả sứ mệnh bằng việc giải thích thì Chúa lại dùng một sự kiện cụ thể là mẻ lưới cá lạ lùng. Sau những lần các môn đệ chứng kiến Chúa Phục sinh hiện ra tại Giê-ru-sa-lem, các ông đã trở về Ga-li-lê, vì theo lời thiên thần nói với các bà đã đến viếng mộ Chúa, là “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông, ở đó các ông sẽ được thấy Người” (Mát-thêu 28:7). Trong những ngày chờ đợi tại Ga-li-lê, các ông không biết làm gì nên rủ nhau đi đánh cá. Thế là bảy môn đệ “lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả”! Kết quả sứ mệnh Chúa trao không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta đâu.

Rồi chúng ta thấy có sự can thiệp của Chúa Giê-su. Vào ban sáng, Người hiện ra, đứng trên bờ hồ, nhưng các ông không nhận ra Người. Chúa ra lệnh thả lưới bên phải mạn thuyền. Bên trái hay bên phải thì khác gì nhau! Nhưng đó là lệnh của Chúa. Sứ mệnh cũng có những điều xem ra vô lý đối với chúng ta, mà lại hữu lý đối với Chúa. Quan trọng là lời hứa của Chúa. Nếu Người đã bảo “thì sẽ bắt được cá” là thế nào chúng ta cũng bắt được cá. Người chỉ đòi hỏi chúng ta thả lưới, rồi kéo lưới lên, mà lại còn “không sao kéo lên nổi”. Chúa không khi nào trao một sứ mệnh vô hiệu cả, bởi vì trong việc thi hành sứ mệnh ấy, Người luôn hiện diện. “Chúa đó!” Người môn đệ được Chúa thương mến đã nhận ra sự hiện diện của Người trước tiên. Tình yêu đích thực luôn giúp chúng ta nhận biết người mình yêu mến.

Tiếp đến là bữa tiệc giống như Bữa Tiệc Ly. Thánh Thể là môi trường để người thi hành sứ mệnh kết hiệp với Đấng trao ban sứ mệnh. Tình yêu chăm sóc của Chúa Phục sinh đối với môn đệ được biểu lộ qua hình ảnh thân thương: Chúa đã dọn sẵn “than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Một đêm làm việc vô hiệu, rồi kéo mẻ cá lạ vào bờ, chắc các ông đã mệt rồi. Cũng vậy, khi chúng ta mệt mỏi trong sứ vụ, Chúa sẽ chăm sóc chúng ta như Người đã chăm sóc môn đệ Người.

Tình yêu đòi phải được đáp lại bằng tình yêu. Việc Chúa đòi ông Phê-rô tuyên xưng tình yêu là một gương mẫu cho tất cả chúng ta, những người được Chúa yêu thương và trao ban sứ mệnh. Sứ mệnh và tình yêu không thể tách rời. Trao sứ mệnh vì yêu. Nhận và thi hành sứ mệnh cũng vì yêu. Có thực sự yêu thì mới chấp nhận phục vụ. Còn không yêu thì đâu khác gì những kẻ có quyền hành của thế gian này (Mác-cô 10:42-45).

Một lời kêu gọi cuối cùng khi Chúa trao ban sứ mệnh cho chúng ta, đó là “Hãy theo Thầy”. Để thi hành sứ mệnh Chúa trao, chúng ta không thể đi theo con đường riêng, nhưng là theo Chúa. Theo Chúa để biết rõ kế hoạch của Người. Theo Chúa để noi gương phục vụ và hành xử của Người. Theo Chúa để yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

Sứ mệnh của tôi là gì? Có thể đó vẫn còn là thắc mắc của nhiều người chúng ta. Sứ mệnh thường nằm ngay trong bậc sống và lối sống hằng ngày của chúng ta. Có sứ mệnh của giáo hoàng thì cũng có sứ mệnh của người giáo dân. Có sứ mệnh của cha mẹ, con cái, chủ nhân, thợ thuyền… Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thi hành sứ mệnh ấy sao cho hiệu quả hay không. Những bài học về sứ mệnh chúng ta học được qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay đều có thể áp dụng vào cuộc sống mỗi người. Nhưng xem ra điều quan trọng là chúng ta hãy nhận ra “Chúa đó!” và nghe rõ tiếng Người gọi “Hãy theo Thầy”!

Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi

YÊU MẾN CHÚA

YÊU MẾN CHÚA

Tin Mừng thuật lại hai tiếng gọi Chúa gọi Phêrô. Tiếng gọi đầu tiên là khi khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu (Mc 1,16-18). Tiếng gọi thứ hai sau khi Chúa sống lại như Tin Mừng hôm nay tường thuật. Hai tiếng gọi cách nhau ba năm. Dọc theo thời gian này, rất nhiều sự kiện đã xảy ra đối với Phêrô. Ông khám phá được nhiều điều về Thầy của mình, học biết nhiều công việc khi theo Thầy, và nhất là ông có kinh nghiệm gặp được chính bản thân mình.

Khi Chúa gọi lần hai, Phêrô đã là một con người khôn ngoan hơn và khiêm tốn hơn.

Bảy môn đệ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm tình thầy trò. Một đêm đen mờ mịt tại biển hồ Tibêria. Chúa Phục Sinh đã đưa đời Phêrô từ đêm đen thất bại ấy đi về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời. Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây. Bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Chúa Giêsu Phục Sinh đến với họ và ban tặng mẻ cá lạ lùng.

Sau mẻ cá, Đấng Phục Sinh hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa hỏi ba lần. Phêrô xác định cả ba lần lòng yêu mến Thầy, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến nặng thì hôm nay Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Ba lời xác định ấy là bình minh rửa tội quá khứ. Chúa trao đàn chiên cho Phêrô: “con hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy. Rồi Chúa nói: Thầy bảo cho con biết, lúc còn trẻ con tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, con đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi con chẳng muốn”. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: “Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào”. Thế rồi Chúa bảo ông: “Hãy theo Thầy”. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây “trên tảng đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được”. Từ đây, những trang sử vẻ vang của Giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.
 
Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Thánh Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát." (1Pr 5,2-4).
 
Ngày 19.03.2013, thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bài giảng lễ, ngài suy niệm: “…Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có ba lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải được linh hứng bởi sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, trung tín của thánh Giuse và như thánh nhân, ngài phải mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và đón nhận với lòng từ ái toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, những người trần trụi, đau yếu, tù đày (x.Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết làm sao để bảo vệ!”.
 
Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi đã phục vụ Giáo hội với lòng yêu mến nên ngài là một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt còn là người luôn biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ngài thông cảm với yếu đuối của người khác. Thánh Phêrô học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Đó là, dù ngài đã chối Chúa nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương ngài. Chính tình thương của Chúa đã thanh tẩy ngài khỏi mọi lỗi lầm. Cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là điều thật ngạc nhiên. Ân sủng là như thế đó.

Cũng như vậy, đối với Thánh Phaolô, tất cả là ân sủng. Khi được tha thứ và yêu thương, ngài đã hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô, sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi. Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2 Cr 11,23-27).

Thánh nhân viết từ ngục thất cho Timôthê: "anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì “tôi biết tôi đã tin vào ai. ..(2Tim 1,8-12). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt "chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyêt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2 Cr 4,8-9) Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1 Cr 5, 14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2, 20). Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống bôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô, mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?. .. Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39).
 
Ân sủng của Chúa đối với Thánh Phêrô hay Thánh Phaolô đều là tình yêu cứu độ.
 
Cuộc đời Phêrô đầy lỗi lầm nhưng ngài được Chúa yêu thương, được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt. Tại sao Chúa không trao Giáo hội cho một Tông đồ trí thức, có tài tổ chức, có tài hoạch định? Chúa không đòi hỏi nơi Phêrô về tài năng, thông thái, khôn ngoan mà chỉ đòi hỏi lòng mến Chúa. Sau ba lần hỏi “con có yêu mến Thầy không”, sau ba lần Phêrô xác định lòng yêu mến, Chúa trao Giáo hội cho ngài.
 
Yêu mến chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà  Chúa trao phó. Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình.
 
Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau? Thích chở nhau đi chơi? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ  đưa cho người khác thì quả là dại dột! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngốc nghếch! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ khạo! Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác. Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một niềm hạnh phúc, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất chí lý: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc. Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì ta thích cầu nguyện, ta thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực. Yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo cách miễn cưỡng.
 
Tình yêu Giêsu có sức mạnh cảm hoá con người và đối với bất cứ ai nếu họ biết đặt niềm tin nơi Ngài. Tình yêu Giêsu sẽ mở ra tương lai cho tội nhân, khép lại quá khứ để họ trở thành thánh nhân. Tình yêu Giêsu, một khi ta đã yêu Ngài thật sự, ta sẽ không còn hững hờ nữa mà dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời cho tình yêu Giêsu.
 
Mọi ơn gọi đều là tình yêu. Nhờ lòng mến Chúa nên chúng ta yêu mến Giáo hội và yêu thương anh em.
Chúa hỏi Phêrô: con có yêu mến Thầy không? Đó cũng là câu hỏi mỗi ngày Chúa hỏi tôi: con có yêu mến Thầy không?
 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Thánh Cha thành lập nhóm 8 Hồng Y cố vấn cho ngài

Đức Thánh Cha thành lập nhóm 8 Hồng Y cố vấn cho ngài

VATICAN. ĐTC Phanxicô thành lập một nhóm 8 Hồng y cố vấn cho ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và duyệt lại Tông hiến về Giáo triều Roma.

Thông cáo do Phủ Quốc vụ khanh công bố hôm 13 tháng 4-2013, cho biết ”ĐTC Phanxicô, – lấy lại đề nghị được đưa ra trong các khóa họp của các Hồng y trước mật nghị bầu Giáo Hoàng,- đã thành lập một nhóm các Hồng y để cố vấn cho ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và nghiên cứu một dự án duyệt lại Tông Hiến ”Mục tử nhân lành” (Pastor Bonus) về Giáo triều Roma.

Nhóm này gồm: ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, ĐHY Francisco Javier Errazurris Ossa, nguyên TGM Santiago de Chile, ĐHY Oswald Gracis, TGM Bombay Ấn Độ, ĐHY Reinhard Marx, TGM giáo phận Munich bên Đức, ĐHY Laurent Monsengwo Pasinaya, TGM Kinshasa, Congo, ĐHY Sean Patrick O'Malley, dòng Capuchino, TGM Boston, Hoa Kỳ, ĐHY Georg Pell, TGM Sydney Australia, ĐHY Oscar Andrès Maradiaga Rodriguez, dòng Don Bosco, TGM Tegucigalpa Honduras, làm điều hợp viên của nhóm. Sau cùng, là Đức Cha Marcella Semeraro, GM giáo phận Albano làm thư ký.

Khóa họp chung đầu tiên của nhóm được ấn định từ ngày 1 đến 3-10 tới đây, nhưng ngay từ bây giờ, ĐTC tiếp xúc với các HY nói trên”.

Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết nhóm 8 HY vừa nói chỉ có tính chất tư vấn chứ không có tính chất quyết định. Các cơ quan trung ương Tòa Thánh tiếp tục giúp ĐTC trong việc liên tục cai quản Giáo Hội, ngày qua ngày, qua các thẩm quyền được chỉ định.

Nói khác đi, các cơ quan trung ương Tòa Thánh, với các vị Tổng trưởng và Chủ tịch, vẫn giữ nguyên trách nhiệm của mình, trong khi nhóm 8 HY mới được thiết lập có nhiệm vụ góp ý kiến và cố vấn cho ĐTC trong những gì hữu ích trong việc cai quản Giáo Hội và dự án duyệt lại Tông Hiến Pastor Bonus (Mục Tử nhân lành), ban hành cách đây 25 năm về các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Cha Lombardi cũng nhận xét rằng 8 HY được chọn từ các đại lục khác nhau. Hiện nay, ĐTC đang làm quen và tìm hiểu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, với các cộng sự viên, và qua các cuộc tiếp kiến các vị Tổng trưởng và chủ tịch các cơ quan Tòa Thánh. (SD 13-4-2013)

G. Trần Đức Anh OP  – Vaitcan Radio

ĐTC PHANXICÔ: MỘT THÁNG TRONG CƯƠNG VỊ GIÁO HOÀNG

ĐTC PHANXICÔ: MỘT THÁNG TRONG CƯƠNG VỊ GIÁO HOÀNG

Thế là đã một tháng trôi qua, sau ngày vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo cất tiếng chào toàn thể thế giới tại quảng trường thánh Phê-rô. Chỉ với một thời gian ngắn, nhưng cái tên Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi vào trái tim của nhiều người. Ngài đã làm rung động trái tim họ với sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân hậu. Tất cả tín hữu Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo hội trong thời điểm khó khăn này. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài để lại dấu ấn trong lòng mọi người khi xin những người hiện diện tại Quảng trường thánh Phê-rô cầu nguyện cho vị Giám Mục Rô-ma của họ, trước khi ban phép lành cho họ.

Một ngày sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha đã đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để cầu nguyện. Vị Giám Mục Rô-ma mang theo một bó hoa nhỏ để dâng kính Đức Mẹ. Một cử chỉ đơn sơ nhưng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của vị Tân Giáo hoàng. Vào buổi chiều hôm đó, đức Tân Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Sistina với các Hồng y tham dự Mật nghị. Trong bài giảng của mình, ngài nói về ba động từ: bước đi, xây dựng và tuyên xưng. Ngài khẳng định rằng: trung tâm điểm đời sống của người môn đệ chính là thập giá Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh:

Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, ngày 14 tháng 3- Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)

Trong những ngày sau đó, khi giải thích lý do tại chọn Thánh Phanxicô Át-xi-di làm đấng bảo trợ cho triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cho thấy tình yêu đặc biệt của mình dành cho người nghèo, những người nghèo khổ nhất.

Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới thánh Phanxicô At-xi-di. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh, …Và Phan-xi-cô là người của hòa bình. Và như thế cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi: Phan-xi-cô At-xi-di (Gặp gỡ các nhà báo, ngày 16 tháng 03- Bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, sj).

Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua Chúa Nhật đầu tiên như một cha xứ bình thường. Ngài dâng lễ tại một giáo xứ nhỏ trong khuôn viên của Tòa thánh. Sau thánh lễ, ngài đã đứng ở cửa ra vào khoảng 30 phút để chào thăm tất cả mọi người tham dự thánh lễ. Dù thời gian đã khá muộn, nhưng ngài vẫn muốn nán lại để gặp gỡ hết mọi người. Dường như ngài khao khát ôm trọn toàn thể con chiên của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, trong buổi đọc Kinh truyền tin đầu tiên, trước hơn 100 ngàn tín hữu, Ngài đã say sưa nói về lòng thương xót Thiên Chúa – một chân lý đức tin tuyệt đẹp đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta (Angelus, 17 tháng 3).

Hai ngày sau đó, vào ngày lễ kính thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Khai Mạc sứ vụ Phê-rô của mình. Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đi bằng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để chúc mừng các tín hữu và ôm hôn các trẻ em. Rồi khi nhận ra có một người khuyết tật phía trước, ngài đã bước xuống xe, ôm hôn và chúc lành cho anh. Đức Thánh Cha thật gần gũi, ngài như một người cha, muốn ôm hôn con mình với tất cả tình yêu mến. Trong bài giảng, khi nói về sứ mạng của thánh Giuse, ngài liên hệ đến sứ mạng của chính ngài, đó là sứ mạng bảo vệ con người, bảo vệ nhau và bảo vệ toàn thể tạo vật. Và như thế, quyền bính của Giáo Hoàng cũng như toàn thể chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là để phục vụ.

“Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo Hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá”(Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phê-rô, ngày 19 tháng 3 – Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm).

Một trong những công việc phục vụ con người mà ngài phải thực thi đó là trở thành người bắc nhịp cầu, người thăng tiến hòa bình. Thánh Phanxicô At-xi-di là người xây dựng hòa bình, và khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha đã muốn đi theo con đường của thánh nhân. Đây là điều mà ngài tâm niệm và ao ước thực thi với trọn con tim mình. Trong buổi tiếp kiến với các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, ngài đã chia sẻ:

Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một người anh, người chị được chào đón và yêu thương (Gặp gỡ các Đoàn ngoại giao, ngày 22 tháng 3).

Một ngày sau, một sự kiện đã đi vào sử sách: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Biển Đức 16 tại Castel Gandolfo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội một Giáo hoàng ôm hôn Giáo hoàng danh dự. “Lần đầu hai Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi ăn với nhau”. Cuộc gặp gỡ này trở nên đặc biệt hơn khi nó diễn ra vào thứ bảy trước khi bước vào tuần thánh. Hôm sau, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng khích lệ họ:

Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! (Chúa Nhật Lễ lá, 24 tháng 03).

Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, tại một nhà nguyện nhỏ và đơn sơ trong nhà tù, Đức Thánh Cha đã tự mình làm những cử chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện hơn 2000 năm trước. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho 12 thiếu niên, trong đó có hai thiếu nữ và hai người Hồi giáo. Sau khi rửa chân, ngài lau sạch và hôn chân của các em, ngài đã thực hiện một cách hữu hình và sống động điều ngài đã từng nói: “người làm lớn nhất, phải là người phục vụ”. Vào buổi sáng hôm đó, Đức Thánh Cha đã dâng thánh Lễ Dầu với hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Trong bài giảng, ngài mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình để đi vào các biên cương, nơi con người phải chịu đau khổ nhất. Một người mục tử tốt lành phải là người biết và hiện diện với con chiên của mình.

Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận (Bài giảng trong Thánh lễ Dầu, ngày 28 tháng 03).

Và một người mục tử cần biết rằng “Thập giá của Đức Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ của thế gian”. Đó là lời Đức Thánh Cha đã nói tại buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí trường Colosseo vào ngày thứ sáu Tuần thánh. Đó chính là nguồn mạch hy vọng của mọi người Kitô hữu, vì nhờ tình yêu, Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết. Và trong niềm vui Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố cho toàn thể thế giới rằng: Đức Giê-su đã sống lại. Và ngài nhắn nhủ với mọi tín hữu rằng, hãy để Đức Giê-su phục sinh biến đổi đời sống mình.

Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Giê-su phục sinh! Hãy để cho lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Đức Giê-su yêu thương chúng ta, hãy để cho đời sống chúng ta được biến đổi nhờ vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy trở thành khí cụ của lòng từ bi ấy, trở thành những máng thông chuyển qua đó Thiên Chúa tưới gội trái đất, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công chính và hòa bình được nở hoa (Sứ Điệp Phục Sinh, ngày 31 tháng 03).

Trong niềm vui phục sinh, Ngài mời gọi mọi tín hữu hãy đi truyền giảng Tin Mừng, đó là sứ mạng của mọi người. Trong buổi Yết kiến chung ngày 3 tháng 4, ngài nhắn nhủ cách riêng với các người nữ rằng:

Điều này thật đẹp, và điều này nói lên sứ mạng của những người nữ, các bà mẹ. Hãy nêu chứng tá cho con cháu của mình rằng Chúa Giê-su đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã chỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy! (Yết kiến Chung, ngày 03 tháng 04).

Cuối cùng, vào ngày hôm qua, 12 tháng 4, sau một tháng trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cảm ơn Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh, với những lời lẽ đơn sơ diễn tả tâm tình biết ơn của ngài như sau:

Tôi biết rằng trong những ngày này – ngày mai là tròn một tháng – anh chị em đã phải làm việc cật lực hơn, và cũng làm thêm nhiều giờ hơn. Và anh chị em không được trả thêm cho những giờ “tăng ca” này, vì anh chị em đã làm việc bằng cả tấm lòng mình và điều ấy chỉ có thể được trả bằng lời “cảm ơn”, một lời “cảm ơn” đến từ sâu thẳm con tim, đúng không? Vì thế hôm nay tôi muốn đến đây để chào thăm và cảm ơn từng người một vì tất cả công việc mà anh chị em đã làm.

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Giáo Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa đồng hành và chúc lành cho ngài và cho sứ mạng của ngài trọng nhiệm vụ dẫn dắt Giáo hội là Hiền thê của Đức Giê-su. Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Thánh Cha.

Nguyễn Minh Triệu sj – Thế là đã một tháng trôi qua, sau ngày vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo cất tiếng chào toàn thể thế giới tại quảng trường thánh Phê-rô. Chỉ với một thời gian ngắn, nhưng cái tên Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi vào trái tim của nhiều người. Ngài đã làm rung động trái tim họ với sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân hậu. Tất cả tín hữu Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo hội trong thời điểm khó khăn này. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài để lại dấu ấn trong lòng mọi người khi xin những người hiện diện tại Quảng trường thánh Phê-rô cầu nguyện cho vị Giám Mục Rô-ma của họ, trước khi ban phép lành cho họ.

Một ngày sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha đã đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để cầu nguyện. Vị Giám Mục Rô-ma mang theo một bó hoa nhỏ để dâng kính Đức Mẹ. Một cử chỉ đơn sơ nhưng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của vị Tân Giáo hoàng. Vào buổi chiều hôm đó, đức Tân Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Sistina với các Hồng y tham dự Mật nghị. Trong bài giảng của mình, ngài nói về ba động từ: bước đi, xây dựng và tuyên xưng. Ngài khẳng định rằng: trung tâm điểm đời sống của người môn đệ chính là thập giá Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh:

Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, ngày 14 tháng 3- Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)

Trong những ngày sau đó, khi giải thích lý do tại chọn Thánh Phanxicô Át-xi-di làm đấng bảo trợ cho triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cho thấy tình yêu đặc biệt của mình dành cho người nghèo, những người nghèo khổ nhất.

Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới thánh Phanxicô At-xi-di. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh, …Và Phan-xi-cô là người của hòa bình. Và như thế cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi: Phan-xi-cô At-xi-di (Gặp gỡ các nhà báo, ngày 16 tháng 03- Bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, sj).

Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua Chúa Nhật đầu tiên như một cha xứ bình thường. Ngài dâng lễ tại một giáo xứ nhỏ trong khuôn viên của Tòa thánh. Sau thánh lễ, ngài đã đứng ở cửa ra vào khoảng 30 phút để chào thăm tất cả mọi người tham dự thánh lễ. Dù thời gian đã khá muộn, nhưng ngài vẫn muốn nán lại để gặp gỡ hết mọi người. Dường như ngài khao khát ôm trọn toàn thể con chiên của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, trong buổi đọc Kinh truyền tin đầu tiên, trước hơn 100 ngàn tín hữu, Ngài đã say sưa nói về lòng thương xót Thiên Chúa – một chân lý đức tin tuyệt đẹp đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta (Angelus, 17 tháng 3).

Hai ngày sau đó, vào ngày lễ kính thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Khai Mạc sứ vụ Phê-rô của mình. Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đi bằng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để chúc mừng các tín hữu và ôm hôn các trẻ em. Rồi khi nhận ra có một người khuyết tật phía trước, ngài đã bước xuống xe, ôm hôn và chúc lành cho anh. Đức Thánh Cha thật gần gũi, ngài như một người cha, muốn ôm hôn con mình với tất cả tình yêu mến. Trong bài giảng, khi nói về sứ mạng của thánh Giuse, ngài liên hệ đến sứ mạng của chính ngài, đó là sứ mạng bảo vệ con người, bảo vệ nhau và bảo vệ toàn thể tạo vật. Và như thế, quyền bính của Giáo Hoàng cũng như toàn thể chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là để phục vụ.

“Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo Hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh Giá”(Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phê-rô, ngày 19 tháng 3 – Bản Dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm).

Một trong những công việc phục vụ con người mà ngài phải thực thi đó là trở thành người bắc nhịp cầu, người thăng tiến hòa bình. Thánh Phanxicô At-xi-di là người xây dựng hòa bình, và khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha đã muốn đi theo con đường của thánh nhân. Đây là điều mà ngài tâm niệm và ao ước thực thi với trọn con tim mình. Trong buổi tiếp kiến với các đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, ngài đã chia sẻ:

Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một người anh, người chị được chào đón và yêu thương (Gặp gỡ các Đoàn ngoại giao, ngày 22 tháng 3).

Một ngày sau, một sự kiện đã đi vào sử sách: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Biển Đức 16 tại Castel Gandolfo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội một Giáo hoàng ôm hôn Giáo hoàng danh dự. “Lần đầu hai Giáo Hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo Hoàng ngồi ăn với nhau”. Cuộc gặp gỡ này trở nên đặc biệt hơn khi nó diễn ra vào thứ bảy trước khi bước vào tuần thánh. Hôm sau, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng khích lệ họ:

Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! (Chúa Nhật Lễ lá, 24 tháng 03).

Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, tại một nhà nguyện nhỏ và đơn sơ trong nhà tù, Đức Thánh Cha đã tự mình làm những cử chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện hơn 2000 năm trước. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho 12 thiếu niên, trong đó có hai thiếu nữ và hai người Hồi giáo. Sau khi rửa chân, ngài lau sạch và hôn chân của các em, ngài đã thực hiện một cách hữu hình và sống động điều ngài đã từng nói: “người làm lớn nhất, phải là người phục vụ”. Vào buổi sáng hôm đó, Đức Thánh Cha đã dâng thánh Lễ Dầu với hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Trong bài giảng, ngài mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình để đi vào các biên cương, nơi con người phải chịu đau khổ nhất. Một người mục tử tốt lành phải là người biết và hiện diện với con chiên của mình.

Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận (Bài giảng trong Thánh lễ Dầu, ngày 28 tháng 03).

Và một người mục tử cần biết rằng “Thập giá của Đức Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ của thế gian”. Đó là lời Đức Thánh Cha đã nói tại buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí trường Colosseo vào ngày thứ sáu Tuần thánh. Đó chính là nguồn mạch hy vọng của mọi người Kitô hữu, vì nhờ tình yêu, Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết. Và trong niềm vui Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố cho toàn thể thế giới rằng: Đức Giê-su đã sống lại. Và ngài nhắn nhủ với mọi tín hữu rằng, hãy để Đức Giê-su phục sinh biến đổi đời sống mình.

Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Giê-su phục sinh! Hãy để cho lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Đức Giê-su yêu thương chúng ta, hãy để cho đời sống chúng ta được biến đổi nhờ vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy trở thành khí cụ của lòng từ bi ấy, trở thành những máng thông chuyển qua đó Thiên Chúa tưới gội trái đất, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công chính và hòa bình được nở hoa (Sứ Điệp Phục Sinh, ngày 31 tháng 03).

Trong niềm vui phục sinh, Ngài mời gọi mọi tín hữu hãy đi truyền giảng Tin Mừng, đó là sứ mạng của mọi người. Trong buổi Yết kiến chung ngày 3 tháng 4, ngài nhắn nhủ cách riêng với các người nữ rằng:

Điều này thật đẹp, và điều này nói lên sứ mạng của những người nữ, các bà mẹ. Hãy nêu chứng tá cho con cháu của mình rằng Chúa Giê-su đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã chỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy! (Yết kiến Chung, ngày 03 tháng 04).

Cuối cùng, vào ngày hôm qua, 12 tháng 4, sau một tháng trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cảm ơn Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh, với những lời lẽ đơn sơ diễn tả tâm tình biết ơn của ngài như sau:

Tôi biết rằng trong những ngày này – ngày mai là tròn một tháng – anh chị em đã phải làm việc cật lực hơn, và cũng làm thêm nhiều giờ hơn. Và anh chị em không được trả thêm cho những giờ “tăng ca” này, vì anh chị em đã làm việc bằng cả tấm lòng mình và điều ấy chỉ có thể được trả bằng lời “cảm ơn”, một lời “cảm ơn” đến từ sâu thẳm con tim, đúng không? Vì thế hôm nay tôi muốn đến đây để chào thăm và cảm ơn từng người một vì tất cả công việc mà anh chị em đã làm.

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Giáo Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa đồng hành và chúc lành cho ngài và cho sứ mạng của ngài trọng nhiệm vụ dẫn dắt Giáo hội là Hiền thê của Đức Giê-su. Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Thánh Cha.

Nguyễn Minh Triệu sj – Vatican Radio
 

Buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ hôm 11/4/13.

Buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ hôm 11/4/13.

Buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ hôm 11-4-13.

Hôm 11/4/13, một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ. Qua cuộc điều trần lần này cho thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng bị vị phạm một cách trầm trọng.

Một ngày trước sự kiện “Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ” diễn ra ở Hà Nội, cuộc điều trần về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam do Dân biểu Chris Smith chủ trì được tổ chức ở văn phòng Quốc Hội Hoa Kỳ.

Phái đoàn tham dự cuộc điều trần lần này gồm có Cựu dân biểu Joseph Cao; ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam; Cô Anna Buonya, phát ngôn nhân của Tổ chức Nhân quyền Người Thượng; cô Danh Hui, đại diện cho các nạn nhân trong đường dây buôn bán phụ nữ; ông Trần Tiến, nạn nhân Công giáo trong vụ cưỡng chế đất đai ở Cồn Dầu và ông John Sifton, Giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch.

Việt Nam không có tự do

Sáu đại diện của phái đoàn lần lượt trình bày về tình trạng người dân Việt Nam ở trong nước phải chịu đựng sự sách nhiễu, bắt bớ và giam cầm do chính quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội người dân. Các diễn biến mới nhất được tường trình để minh chứng cho ngôn luận và tôn giáo ở Việt Nam không có tự do. Điển hình là trường hợp gia đình blogger Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy là nạn nhân bị quấy nhiễu vào hôm mùng 3 tháng 4 bằng hình thức quăng phân thối vào nhà lúc nửa đêm; trường hợp 14 thanh niên Công giáo – Tin lành ở Vinh bị án tù; trường hợp của phật tử lê Công Cầu bị thẩm vấn và bị buộc tội theo điều luật 87 và 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam do đăng bài trên internet kêu gọi Nhà nước công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất…

Ông Trần Tiến, một nạn nhân trong vụ cưỡng chế đất đai ở Cồn Dầu bị đánh đập, bắt bớ đã chạy trốn sang Thái Lan, vừa được định cư tại Hoa Kỳ, tường thuật lại cho các Dân biểu Hoa Kỳ nghe về hoàn cảnh của 100 gia đình giáo dân còn bám trụ ở giáo xứ Cồn Dầu đang tiếp tục bị chính quyền địa phương cô lập, bức hại do không đồng ý trong việc bị ép buộc di dời. Ông Trần Tiến cũng nêu lên trường hợp giáo dân Nguyễn Hữu Danh bị đánh đến chết trong vụ cưỡng chế đất sai trái này. Nạn nhân Trần Tiến nói trong buổi điều trần:

“Tôi tha thiết xin quý vị lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay mưu toan xóa sổ giáo xứ của chúng tôi; chấm dứt việc tra tấn đánh đập bạo hành của công an; và nhất là chấm dứt việc tịch thu tài sản của công dân. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn quý vị đã cho tôi có cơ hội lên tiếng cho đồng bào của tôi với tư cách là một người trong đất nước tự do”.

Cô Danh Hui, đại diện cho 15 cô gái nạn nhân trong vụ buôn người ở Nga có sự tiếp tay của các quan chức ngoại giao Việt Nam. Cô Danh Hui cho biết cuộc giải cứu 15 nạn nhân do cảnh sát Nga thự hiện bị trở ngại vì bà chủ chứa Nguyễn Thúy An được được các nhân viên thuộc cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Nga thông báo trước. Cô Danh Hui nói lời cảm ơn các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã góp phần vào việc cứu giúp các em. Cô Danh Hui phát biểu:

“Tôi hy vọng sau buổi điều trần này quý vị sẽ lên tiếng để cứu 8 em nạn nhân đang bị giam giữ ở Nga sớm được trở về sum họp với gia đình và bắt bà chủ nhà chứa ra chịu tội trước pháp luật, không để bà ta hoành hành hại người nữa. Hiện nay Hương và 6 em khác đã hồi hương, đang cần sự giúp đỡ và bảo vệ. Hiện nay Hương đang gặp tình trạng rất nguy hiểm, không dám trở về nhà để tìm việc làm mà phải lẩn trốn ở Sài Gòn bởi vì bà chủ nhà chứa hăm dọa sẽ cho người tìm và hại các em không để các em sống yên thân. Xin hãy nghĩ đến họ cũng như chính là con gái của quý vị”.

Kêu gọi gia tăng sức ép

Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, ông Võ Văn Ái lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ cần có những hành động để đảm bảo Việt Nam “không sử dụng cuộc đối thoại nhân quyền như tấm chắn để lung lạc sự kiểm tra quốc tế trước những cuộc đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền thái quá”. Trong phần khuyến nghị ông Võ Văn Ái nhấn mạnh về yêu cầu Hoa Kỳ đặt VN trở lại trong danh sách CPC cũng như không hậu thuẫn cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 nếu Việt Nam chưa có cải tiến nhân quyền thật sự.

Trả lời phỏng vấn của đài RFA sau cuộc điều trần, chủ tọa Chris Smith cho biết:

“Chúng tôi sẽ gia tăng sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ làm điều đúng đắn. Hiện chúng tôi có hai luật, luật bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người, mà chính phủ Việt Nam đã vi phạm. Các biện pháp chống lại việc buôn bán nô lệ, sự phức tạp nhân sự trong chính quyền Việt Nam trong nạn buôn người cho mãi dâm, chính phủ Mỹ phải trừng phạt họ về các vấn đề đó. Vấn đề thứ hai là tự do tôn giáo, đây là lúc cần đặt Việt Nam trở lại CPC. Có 18 vụ việc có thể đặt dưới luật Tự do tôn giáo. Chúng tôi cố vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Sự tái phạm của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền phải được ghi nhận bởi tổng thống Obama, bộ trưởng Kerry, Thượng viện, các quốc gia tôn trọng nhân quyền. Chúng tôi muốn cả Việt Nam phải nhận biết điều đó, là chúng tôi nói rằng chúng tôi không thể chịu đựng nữa sự im lặng vô cảm.”

Đại diện Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch, ông John Sifton nói rằng Việt Nam nên khôn ngoan cần phải cải tiến tình trạng vi phạm nhân quyền ở đất nước họ, chấm dứt vi phạm luật nhân quyền thế giới. Việt Nam nên theo trào lưu chung khi Miến Điện đã thay đổi, cả thế giới đã đổi thay về hướng dân chủ, nếu Việt Nam không muốn bị tụt hậu và Đảng cầm quyền không muốn bị loại trừ.

Hòa Ái tường trình từ Quốc Hội Hoa Kỳ.(RFA)

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Tòa Thánh về Kinh Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Tòa Thánh về Kinh Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12 tháng 4-2013, dành cho các thành viên Ủy ban Tòa Thánh về Kinh Thánh, ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các nhà chú giải luôn quan tâm đến hai nguồn mạch là Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Ủy ban vừa kết thúc khóa họp thường niên từ ngày 8 đến 12 tháng 4-2013 tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Gerhard Ludwig Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin. Trong 5 ngày họp, các chuyên gia quốc tế về Kinh Thánh đã kết thúc công trình nghiên cứu về đề tài ”Ơn linh hứng và chân lý Kinh Thánh”.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của đề tài này. Ngài nhắc lại rằng đức tin của chúng ta không chỉ có trọng tâm là một cuốn sách, nhưng là lịch sử cứu độ và nhất là một Nhân Vật là Chúa Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Chính vì thế, chân trời của Lời Chúa bao gồm và rộng lớn hơn Kinh Thánh. Để hiểu Lời Chúa một cách thích hợp, luôn luôn cần có sự hiện diện liên lỷ của Chúa Thánh Linh ”Đấng dẫn tới chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Cần đặt mình trong dòng đại truyền thống, dưới sự trợ giúp của Thánh Linh và sự dìu dắt của Huấn Quyến Hội Thánh, đã nhìn nhận các sách thuộc sổ bộ như Lời được Thiên Chúa gửi đến Dân Ngài”.
ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Nhà chú giải Kinh Thánh phải chú ý nhận thức Lời Chúa hiện diện trong các văn bản Kinh Thánh, đặt chúng giữa lòng đức tin của Giáo Hội. Việc giải thích các Sách Thánh không thể chỉ là một số gắng cá nhân về mặt khoa học, nhưng phải luôn luôn đối chiếu, hội nhập và được chứng thực nhờ truyền thống sinh động của Giáo Hội. Qui luật này có tính chất quyết định để xác định tương quan đúng đắn và hỗ tương giữa khoa chú giải và Huấn quyền của Hội Thánh”.

ĐTC giải thích rằng ”Các văn bản Thiên Chúa linh hứng được ủy thác cho cộng đồng các tín hữu, cho Giáo Hội của Chúa Kitô, để nuôi dưỡng đức tin và hướng dẫn đời sống bác ái. Sự tôn trọng bản tính sâu xa này của Kinh Thánh có ảnh hưởng tới chính giá trị và hiệu năng của khoa chú giải Kinh Thánh. Thái độ thiếu sót chính là sự giải thích Kinh Thánh một cách chủ quan, hoặc chỉ giới hạn vào một sự phân tích không có khả năng lãnh hội ý nghĩa bao quát đã hình thành Truyền Thống của toàn thể Dân Chúa qua dòng lịch sử. Trong trong đức tin, Dân Chúa không thể sai lầm (in credento falli nequit) (LG 12). (SD 12-4-2013)

G. Trần Đức Anh OP-Vatican Radio

Đức Thánh Cha cám ơn Ngân Quỹ Giáo Hoàng

Đức Thánh Cha cám ơn Ngân Quỹ Giáo Hoàng

VATICAN. Sáng ngày 11 tháng 4-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 120 thành viên Ngân Quỹ Giáo Hoàng và gia đình họ ở Mỹ về Roma hành hương thường niên và trao cho ĐTC ngân khoản của Quỹ này để trợ giúp các hoạt động từ thiện và tông đồ.

Phái đoàn được sự hướng dẫn của ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận thủ đô Washington, cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo Hoàng.

ĐTC nói: ”Trong 25 năm qua, từ khi thành lập Ngân Quỹ, anh chị em và các hội biên đã giúp đỡ Người Kế Vị Thánh Phêrô qua việc hỗ trợ nhiều công tác tông đồ và bác ái mà ngài đặc biệt quan tâm. Trong những năm đó, anh chị em đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhiều giáo phận tại các nước đang trên đường phát triển, tài trợ việc thường huấn cho giáo sĩ và tu sĩ, giúp đỡ và săn sóc y tế chữa trị cho người nghèo, tạo cơ hội huấn luyện và làm việc đặc biệt cần thiết”.

ĐTC Phanxicô cũng nhắc đến kỷ niệm đúng 50 năm ban hành Thông Điệp Hòa bình dưới thế của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23. Ngài cầu mong rằng dịp kỷ niệm này là một khích lệ các tín hữu càng dấn thân hơn trong việc thăng tiến hòa giải và hòa bình ở mọi bình diện.”

Ngân Quỹ Giáo Hoàng do Đức cố Hồng Y John Kroll, TGM giáo phận Philadelphia thành lập năm 1988 và có trụ sở tại thành phố này. Hàng năm tổ chức này vẫn cấp học bổng cho nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu, trong đó cũng có một số người Việt Nam. Tổng cộng quĩ này đã tài trợ 85 triệu mỹ kim cho việc xây cất nhà thờ, chủng viện, trường học, nhà thương hoặc các dự án săn sóc người nghèo trên thế giới. Trong số các dự án được tài trợ năm ngoái, có cả việc tái thiết một Đan viện Camêlô ở Argentina.

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio
 

Nhân quyền Việt Nam bị lưu ý trước thềm Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ

Nhân quyền Việt Nam bị lưu ý trước thềm Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ

Họp báo về tình hình nhân quyền Việt Nam tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 10-4-2013

                                       Hợp báo về tình hình nhân quyền VN tại trụ sở quốc hội Hoa Kỳ ngày 10 tháng 04 năm 2013

Một cuộc họp báo về tình hình nhân quyền Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 10/4 hai ngày trước khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ khai diễn ở Hà Nội.

Cuộc họp báo do dân biểu Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, chủ trì bắt đầu lúc 10:45 sáng (giờ thủ đô Hoa Kỳ) với phần trình bày và trả lời báo chí của một số nhà lập pháp Mỹ quan tâm đến nhân quyền Việt Nam và người Mỹ gốc Việt đại diện các tổ chức cổ xúy nhân quyền cho Việt Nam.

Trong số này, có tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, tổ chức khởi xướng cuộc vận động nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Mỹ lần này.
 
Ông Thắng cho biết thêm về nội dung và thông điệp của cuộc họp báo hôm nay:

Cuộc trao đổi này được thực hiện nửa tiếng trước khi buổi họp báo diễn ra ở Quốc hội. Chúng tôi sẽ có tường trình về diễn tiến buổi này, mong quý vị đón theo dõi.
 
Vào sáng 11/4 (giờ Hoa Kỳ) cũng tại trụ sở Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Các nhân chứng gồm đại diện các tổ chức nhân quyền-tôn giáo của người Việt hải ngoại và đại diện các nạn nhân bị buôn người sang Nga, bị đàn áp tôn giáo ở Cồn Dầu sẽ tập trung trình bày ba lãnh vực vi phạm nhân quyền tại Việt Nam bao gồm đàn áp tôn giáo, tra tấn và bạo hành bởi công an, và nạn buôn người.

Ngày 18/4 theo dự kiến sẽ có thêm một cuộc điều trần nữa cũng do dân biểu Chris Smith chủ tọa với trọng tâm nói về nạn buôn người tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói ông kỳ vọng sẽ có cuộc điều trần thứ ba vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau tập trung vào vấn đề tài sản của các giáo hội tại Việt Nam và của các công dân Mỹ gốc Việt bị nhà cầm quyền Hà Nội cưỡng chiếm.

Trà Mi-VOA

Hãy liên tục vun trồng các tương quan với Thiên Chúa là Cha và sống xứng đáng là con của Người

Hãy liên tục vun trồng các tương quan với Thiên Chúa là Cha và sống xứng đáng là con của Người

Tương quan với Thiên Chúa là Cha không phải là một kho tàng mà chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám hối và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Đó là phẩm giá của chúng ta. Hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thật của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10 tháng 4-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương đến từ Á châu như Philippines, Nam Hàn và Thái Lan. Hai đoàn hành hương đến từ xa nhất là đoàn hành hương của tổng giáo phận Buenos Aires Argentina và Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy bài giáo lý về tầm quan trọng của sự Phục Sinh đối với cuộc sống Kitô. Nếu không có sự phục sinh đức tin Kitô sẽ trờ thành vô ích. Đức Thánh Cha giải thích lý do như sau:

Đức tin của chúng ta dựa trên Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, y như một ngôi nhà dựa trên các nền tảng của nó: nếu các nền tảng này sụp đổ, thì ngôi nhà cũng sập. Trên thập giá Chúa Giêsu đã hiến dâng chính mình bằng cách mang trên mình các tội lỗi của chúng ta và xuống trong vực sâu của cái chết, và trong sự Phục Sinh Người chiến thắng và lấy đi các tội lỗi và mở ra cho chúng ta con đường tái sinh vào một cuộc sống mới. Thánh Phêrô diễn tả điều này một cách tổng hợp trong phần đầu thư thứ I của người như chúng ta đã nghe: ”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,3-4).

Thánh Tông Đồ nói với chúng ta rằng với sự Phục Sinh của Chúa Giêsu xảy ra một điều gì đó triệt để mới mẻ: đó là chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và trở thành con cái của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta được sinh vào một cuộc sống mới. Khi nào thì điều này được thực hiện cho chúng ta? Trong Bí tích Rửa Tội. Xưa kia, người ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng cách dìm mình trong nước. Người phải được rửa tội cởi bỏ y phục, bước xuống trong cái bồn lớn của Bí tích Rửa Tội, và vị Giám Mục hay Linh Mục đổ nước trên đầu họ ba lần, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Rồi người đã được rửa tội bước ra khỏi bồn và mặc y phục mới mầu trắng: nghĩa là họ đã được sinh vào một cuộc sống mới, bằng cách dìm mình trong Cái Chết và sự Sống Lại của Chúa. Họ đã trở thành con cái Chúa.

Trong thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô viết: ”Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em trở thành nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên ”Abba, Cha ơi” (Rm 8,15). Thần Khí thực hiện nơi chúng ta điều kiện mới này là con Thiên Chúa. Và đây là ơn lớn nhất mà chúng ta nhận được từ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đối xử với chúng ta như là con, Người hiểu biết chúng ta, tha thứ cho chúng ta, ôm ấp chúng ta, yêu thương chúng ta, cả khi chúng ta lầm lỗi. Trong Thánh Kinh Cựu Ước ngôn sứ Isaia đã khẳng định rằng cả khi một bà mẹ có quên con mình đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không bao giờ và không khi nào quên chúng ta” (x. Is 49,15). Đức Thánh Cha giải thích thêm về sự cần thiết phải phát triển cuộc sống mới là con Thiên Chúa của tín hữu như sau:

Tuy nhiên, tương quan là con với Thiên Chúa này không phải như là một kho tàng mà chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự vào các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám hối và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Và đó là phẩm giá của chúng ta. Chúng ta hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thật. Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải để cho Chúa Kitô biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giống như Người; nó có nghĩa là tìm sống như Kitô hữu, tìm cách theo Chúa, cả khi chúng ta trông thấy các hạn hẹp và các yếu đuối của chúng ta đi nữa. Cám dỗ bỏ Thiên Chúa ra một bên và để chính chúng ta vào trung tâm luôn luôn ở trước cửa, và kinh nghiệm về tội lỗi gây thương tích cho cuộc sống Kitô, cho sự kiện là con Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có can đảm sống đức tin, không để bị hướng dẫn bởi tâm thức nói với chúng ta rằng ”Thiên Chúa không cần thiết, không quan trọng đối với ngươi”. Trái lại: chỉ khi có cung cách hành xử như con cái Thiên Chúa, không ngã lòng vì các sa ngã của chúng ta, khi cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, cuộc sống của chúng ta sẽ mởi mẻ, được linh hoạt bởi sự thanh thản và tươi vui. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta! Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta!

Anh chị em thân mến, chúng ta phải là những người đầu tiên có niềm hy vọng chắc chắn này, và phải là một dấu chỉ hữu hình, rõ ràng, sáng láng của niềm hy vọng đó. Chúa Phục Sinh là niềm hy vọng không suy giảm, không gây thất vọng (x. Rm 5,5). Biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta các niềm hy vọng đã tan biến, biết bao nhiêu lần các chờ mong mà chúng ta mang trong con tim đã không được thực hiện! Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mạnh mẽ, chắc chắn, vững vàng trên trần gian này, nơi Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta tiến bước, và được mở ra cho sự vĩnh cửu, bởi vì được xây dựng trên Thiên Chúa, là Đấng luôn trung tín. Sống lại với Chúa Kitô qua Bí tích Rửa Tội, với ơn đức tin, cho một gia tài không hư nát, đem chúng ta tới chỗ tìm các điều của Thiên Chúa nhiều hơn, nghĩ tới Người nhiều hơn và cầu nguyện với Người nhiều hơn.

Là tín hữu Kitô không giản lược vào việc tuân giữ các điều răn, nhưng muốn nói rằng ở trong Chúa Kitô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu thương như Người; để cho Người chiếm hữu đời ta và thay đổi nó, biến đổi nó, giải thoát nó khỏi các tối tăm của sự dữ và tội lỗi.

Anh chị em thân mến, với người hỏi chúng ta về lý do niềm hy vọng trong chúng ta chúng ta hãy chỉ Chúa Kitô Phục Sinh cho họ, chúng ta hãy chỉ Người cho họ bằng việc loan báo Lời Chúa, và nhất là bằng cuộc sống phục sinh của chúng ta. Chúng ta hãy cho thấy niềm vui là con Thiên Chúa, sự tự do sống trong Chúa Kitô mà Người ban cho chúng ta, là sự tự do thật, tự do khỏi sự nô lệ sự dữ, tội lỗi và cái chết. Chúng ta hãy nhìn lền Quê hương trên trời, chúng ta sẽ có được một ánh sáng và sức mạnh mới cả trong dấn thân và các lao nhọc hằng ngày. Đó là một phục vụ qúy báu mà chúng ta phải trao ban cho thế giới này, thường không còn thành công trong viêc hướng cái nhìn lên cao, hướng cái nhìn về Thiên Chúa nữa.

Chào các đoàn hành hương khác nhau Đức Thánh Cha đã cầu chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui bổ ích. Chào đông đảo các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Giáo Hội mới mừng lễ Truyền Tin cho Đức Maria. Ngài xin Đức Mẹ linh hứng cho họ để họ luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa. Đức Thánh Cha xin Mẹ sưởi ấm con tim của các anh chị em đau yếu trong việc dâng hiến khổ đau của họ để cầu nguyện cho thiện ích của Giáo Hội. Ngài khích lệ các cặp vơ chồng mới cưới biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Người trong cuộc sống gia đình.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau khi ban phép lành Đức Thánh Cha đã đứng lâu chào các Giám Mục và một số quan khách. Tiếp đến ngài đã đến chào các tín hữu đứng hai bên trên thềm đền thờ thánh Phêrô. Đức Thánh Cha bắt tay từng người một, nói chuyện và lắng nghe họ. Ngài vuốt ve và hôn các trẻ em. Có một em bé tặng Đức Thánh Cha các hình em đã vẽ trên một mảnh giấy. Một bà mẹ xin ngài chúc lành cho bà và bào thai bà đang mang trong bụng. Đức Thánh Cha đã ban phép lành và đặt tay chúc lành cho thai nhi. Một Linh Mục xin Đức Thánh Cha làm phép một triều thiên mạ vàng để dâng kính Đức Mẹ, nhiều người đã xin Đức Thánh Cha chúc lành cho các chuỗi ảnh họ đem theo. Đức Thánh Cha cũng đã làm phép một tượng Đức Mẹ lớn đặt trên kiệu.

Trong khi đi vào nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã bảo dừng xe jeep lại để ngài xuống chào và ban phép lành cho các bệnh nhân ngồi trên xe lăn, Ngài đã hôn các trẻ em tàn tật và bắt tay thân nhân của họ đứng đàng sau.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC Phanxicô gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

ĐTC Phanxicô gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Ban Ki-moon, Pope FrancisĐức Thánh Cha tiếp kiến TTK LHQ Ban Ki-Moon

Sáng ngày thứ Ba 9 tháng 4 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon, và đã nói chuyện, thảo luận với nhau về các đề tài quốc tế, nổ lực chung cho việc cổ võ hòa bình, bảo vệ phẩm giá, nhân đạo cho con người từ việc căng thẳng tại bán đảo Đại Hàn cũng như tại Phi Châu và Syria.

Buổi  hội kiến đã diễn ra trong bầu khí thân tình. Hai vị cũng đề cập đến việc buôn bán người. Đức Thánh Cha đã nhắc đến phần đóng góp của giáo hội công giáo cho nổ lực bảo vệ phẩm giá con người và thăng tiến một nền văn hóa gặp gở đối thoại phù hợp với các mục đích tổ chức thế giới.

Đây là nhiệm kỳ thứ hai mà Tổng Thư Ký LHQ nhậm chức gần đây. Ông cũng đưa ra kế hoạch ngũ niên (5 năm) nhằm phòng ngừa các cuộc xung đột phát huy tình liên đới quốc tế và phát triển kinh tế có thể chịu đựng nổi.

Sau cuộc tiếp xúc riêng, ông Ban giới thiệu với Đức Thánh Cha các thành phần phái đoàn tháp tùng ông, kể cả phu nhân của ông, Tham Mưu Trưởng người Á Căn Đình của ông, và Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về giải giới vũ khí.

Đức Thánh Cha Phanxicô đi quanh phòng và tặng cho mỗi người một hộp đựng chuỗi Mân Côi, vẫn còn mang dấu hiệu của Đức Thánh Cha Benedict XVI; một phụ tá của Đức Thánh Cha cho hay ngài đang chờ đợi các chuỗi mân côi có mang dấu hiệu của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô có nói vài lời bằng tiếng Anh trong buổi gặp gỡ. Ngài tặng cho ông Ban một bức hình bằng đá cẩn mosaic, ngài nói “Xin tặng cho ông” rồi ngài chuyển sang tiếng Ý để nói là bức hình trình bầy một khung cảnh của Rôma.

Ông Ban Ki-Moon tặng cho Đức Thánh Cha một cuốn sách bọc bìa mầu xanh chứa đựng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Ả Rập, Trung Hoa, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Ông nói với Đức Thánh Cha là hiến chương phản ảnh “các mục tiêu và chủ đích của con người, mà ngài cũng cổ võ.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đi từ thư viện Giáo Hoàng đến nơi gặp Hồng Y Tarcisio Bertone, Tổng Trưởng Ngoại Giao (Quốc vụ Khanh)  Tòa Thánh, rồi nói vắn tắt với các phóng viên. Ông cho hay đã mời Đức Thánh Cha tới thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc – một lời mời Vatican đã ghi nhận, nhưng chưa cam kết tham dự — ông nói ông hết sức vui mừng vì Đức Thánh Cha đã chọn tên Phanxicô, vì danh xưng này đã trở nên có ý nghĩa là một sự cam kết cho việc kiến tạo hòa bình.

Trích và phỏng dịch từ Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm các Giám Mục tại Hoa Kỳ và Phi Luật Tân

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm các Giám Mục tại Hoa Kỳ và Phi Luật Tân

Hôm thứ Hai ngày 8 tháng 4 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Giám Mục Micjael Owen Jackels, trước đây coi quản giáo phận Witchita. Nay sẽ là Tổng Giám Mục của Dubuque, tiểu bang Iowa. Ngài cũng phong chức cho Đức Ông John Thomas Folda, là một linh mục của giáo phận Lincoln, tiểu bang Nebraska lên làm Giám mục tại Fargo tiểu bang North Dakota.

Tại quốc gia Phi luật Tân, ĐGH Phanxicô cũng chuyển đổi Giám mục Reynaldo Gonda Evangelista nguyên của giáo phận Boac đến giáo phận Imus.

Vatican Radio

Đêm Thắp Nến ủng hộ đồng bào trong nước thay đổi Hiến Pháp

Đêm Thắp Nến ủng hộ đồng bào trong nước thay đổi Hiến Pháp

Thanh Phong – Báo Viễn Đông

GARDEN GROVE – Sau Kiến Nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tuyên Bố của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Kiến Nghị của 72 vị nhân sĩ trí thức, Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do, Lời Kêu Gọi của cụ Lê Quang Liêm, Hội Trưởng Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo và đồng bào trong nước yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền làm người của mọi công dân, tôn trọng và thực thi dân chủ và tự do cho quê hương, trước mắt phải bỏ điều 4 Hiến Pháp dành độc quyền cai trị cho đảng Cộng sản Việt Nam, tại Hải Ngoại nhiều tổ chức, hội đoàn, tôn giáo đã ra Tuyên Cáo, tổ chức Thắp Nến Cầu Nguyện. Với mục đích trên, vào chiều thứ Sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2013, 5 tôn giáo lớn Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài và hơn 40 tổ chức, Cộng Đồng, Hội Đoàn, Đoàn Thể cùng đứng tổ chức chung Buổi Thắp Nến tại sân trường Trung Học Bolsa Grande, thành phố Garden Grove, Quận Cam.

Hội Đồng Liên Tôn và các vị đại diện các tôn giáo trong đêm thắp nến ngày 5 tháng 4 năm 2013

Các vị lãnh đạo tôn giáo

Hàng ngàn đồng hương cùng đầy đủ các vị lãnh đạo năm tôn giáo, quý vị dân cử cấp Liên bang, Tiểu bang và địa phương, trong đó có các vị dân cử gốc Việt: Thị Trưởng Tạ Đức Trí (Westminster), Phó Thị Trưởng Michael Võ (Fountain Valley); Nghị viên Chris Phan (Garden Grove), ông Bảo Nguyễn và Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (Học Khu Garden Grove). Về phía cộng đồng có Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa (Chủ Tịch) và toàn Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, ông Nguyễn Mạnh Chí (Chủ Tịch và toàn Ban Giám Sát CĐNVQG Nam Cali), ông Nguyễn Long và ông Nguyễn Văn Cừ (Chủ Tịch Ban Chấp Hành và CT. Ban Giám Sát Cộng Đồng Los Angeles, ông Nguyễn Văn Lực và bà Kim Trang (Chủ Tịch & Phó Chủ Tịch CĐNV San Diego), Bác sĩ Võ Đình Hữu (Chủ Tịch CĐNV Pomona) cùng hàng ngàn đồng hương tham dự.
Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm do Ban Tù Ca Xuân Điềm và CLB Tình Nghệ Sĩ phụ trách, ông Nguyễn Văn Liêm (Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo VN, Trưởng Ban Tổ Chức Đêm Thắp Nến) lên phát biểu, “Quý vị đang dùng những thì giờ quý giá để tặng hiến cho quê hương Việt Nam qua sự ủng hộ việc đòi thay đổi Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục VN, của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, của các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, của các vị nhân sĩ, trí thức và đồng bào trong nước. Như quý vị đã theo dõi tình hình thời sự tại VN trong những tuần lễ vừa qua, một cao trào nổi lên đòi hỏi thay đổi Hiến Pháp và những tiếng nói cất lên đều đồng thanh đòi hỏi quyền làm người, dân chủ và tự do.
“Trước sự đòi hỏi nghiêm trọng này, nhà cầm quyền CSVN đứng trước sự lựa chọn. Thứ nhất, thay đổi Hiến Pháp là con đường sống cho dân tộc và cho chính họ, Thứ hai, không thay đổi Hiến Pháp, họ sẽ phải đối diện với một làn sóng đứng dậy của người dân đủ mọi thành phần mà bạo lực có mạnh tới đâu cũng không thể ngăn cản được. Những tấm gương ở Trung Đông và Bắc Phi là những điển hình. Như vậy họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là thay đổi Hiến Pháp, mà thay đổi Hiến Pháp theo đòi hỏi của đồng bào trong nước là chấp nhận tự do dân chủ.
“Trong đêm thắp nến cầu nguyện này, chúng ta muốn gửi một Thông Điệp ủng hộ và hiệp thông với các vị lãnh đạo tôn giáo, các vị nhân sĩ trí thức và người dân trong nước về đòi hỏi thay đổi Hiến Pháp. Nói một cách rõ ràng là tranh đấu cho tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam.”
Sau đó ban tổ chức cho mọi người nghe lại những lời phát biểu của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của Linh Mục Phan Văn Lợi về vấn đề đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải thay đổi Hiến Pháp để người dân trong nước được hưởng tự do, dân chủ thực sự.
Sau một số bản hợp ca do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày, Hội Đồng Liên Tôn được mời lên khán đài, các vị thắp hương cầu nguyện trước Bàn Thờ Tổ Quốc và châm lửa từ bàn thờ sau đó mang xuống chuyển ngọn lửa cho các bạn trẻ thuộc 5 tôn giáo đứng thành hàng ngang trước khán đài.
Các bạn trẻ lại chuyển ngọn lửa của mình cho đồng bào đang tham dự. Phút chốc, hàng ngàn ngọn nến được thắp sáng, ánh sáng huyền diệu, lung linh được mọi người giơ cao lên trong lúc hiệp thông với các vị lãnh đạo tôn giáo dâng lời cầu nguyện. Đây là giây phút cảm động và ý nghĩa nhất. Sau đó, các vị dân cử được mời đem những ngọn nến đang cháy xếp thành hình bản đồ Việt Nam ngay phía trước khán đài, các đồng hương cũng đem nến sắp hình bản đồ cả phía trước lẫn phía sau lưng đoàn người đứng tham dự, tượng trưng ý nghĩa “Ngọn lửa đấu tranh cho VN sẽ không bao giờ tắt.”
Nghệ sĩ Việt Dũng kêu gọi mọi người cùng hô vang các khẩu hiệu: “Xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp,ủng hộ các vị lãnh đạo tôn giáo trong nước.” Trong khi đó rất nhiều người đã đến các bàn ký tên vào kiến nghị ủng hộ các vị lãnh đạo tôn giáo và đồng bào trong nước.
Mỗi tôn giáo đều trình bày một nhạc phẩm riêng: Phật Giáo với nhạc phẩm “Trầm Hương Đốt,” Cao Đài với bài “Nguyện Ca,” Công Giáo với “Kinh Hòa Bình.” Sau đó, một số vị dân cử được mời lên phát biểu, tất cả đều nói lên khát vọng chính đáng của người dân Việt Nam, lên án nhà cầm quyền CSVN và hoan nghênh tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt hải ngoại không phân biệt tôn giáo đã tổ chức Đêm Thắp nến đầy ý nghĩa này. Sau cùng, Ban Tổ Chức phổ biến một Tuyên Cáo Chung, và lời Cảm Tạ gửi đến tất cả đồng hương và quan khách tham dự. Đêm Thắp Nến được sự tham dự rất nhiệt tình của Ban Tù Ca Xuân Điềm, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Ca Đoàn Hương Nam cùng một số nghệ sĩ thuộc Trung Tâm Asia.
Chương trình được điều hợp bởi các MC: Minh Phương, Việt Dũng, Đỗ Tân Khoa và kết thúc sau 10 giờ tối.

Thắp nến cầu nguyện đêm 5 tháng 4 năm 2013

Linh Mục Thái đang phát biểu

Hãy luôn luôn tín thác nơi lòng thương xót Chúa và đừng sợ hãi là kitô hữu và sống như kitô hữu

Hãy luôn luôn tín thác nơi lòng thương xót Chúa và đừng sợ hãi là kitô hữu và sống như kitô hữu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ngài trưa Chúa Nhật lòng Thương Xót Chúa hôm qua. Đã có rất nhiều đoàn tín hữu đem theo hình Chúa Thương Xót và các biểu ngữ. Đặc biệt là các tín hữu Roma đã tham dự thánh lễ do Đức Hồng Y Giám Quản cử hành tại nhà thờ kính Lòng Thương Xót Chúa ở gần quảng trường thánh Phêrô.

Nhắc lại lời chào bình Chúa Giêsu nói khi hiện ra với các môn đệ Đức Thánh Cha nói với mọi người:
Đậy không phải là một lời chào, cũng không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là một ơn, là ơn qúy trọng mà Chúa Kitô cống hiến cho các mộn đệ sau khi đã đi qua cái chết và thế giới bên dưới. Ngài trao ban bình an như đã hứa: ”Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27). Sự bình an này là hoa trái của chiến thắng tình yêu của Thiên Chúa trên sự dữ, nó là hoa trái của sự tha thứ. Và qủa thật là như vậy: bình an thực sự, bình an sâu thẳm đến từ kinh nghiệm lòng xót thương của Thiên Chúa.

Tín hữu đã vỗ tay khi Đức Thánh Cha nhắc tới ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa, do Đức Chân Phước Gioan Phaolô II thiết lập. và người đã nhắm mắt lìa trần cách đây 8 năm vào chiều hôm trước ngày lễ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Phúc Âm thánh Gioan kể rằng Chúa Giêsu đã hiện ra hai lần với các Tông Đồ đóng kín trong nhà Tiệc Ly: lần đầu ngay buổi chiều ngày sống lại, lần đó không có Tôma, là người đã tuyên bố: nếu tôi không trông thấy và sờ vào Chúa, thì tôi không tin. Lần thứ hai, tám ngày sau, cũng có cả Tôma nữa. Chúa Giêsu nói với Tôma, mời ông nhìn các vết thương của Ngài và sờ vào chúng, và Tôma kêu lên: ”Lậy Chúa là Thiên Chúa của con” (Ga 20,28), Chúa Giêsu nói: ”Vì con đã thấy Thầy nên con đã tin; nhưng phúc cho những ai đã không thấy mà đã tin” (c. 29). Những người đã không trông thấy nhưng đã tin đó là là các môn đệ, các người nam nữ khác của thành Giêsusalem, dù đã không gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, nhưng đã tin vào chứng tá của các Tông Đồ và các phụ nữ. Đức Thánh Cha giải thích tầm quan trọng lời nói này của Chúa Giêsu như sau:

Đây là một lời nói rất quan trọng đối với đức tin, mà chúng ta có thể gọi là phúc thật của đức tin. ”Phúc cho những ai đã không thấy và đã tin”, đó là phúc thật của lòng tin. Trong mọi thời đại và tại mọi nơi phúc cho những ai, qua Lời Chúa được Giáo Hội rao giảng và các tín hữu kitô làm chứng, tin rằng Chúa Giêsu Kitô là tình yêu thương của Thiên Chúa nhập thể, là Lòng Thương Xót nhập thể. Và điều này có giá trị đối với từng người trong chúng ta!

Cùng với sự bình an của Ngài Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông Đồ để các vị có thể phổ biến trong thế giới ơn tha thứ tội lỗi, ơn mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban, và nó đã được trả bằng giá Máu của Con Thiên Chúa (x. Ga 20,21-23). Giáo Hội được Chúa Kitô phục sinh sai đi thông truyền cho con người ơn tha tội, và như thế làm cho Nước tình yêu được lớn lên, gieo vãi hòa bình trong các con tim, để nó cũng được vững mạnh trong các tương quan, trong các xã hội và các cơ cấu. Và Thần Khí của Chúa Kitô phục sinh xua đuổi sự sợ hãi khỏi trái tim các Tông Đồ và thúc đẩy họ đem Tin Mừng ra khỏi Nhà Tiệc Ly. Đức Thánh Cha nói:

Cả chúng ta nữa cũng hãy can đảm hơn để làm chứng cho đức tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh! Chúng ta không được sợ hãi là tín hữu kitô và sống như kitô hữu! Chúng ta phải có lòng can đảm này, ra đi loan báo Chúa Kitô Phục Sinh, bởi vì Ngài là sự bình an của chúng ta, Ngài đã trao ban cho chúng ta sự bình an với tình yêu thương cùng với sự tha thứ của Ngài, với máu và với lòng thương xót của Ngài.
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, chiều hộm nay tôi sẽ dâng thánh lễ tại Vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của Giám Mục Roma. Chúng ta hãy cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ giúp chúng ta, Giám Mục và Dân Chúa, tiến bước trong đức tin và trong tình mến, luôn luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Đấng luôn chờ đợi chúng ta, yêu thương chúng ta, tha thứ cho chúng ta với máu của Ngài và tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta đến găp gỡ Ngài và xin ơn tha thứ. Chúng ta hãy tin tưởng nơi lòng Thương xót của Ngài.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện, trong đó có các thành viên phong trào Tân Dự Tòng bắt đầu chiến dịch loan báo Chúa Kitô tại các quảng trường thành phố Roma. Ngài nói: ”Tôi mời gọi tất cả đem Tin Mừng vào mọi môi trường cuộc sống ”với sự dịu hiền và lòng kính trọng”. Anh chị em hãy đến các quảng trường và loan báo Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu độ của chúng ta”.

Vào lúc 5 giơ 30 chiều Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà chính tòa của Giám Mục Roma. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma và các Giám Mục Phụ Tá, trước sự tham dự của đông đảo các linh mục nam nữ và đại diện các hội đoàn và giáo dân các họ đạo Roma. Trước đó Đức Thánh Cha đã khánh thành tấm bia quảng trường chân phước Gioan Phaolộ II trước tòa Giám Quản. Trước khi bắt thánh lễ bắt đầu một số vị đại diện các thành phần dân Chúa Roma đã lên bầy tỏ sự vâng phục đồi với Đức Thánh Cha là Giám Mục Roma.

Cơ cấu giáo phận Roma bắt đầu được củng cố từ thời Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII. Thay thế Đức Thánh Cha cai quản giáo phận Roma có Đức Hồng Y Giám quảm, một Tổng Giám Mục phó giám quản, và 4 Giám Mục phụ tá đặc trách bốn vùng. Số Linh Mục của giáo phận là 746 vị, cộng với 119 Phó tễ vĩnh viễn, và có 145 Linh Mục đi truyền giáo. Số Linh Mục thuộc các giáo phận khác làm việc ở Roma là 689 vị. Số tu sĩ nam nữ được 30,000, thuộc 28 dan viên kín, 1,160 dòng nữ, 395 dòng nam, 41 tu hội đời, 20 hiệp hội tông đồ, và hàng chục tu hội giáo phận Roma và các giáo phận khác. Ngoài ra còn có gần 80 các nhóm và phong trào với lời khấn. Có khoảng 730 các nhà tổng quyền các dòng tu nam nữ, các nhà quản lý, nhà tỉnh dòng, trung tâm huấn luyện các dòng nam nữ.

Giảng trong thánh lễ nhận nhà thờ chính tòa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người đừng bao giờ đánh mất đi sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời Ngài, Thiên Chúa vẫn luôn gần gữi chúng ta và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Ngài. Sự nhẫn nại của Thiên Chúa phải tìm thấy nơi chúng ta lòng can đảm trở về với Chúa, cho dù chúng ta đã phạm lầm lỗi và tội nào đi nữa. Cũng như thánh Tôma chúng ta có thể vào trong các vết thương của Chúa Giêsu và thực sự sờ vào Ngài mỗi khi chúng ta lãnh nhận các Bí tích với lòng tin. Chính trong các vết thương của Chúa Giêsu chúng ta được an ninh vì tình yêu thương vộ bờ của trái tim Ngài được biểu lộ nơi đó. Vì thế phải có can đảm tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy để cho mình đươc bao bọc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy tín tưởng nơi sự nhẫn nại của Ngài, là Đấng luôn cho chúng ta thời gian để trở về nhà Cha. Hãy để cho Chúa yêu thương chúng ta và hãy gặp gỡ Ngài trong các Bí Tích để cảm nhận được sự dịu hiền và vòng tay yêu thương của Ngài hầu có thể xót thương, kiên nhẫn, tha thứ và yêu thương như Ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Lòng thương xót Chúa Thánh Faustina

Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu (Ga 15, 13) “Yêu như Thầy đã yêu” (Ga 15, 12). Chúa Giêsu đã yêu nhân loại đến nỗi chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha, gánh tội cho nhân loại và chết khổ hình trên Thập giá. Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”. (1 Ga 4, 8). Khi định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Thánh Gioan muốn nói lên tấm lòng đầy nhân hậu của Chúa, tình thương bao la của Ngài… Hôm nay, Giáo Hội tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa. Đây là Chúa nhật II Phục Sinh, Chân Phước Gioan Phaolô II đã ấn định toàn thể Hội Thánh mừng Lòng Thương Xót của Chúa vào năm 2001.

Vâng, vào năm 1930 một nữ tu người Ba Lan tên là Maria Faustina đã được Chúa Giêsu chọn để cổ võ Lòng Thương Xót của Chúa cho nhân loại, cho thế giới. Maria Faustina đã được hạnh phúc nhìn thấy Chúa Giêsu và diễn tả về Chúa Giêsu với tước hiệu “Lòng Thương Xót”, để các họa sĩ có thể vẽ lên khung hình, hình ảnh Lòng Thương Xót của Chúa với hàng chữ Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Ngài. Thánh nữ Maria Faustina đã thấy Chúa Giêsu mặc y phục mầu trắng, tay phải giơ lên trời ban phép lành, tay trái đặt vào ngực. Nơi trái tim của Chúa phát tỏa ra hai luồng sáng, màu đỏ và xanh lợt, tượng trưng cho Máu và Nước đã đổ ra trong cuộc thương khó hồng phúc khi chính trái tim của Ngài bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Ánh sáng xanh lợt tỏ lộ cho nước rửa sạch và thanh tẩy linh hồn. Ánh sáng màu đỏ tượng trưng cho máu, làm phát sinh sự sống mới cho linh hồn. Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn về trái tim thanh sạch, vẹn tuyền, tình thương vô bờ vô bến của Chúa Giêsu. Một trái tim luôn chạnh thương, một trái tim nhạy cảm trước những đau khổ, thử thách, hoang mang của cuộc đời. Chúa luôn quan tâm đến con người, đặc biệt trước những nhu cầu cần thiết của con người.Chúa đã nhạy cảm và thương xót đám đông bơ vơ đói, khát khi nhiệt tình nghe Chúa giản dạy. Chúa đã làm phép lạ hóa bánh và cá để nuôi sống họ. Chúa đã chạnh thương làm cho người phụ nữ băng huyết đã mười tám năm được lành bệnh. Chúa đã làm cho con bà góa thành Naim hồi sinh và Lazarô cũng hồi sinh sau bốn ngày chết và chôn trong mồ.Chúa chạnh lòng thương mười người phong cùi và chữa lành họ. Chúa yêu thương, chạnh lòng tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa chạnh lòng thương đứa con hoang đàng trở về với Ngài… Trái tim của Chúa thật vô cùng bao la.Tình thương của Chúa đời đời con ca ngợi (Tv 88 ). Các Tông đồ và hôm nay Tôma, sau tám ngày Chúa sống lại, hiện ra có cả Tôma nữa. Chắc chắn trái tim các ông đã phập phòng vì vui sướn, nhưng cũng không kém hồi hộp, âu lo. Tôma làm gì dám đưa bàn tay ra để đặt vào cạnh sườn Chúa, làm gì dám đưa ngón tay ra để thọc vào lỗ đinh tay, chân của Chúa. Cả Tôma và cả các tông đồ đều một phần cảm cảm nghiệm tình thương vô biên của Lòng Thương Xót của Chúa.

Các Tông đồ và Tôma cũng như các người phụ nữ đã tin vào Chúa sống lại. Họ đã kinh qua quá trình thử thách và rồi đức tin cứ tiệm tiến lớn lên. Họ đã hiên ngang làm chứng cho Chúa sống lại và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa.

Chỉ có tình yêu, chỉ có con tim nhân hậu, cảm thông, thương xót mới nói lên tấm lòng đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Thánh nữ Maria Faustina cho hay Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân, dẫu rằng có tội nhân đã hoàn toàn tuyệt vọng, nếu họ thực tâm hối cải và quay trở về với Chúa tình yêu. Tình yêu mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn cả sự chết. Trở về với Chúa, xưng thú tội lỗi và thật chừa cải tội lỗi chắc chắn sẽ được Chúa thứ tha.

Xin mượn lời của Cha Pr.Lâm Tấn Phát, Chánh xứ Tân Hồng, Đồng Tháp để kết luận những dòng suy niệm “Tóm lại, xin anh chị em nghe lời dạy của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ phải tôn kính, loan báo, và thực hành kêu van khóc lóc Thiên Chúa của Lòng Thương Xót Chúa…”.

Hãy thực hành giới răn yêu thương như Chúa dạy trong Tin Mừng. Hãy tín thác đời mình cho Chúa : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Thực hiện những điều Chúa dạy trên đây thì ngày phán xét sẽ là ngày vui cho ta.

Chúa Giêsu nói : “Ta đến với con trong giờ lâm chung không với tư cách Quan tòa để xét xử công minh mà đến với con như Vị Cứu Tinh nhân hậu giầu Lòng Thương Xót”.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh

Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.

Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.

Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.

Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.

Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

TGM Ngô Quang Kiệt

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM

Đức Giêsu đã phục sinh. Nhưng điều này đâu có quan hệ gì đến tôi, nếu Đức Giêsu cũng tương tự như bao người khác, cũng chỉ là một người như bao người khác: họ được nhưng đâu có nghĩa rằng tôi được? Đức Giêsu Phục Sinh chỉ ảnh hưởng tuyệt đối đến tôi, nếu Ngài là Thiên Chúa.

Qua các tông đồ Thiên Chúa của Đức Giêsu Phục Sinh hiện diện

Sau khi Đức Giêsu phục sinh, với sự trợ giúp của Thánh Thần, các tông đồ đã nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa. Và dưới tác động của Thánh Thần các tông đồ đã can đảm tuyên xưng, rao giảng Đức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại. Và hôm nay sách tông đồ công vụ cho thấy những người tin vào Đức Giêsu đã trở thành một nhóm đặc biệt, trở thành dấu chỉ của Đức Giêsu Phục Sinh cho con người thời đó.

Thánh Phêrô trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho con người. Bóng của Ngài ngả xuống trên bệnh nhân nào thì người đó được khoẻ lại. Có người nghĩ: không chừng các tông đồ còn làm được những điều lớn lao hơn cả Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng nói: “Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm người ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì Ta về cùng Cha” (Ga.14, 12).

Ngày xưa khi Chúa về trời, các tông đồ đã thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện; và ngày nay qua Hội Thánh nơi các tín hữu, Thiên Chúa cũng hiện diện với con người hôm nay.

Đức Giêsu Phục Sinh là Thiên Chúa

Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã nói những lời người Do Thái không thể chấp nhận được, như Ngài nhận Ngài có quyền tha tội (Mc.2,7), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 58), Ngài là một với Thiên Chúa Cha (Ga.10, 30), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa Cha (Mc.14, 62). Người Do Thái không thể chấp nhận những lời đó, nên đã lấy đá định ném chết Ngài. Nếu Ngài không là Thiên Chúa, quả thật Ngài phạm tội “phạm thượng”: là người phàm mà dám nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Ngài đã sống lại, nghĩa là, những điều Ngài nói là thật, vì nếu Ngài nói dối, Thiên Chúa đâu có phục sinh Ngài! Như vậy, Ngài có quyền tha tội (mà chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa thật.

Ngài là Thiên Chúa thật, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Và do đó, người ta biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, vì nếu không yêu con người, tại sao Thiên Chúa nhập thể làm người? Tại sao Ngài phải chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá? Tại sao Ngài mãi mãi là người? Chính vì tình yêu, vì yêu con người, mà Thiên Chúa trở thành một người như bao người. Thiên Chúa làm tất cả cho con người.

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con

Khi hiện ra với các tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Như vậy, các tông đồ, và sau đó là các Kitô hữu, có cùng sứ mạng với Đức Giêsu.

Sứ mạng của Đức Giêsu, của Ngôi Lời nhập thể, là làm sao để con người nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa! Để làm được điều này, Lời Thiên Chúa đã nhập thể, đã sống như một người hoàn toàn, đã hiến mình làm của ăn cho con người, đã chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá vì yêu con người, đã yêu con người đến chết.

Sứ mạng của các tông đồ, của Hội Thánh ngày nay, của mỗi người tín hữu, là làm chứng cho tình yêu, làm cho thế gian biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng. Để làm được điều này, cũng đòi tín hữu phải hy sinh, phải yêu thương con người ngày nay đến độ quên mình như Đức Giêsu. Thập giá minh chứng tình yêu. Lửa thử vàng, gian nan thử tình yêu. Tình yêu cải biến, chinh phục lòng người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo bạn, do đâu các tông đồ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa?

2. Các tông đồ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa khi nào? Tại sao bạn biết vậy?

3. Sứ mạng của các Kitô hữu hôm nay là gì?

Lm. Phạm Thanh Liêm

Tôma và con mắt thứ ba

Tôma và con mắt thứ ba

Cách xử sự của Tôma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay, những gì cân, đo, đong, đếm… được. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Khi tôi hỏi bạn bè: Tại sao bạn không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau? Họ trả lời thật đơn giản: “Có thấy đâu mà tin!”

Thế nhưng, có nhiều điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học ( bởi vì tình yêu, ý chí, trí tuệ… là những thực tại vô hình, không màu sắc, không trọng lượng, không khối lượng )… nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.

Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.

Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy. Nhà văn Saint-Exupéry đã khám phá ra điều nầy, ông viết: “L’essentiel est invisible pour les yeux” ( Thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được ). Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý…

Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi. Nhờ con mắt nầy, nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy vi trùng và những siêu vi cực nhỏ… Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng… Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát… Chúng giúp các nhà quân sự nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.

Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là ‘huệ nhãn’, giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình. Đối với Đức Giêsu, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Đức Tin. Nhờ “Con Mắt Đức Tin”, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục…

Tông đồ Tôma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay… mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo anh: “Nầy Tôma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi”, Tôma cho là chuyện đùa.

Cho dù Tôma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh đã tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giêsu hiện về. Anh đòi phải kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn… thì anh mới tin! Chúa Giêsu không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: “Tôma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.”

Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, “Con Mắt Đức Tin” để nhận ra Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức Tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu nhiên và đạt tới ơn cứu độ. Chúa luôn khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin. Chúa buồn phiền vì dân chúng thiếu lòng tin. Chúa khiển trách Tôma là kẻ cứng lòng tin. Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để chúng con nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại và nhận biết Thánh Thần Chúa là Đấng thánh hoá mọi người, cùng nhận biết mọi người là anh em thật của chúng con trong Chúa Kitô. Amen.

Lm. Trần Ngà