Dư luận trước phiên phúc thẩm các thanh niên Công Giáo và Tin Lành

Dư luận trước phiên phúc thẩm các thanh niên Công Giáo và Tin Lành

Thứ Năm ngày 23 tháng 5, tại Trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa Phúc thẩm thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội sẽ xử phúc thẩm 8 thanh niên Công Giáo và Tin Lành, thuộc trong số 14 người đã bị tòa sơ thẩm Nghệ an kết án nặng nề hồi tháng Giêng vừa rồi. Thanh Quang tổng hợp thông tin liên hệ và ghi nhận một số ý kiến, kể cả nhận xét của LS Hà Huy Sơn bào chữa trong phiên phúc thẩm này.

Thanh niên công giáo bị bắt giam

Hy vọng giảm án?

Sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án Tối cao VN đã quyết định xét xử phúc thẩm 8 thanh niên Công giáo và Tin lành, thuộc trong số 14 người đã bị án sơ thẩm thậm chí tới 13 năm tù về tội gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

LS Hà Huy Sơn trong phiên phúc thẩm này sẽ bào chữa cho 4 trong số 8 người kháng án, gồm Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Đình Cương, Hồ Văn Oanh và Trần Minh Nhật. 4 người kháng án còn lại, gồm Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung sẽ được các LS Trần Thu Lam và Vương Thị Thanh biện hộ. LS Hà Huy Sơn cho biết:

“Tôi bảo vệ cho 4 người, gồm 2 người mà tôi đã từng bảo vệ trong phiên sơ thẩm và giờ thêm 2 người nữa trong phiên phúc thẩm này. Trong số 4 người mà tôi bào chữa kỳ này, thì 3 người bị mức án từ 3 tới 4 năm trong phiên tòa sơ thẩm. Riêng Paulus Lê Văn Sơn bị án 13 năm tù đó, thì tôi hy vọng trong phiên phúc thẩm này, mức án của Sơn có thể thấp hơn. Tất nhiên là tôi chỉ hy vọng thôi, còn mức án thực sự trong phiên phúc thẩm này, tôi không chắc được là như thế nào.”

LS Hà Huy Sơn vừa mới thăm các thân chủ của ông và nhân tiện kể lại tình cảnh lao lý của các thanh niên yêu nước ấy:

“Tôi không nghe mọi người nói là họ bị đánh đập hay làm sao cả ngoại trừ lần trước, trường hợp của Trần Minh Nhật, thì có bị cán bộ bên ngoài vào, đánh vào mắt cá chân, nhưng không trầm trọng lắm. Nhưng sau này không còn tình trạng ấy nữa. Các thanh niên này tinh thần cũng bình thản thôi. Trong điều kiện bị giam giữ thì, cũng như lần trước tôi gặp, họ cho biết ở trại giam tại Nghệ An này, nước sinh hoạt mà họ phải dùng là nước lợ – mặn. Nước uống thì không đủ. Điện trong phòng giam thì không có. Mà hiện là mùa hè nóng nực nên không khí phòng giam rất ngột ngạt. Riêng Paulus Lê Văn Sơn bị kiểu như nấm lan cả người, nhất là ở phần ngực, bụng và tay rất nhiều, rất ngứa. Trong trại giam, điều kiện thuốc thang khi ốm đau, bệnh tật rất hạn chế.

Báo chí thì cũng có hạn thôi. Về sách Kinh Thánh, sau khi chúng tôi có văn bản đề nghị với các cơ quan tố tụng, thì sau đó họ có giao cho những thanh niên này sách Kinh Thánh. Tóm lại mỗi người đều có được sách Kinh Thánh, còn sách nào khác thì không có; tức gia đình có gởi sách vào nhưng có thể trại không cho họ nhận hay thế nào đó. Còn chuyện thăm nuôi thì tôi không thấy họ phàn nàn trong khi tôi lại không được gặp gia đình của họ. Nhưng tôi nghĩ mọi người trong trại tù ấy đều thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình nên cũng không thắc mắc nhiều lắm về chuyện gia đình thăm nuôi. Còn chuyện gia đình họ có thăm nuôi, có gởi quà hay không, hoặc những thanh niên này có nhận được quà thăm nuôi hay không, thì tôi không biết rõ chuyện ấy.”

Những bản án “bỏ túi”

Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm vừa nói, blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh có “suy nghĩ đơn giản” rằng phiên tòa phúc thẩm ấy cũng như phiên tòa sơ thẩm đã qua đối với các thanh niên yêu nước đó mà thôi. Và nhà báo Nguyễn Hữu Vinh lưu ý rằng những bản án “bỏ túi”, vô nhân, phi lý dành cho những người trẻ yêu nước đã khiến người dân cất lên tiếng nói của mình nhằm ủng hộ những nạn nhân đó:

“Cho đến nay, đã có mấy chục nghìn người yêu cầu trả tự do cho những thanh niên này bởi vì họ vô tội. Đó là lòng dân, đó là tiếng nói của công tâm, công chính, tiếng nói của xã hội thể hiện sự bất bình trước những bản án hết sức vô nhân đạo, hết sức vô lương tâm đối với những thanh niên yêu nước vốn hy sinh vì cộng đồng như vậy. Nói chung, người dân đã nhìn thấy rõ bản chất của phiên tòa là gì qua cách hành xử, xét xử, kết án, qua những hành động của nhà cầm quyền. Nếu như nhà cầm quyền tiếp tục bịt tai, bịt mắt để xét xử với những bản án nặng như vậy, thì hành động đó đã trả lời cho nhân dân biết rằng họ là ai, họ đang hành xử theo luật pháp như thế nào.”

Tình cảnh của những người trẻ Công Giáo và Tin Lành đang lâm nạn ấy khiến người ta không khỏi liên tưởng đến hai tù nhân lương tâm rất trẻ cũng vừa bị án tù oan sai nặng nề là Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vốn đã bày tỏ tinh thần bất khuất, không hề sợ hãi, ngay tại pháp đình Long An. Nhà báo J.B. Nguyễn Hữu Vinh nhận xét về sự biến chuyển quan trọng này ở giới trẻ có nhiệt tâm với vận nước, dân tộc:

“Tôi thấy rằng nếu như trước đây, những người đấu tranh cho sự tiến bộ cho đất nước, đòi một nền dân chủ thật sự cho Tổ Quốc, Dân tộc là những người lớn tuổi, như ông Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính chẳng hạn – là những người cao niên thao thức đến vận mạng đất nước, thì những phiên tòa gần đây, những hiện tượng gần đây, đặc biệt như phiên tòa vừa rồi dành cho Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha đang ở tuổi đôi mươi, thì điều đó làm tôi xúc động. Tôi nhận thấy chuyển biến xã hội hiện rất khác trước, rất rõ rệt, cho thấy thế hệ trẻ VN không phải vô cảm như người ta đã nghĩ, như báo chí nhà nước VN kêu gào.

Thế hệ trẻ VN hiện ý thức được mình là ai, ý thức được trách nhiệm của mình là gì trước dân tộc, trước đất nước, trước các hiện tượng tha hoá của xã hội. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu vui. Tôi phản đối những bản án bất công, vô nhân đạo đối với họ. Nhưng tôi tin rằng những bản án đó không thể làm cho thế hệ trẻ VN sợ hãi, không làm họ chùn bước trong bước đường mà họ đã xác định là đúng. Tôi thấy rằng hiện nay những người trẻ ấy đã thực hiện đúng lý tưởng của mình và họ quyết lên đường như vậy. Còn nhà cầm quyền, nếu nhìn thấy được điều đó thì họ hãy xét lại chính mình, xét lại những hành động của mình, và nên có cái gì để đáp ứng lòng dân.”

Phiên phúc thẩm này diễn ra trong bối cảnh công luận thế giới mạnh mẽ phản đối hành động đàn áp những người yêu nước ngày càng nặng tay của nhà cầm quyền VN, đặc biệt là hôm thứ Tư 22 tháng Năm này, 4 tổ chức nhân quyền quốc tế gồm các tổ chức Article 19 (Article 19) và Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Cho Giới Truyền thông (Media Legal Defence Initiative) trụ sở tại Luân Đôn, tổ chức nhân quyền Front Line Defenders ở Dublin và tổ chức Quốc tế Tự do Bày tỏ Cảm tưởng được thành lập tại Canada đã gởi thư cho giới lãnh đạo VN, kể cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lưu ý về tính bất chính của việc xét xử các thanh niên yêu nước này, lên án những bản án khắc nghiệt cùng việc họ bị ngược đãi trong tù, chỉ trích những điều luật hình sự mơ hồ để chống lại quyền tự do ngôn luận, lưu ý VN phải có nghĩa vụ bảo vệ Công ước Quốc tế về Các Quyền Chính trị và Dân sự mà họ đã ký kết, yêu cầu Hà Nội phóng thích tức khắc 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành này, cũng như phải bảo đảm sự an toàn và sức khoẻ cho các nạn nhân, bảo vệ pháp lý chính đáng, đồng thời trừng phạt những kẻ đe doạ và hành hung những thanh niên yêu nước ấy.

Thanh Quang – RFA

Tân Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Tổng quyền Dòng tu Nam

Tân Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Tổng quyền Dòng tu Nam

WHĐ (21.05.2013) – Cha Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, đã được bổ nhiệm làm tân Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Tổng quyền Dòng tu Nam (Union Internationale des Supérieurs Généraux, UISG). Hiệp hội này gồm hơn 200 Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu nam.

Cha Nicolas –hiện đang là Phó Chủ tịch– sẽ đảm nhận chức vụ Chủ tịch UISG với nhiệm kỳ 3 năm, thay cho cha José Rodriguez Carballo, O.F.M., đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào chức vụ Tổng thư ký Bộ Tu sĩ hồi đầu tháng Tư vừa qua. Cha Carballo (nay là Tổng giám mục) chỉ mới thi hành chức vụ này một năm. Vị Phó Chủ tịch UISG khác sẽ được bầu trong dịp Đại hội UISG, sẽ diễn ra vào tháng Mười Một sắp tới.

Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Tổng quyền là một cơ chế do Bộ Tu sĩ thành lập và thuộc thẩm quyền giáo hoàng. Hiệp hội này nhằm mục đích thăng tiến đời sống và sứ vụ của từng Dòng tu trong việc phục vụ Giáo hội, giúp cho sự hợp tác giữa các Dòng tu thêm hiệu quả cũng như liên lạc với Tòa Thánh và với hàng giáo phẩm sinh ích lợi. Tất cả các Bề trên Tổng quyền của các dòng tu hoặc các Hiệp hội đời sống tông đồ thuộc quyền giáo hoàng đều là thành viên của UISG. Các Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu cấp giáo phận có thể gia nhập UISG với tư cách thành viên phụ. Cơ quan cao nhất của UISG là Đại Hội đồng, nhóm họp mỗi năm ít nhất 1 lần, có trách nhiệm bầu chọn Hội đồng UISG để điều hành, bao gồm một Chủ tịch, Phó chủ tịch và 10 cố vấn. Các Bề trên Tổng quyền thành viên của UISG họp mỗi năm 2 lần để thảo luận các vấn đề và các mối quan tâm chung. UISG cũng làm việc thông qua nhiều Ủy ban, hoặc thường trực hay chỉ được thành lập khi cần thiết.

Cha Nicolas sinh ngày 29-04-1936 tại Palencia, Tây Ban Nha. Gia nhập Dòng Tên năm 1953 tại Aranjuez, Madrid, Tây Ban Nha. Thụ phong linh mục ngày 17-03-1967 tại Tokyo, Nhật Bản. Tốt nghiệp tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana.

Cha Nicolas từng đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Viện Mục Vụ Đông Á (EAPI) ở Manila, Philippines (1978-1984); Viện trưởng Học viện Thần học ở Tokyo (1991-1993); Giám tỉnh Dòng Tên Tỉnh Dòng Nhật Bản (1993-1999); Chủ tịch Vùng Đông Á–Úc của Dòng Tên (2004-2007) và Bề trên Tổng quyền Dòng Tên (từ 19-01-2008).

Minh Đức (HĐGMVN)

Chúa Thánh Thần trao ban cho tín hữu lòng can đảm loan báo Tin Mừng

Chúa Thánh Thần trao ban cho tín hữu lòng can đảm loan báo Tin Mừng

Chúa Thánh Thần trao ban sự sống, lòng can đảm và hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Ngôn ngữ của Người là ngôn ngữ của tình yêu thương và sự hiệp thông.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 23-5-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Ngay từ lúc trước 10 giờ các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã giới thiệu các nhóm tín hữu hành hương chính thức ghi danh tham dự buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Xe díp trắng chở Đức thánh Cha đã xuất hiện từ phía trái đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ 15 phút và đi qua các lối đi giữa quảng trường để ngài chào dân chúng. Trong hàng trăm đoàn hành hương cũng có một số tín hữu Việt đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ và một vài nơi khác. Từ Á châu có các đoàn hành hương Ấn Độ. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Argentina, Chile, Ecuador, Guatemala, Mehicô, Perù và Brasil. Từ phi châu có đoàn hành hương Angola.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bày đề tài giáo lý Chúa Thánh Thần và sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Ngài nói: trong Kinh Tin Kính ngay sau khi tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Thánh Thần, chúng ta nói: ”Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Có một dây nối kết sâu đậm giữa hai thực tại đức tin này: thật thế, chính Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Giáo Hội và hướng dẫn bước đi của Giáo Hội. Và Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định:

Không có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ không thể sống và thực hiện nhiệm vụ, mà Chúa Giêsu phục sinh đã giao phó cho Giáo Hội, là ra đi và làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành môn đệ (Mt 28,18). Rao truyền Tin Mừng là sứ mệnh của Giáo Hội, không phải chỉ là của vài người, mà là của tôi, của bạn, của chúng ta. Tông Đồ Phaolô đã kêu lên: ”Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Mỗi người phải là người loan báo Tin Mừng, nhất là bằng cuộc sống! Đức Phaolô VI nêu bật rằng ”rao giảng Tin Mừng… là ơn thánh và là ơn gọi riêng của Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (Evangelii nuntiandi, 14).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: Ai là động lực đích thật của việc loan báo Tin Mừng trong đời sống chung ta và trong Giáo Hội? Đức Phaolô VI đã viết một cách rõ ràng rằng: ”Chính Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng như trong thời đầu tiên của Giáo Hội, hoạt động nơi mỗi một người loan báo Tin Mừng để cho Ngài chiếm hữu và hướng dẫn. Ngài gợi lên cho họ các lời mà một mình họ không thể tìm ra, đồng thời bằng cách chuẩn bị tâm hồn của người lắng nghe để họ rộng mở và tiếp nhận Tin Mừng và Nước Chúa được loan báo” (Ibid, 75). Như vậy để loan báo Tin Mừng một lần nữa cần phải rộng mở cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, mà không sợ hãi điều Người đòi hỏi và nơi Người dẫn tới. Chúng ta hãy tín thác nơi Người! Người sẽ làm cho chúng ta có khả năng sống và làm chứng cho đức tin của chúng ta, và sẽ soi sáng con tim của những người chúng ta gặp gỡ.

Đó đã là kinh nghiệm trong ngày lễ Ngũ Tuần: trên các Tông Đồ hiệp nhất với Mẹ Maria trong Nhà Tiệc Ly xuất hiện các lưỡi như lưỡi lửa chia ra và đậu trên từng vị, và tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần và họ bắt đầu nói các tiếng nói khác, trong phương thế Thần Khí ban cho họ quyền diễn tả” (Cv 2,3-4). Chúa Thánh Thần khi xuống trên các Tông Đồ, khiến cho các vị đi ra khỏi căn phòng trong đó họ đã đóng kín vì sợ hãi, Người làm cho họ ra khỏi chính mình, biến đổi họ thành những người loan báo Tin Mừng và chứng nhân các kỳ công của Thiên Chúa (c. 11). Và sự biến đổi do Chúa Thánh Thần đã làm phản ánh trên đám đông chạy đến xuất phát ”từ mọi dân nước đưới bầu trời” (c. 5), bởi vì mỗi người lắng nghe các lời của các Tông Đồ như thể là được nói trong tiếng nói của họ (c. 6).

Ở đây có một hiệu qủa quan trọng đầu tiên trong hoạt động của Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và linh hoạt việc loan báo Tin Mừng: đó là sự hiệp nhất, sự hiệp thông. Tại Babel, theo trình thuật kinh thánh, đã bắt đầu sự phân tán của các dân tộc và sự lẫn lộn các tiếng nói, hậu qủa của hành động ngạo mạn kiêu căng của con người muốn xây dựng với sức riêng của mình, không có Thiên Chúa, một kinh thành và một cái tháp có đỉnh chạm tới trời” (St 11,4).

Vào lễ Ngũ Tuần các chia rẽ đó được vượt thắng. Khồng còn kiêu căng đối với Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau nữa, nhưng có sự rộng mở cho Thiên Chúa, có việc đi ra để loan báo Lời Người: một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào trong các con tim (x. Rm 5,5); một ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều hiểu, và khi tiếp nhận có thể được diễn tả ra trong mọi cuộc sống và mọi nền văn hóa. Đức Thánh Cha nói thêm về ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần như sau:

Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ của Tin Mừng là ngôn ngữ của sự hiệp thông, mời gọi vượt thắng các khép kín và thờ ơ, các chia rẽ và chống đối nhau. Chúng ta tất cả phải tự hỏi: tôi đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn như thế nào, để chứng tá đức tin của tôi là chứng tá của sự hiệp nhất và sự hiệp thông? Tôi có đem lời hòa giải và tình yêu là Tin Mừng tới cho các môi trường trong đó tôi sống hay không? Đôi khi xem ra người ta lập lại điều đã xảy ra với tháp Babel: đó là các chia rẽ, không có khả năng hiểu nhau, tranh giành, ghen tương, ích kỷ. Đem Tin Mừng là loan báo và sống, bắt đầu bằng chính chúng ta trước, sự hòa giải, tha thứ, hòa bình, hiệp nhất, tình yêu, mà Chúa Thánh Thần ban tăng cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại các lời của Chúa Giêsu: ”Từ điều này tất cả mọi người sẽ nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy: nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Có một yếu tố thứ hai: đó là ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô được tràn đầy Thánh Thần, đứng lên ”cùng với mười một tông đồ”, ”lớn tiếng” (Cv 2,14) và ”thẳng thắn” (c. 29) loan báo tin vui của Chúa Giêsu, là Đấng đã hiến mạng sống mình để cứu độ chúng ta và Thiên Chúa đã cho sống lại từ các kẻ chết. Đó là một hiệu qủa khác nữa của hành động của Chúa Thánh Thần: lòng can đảm loan báo sự mời mẻ của Tin Mừng của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người, với sự thẳng thắn, lớn tiếng, trong mọi thời và ở mọi nơi. Và điều này cũng xảy ra ngày nay đối với Giáo Hội và mỗi người trong chúng ta: từ lửa của lễ Ngũ Tuần, từ hành động của Chúa Thánh Thần luôn luôn tỏa thoát ra các năng lực mới của sứ mệnh, các con đường mới giúp loan báo sứ điệp cứu rỗi, và lòng can đảm mới để loan báo Tin Mừng. Chúng ta đừng bao giờ khép kín với hoạt động này! Chúng ta hãy sống Tin Mừng với lòng khiêm tốn và can đảm! Chúng ta hãy làm chứng cho sự mới mẻ, niềm hy vọng, niềm vui mà Chúa đem đến trong cuộc sống. Chúng ta hãy cảm nhận trong mình ”sự dịu ngọt và niềm vui ủi an của việc loan báo Tin Mừng” (Phaolo VI Evangelii nuntiandi, 80). Bởi vì loan báo tin Mừng, loan báo Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, trái lại ích kỷ trao ban cho chúng ta sự cay đắng, buồn sầu, nó đem chúng ta xuống thấp, còn rao giảng Tin Mừng đem chúng ta lên cao.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm quan trong thứ ba như sau:

Một việc loan báo Tin Mừng, một Giáo Hội loan báo Tin Mừng phải luôn luôn khới hành từ lời cầu nguyện, từ việc xin lửa của Chúa Thánh Thần như các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly. Chỉ có tương quan trung thành và sâu đậm với Thiên Chúa cho phép ra khỏi các khép kín và loan báo Tin Mừng với sự thẳng thắn. Không có lời cầu nguyện, hoạt động của chúng ta trở thành trống rỗng và việc loan báo của chúng ta không có hồn, không được linh hoạt bởi Thần Khí.

Rồi Đức Thánh Cha kết luật bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, như Đức Biển Đức XVI đã khẳng định, ngày nay Giáo Hội ”cảm thấy gió của Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường đúng đắn; và như thế với lòng hăng say mới chúng ta bước đi và cảm tạ Chúa” (Diễn văn nói với Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 27-10-2012). Chúng ta hãy canh tân mỗi ngày sự tin tưởng nơi hoạt động của Chúa Thánh Thần, hãy để cho Người hướng dẫn chúng ta, hãy là những con người nam nữ của lời cầu nguyện và can đảm làm chứng cho Tin Mừng, bằng cách trở thành các dụng của hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.

Chào các tín hữu nói tiếng Anh Đức Thánh Cha lại một lần nữa xin tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhận trận cuồng phong tại Oklahoma, đặc biệt là các trẻ em. Xin Chúa an ủi tất cả mọi người cách riêng cha mẹ của các em đã mất các em một cách thê thảm như vậy.

Với các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha đặc biệt chào các trẻ em mới chịu lễ lần đầu cùng với cha mẹ và các thầy cô dậy giáo lý của các em. Ngài cũng gửi lời chào tới tất cả các trẻ em trong năm nay lần đầu tiên nhận Chúa Giêsu Thánh Thể trong tim, và ngài cầu xin cho các em luôn tràn ngập niềm vui, sự an bình và tình yêu của Thiên Chúa. Với sự trợ giúp của những người thân xin Chúa cho các em luôn giữ gìn được sự trong trắng và lòng tin tưởng nơi Chúa trong suốt cuộc đời.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Trong khi Đức Thánh Cha bắt tay chào các cầu thủ đội banh Lazio họ đã tặng Đức Thánh Cha một cái áo mầu xanh. Còn cầu thủ Francesco Totti thuộc đội Roma tặng ngài một cái mầu áo mầu đỏ có viết tên Francesco.

Một cô dâu mới đã tặng Đức Thánh Cha cái mũ calốt trắng mới. Đức Thánh Cha đã đội ngay lên đầu và tặng lại chị cái mũ của ngài, trước sự kinh ngạc và vui sướng của đôi tân hôn.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu phục vụ người nghèo

Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu phục vụ người nghèo

VATICAN. Trong cuộc viếng thăm Nhà Hồng Ân của Đức Maria chiều 21 tháng 5-2013, ĐTC Phanxicô khích lệ các tín hữu phục vụ Chúa Giêsu nơi chính các anh chị em nghèo và bệnh nhân.

Nhà này ở sát biên giới giữa Vatican và thành Roma, cạnh trụ sở Bộ giáo lý đức tin, được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta khánh thành ngày 21 tháng 5-1988 như một nhà tiếp đón và giúp đỡ người nghèo. Mỗi ngày có hàng trăm người nghèo nam nữ được các nữ tu Thừa Sai bác ái và những người thiện nguyện trợ giúp lương thực. Ngoài ra Nhà có thể đón tiếp từ 50 đến 70 phụ nữ qua đêm, cũng như săn sóc y tế cho các phụ nữ nhờ một bệnh xá.

Đến nhà Hồng Ân của Đức Maria, ĐTC đã được ĐHY Comastri, Tổng đại diện của ĐTC tại Thành Vatican, các nữ tu và khoảng 100 người tiếp đón. Một nữ tu đã choàng vòng hoa cho ngài theo thói quen của người Ấn Độ. Rồi Nữ Tu Mary Prema Pierick, người Đức, Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai bác ái, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và cám ơn ngài đã nhận lời mời đến viếng thăm Nhà Hồng Ân nhân kỷ niệm đúng 25 năm thành lập nhà này.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC nhiệt liệt cám ơn và đề cao lòng nhiệt thành phục vụ của các nữ tu và những người thiện nguyện, làm cho lòng yêu mến của Giáo Hội đối với người nghèo được trở nên cụ thể hữu hình.

ĐTC đã quảng diễn bài huấn dụ dựa trên danh xưng của ”Nhà Hồng Ân Đức Maria”, như một nơi tiếp đón thân thiện, trong tinh thần gia đình và yêu thương. Như một hồng ân, một món quà, nhà này trao tặng sự tiếp đón, trợ giúp vật chất và tinh thần cho nhiều anh chị em đến từ nhiều nơi trên thế giới. Nhưng cả các anh chị em đón nhận sự trợ giúp ấy cũng là một hồng ân, một món quà cho những người phục vụ. ĐTC nói:

”Anh chị em nói với chúng tôi rằng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân không phải là một cái gì trừu tượng, nhưng rất cụ thể: yêu Mến Thiên Chúa có nghĩa là nhìn thấy nơi mỗi người khuôn mặt của Chúa mà chúng ta cần phụng sự, phục vụ Ngài một cách cụ thể. Anh chị em thân mến, anh chị em chính là khuôn mặt của Chúa Giêsu!

Cũng trong chiều hướng đó, ĐTC khẳng định rằng ”Tất cả chúng ta cần phục hồi ý nghĩa của sự trao tặng, sự nhưng không và tình liên đới. Chủ nghĩa tư bản luật rằng dạy phải theo tiêu chuẩn đạt tới lợi lộc với bất kỳ giá nào, cho đi để được nhận lại, bóc lột và chẳng cần để ý đến ai… Và chúng ta thấy hậu quả của chủ thuyết ấy trong cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua! Nhà Hồng ân này là một nơi dạy về đức bác ái, dạy cách đi gặp mỗi người, không phải để thủ lợi, nhưng vì tình thương. Âm nhạc của Nhà này là tình thương! Và tôi hài lòng vì các chủng sinh từ các nơi trên thế giới đến đây để cảm nghiệm một kinh nghiệm trực tiếp về sự phục vụ. Như thế các linh mục tương lai có thể một cách cụ thể một khía cạnh thiết yếu trong sứ mạng của Giáo Hội và biến kinh nghiệm ấy thành một kho tàng cho sứ vụ mục tử của mình”.

Sau cùng, ĐTC cũng nêu cao sự kiện Nhà này là một hồng ân của Mẹ Maria.. Mẹ là gương mẫu và là một khích lệ cho những ngừơi sống trong Nhà này và cho tất cả chúng ta, hãy sống đức bác ái đốivới tha nhân, không phải như một nghĩa vụ xã hội, nhưng khởi hành từ tình yêu của Thiên Chúa… Tại nhà này, mỗi người tìm cách yêu mến tha nhân, nhưng đồng thời cũng để cho tha nhân yêu mến”.

Sau bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã bắt tay chào thăm từng người hiện diện và trở về nhà trọ thánh Marta gần đó lúc 6 giờ chiều (SD 21-5-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu hiệp ý cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22 tháng 5-2013, ĐTC nói:

”Thứ sáu, 24 tháng 5 tới đây là ngày lễ kính Đức Mẹ Maria, Phù Hộ các tín hữu Kitô, rất được tôn sùng tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải.

”Tôi mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo trên thế giới hãy hiệp ý trong kinh nguyện với các anh chị em chúng ta ở Trung Quốc, để khẩn cầu Thiên Chúa ơn loan báo, với lòng khiêm tốn và vui mừng: Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại, ơn trung thành với Giáo Hội của Chúa và với Người Kế Nhiệm thánh Phêrô, ơn sống hằng ngày trong sự phục vụ đất nước và đồng bào của mình một cách phù hợp với đức tin mà họ tuyên xưng”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Lấy lại một vài lời trong kinh kính Đức Mẹ Xà Sơn, tôi muốn cùng anh chị em khẩn cầu Mẹ Maria như sau: ”Lạy Đức Mẹ Xà Sơn, xin Mẹ nâng đỡ quyết tâm của những người tại Trung Quốc, giữa những vất vả thường nhật, để họ tiếp tục tin tưởng, hy vọng và yêu mến, để không bao giờ sợ nói về Chúa Giêsu cho thế giới và thưa với Chúa Giêsu về thế giới này”.

”Xin Mẹ Maria là Trinh Nữ Trung Thành, nâng đỡ các tín hữu Công Giáo Trung Hoa, làm cho sự dấn thân không dễ dàng của họ ngày càng trở nên quí giá hơn trước mặt Chúa, và làm gia tăng lòng yêu mến và sự tham gia của Giáo Hội ở Trung Quốc trên hành trình của Giáo Hội hoàn vũ”.

Hồi năm 2007, ĐTC Biển Đức 16 đã thiết lập ngày 24-5 là Ngày Cầu nguyện cho các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc. Trong những năm qua, Nhà Nước Trung Quốc thường cấm cản các cuộc hành hương của các tín hữu Công Giáo từ các nơi muốn đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải. Riêng Giáo phận Thượng Hải, Đức Cha Alois Kim Lỗ Hiến, GM Thượng Hải mới qua đời hôm 27-4-2013, hưởng thọ 94 tuổi. Đức GM Phụ tá Tađêo Mã Đại Thanh (Ma Daqin), thụ phong GM ngày 7-5-2012, nhưng bị Nhà Nước Trung Quốc cấm cản không cho thi hành sứ vụ và bị quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn (SD 22-5-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio    

Liệu Mỹ có đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC?

Liệu Mỹ có đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC?

RFA 21 tháng 05 2013

Ngày 20 tháng 5 2013 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo tự do tôn giáo toàn cầu 2012 trong đó có một chương về Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam dù đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ có đặt Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC theo như đề nghị của Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế?

Thất vọng về báo cáo tự do tôn giáo

Đến hẹn lại lên, những người quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam năm nay một lần nữa được đọc bản báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu do Bộ ngoại giao Mỹ công bố hôm 20 tháng 5 vừa qua. Thậm chí có người có thể còn hy vọng rằng Mỹ sẽ đặt Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Tuy nhiên với những gì được nêu ra trong báo cáo và tình hình thực tế trong quan hệ hai nước, hy vọng này có thể hết sức mong manh.

Bản báo cáo viết, trong năm 2012 tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam đã có những tiến bộ khi chính phủ mở rộng việc cho phép các nhóm tôn giáo được đăng ký hoạt động, chấp nhận những lễ có đến hơn 10,000 người tham dự.

Báo cáo cũng nhìn nhận những hạn chế trong tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm qua như việc chính quyền sách nhiễu những người theo đạo, sử dụng các quy định về pháp luật để hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được nhà nước thừa nhận.

Kết luận được đưa ra từ bản báo cáo đã làm không ít người quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam thất vọng. Phát biểu với phóng viên Kính Hòa, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, Phụ tá Trưởng ban phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết:

Cảm giác đầu tiên của tôi là cảm giác thất vọng vì chỉ có nêu lên  một vi phạm về tự do tôn giáo trong năm 2012 thôi trong khi bản báo cáo nhân quyền của mạng lưới nhân quyền cung cấp thì có rất nhiều vi phạm.

Ông Lê Minh Nguyên cho biết mạng lưới Nhân quyền Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động để thúc đẩy việc Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC trong thời gian tới.

Kêu gọi đưa Việt nam vào CPC

Việc kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC đã được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của quốc hội Hoa Kỳ đưa ra liên tục từ năm 2001 đến nay. Hôm 30 tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Năm nay, báo cáo của Ủy ban về Việt Nam cũng không khác gì so với các năm trước khi cho rằng tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn rất tồi tệ. Một lần nữa Ủy ban Tự do Tôn giáo đề nghị chính phủ Mỹ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Tiến sĩ Katrina Lantos Swett, Chủ tịch ủy ban nói với đài Á châu tự do:

Theo chúng tôi tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn rất xấu mặc dù dã có một số tiến triển trong suốt thập kỷ qua. Chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi đáp ứng với sự chú ý của quốc tế, tuy nhiên cuối cùng, chính phủ Việt Nam vẫn sử dụng luật về an ninh quốc gia rất lờ mờ để đàn áp các hoạt động PHật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành độc lập. Họ vẫn không ngừng việc ngăn chặn sự phát triển của các nhóm Tin lành và Công giáo độc lập bằng cách phân biệt đối xử, sử dụng vũ lực và bắt người theo đạo phải bỏ đạo. Đây là một tình hình hết sức đáng ngại và khiến chúng tôi tin là Việt Nam phải được đưa vào danh sách CPC.

Mặc dù bị nhiều lần thúc giục bởi các tổ chức nhân quyền quốc tế, Mỹ chỉ thực sự đưa Việt Nam vào danh sách CPC từ năm 2004 đến năm 2006. Theo đánh giá của Ủy ban tự do Tôn giáo Quốc tế, sau khi bị xếp vào CPC, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đã có những cải thiện, ví dụ như trả tự do cho các tù nhân, mở rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật đối với một số các cộng đồng tôn giáo được nhà nước thừa nhận. Ủy ban ghi nhận phần lớn các lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam cho rằng những thay đổi tích cực này đến từ sức ép của CPC với Việt nam.

Lợi ích của nước Mỹ và danh sách CPC

Dù cho rằng đã có những bằng chứng hết sức thuyết phục về tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, người đại diện của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế cũng tỏ ra không chắc chắn về khả năng chính phủ Mỹ sẽ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC trong năm nay.

Khó để có thể nói là liệu Bộ Ngoại Giao sẽ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC hay không. Chúng ta có Ngoại trưởng mới, có một số thay đổi trong Văn phòng Dân chủ Quyền con người và Lao động của Bộ Ngoại Giao. Vì vậy khó để có thể đoán được Bộ Ngoại Giao sẽ làm gì.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy ban Yểm trợ Cao trào Nhân bản, tiểu bang Virginia, cách nhìn nhận về Việt Nam giữa Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc và Bộ Ngoại giao là khác nhau, và do đó cách đối xử sẽ khác nhau:

Lập trường của bên Bộ Ngoại giao nó khác với lập trường của Ủy ban Tự do Tôn giáo của Quốc hội Hoa Kỳ và lập trường của đa số dân biểu Thượng Nghị sĩ và của cộng đồng Việt Nam…..Bên Bộ Ngoại giao họ nghĩ là có những sự tiến triển về một vài mặt và cũng có vài suy thoái. Thành ra tôi cho việc cho vào CPC thì Bộ Ngoại giao vẫn chưa có một quyết định rõ rệt. Có hai xu hướng ở Bộ Ngoại Giao. Một xu hướng nói có sự suy thoái cần đưa lại CPC, nhóm khác nghĩ cứ để nó nằm như vậy nhưng với sức ép của quốc hội, sức ép của các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì nó có thể có những thay đổi nhiều hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân cũng cho rằng, tân Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry sẽ có cách đối xử mềm mỏng đối với Việt Nam. Ông nói

Tôi có liên lạc và nói chuyện với cố vấn của ông Kerry, và tôi có than phiền và được họ trả lời là họ vẫn can thiệp nhân quyền nhưng họ chủ trương đường lối khác, thuyết phục và không làm cộng sản Việt Nam mất mặt.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry cũng là người đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ hai nước và nổi tiếng là người thực tế khi ông phát biểu ‘ở đâu có quyền lợi chung thì cả Mỹ và  Việt Nam có thể làm việc cùng nhau’.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong các năm qua. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 24 tỷ đô la trong năm 2012. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất tại Việt nam với đầu tư vượt quá con số 1,7 tỷ đô la. Hai nước cũng đang trong quá trình đàm phán để trở thành đối tác chiến lược, một bước quan trọng trong quan hệ hai nước mà Việt Nam đã theo đuổi từ nhiều năm nay.

Trong bài phỏng vấn Vietnamnet gần đây, giáo sư môn quan hệ quốc tế, Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường đại học George Mason (Mỹ) đã từng nói ‘chính sách đối ngoại của Mỹ luôn hướng tới ba mục tiêu khác nhau: quyền lợi chiến lược, quyền lợi kinh tế và quyền lợi về giá trị. Cái cuối cùng chính là tự do, dân chủ và nhân quyền. Ba lợi ích này luôn hiện hữu, nhưng trong từng trường hợp, không phải lúc nào ba cái này cũng quan trọng bằng nhau. Ví dụ, một khi quyền lợi chiến lược to lên, thì quyền lợi về giá trị bé đi’.

Đó cũng chính là chính sách Mỹ áp dụng với Arap Saudi khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này bất chấp những quan ngại về nhân quyền. Hay đối với Trung Quốc, Mỹ vẫn cho quy chế tối huệ quốc trong thương mại vì quyền lợi kinh tế của Mỹ tại đây, mặc dù vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc không được cải thiện.

Với Việt Nam hiện tại, lá bài nhân quyền, tự do tôn giáo vẫn được Mỹ đưa ra trong các đối thoại về chiến lược và kinh tế, nhưng liệu nó có thực sự quan trọng nhất đối với Mỹ vào lúc này hay không giữa lúc Mỹ đang chuyển trọng tâm chú ý vào khu vực châu Á Thái Bình Dương, với sự lớn mạnh đầy lo ngại từ Trung Quốc? câu trả lời nằm trong các tính toán chiến lược lâu dài của Mỹ tại châu Á. Dù quyết định thế nào thì chính phủ Mỹ chắc chắn cũng phải đặt quyền lợi của nước Mỹ lên hàng đầu.

 

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ed Royce, đề xuất nghị quyết kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách Quốc gia cần Đặc biệt Quan tâm CPC vì các vi phạm trầm trọng của chính phủ Hà Nội trong lĩnh vực tự do tôn giáo.

Dân biểu Ed Royce Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nhận xét tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tồi tệ và thụt lùiDân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nhận xét “tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tồi tệ” và “thụt lùi”.

Nghị quyết HR. 218 được trình ra Hạ viện hôm 16/5 mạnh mẽ lên án các vi phạm “tiếp diễn và quá đáng” tại Việt Nam bao gồm việc giam cầm các lãnh đạo tôn giáo và bỏ tù dài hạn các cá nhân đấu tranh cổ xúy nhân quyền một cách ôn hòa.

Nghị quyết kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cấm đoán-hạn chế trong lĩnh vực tự do tôn giáo, chấm dứt việc tước đoạt tài sản của các giáo hội, thực thi các cải cách pháp lý và chính trị cần thiết để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Việt Nam đàn áp gần như mọi quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tôn giáo…

Nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nghị quyết thúc giục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện rõ ràng rằng việc mở rộng quan hệ song phương Việt-Mỹ phụ thuộc vào thành tích cải thiện của Việt Nam về tự do tôn giáo và các nhân quyền liên hệ.

Thông cáo đăng trên trang web của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trích phát biểu của Chủ tịch Ed Royce nhận xét “tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tồi tệ” và “thụt lùi”.

Ông Royce dẫn phúc trình 2013 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch rằng “Việt Nam đàn áp gần như mọi quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tôn giáo.”

Chủ tịch Ed Royce nhấn mạnh tại Việt Nam hiện nay không có quyền tự do tôn giáo mà chỉ thấy các trường hợp đánh đập của công an, của côn đồ thuê mướn, và của lực lượng an ninh tôn giáo.

Nghị quyết HR 218 dẫn ra trường hợp của các tôn giáo bị Hà Nội sách nhiễu, bắt bớ, tịch thu tài sản trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, Công giáo, và Pháp Luân Công.

Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nói thêm rằng chỉ trong 6 tuần đầu của năm nay, Việt Nam đã kết án ít nhất 40 nhà bất đồng chính kiến, như vậy chỉ trong vòng hai tháng, số người bị tù đày vì thể hiện quan điểm trái với nhà nước đã vượt tổng số của cả năm ngoái. Vẫn theo lời ông Ed Royce, bất chấp thái độ hành xử đó, Việt Nam vẫn tích cực theo đuổi một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Dân biểu Ed Royce nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải phơi bày các vi phạm nhân quyền đó. Nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ trước sự đàn áp khủng khiếp của Hà Nội, chúng ta đang góp thêm sự đau khổ cho nhân dân Việt Nam.”

Quan điểm này được ký giả Trương Minh Đức, một ngòi bút đấu tranh dân chủ tại Việt Nam từng bị 5 năm tù về tội danh “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”, ủng hộ:

Ký giả Trương Minh Đức phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Nếu những người yêu chuộng dân chủ mà cứ dung dưỡng cho một chế độ độc tài như cộng sản Việt Nam, trên thế giới này nếu những nước như Việt Nam mà ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, thì tôi cho là một hiện tượng xấu đi cho Liên hiệp quốc.”

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ed Royce, là nhà đồng bảo trợ Luật Nhân quyền Việt Nam 2013 mang số hiệu HR 1897 nhằm phát huy tự do dân chủ tại Việt Nam. Luật vừa được Tiểu ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết thông qua hôm 15/5/2013.

Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê vào danh sách Các nước cần Đặc biệt Quan tâm về Tự do Tôn giáo (CPC) vào năm 2004.

Đến năm 2006, Việt Nam được bỏ tên ra khỏi danh sách này vì các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng Hà Nội có các cải thiện đáng kể về mặt thăng tiến quyền tự do tôn giáo và đạt tiến bộ lớn trong các lĩnh vực bị lưu tâm.

Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới do Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế (USCIRF) công bố cuối tháng 4/2013 một lần nữa đề nghị đưa tên Việt Nam vào lại danh sách CPC.

Ủy ban USCIRF nói Việt Nam đáng bị trở lại danh sách này vì thành tích nhân quyền ngày càng xuống dốc rõ rệt.

Trà Mi – VOA

THƯ CỦA BỘ GIÁO SĨ GỞI CÁC CHỦNG SINH NHÂN NGÀY THÁNH HÓA LINH MỤC: GIÁO HỘI CẦN CÁC LINH MỤC, NHƯNG KHÔNG PHẢI BẤT CỨ LOẠI LINH MỤC NÀO!

THƯ CỦA BỘ GIÁO SĨ GỞI CÁC CHỦNG SINH NHÂN NGÀY THÁNH HÓA LINH MỤC: GIÁO HỘI CẦN CÁC LINH MỤC, NHƯNG KHÔNG PHẢI BẤT CỨ LOẠI LINH MỤC NÀO!

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (7 tháng 6 năm 2013)

Các chủng sinh rất thân mến,

Với lễ trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu, được cử hành cách có ý nghĩa vào Ngày Thánh Hóa Linh Mục và vì quý thầy đang ở chủng viện để đáp lại ơn gọi theo cách thích đáng nhất có thể, nên tôi trìu mến gởi đến quý thầy lá thư này để quý thầy cảm thấy mình có liên hệ đến và quý thầy biết rằng chúng tôi nghĩ đến quý thầy vào dịp quan trọng này.

Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về thực tại nguyên thủy của ơn gọi thần linh. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến đặc tính cụ thể của tình yêu mà tất cả các linh mục của Chúa Kitô và Giáo Hội đều phải thực hành. Trong bài giảng nhân dịp Thánh Lễ Dầu đầu tiên của ngài (28.3.2013), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói : « Tôi xin quý cha điều này : hãy  trở thành những mục tử với « hương thơm của đoàn chiên » ». Xuyên qua hình ảnh đầy gợi ý này, Đấng kế vị thánh Phêrô mời gọi chúng ta có một tình yêu mãnh liệt và cụ thể đối với Dân Thiên Chúa, tình yêu mà, như Đức Thánh Cha nhận xét, không được nuôi dưỡng bằng những động cơ thuần túy nhân loại, cũng không được củng cố xuyên qua các kỹ thuật tự ám thị. Đó là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa, là ý thức luôn luôn sống động được Ngài kêu gọi, Đấng ban sức mạnh trỗi vượt, siêu nhiên thực sự, vốn cho phép trở thành linh mục theo hình ảnh của vị Mục Tử Tốt Lành của mọi người là Chúa Giêsu-Kitô. Nhưng để mai ngày trở thành như thế, quý thầy phải chuẩn bị từ hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở bằng những từ ngữ rất rõ ràng tính trỗi vượt của ân sủng trong đời sống linh mục : « Không phải trong sự tự-trải nghiệm hay sự nội quan lặp đi lặp lại mà chúng ta gặp gỡ Chúa : các môn học để giúp cho bản thân trong cuộc sống có thể là hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục của chúng ta bằng việc chuyển từ môn này sang môn khác, từ phương pháp này đến phương pháp khác, sẽ đẩy đến chỗ trở thành những Pêlagio khác, đến chỗ tối thiểu hóa sức mạnh của ân sủng » (ibidem).

Đối với người môn đệ, bước đi với Chúa Kitô, bước đi trong ân sủng, có nghĩa là mang lên đôi vai mình, với một niềm vui thiêng liêng, sức nặng của thập giá linh mục. Hãy nghe tiếp giáo huấn của Đức Thánh Cha về vấn đề này : « Khi chúng ta bước đi không có thập giá, khi chúng ta xây dựng không có thập giá và khi chúng ta tuyên xưng một Chúa Kitô không có thập giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa : chúng ta là người đời » (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, 14.3.2013). Trái lại, sống thừa tác vụ của chúng ta như là sự phục vụ Chúa Kitô của thập giá ngăn không cho xem Giáo Hội như là một tổ chức nhân loại, « một tổ chức phi chính phủ được tôn giáo gợi hứng, nhưng không phải là Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa » (ibidem).

Dưới ánh sáng của những giáo huấn đầu tiên này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi mời gọi quý thầy đọc lại cuộc đời các thầy như là một ân huệ của Thiên Chúa và, đồng thời, như là một nhiệm vụ được giao phó cho quý thầy không chỉ bởi những con người cho dù xuyên qua sự trung gian cần thiết của Giáo Hội, nhưng, xét đến cùng, bởi chính Chúa, Đấng có một kế hoạch cho cuộc sống của quý thầy và cuộc sống của các anh chị em mà quý thầy sẽ được kêu gọi phục vụ.

Cần thiết đọc lại toàn bộ cuộc sống của chúng ta không chỉ như là một lời đáp trả quảng đại của con người, điều đó rõ ràng rồi, nhưng như là một tiếng gọi của Thiên Chúa. Nó hệ tại vun trồng nơi chính chúng ta tính nhạy bén ơn gọi vốn giải thích cuộc sống như là một cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa Giêsu phục sinh và hằng sống. Vào mỗi thời, Chúa Kitô đã và đang kêu gọi một số người bước theo Ngài cách sít sao hơn, cho họ dự phần vào chức tư tế của Ngài, điều đó ngụ ý rằng vào mỗi giai đoạn của lịch sử Giáo Hội, Chúa đã dệt nên một cuộc đối thoại ơn gọi với các tín hữu mà Ngài đã chọn để họ trở nên những vị đại diện của Ngài giữa Dân Thiên Chúa cũng như là những người trung gian giữa Trời và đất, cách riêng xuyên qua việc cử hành phụng vụ và bí tích. Quả thế, ta có thể nói về phụng vụ rằng nó mở rộng cửa Trời trên trần gian.

Trong viễn ảnh này, quý thầy được kêu gọi, qua việc phong chức mà không có công trạng gì, trở thành những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài và làm cho khả thi cuộc gặp gỡ cứu độ xuyên qua việc cử hành các mầu nhiệm thần linh. Trước tiếng gọi này, quý thầy đã hân hoan và quảng đại đáp lại, bất chấp những giới hạn của mình. Điều quan trọng là quý thầy luôn giữ cho sống động sự trẻ trung của tâm hồn mình : « Chúng ta phải sống đức tin với một tâm hồn luôn trẻ trung : một tâm hồn trẻ trung, ngay cả ở tuổi 70 hay 80 ! Tâm hồn trẻ trung ! Cùng với Chúa Kitô, tâm hồn không bao giờ già đi ! » (Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 24.3.2013, số 3).

 Sự trẻ trung của tâm hồn linh mục, cương nghị trong ơn gọi, được đảm bảo bằng đời sống cầu nguyện, tức là bằng một thái độ thinh lặng nội tâm liên lỉ được duy trì, vốn mỗi ngày làm cho việc lắng nghe Thiên Chúa dễ dàng hơn. Việc rộng mở tâm hồn liên lỉ này được tự nhiên thực hiện trong một sự vững chắc mà, một khi các quyết định căn bản của cuộc sống được đưa ra, có khả năng, với sự trợ giúp của ân sủng, trung thành cho đến lúc kết thúc cuộc sống trần thế với những cam kết long trọng được đưa ra. Nhưng sự vững chắc cần thiết này không ngụ ý một sự khép kín tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa, vì Chúa, Đấng củng cố chúng ta mỗi ngày trong ơn gọi căn bản, luôn đứng trước cửa tâm hồn chúng ta và gõ (x. Kh 3,20), chờ đợi chúng ta mở cửa cho Ngài bằng chính sự quảng đại qua đó chúng ta đã thưa với Ngài lời « xin vâng » đầu tiên của chúng ta, bắt chước sự ứng trực của Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1,38). Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể hạn chế kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và thông ban cho chúng ta, ngày lại ngày, trong suốt cuộc đời chúng ta.

 Sự rộng mở ơn gọi này cũng biểu lộ con đường chắc chắn nhất để sống niềm vui Tin Mừng. Quả thế, chính Chúa làm cho chúng ta thật sự hạnh phúc. Niềm vui của chúng ta không đến từ những thỏa mãn trần tục vốn vui vẻ trong chốc lát và biến mất nhanh chóng, như thánh Inhaxiô Loyola đã ghi nhận trong bài phân định thiêng liêng đầu tiên của ngài (x. Phụng vụ các Giờ Kinh, bài đọc Kinh Sách ngày 31.7, bài đọc II). Niềm vui của chúng ta, đó là Chúa Kitô ! Trong cuộc đối thoại thường ngày với Ngài, tinh thần được sinh động hơn và lòng nhiệt huyết được đổi mới không ngừng cũng như lòng nhiệt thành vì phần rỗi các linh hồn.

 Chiều kích cầu nguyện này của ơn gọi linh mục còn nhắc chúng ta những khía cạnh quan trọng khác. Khía cạnh đầu tiên của tất cả, sự kiện là các ơn gọi đạt được không phải chủ yếu xuyên qua một chiến dịch mục vụ nhưng đặc biệt qua việc cầu nguyện. Đó là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta : « Anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » (Lc 10,2). Giải thích lời Tin Mừng này, Đức Bênêđictô XVI đã ghi nhận : « Chúng ta không thể chỉ « sản xuất » các ơn gọi, những ơn gọi này phải đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể chỉ tuyển lựa người ta, như có lẽ đó là trường hợp đối với các nghề nghiệp khác, xuyên qua sự tuyên truyền được đặt mục tiêu tốt, xuyên qua, có thể nói như thế, những chiến dịch thích đáng. Ơn gọi, đền từ trái tim của Thiên Chúa, phải luôn tìm thấy con đường của trái tim con người (Cuộc gặp gỡ với hàng Giáo sĩ Bavière, 14.9..2006). Các chủng sinh thân mến, quý thầy được Chúa kêu gọi, nhưng nhiều người khắp nơi trên thế giới đã và đang luôn cộng tác vào sự đáp trả của quý thầy bằng lời cầu nguyện và những việc hy sinh của họ. Quý thầy hãy ý thức biết ơn về điều đó và hãy kết hiệp với những người này để tạo điều kiện cho những lời đáp trả ơn gọi khác. Và rồi, tiếp theo sự trỗi vượt của việc cầu nguyện là hoạt động của một nền mục vụ ơn gọi lành mạnh, xác đáng và hăng hái từ phía Giáo Hội, xét như là máng chuyển thông ân sủng thần linh này. Liên quan đến sự cộng tác của Giáo Hội vào công trình của Thiên Chúa, Đấng ban các mục tử cho Dân Thiên Chúa và cho Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, đây là lúc nhắc lại cách rất vắn tắt một số nét vốn phân biệt sự cộng tác này, tức là : lòng quý trọng đối với các ơn gọi linh mục, chứng tá bằng đời sống của các linh mục, công việc đặc thù của các nhà đào tạo trong các chủng viện.

Trước tiên, trong Giáo Hội, cần có lòng quý trọng đối với ơn gọi linh mục, vì Cộng đoàn các môn đệ Chúa Kitô không thể tồn tại mà không có sự phục vụ của các thừa tác viên thánh thiện. Từ đó, cần phải chăm lo cho linh mục, sự quan tâm và kính trọng cần phải có đối với linh mục. Thứ đến, như ta biết, các ơn gọi dễ được nảy sinh nhờ mẫu gươngsự săn sóc của các linh mục . Thật khó việc một linh mục gương mẫu lại không khơi lên nơi tâm trí các bạn trẻ câu hỏi này : phải chăng tôi cũng không được kêu gọi đến một đời sống tốt đẹp và hạnh phúc như thế ? Chính theo cách này mà các linh mục là những máng qua đó Thiên Chúa làm vang vọng tiếng gọi thần linh trong tâm hồn của những ai Ngài đã chọn ! Tiếp đó, các linh mục sẽ săn sóc những mầm non ơn gọi mà các ngài khám phá nơi tâm hồn các bạn trẻ xuyên qua Bí tích Giải Tội, việc linh hướng, giảng dạy và hoạt động mục vụ. Về điều đó, tôi tin rằng nhiều người trong quý thầy là những chứng nhân và thụ nhân.

 Tôi cũng xin nói một lời về vai trò quan trọng của các linh mục mà các Giám mục giao phó việc đào tạo quý thầy. Các nhà đào tạo ở các chủng viện được mời gọi tiếp tục và đào sâu sự săn sóc mà họ mang đến cho các ơn gọi linh mục và đồng thời cung cấp mọi sự giúp đỡ thích hợp cho việc phân định cần thiết của bản thân mỗi ứng viên. Về điểm này, cần phải nhắc lại hai nguyên tắc vốn phải hướng dẫn việc lượng giá ơn gọi : việc đón nhận thân tình và sự nghiêm nghị đúng đắn. Vả lại, nếu cần tránh mọi thành kiến cũng như mọi nhiệm nhặt khi đón nhận các chủng sinh, thì mặt khác, điều quan trọng là cẩn thận tránh mọi thái độ phóng túng và mọi sự chểnh mảng trong nhận xét dành cho họ. Chắc chắn Giáo Hội cần các linh mục, nhưng không phải bất cứ loại linh mục nào ! Tình yêu đón nhận do đó phải đi kèm chân lý phân định cách rõ ràng liệu, đối với một ứng sinh nào đó, có hay không những dấu hiệu của ơn gọi và những thành tố nhân bản cần thiết cho một sự đáp trả đáng tin cậy đối với ơn gọi. Tính cấp bách mục vụ của các Giáo Hội không thể khiến trao ban thừa tác vụ thánh cách vội vàng.Trái lại, trong trường hợp nghi ngại, tốt nhất là có thêm thời gian cần thiết và xúc tiến việc lượng giá được đòi hỏi mà không loại trừ việc khước từ các ứng viên nào không chứng tỏ những bảo đảm đủ.

 Các chủng sinh rất thân mến, qua những chỉ dẫn vắn tắt này, một lần nữa tôi đã muốn lôi kéo sự quan tâm thiêng liêng của tôi đến ân huệ bao la và mầu nhiệm hoàn  toàn nhưng không của ơn gọi đặc biệt của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho sự cầu bàu của Đức Maria và thánh Giuse ân huệ trung tín và bền đỗ trong ơn gọi của Chúa vốn đã được ban cho chúng ta hoàn toàn do ân sủng của Ngài và chúng ta hãy tìm cách đáp lại sự rộng lượng của Chúa, Đấng luôn sai các mục tử đến với đoàn chiên của Ngài, với một nhiệt huyết tông đồ mới mẻ. Quý thầy hãy kiên trì và đồng thời luôn nhớ rằng tên gọi của tình yêu trong thời gian là « lòng trung tín ».

 Mỗi ngày, tôi quan tâm và trìu mến nhớ đến quý thầy trong lời cầu nguyện của tôi và tôi hết lòng cầu xin phúc lành của Chúa xuống trên quý thầy !

Hồng y Mauro Piacenza

Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ

Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp (Xuân Bích VN)

BÓP MÉO THÔNG TIN, BÔI NHỌ VÀ VU KHỐNG ĐỀU LÀ TỘI

BÓP MÉO THÔNG TIN, BÔI NHỌ VÀ VU KHỐNG ĐỀU LÀ TỘI

Trong thánh lễ sáng thứ Bảy tại nhà nguyện Thánh Mát-ta ở Vatican, Đức Thánh Cha đã tố giác thái độ trình bày sự việc “như có lợi cho mình”, nói để “hủy hoại thanh danh của một người” hay “nói những điều sai lầm…để giết hại người anh em của mình”.

So sánh với người khác khơi lên sự cay đắng và ganh tỵ, điều đó “làm hoen ố Giáo Hội”

Trong đoan Tin Mừng của ngày thứ Bảy trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống này, Chúa Giêsu đã nhắc nhở Phêrô khi ông hỏi Ngài về “người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến” (Ga 21, 20-25). “Đó có phải là việc của con không?”. Giải thích đoạn này, Đức Thánh Cha đã phê bình thái độ của Phêrô khi ông so sánh mình với Gioan. “Việc so sánh với người khác khơi lên sự cay đắng và lòng ganh tỵ”. “Lòng ganh tỵ này làm hoen ố cộng đoàn Kitô hữu. Nó gây thiệt hại to lớn cho cộng đoàn và đó là những gì mà quỷ mong muốn.” Tiếp đến, Đức Thánh Cha phê phán những chuyện ngồi lê đôi mách.

Bôi nhọ hay vu khống, đó là tát Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha nói: “Có nhiều chuyện ngồi lê đôi mách trong Giáo Hội! Và chuyện ngồi lê đôi mách, đó thực sự đang tìm cách làm hại nhau, như thể người ta muốn hạ thấp người khác. Điều đó không có được”. Đức Thánh Cha cũng lên án việc bóp méo thông tin, chỉ nói những điều thuận lợi cho mình, chân lý nửa vời; việc bôi nhọ hủy hoại thanh danh của một người bằng cách kể lại một trong những thiếu sót của người ấy và sau cùng việc vu khống, kể những điều không có thực. Bóp méo thông tin, bôi nhọ và vu khống đều là tội. “Đó là tát Chúa Giêsu nơi chính những người con của Ngài, những người anh em của Ngài”.

Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ này trước sự hiện diện của các sinh viên của Đại học Latêranô.

Tý Linh -Xuân Bich VN

Theo Radio Vatican

Giáo Hội Công Giáo Pakistan và cuộc bầu cử quốc hội

Giáo Hội Công Giáo Pakistan và cuộc bầu cử quốc hội

Ngày 11-5-2013, 86 trên tống số 193 triệu dân Pakistan đã đi bỏ phiếu bầu quốc hội liên bang và hội đồng lãnh đạo các tiểu bang Punjab, Sindh,

Bulachistan và Khyber Pakhtunkhwa. Đây là hai cơ cấu sẽ có nhiệm vụ chỉ định Thủ tướng và các thống đốc tiểu bang. Sau đó Thượng viện và Hạ viện sẽ chỉ định Tổng thống quốc gia, vì nhiệm kỳ của tổng thống Asif Ali Zardan sẽ kết thúc vào tháng 9 năm 2013. Một phần ba trong số các 86 triệu cử tri Pakistan đi bầu là nữ giới.

Ứng cử viên sáng giá nhất là ông Nawaz Sharif, nguyên thủ tướng, 63 tuổi thuộc đảng ”Liên minh Hồi giáo”, có nhiều kinh nghiệm chính trị, và đã từng lãnh đạo chính quyền hồi truyền thống nhưng có khuynh hướng hòa hoãn. Thứ hai là ông Imran Khan, thủ quân đội banh cricket Pakistan, 60 tuổi, thuộc ”Phong trào công lý Pakistan”. Ông rất được dân chúng biết đến vì đã bỏ lãnh vực thể thao để dành thời giờ cho các sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động bác ái. Ông chủ trương một loại Hồi giáo xã hội, nhưng cứng nhắc trong các nguyên tắc tôn giáo. Thứ ba là ông Bhilawal Bhutto, 24 tuổi, con trai của bà cựu thủ tướng Benazir Bhutto và đương kim tổng thống Asif Ali Zardari, thuộc đảng ”Nhân dân Pakistan” có khuynh hướng duy đời.

Số các ứng cử viên ra tranh cử dân biểu quốc hội là 5,000 người tranh nhau 342 ghế, trong đó có 60 ghế dành cho nữ giới và 10 ghế dành cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Để có đại đa số phiếu cần phải được 172 trên tổng số 272 ghế được bầu trực tiếp. Trong khi số ứng cử viên hội đồng lãnh đạo các tiểu bang là 11,692 người. Punjab là tiểu bang định đoạt vì có tới 60% dân số sinh sống.

Chính quyền Pakistan đã huy động một lực lượng an ninh hùng hậu gồm 650,000 người gồm các nhân viên cảnh sát và binh sĩ, để giữ gìn an ninh cho 73.000 địa điểm bỏ phiếu, trong đó có 20,000 địa điểm ở trong các vùng thiếu an ninh.

Trong tháng 4 năm 2013, các vụ khủng bố phá hoại do phong trào Taleban chủ mưu để tẩy chảy cuộc đầu phiếu, đã làm cho hơn 100 người thiệt mạng. Mặc dù có các đe dọa từ phía các lực lượng Taleban, đã có 60% các cử tri đi bỏ phiếu, và cuộc đầu phiếu đã diễn ra trong bầu khí đúng đắn. Theo các kết qủa sơ khởi nguyên thủ tướng Nawaz Sharif đã thắng cử với 117 trên 272 ghế, và như thế có nghĩa là ông Nawaz Sharif sẽ phải liên minh với các đảng phái khác để thành lập chính phủ.

Hiện nay xã hội Pakistan đang phải đương đầu với nhiều vấn đề cấp bách như việc củng cố tiến trình dân chủ, tạo thế quân bình giữa chủ trương triệt để hồi giáo hóa quốc gia và khuynh hướng duy đời, việc thăng tiến các quyền con người, và quyền tự do tôn giáo trong một quốc gia có tới 96% dân theo Hồi giáo.

Đức Cha Rufin Anthony, Giám Mục giáo phận Islamabad-Rawalpindi, cho biết cuộc đầu phiếu lần này là dịp để người dân bầy tỏ các ý kiến và mong ước của họ như: chấm dứt nạn gian tham hối lộ, sự bất khoan nhượng, tinh thần vô trách nhiệm và nạn khủng bố. Tuy là thiểu số nhưng các Kitô hữu được mời gọi can đảm làm chứng cho đức tin, lựa chọn đối thoại và tham dự vào đời sống quốc gia. Linh Mục Khalid Asi, cha chính giáo phận Faisalabad, thì cho biết việc tham gia các tiến trình dân chủ, tôn trọng các quyền con người, các nguyên tắc bình đẳng và quyền công dân đều thuộc gia tài giáo huấn xã hội của Hội Thánh công giáo cũng như của toàn Kitô giáo. Gia tài này Giáo Hội cống hiến cho xã hội để xây dựng tương lai hòa bình và hòa hợp cho dân nước Pakistan. Cha cũng cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan một chính quyền được người dân bầu lên một cách dân chủ đã kết thúc nhiệm kỳ của mình. Nhân dân toàn nước và các thiểu số tôn giáo cầu mong không phải sống trở lại dưới một chế độ quân đội độc tài.

Trong các tuần đầu tháng 4 năm 2013 Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan đã phố biến một tập sách nhỏ về ”cách thức bầu cử cho các thiểu số tôn giáo”, trong đó các Giám Mục đánh giá cao hệ thống bầu cử hiện hành bắt đầu từ năm 2000, bảo đảm quyền tự do đầu phiếu của công dân, chứ không theo hệ thống ”bỏ phiếu tách rời” như dưới thời chế độ độc tài của tướng Zia-ul-Haq.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục James Channan, dòng Đaminh, Giám đốc Trung tâm hòa bình Lahore, về thái độ của Kitô hữu đối với cuộc bầu cử nói trên.

Hỏi: Thưa cha, các Kitô hữu có lập trường nào đối với các đảng phái chính trị tại Pakistan?

Đáp: Bình thường các tín hữu Kitô cũng chia nhau thành các nhóm ủng hộ các đảng phái khác nhau trong nước, tùy theo các đảng phải mà họ là thành viên. Trong trường hợp của cuộc bầu cử này cũng thế. Các vị lãnh đạo cũng ủng hộ các đảng phái khác nhau, dựa trên số ghế mà các nhóm thiểu số có thể có. Tuy nhiên, tôi coi đây là một tình trạng tích cực và chắc chắn là dân chủ.

Hỏi: Các Kitô hữu Pakistan thường bỏ phiếu như thế nào, thưa cha?

Đáp: Nói chung, các tín hữu Kitô thích dồn phiếu cho các đảng phái đời và theo lập trường tự do: chẳng hạn như đảng ”Nhân dân Pakistan”, đảng ”Quốc gia Awami”, ”Phong trào Muttahida Qaumi”, là các đảng phái tỏ ra chú ý tới các nhóm thiểu số, tranh đấu cho bình quyền và cơ may tiến thân của mọi người dân. Cả khi đảng ”Liên minh hồi giáo” của ông Nawaz Sharif cũng tuyên bố dấn thân cho sự bình đẳng, nhưng cũng chính dưới thời chính quyền do ông lãnh đạo, mà Kitô hữu đã đau khổ rất nhiều vì bị bách hại từ phía các người hồi cuồng tín trong bang Punjab, là vùng đất tổng tham mưu của ông.

Hỏi: Vậy thì những lực lượng chính trị nào tại Pakistan chú ý đến các nhu cầu và đòi hỏi của các Kitô hữu nhiều nhất, và tìm cách thực hiện các đường lối chính trị cụ thể nhất đối với họ hiện nay?

Đáp: Đó là đảng ”Nhân dân Pakistan” và ”Phong trào Muttahida Qaumi”. Tuy nhiên ”Phong trào Muttihida Qaumi” này có nền tảng đa số ở vùng miền. Nó rất mạnh trong vùng Sindh và thủ phủ là tỉnh Karachi. Họ đã nhiều lần bầy tỏ rõ ràng dấn thân thừa nhận các quyền bình đẳng và phẩm giá của các nhóm thiểu số và bảo vệ sự sống cũng như tài sản của họ. Cả đảng ”Liên minh hồi giáo” cũng tuyên bố theo đường lối chính trị này, nhưng có một số hạn chế. Trong khi các đảng phái tôn giáo như Jamiat-Islami và Jamiat Ulema và Pakistan, thì ít chú ý tới số phận của những người không theo Hồi giáo. Các cuộc thảo luận trên đài truyền hình cho thấy rằng các phong trào này có ít khả thể khẳng định trong Quốc Hội liên bang cũng như tại các địa phương. Và đó là một tin vui đối với các Kitô hữu, cũng như đối với các tín hữu Ấn giáo, đạo Sihk, đạo Bahai và Ahmadi.

Hỏi: Thưa cha, trong tình hình hiện nay, các đảng phải hay các ứng viên nào có thể diễn tả một cách tốt đẹp hơn các khát vọng và các nhu cầu của Kitô giáo như là thiểu số?

Đáp: Trước hết như tôi đã nói đến trên đây, đó là hai đảng ”Nhân dân Pakistan” và ”Phong trào Muttahida Qaumi”. Tuy nhiên, xem ra đảng ”Nhân dân Pakistan” chiếm đa số trong chính quyền trước sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm được số ghế cần thiết để có thể trở lại cai trị đất nước. Ngoài ra, lần này đảng này đã không trình bầy rõ ràng các chương trình của mình. Đàng khác, đảng ”Phong trào Myttahida Qaumi” không đi xa hơn việc có thể kiểm soát bang Sindh và một sự đại diện có thể bảo đảm cho mình một liên minh trên bình diện trung ương nào đó.

Hỏi: Đâu là các đề tài đã lôi kéo các Kitô hữu trong cuộc tranh cử lần này, thưa cha?

Đáp: Các tín hữu Kitô đã tìm cách nói lên các đòi hỏi quyền bình đẳng và cơ may trên bình diện quốc gia và địa phương. Họ cũng đã dấn thân gây áp lực để cho các đảng phái đương đầu với vấn đề gây tranh cãi liên quan tới ”luật chống phạm thượng”, và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn các lạm dụng. Họ ủng hộ các đảng phái dấn thân bênh vực các nhóm thiểu số khỏi sự thù ghét của các nhóm hồi đấu tranh. Các nhóm thiểu số cũng chú ý tới các lực lượng tìm giảm bớt sự kỳ thị dựa trên nền tảng tôn giáo, cũng như các lực lượng muốn thăng tiến đối thoại, tôn trọng và hòa bình. Và điều này cả trong các trường học nữa.

(Avvenire 10-5-2013) Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đừng sợ hãi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa

Đừng sợ hãi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa

Đừng sợ hãi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên

với hơn 250.000 thành viên các phong trào, hội đoán và hiệp hội giáo dân trong thánh lễ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng 19-5, Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Họ là các thành viên của 150 phong trào, hiệp hội và đoàn thể giáo dân trong Giáo Hội về Roma cử hành Năm Đức Tin. Hàng chục ngàn tín hữu không tìm được chỗ trong quảng trường đã đứng chật dọc đại lộ hòa giải, cho tới gần bờ sông Tevere. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hàng trăm linh mục.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã làm phép nước xin Chúa chúc lành cho nước, là thụ tạo tuyệt vời Chúa đã dựng nên để trao ban phong phú cho đât đai, sự tươi mát và khuây khỏa cho thân xác con người, dấu chỉ lòng lành của Chúa, của sự giải thoát dân Chúa khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, giải khát họ trong sa mạc, là hình ảnh của nước hằng sống, của giao ước mới và của bí tích tái sinh khởi đầu nhân loại mới, tự do khỏi sự thối nát của tội lỗi.

Sau đó các Phó Tế đã rảy nước thánh trên cộng đoàn trong khi ca đoàn Sistina hát thánh ca ”Tôi đã thấy nước chảy ra từ bên phải Đền Thờ, nước đó chảy tới những ai thì ban ơn cứu độ, và họ hát Halleluia.”

Các bài Sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và Anh. Phúc Âm được hát bằng tiếng Ý. Các bài thánh ca và ca tiếp liên được hát bằng tiếng Latinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: trong ngày hôm nay chúng ta chiêm ngắm và sống lại trong phụng vụ biến cố Chúa Kitô phục sinh đổ Thánh Thần xuống trên Giáo Hội, một biến cố ơn thánh tràn đầy Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem để rồi lan tràn ra trên toàn thế giới.

Điều gì đã xảy ra trong ngày xa xưa ấy nhưng cũng gần gũi vì đạt tới con tim chúng ta? Thánh sử Luca trả lời cho câu hỏi này qua bài đọc Sách Công Vụ chúng ta vừa nghe (Cv 2,1-11). Thánh sử đưa chúng ta trở về Giêrusalem, lên tầng trên của phòng tiệc ly, nơi các Tông Đồ đang tụ họp. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ghi nhận vài yếu tố trong Phúc Âm lôi kéo sự chú ý: tiếng động mạnh bất thình đến từ trời như tiếng gió thổi tràn đầy căn nhà và các lưỡi lửa chia ra đậu trên đầu từng Tông Đồ. Ngài nói:

Tiếng động và các lưỡi lửa là các dấu chỉ chính xác và cụ thể đụng chạm tới các Tông Đồ, không chỉ bề ngoài, nhưng cả trong nội tâm nữa; trong tâm trí. Hậu qủa là ”tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”, là Đấng tỏa thoát ra sự năng động không thể cưỡng lại được của Người, với các kết qủa gây kinh ngạc: ”Họ bắt đầu nói các tiếng khác trong cách thức Thần Khí cho họ quyền diễn tả”. Khi đó mở ra trưởc chúng ta một quang cảnh hoàn toàn bất ngờ: một đám đông đã tụ tập lại và tràn đầy kinh ngạc, bởi vì mỗi người nghe các Tông Đố nói trong tiếng riêng của mình. Tất cả sống một kinh nghiệm mới, chưa từng xảy ra trước đó: “Chúng ta nghe họ nói trong ngôn ngữ của chúng ta”. Và họ nói về các việc vĩ đại của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nêu bật ba từ gắn liền với hoạt động của Chúa Thánh Thần: đó là sự mới mẻ, hòa hợp và sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Sự mới mẻ luôn khiến cho chúng ta hơi sợ hãi, bởi vì chúng ta cảm thấy chắc chắn hơn, nếu chúng ta kiểm soát được mọi sự, nếu chính chúng ta là những người xây dựng, lên chương trình, dự tính cho cuộc sống chúng ta theo các lược đồ, các an ninh và sở thích của chúng ta. Và điều này cũng xảy ra với Thiên Chúa. Thường khi chúng ta theo Chúa, tiếp nhận Người, nhưng chỉ tới một điểm nào đó thôi; chúng ta khó mà tín thác nơi Người với sự tin tưởng tràn đầy bằng cách để cho Chúa Thánh Thần hoạt động; Người là linh hồn, là Đấng hướng đẫn cuộc sống chúng ta trong tất cả mọi lựa chọn. Chúng ta sợ rằng Thiên Chúa làm cho chúng ta đi theo các con đường mới, ra khỏi chân trời thường hạn hẹp, khép kín và ích kỷ của chúng ta, để rộng mở chúng ta cho các chân trời mới. Nhưng trong toàn lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa mặc khải, Người đều mang tới sự mới mẻ, biến đổi và xin chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Người: ông Noê đóng tầu bị mọi người chê cười nhưng được cứu rỗi; tổ phụ Abraham bỏ quê hương chỉ với một lời hứa trong tay; ông Môshê đương đầu với quyền lực của pharaô và hướng dẫn dân Do thái tới sự tự do; các Tông Đồ sợ hãi đóng kín trong nhà tiệc ly, đi ra với lòng can đảm để loan báo Tin Mừng. Không phải sự sự mới mẻ vì cái mới mẻ, việc tìm kiếm cái mới để vươt thắng sự nhàm chán, như thường xảy ra trong thời đại chúng ta. Sự mới mẻ mà Thien Chúa đem vào trong cuộc sống chúng ta là điều được thực hiện thật sự, điều trao ban cho chúng ta niềm vui đích thực, sự thanh thản đích thực, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chỉ muốn thiện ích cho chúng ta. Chúng ta hãy thử hỏi xem chúng ta có rộng mở cho ”các ngạc nhiện của Thiên Chúa” hay không? Hay chúng ta đóng kín chính mình vì sợ hãi đối với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có can đảm đi theo các con đường mới mà sự mới mẻ Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta, hay chúng ta bảo vệ mình đóng kín trong các cấu trúc tàn tạ vì đã mất khả năng tiếp đón?

Đề cập tới sự hòa hợp là hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói: Một cách bề ngoài, xem ra Chúa Thánh Thần tạo ra sự mất trật tự trong Giáo Hội, bởi vì Người đem tới sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Người tất cả điều này, trái lại, là một sự phong phú lớn, bởi vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất; sự hiệp nhất không có nghĩa là sự đồng nhất, nhưng dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Trong Giáo Hội Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa. Tội rất thích kiểu nói của Một giáo phụ gọi Chúa Thánh Thần ”chính là sự hài hòa”. Chỉ có Người mới có thể dấy lên sự khác biệt, cái đa dạng, đồng thời lại tạo ra sự hiệp nhất. Cả ở đây nữa khi chúng ta muốn làm ra sự khác biệt, thì lại đóng kín trong các riêng tư của chúng ta, trong các chủ trương loại trừ của chúng ta và gây chia rẽ. Và khi chúng ta muốn tạo ra sự hiệp nhất theo các dự tính nhân loại của chúng ta, chúng ta kết thúc bằng việc tạo ra sự đồng nhất, đồng nhất hóa. Trái lại, nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì sự phong phú, sự đa dạng, sự khác biệt không bao giờ trở thành xung khắc, bởi vì Chúa Thánh Thần thúc đẩy sống sự đa dạng trong niềm hiệp thông của Giáo Hội. Việc đồng hành trong Giáo Hội, được hướng dẫn bởi các Chủ Chăn có một đặc sủng và sứ vụ đặc biệt, là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Giáo hội tính là một đặc thái nền tảng đối với mỗi một kitô hữu, đối với mỗi một cộng đoàn và phong trào. Chính Giáo Hội đưa Chúa Kitộ tới cho tôi và đưa tôi tới với Cháu Kitô. Các con đường song song nguy hiểm! Khi ta mạo hiểm vượt qúa giáo lý và Cộng đoàn giáo hội và không ở trong chúng, thì ta không hiệp nhất với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô (x. 2 Ga 9). Như thế chúng ta hãy tự vấn xem tôi có rộng mở cho sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, bằng cách thắng vượt mọi chủ trương riêng tư không? Tôi có để cho Người hướng dẫn tôi sống trong Giáo Hội và với Giáo Hội hay không?

Điểm sau cùng là sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói: Các thần học gia xưa kia nói: linh hồn là một loại thuyền buồm, Chúa Thánh Thần là gió thổi vào cánh buồm để làm cho thuyền tiến tới, các thúc đẩy của gió là các ơn của Thần Khí. Không có sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, không có ơn thánh của Người, chúng ta không tiến tới. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống và cứu chúng ta khỏi nguy hiểm của một Giáo Hội vô ngộ và tự quy chiếu về chính mình, đóng kín trong tường rào của mình. Người thúc đẩy chúng ta mở cửa để ra ngoài, để loan báo và làm chứng cho cuộc sống mới của Tin Mừng, để thông truyền niềm vui của đức tin, của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Điều đã xảy ra tại Giêrusalem cách đây 2000 năm không phải là một sự kiện xa chúng ta, mà là một sự kiện đạt tới chúng ta, mà mỗi người trong chúng ta kinh nghiệm. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Nhà Tiệc Ly tại Giêrusaém chỉ là sự khởi đầu, một sự khởi đầu kéo dài. Chúa Thánh Thần là ơn tuyệt diệu Chúa Kitô phục sinh ban cho các Tông Đồ, nhưng Người muốn nó đến với tất cả mọi người. Chúa Giêsu nói Người sẽ xin Thiên Chúa Cha ban Đấng ủi an để Người ở cùng các môn đệ luôn mãi (Ga 14,16). Chúa Thánh Thần là ”Đấng an ủi” trao ban can đảm để chúng ta rong ruổi trên các nẻo đường thế giới và loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trông thấy chân trời, và thúc đẩy chúng ta đi tới các vùng ngoại ô cuộc đời để loan báo cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta có khuynh hướng khép kín trong chính mình, trong nhóm của mình, hay chúng ta để cho Chúa Thánh Thần rộng mở cho sứ mệnh truyền giáo.

Phụng vụ hôm nay là một lời cầu lớn mà Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu để Người canh tân việc đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống. Mỗi người trong chúng ta, mỗi nhóm, mỗi phong trào, trong sự hài hòa của Giáo Hội, hãy hướng lên Thiên Chúa Cha để xin ơn ấy. Cả ngày nay nữa như khi mới nảy sinh, cùng với Đức Maria, Giáo Hội khẩn nài” Lậy Chúa Thánh Thần xin hãy đến, xin hãy đổ đầy con tim của các tín hữu Chúa và đốt lên trong đó ngọn lửa tình yêu! Amen.

Hàng trăm linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho các tín hữu chịu Mình Thánh Chúa.

Sau lời nguyện cuối lễ Đức Tổng Giám Mục Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha đã cho họ sống kinh nghiệm gặp gỡ trong hai ngày. Đặc biệt vì ngài đã chỉ cho thấy con đường và kiểu cách tái rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới.

Trước khi kết thúc thánh lễ Đức Thánh Cha đã nói: Anh chị em thân mến, lễ hội đức tin bắt đấu với buổi canh thức hôm qua và đạt tột đinh với bí tích Thánh Thể sáng nay, sắp kết thúc. Một lễ Hiện Xuống mới đã biến quảng trường thánh Phêrộ trở thành Nhà Tiệc Ly lộ thiên. Chúng ta đã cùng sống trở lại kinh nghiệm của Giáo Hội mới nảy sinh, hiệp nhật trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria Me Chúa Giêsu (x Cv 1,14). Cả chúng ta nữa trong sự khác biệt của các đặc sủng, chúng ta sống kinh nghiệm vẻ đẹp của tình hiệp nhất, chỉ là một. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn luôn canh tân sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Tôi xin cám ơn tất cả các phong trào, cộng đoàn, đoàn thể, hiệp hội. Anh chị em là một ơn, và là sự phong phú cho Giáo Hội. Chính anh chị em là sự giầu có của Giáo Hội. Tôi đặc biệt cám ơn tất cả các anh chị em đến từ Roma và biết bao niêu miền khác trên toàn thế giới. Hãy luôn luôn đem theo sức mạnh của Tin Mừng! Đừng sợ hãi! Hãy luôn tươi vui và say mê đối với sự hiệp thông của Giáo Hội! Chúa phục sinh luôn ở với anh chị em và Đức Mẹ sẽ che chở anh chị em! Chúng ta hãy nhớ tới các anh chị em vùng Emilia Romagna, nạn nhân của trận động đất ngày 20 tháng 5 năm ngoái. Tôi cũng cầu nguyện cho Liên hiệp các hiệp hội thiện nguyện Italia chống ung thư.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã xông hương ảnh Đức Mẹ phần rỗi của dân Roma, trong khi cộng đoàn hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, rồi ngài ban phép lành cuối lễ cho tất cả mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Buổi canh thức của Đức Thánh Cha với các Phong Trào

 

Buổi canh thức của Đức Thánh Cha với các Phong Trào

VATICAN. Chiều thứ bẩy 18-5-2013, 200 ngàn thành viên các phong trào, cộng đoàn với và hội đoàn từ nhiều nơi trên thế giới đã tham dự buổi canh thức cầu nguyện với ĐTC nhân dịp Năm Đức Tin.

Cuộc gặp gỡ và canh thức cầu nguyện có chủ đề là ”Con tin! Xin gia tăng niềm tin trong chúng con!”.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là trưởng ban tổ chức, cho biết các tham dự viên thuộc hơn 150 Phong trào, Cộng đoàn mới và Hội đoàn giáo dân từ các nơi về tham dự. Ngài thưa với ĐTC:

”Chiều tối hôm nay, tại Quảng trường này, toàn thế giới thực sự là có đại diện. Chỉ cần trưng dẫn vài nước, con nhắc đến những người đến từ Italia, Argentina, Bạch Nga, Brazil, Congo, Pháp, Đức, Ấn độ, Ai Len, Lituani, Malta, Mêhicô, New Zealand, Ba Lan, Porticio, Slovak, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Trinidad, Tobago và bao nhiêu nước khác…”

”Có những thực tại rất được biết đến và ngày nay đã ăn rễ sâu như Phong trào Hiệp Thông và giải phóng, phong trào Focolari, Tổ Ấm, Phong trào Công giáo tiến hành, Hướng đạo sinh, Con đường Tân Dự Tòng, và những hình thức khác nhau của Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, Cộng đồng thánh Egidio, Cộng đồng Emmanuel, Cộng đồng Sermig- Huynh đoàn Hy Vọng, Cộng đoàn Nomadelfia, Phong trào Tông Đồ người mù, v.v. Nhưng không thiếu những thực tại nảy sinh để đáp ứng ơn gọi tái truyền giảng Tin Mừng như: Shalom, Cancão Nova, Bài Ca mới, những tế bào giáo xứ rao giảng Tin Mừng, các chân trời mới, Phong trào Quốc tế giới trẻ 2000, Totus tuus, Toàn thân con thuộc về Mẹ, Tái truyền giảng Tin Mừng, các Tổ Bác ái (Foyers de la Charité), Đức tin và Ánh sáng, Ánh sáng và Sự Sống, Hiệp Hội các ông bà nội ngoại Công Giáo, và bao nhiêu danh xưng lạ lùng khác của các thực tại Giáo Hội này.”

Từ 3 giờ chiều, các tham dự viện bắt đầu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô: có những sinh hoạt chào đón, suy niệm, thánh ca, âm nhạc và trình bày chứng từ. Trong số các nhóm góp phần linh hoạt trong giai đoạn này đặc biệt có đoàn Gen Xanh, thuộc Phong trào Focolare, Tổ Ấm. Người linh hoạt cuộc gặp gỡ này là cô Lorena Bianchetti, vốn là một người điều khiển chương trình trên truyền hình, trong khi ca đoàn gồm 150 ca viên hợp tuyển từ các Phong trào khác nhau đảm nhận phần thánh ca và âm nhạc. 7 chứng từ được trình bày trong thời gian chờ đợi ĐTC.

Lúc quá 5 giờ rưỡi, ĐTC đã đi xe díp màu trắng tiến vào quảng trường để chào thăm các tín hữu, bầu không khi thật phấn khởi và tưng bừng.

Hiện diện tại buổi canh thức, bên trái lễ đài là những hàng ghế dành cho các vị sáng lập và lãnh đạo các phong trào; bên phải là các Hồng y và Giám Mục.

Sau đó buổi canh thức chính thức bắt đầu lúc 6 giờ chiều với nghi thức rước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma lên lễ đài và mọi người đã lắng nghe Lời Chúa gồm một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 8,5-27) và một đoạn sách Giáo Phụ, thánh Iréné GM.

Sau đó có hai chứng từ rất ý nghĩa được trình bày: thứ nhất là của Ông John Waters, một văn sĩ kiêm ký giả người Ailen. Ông bắt đầu hành nghề ký giả với tạp chí chính trị âm nhạc nổi tiếng nhất ở Ai Len tên là Hot Press. John Waters là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về âm nhạc hiện đại, và thường xuyên viết cho tờ Ai Len Thời Báo (The Irish Times) và tờ Mail on Sunday. Ông cũng sáng tác nhiều vở kịch và viết nhiều sách. Đặc biệt cuốn ”Người Vô thần sa ngã” (Lapsed Agnostic) (2008) và cuốn ”Vượt quá sự an ủi” (Beyond Consolation) (2010) kể lại niềm tin của ông được tìm lại sau những năm tăm tối.

Chứng từ thứ hai của ông Paul Batthi, một bác sĩ giải phẫu người Pakistan, tốt nghiệp tại Đại học Padova, bắc Italia, hành nghề bác sĩ toàn khoa ở Pakistan rồi tại Italia cho đến năm 2011 là năm mà em của ông là Bộ trưởng Shahbaz bị sát hại lúc 43 tuổi. Trong cùng năm 2011, ông Paul Bhatti được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt về hòa hợp quốc gia của thủ tướng Pakistan. Hiện nay ông là lãnh tụ Liên minh thiểu số tại nước này. Ông Shahbaz bắt đầu sứ mạng nơi người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội khi em theo học trường ở làng quê chúng con, làng Khushpur. Một Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, đứng trước Thánh giá Chúa Giêsu, em cảm thấy được kêu gọi ”đáp trả tình thương ấy bằng cách trao ban tình thương cho các anh chị em chúng ta, đặt mình phục vụ các tín hữu Kitô, nhất là những người nghèo, người túng quẫn và bị bách hại đang sống tại quốc gia Hồi giáo này”.

”Thế là trọn cuộc đời, mặc dù có những nghịch cảnh và bị đe dọa, em vẫn luôn trung thành với sứ mạng gần gũi người nghèo, làm chứng về tình thương của Chúa Giêsu, làm việc để trong xã hội bị chia rẽ và bạo lực ở Pakistan, tình thương và khả năng sống chung với nhau được củng cố. Em nói: ”Những người nghèo túng, cô nhi, là phần bị bách hại và nghèo khổ của thân mình Chúa Kitô”.

Shahbaz Bhatti đã bị những kẻ cực đoan sát hại. Ông đã ”làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô bằng máu đào. Nhưng cuộc sống và đức tin của em đã mang lại hoa trái”.

Và ông Bhatti kết luận rằng: ”Kính thưa ĐTC, con xin ĐTC cầu nguyện và nâng đỡ để chúng con có thể tiếp tục sứ mạng của Shahbaz và là chứng nhân kiên vững về Chúa Kitô, mang hy vọng và an bình để tất cả mọi người được tôn trọng và yêu mến. Là Kitô hữu chân chính, đó là điều thay đổi cả cuộc sống của một dân tộc.”

Sau hai chứng từ về kinh nghiệm tái truyền giảng Tin Mừng vừa nói, ĐTC Phanxicô đã ứng khẩu trả lời một vài câu hỏi được các đại diện Phong trào và Cộng đoàn nêu lên với Ngài. Họ hỏi về kinh nghiệm đạt tới sự chắc chắn của đức tin, làm sao vượt thắng sự mong manh của đức tin? Đối với ĐTC đâu là điều quan trọng nhất trong đó tất cả các phong trào, hội đoàn và cộng đoàn chúng con phải nhìn đến để thực hiện công tác mà chúng con được kêu gọi thực hiện? Làm sao chúng con có thể thông truyền hữu hiệu đức tin ngày nay? Làm sao Giáo Hội có thể sống như một Giáo hội nghèo và cho người nghèo? Chúng con có thể làm gì hơn nữa? Làm sao để giúp đỡ các anh chị em chúng con? Làm sao thoa dịu những đau khổ của họ mà không thể làm gì hoặc rất ít để thay đổi bối cảnh chính trị và xã hội của họ?

Buổi canh thức được tiếp tục với phần tuyên xưng đức tin, và kinh nguyện phổ quát, kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG- 2013

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – 2013

Kính Thưa quí ông bà anh chị em, đức tin dạy chúng ta: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Có rất nhiều danh hiệu để chỉ về Chúa Thánh Thần như: Thánh Thần là tình yêu, là Đấng an ủi, là Đấng bảo trợ, là sự khôn ngoan, là Thần chân lý, là trạng sư, là gió, là nước, là lửa, là hơi thở. Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong Giáo Hội và trong đời sống mỗi tín hữu. Ta phải nói rằng:Thánh Thần như một sợi chỉ xuyên suốt từ buổi tạo thành vũ trụ cho đến mãi muôn đời, và đâu đâu cũng mang dấu ấn của Chúa Thánh Thần, nghĩa là dấu ấn của tình yêu.

Kính thưa quí ông bà anh chị em, với công việc cứu rỗi nhân loại được hoàn tất qua cuộc đời, cái chết , phục sinh và lên trời của Chúa Giê-su Ki-tô, thì tiếp theo sau công việc cứu rỗi của Chúa Giêsu là công việc của Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa; bởi vì như Chúa Giê-su đã từng nói với các Tông Đồ: “Thầy còn nhiều điều để nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể hiểu nổi nhưng khi Thánh Thần đến Ngài sẽ giúp các con hiểu” ( Ga 16,12).

Ngày lễ hiện xuống hôm nay là chính lời Chúa Giê-su được thể hiện, như cả ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay mô tả về Chúa Thánh Thần và công việc của Ngài. Vậy thì công việc của Chúa Thánh Thần là gì? Nếu không phải là sự hiện diện của tình yêu. Thánh Thần được ban xuống cho các Tông Đồ dưới hình lưỡi lửa, mà lửa theo ngôn ngữ Kinh Thánh, đó là tình yêu: “Thầy đã đến ném lửa vào thế gian và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ” ( Lc 12,49).

Tình yêu là một yếu tố rất quan trọng và không thể thiếu được; thiếu tình yêu thì con người sẽ lộn xộn, chấp nhất, chiến tranh loại trừ nhau; cho nên con người cần phải có tình yêu vì: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Tình yêu có mặt khắp mọi nơi và nó len lỏi trong các tâm hồn của các môn đệ cũng như tất cả các tâm hồn có niềm tin. Hiện diện của tình yêu có khả năng biến đổi tất cả lòng người, hiện diện của tình yêu là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, một sự hiện diện sáng tạo, cho nên là người sống tình yêu thì không thể ngồi ù lì một chỗ mà, trái lại đó là một sự năng động của phục vụ. Thánh Thần là hơi thở, hơi thở mà Thánh Kinh diễn tả trong thời tạo dựng: “Người thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” ( st 2,7). Hơi thở thật quan trọng và quí giá mà con người cần phải có mới sống được.

Câu chuyện “Không khí” kể lại một môn sinh đến thưa với vị linh đạo là: anh ta muốn gặp Chúa. Vị linh đạo chỉ im lặng và mỉm cười. Hôm sau môn sinh cũng nói với vị linh đạo như thế, vị linh đạo vẫn im lặng, một ngày đẹp trời, vị linh đạo đưa môn sinh ra dòng sông tắm, trong khi thầy trò tắm, vị linh đạo tóm lấy môn sinh dìm xuống nước một lúc, môn sinh cố gắng ngoi lên, sau đó vị linh đạo kéo lên rồi hỏi: trong khi con ở dưới nước, con cần điều gì nhất, không một chút suy nghĩ, môn sinh trả lời: con cần không khí.Vị linh đạo nói: bao giờ con khao khát Chúa như vậy thì con sẽ gặp Chúa ngay.

Kính thưa anh chị em, nếu trong cuộc đời chúng ta khao khát Chúa như hơi thở

thì chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa. Hơi thở cần thiết cho sự sống không thể thiếu được. Ở đời ta có thể thiếu cái này, cái kia và cho dù có những điều quan trọng không thể thiếu được như của ăn, thức uống, nhưng giả sử ta thiếu nó một vài ngày hay có khi cả tuần lễ chúng ta cũng chưa chết, thế nhưng không khí chỉ thiếu 3 phút thôi thì không ai sống nổi, thế mà mấy ai thấy được sự quí giá vô cùng đó để tạ ơn Chúa; có lẽ vì không khí chúng ta

nhận cách miễn phí, nên ít ai chú trọng. Không khí ta không thấy được bằng giác quan con mắt, nên chi không gây sự chú ý và quan tâm của con người; cũng vậy, cách nào đó Chúa Thánh Thần, chúng ta không thấy, nhưng ơn của Ngài lại chan hòa mặt đất và rất cần thiết cho sự sống siêu nhiên của con người biết bao, thế mà đã bao lần ta ý thức đủ điều này; có lẽ vì ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho con người nên con người lại không để ý về điều này tương tự như không khí vậy. Cho nên hơn bao giờ hết, ngày hôm nay chúng ta cần phải ý thức về ơn của Chúa Thánh Thần, một ơn rất quan trọng và cần thiết cho đời sống tâm linh của mỗi người, để từ đó chúng ta khao khát và mở tâm hồn ra đón nhận, và khi ta có Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn chúng ta, lúc đó ta trở thành một con người ngoan ngoãn, dễ thương bởi ta hoàn toàn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời ta, như xưa Ngài đã từng hướng dẫn các Tông Đồ và thúc bách các ông ra đi loan báo tin mừng tình yêu cứu độ của Chúa cho muôn dân.

Tiếp nối công việc của các Tông Đồ xưa kia, bây giờ đến lượt chúng ta cũng làm chứng cho tình yêu của Chúa; nghĩa là sống tình yêu và loan báo tình yêu của Chúa cho người khác; sống tình yêu là hy sinh phục vụ, chấp nhận những đau thương thua thiệt để cho người khác được lớn lên, được vui mừng hạnh phúc. Ước gì ơn Chúa Thánh Thần xuống dồi dào cho mỗi người, gia đình, cộng đoàn, thế giới hôm nay để tất cả được đổi thay, tất cả được đổi mới nhờ yêu thương. Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến và canh tân bộ mặt trái đất. Amen. Hallêluia.

Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI CÁC CON

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI CÁC CON

Để ghi nhớ khai sinh ra nền quân chủ, dân chủ hoặc ngày độc lập của một quốc gia trên thế gới, người ta chọn và gọi là ngày quốc khánh. Để rồi hằng năm, cứ vào ngày quốc khánh của một quốc gia, người ta treo cờ, nghỉ ngơi,  đồng thời tổ chức những lễ hội hoành tráng….trước là để nhắc nhở mọi người về sự kiện lớn của đất nước, sau nữa là để tưởng nhớ đến những người có công gầy dựng, sau cùng là tự hào, quảng bá hình ảnh về đất nước mình cho toàn thế giới…

Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây là một biến cố lớn trong Hội Thánh, là ngày khai sinh Hội Thánh, ngày mà các thánh Tông Đồ đón nhận tràn đầy tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa ngang qua Chúa Thánh Thần, và cũng là ngày khởi đầu thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho khắp muôn dân của các thánh Tông Đồ. Vì thế, ta cũng có thể coi ngày lễ hôm nay là ngày “Quốc Khánh” của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.

Giáo Hội Công Giáo, hay nói khác đi theo ngôn ngữ trần thế, đây là một vương quốc, một đất nước tại thế do chính Đức Giêsu thiết lập khi Ngài phán cùng ông Phêrô: “ Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt.16,18).

Vương quốc, đất nước tại thế đó là Giáo Hội Công Giáo do Đức Giêsu thiết lập hiện diện giữa xã hội trần thế. Vương quốc ấy không giới hạn bởi thời gian và không gian, không cắt ngăn bởi thể chế chính trị, ranh giới, địa lý…; không phân biệt tuổi tác, trình độ, tiếng nói, màu da và sắc tộc… Vương quốc, đất nước ấy bao trùm khắp địa cầu và mãi mãi trường cửu; vương quốc được Chúa Thánh Thần hướng dẫn ngang qua phẩm trật của Giáo Hội. Người đứng đầu phẩm trật là ngôi vị Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi.

Với xã hội trần thế, ngoài những lễ hội, nghỉ ngơi vui chơi trong ngày quốc khánh, ngày ấy còn nhắc nhở mọi người, mọi thành phần từ người lãnh đạo cao nhất cho đến những trẻ em ngày đầu đời cắp sách đến trường; từ người quyền quý, cao sang cho đến những người cùng khốn ý thức mình là những con dân trong đất nước, luôn có bổn phận, trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo và cùng chung tay góp sức sao cho đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, vận dụng những gì  có thể từ tri thức đến tình cảm  để quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước mình cho thế giới…

 

Là người Công Giáo, sau khi ta cúi đầu lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ta chính thức trở thành thần dân của vương quốc Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước tiên ta hòa cùng với toàn thể Giáo Hội cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa đã ân ban, thiết lập Giáo Hội ngang qua Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần; tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban, mời gọi ta trở thành những thành viên trong gia đình Giáo Hội.

Trong niềm vui và hân hoan của ngày lễ  “ Quốc Khánh” Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, ta tri ân các thánh Tông Đồ và những người kế vị các ngài, vì các ngài đã hy sinh cuộc đời và cả tính mạng để gìn giữ giới thiệu và làm cho bộ mặt của Giáo Hội ngày càng sinh động, trưởng thành. Đặc biệt, các ngài đã dẫn dắt và giúp ta trở thành những thần dân tốt trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo.

Là thần dân, là một phần tử  trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo, trong ngày lễ “quốc Khánh” của Giáo Hội, ta được mời gọi nhìn lại trách nhiệm và bổn phận của mình đối với Giáo Hội trong việc gìn giữ, xây dựng và giới thiệu hình ảnh của Giáo Hội cho thế giới. Giáo Hội là chi thể và là nhiệm thể của Đức Kitô. Vì thế, một khi ta giới thiệu hình ảnh, đời sống của Giáo Hội là ta giới thiệu chính hình ảnh và đời sống của Đức Giêsu, Đấng đã và đang sống giữa Giáo Hội và thế giới.

Nếu như xã hội trần thế  quảng bá hình ảnh đất nước của mình cho thế  giới bằng nhiều cách và nhiều hình thức, đôi khi sự giới thiệu được phóng đại, lời giới thiệu được cường điệu và sai với sự thật… Với ta là thần dân trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo, trong bổn phận và trách nhiệm giới thiệu hình ảnh và đời sống của Đức Giêsu ngang qua Giáo Hội ta được giáo huấn: “ Có thì nói có và không thì nói không”(Gc.5,12). Tất cả lời giới thiệu  của ta phải là Sự Thật,ta không chỉ giới thiệu Sự Thật ấy bằng lời, mà phải bằng chính đời sống của ta.

Sống giữa xã hội hôm nay, một xã  hội tràn ngập sự dối trá. Dối trá từ trong mái ấm gia đình, đối trá nơi học đường, nơi bệnh viện; dối trá qua những hiện tượng hàng gian, hàng giả, bằng cấp, học vị….Giữa một xã hội như thế, ta có khác chi những chú cá lội ngược dòng khi ta sống, nói và giới thiệu hình ảnh và đời sống Giáo Hội bằng lời thật và sống thật.

Trước ngày lễ Ngũ Tuần 50 ngày, nơi căn phòng tiệc ly. Căn phòng mà Đức Giêsu chọn làm nơi từ biệt đồ đệ của mình qua bữa tiệc. Khi ấy, 12 môn đệ của Đức Giêsu quây quần bên Thầy, mỗi người mỗi tâm trạng và mỗi toan tính khác nhau. Sau ngày Đức Giêsu Tử Nạn và Về Trời, cũng nơi căn phòng ấy chỉ còn lại 11 người, các ông đồng mang tâm trạng thất vọng, lo âu và sợ hãi. Đến thời mà Thiên Chúa đã hoạch định và sau khi cùng với Mẹ Maria cầu nguyện. Một sự kiện lạ lùng đã đến như lời trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ: “ Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn phòng… Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người. Và ai nấy được tràn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo Thánh Thần ban cho”(Cv.21-4).

Sau khi nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần các  ông đã nhớ lại lời Đức Giê su đã truyền: “ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con, các con hãy nhận lấy Thánh thần” (Ga. 20,21-22). Từ sau sự kiện cả thể ấy, 11 môn đệ của Đức Giêsu được biến đổi hoàn toàn. Họ đang là những con người mang tâm trạng thất vọng, chán nản và sợ hãi qua cái chết của Thầy, ấy thế mà giờ đây, các ông đã mạnh dạn tông cửa để rao giảng Tin Mừng; là những ngư phủ, chất phác, các ông đã trở thành những con người uyên bác, để rồi qua ngôn ngữ của các ông, tất cả những người chứng kiến, nghe, tất cả họ đều người kinh ngạc và thán phục.

Vâng! Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi các thánh Tông Đồ, Ngài cũng đang hoạt động nơi Giáo Hội, nơi mỗi con người tin nhận Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là một vị Thiên Chúa âm thầm lặng lẽ, nhưng quyền năng của Ngài thì siêu việt, Ngài chính là sức mạnh mở tung những cách cửa luôn khép kín vì sợ sệt, lo âu và nhát đảm khi được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng; Ngài chính là ngọn lửa phá tan đi những tảng băng của hoài nghi, của thất vọng, nghi kỵ, của hận thù và chia rẽ giữa con người với con người;

Với những tâm hồn băng giá, nguội lạnh và khô khan, những tâm hồn nghèo hèn và đau khổm Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa an ủi và đỡ nâng; trong đời sống Đức Tin và cầu nguyện, Chúa Thánh Thần chính là Người Thầy soi lòng mở trí cho ta nhận ra Thiên Ý, giúp và dạy ta cầu nguyện, hướng dẫn ta thực thi giới răn của Thiên Chúa một cách chu toàn và Ngài là Thầy dạy ta am hiểu Kinh Thánh một cách chuẩn mực nhất. Đặc biệt, Ngài chính là Đấng kiến tạo sự Bình An và Hiệp Nhất.

Ngày xưa Đức Giêsu đã lệnh truyền cho các thánh Tông Đồ“ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga.20,21). Hôm nay, Ngài cũng mời gọi ta trở thành những người loan báo Tin Mừng, những người giới thiệu hình ảnh và đời sống Giáo Hội cho mọi người và cho thế giới, dẫu rằng ta đang bị nhốt trong những cánh cửa của sợ sệt, nhát đảm và lo âu; ta đang bị lung lạc Đức Tin bởi những tảng băng của bệnh tật, đói nghèo, khổ đau và thử thách. Tất cả những hệ lụy, những cản trở đó sẽ được hóa giải nếu ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và thường xuyên cầu khẩn Ngài đến ở trong ta và hành động giúp ta.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân đời sống chúng con và canh tân bộ mặt thế giới này. Xin giúp con trở thành thần dân tốt, thần dân có trách nhiệm trong vương quốc Giáo hội Công Giáo mà Chúa đã khai sinh qua các thánh Tông Đồ. Amen.

An tôn Lương Văn Liêm

Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ Giáo Hội

Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ Giáo Hội

Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng Giáo Hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Giáo hội của Chúa sẽ tan rã thê lương. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi. Giáo hội vẫn tồn tại. Có những lúc Giáo hội đi vào những khúc quanh đen tối của dòng lịch sử khi mà thế quyền điều khiển Giáo hội, Giáo hội chỉ là con cờ trong tay chính quyền sai khiến, thế nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, bàn tay Thiên Chúa vẫn dẫn dắt Giáo hội đi theo thánh ý Chúa. Có những lúc Giáo hội tưởng như đã đổ xập xuống khi mà người điều hành Giáo hội lại sống thiếu bổn phận, thiếu trong sạch và đạo đức, nhưng Thiên Chúa vẫn giúp Giáo hội vượt qua những khủng hoảng, những mây mù đen tối để có thể tiếp tục bay cao, bay xa và đi đến tận cùng trái đất.

Giáo hội vẫn trường tồn qua mọi thời đại dầu có phải đương đầu với bao khó khăn, bất trắc và hiểm nguy vì linh hồn của Giáo hội chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa mãi hằng sống. Thiên Chúa vẫn hiện hữu giữa lòng Giáo hội. Chúa Giêsu Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài hứa ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là sức mạnh của Giáo hội đến nỗi cửa hoả ngục cũng không thắng được. Ngài là thành luỹ chở che Giáo hội giữa những phong ba bão tố cuộc đời. Ngài còn ban cho Giáo hội Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của Giáo Hội. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn của những phần tử trong Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ uốn nắn những tư tưởng, những đường lối lệch lạc, sai lầm của con người phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh cho thấy: con người từng toa rập với ma quỷ để phá đổ chương trình của Chúa, nhưng Thiên Chúa đã sửa sai và làm cho tốt hơn. Điển hình là tội của Adam đã phá vỡ những điều tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã biến thành Tội Hồng Phúc để ban Đấng Cứu Thế cho nhân trần. Giuse đã từng bị các anh bán qua Ai Cập, nhưng đó lại là cơ hội để cứu giúp cho cả dòng tộc Giacop… Và còn, còn rất nhiều những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để đưa lịch sử trở về với chương trình của Thiên Chúa.

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giáo hội biến chất hay hư hoại. Thế gian luôn thù ghét Giáo hội. Thế gian luôn tìm cách phân chia Giáo hội. Vì Giáo hội thuộc về Thiên Chúa nên thế gian tìm cách loại trừ. Chúa Giêsu Ngài đã biết trước những khó khăn sẽ tới với Giáo hội, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến để gìn giữ, canh tân Giáo hội. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Sự hiên diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội như muốn nói với chúng ta: Giáo hội không tồn tại bởi những con người cụ thể. Giáo hội càng không phát triển dựa vào tài trí một con người nào đó. Giáo hội luôn được lớn mạnh vì có sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội.

Thực vậy, có ai nghĩ rằng chỉ vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém về trình độ học thức, về nghị lực lại có thể mang tin mừng Chúa trải rộng khắp Năm Châu? Có ai nghĩ rằng Phêrô vụng về năm nào lại có thể mang về cho Nước Chúa biết bao mẻ cá kỳ diệu là các tín hữu ky-tô? Có ai nghĩ rằng Giáo hội phát triển không nhờ tài trí con người, không nhờ những thoả hiệp với thế gian, những bổng lộc của vua quan mà Giáo hội phát triển, vươn lên mạnh mẽ qua những gian truân, những nước mắt và máu đổ, như lời Tertuniano đã từng nói: “Máu các thánh tử đạo sẽ làm trổ sinh các tín hữu”? Ở thế kỷ 20, có ai ngờ rằng biểu tượng sáng giá cho đời sống chứng nhân tin mừng lại nằm trong một con người nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Têrêsa? Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.

Vì thế, là người ky-tô hữu thiết tưởng chúng ta đừng nhìn Giáo hội với con mắt trần thế, chúng ta sẽ không thấy tương lai. Vì Giáo hội vẫn còn bất cập, vẫn còn những lập trường cá nhân hàm hồ, vẫn còn những khiếm khuyết nên có thể chúng ta sẽ thất vọng về những gì đang diễn ra trong Giáo hội. Hãy nhìn Giáo hội với con mắt của đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn trung thành với Giáo hội. Chúa sẽ có cách để gìn giữ Giáo Hội. Chương trình của Chúa chắc chắn sẽ cao hơn những gì chúng ta thấy, chúng ta nghĩ. Tư tưởng của Chúa luôn là sự kinh ngạc đến lạ thường mà con người mãi mãi không thể hiểu được! Hãy tín thác vào Chúa để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đứng về phía Giáo hội để cầu nguyện, để bảo vệ, để giúp Giáo hội vượt qua những khó khăn trước mắt. Đừng ngồi đó để nguyền rửa nhau hay giận dỗi nhau, nhưng hãy cùng nắm tay nhau đi chung một con đường có tên Giêsu. Con đường của Giêsu là con đường âm thầm, mục nát để đem lại sự sống cho đời. Con đường của Giêsu đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa đời làm cho đời tốt hơn chứ không đảo lộn thế gian. Đừng bắt ai theo quan điểm của mình. Đừng lôi kéo ai theo phe nhóm mình. Hãy tìm lối sống hoà hợp giữa thế gian. Không hoà tan nhưng vẫn giữ được giá trị của phúc âm từ chính đời sống hiệp nhất yêu thương trong lòng Giáo hội.

Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức hồng y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen.

Lm Tạ Duy Tuyền

Đấng ban sự sống

Đấng ban sự sống

ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN SỰ SỐNG (Ga 20,19-21)

Hơi thở tượng trưng cho sự sống. Còn thở là còn sống. Hết thở là hết sống. Hôm nay, Đức Giêsu thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Thổi hơi để chỉ rằng Đức Chúa Thánh Thần là hơi thở. Thở hơi để truyền sự sống. Ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống.

Đức Chúa Thánh Thần là Đấng ban Sự Sống. Điều này được diễn tả trong sách Sáng Thế. Thuở tạo thiên lập địa, cả vũ trụ chưa nên hình nên dạng, chưa có sự sống. Trời đất là một khối hỗn mang. Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (cf. St 1,1). Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước để vũ trụ được định hình. Thánh Thần Chúa ban cho trời đất một diện mạo. Và trên hết Thánh Thần Chúa ban sự sống cho muôn loài.

Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại. Ngôn sứ Êdêkien đã được thấy trong một thị kiến như sau: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng Thần Khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét. Người bảo tôi: “Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không?”. Tôi thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó”. Bấy giờ Người bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Ngươi hãy nói với Thần Khí: Từ bốn phương trời, hỡi Thần Khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh. Thần Khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên”” (Ed 37,1-10). Thánh Phaolô quả quyết: Đức Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu sống lại cũng sẽ làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết.

Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

Từ khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ trở nên khác hẳn. Trước kia các ngài nhút nhát sợ hãi, nay các ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ngài chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu giáo lý, nay các ngài cất tiếng rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các ngài còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay các ngài chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các ngài. Các ngài đã nhận được sự sống mới, sự sống của Chúa, để sống vì Chúa và sống cho Chúa.

Ngày chịu phép rửa tội, ta đã nhận được sự sống của Chúa. Tuy nhiên có nhiều chỗ trong linh hồn ta không có sự sống vì tội đã ngăn cản ơn thánh và làm chết đi nhiều phần trong linh hồn. Những dục vọng, đam mê, tham vọng, tinh thần thế tục giống như vi trùng len lỏi vào linh hồn làm cho sự sống của Chúa bị tổn thương. Linh hồn suy nhược không còn tha thiết làm việc lành. Hôm nay ta hãy xin Đức Chúa Thánh Thần xuống Phục Sinh những thành phần chết chóc trong tâm hồn ta. Và nhất là xin Người ban sự sống mới cho tâm hồn ta. Giúp ta biết tẩy bỏ lối sống, lối suy nghĩ, lối cư xử xưa cũ theo tinh thần thế tục, để sống một đời sống mới, sống nhiệt thành, sống bác ái, sống quên mình, sống dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân hơn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại và ban sự sống mới. Bạn có thấy linh hồn bạn cần những sự sống này không?

2. Sau khi nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã thay đổi đời sống. Bạn cũng đã nhận ơn Chúa Thánh Thần, đời sống bạn có thay đổi gì không?

3. Đức Chúa Thánh Thần luôn sai đi. Hôm nay bạn cảm thấy Chúa Thánh Thần sai bạn đi làm gì?

ĐTGM Ngô quang Kiệt

Xin đừng làm những Kitô hữu ‘bán thời gian’

Xin đừng làm những Kitô hữu ‘bán thời gian’

(Vatican Radio) Để chuẩn bị cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và trong khuôn khổ của các bài giáo lý trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô dành buổi triều kiến ngày thứ tư cho hành động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, hướng dẫn chúng ta đến Sự Thật.

Sau đây là bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha hôm nay: Các anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi muốn chú trọng đến tác động của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn Giáo Hội và mỗi người trong chúng ta đến Sự Thật. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Khi Thần Khí đến, “Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), chính Người là “Thần Khí của Sự Thật” (Ga 14:17; 15:26; 16:13). Chúng ta sống trong một thời đại tương đối hay hồ nghi về sự thật. Chân Phước Benedict XVI đã nói nhiều lần đến chủ nghĩa tương đối, nghĩa là khuynh hướng tin rằng không có gì là tiên quyết, và nghĩ rằng sự thật là những gì chúng ta đồng ý, hay chúng ta mong muốn. Câu hỏi là: “Sự thật có hiện hữu không? Sự thật là gì? Chúng ta có thể biết sự thật không? Chúng ta có thể tìm thấy sự thật không? Ở đây tôi nhớ đến câu hỏi của Tổng Trấn Rôma Ponxiô Philatô khi Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa sâu xa của sứ vụ của Người: “Sự thật là gì? ” (Ga 18,37.38). Philatô không hiểu rằng “sự thật” đang ở ngay trước mắt ông, là chính gương mặt của Thiên Chúa, Giêsu chính là Sự Thật: Sự Thật trong sự viên mãn của thời gian, “trở nên nhục thể” (Ga 1,1.14), đã đến giữa chúng ta để chúng ta nhận biết. Chúng ta không thể nắm giữ sự thật như một vật thể, chúng ta chỉ có thể gặp gỡ sự thật. Sự thật không phải là một sở hữu, mà là sự gặp gỡ một Người.

Nhưng ai có thể giúp chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là “Lời” của sự thật, là Con của Chúa Cha? Thánh Phaolô dậy chúng ta là “không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa,” ngoại trừ nhờ Chúa Thánh Thần (1 Cr 12:3). Chính là Chúa Thánh Thần, quà tặng của Chúa Kitô Phục Sinh, mới giúp chúng ta nhận biết Sự Thật. Chúa Giêsu gọi Người là “Đấng Bảo Trợ,” nghĩa là “Đấng đến trợ giúp chúng ta,” Đấng ở bên chúng ta để trợ giúp chúng ta trên hành trình học hỏi, và trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ là Chúa Thánh Thần sẽ dậy họ tất cả mọi điều, và nhắc họ nhớ lại các lời nói của Người (Ga 14:26).

Vậy thì đâu là tác động của Thánh Thần trong đời sống chúng ta và đời sống Giáo Hội để dẫn đưa chúng ta đến sự thật? Trước hết, Người nhắc nhớ và in dấu trong tim các tín hữu những gì Chúa Giêsu đã nói, và chính là qua các lời này, lề luật của Thiên Chúa – như các tiên tri trong Cựu Ước đã tuyên bố – được ghi dấu trong tim chúng ta và trở nên trong chúng ta một nguyên tắc để lượng giá các chọn lựa của chúng ta và để hướng dẫn chúng ta trong các hoạt động hàng ngày. Lời tiên tri của Êdêkiên đã thể hiện: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng cho các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim đá khỏi thân mình các người và ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các người, Ta sẽ làm cho các người đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của ta và đem ra thi hành “(Ed 36:25-27). Thật vậy, các hành động của chúng ta xuất phát từ tận đáy lòng: chính con tim chúng ta cần phải được hoán cải về với Chúa, và Thánh Thần sẽ biến đổi nó nếu chúng ta mở lòng cho Người.

Như Chúa Giêsu đã hứa, Thần Khí sẽ hướng dẫn chúng ta “đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13) Người không những chỉ dẫn đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu, là sự thật toàn vẹn, mà còn giúp chúng ta bước vào một sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu, là chính Sự Thật toàn vẹn, Người ban cho chúng ta kiến thức về mọi sự của Chúa. Tự lực chúng ta không thể thực hiện được điều này. Nếu Thiên Chúa không soi sáng tâm hồn chúng ta, thì đời sống Kitô chúng ta sẽ chỉ hời hợt mà thôi. Truyền thống của Giáo Hội khẳng định rằng Thánh Thần của Sự Thật hành động trong lòng chúng ta, gợi lên “cảm nhận về đức tin” (sensus fidei), qua đó như Công Đồng Vatican II đã xác định, Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, triệt để tuân theo đức tin đã được ban cho tất cả mọi người và cho các thánh,(113) xâm nhập sâu xa hơn bằng những suy tư đúng đắn trong đời (xem Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium, 12). Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có cởi mở cho Chúa Thánh Thần không, chúng ta có cầu xin Người soi sáng để chúng ta nhậy cảm với những gì của Chúa? Và đây là kinh nguyện chúng ta phải đọc mỗi ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần xin mở lòng con cho Lời Chúa, xin cho lòng con được mở ra cho sự lành, cho sự huy hoàng của Thiên Chúa, hàng ngày.”

Nhưng tôi muốn hỏi các bạn câu này: Có bao nhiêu bạn đọc kinh hàng ngày để cầu xin Chúa Thánh Thần? Tôi đoán là chỉ có rất ít, nhưng chúng ta ý thức rằng ước muốn của Chúa Giêsu là chúng ta phải cầu nguyện hàng ngày với Chúa Thánh Thần để xin Người mở lòng chúng ta cho Chúa Giêsu.

Chúng ta nhớ đến Mẹ Maria “Mẹ hằng ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51). Việc tiếp nhận những lời này và sự thật của đức tin để cho chúng trở nên đời sống của chúng ta, được thể hiện và tăng trưởng dưới tác động của Thánh Thần. Bằng cách này, chúng ta phải học hỏi nơi Mẹ Maria, khi sống lại lời “xin vâng”, là sự hoàn toàn sẵn sàng để tiếp nhận Con Chúa trong đời sống Mẹ, và vào chính lúc đó Mẹ đã được biến cải. Qua Thánh Thần, Chúa Cha và Chúa Con đến để ở trong chúng ta: chúng ta có sống trong Chúa và vì Chúa không? Đời sống chúng ta có được Thiên Chúa tác động không? Chúng ta đã đem được những điều gì dâng lên Thiên Chúa?

Anh chị em thân mến, chúng ta cần để cho mình thấm nhuần ánh sáng của Thánh Thần, để Người giới thiệu chúng ta với Sự Thật của Thiên Chúa, là Chúa độc nhất trong đời chúng ta. Trong Năm Đức Tin này, chúng ta tự hỏi xem chúng ta đã thực tâm khởi sự nhận biết Chúa Kitô và sự thật của đức tin nhiều hơn không, bằng việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh, học hỏi về giáo lý, và thường xuyên lãnh nhận các bí tích không? Đồng thời chúng ta cũng tự hỏi là chúng ta đã làm gì để cho đức tin hướng dẩn hoàn toàn đời sống của chúng ta? Xin đừng làm một Kitô hữu “bán thời”, vào một vài thời khắc, trong vài trường hợp, xin hãy là một Kitô hữu trong mọi lúc! Sự Thật của Chúa Kitô, là Thánh Thần dậy dỗ chúng ta và ban cho chúng ta, luôn luôn và mãi mãi can thiệp vào đời sống chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Người thường xuyên hơn, xin Người hướng dẫn chúng ta trên bước đường của các môn đệ Chúa Kitô.

Bùi Hữu Thư – Vietcatholics

Mỹ quan ngại về bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha

Mỹ quan ngại về bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha

Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về các bản án tù Việt Nam vừa tuyên phạt hai nhà hoạt động trẻ vì các hoạt động chống Trung Quốc, kêu gọi tự do-dân chủ, và phản đối chế độ cai trị độc tài.

Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị tuyên án lần lượt là 6 và 8 năm tù giam hôm 16/5 tại Long An về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Việt Nam nói Uyên và Kha xuyên tạc chính sách của đảng và nhà nước về vấn đề tôn giáo, đất đai, biên giới-chủ quyền, và kích động dân chúng chống lại đảng và nhà nước.

Tuyên bố đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 17/5 nêu rõ các bản án này là một phần trong xu hướng đáng quan ngại của nhà chức trách Việt Nam dùng các tội danh trong luật về an ninh quốc gia để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hoà.

Hoa Kỳ nhấn mạnh những việc làm của Hà Nội trái với quyền tự do ngôn luận và trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Uyên và Kha và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hoà.

Trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nói bản án Hà Nội trừng phạt Uyên và Kha, những người thực thi quyền tự do ngôn luận, “thật sự gây căm phẫn”.

                            Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Right Watch

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch:

“Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp.”

Human Rights Watch cho biết sẽ tiếp tục nêu các bản án này ra trước công luận quốc tế để đánh động sự quan tâm hơn nữa của thế giới về tình hình nhân quyền Việt Nam và có hành động thích ứng giữa lúc Hà Nội đang nỗ lực tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Phản hồi về bản án dành cho Uyên và Kha và phản ứng của công luận trước cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam, anh trai của Đinh Nguyên Kha, ông Đinh Nhật Uy nói với VOA Việt ngữ:

“Gia đình cực lực lên án, phản đối bản án cực kỳ vô lý và quá nặng nề đối với hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Những sự phản hồi của đồng bào trong và ngoài nước và các cơ quan đại diện như đại sứ quán của Mỹ tại Việt Nam lên án về các bản án sai trái càng cho thấy những việc xử đó càng làm tăng thêm sự căm phẫn của người dân nếu chính quyền cứ tiếp tục xử án vô lý như vậy.”

Người nhà và luật sư của Uyên và Kha cho biết trong lời phản biện tại tòa, hai thanh niên này nói không có mục đích chống nhà nước CHXHCN Việt Nam và khẳng định họ là những người trẻ yêu nước, phẫn uất trước các chính sách của đảng cộng sản Việt Nam và hành động xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Anh trai của Nguyên Kha cho biết:

Tại phiên tòa hôm qua, Kha rất chững chạc và rất vững tâm với quan điểm của mình. Kha nói Kha không hề chống phá, nói xấu, hay chống lại dân tộc, đất nước Việt Nam, cho nên Kha không phạm tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam’. Kha chỉ trước tiên là chống Trung Quốc, thứ hai là chống đảng cộng sản. Kha nói trong luật không ghi chống đảng cộng sản là có tội. Bởi vì thế, Kha nói là Kha không có tội. Kha và Uyên tại tòa dõng dạc nói theo suy nghĩ của bản thân mình. Tôi thấy hoàn toàn khác biệt với các đoạn video trước đó mà đài truyền hình của nhà nước Việt Nam đã đăng tải.”

Uyên và Kha bị cáo buộc treo biểu ngữ và rải truyền đơn chống đảng cộng sản Việt Nam và chống Trung Quốc xâm lược.

Đại diện pháp lý của Phương Uyên, luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre, cho rằng truy tố Uyên và Kha theo điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước” vì các hoạt động bị cáo buộc là “phỉ báng đảng cộng sản” và chống Trung Quốc là không thể chấp nhận.

Mẹ Phương Uyên cho biết tại tòa, Uyên khai nhận cô dùng máu viết hai biểu ngữ “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”“Đi chết đi đảng cộng sản” khi sự căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam lên đến tột cùng.

Bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên:

“Lời cuối cùng Uyên nói: ‘Tôi là một sinh viên, là đại diện cho tầng lớp trí thức, sức mạnh của đất nước, tôi mong muốn phiên tòa hôm nay xét xử công bằng để tôi sớm được trở về với cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đất nước và thể hiện lòng yêu nước.’ Uyên chỉ nói vậy thôi chứ không xin xỏ gì hết. Và cháu đã nói lên tất cả những uẩn khúc trong vụ án và thể hiện lòng yêu nước. Phiên tòa hôm nay, bản án hôm nay rõ ràng là bản án dành cho người yêu nước. Trước tòa, Uyên nói dõng dạc: ‘Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị bỏ tù vì thể hiện lòng yêu nước.’ Gia đình rất lấy làm vinh dự, vinh hạnh về những việc con mình đã làm.”

Tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự có hình phạt tối đa lên tới 20 năm tù giam. Giới bảo vệ nhân quyền nói tội này thường được dùng để đối phó với những người có quan điểm bất đồng với nhà nước tại quốc gia độc tài do một đảng cộng sản cai trị ở Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cấm mọi tranh luận về chính trị.

Hàng chục nhà hoạt động đã bị tống giam kể từ cuối năm 2009 khi Việt Nam khởi sự chiến dịch mới trấn áp quyền tự do ngôn luận.

Chỉ trong năm nay, ít nhất 38 nhà hoạt động mà nhiều người trong số này là các blogger, các nhà báo tự do, đã bị kết án vì các hoạt động bị cho là “chống nhà nước” theo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như 79 “âm mưu lật đổ chính quyền” hay 88 “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Trà Mi – VOA

Đức Thánh Cha khích lệ các Hội Giáo Hoàng truyền giáo

Đức Thánh Cha khích lệ các Hội Giáo Hoàng truyền giáo

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các Hội Giáo Hoàng truyền giáo trong công tác giáo dục, động viên tinh thần của các tín hữu trong công tác truyền giảng Tin Mừng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17 tháng 5-2013, dành cho gần 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo đang nhóm khóa họp thường niên trong những ngày này tại Roma, trong số các vị cũng có Cha Ngô Quang Tuyên Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở Việt Nam.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fernando Filoni Tổng trưởng Bộ truyền giáo, 2 vị TGM Tổng thư ký và nhiều chức sắc của Bộ.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt đề cao tầm quan trọng của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và ngài cám ơn họ vì sự cộng tác vào sứ vụ của ngài. ĐTC cũng nhắn nhủ rằng:

”Anh chị em đừng bao giờ mệt mỏi trong việc giáo dục các tín hữu Kitô, từ thủa thơ ấu, về tinh thần truyền giáo hoàn vũ, giúp toàn thể cộng đoàn Giáo Hội nhạy cảm trong việc nâng đỡ và hỗ trợ các xứ truyền giáo theo nhu cầu của mỗi miền.”

ĐTC cảnh giác rằng: ”Đứng trước cám dỗ của nhiều cộng đoàn Giáo Hội muốn co cụm vào mình, chỉ bận tâm đến những vấn đề của mình, nghĩa vụ của anh chị em là nhắc nhở cho họ về việc truyền giáo cho dân ngoại, làm chứng như những ngôn sứ về cuộc sống của Giáo Hội hoàn vũ và của các Giáo Hội địa phương là truyền giáo, và việc truyền giáo này có tính chất hoàn vũ… Sứ vụ của Giám Mục và của tất cả các thừa tác vụ chắc chắn là làm sao để cộng đồng Kitô được tăng trưởng, nhưng tất cả đều nhắm phục vụ cho tình hiệp thông của các Giáo Hội để chu toàn sứ mạng truyền giảng Tin Mừng. Trong bối cảnh đó, tôi mời gọi anh chị em đặc biệt chú ý đến các Giáo Hội trẻ, nhiều khi đang hoạt động trong một bầu không khí khó khăn, bị kỳ thị và bách hại, để họ được nâng đỡ và trợ giúp trong việc làm chứng cho Tin Mừng bằng lời nói và việc làm”.

Trong những ngày họp, các vị Giám Đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo cũng cứu xét và quyết định về việc tài trợ cho các dự án hoạt động của Giáo Hội tại các xứ truyền giáo, dựa trên ngân khoản lạc quyên được tại các nước, nhất là trong dịp Ngày Thế Giới truyền giáo (chúa nhật thứ 3 của tháng 10), lễ Chúa Hiển Linh và một số dịp khác (SD 17-5-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tiểu ban Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013

Tiểu ban Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013

Dự luật mang số hiệu HR 1897 do Dân biểu Chris Smith đề xướng đề ra các biện pháp giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.Dự luật mang số hiệu HR 1897 do Dân biểu Chris Smith đề xướng đề ra các biện pháp giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Tiểu ban nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ ngày 15/5 biểu quyết thông qua Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam 2013.

Dự luật mang số hiệu HR 1897 do dân biểu Chris Smith đề xướng đề ra các biện pháp giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Dân biểu Chris Smith phát biểu:

“Dự luật này ngăn cấm viện trợ không vì mục đích nhân đạo cho Việt Nam trừ phi Hà Nội có những tiến bộ nghiêm túc và đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền bao gồm tôn trọng tự do tôn giáo, thả tù nhân chính trị, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, lập hội, hay tụ tập của công dân, bỏ các điều luật hình sự hóa các tiếng nói bất đồng chính kiến, các hoạt động truyền thông độc lập, hay các cuộc tuần hành ôn hòa, tuân thủ đúng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, tôn trọng nhân quyền của các nhóm thiểu số, có các biện pháp thích đáng kể cả truy tố các quan chức nhà nước để chấm dứt tình trạng buôn người có sự đồng lõa của giới hữu trách.”

Nhắc lại buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm 11/4 về nạn buôn người, tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam, dân biểu Smith nhấn mạnh những gì ghi nhận được cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền căn bản của công dân, đàn áp chính trị và sắc tộc, và có hiện tượng giới chức chính quyền có hành vi đồng lõa với nạn buôn người.

Dân biểu Chris Smith từng vài lần đề nghị Dự luật Nhân quyền Việt Nam và đã được Hạ Viện Mỹ thông qua, nhưng bị chặn lại khi lên đến Thượng Viện.

Một ngày tổng vận động cho nhân quyền Việt Nam sẽ diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 6 tới đây.

Sự kiện này dự kiến quy tụ sự tham dự của hàng trăm người Mỹ gốc Việt từ khắp nơi kéo về trụ sở Quốc hội để yêu cầu áp lực Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền và chấm dứt những sự vi phạm, đàn áp quyền căn bản của công dân.

Trà Mi VOA